Sir Daso
16-03-2011, 10:34 AM
Đọc bài Thú vui của chồng (Thanh Niên ngày 2.3), tôi như gặp được “đồng minh”, bởi trước đây tôi tưởng chỉ có mình mới “kẹt” vào thế trận cờ tướng của chồng.
Hồi chưa lấy nhau, tôi không biết rằng chồng mình rất mê cờ tướng. Sau này mới biết, anh “học sách” của ba anh. Vì có lần tôi nghe gia đình anh kể lại, hồi trẻ, ba anh cũng rất say cờ, thường xuyên đấu với mấy ông hàng xóm, lắm lần mẹ chồng tôi giận quăng bộ cờ vô bếp, thậm chí chẻ cả mâm cờ… Nhưng rồi chẳng ăn thua nên “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”. Dù sao thì chồng tôi cũng như ba chồng, mê cờ nhưng không đỏ đen với cờ, không tham gia cá độ hay đánh cờ ăn tiền; thi thoảng chỉ cá chầu cà phê cho sôi nổi thế thôi.
1.001 chuyện mê cờ
Mê cờ, nhiều lần anh chở tôi đi chợ rồi vô quán ngồi xem người ta đánh cờ, đến chừng giật mình thấy trưa thì lật đật chạy ra chợ tìm tôi, hóa ra tôi đã lếch thếch xách đồ đi bộ về nhà rồi. Có khi gặp bạn tới chơi, thay vì hàn huyên, chuyện trò, hai người lại xách bàn cờ ra tỷ thí với nhau. Gặp bạn vui tính thì không sao - dù cũng tranh luận ầm cả nhà - nhưng gặp bạn có máu ăn thua thì tưởng như hai ông sắp đánh lộn nhau vậy!
Mê cờ, anh còn muốn “truyền nghề” cho đứa con gái mới 5 tuổi. Lắm bữa, chưa mua được đồ chơi mới, anh đem bộ cờ ra dạy con, nào là “con pháo thì có cái ngoéo như ngón tay ngoéo lại”, “con mã thì giống như bàn tay nắm lại”, “con sĩ thì đi theo đường gạch chéo”, “con tốt thì chỉ đi từng ô một”... Có lẽ con gái có gen giống tôi nên được ba nó dạy khá lâu mà chưa chơi được, chỉ biết đi quân sĩ “xéo lên xéo xuống”. Vậy mà khi ba nó chơi cờ với bạn, nó cũng ngồi một bên, chờ ba ăn được con nào thì đem ra... đếm!
Mê cờ, anh sưu tầm trên mạng những phần mềm đánh cờ rồi chơi với máy tính. Chán chơi offline, anh chơi online. Tôi không biết sức cờ anh tới đâu nhưng xem ra hình như anh có khá nhiều nick, trong đó có một số nick lấy tên tôi, tên con gái (không biết có nick nào lấy tên người yêu cũ không), rồi tự nhận mình là “cô nương” mê cờ, cũng chát chít linh tinh. Có lần, tôi nghe anh kể đã “làm quen” với một anh chàng tận bên Mỹ, đang đi du học. Anh “nói dóc” mới 19 tuổi, đang là sinh viên… Không chỉ vậy, hai người còn gửi e-mail qua lại. Lâu lâu thấy anh phá lên cười, hỏi ra mới biết anh nói với “thằng kia” là vừa đi chơi với bạn trai về nên hắn… ghen! Có khi anh giả làm một cô gái người Trung Quốc đang sống ở Pháp, đem hết vốn liếng tiếng Pháp, tiếng Hoa ra “nổ” khiến các bạn cờ tưởng thiệt. Ngoài ra còn vô số chuyện chơi cờ, cãi nhau, tán nhau mà anh cũng rất hay thật thà kể cho tôi nghe.
Mê cờ, anh còn đem cái mê này cho cậu em rể. Lâu lâu gặp nhau, thay vì hỏi han, chuyện trò, anh em lại “sắp mâm” tranh tài cao thấp. Có khi lôi chú em út và cả ông nội sắp nhỏ vào cuộc. Thế là cả nhà chia thành hai phe, vừa đánh cờ vừa đấu “võ mồm” ầm ĩ.
