PDA

View Full Version : Tranh Thiền Tông



Lão Khoai
15-03-2011, 12:26 PM
Kể từ vị tổ thiền 28 Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (?-528) sang Đông Độ thành sơ tổ thiền Trung Quốc (năm 520, đời vua Lương Võ Đế), thiền đã mọc rễ và lớn mạnh với thông điệp thù thắng: «Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.» Cho đến đời Nam Tống (thế kỷ XII) thiền du nhập vào Nhật Bản. Thiền đã ảnh hưởng tâm hồn hai dân tộc Trung-Nhật suốt bao thế kỷ trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong học thuật.


Vòng tròn viên mãn (tranh Torei Enji, 1721-1801)

http://www.quangduc.com/Thien/61tranhthien-04.jpg

Thế là thiền đã thổi vào nền hội họa truyền thống một luồng sinh khí mới, Cách thể nghiệm thiền «minh tâm kiến tánh» là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Hội họa là một ngôn ngữ phi ngôn ngữ, mà ngôn ngữ hội họa há không thể trực chỉ nhân tâm sao? Rõ ràng có thể xem hội họa là phương tiện thể nghiệm thiền để có thể kiến tánh. Nhưng tôn chỉ của thiền là phi phương tiện (bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền) cho nên phải thể hiện thế nào sao cho hội họa trở thành một thứ phương tiện để có thể tải được tư tưởng ảo diệu thâm mật của Phật giáo? Những đặc điểm nổi bật của thiền họa là sự đơn giản tối đa tưởng chừng phi nghệ thuật, sự hướng nội, sự trống trải đầy gợi ý, sự viên mãn trong bất toàn (như lời Lão Tử: «Đại thành nhược khuyết»), và được thể hiện theo phong các đặc biệt: tiết giảm nét bút và chừa nhiều khoảng trống trên giấy (gọi là bút pháp một góc: one-corner style).




Trúc trong gió (tranh Sengai Gibon, 1750-1837)

http://www.quangduc.com/Thien/61tranhthien-03.jpg

Trong môn họa Trung Quốc có hai loại bút pháp trái ngược nhau: «công bút» và «ý bút», có thể độc dụng hay kiêm dụng trong tranh. «Công bút» là lối vẽ tỉ mỉ công phu trau chuốt từng chi tiết nhỏ. «Ý bút» là bút pháp tả ý chấp nhận màu sắc, nhưng trong thiền họa bút pháp này ly khai màu sắc, chỉ có mực đen giấy trắng mà thôi. Người Nhật gọi là sumiye (mặc hội: vẽ bằng mực đen), Trung Quốc gọi là mặc họa.

«Mặc» tức là mực đen, làm bằng bồ hóng và keo. Bút làm bằng lông các thú như dê, thỏ, chồn, sói và ngậm được nhiều mực. Giấy vẽ là loại giấy cực mỏng, đặc biệt là giấy Tuyên mà ta quen gọi là «xuyến chỉ». Từ đời Tống trở về trước, tranh Trung Quốc chủ yếu dùng lụa. Từ đời Tống về sau, do kỹ thuật làm giấy tinh xảo hơn, bắt đầu xuất hiện giấy Tuyên. Nói chung, vẽ sơn thủy và tả ý chủ yếu dùng giấy; vẽ nhân vật, điểu, hoa chủ yếu dùng lụa để dễ đạt sự tinh vi tỉ mỉ. Nhưng dù lụa hay giấy, cả hai đều là chất liệu lý tưởng vì hút mực dễ dàng. Điểm này khác hẳn lối họa sơn dầu Tây phương.


