PDA

View Full Version : Hóc môn, bà điểm với 18 thôn vườn trầu



dohuuthuc
21-03-2011, 10:43 PM
HÓC MÔN, BÀ ĐIỂM VỚI 18 THÔN VƯỜN TRẦU

Địa danh Hóc Môn, cho tới nay vẫn còn nhiều ý kiến giải nghĩa khác nhau. Theo cách hiểu thông thường, người ta nói:"Hóc là chỗ xa xôi vắng vẻ (như ‘hóc bà tó’) có nhiều cây môn nước mọc". Nhà văn Lê Trung Hoa trong tiểu luận phó tiến sĩ văn chương có cách giải thích khác: "Hóc là cổ ngữ, có nghĩa là dòng nước nhỏ. Hóc đồng nghĩa với ‘hói’ để chỉ nơi đấy sâu lõm xuống thành bãi dài có nước đọng".
Theo một vị cao niên là cụ Lương Văn Nên (1857-1937) ở Hóc Môn kể lại rằng:"Cách nay trên 100 năm, Hóc Môn là một khu rừng đất cao, có nhiều cọp và thú dữ. Ban đêm chúng thường ra con rạch ở gần chợ Hóc Môn ngày nay uống nước". Lời kể ấy củng cố giả thuyết: "Hóc Môn là dòng nước nhỏ, có mọc nhiều cây môn nước". Tưởng cũng cần nói thêm về cây môn nước. Môn là loai cây thân cao như cây bạc hà, lá lớn trên ngọn, mọc theo chỗ trũng hoặc bờ sông, bờ ruộng có nước. Có hai loại môn: Môn ngọt ở chính giữa lá có chấm đỏ, có thể xào thịt ăn, hoặc làm dưa giống như dưa cải hay dưa mái dầm. Còn môn ngứa chỉ dùng lá gói đường, đậu mà thôi. Hóc Môn nằm phía Bắc Sài Gòn.
Từ Phú Nhuận có đường cái quan đi lên Bà Điểm, Hóc Môn, Trảng bàng, cho tới Tây Ninh và biên giới Cam Bốt. Con đường này do Lê Văn Duyệt trong lúc làm Tổng Trấn Gia Định thành, chỉ huy dân phu đắp. Về sau Pháp mở rộng lên Gò Dầu gọi là quốc lộ số 1. Khi người từ miền ngoài tới, Hóc Môn còn là rừng rậm. Họ phải chặt cây làm chỗ trồng trọt, rồi làm ruộng, rẫy. Dần dần nơi đây có thôn ấp. Sản phẩm được trồng nhiều nhất vùng Hóc Môn Bà Điểm là cau, trầu để ăn kèm với thuốc trồng rất nhiều ở Gò Vấp. Thuốc ở Gò Vấp nổi danh khắp Nam Kỳ một thời gọi là thuốc Gò. Trầu , cau Hóc Môn Bà Điểm cũng nổi danh khắp miền Đông.
Thuở đó, trầu, cau, thuốc lá rất cần thiết hằng ngày, vừa để ăn, vừa dùng trong việc xã giao. "Miếng trầu là đầu câu chuyện", điều đó chứng tỏ trầu,cau, thuốc là món hàng rất có giá trị. Trầu là loại dây leo, phải cắm nọc cho nó bò lên. Hồi cuối thế kỷ 19, ở đây có một cái chợ chuyên môn bán nọc để trồng trầu, do ghe xuồng từ các nơi chở đến. Chợ đó là xã Tân Thới Nhì, có chợ Bến Nọc. Trầu và cau phải trồng lên liếp , nhưng không xẻ mương như ở miền giữa sông Tiền và sông Hậu, vì ở đây đất cao, chỉ có thể đào giếng lấy nước tưới mà thôi. Thị trường tiêu thụ trầu cau là chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu.
