PDA

View Full Version : Nhất Đại Tông Sư



ChienKhuD
13-06-2013, 12:25 AM
Tặng Lão Đại. Những bộ phim về Diệp Vấn tôi đã xem nhiều rồi nhưng chưa bao giờ ấn tượng như lần này. Điểm nhấn của bộ phim là lời thoại hết sức đặc sắc, sâu ẩn nhiều triết lý, không như những bộ phim trước đây chỉ toàn đấm đá, phô trương quyền thuật.

Cung Bảo Sâm định thoái lui giang hồ nên tìm người chủ trì Trung Hoa Võ Sỹ Hội. Là người luyện đến cảnh giới tối cao của môn phái Thái Cực Quyền, hợp nhất giữa Hình Ý Môn và Bát Quái Môn, với tuyệt kỹ Lục Thập Tứ Thủ nên ông chưa từng thất bại trước bất kỳ đối thủ nào. Trong buổi lễ rửa tay gác kiếm của mình ở Kim Lâu ông mời một đại diện của phương nam lên đáp thủ với mình. Người đó là Diệp Vấn khi này tuổi đã ngoài 40. Hai người không phô diễn võ công mà đấu với nhau bằng tưởng pháp. Bảo Sâm (khi này chắc cũng gần 70) cầm một chiếc bánh trên tay, nếu Diệp Vấn làm rơi được chiếc bánh ấy từ tay ông ta thì Diệp Vấn sẽ thắng. Thái Cực của Dương Lộ Thiền có tuyệt kỹ Điểu Bất Phi, chim sẻ trong tay ông ấy không thể bay được vì không có chỗ mượn lực mà bay. Điều nghe thoạt thì vô lý nhưng lại vô cùng có lý và khoa học. Chim sẻ muốn bay được nó phải chùn chân xuống lấy lực để bay lên. Dương sư phụ cảm nhận được điều đó nên mỗi lần chim định bay là ông phá đi cái thế mượn lực của nó, vì thế nó không thể nào bay đi được. Chúng ta cũng có thể làm được như thế bằng cách... bẽ gãy đôi chân của con chim. Bảo Sâm cầm một nửa chiếc bánh, Diệp Vấn cầm một nửa chiếc bánh, nhưng làm sao Diệp Vấn có thể làm rơi được chiếc bánh từ tay ông ta? Họ Diệp sau một lúc suy nghĩ liền nói:

- "Đối với ông, chiếc bánh chính là cả Võ lâm. Đối với tôi lại là cả một thế giới. Có thể coi là Đại thành nhược khuyết. Có chỗ thiếu sót mới có tiến bộ được."

Nói rồi họ Diệp bẻ một mẫu nhỏ của chiếc bánh để rơi xuống đất. Cung Bảo Sâm liền nhận mình thua.

- "Nói hay lắm! Cung gia ta thắng cả một đời chưa bao giờ thua võ công ai. Chẳng thể ngờ lại thua trong tưởng pháp. Diệp tiên sinh! Hôm nay ta sẽ tặng hết danh tiếng của ta cho cậu."

Cái lý vi diệu này không phải ai cũng hiểu. Đó là tương tức tương nhập, một là tất cả mà tất cả cũng là một. Cung Bảo Sâm giao thủ với Diệp Vấn bằng chiếc bánh thì khác nào chiếc bánh là cả võ lâm đối với ông ta. Bánh còn võ lâm còn (ông vẫn là minh chủ), bánh mất võ lâm mất. Hiểu được lẽ đó, Diệp Vấn mới bẻ một mẫu bánh bỏ đi. Chiếc bánh là cả võ lâm, là cả thế giới thì một mẫu bánh có khác nào một chiếc bánh? Mẫu bánh rơi cũng như chiếc bánh rơi nên họ Cung tự nhận mình thua.