Tranh của thiền sư Mục Khê (1180-1250), đời Tống

http://www.quangduc.com/Thien/61tranhthien-02.jpg

Một chất liệu mong manh dễ rách như giấy được chọn làm công cụ thể hiện cảm hứng nghệ thuật bởi những cảm hứng này phải được tải đi thật nhanh, nếu ngọn bút dừng lại lâu, giấy sẽ bở rách vì quá ẩm ướt. Đường nét phải vẽ nhanh, tiết giảm tối đa và chỉ thể hiện những gì thật cần thiết mà thôi. Một nét bút phóng ra phải là duy nhất, dù nó thế nào ta cũng không được dậm vá, tô điểm hay sửa chữa. Nó phải tự do, không gò ép, không tẩy xóa hay đồ lại. Người nghệ sĩ cứ để mình trôi đi theo dòng cảm xúc một cách tự nhiên tự phát tuyệt đối. Cánh tay, bàn tay, ngọn bút chính là một tổng thể và dường như có bàn tay vô hình nào đó dẫn dắt đi. Thiền họa dường như thực hiện bởi khả năng phi kiểm soát của người nghệ sĩ, một sự phi kiểm soát đầy khổ luyện. Nếu giữa bút và giấy có xen vào sự suy tư lý luận nào đó, điều này sẽ phá hỏng tác phẩm. Ta sẽ lầm nếu cho rằng bức tranh chỉ là những nét nguệch ngoạc cẩu thả vô lối. Đường nét của thiền họa là cái gì bất toàn, nó bất chấp luật phối cảnh (perspective) và luật vẽ bóng (chiaroscuro) vốn là định luật cơ bản của lối họa Tây phương để dựng hình ba chiều. Điều cốt yếu là cái thần của sự vật phải thể hiện được trên giấy, do đó nét bút phải sống động như là nhịp đập của một sinh thể.


Chăn trâu (tranh Tsuboshima Dohei)

http://www.quangduc.com/Thien/61tranhthien-08.jpg

Lối họa của tranh thiền khác hẳn lối họa sơn dầu Tây phương. Lối họa sơn dầu đòi hỏi một bố cục nghiêm chỉnh có qui tắc và hệ thống. Vải bố, sơn dầu là những chất liệu mạnh mẽ cho phép họa sĩ tẩy xóa, dặm vá, cạo sửa dễ dàng. Lối họa Tây phương ví như tấm vải triết lý hoàn bị mà các sợi chỉ logic của nó đan kết chặt chẽ với nhau. Nó ví như một giáo đường tôn nghiêm mà tường, cột, nền toàn bằng đá tảng rắn chắc. Ngược lại, thiền họa sao mà nghèo nàn, hình thức sao mà sơ sài thô thiển, đường nét sao mà giản ước, chất liệu sao mà mong manh đến vậy. Thế nhưng, người Đông phương chúng ta lại nhìn thấy trong đó một nhịp sống kỳ diệu ẩn tàng sau từng nét, từng chấm, từng mảng đậm nhạt. Đen và trắng tượng trưng cho cặp mâu thuẫn đối đãi gay gắt trong cõi nhị nguyên này. Cõi mà tư tưởng chúng ta chấp trước vào nó: đen/trắng, đúng/sai, thiện/ác, cao/thấp, ngắn/dài, sướng/khổ, đẹp/xấu, có/không, v.v...


Quán Tự Tại

http://www.quangduc.com/Thien/61tranhthien-06.jpg

Thiền là bất nhị pháp môn (non-dualism) đột phá cái thế nhị nguyên đối lập để giải thoát nhân sinh. Tư tưởng nhất nguyên (monism) phá chấp ấy chính là căn bản đạo pháp thiền. Những sắc độ đậm nhạt tượng trưng cho từng mức độ hóa giải, và tất cả những đen trắng đậm nhạt ấy trong từng nét bút đã thể hiện một sự vật nào đó tưởng chừng vô nghĩa như gốc cây, cục đá, cành hoa, con chim trên cành, ngọn lau trĩu tuyết... nhưng lại chuyển tải được sự sống mà không cần giảng giải. Một đoá huệ nở cô đơn hay một cánh sen lay trong gió là hình ảnh sống động của một tâm hồn thuần phác nguyên sơ trong cơn giông tố cuộc đời. Một lá thuyền câu bé nhỏ trên mặt nước mênh mông cho ta ấn tượng sâu sắc hình ảnh biển cả bao la và sự hiện hữu một tâm hồn sâu kín hòa nhập với cuộc sống vĩnh hằng vô ngại giữa nhịp sóng đời dâu biển. Tất cả những kỳ diệu sâu kín này lại tựu thành trong sự dung dị và phi nỗ lực.(st)


Thiền sư nhập định
(tranh Thạch Khác, thế kỷ X)

http://www.quangduc.com/Thien/61tranhthien-07.jpg

PhiHuong
15-03-2011, 05:13 PM
Thưởng lãm hội họa rất khó ! phải có trí tưởng tượng phong phú và thấu đạt cái tình của vạn vật may chăng mới hiểu được.
- Cái bức tranh của thiền sư Mục Khê có thể là, cái gì chưa tròn đầy thì vẫn cần phải tu luyện. ... hì hì ...