Không khỏi phiền toái
Mê cờ, đôi lúc anh làm gia đình có lắm phiền toái. Có lần con gái đi bô xong, kêu “ba ơi, ba hỡi” mãi mà không thấy ba đi “giải quyết”, trong khi tôi thì đang dở tay giặt đồ. Tới chừng con bật khóc thì mới thấy anh gọi: “Em đi xử lý đi, anh đang chiến đấu!”. Tôi giận run nhưng cũng phải làm thinh. Hồi lâu sau chơi xong, anh mới bảo: “Đang đánh cờ nhanh, quyết liệt lắm. Bỏ đi là hết giờ, bị xử thua đó!”. Mới đây, khi con gái đã tập viết chữ, anh lại ngồi gần bên chơi cờ. Tôi nghe rõ có tiếng ầm ầm từ máy tính, liếc mắt nhìn thì thấy hình như anh đang chơi trên mạng, cứ mỗi lần ăn quân thì có tiếng động đùng đùng. Con gái nhăn nhó bảo: “Ba chơi ồn quá con không học được!”. Anh không dám quát con mà chỉ “năn nỉ”: “Cho ba chơi chút xíu nữa, sắp thắng rồi!” Nhưng rồi cả nửa tiếng sau mới thấy anh tắt máy, lúc đó thì con gái chán học bỏ đi chơi mất rồi…
Tôi nghe nói đàn ông hay vướng vào “tứ đổ tường” là cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút xách. Kể ra tôi cũng còn may vì (đến giờ) chỉ thấy chồng mê mỗi môn cờ tướng. Dù là chơi môn trí tuệ để rèn luyện trí óc nhưng cái gì mê quá cũng không tốt, ngay như việc ngồi hằng giờ trước máy vi tính thì vừa hại mắt vừa ảnh hưởng đến cột sống rồi. Nhưng lắm lúc tôi cũng tự an ủi: chồng tôi biết chơi cờ, lại biết làm thơ thì đã làm được một nửa của người quân tử rồi, đâu cần phải biết đủ 4 món cầm, kỳ, thi, họa!
Hồi chưa lấy nhau, tôi không biết rằng chồng mình rất mê cờ tướng. Sau này mới biết, anh “học sách” của ba anh. Vì có lần tôi nghe gia đình anh kể lại, hồi trẻ, ba anh cũng rất say cờ, thường xuyên đấu với mấy ông hàng xóm, lắm lần mẹ chồng tôi giận quăng bộ cờ vô bếp, thậm chí chẻ cả mâm cờ… Nhưng rồi chẳng ăn thua nên “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”. Dù sao thì chồng tôi cũng như ba chồng, mê cờ nhưng không đỏ đen với cờ, không tham gia cá độ hay đánh cờ ăn tiền; thi thoảng chỉ cá chầu cà phê cho sôi nổi thế thôi.
1.001 chuyện mê cờ
Mê cờ, nhiều lần anh chở tôi đi chợ rồi vô quán ngồi xem người ta đánh cờ, đến chừng giật mình thấy trưa thì lật đật chạy ra chợ tìm tôi, hóa ra tôi đã lếch thếch xách đồ đi bộ về nhà rồi. Có khi gặp bạn tới chơi, thay vì hàn huyên, chuyện trò, hai người lại xách bàn cờ ra tỷ thí với nhau. Gặp bạn vui tính thì không sao - dù cũng tranh luận ầm cả nhà - nhưng gặp bạn có máu ăn thua thì tưởng như hai ông sắp đánh lộn nhau vậy!
Mê cờ, anh còn muốn “truyền nghề” cho đứa con gái mới 5 tuổi. Lắm bữa, chưa mua được đồ chơi mới, anh đem bộ cờ ra dạy con, nào là “con pháo thì có cái ngoéo như ngón tay ngoéo lại”, “con mã thì giống như bàn tay nắm lại”, “con sĩ thì đi theo đường gạch chéo”, “con tốt thì chỉ đi từng ô một”... Có lẽ con gái có gen giống tôi nên được ba nó dạy khá lâu mà chưa chơi được, chỉ biết đi quân sĩ “xéo lên xéo xuống”. Vậy mà khi ba nó chơi cờ với bạn, nó cũng ngồi một bên, chờ ba ăn được con nào thì đem ra... đếm!