Cung Bảo Sâm có một đệ tử là Mã Tam và con gái duy nhất là Cung Nhị. Mã Tam có được sự mạnh mẽ của ông ta còn Cung Nhị có được sự mềm dẻo của cha mình. Trong một lần giáo huấn đệ tử của mình do Mã Tam đi theo quân Nhật làm hán gian, hai thầy trò cự cãi và động thủ với nhau. Cung Bảo Sâm đã già yếu nên bị Mã Tam đánh chết. Trước lúc ra đi ông căn dặn con gái không được báo thù. "Nếu chuyện này truyền ra ngoài hóa ra thành trò cười cho thiên hạ. Trong gia tộc họ Cung, đồ đệ giết sư phụ, sư muội lại giết sư huynh. Thế thì chẳng phải toàn lũ súc sinh bất nhân bất nghĩa sao?"

Cung Nhị là cô gái cứng cỏi không nghe lời cha nên quyết tâm trả thù. Cô tự huỷ hôn nhân, bế phong nguyệt đạo: "Đàn bà. Cắt tóc chính là cắt đầu. Vì báo thù cho lão gia, cô ấy đã cắt tóc, phong bế huyệt đạo, không kết hôn, không truyền nghệ. Và cô ấy đã làm được". Cung Nhi đánh chết Mã Tam báo thù cho cha, nhưng cũng vì đó mà cô phải sống cô độc suốt đời. Xã hội thời đó phụ nữ tự huỷ hôn nhân của mình coi như vĩnh viễn không lấy được chồng. Buồn chán, cô lao vào hút thuốc phiện và chết khi còn rất trẻ. Thế nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, cô đã thầm yêu Diệp Vấn. Diệp Vấn cũng có ý với Cung Nhi nhưng lúc ấy ông đã có vợ con, lại là người đứng đắn nên ông cũng chỉ để bên lòng.

Vào đêm giao thừa năm 1950, Diệp Vấn đến thăm Cung Nhị.

- "Năm 26 Dân Quốc, tôi định đến Đông Bắc, vì ở nơi đó có một ngọn núi lớn. Áo cũng đã may xong rồi nhưng sau do có chiến sự nên đã không đi được. Áo cũng không còn giữ nữa. Chỉ còn giữ lại một chiếc cúc coi như làm kỷ niệm. Lục Thập Tứ Thủ Cung gia là một ngọn núi lớn. Không thể cứ như thế mà tan thành mây khói được." Diệp Vấn nói rồi trao chiếc cúc áo cho Cung Nhị.

Cung Nhị đáp:

- "Võ học nghìn năm, chuyện tan thành mây khói chúng ta còn ít thấy nữa sao? Cung gia thì cũng có khác gì đâu. Võ nghệ có cao, cũng không thể cao quá trời. Tư chất có thâm sâu, cũng không thể sâu hơn đất. Nhân sinh vô thường không có gì phải tiếc nuối. Chiếc cúc này, anh cầm về đi!"

Họ Diệp không nói gì chỉ lặng lẽ đặt chiếc cúc áo lên bàn rồi đi về. Hai năm sau ông đến thăm Cung Nhị. Lúc này cô đã tiều tuỵ khá nhiều vì thuốc phiện.

Cung Nhị buồn bã:

- "Thử nghĩ đời người không hối hận chỉ toàn là nói nhảm. Nếu đời người không hối hận thì chắc là vô vị lắm. Diệp tiên sinh! Thật lòng mà nói trong lòng tôi đã từng có anh. Tôi nói với anh là không hề có ý gì đâu. Thích ai đó không phạm pháp mà. Nhưng tôi chỉ dừng lại ở thích mà thôi. Tôi chưa từng nói với ai hết. Tối nay gặp được anh không hiểu sao lại nói ra hết rồi. Chắc là để ân oán giữa chúng ta giống như bàn cờ, bảo lưu tại đây. Anh hãy bảo trọng nhé!"

- "Cuộc sống cũng như chơi cờ, lỡ nước không thể đánh lại. Giữa chúng ta vốn dĩ chẳng có ân oán gì. Cái có chỉ là một đoạn duyên phận...". Diệp Vấn từ tốn nói tiếp:

- "Cha cô từng nói: Luôn nhớ rằng phải có hồi đáp, có đèn là có người. Hi vọng có một ngày tôi sẽ được xem Lục Thập Tứ Thủ Cung Gia".

Cung Nhị nói bây giờ mình không còn nhớ võ công nào hết, tất cả cô đã quên hết rồi.