Mấy thập niên cuối của thế kỷ 19, dân chúng Bà Điểm, Hóc Môn thường gánh trầu xuống Gia Định bán. Họ đi thành đoàn hai, ba chục người để khỏi bị cọp vồ. Những năm sau đó, có xe ngựa chở trầu, cau và đồ hàng bông xuống bán ở Sài Gòn. Những ai từng cư ngụ trên đường Lê Văn Duyệt hồi những năm đó chắc sáng sớm sẽ bị đánh thức bởi tiếng vó ngựa lọc cọc trên mặt đường, hoặc tiếng xe bò cót két của người Hóc Môn, Bà Điểm chở trầu cau và đồ hàng bông xuống chợ. Vùng này , theo sách cổ, có đến 18 thôn chuyên canh trầu cau, nên gọi là "Thập bát phù viên", tức 18 thôn vườn trầu.
Theo bản án của Toà Án Gia Định xử vụ Quản Hớn khởi nghĩa, giết vợ chồng Đốc Phủ Ca, có kể tên 18 thôn liên hệ phải bồi thường số tài sản thiệt hại do cuộc khởi nghĩa này gây ra. Các thôn đó là:
1. Bình Hưng
2. Vĩnh Lộc
. Tân Thới Thượng
4. Tân Đông Thượng
5. Trung Chánh (Quán Tre)
6. Tân Thông Tân
7. Tân Thông Tây
8. Tân Thới Tam
9. Tân Thới Nhì
10. Tân Thới Tứ
11. Tân Đông
12. Tân Thành
13. Tân Đông Trung
14. Xuân Hoá
15. Bình Hưng Đông
16. Bình Nhạn
17. Mỹ Hạnh
Hóc Môn là nơi hội tụ của những cuộc đời tao loạn miền Ngoài, tìm đến cuộc đất mới ấm no. Họ lập thành làng xóm trong cùng chung một hoàn cảnh, tạo ra một sắc thái riêng biệt của con người Hóc Môn: Giàu nghĩa khí (Nguyễn An Khuơng, Nguyễn An Cư, Nguyễn An Ninh), giàu lòng yêu nước như Phan Công Hớn, Nguyễn Văn Quá. Trong quá trình hình thành Hóc Môn, Bà Điểm, ban đầu họ lập các thôn xóm như Cây Lài, Bàu Xiêm…rồi dần xuống Hóc Môn, Bà Điểm, trở lên Củ Chi…
Năm 1982, tôi có lần lên thăm người bạn ở Suối Đá, tức quận lỵ của một quận mới: Dương Minh Châu. Đang lúc đó mùa khô, có phong trào làm thủy lợi, đắp con đê vòng quanh lòng hồ của đập Trị An. Sáu tỉnh xung quanh Sài Gòn đều phải gởi người đến làm sưu, tự túc cơm gạo. Bạn tôi kể, có một lần vào giờ giải lao, một người dân Hóc Môn vừa đốt điếu thuốc, nhả khói lên trời rồi ra câu đối:
“Trai Hóc Môn vừa hôn vừa móc”.
Lập tức bên cạnh có người đáp lại:
“Gái Gò Công vừa gồng vừa co”
Dưới thời Gia Long (1802-1820), Hóc Môn là lỵ sở của huyện Bình Dương. Phạm vi huyện này lan rộng xuống tới Sài Gòn, và cả huyện Cần Giờ ngày nay. Hồi đàng cưụ, Trần Tử Ca (1823-1885) làm xã trưởng Hạnh Thông tới Gò Vấp. Sau Ca được thăng làm phó tổng Dương Hoà Thượng. Ban đầu Trần Tử Ca là một phú hộ, nhờ có chút ít học vấn nên được cử làm xã trưởng Hạnh Thông, chớ không phải là người xuất thân khoa bảng. Hồi đó Trần Tử Ca chưa theo đạo Thiên Chúa.