Mê cờ, anh sưu tầm trên mạng những phần mềm đánh cờ rồi chơi với máy tính. Chán chơi offline, anh chơi online. Tôi không biết sức cờ anh tới đâu nhưng xem ra hình như anh có khá nhiều nick, trong đó có một số nick lấy tên tôi, tên con gái (không biết có nick nào lấy tên người yêu cũ không), rồi tự nhận mình là “cô nương” mê cờ, cũng chát chít linh tinh. Có lần, tôi nghe anh kể đã “làm quen” với một anh chàng tận bên Mỹ, đang đi du học. Anh “nói dóc” mới 19 tuổi, đang là sinh viên… Không chỉ vậy, hai người còn gửi e-mail qua lại. Lâu lâu thấy anh phá lên cười, hỏi ra mới biết anh nói với “thằng kia” là vừa đi chơi với bạn trai về nên hắn… ghen! Có khi anh giả làm một cô gái người Trung Quốc đang sống ở Pháp, đem hết vốn liếng tiếng Pháp, tiếng Hoa ra “nổ” khiến các bạn cờ tưởng thiệt. Ngoài ra còn vô số chuyện chơi cờ, cãi nhau, tán nhau mà anh cũng rất hay thật thà kể cho tôi nghe.
Mê cờ, anh còn đem cái mê này cho cậu em rể. Lâu lâu gặp nhau, thay vì hỏi han, chuyện trò, anh em lại “sắp mâm” tranh tài cao thấp. Có khi lôi chú em út và cả ông nội sắp nhỏ vào cuộc. Thế là cả nhà chia thành hai phe, vừa đánh cờ vừa đấu “võ mồm” ầm ĩ.
Không khỏi phiền toái
Mê cờ, đôi lúc anh làm gia đình có lắm phiền toái. Có lần con gái đi bô xong, kêu “ba ơi, ba hỡi” mãi mà không thấy ba đi “giải quyết”, trong khi tôi thì đang dở tay giặt đồ. Tới chừng con bật khóc thì mới thấy anh gọi: “Em đi xử lý đi, anh đang chiến đấu!”. Tôi giận run nhưng cũng phải làm thinh. Hồi lâu sau chơi xong, anh mới bảo: “Đang đánh cờ nhanh, quyết liệt lắm. Bỏ đi là hết giờ, bị xử thua đó!”. Mới đây, khi con gái đã tập viết chữ, anh lại ngồi gần bên chơi cờ. Tôi nghe rõ có tiếng ầm ầm từ máy tính, liếc mắt nhìn thì thấy hình như anh đang chơi trên mạng, cứ mỗi lần ăn quân thì có tiếng động đùng đùng. Con gái nhăn nhó bảo: “Ba chơi ồn quá con không học được!”. Anh không dám quát con mà chỉ “năn nỉ”: “Cho ba chơi chút xíu nữa, sắp thắng rồi!” Nhưng rồi cả nửa tiếng sau mới thấy anh tắt máy, lúc đó thì con gái chán học bỏ đi chơi mất rồi…
Tôi nghe nói đàn ông hay vướng vào “tứ đổ tường” là cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút xách. Kể ra tôi cũng còn may vì (đến giờ) chỉ thấy chồng mê mỗi môn cờ tướng. Dù là chơi môn trí tuệ để rèn luyện trí óc nhưng cái gì mê quá cũng không tốt, ngay như việc ngồi hằng giờ trước máy vi tính thì vừa hại mắt vừa ảnh hưởng đến cột sống rồi. Nhưng lắm lúc tôi cũng tự an ủi: chồng tôi biết chơi cờ, lại biết làm thơ thì đã làm được một nửa của người quân tử rồi, đâu cần phải biết đủ 4 món cầm, kỳ, thi, họa!