nam_xd
29-04-2011, 10:50 AM
Bản năng chơi cờ được “cài đặt” sẵn trên não
Kiện tướng của “trò chơi logic trên bàn” như cờ vua, cờ tướng, cờ vây… khi nghĩ những đường đi nước bước của mình không huy động các vùng suy nghĩ như người bình thường mà sử dụng một vùng đặc biệt trên não, nhờ đó họ tìm ra rất nhanh chóng nước đi nào có khả năng giành thắng lợi cao nhất nhờ trực giác (hoặc linh cảm) của mình.
Kiện tướng của “trò chơi logic trên bàn” như cờ vua, cờ tướng, cờ vây… khi nghĩ những đường đi nước bước của mình không huy động các vùng suy nghĩ như người bình thường mà sử dụng một vùng đặc biệt trên não, nhờ đó họ tìm ra rất nhanh chóng nước đi nào có khả năng giành thắng lợi cao nhất nhờ trực giác (hoặc linh cảm) của mình.
Tư duy khi các môn cờ liên quan đến những vùng não đặc biệt.
Xiaohong Wan, Viện não thuộc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản RIKEN đã dùng thiết bị quét cộng hưởng từ chức năng để theo dõi não hoạt động như thế nào ở những kỳ thủ đầy kinh nghiệm và những người mới tập chơi cờ shogi, một môn cờ của Nhật Bản, do cải tiến môn cờ tướng quen thuộc.
Khác với những người chơi cờ shogi nghiệp dư, các kỳ thủ chuyên nghiệp nắm được rất nhanh thực trạng của ván cờ ở một thời điểm nhất định, và không cần suy nghĩ lâu, bằng bản năng, họ luôn luôn tìm được nước cờ có lợi nhất.
Các tác giả lần đầu tiên đã phát hiện trên não có 2 vùng bị “lôi cuốn” vào quá trình mang tính trực giác cao này.
Đặc biệt các hoạt động của não được ghi lại tại tiểu thuỳ (preceneus) trong khu vực thuỷ đỉnh (chỏm não), chịu trách nhiệm về xử lý thông tin giác quan. Vùng này sẽ “sáng bừng lên” khi một ký thủ nhiều kinh nghiệm đánh giá các thế cờ. Việc lựa chọn các nước cờ lại là nhiệm vụ của các vùng khác trên não, đó là vùng “nhân đuôi” của vỏ não.
Những kết quả thu được, theo các nhà khoa học, cung cấp các dữ liệu mới về tính quy luật trong hoạt động của bộ não và mở ra những phương pháp mới áp dụng trong việc hướng nghiệp và đào tạo các chuyên gia thuộc các ngành nghề khác nhau.
Công trình được công bố trong trên Tạp chí Science.
nam_xd
29-04-2011, 10:56 AM
Nghệ thuật chơi cờ
Nghệ Thuật Cờ Tướng ( Sưu tầm từ Báo "Người Chơi cờ")
Tôi còn nhớ lúc tôi khoảng 5-6 tuổi ở VN tôi thường theo ngoại tôi học đánh cờ. Ngoại tôi tuy tuổi đã cao nhưng mà Cờ Tướng là môn mà Ông tôi thích nhất. Là một cao thủ rất hâm mộ cờ tướng, ngoại tôi đã nhờ thợ khéo tay vẻ một bàn cờ bằng đá thạch trắng trên sân thượng rồi nhờ người lên Ban Mê Thuột mua mấy bộ Cờ Ngà bằng tê giác đễ chơi. Không gì thích thú bằng đấu cờ với Ngoại tôi. Tại vì Ông tôi đã trên tám mươi tuổi, mỗi khi suy nghĩ lâu là huyết áp lên cao cho nên đánh cờ với ngoại tôi là có chén hột dưa, một bình trà, một đĩa mứt và một án hương trầm có mùi thơm để dưới gió đuổi muỗi. Hai Ông cháu tôi vừa ăn vừa đánh cờ đàm đạo. Mỗi đêm trăng sáng, xung quanh là đầy đủ hoa thơm cỏ lạ mà Ông Bà Ngoại tôi đã bỏ bao năm tu bổ bốc lên một mùi hương ngào ngạt, ngoại tôi thường vuốt râu uống trà vừa ngắm trăng vừa đánh cờ và ngâm lên hai câu thơ Kiều của Nguyễn Du rằng:
"Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên"
Mỗi lần đánh cờ với Ngoại tôi, đi một nước cờ hay ngoại tôi thường kể những tích xưa cho tôi nghe Tại sao thế này gọi là Liên Hoàn Kế, Hỏa Thiêu Sạn Đạo hay là Tam Khí Châu Du xuất phát từ đâu..? Ngoại tôi không những dạy tôi những nguyên lý xuất chiến trong khi đánh cờ mà Ngoại thường dùng cờ để dạy tôi những cách làm người cũng như dùng thế cờ đễ dạy tôi những miếng võ Thiếu Lâm bí truyền mà ngoại tôi đã từng học khi còn niên thiếu. Con nhớ nha "đánh cờ cũng như đấu võ, khi tấn công thì phải thần tốc, khi thủ thì phải gọn gàng. Tấn thoái liên minh mới bách chiến bách thắng."
