PDA

View Full Version : Tìm hiểu hệ số Elo



bsx
03-06-2011, 11:17 PM
Khi bạn tham gia các trang đánh cờ online, bạn có thể được số điểm, số kim cương... và cấp bậc Tốt, Mã, Pháo, Xe.... Hoặc như ở Hà Nội, hay nói về cách biệt 1 tiên, 2 tiên, 1 mã với những danh xưng như bên quân đội: Tướng, đại tá, thiếu tá... :P. Ở Tp. Hồ Chí Minh, đã từng tồn tại 1 bảng xếp hạng Elo nhưng chỉ lưu hành nội bộ và hình như giờ đây ko còn dùng nữa.

Vậy là hệ số Elo chưa từng được sử dụng chính thức trong môn cờ tướng ở Việt Nam. Và tôi cũng lấy làm thắc mắc về điều đó. Cũng có 1 số bài viết trên diễn đàn thanglongkydao.com khá hữu ích về vấn đề này.

Giống như chuyện vác tù nhà hàng tổng, tôi muốn khơi lại 1 chút về hệ số Elo cho môn cờ tướng.

Trước hết là bằng 1 số bài viết về hệ số Elo cho môn cờ của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

bsx
03-06-2011, 11:19 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

Bài 1: Thế nào là hệ số Elo

Vào những ngày Tết vừa qua, khi Đại kiện tướng Lê Quang Liêm độc chiếm giải nhất tại Aeroflot open 2010, đạt hiệu suất thi đấu cao nhất trong lịch sử của giải với 2872 trong khi hệ số Elo lúc đó của Liêm chỉ mới 2647, nhiều bạn đọc đã gửi thư đến chúng tôi đề nghị giải thích thế nào là hệ số Elo? thế nào là hiệu suất? Phần lớn mọi người cho rằng mình chỉ hiểu lờ mờ về nó và chỉ biết sơ sơ là một kỳ thủ giỏi hơn sẽ có hệ số Elo cao hơn một kỳ thủ khác mà thôi.

Sắp tới TPHCM sẽ tổ chức nhiều giải để tính Elo, Liên đoàn Cờ quốc gia cũng dự kiến đưa toàn bộ các giải cờ vua tiêu chuẩn trong nước vào hệ thống của FIDE (Liên đoàn Cờ vua thế giới) để tính hệ số Elo cho các kỳ thủ Việt Nam từ năm 2010, do đó chúng tôi nhận thấy rằng đây là lúc thích hợp để giải đáp một số thắc mắc của những người hâm mộ bộ môn cờ vua về con số Elo “khó hiểu” này.

Sỡ dĩ chúng tôi cho rằng nó “khó hiểu” vì trên trang web của FIDE đã có đưa thông tin và cách tính đầy đủ về nó; Tuy nhiên cách trình bày của FIDE bằng tiếng Anh theo dạng “luật” với ngôn ngữ “Hàn lâm”, nên khá khô cứng và khó nuốt, mà ở đó chỉ có các nhà chuyên môn về tính toán hệ số hoặc những ai có quan tâm nghiên cứu kỹ mới hiểu nỗi, còn phần lớn mọi người chắc là sẽ mở ra xem được vài dòng rồi đóng lại.

Đa phần các kỳ thủ Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc và hỏi thì cũng chỉ biết trả lời rằng: “Ờ! Tôi có số Elo đấy, khi thi đấu Elo tôi có thay đổi thế nào thì để mấy bác trên ấy tính hộ”. Mấy anh giỏi tin học hơn một chút thì đưa dữ liệu vào chương trình bốc thăm để nó tự động tính cho nó khoẻ, dễ dàng như làm quảng cáo cái túi bột giặt bay qua người một cô gái tạo thành một vệt trắng xoá, thế rồi hô lên “Ngạc nhiên chưa!”.

Dựa vào các quy định của Luật FIDE, rồi lượm lặt các “văn bản hướng dẫn” về hệ số Elo trên kho tàng Internet, cộng với một số hiểu biết chút chút của mình, chúng tôi cố tổng hợp và sắp xếp bố cục để diễn giải về hệ số Elo sao cho dễ hiểu nhất.