Năm 1860, đồn Chí Hoà bị hạ. Pháp chiếm luôn các vùng lân cận như Hóc Môn, Trảng Bàng, Tây Ninh. Lúc đó huyện Bình Dương còn dưới quyền tri phủ Hồ Huân Nghiệp, đang chỉ huy nghĩa quân kháng chiến. Đến năm 1865, Hồ Huân Nghiệp bị bắt và đem hành hình tại Phú Thọ rồi tri huyện Lưu Đình Lễ ở Hóc Môn cũng bỏ chạy. Pháp cử tên Lucien de Grammond lên trấn nhậm Hóc Môn. Tên nầy có râu quai nón, rất dài, mỗi khi giận, hắn nhai râu “trạo trạo”, dân chúng gọi là “ông nhai râu”. Trần Tử Ca dẫn vài tên nghĩa quân ra hàng để chuộc tội. Pháp cần người bản xứ ra cộng tác , nên thâu dụng Ca, cho hắn cai trị Hóc Môn, báo cáo tình hình và giữ an ninh. Thấy Ca khôn ngoan lanh lợi, thạo đường đi nước bước, Pháp cho Trần Tử ca dẫn đường để chúng đi kinh lý các tỉnh miền Tây. Tháng tám năm 1867, Ca cùng Giám Đốc Nội Vụ Paulin Vial xuống tàu ở Gò Công, bắt đầu xuống Bến Tre. Tình hình ở đây cũng mới tạm yên. Rồi họ xuống Trà Vinh, quân Pháp còn giao tranh với nghĩa quân tại Cầu Nang. Tên chỉ huy ở đây đã báo cáo:”Có làng tất cả dân chúng đều theo nghĩa quân.” Sau đó phái đoàn Pháp xuống Sốc Trăng, lên Rạch Giá, Long Xuyên. Chuyến đi thị sát vùng mới chiếm cho Pháp có ý niệm vững chắc về tình hình mấy tỉnh miền Tây cũng như địa thế của nó. Khi về, để củng cố lòng tin cậy của Pháp, gia đình Ca xin rửa tội theo đạo Công Giáo. Thấy địa vị khá vững, Ca bắt đầu công việc làm ăn của mình. Trong lúc tình hình vùng mới bình định chưa hoàn toàn yên ổn. Ca tìm những gia đình giàu có bắt bớ để tra khảo vì nghĩ họ giúp đỡ tiền bạc cho nghĩa quân. Bắt họ, có lợi trước mắt là khi đánh đập, gia đình sẽ đem tiền đến chuộc. Mặt khác Ca lo củng cố an ninh, kiểm soát dân cư cựu trào, phân loại theo thành tích mà hắn biết rõ trước đây. Thấy Ca làm được việc, Pháp cho Ca giữ chức Phó tổng lúc trước. Hồi năm 1983, có một lần ăn cơm trong một gia đình ở Chợ Lớn, tôi được nghe một vị bô lão, năm đó 81 tuổi, nhắc chuyện xưa về Phủ Ca:"Phủ Ca là người khôn ngoan, có lối làm việc theo kiểu đàng cựu. Mỗi lần bắt nạn nhân để khảo của, hắn vừa uống trà vừa hỏi cung, để cho dân chúng bu xung quanh xem. Mỗi khi nạn nhân bị đánh đập tàn nhẫn, rên la, thân nhân đứng bên ngoài cũng đau đớn, xin đem tiền đến nạp để cứu người thân. Nhiều người quá nghèo, nhưng vì thương chồng, con, phải bán nhà cửa, trâu, heo đến chuộc mạng, rồi sau đó bỏ làng trốn đi. Với phương pháp này, Ca làm giàu nhanh chóng, cất nhà gạch ở chợ Hóc Môn đầu tiên."
Một nho sĩ xu nịnh lúc bấy giờ đã mô tả hình dung Phủ Ca như sau:
"Ca thường bịt khăn nhiễu điều tứ cú, mặc áo lót song khai. Trấn nhậm tại xứ Hóc Môn, tục danh Mười Tám Thôn Vườn Trầu. Đang thuở ấy, bốn phía xứ Hóc Môn, nhân dân phong tục nhiều người ngang ngạnh, phần thì liền với Trảng Bàng, đất gò rộng minh mông vô hạn, quân giặc giã, trộm cướp hay quần tụ ra vào."