Gà làng cờ
15-03-2011, 06:18 PM
Tranh Thiền tông không phải để hiểu bằng cái trí, cái suy luận bác ạ. Mà hiểu bằng trực giác. Cái sự hiểu ấy nó phải đi thẳng vào tâm mà không qua suy luận. Bởi lẽ, sự suy luận của mình chịu ảnh hưởng lớn từ những kiến thức, kinh nghiệm của mình, cảm xúc riêng của mình, trạng thái tâm lý riêng của mình, tất cả những cái đó đều tạo cho mình một cái khuôn thước vô hình, nó ngăn cản không cho mình tiếp nhận bức tranh một cách vô tư, chân thật và trọn vẹn. Tôn chỉ của Thiền tông là phải tẩy sạch những cái khuôn thước ấy khỏi tâm mình trước đã, cho tâm mình thành một cái tâm rỗng không - empty mind, để có thể nhìn nhận sự vật một cách trong sáng, chân thực như nó đang là. Cả người vẽ tranh lẫn người thưởng thức đều phải dùng cái tâm rỗng không ấy.

Bức tranh Thiền tông cũng giống như một công án của Thiền tông, người ngoài nhìn vào hoặc là hiểu, hoặc là không hiểu gì. Các giai thoại thường kể rằng, người tiếp nhận công án nếu không hiểu ngay lập tức thì dẫu có suy luận, tìm đọc kinh điển bao nhiêu cũng không hiểu được, trăn trở bao nhiêu cũng không có chút ánh sáng gì. Rồi bất chợt một lúc nào đó, người ấy bị thầy mình đánh cho một cái, hoặc nghe một tiếng động, hoặc gặp một sự việc nào đó chẳng liên quan gì, thì bỗng nhiên tỉnh ngộ, thấu triệt hết giáo pháp, thì vỗ tay cười ha hả. Đó là cái bí ẩn, cái thú vị của Thiền tông vậy. Nó xa rời mọi thứ logic đời thường của chúng ta. Nếu ai có duyên lành, có căn cơ tốt bỗng nhiên thấu triệt được một công án Thiền, hay một bức tranh Thiền nào đó, thì đó là đại phúc: Chúng ta sẽ có một vị giác ngộ, một vị tổ sư Thiền.

Còn với bức tranh của Thiền sư Mục Khê, em thấy có thể nó chỉ đơn giản là Thiền sư nhìn thấy mấy quả hồng, và...bỗng dưng muốn vẽ, thế là ông vẽ luôn. Chỉ có vậy :D Chiêm ngưỡng cái nội dung của bức tranh ấy không quan trọng bằng chiêm ngưỡng cái tâm không của Thiền sư. Vài lời hứng lên nói mạo muội, chẳng biết là có đúng với tinh thần của Thiền tông hay không :D

Lão Khoai
15-03-2011, 07:06 PM
Món này là ngay nghề bác Gà ,xem ra cũng lặn lội ở Tào Khê lắm đây

PhiHuong
15-03-2011, 07:38 PM
Còn với bức tranh của Thiền sư Mục Khê, em thấy có thể nó chỉ đơn giản là Thiền sư nhìn thấy mấy quả hồng, và...bỗng dưng muốn vẽ, thế là ông vẽ luôn. Chỉ có vậy :D Chiêm ngưỡng cái nội dung của bức tranh ấy không quan trọng bằng chiêm ngưỡng cái tâm không của Thiền sư. Vài lời hứng lên nói mạo muội, chẳng biết là có đúng với tinh thần của Thiền tông hay không :D

Cờ_Gà ơi, đã gọi là tâm không thì còn có cái gì nữa để mà chiêm ngưỡng ?. Phihuong tôi thấy thế này :
Công án là những phương tiện bất chợt được đưa ra trong những sự việc hằng ngày, do bậc Thượng Tri Thức muốn dẫn dắt cái tâm của kẻ học đến gần với đạo, để ngõ hầu bừng tỉnh thông đạt cái lẽ huyền vi của Pháp mà đắc ngộ.
Còn bức tranh thiền thì đã đặt ý răn dạy ở trong, đường hướng tu tập phải như thế, tinh tấn hành trì phải từng bước một qua được cảnh giới này mới sang cảnh giới khác. Đâu lại có thể bỏ giữa chừng mà vượt ngưỡng được.

PhiHuong
16-03-2011, 12:31 AM
hì hì ... Bổ sung thêm thế này :
Lão Cờ_Gà cho rằng thiền sư Mục Khê tùy hứng vẽ ra mấy quả Hồng thì chẳng phải. Đấy chẳng phải quả hồng, chẳng phải quả na cũng chẳng phải quả khế, mà chỉ là quả viên mãn đó thôi. Thế nên thiền sư mới vẽ sáu quả tượng trưng cho lục căn, nhưng quả chưa tròn đầy thì để ở ngoài ý rằng chưa rốt ráo cần phải tu tập thêm nữa vậy.