Các tên gọi, chỉ số và tiêu chí gốc của hệ thống tính Elo của FIDE đều bằng tiếng Anh, phần lớn các từ này không có trong tự điển hoặc nếu có cũng mang nghĩa không thích hợp với bộ môn cờ do đó sẽ rất khó chuyển ngữ chúng sang tiếng Việt. Người Việt mình có thói quen dịch tiếng nước ngoài ra tiếng mẹ đẻ theo kiểu riêng của mình, có đôi khi từ được dịch và từ gốc chẳng ăn nhằm gì với nhau, miễn là đa số nghe được, đọc được và hiểu được là đủ. Như vậy những gì mà tôi chuyển ngữ trong bài viết này cũng sẽ theo cái thói quen đó với hy vọng rằng các bạn sẽ chấp nhận. Biết đâu trong tương lai những từ Việt đẹp đẽ này sẽ trở thành một nhóm từ mới trong kho tàng ngôn ngữ giàu trí tưởng tượng của nhân loại, lúc ấy đừng có kêu lên là "bác nào dịch bậy" đấy nhé!

Chúng tôi cũng hy vọng rằng phần trình bày dưới đây không những sẽ giúp cho các bạn hiểu được về hệ số Elo mà còn có thể bổ sung kiến thức về cách tính hệ số cho tất cả các kỳ thủ chúng ta. Ta vào chủ đề chính nào!

bsx
03-06-2011, 11:20 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

Elo xuất phát từ tên của Tiến sĩ Arpad Emrick Elo (1903-1992), người Mỹ gốc Hung. Ông Elo đã xây dựng nên hệ thống tính của mình dựa trên nền tảng hệ thống tính toán của một nhà tổ chức cờ vua Kenneth Harkness (1896-1972), người Mỹ gốc Scotland. Như vậy hệ thống tính này có công của 2 người, nhưng người ta quen gọi tên của ông Elo vì cách tính của ông đã được hoàn thiện và gần với cách tính ngày nay.

Hệ thống Elo hiện tại được áp dụng cho nhiều môn thể thao khác nhau, tôi không nhớ là bao nhiêu môn. Riêng ở môn cờ vua thì FIDE đã có bổ sung thêm một số công thức tính toán khác, gán thêm một số quy định và đặt tên là “Rating” & “Rating Performance” (để khỏi bị nhầm với môn khác) và áp dụng từ năm 1970.

“Rating” và “Rating Performance” là một cặp số được dùng để đánh giá một cách tương đối các đấu thủ cờ vua trên thế giới mà ta quen gọi là hệ số Elo và hiệu suất thi đấu. Do chủ đề trong bài này của chúng ta là giải đáp thắc mắc cho bạn đọc vì vậy ở đây ta sẽ bắt đầu bằng việc giải thích 2 dạng số này của FIDE nhé:

1. Rating: cho ta biết sức mạnh của một kỳ thủ. Ví dụ như “Rating” của một đấu thủ A là 2500, đấu thủ B là 2100 cho ta biết rằng đấu thủ A có sức cờ mạnh hơn đấu thủ B. Với Rating như vậy, trong thi đấu thường thì A sẽ thắng B; Tuy nhiên có đôi khi A cũng bị B bắt bí, lúc đó hệ số “Rating” của B sẽ tăng và của A sẽ giảm. FIDE dựa vào “rating” để xếp hạng cho các đấu thủ trên thế giới hoặc để xếp hạt nhân cho một giải thi đấu nào đó. Như vậy “Rating” là một con số thể hiện sức mạnh tương đối của một kỳ thủ.

“Mạnh” tiếng Hán là “Cường”, người Việt mình hay đặt tên con theo từ Hán như Lâm, Hải, Long v.v… thay vì là Rừng, Biển, Rồng; Do đó tôi cũng xin dịch từ “Rating” này sang tiếng Hán Việt là “Cường số” cho nó hoành tráng vậy. Hỵ vọng từ này sẽ dễ chấp nhận cho các bạn nào yêu tiếng Việt, chắc là được phải không các bạn. Như vậy kể từ đây tôi gọi “Rating” là “cường số”, bạn nào không thích thì có thể dùng mọi biện pháp tin học để đổi các thuật ngữ này ra theo ý riêng của mình thì khi đọc sẽ không bị chướng mắt vậy.