Dựa thế lực của chồng, vợ Ca cũng tác quái nhiều việc. Bà độc quyền mua trầu cau rồi dùng xe bò chở xuống Gia Định bán. Bà còn sắp xếp việc mua bán trong chợ Cầu. Trước đó ở đây có chợ Bến Nọc. Năm 1871, Ca được thăng tri huyện, thế lực càng lớn, dân chúng nơm nớp lo sợ, coi ông như cọp. Đến năm 1879, Ca được thăng đốc phủ sứ, mở tiệc ăn mừng bắt quan làng, dân chúng đóng góp. Năm đó, Ca cất dinh quận, bắt dân phu phục dịch cả năm trời như tội nhân lao động khổ sai. Bà vợ, để mở mang công việc làm ăn, cũng cho cất mới ở tại chỗ Chợ Cầu bây giờ. Chỗ đó về sau, dân địa phương gọi là "Chợ Quan Lớn Ca". Trước bữa khai thị hai hôm, Ca cho dán bố cáo:
"Mốt tới, coi chợ mới, tốt"
Sáng sớm hôm sau, bên cạnh thông cáo đó, có một câu đáp của một sĩ phu, chơi xỏ Ca:
"Mai lên thấy con Mên" (Miên lai)
Hồi trước ở trong Nam, người Việt sống chung đụng với người Miên nhưng kỳ thị họ, coi họ kém văn minh. Khi nói đến "Cao Mên, Con Mên…" là có ý nghĩa khinh khi họ.

CUỘC KHỞI NGHĨA 30 TẾT
Vợ chồng Ca là người vừa tham vừa tàn ác. Sẵn quyền lực, được Pháp tin cậy, Ca không từ chối bất cứ biện pháp làm tiền dã man nào. Giữa thập niên 1880, dân chúng Hóc Môn trải qua những giấc mơ hãi hùng. Lúc nào họ cũng bị ám ảnh bởi :”nửa đêm thúc thuế trống dồn”. Bài “Vè Quản Hớn” nói lên tình cảnh ấy:
“Đêm năm canh giấc ngủ chẳng an
Ngày sáu khắc, lo xâu cùng thuế (1)
Qua năm Dậu (1885) gẫm âu quá tệ,
Khổ người dân như khúc gỗ tròn …”
(1) xâu : tức là sưu, hình thức đóng thuế bằng cách ra sức làm những công việc nặng nhọc như đắp đường, làm cầu, cất dinh…không được trả công.
Qua bốn câu đó, ta thấy tình hình bất mãn lên đến cực điểm vào cuối năm 1884. Hổ phụ sinh hổ tử. Hai người con của Phủ Ca cũng là những tên cường hào ác bá. Một tên gọI là Phủ Luông vừa gian ác, vừa hiếu sắc. Một tay hắn phá nát không biết bao nhiêu gái trinh tiết.
“Thêm công tử Phủ Luông mỹ hiệu,
Bởi bội ước hồn phi yểu yểu…”
Trong “Vè Quản Hớn”, dân gian dị nghị hai người con Phủ Ca như sau:
“Hai chàng con đốc phủ Ca,
“Xóm làng bắt hết, khảo tra sự tình”
“Ai ai đều cũng thất kinh,
“Trẻ già lo sợ như hình cò ma.”
"Ngỡ là con trả thù cha,
"Nào hay bán máu, đổi ra bạc tiền.
"Làm oai: kẻ trói, người xiềng,
"Dẫn về trường bố, cho liền cửa quan"
"Ai mà muốn chối tai nàn,
"Bạc cây đem nộp, mới an thân mình.
"Kẻ làm thì dạ ưng tình,
"người không cũng bắt, hành hình dữ thay.
"Kẻ thì kết án lưu đày.