- "Cha tôi cũng từng nói người tập võ có ba giai đoạn:Tự hiểu mình, hiểu thiên địa, hiểu chúng sinh. Tôi đã tự hiểu mình rồi, cũng coi là đã hiểu thiên địa, nhưng không thể nào hiểu được chúng sinh. Đoạn đường này tôi chưa đi hết hi vọng anh có thể hoàn thành tiếp. Bất cứ thời đại nào chẳng qua cũng chỉ là một sự lựa chọn. Đó là đi hay là ở. Tôi đã chọn sẽ ở lại những năm tháng mà tôi thuộc về, là những ngày mà tôi sống vui nhất"

Hiểu chúng sinh ở đây mà cô nói ám chỉ tới Diệp Vấn. Khi cô mất, quản gia nhà họ cung có trao cho Diệp Vấn một chiếc bình bên trong chứa tóc của cô.

- "Đây là tóc cắt ra từ chính tóc của mình và đốt thành tro. Tiểu thư nói cô ấy và cậu quen nhau gần nửa đời nhưng cậu không hề hiểu cô ấy, cô ấy cũng không hiểu cậu. Nhìn thứ này cậu sẽ hiểu được cô ấy. Diệp tiên sinh! Cung gia đã hết người rồi tôi đem Nhị tiểu thư giao cho cậu đấy"

Lúc này Diệp Vấn mới nói lên tình cảm của mình:

- "Ngày tôi rời khỏi Phật Sơn, tôi có lời muốn nói với cô ấy nhưng lại không thể nói thành lời. Đó là Lang Tâm Tự Hữu Nhất Song Cước - Cách Giang Cách Hải Hội Quy Lại (đại ý là trong tim mà có nhau thì dù cách trở vẫn quay về với nhau). Lúc tôi bước chân ra đi tôi cứ nghĩ sẽ có ngày quay trở lại. Không ngờ đây lại là lần cuối cùng..."

Sau này, Diệp Vấn qua đời tại Hương Cảng. Một đời truyền dạy rất nhiều. Vịnh Xuân nhờ ông mà phát triển, sau truyền ra cả thế giới.


- Hết -

P/S: Tác giả bộ phim bịa ra cũng hay nhỉ!?

Thợ Điện
13-06-2013, 01:00 AM
Truyện hay lắm ông D nhưng nếu phải luân hồi tôi chỉ mong đuợc lộn về Bắc Mỹ hay ít phúc quá thì dạt về Nam Mỹ .Chớ rơi vào Trung Hoa dân tộc đó sống bằng thù oán ,cừu hận ghê quá chỉ họ mới nghĩ ra lăng trì tùng xẻo để hành hạ con người
Người dân xứ Tuyết suốt ngày chỉ tụng kinh, trì chú ,làm ruộng chăn gia súc ,hành huơng
thế mà cũng có yên đâu họ vẫn bị đày đọa cho tới chết

roamingwind
13-06-2013, 02:02 AM
Lạ là bao nhiêu văn hóa tư tưởng thâm sâu cao đẹp vậy mà cái thâm ác cũng cùng cực. Cũng như văn hóa Đức, bao nhiêu cái hay cái đẹp đáng học đáng theo, mà tới khi lên cơn thì cả một trái đất rúng động.
Pháp cao mười trượng ma cao hai mươi trượng :)

Vit_say
13-06-2013, 03:29 AM
Nhất đại tông sư dường như vẫn là một bộ phim dễ xem nhất của Vương Gia Vệ trong bộ sưu tập phim ảnh về ký ức và thân phận của vị đạo diễn tài hoa này. Bộ phim truyện thứ 10 của đạo diễn Vương Gia Vệ là hành trình dằn vặt đầy mỹ lệ với 15 năm chuẩn bị và 3 năm miệt mài trên trường quay ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt Đông Bắc Trung Quốc.