2. Rating Performance: đây cũng là một con số giống như “cường số” nhưng nó có giá trị chỉ trong một giải thi đấu. FIDE căn cứ vào “cường số” ban đầu, cùng với kết quả thi đấu của các đấu thủ trong một giải, rồi làm một vài phép toán đại số sẽ cho ra một nhóm số khác để đánh giá khả năng đẳng cấp của đấu thủ trong giải thi đấu đó gọi là “Rating Performance”, tạm dịch là “hiệu suất”.

Ví dụ như “hiệu suất” (Rating Performance) của bạn trong một giải là 2570, có nghĩa là bạn thể hiện trình độ thi đấu của mình ở giải đó cỡ “kiện tướng quốc tế”. Như vừa rồi Lê Quang Liêm đạt “hiệu suất” ở Aeroflot Open là 2872, tức là ở đó Liêm đạt trình độ thi đấu ở tầm cỡ vô địch thế giới, hàng siêu đại kiện tướng. Các báo đài trên thế giới ca ngợi Liêm hết lời cũng là vì cái con số hiệu suất 2872.

Tiếp tục nhé! Theo quy định của FIDE, nếu như “hiệu suất” của bạn ở một giải quốc tế đạt 2450, bạn sẽ có 1 chuẩn kiện tướng quốc tế, tiếng Anh là “Norm”, bạn sẽ nhận được 1 cái giấy chứng nhận chuẩn kiện tướng quốc tế (tất nhiên là phải có vài điều kiện khác về luật kèm theo giải); Hoặc nếu bạn có hiệu suất thi đấu là 2600 bạn sẽ có 1 chuẩn Đại kiện tướng đấy. Sướng chưa!

Như vậy “cường số” và “hiệu suất” có quan hệ với nhau và được sử dụng cho 2 mục đích khác nhau trong hệ thống của FIDE; Một để đánh giá sức mạnh của đấu thủ và thể hiện trên bảng xếp hạt nhân định kỳ của FIDE 2 tháng 1 lần; Một để đánh giá khả năng của các đấu thủ và chỉ thể hiện trong một giải thi đấu.

Trên đây là phần trình bày giải thích về “Cường số” và “Hiệu suất”. Hy vọng là tôi không đi quá nhanh và vắn tắt đến mức không thể hiểu được.
Nếu bạn chỉ cần tìm hiểu thôi thì có thể tạm dừng ở đây được rồi; Riêng các nhà chuyên môn, tôi đề nghị các bạn hãy đón đọc tiếp các phần tiếp theo trình bày cách tính của 2 dạng số này.

bsx
03-06-2011, 11:22 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

Bài 2: Cách tính cường số thay đổi qua 1 giải đấu

Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 100 ngàn kỳ thủ có tên có tuổi đàng hoàng đã có cường số trên bảng thông tin của FIDE và chắc là cũng đến có vài triệu kỳ thủ trẻ cũng đang mong được có hệ số trên cái bảng thông tin ấy; Vì vậy FIDE đã quy định 2 cách tính khác nhau trong hệ thống, một dành cho người đã có cường số rồi và một dành cho người mới.

Cả 2 cách tính có phần phức tạp ngang nhau. Tuy nhiên cách tính cho người đã có cường số rồi dễ hơn một chút vì chỉ cần tập trung tính toán phần thay đổi cường số của đấu thủ qua từng ván đấu. Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng là cái nào dễ thì làm trước cho nó chắc, do đó tôi sẽ tập trung trình bày cách tính dành cho người đã có cường số rồi trước vậy, phần dành cho người mới tôi sẽ trình bày ở bài sau hoặc ở một chuyên đề khác.

Nói là dễ chứ thật ra cũng không dễ lắm đâu nhé, các bạn nên tập trung một chút giống như đang đánh cờ vậy. Tốt hơn là hãy làm một ly cà phê hay một cốc nước cam gì đó cho nó khoẻ rồi hãy bắt đầu đọc tiếp bạn ạ.