Tại vì còn nhỏ cho nên tôi đánh cờ mỗi khi ăn con là vỗ "bóp bóp" để ra oai. Tôi nhớ có một lần trong thế thất thủ tôi ví được con chốt và dùng hết sức bình sanh đập đầu chốt một cái "bóp.."..làm con cờ ngà muốn mẻ đi một miếng. Nhân thế đó Ngoại tôi liền dạy nguyên lý "Không đập đầu chốt" mà đến bây giờ tôi vẫn không quên. Ngoại tôi nói rằng, trong cờ tướng có nhiều loại quân cờ, Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã. Nếu nói về tôn ti trật tự thì cao nhất là Tướng rồi mới đến Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã và cuối cùng là con Chốt. Con Chốt sẳn sàng chết bất cứ lúc nào đễ dành thế công. Con chốt cũng sẵn sàng chết khi mà tướng gặp nguy. Hễ mà thấy lợi cờ để thí chốt thì con chốt sẳn sàng chết, cho nên Ngoại tôi dạy rằng làm người phải có nhân nghĩa. Con chốt chỉ tấn chớ không lùi, nó chết lòng vì chủ để đem chiến công lại nhưng mà người chơi cờ chỉ cắm đầu vỗ mạnh thì thật là chua xót biết mấy. Nói xong, Ngoại tôi cầm con chốt lên vuốt nhè nhẹ như là một con vật vậy. Từ đó về sau, tôi không bao giờ dám vỗ đầu bất cứ một con nào đặc biệt nhất là con chốt..
Ngoại tôi cũng thường nói, "Quân xe không chiếu hậu". Tại vì xe tượng trưng cho người Quân Tử. Kẻ quân tử không bao giờ đánh sau lưng người khác hoặc là ví kẻ cùng đường cho nên Quân xe không chiếu hậu. Nói đến đây, Ngoại tôi liền đem Quan Công ra kể. Khi thua trận Xích Bích, Tào Tháo bỏ ngựa xuống đất chạy chân bởi vì biết tánh Quan Vân Trường là người trung nghĩa không bao giờ giết kẻ dưới ngựa. Tuy thế, Ngoại tôi nói tiếp, Quan Công tha Tào Tháo ở Hoa Dung Lộ là vi phạm quận lệnh trái với nguyên lý trong chiến tranh "Dưỡng hỗ di họa" vả lại cái nguyên lý này còn tùy thuộc vào người chơi bởi vì "Hàn Tín luồn trôn" mới bình thiên hạ cho nên trước khi đánh cờ phải giao trước luật này. Nói tới đoạn này, Ngoại tôi liền ngâm bốn câu thơ:
"Tào Man thua chạy đến Hoa Dung
Khéo đâu đường hẻm gặp Quan Công
Chỉ vì tình nghĩa còn ghi tạc
Nên đễ rồng ra thoát xuống sông"
Dân Gian
"Hắc giả tiên hành" là luật mà Ngoại tôi giãi thích tôi lâu nhất bởi vì nó áp dụng nhiều nguyên lý ngũ hành. Cờ Tướng lấy sự công bằng làm chuẩn mực cho nên bên đỏ, bên đen là hai bên cờ bằng nhau nhưng tại sao lại bên đen đi trước? Ngoại tôi giải thích rằng màu sắc ảnh hưởng đến tâm lý, khí lực của con người. Trong luật ngũ hành, màu đen thuộc về âm, ban đêm thì trời tối đen là âm, mà đã thuộc về âm thì xấu hoặc yếu thế thường có ảnh hưởng không tốt vì vậy người chơi cờ đen khí lực sẽ giảm hơn người chơi cờ đỏ. Do đó, để bù lại sự giảm sút khí lực, hoặc xui xẻo, không tốt cho nên người chơi cờ đỏ phải để người chơi cờ đen đi trước. Mặc dầu vậy ngoại tôi nói tiếp nếu mà hai bên hòa nhau thì người chơi cờ đen phải cảm thấy hổ thẹn tại vì đi tiên một nước mà vẫn không thắng được đối phương.