Lão Khoai
16-03-2011, 03:05 AM
Post bài có bạn bè xuớng họa .Thú vô cùng ! chứ cứ im thin thít như thịt nấu đông ....cũng chán Cám ơn hai bác

Gà làng cờ
16-03-2011, 10:34 AM
Hì hì, bác Phi Hương có kiến giải riêng của bác, và cái này thì trăm người có trăm kiến giải. Nhưng không biết bác có để ý chỗ em viết này không: Chiêm ngưỡng nội dung bức tranh không quan trọng bằng chiêm ngưỡng cái tâm rỗng không của người vẽ tranh. Còn bác hỏi, tâm rỗng không rồi thì làm sao mà chiêm ngưỡng? Nhà thiền thường ví tâm trống không như một tấm gương phẳng lặng, trong sáng, nó sẽ phản chiếu nguyên vẹn những gì đặt phía trước nó.

nhachoaloiviet
16-03-2011, 11:37 AM
Quả thực tuy biết rằng tranh thiền tông có ẩn chứa cái giống như đức tin, cái phi phàm nhưng đến nay tuy đã xem hết cuốn tranh của Nhật nhưng vẫn chưa ngộ được cái gì bác bác ạ. Bác Khoai ơi,em thấy có lẽ thư Pháp còn dễ ngấm hơn. Mong bác có một topic về Khải Thư, Hành thư.

PhiHuong
17-03-2011, 05:34 PM
để có thể nhìn nhận sự vật một cách trong sáng, chân thực như nó đang là. Cả người vẽ tranh lẫn người thưởng thức đều phải dùng cái tâm rỗng không ấy.
:D Chiêm ngưỡng cái nội dung của bức tranh ấy không quan trọng bằng chiêm ngưỡng cái tâm không của Thiền sư. :D

hì hì ... Đúng là trăm người trăm kiến giải ! nhưng dù phải hay không phải cũng lý luận với nhau một chút cho nó khoái.
Phihuong tôi vẫn cho rằng cái tâm trống không chẳng có gì để mà ngắm , cho dù cái tâm của thiền sư Mục Khê trống rỗng thì khi vẽ tranh ông vẫn phải dùng cái tâm hữu thực. Người xem tranh dẫu cái tâm chưa trống rỗng nhưng khi thưởng lãm phải để tĩnh lặng lòng mình mới cảm nhận được.
Thiền đạo lấy cái vô thường để mà thức tỉnh giác ngộ cái hữu thường, chứ lý nào lại đi giáo hóa cái tâm đã trống không rồi. Cũng bởi cái tâm đã trống không thì đâu cần phải đưa ra phương tiện nữa.
Kinh Phật ví cái tâm trống không giống như tấm gương trong sáng phẳng lặng là rất đúng, nhưng không phải để phản chiếu cái ở bên ngoài mà chính cái ở bên ngoài hắt cảnh vào nó vậy.
Bác Cờ_Rất_Gà có biết cái tâm trống rỗng như thế nào không ? ... hehe ... :x

Gà làng cờ
17-03-2011, 08:41 PM
hehe...
Với người thường như em, tâm còn bộn bề tham sân si thì em không thưởng tranh thiền bằng cái tâm rỗng không được. Nhưng mục đích của tranh Thiền, như bác nói, là để giáo hóa người ta, thì cái đích cũng là làm cho cái tâm của người ta thành rỗng không thôi.

Cờ_rất_gà em chưa biết cái tâm rỗng không nó là như thế nào :D Nếu biết, thì em đã là Phật, là Tổ rồi :-H

Lão Khoai
17-03-2011, 09:07 PM
Hai bác luận giải rất thú vị ,một ông không mà có một ông có mà không ,ngôn ngữ trùng trùng hí lộng .Tôi xin nép vào màn the để nghe tiếp

toan2324
17-03-2011, 10:48 PM
Hai bác luận giải rất thú vị ,một ông không mà có một ông có mà không ,ngôn ngữ trùng trùng hí lộng .Tôi xin nép vào màn the để nghe tiếp
Có thêm bác Cờ_Cơm vào đây thảo luận nữa thì món "gân bò" này có khả năng sẽ mềm ra Lão nhỉ. Bác 6789 đâu mà chưa thấy đem "rượu" đến nhỉ :x