Cách tính tăng, giảm cường số

Cường số của mỗi kỳ thủ sẽ thay đổi qua từng ván thi đấu.
Ở các hệ thi đấu cá nhân và đồng đội hệ Thụy sĩ (Swiss system) thì chỉ những ván giữa các đấu thủ đã có cường số rồi mới được tính. Còn ở hệ thi đấu vòng tròn (Round Robin) thì cường số thay đổi được tính cho tất cả các đấu thủ, kể cả khi gặp những đấu thủ mới. Cách tính ở hệ vòng tròn nếu có đấu thủ mới tham dự sẽ khá phức tạp, do đó tôi sẽ trình bày vấn đề này ở phần khác, còn bây giờ ta chỉ xét đến cách tính cường số thay đổi ở trường hợp những ván đấu cùa các đấu thủ đã có cường số với nhau.

Để có thể tính toán đầy đủ cường số thay đổi ở mỗi ván thi đấu ta cần chú ý 4 yếu tố sau:
- Thừa số K (K-factor);
- Điểm ván đấu của kỳ thủ (score);
- Điểm chuẩn của ván đấu (scoring probability), gọi tắt là “điểm chuẩn”;
- Luật 400 điểm (a difference in rating of more than 400 points).

1. Thừa số K (K-factor):
Đây là một thừa số được FIDE quy định dùng để phát triển cường số của đấu thủ theo 3 cấp:
K = 25 dành cho kỳ thủ mới có cường số cho tới khi hoàn thành tối thiểu 30 ván
K = 15 dành cho kỳ thủ có cường số dưới 2400.
K = 10 dành cho kỳ thủ có cường số từ 2400 cho đến khi hoàn thành tối thiểu 30 ván, sau đó giữ nguyên là 10, kể cả khi bị xuống dưới 2400
K là một thành phần không thể thiếu trong công thức tính thay đổi cường số, từ từ các bạn sẽ hiểu cách dùng thừa số K này thông qua các ví dụ bên dưới nhé.

2. Điểm ván đấu của kỳ thủ (score):
Cái này chắc không cần giải thích nhỉ. Ván thắng =1, hoà =½, thua =0.

bsx
03-06-2011, 11:28 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

3. Điểm chuẩn (scoring probability):
Gọi là điểm chuẩn có thể là chưa chính xác lắm, tuy nhiên thật là khó để tìm ra một từ Việt thích hợp cho chỉ số này.
Ở một ván đấu, thường thì lúc nào cũng có 2 đấu thủ với 2 cường số khác nhau, người có cường số cao hơn sẽ có cơ hội chiến thắng nhiều hơn, nếu cường số bằng nhau thì cơ hội mỗi bên sẽ là 5/5.
Xuất phát từ quan điểm trên, FIDE đã đưa ra một bảng tổng hợp và quy định một cách tương đối rằng: Với mỗi mức độ chênh lệch cường số nhất định giữa 2 đấu thủ thì sẽ có một chuẩn quy định khả năng chiến thắng của cả 2 bên, đại khái theo bảng dưới đây:



https://lh5.googleusercontent.com/-XHrMlocHDeg/Tej9hRfnZCI/AAAAAAAAA-4/HEe-jk5GKA0/elo.JPG

Bạn có thể tham khảo bảng (b) trong điều 8.1 ở link này của FIDE hoặc tải về từ kho tài liệu của Vietnamchess tại đây

Ví dụ nếu tôi có cường số là 2500, đấu thủ của tôi là 2400, lệch nhau 100 (chú ý số lệch này nhé).

Chiếu theo bảng 1 bên trên sẽ thấy quy định chuyển đổi 100 điểm lệch cường số cho đấu thủ mạnh là 0,64 và đấu thủ yếu là 0,36. Cặp số này cho biết cơ hội chiến thằng của tôi là 64% và của anh ta là 36%. Nếu như khi thi đấu với anh ta 1 ván mà tôi đạt 0,64 điểm trở lên thì không sao, chứ nếu đạt dưới 0,64 điểm thì cường số của tôi sẽ bị giảm. Còn anh ta thì chỉ cần trên 0,36 là được tăng cường số rồi.