Một loại hình võ thuật đậm chất thơ

Vương Gia Vệ không có sở trường làm phim võ thuật. Phim võ hiệp duy nhất ông làm trước khi bắt tay vào thực hiện Nhất đại tông sư là Đông tà Tây độc , gây nên những phản ứng trái chiều. Đây cũng là một bộ phim giống như các tác phẩm khác của Vương Gia Vệ, hầu như không được hoan nghênh ngay sau khi trình chiếu mà cần có một khoảng thời gian khá dài sau đó để trải nghiệm. Ở đây, cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa phim võ thuật và phim võ hiệp. Nếu võ thuật nhấn mạnh vào động tác thật, với nền tảng kiến thức cần có của một trường phái hay hệ thống chiêu thức thì phim võ hiệp tập trung vào sự kỳ ảo, tính biểu diễn trong phong cách võ công mỗi nhân vật. Phim võ hiệp có thể coi là giấc mộng của tất cả người đàn ông khi mọi mộng tưởng đều có thể thực hiện được trong khi phim võ thuật, đòi hỏi nhà làm phim đối diện với sự thật, với tinh thần cốt lõi của võ thuật.

Với Nhất đại tông sư , dù là khán giả trung thành nhất cũng nhìn nhận tài năng của họ Vương ở chất trữ tình nhiều hơn. Vương Gia Vệ đã xây dựng hệ thống quyền pháp của mỗi nhân vật theo tính cách đặc trưng của họ. Biểu hiện là võ thuật nhưng bản chân là thân thế, cá tính, khí chất, khát vọng…Có thể nhận thấy rõ sự uy dũng, đòn thế sắc gọn và đầy áp chế của võ thuật phương Bắc tương phản với sự mềm dẻo, đơn giản, thuận theo tự nhiên của võ thuật phương Nam. Không ngạc nhiên khi tất cả những nhân vật chính, đại diện cho mỗi trường phái võ thuật như Diệp Vấn, Cung Nhị, Diệp Nhất Thiên, Mã Tam… đều ăn mặc rất chỉnh tề khi bắt đầu trận đánh, thậm chí được chăm chút đến từng chi tiết nhỏ như giày thêu, nếp áo... Chỉ đạo võ thuật Viên Hòa Bình đã đảm bảo những yếu tố cơ bản về độ thực tế của chiêu thức, cho Vương Gia Vệ toàn tâm toàn ý tô điểm thêm. Bố cục và ánh sáng của mỗi cảnh quay được trau chuốt khiến mỗi khung hình đều có vẻ lung linh mờ ảo, làm nổi bật chủ thể là các nhân vật, chủ yếu chuyển động chậm trong từng cảnh múa võ.

Mọi cảnh quay đều có thể chụp lại và tạo nên một bức ảnh mỹ lệ. Một điểm thú vị nữa là Vương Gia Vệ tiếp tục chọn góc quay từ trên cao xuống để đặc tả nhân vật. Cũng khá nhiều lần, vị đạo diễn điệu đà này đã chọn che trước ống kính một tấm màn mỏng, tạo nên vẻ bảng lảng sương khói cho nước phim. Một điểm thú vị nữa là hầu hết các động tác võ thuật trong phim đều nằm ở một góc nhìn nghiêng, duyên dáng và kiểu cách. Và chắc cũng không phải ngẫu nhiên, những cảnh quay song đấu trong phim đều diễn ra trong không gian mờ ảo của kỹ viện, của những trận mưa, khi tuyết rơi lất phất hay trong không gian lạnh lẽo trắng trời đất. Bối cảnh trau chuốt đã trở thành một nhân vật đồng hành cùng những màn võ thuật hầu hết sử dụng hiệu ứng stop motion.