"người thì chém giết xứ này Hóc Môn"
Bài "Vè Quản Hớn" đã tố cáo hành vi tàn ác của hai người con Trần Tử Ca. Tuy không giữ chức vụ gì, nhưng dựa lịnh cha, họ cũng bắt người tra tấn để khảo của , bất luận oan hay ưng. Ngoài ra, theo lịnh Pháp hồi đó, dân chúng đóng thuế dầu phộng để đốt đèn. Theo lịnh Ca, dân nạp dầu phộng nhiều, Ca cho lính ép lấy dầu, giữ lại một phần lớn, còn ít thì nạp vào kho. Tiếng dữ được loan truyền trong dân chúng:
"Dân bần tiện lòng kia chẳng tưởng,
"Ép lấy dầu nộp thiểu , thâu đa…"
Bao nhiêu tiền của, do công lao, sức lực của dân nghèo, gia đình Ca đều tóm thâu gần hết. Gặp cảnh khổ của người dân, Ca cũng không động lòng. Trong lúc mọi người oán hận Ca thì Ca thản nhiên tổ chức lễ mừng lục tuần rình rang, bắt lính tráng, dân phu phục dịch suốt tuần lễ. Để giúp vui, Ca cho tổ chức đua ngựa, rước gánh hát bội về diễn , nhưng dân chúng phải góp tiền để trả. Các hương chức hội tề chia nhau gánh vác, đóng góp vàng lụa "mừng quan"
"…Khai lục tuần địch thể giá vua,
"Theo tân trào phá miếu đốt chùa"
gây thêm khích động. Một người có tâm huyết, đứng về phía dân chúng là Phan Công Hớn tục gọi là Quản Hớn, đang coi việc an ninh trong làng. Hớn cùng Nguyễn Văn Quá âm thầm chuẩn bị gươm, dao, mác và bí mật chiêu tập một số nghĩa quân chờ cơ hội. Dân chúng quá bất mãn vì bị bóc lột tàn nhẫn nên họ theo Quản Hớn rất nhiều. Như thường lệ, những ngày giáp Tết Ất Dậu (1885), người tụ tập ngoài đường, nơi vắng vẻ, luyện tập. Chiều 30 Tết, trong khi mỗi gia đình lo cơm nước, rước ông bà, quét dọn nhà cửa sạch sẽ , tươm tất. Gần đến giờ Giao Thừa, giờ phút thiêng liêng mà mọi người đang trông đợi như chậm lại. Nhà nhà đều mở cửa. Trên mỗi bàn thờ, đèn, nhang nghi ngút, sáng trưng. Bỗng môt hồi mõ hiệu lịnh nổi lên:
-Có biến động! Mõ hồi một!
Nhiều nhà hốt hoảng. Cửa đóng. Đèn tắt. Ngoài đường, tiếng chân người chạy sầm sập. Chỉ phút chốc, một đoàn người cầm đuốc, gươm dáo vừa tiến về dinh quận Hóc Môn, vừa la ó:"Giết Phủ Ca", "Chặt đầu vợ chồng Phủ Ca"!
Rồi quân khởi nghĩa chia nhiều tốp, vừa phá cổng, vừa bắn giết nhóm giữ cửa, trong khi các nhóm khác leo tường lọt vào bên trong. Hồn phi phách tán, vợ chồng Phủ Ca bị nghĩa quân bắt trói trước sân đình quận. Phẫn uất, chúng liền chặt đầu, rồi sau đó đem bêu phơi trước dinh quận. Quân khởi nghĩa dưới quyền lãnh đạo của Quản Hớn thành công như nước vỡ bờ. Bao nhiêu thù ghét được dịp bùng nổ. Họ đốt phá, bắn giết những người trong gia đình Phủ Ca. Chỉ một vài người đàn bà, con nhỏ, gia nhơn chạy thoát được.
Sáng mùng một Tết, dân chúng Hóc Môn ăn mừng. Tết rất lớn. Họ đem bánh tét, trà, thuốc đãi nghĩa quân, rồi reo hò . Trong khi đó, Quản Hớn vẫn chia quân phòng thủ. Khoảng 3 giờ chiều, toán quân tiếp viện đầu tiên tới. Họ giao tranh với nghĩa quân, nhưng không chiếm lại được dinh quận, vì họ cố thủ. Rồi quân Pháp từ Gia Định kéo lên, vây bốn mặt. Đi tới đâu, quân Pháp bắn giết tới đó để dằn mặt. Dân chúng bắt đầu bỏ nhà chạy trốn vào rừng. Tuy quân số đông, nhưng chỉ là ô hợp, họ chiến đấu vì sự phẫn nộ lâu ngày như phá vỡ sự đè nén, chớ không biết cách chiến đấu. Lại nữa, súng đạn ít, gươm, dao không thể đương đầu với võ khí của Pháp nên cuộc chiến đấu chậm dần. Một số người bị thương, tử trận, một số bỏ trốn. Giặc Pháp kéo vô dinh quận bắt được Quản Hớn, Nguyễn Văn Quá, và hơn hai mươi người còn lại. Cuộc khởi nghĩa đã bị dẹp rất nhanh chóng.