Nghe hơi lạ tai vì làm sao mà đạt 0,64 điểm ở 1 ván được, chỉ có thắng thôi chứ.
Đừng lo bạn ạ! Nếu bạn thi đấu 9 ván với cái yêu cầu phải từ 0,64 trở lên, tức là nếu như 9 đấu thủ của bạn đều thấp hơn bạn trong khoảng 100 điểm cường số thì bạn chỉ cần: 9 x 0,64 = 5,76 = làm tròn thành 6 điểm (làm tròn lên ở mức 0,5 điểm gần nhất, không làm tròn xuống).
Vậy chỉ cần 6 điểm/9 ván trong trường hợp trên thì cường số của bạn an toàn, chẳng những không bị giảm mà còn có thể tăng nữa.

bsx
03-06-2011, 11:30 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

4. Luật 400 (a difference in rating of more than 400 points):
Cũng theo bảng 1 ở trên ta sẽ thấy nếu 2 đấu thủ có cường số lệch nhau 400 điểm thì cơ hội cho đấu thủ cao là 92% và thấp là 8% (0,92 và 0,08). Lên đến 735 thì đấu thủ mạnh buộc phải thắng, điều này quả là hơi khó cho các đại cao thủ đây, do đó FIDE mới đặt ra điều luật rằng nếu điểm chênh lệch cường số giữa 2 đấu thủ cao hơn 400 thì cũng chỉ tính như ở mức 400 thôi, tức là nếu lệch nhau 500, 600, 1000 v.v… thì cũng theo nguyên tắc 0,92 và 0,08.
Luật 400 điểm này do FIDE quy định áp dụng từ 1/7/2009 (Điều 8.54 gốc của FIDE trong link này).

Như vậy không bao giờ có chuyện một đại tướng đánh với một anh binh nhì mà bắt phải thắng tuyệt đối 1điểm đâu nhé (nhưng hổng thắng coi sao được).
Có nghĩa là nếu như 1 siêu đại kiện tướng có cường số ở mức cao chót vót mà thi đấu với 9 đấu thủ có cường số thấp lè tè thì vẫn được có cửa hoà 1 ván, chỉ cần đạt 8,5 / 9 ván thì cường số không bị làm sao: 0,92 x 9 = 8,28 (làm tròn là 8,5 điểm).

Với điều này thì từ đây các Đại kiện tướng cứ yên tâm mà thi đấu nhé. Các đấu thủ yếu thì cũng chẳng sợ, vì nếu như gặp 9 đại cao thủ có cường số cao hơn bạn quá 400 thì bạn chỉ cần 0,08 x 9 = 0,72, làm tròn thành 1 điểm, tức là bạn sẽ được ghi tên vào lịch sử của mình rồi đó. Nhưng nếu bạn chỉ có 0 điểm và tự an ủi rằng “toàn là cao thủ không à, tôi thua là phải dòi”, tức là bạn chưa có cố gắng lắm đâu, cường số của bạn cũng sẽ bị giảm đó nhe.

Còn 1 trường hợp này nữa cần lưu ý thường gặp trong thi đấu thực tế nè:
Có thể bạn sẽ nói rằng: "Sài gòn lúc này lô-cốt tràn đầy, cầu trời cho ông đại tướng đó kẹt xe đến trễ quá giờ quy định thì ta sẽ thắng, khà khà!".
Đừng vội mừng bạn ơi! Trường hợp này Ban trọng tài sẽ ghi vào bảng điểm là 1F-0F (nếu bạn cầm quân Trắng). Tương đương với "bye" (miễn đấu 1 ván). Bạn sẽ không còn quyền miễn đấu nữa nếu ở giải này có "bye" và cường số thay đổi cũng sẽ không được tính cho cả 2 đấu thủ. Nhưng nếu Ban trọng tài nhắm mắt mà ghi là 1-0 thì bạn sẽ có lãi ngay đấy. Vậy có nên "xi-nhan" trước hoặc nháy mắt với trọng tài trong trường hợp này không nhỉ?