PhiHuong
17-03-2011, 10:48 PM
Lão Kủ và Bác Cờ Rất Gà này, cái tâm trống không là Thái Cực vậy. Chính bức tranh đầu tiên vẽ hình tròn viên mãn đấy.
Luận bàn vấn đề này phải có đại đức Cờ Ơm Cơm với chàng Thợ Mộc lắm mưu nhiều kinh nghiệm mới thú vị. @};-

Lão Khoai
17-03-2011, 11:16 PM
Henry Miller có kể một câu chuyện về thiền tông rất thú vị , nhớ đến đâu tâu đến đó góp vui với hai bác
Có kẻ cuớp giết đã 49 người rồi một hôm hối hận tìm thầy tu tập ,thiền sư giao y một cái áo đen bảo mặc vào và cố làm công đức ,khi nào hóa trắng tất đạo đã chuyển hóa thành tựu giác ngộ
Hắn trở về làm không biết bao nhiêu là công đức ,xây chùa đúc tuợng , cứu giúp người nghèo ,mỗi sáng thức dậy nhìn áo vẫn đen ,lòng buồn nhủ thầm Ác nghiệp ta quá nặng
Lại càng ráng sức thêm lên ,đen vẫn hoàn đen
cho đến một ngày đén bìa rừng gặp một kẻ cuớp khác đang dọa giết một người phụ nữ ,lập tức hắn quì lạy van xin tên cướp kia hãy tha cho người đàn bà ấy .Van xin hết lời kẻ cướp kia chẳng đổi ý ,đau đớn hắn nhủ thầm .thôi thì việc thành đạo hay không cũng chẳng có gì quan trọng nữa ,nhưng ngay lúc này chẳng thể để người phụ nữ này mất mạng .Ta đã giết 49 người rồi thêm một người nữa cũng chẳng sao đàng nào cũng thế .Sát khí nổi lên hắn ra tay giết tên cướp kia tức khác
Xong việc hối hận tràn đầy ,cầm dao tìm thầy thú tội .Khi kể lại toàn bộ câu chuyện với lòng đau khổ vô biên ,người thầy chỉ lẳng lặng nói
Nhìn lại chiếc áo đi
Áo đã trắng toát từ khi nào
Tây phuơng xem ra hiểu thiền cũng không kém đông phương các bác nhỉ

Gà làng cờ
17-03-2011, 11:23 PM
Vô forum này được lĩnh hội từ bác Khoai thì nhiều, mà góp vui cùng bác thì chẳng được mấy. Vừa là cái duyên, cũng là cái nợ.

Lão Khoai
18-03-2011, 07:10 AM
Có gì đâu bác Gà có người hàn huyên là quí lắm rồi ,chúng ta bày ra chiếu rượu này cũng bởi sự cô đơn trong đời sống là vô tận .ngay khi sống cạnh người thân cũng hết sức cô đơn đó là tính phận của con người .Chuyến xe luân lạc chở người truân chuyên chỉ ngừng lại khi mình chợt nhận ra phận đời Mỗi ngày trông thấy nhau dù chẳng nói gì , dù chỉ thấy cái nick lập lòe sáng cũng đủ hạnh phúc biết bao !

nhachoaloiviet
22-03-2011, 01:51 PM
Em hôm nào sẽ lấy mấy bài thơ em viết chữ Hán khoe các bác các chú. Em chỉ tự mua sach về luyện thôi,thày giáo và các bạn đều khen là viết đẹp và có sáng tạo,nhưng đó chỉ là cái đẹp cơ bản. Còn khi nào "xấu" được như Trương Húc thì mới phê

Gà làng cờ
22-03-2011, 04:44 PM
Em hôm nào sẽ lấy mấy bài thơ em viết chữ Hán khoe các bác các chú. Em chỉ tự mua sach về luyện thôi,thày giáo và các bạn đều khen là viết đẹp và có sáng tạo,nhưng đó chỉ là cái đẹp cơ bản. Còn khi nào "xấu" được như Trương Húc thì mới phê

Hay! Chỉ biết viết được cho đẹp thôi thì chưa phải là thật đẹp. Biết cả viết xấu nữa thì là đẹp hoàn hảo.

Lão Khoai
22-03-2011, 09:30 PM
Hay! Chỉ biết viết được cho đẹp thôi thì chưa phải là thật đẹp. Biết cả viết xấu nữa thì là đẹp hoàn hảo.

Nếu biết đuợc cả cái chỗ này thì đã thông suốt nhẽ Đạo rồi bác ạ