Trước đó chừng mười hôm, Đề Bường (Nguyễn Văn Bường) cũng chuẩn bị khởi nghĩa ở Phú Nhuận. Ý định của Đề Bường là tấn công chợ Xã Tài (Phú Nhuận) rồi kéo sang đốt chợ Đất Hộ (Đa Kao), liên lạc với nghĩa quân Hóc Môn để họ tiếp trợ. Đề Bường cho người liên lạc với một nhóm tù bị giam tại khám lớn, hẹn đến đêm đó nổi lửa đốt khám, nghĩa quân sẽ đến giải cứu. Tuy nhiên khám vẫn nổi lửa đốt lên đúng hẹn, làm cho Pháp bỏ chạy , nhưng đợi mãi không có quân đến tiếp cứu vì Đề Bường đã bị bắt trước khi ra tay. Thế là cuộc khởi nghĩa của Đề Bường chỉ gây được tiếng vang mà thôi.
Mặc dầu không có sự liên lạc, nhưng trước cuộc khởi nghĩa Hóc Môn, nghĩa quân ám sát tên Trần Bá Hựu, chủ quận Long Thành, em ruột của Tổng Đốc Trần Bá Lộc, khiến người Pháp có cảm tưởng rằng "phong trào Cần Vương lan rộng vào Nam", làm cho họ ráo riết chuẩn bị đối phó. Ngoài ra ở làng Long Hội, giáp ranh giữa Mỹ Tho và Gò Công, có Nguyên Soái Hiền, phó Nguyên Soái Trần Công Chánh, cũng chiêu tập được hàng trăm người , đồng loạt nổi lên phá nhà việc làng. Họ kêu gọi dân chúng cùng đứng lên giết giặc. Cũng như nhiều nơi khác, nghĩa quân chỉ chiến đấu với lòng căm thù, nhưng thiếu tổ chức và võ khí, nên bị đàn áp nhanh chóng. Trong việc đem quân trở lại Long Hưng, Pháp bị chết mấy người lính làm cho họ càng thêm dã man, gặp ai nghi ngờ, chúng giết lập tức. Cuối cùng, những người cầm đầu như Nguyên Soái Hiền, Phó Nguyên Soái Trần Công Chánh đều sa vào tay giặc. Trước phong trào chống Pháp lên cao, Thống Đốc Nam Kỳ dùng biện pháp phạt tiền nguyên cả làng đó vì đã "chứa chấp bọn phiến loạn."
HẬU QUẢ:
Sau tất cả các biến cố đó, tỉnh Gia Định bị giới nghiêm vào ban đêm hàng tháng trời. Pháp áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát an ninh, dập tắt các phong trào mới nhen nhúm. Những vụ khởi nghĩa nầy, Pháp đều đưa ra xử tại toà án Bình Hoà, Gia Định. Hồi đó, hạt Sài Gòn còn gồm luôn Gia Định. Từ năm 1875, dinh tham biện (Toà Bố) đặt tại làng Bình Hoà, nên gọi hạt Bình Hoà. Đối với người Pháp, họ rất khó phân biệt giữa "Bình Hoà" và "Biên Hoà" nên họ đổi ra Gia Định cho khỏi nhầm lẫn. Từ năm 1889, họ đổi danh từ "hạt" ra "tỉnh". Phiên xử nghĩa quân ám sát Trần Bá Hựu, có một án tử hình dành cho người cầm đầu và ba án khổ sai chung thân. Vụ Đề Bường mưu toan khởi nghĩa ở Phú Nhuận và phá khám lớn bị bắt lúc chưa xảy ra, nên Thống Đốc Nam Kỳ áp dụng biện pháp hành chánh, ký lịnh lưu đày ngày 21 tháng Hai năm 1885. Nguyễn văn Bường chung thân khổ sai, biệt xứ ở Côn Lôn, còn những người khác bị từ năm đến mười năm. Năm sau, Đề Bường bị bịnh chết ở Côn Đảo.