Ở ngoài thực tế, nhiều đấu thủ mạnh thường ngại thi đấu với các đấu thủ có cường số thấp hơn mình vì sợ lỡ có gì thị bị giảm cường số quý giá bao năm dành dụm; Tuy nhiên nếu biết tính toán và thi đấu cho nó ngon lành, khẳng định đẳng cấp đã được công nhận thì sao mà giảm cường số được chứ, FIDE có cho “giảm trừ gia cảnh” chứ bộ. Vậy thì từ nay mỗi đấu thủ giỏi nên in ra cái bảng (b) của FIDE và cho vào bóp (ngoài Bắc gọi là ví); mỗi khi vào giải thì lấy nó ra, làm vài con tính nhỏ và tự tin bước vào cuộc chiến.

“Điểm chuẩn” là một chỉ số khá quan trọng trong hệ thống tính cường số của FIDE, tất cả các chuyên gia, các kỳ thủ đều nên cố ghi nhớ mỗi khi bắt đầu một giải đấu nào đó, tốt nhất là học thuộc lòng như học bảng cửu chương của các cháu Tiểu học vậy.

bsx
03-06-2011, 11:33 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

Công thức tính tăng/ giảm cường số:

Tăng (giảm) cường số = Thừa số K * (Kết quả ván đấu – Điểm chuẩn ván đấu)
Viết bằng ký hiệu: Rchg = K * (W-We)

Bây giờ ta thử tính cường số thay đổi của một cặp đấu thủ giả định:

Ví dụ đấu thủ A có cường số là 2500, Đấu thủ B là 2400.
Chênh lệch cường số là 100. Tra bảng của FIDE cho ta thấy cơ hội của bên A là 0,64 – bên B là 0,36.
Trong ví dụ này ta chọn thừa số K=10 cho nó dễ tính nhẩm.

Bây giờ 2 đấu thủ thi đấu với nhau sẽ có 3 trường hợp:

– Trường hợp 1: A thắng B (kết quả 1-0). Ta có:
+ Thay đổi cho A = 10 * (1 – 0,64) = 3,6 → Cường số mới của A = 2500 + 3,6 = 2503,6 làm tròn = 2504 (chỗ này thì làm tròn theo cách thông thường: 0,5 trở lên thì lên 1).
+ Thay đổi cho B = 10 * (0 – 0,36) = –3,6 → Cường số mới của B = 2400 – 3,6 = 2396,4 làm tròn = 2396

– Trường hợp 2: A thua B (kết quả 0-1). Ta có:
+ Thay đổi cho A = 10 * (0 – 0,64) = –6,4 → Cường số mới của A = 2500 – 6,4 = 2493,6 làm tròn = 2494
+ Thay đổi cho B = 10 * (1 – 0,36) = 6,4 → Cường số mới của B = 2400 + 6,4 = 2406,4 làm tròn = 2406

– Trường hợp 3: A hòa B (kết quả ½-½). Ta có:
+ Thay đổi cho A = 10 * (½ – 0,64) = –1,4 → Cường số mới của A = 2500 – 1,4 = 2498,6 làm tròn = 2499
+ Thay đổi cho B = 10 * (½ – 0,36) = 1,4 → Cường số mới của B = 2400 + 1,4 = 2401,4 làm tròn = 2401

Nhận xét thấy rằng ở 3 kết quả của bên A thắng, thua và hòa thi A được +4, -6, +1; phía bên B được thay đổi cường số tương ứng ngược lại -4, +6, -1.
Vậy là điểm cường số của A sẽ chuyển sang B hoặc ngược lại tùy theo kết quả của ván đấu.
Đúng là “Cường số không tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển từ túi của đấu thủ này sang túi đấu thủ khác mà thôi” (Xin lỗi là phải mượn văn của bác Lomonosov. Cám ơn bác!).

Như vậy nếu như phải tính cường số thay đổi cho 1 kỳ thủ trong toàn giải thi đấu thì phải tính như thế nào?

Dễ như ăn ớt!
Cũng như cách tính trên, thay vì phải tính điểm chuẩn ở từng ván một thì ta chỉ cần cộng hết tất cả điểm chuẩn của từng đấu thủ của bạn lại. Nếu kết quả điểm thi đấu sau cùng của bạn cao hơn điểm chuẩn đó thì cường số của bạn sẽ tăng, nếu ngược lại thì sẽ giảm.