"Bút sa gà chết" là luật mà tôi phạm nhiều nhất. Mỗi lần đi một con, đút xe vô chân mã là tôi liền xin hoãn lại. Luật này thì tùy thuột vào người chơi cờ. Nếu mà hai người dùng cờ để giải trí thì luật này có thể hồi hoãn được tại vì nếu áp dụng triệt để quá, ván cờ sẻ mất phần thú vị. Nhưng mà nếu đánh cờ độ, đấu cờ thì luật này phải nghiêm chỉnh chấp hành. Tôi có dịp đấu với nhiều tay cờ là khách của ngoại tôi. Có cụ giao trước là hễ đặt con cờ xuống phải gõ ba lần thì mới tính. Cho nên Ông ta đi một nước, sau khi đặt con cờ xuống bàn xong ngẫm nghĩ một lúc rồi dùng ngón tay gỏ cái cốc rồi suy nghỉ tiếp. Ông ta làm như thế ba lần mới đi. Nếu mà thấy nguy hiểm hay là tính lại, ông ấy đi lại nước khác và suy nghĩ tiếp. Một ván cờ kéo dài 4-5 tiếng nhưng mà rất lý thú vì mọi hai đối thủ điều dùng tinh hoa của cờ để chơi với nhau.
Và luật sau cùng là "Chiếu Bất Quá Tam". Phàm việc gì cũng có tốt có xấu. Đánh người là hành vi xấu nên đánh tướng đến ba lần thì không còn ra thể thống gì nữa. Người đánh cờ nếu đã chiếu tướng đến ba lần mà không bắt được tướng thì phải biết xấu hổ, đừng chiếu tướng nữa. Số ba trong cờ tướng còn có ý nghĩa triết lý là: Trời có ba cái quý: Nhật, Nguyệt, Tinh (Mặt trời, Mặt trăng, và Sao), Người có ba cái quý Thiên, Địa, Nhân (Trời, Đất, Người) bao trùm hết cả muôn loài vạn vật. Nếu ba cái quý ấy mà hết thì tất bị hư hoại. Cho nên nếu một quân cờ chiếu tướng đến ba lần mà không bắt được tướng là coi như đã hết thế rồi, nếu tiếp tục nữa là trái với đạo lý.
Cờ tướng không những là một môn giải trí lành mạnh mà còn dạy cho ta biết tâm lý, tánh tình của người đối thủ. Mẹ tôi thường kể câu chuyện "đánh cờ cưới vợ" của cha tôi cho tôi nghẹ Cha tôi là một tay cao cờ, mỗi lần đến nhà thăm mẹ tôi thị bị Ngoại tôi "hỏi thăm" đủ điều hết. Nhưng Ngoại tôi đắc ý nhất là đánh cờ. Không có gì vui bằng gặp "kỳ phùng địch thủ". Sau mấy ván cờ Ngoại tôi tỏ vẻ rất thích Cha tôi. Sau này, Ngoại tôi kễ cho tôi nghe rằng Cha tôi mỗi lần đánh cờ dụng binh rất kỹ, tâm lý vững vàng và đặc biệt là đánh cờ theo lối quân tử. Có những nước cha tôi đi không thí một con nào mà vẫn dồn địch thủ vào thế yếu. Ngoại tôi thường nói là nếu Cha tôi còn sống đến ngày nay chắc tôi chơi cờ sẽ tiến bộ hơn nhiều và có thể sẽ khá hơn cha tôi bởi vì tôi sở trường là dùng cặp pháo. Pháo giăng, pháo trùng, pháo đầu song đội ..vv.. là những nước cờ công của tôi. Nhưng ngược lại, cha tôi sở trường là cặp Ngựa. Ngoại tôi nói con ngựa cha tôi rất kỳ ảo, chỉ đi có mấy nước mà con ngựa đã nhập cung. Nhưng mà sách thường nói "pháo bảy, ngựa ba". Nói tới đây Ngoại tôi kể một tích đánh cờ xãy ra trong lịch sử VN.
Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu là đôi bạn thân từ thuở nhỏ và thường dùng cờ tướng đem ra thí ứng. Sở trường Nguyễn Hữu Cầu là dùng cặp Mã với một chiến pháp vô lường và thường nói với bạn rằng "Con mã chạy được khắp nơi, sức phi ngàn dặm, phá được chiến trường. Sau khi nhập cung cặp cổ được con Tướng mà nên việc lớn. Sau này lớn lên, với con ngựa Ô Long, tôi đột nhập Hoàng Thành thì cái ngai vàng của vua, cái ngôi của chúa khó gì không nắm được!". Phạm Đình Trọng lại có sở trường ở cặp Pháo, thường trị được cặp Mã song toàn của bạn nhưng cũng lắm khi thất bại. Đình Trọng thường nói với bạn rằng: "con Mã của anh lợi hại nhưng nước dài và lanh lợi đâu bằng cặp Pháo. Nếu sau này con ngựa Ô Long của anh làm mưa làm gió thì Pháo tôi cũng rượt mã đến cùng, đâu để anh lọt vào Hoàng Thành mà ngồi lên ngai được!". Quả nhiên về sau Hữu Cầu không thi đỗ, nên làm giặc xưng là Đông Hải Quận Vương. Phạm Đình Trọng thi đỗ Tiến sĩ làm tướng đi dẹp Hữu Cầu. Cầu trận thắng trận thua bị Trọng rượt hơn ba năm trời khắp sông hồ núi non, biển cả, đồng bằng. Cuối cùng Trọng tóm được Hữu Cầu giải về kinh đô trị tội.
Ngoại tôi còn giải thích tôi rằng tâm lý con người rất là phức tạp, đa dạng do từng đặc điểm khí chất. Tuy nhiên người ta có thể phân thành các nhóm khí chất chính như sau: người nóng nảy, người điềm tĩnh, người linh hoạt, người ích kỷ hẹp hòi, người nhẫn nại, người kiêu ngạo ..vv.. Qua cuộc cờ, do thể hiện phong cách chơi, người ta đã để bộc lộ tính tình. Điều này rất rõ ràng và dễ thấy:
� Người nóng nảy thì thích tấn công, đánh nhanh, vội vàng hấp tấp, muốn kết thúc cuộc cờ sớm, thường sử dụng các chiến lược tấn công.
� Người kiên nhẫn thì thích thú hơn công thường sử dụng các chiến lược phòng thủ, phản công như Bình Phong Mã, Đơn đề mã, Pháo giăng. Họ chịu khó tính toán, suy nghĩ liên tục, đợi khi đối phương sơ hở mới tấn công. Đánh chậm, tiêu tốn thì giờ cho cuộc cờ.
� Người kiêu ngạo háo thắng bộc lộ sự hân hoan ngay khi thắng một quân hay một nước đi có lợi, lấy sự hơn người làm thích thú, luôn cho mình hơn người.
� Người linh hoạt tính toán nhanh, thông minh xử lý ngay mọi tình huống, nghĩ ra được nhiều thế đánh hay, nước đi của họ lả lướt đẹp mắt, có nhiều sáng tạo.
� Người ích kỷ hẹp hòi: Ưa hoãn, bất tài mà lại muốn thắng hơn người.
� Người lơ đễnh thường bỏ sót nước, sơ xuất dễ bị mất quân, dẫn đến thua cuộc, không tập trung tư duy liên tục thậm chí có khi giống như đãng trí đem Xe đi vào chân Ngựa đối phương.
� Người trầm tĩnh dù thua quân vẫn bình tĩnh chống đỡ, tính toán cẫn thận, đánh chậm mà thắng nước, ít nói, không ồn ào. Họ đi con cờ nhẹ nhàng không có tiếng động.
� Người hiếu thắng luôn luôn muốn hơn người khác. Khi bị thua là họ muốn đánh hoài đễ gỡ, đến khi nào thắng được một vài ván cờ rồi mới chịu nghỉ ngơi.
Cho nên những tay danh thủ cao cờ nét mặt ích khi thay đổi. Công cũng như thủ, lợi cờ hay thua cờ họ vẫn trầm tỉnh, cân nhắc đắn đo từng con cờ.