Tính triết lý đậm đặc trong từng chi tiết

Mỗi nhân vật với phong cách võ thuật đặc trưng đại diện cho một triết lý sống. Cuộc đời Diệp Vấn với giai đoạn đầu hưởng phù hoa của mùa xuân gia sản, giai đoạn sau là bất lực trước thời cuộc, là náu mình trốn chạy rời xa thân quyến, là từ bỏ thế sự chuyên tâm truyền dạy võ công. Hành trình của Cung Nhị là quá trình đầy máu và nước mắt của một liệt nữ mang mối thù gia tộc. Mã Tam là kẻ đa mưu túc trí, tinh thông võ thuật nhưng lại bị thiêu cháy bởi tham vọng… Triết lý diện tử - lý tử, kẻ lộ mặt, thừa hành, người ẩn thân trong võ thuật cũng như trong đời sống đã được các nhân vật thuộc các thế hệ võ thuật khác nhau tiếp nối. Vai diễn của Nhất Tuyến Thiên của Trương Chấn có thể khiến nhiều người hoang mang vì thời lượng xuất hiện ngắn, không đầu không cuối nhưng, bản thân nhân vật này và bộ môn Bát Cực quyền của anh ta chính là giao điểm của các cuộc gặp gỡ môn phái. Cảnh thu nhận đệ tử của nhân vật này có thể coi là màn trào phúng đặc sắc, dù có hơi lạc điệu với màu phim chung.

Nhưng day dứt nhất vẫn là triết lý về chữ “tình” trong phim. Tình cảm giữa hai nhân vật chính không hẳn là tình yêu lứa đôi, nó là chút tâm giao, tri âm kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Diệp Vấn cả đời chuyên tâm luyện võ, chiến thắng oanh liệt bao đối thủ mà lại thua vì luật giao đấu kỳ lạ. Và tình cảm giữa Cung Nhị và Diệp tiên sinh dang dở qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử, như đường tiệm cận của những sẻ chia không đến được với nhau. Dù có hẹn ước, dù có chân thành nhưng tình cảm của họ đến sai thời điểm, gặp những cách biệt không gian và bị những biến cố lịch sử làm cho mỏi mệt. Thế nên, câu nói: “Trong lòng tôi đã từng có người” chỉ càng tăng đậm những nuối tiếc trong ước hẹn mà thôi.

Với những ai yêu thích thể loại phim đánh đấm có nhịp điệu nhanh, Nhất đại tông sư quả là một trải nghiệm không mấy thích thú. Sự chậm rãi, trễ nải và những chuyển cảnh vào cận quá lâu, quá kỹ càng cùng với tạo hình động tác cường điệu dễ tạo nên sự sốt ruột, thậm chí khó chịu nơi người xem.
Và đâu đó những điều chưa trọn vẹn
Bộ phim thứ 10 tiếp tục khẳng định phong cách làm phim “điệu đà”, tỉ mỉ, duy mỹ không thể trộn lẫn của Vương Gia Vệ nhưng chất tính dục lãng mạn trong phim đã bị làm mờ để tập trung vào chất lãng mạn trong võ thuật. Người xem hầu như vô vọng để đi tìm trọng điểm của phim, và cũng vô vọng trong việc neo giữ tình yêu trọn vẹn với bộ phim. Các nhân vật của Nhất đại tông sư nói chuyện tình yêu bằng thứ ngôn ngữ lạ lùng, không thực tế, nhân vật nói câu nào cũng thành thơ. Một số người yêu thích nói đây là kiệt tác của Vương Gia Vệ nhưng diễm tình vẫn là nét đặc sắc vốn có nhưng giờ chỉ là màn phô diễn ngôn từ.

Ngay trong cách kể, phim cũng có những chuệch choạc thiếu ăn khớp. Vương Gia Vệ đã cố gắng gìn giữ trình tự thời gian ở mức chính xác nhất họ có thể làm được, kết hợp cùng với kỹ thuật phục dựng các đoạn hội thoại – vốn là sở trường của ông. Có điều, việc cố ý tách thoại của nhân vật (vai phu nhân Diệp Vấn do Song Hye Kyo thể hiện) hay chỉ để cho một nhân vật thoại khi người kia im lặng đã khiến các cuộc gặp gỡ diễn ra trong nhiều khoảng thời cách biệt, ở nhiều địa điểm và bối cảnh khác nhau trở nên rời rạc. Có vẻ như, ngoài việc bổ sung tình tiết thì những người viết kịch bản đã làm mất đi nét đặc trưng/ưu điểm của phim Vương Gia Vệ: sự tùy hứng và không khí thực.
Nhất đại tông sư , dường như chỉ mới giải tỏa cơn khát chờ đợi của những người hâm mộ đạo diễn họ Vương, thay vì là một tác phẩm khẳng định phong độ đỉnh cao của ông.

Suu tam theo The Gioi Dien Anh