Sáu tháng sau, tỉnh Bình Hoà nhóm để xử vụ Hóc Môn. Vụ án liên quan đến nhiều người nên phiên xử kéo dài nửa tháng. Sau đó, thực dân tuyên án: 14 người tử hình trong đó có Phan Công Hớn, Nguyễn Văn Quá. 16 người khác tù khổ sai có thời hạn. Phiên toà Bình Hoà xử vụ Quản Hớn kết thúc ngày 31 tháng Tám 1885. Thực dân muốn áp dụng hình phạt thật nặng nề để dằn mặt dân bản xứ. Tuy nhiên, bản án về tới Pháp, Tổng Thống Pháp được báo cáo dư luận dân chúng Gia Định bất mãn, nên hạ bản án xuống: chỉ 2 người cầm đầu tử hình, còn lại 12 người khác bị khổ sai chung thân.
Sau đó chừng một tháng, ta thấy dưới bến tàu nhiều chiếc khởi hành chở tù đi đày ở các hải đảo xa xôi hằng ngày . Trong dư luận bấy giờ, dân chúng có câu ca dao:
"Ngó ra ngoài biển mù mù,
"Thấy tàu ông Thượng chở tù về Tây"
Về Tây là về phía Tây. Đi gần có Côn Nôn. Đày xa có Đại Hải hay đảo Bourbon tức đảo Réunion thuộc Ấn Độ Dương sau nầy. Cũng có một số ít bị đày sang đảo Tahiti, hay Cayenne Nam Mỹ như các nạn nhân trong vụ binh biến kinh thành Huế năm 1885. Sáng sớm ngày 30 tháng Ba 1886, tại chợ Hóc Môn, dân chúng chứng kiến cuộc hành quyết hai lãnh tụ cuộc khởi nghĩa "18 thôn vườn trầu" là Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Quá. Vẫn theo bản án của tòa Bình Hòa, 18 thôn liên hệ đã kể trên phải liên tục chung góp để bồi thường cho gia đình Phủ Ca số bạc gần hai vạn đồng. Thời đó, số tiền ấy quá lớn, nhiều người chịu không nổi cảnh chung góp trả nợ phải bỏ làng trốn đi nơi khác. Theo một nguồn dư luận khác, cuộc khởi nghĩa sở dĩ thành công nhanh chóng một phần do lòng phẫn nộ của dân chúng, và một phần do trong quân lính tham dự có một số theo Thiên Địa Hội, dùng bùa phép để trở nên gan dạ. Dầu sao cuộc khởi nghĩa ấy cũng biểu dương truyền thống bất khuất của dân tộc, và cũng là một cách để dằn mặt bọn thực dân. Qua vụ giết Phủ Ca, dư luận Hóc Môn phản ánh qua bài "Vè Quản Hớn":
"Quản Hớn dầu chết cũng rạng danh,
"Vì trừ được tham quan ô lại
"Quan đốc phủ thác đà cũng phải
"Khai lục tuần địch thể giá vu
"Theo tân trào phá miếu phá chùa,
"Thuở cựu trào làm cai phó tổng
"Ở một ngày một lộng
"Lầu ba từng lại có võ môn
"Nhựt nhựt thường kiểng đổ trống rung
"Xe song mã sướng đà quá sướng
"Dân bần tiện lòng kia chẳng tưởng
"Ép dầu nộp thiểu, thâu đa..."
Sau vụ nầy, Pháp đưa Phủ Ngôn từ Gò Công tới thay thế. Phủ Ngôn ở một thời gian ngắn, Phủ Lê Tấn Đức kế nhiệm. Ông Đức cũng nổi tiếng cường hào ác bá ở Bạc Liêu, dân chúng, hương chức đều kêu ca hành vi của ông. (Xem thêm bài "Cà Mau tiền rừng bạc biển, nhưng cuộc sống khó khăn" cùng tác giả trong sách "Nam Kỳ Lục Tỉnh tập I", Văn Hóa tái bản lần thứ nhất năm 1993). Từ đó, ở Hóc Môn có lưu truyền hai câu ca dao:
"Mừng xuân có pháo, có nêu,
Có đầu quan phủ bêu nơi cột đèn"

( Hứa Hoành )