Tôi đã có dịp đánh cờ với nhiều tay cao cờ. Mặc dầu tuy đã lớn tuổi nhưng tánh tình vẫn không thay đổi. Có người tỏ thái độ rất nóng nảy khi bị thua con, hoặc là bị ví xe rồi theo vài câu xóc họng tỏ ra nóng nảy, mặt mày đỏ gay lên. Lúc đó nước cờ sẽ loạn và chắc chắn sẽ thua đối phương. Có người đánh rất là tỉnh mặc dầu mất cả hai xe nhưng vẫn bình tĩnh chiến đấu để lấy lại thế cờ và sau cùng tiêu diệt địch thủ. Cho nên đánh cờ tướng luôn luôn giữ thái độ bình tĩnh, hoà nhã, tâm hồn thảnh thơi và cứ nghĩ là mình đang học đánh cờ, dùng cờ để giải buồn hơn là dùng cờ để phân cao thấp. Có như vậy thì nước cờ của chúng ta ngày càng vững mạnh và nghệ thuật chơi cờ tướng cũng được nâng cao hơn.
Khi nói đến cờ tướng thì ai ai cũng nghỉ chỉ có phái nam, đấng mày râu mới chơi thôi chớ mấy người tay yếu chân mềm như mấy cô thì không thích hợp mấy. Đây là một lối suy nghĩ thật là hạn hẹp. Tôi được hân hạnh quen biết một số nữ cao thủ cờ tướng, không những đã có sắc đẹp nghiêng thành mà cũng là người hâm mộ chơi cờ tướng. Nước cờ của các cô đánh rất khác lạ và biến hóa lạ thường. Lối suy nghĩ của đàn bà khác với đàn ông và có thể nói là sâu hơn và lắt léo hơn cho nên có rất nhiều nước đi mà tôi cũng phải giật mình không thể đoán ra ý nghĩ của đối phương. Có cô vừa đánh cờ vừa cười để "phân tâm" đối thủ, có cô thì vừa đánh vừa hỏi chuyện, nhiều lúc "chốt vô cung" cũng không biết đi đường nào. Đó là những điểm khá đặc biệt của phái nữ.
Đọc lại lịch sử Trung Hoa và Việt Nam, các bậc nữ lưu, danh nhân thi sĩ như là Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Chung Vô Diệm, Lộng Ngọc, Võ Tắc Thiên đều là những tay cao thủ cờ tướng. Không những nhờ vào tài trí khôn ngoan trong nước cờ mà còn với những kế rất là tinh xảo để triệt đối phương khi chơi cờ tướng. Nói tới đây chắc ai cũng không quên được tích "Chung Vô Diệm dự hội đánh cờ" để dẹp loạn. Chung Vô Diệm là vợ của Tề Tuyên Vương. Tuy diện mạo xấu xí nhưng võ lược, tài phép cao cường. Lúc bấy giờ nước Sở đang muốn tranh hùng với nước Tề cho nên Sở Trang Vương mời Tề Tuyên Vương đến dự hội đánh cờ sẵn dịp sát hại để chiếm lấy Tề. Chung Hậu biết việc bèn sai hai tướng tài đem quân ra biên ải trấn thủ, mặt khác phò vua Tề đến dự Kỳ Bàn Đại Hội. Hầu Anh là tể tướng của Sở, một người văn võ song toàn và đặc biệt là Vua cờ của Sở cho nên được vua Sở tín nhiệm đem ra đấu cờ với Chung Hậu. Hầu Anh vốn là gốc con khỉ đầu thai cho nên tướng người, hình giáng đều rất giống khỉ và thích ăn trái đào. Sau mấy bàn cờ căng thẳng, Chung Hậu liên tiếp thua cho nên Bà ta mới sai thị vệ tín cẩn đi Ngự Hoa Viên hái những trái đào chín thật chín thơm mọng đem tới hội cờ. Thấy những trái đào mơn mởn bốc mùi thơm bát ngát, Hầu Anh thèm rỏ rãi đánh cờ không yên, tinh thần rối loạn nên rốt cuộc phải chịu thua dưới tay của Chung Hậu. Nhờ vậy mà nước Tề tránh được đao binh.
Nói tóm lại, cờ tướng là một nghệ thuật rất là tinh xảo. Nó không những rèn luyện trí óc cho người chơi cờ mà còn dạy người chơi cờ cách xử thế, dạy người Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín cho nên chúng ta nên khuyến khích con em chúng ta học chơi cờ, bảo tồn nền tinh hoa của cờ tướng cũng như dùng cờ tướng làm một môn giải trí lành mạnh và học hỏi được nhiều kinh nghiệm, điển tích của người xưa
Powered by vBulletin® Version 4.2.1 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.