(có đính kèm file tính toán của tác giả)

bsx
03-06-2011, 11:37 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

Bài 3: Cách tính hiệu suất thi đấu

Giải cờ vua hạng nhất quốc gia năm 2010 vừa qua đã diễn ra khá hấp dẫn với chức vô địch nam không nằm ngoài dự đoán, Đại kiện tướng Lê Quang Liêm đã xuất sắc đoạt chức vô địch.
Tuy nhiên có một điều đáng tiếc là dù đã cố gắng đạt 10,5 điểm trong 13 trận để giành chức vô địch, Liêm cũng bị mất 2 điểm cường số trên bảng xếp hạng của FIDE. Điểm mất nhiều nhất là ở một ván hòa khi Liêm cầm quân Đen trong trận bán kết với Nguyễn Đức Hòa – Cần Thơ, dù Liêm đã thắng 1,5 điểm trong 2 ván.
Thông thường khi thi đấu các trận loại trực tiếp trong 2 ván như vậy, việc giành 1,5 điểm để chiến thắng sẽ khả thi hơn nhiều so với việc cố đạt 2 điểm; Bởi vì nếu như bạn thắng ở trận đầu tiên, thì trận đấu thứ hai đối thủ của bạn sẽ cố tung ra hết sức để gỡ; Và nếu như bạn còn cầm quân Đen nữa thì cửa hòa sẽ là niềm vui của bạn đấy, nhưng trong trường hợp này nếu cường số của bạn quá cao thì chắc chắn nó sẽ bị giảm như Lê Quang Liêm vậy. Hy vọng sau giải này Liên đoàn Cờ Việt Nam sẽ đổi lại thể thức thi đấu tại Giải hạng nhất toàn quốc như thế nào đó thì các cao thủ sẽ không bị phải nghĩ ngợi gì nhiều về vấn đề tăng giảm cường số khi bước vào cuộc đấu.

Tám một chút thôi bạn nhé, bây giờ trở lại vấn đề của chúng ta. Trong bài này tôi sẽ tiếp tục trình bày về cách tính hiệu suất của đấu thủ trong một giải thi đấu và ở phần minh họa tôi sẽ sử dụng dữ liệu của Giải hạng nhất 2010 vừa qua để làm ví dụ cho nó nóng.

Công thức tính hiệu suất thi đấu

Hiệu suất thi đấu trên các bảng thông tin của FIDE có ký hiệu là Rp (viết tắt của Rating Performance) được tính theo công thức như sau:

Hiệu suất thi đấu = Cường số trung bình của các đối thủ + hiệu suất biến đổi

Viết theo ký hiệu Rp= Ra + dp (các bạn ghi nhớ ký hiệu viết tắt nhé)

Ở công thức trên chúng ta thấy có 2 số hạng để cho ra hiệu suất thi đấu là (Ra) và (dp), ta sẽ nói đến từng cái một.

@ Cường số trung bình của đối thủ (Rating average, viết tắt là (Ra), có nơi ghi là (Rc):

Cường số trung bình của các đối thủ (Ra) nghĩa là trung bình cộng cường số của tất cả các đối thủ mà bạn đã thi đấu trong một giải.

Ví dụ nếu bạn gặp 3 đối thủ trong 3 ván đấu có cường số là 2000, 2100 và 2200.
Ta tính (2000+2100+2200)/3=2100. Ta có (Ra) của bạn sau 3 ván là 2100.

bsx
03-06-2011, 11:38 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

Dễ tính quá nhỉ! Tuy nhiên có một số điểm dưới đây mà bạn phải cần lưu ý:

1. Hiện nay trên thế giới người ta vẫn còn không đồng nhất trong cách tính cường số trung bình với những trường hợp gặp luật 400 của FIDE, tức là ở những trường hợp có từ 2 đấu thủ trở lên có cường số lệch nhau trên [400].

Lên các trang mạng để tìm hiểu và tải về thử các chương trình calculator của họ, tôi thấy có 2 cách tính cường số trung bình phổ biến, đương nhiên là nó cũng sẽ cho ra hiệu suất thi đấu khác nhau.

* Cách thứ nhất: áp dụng luật 400 điểm của FIDE:

Ví dụ nếu như bạn có cường số là 2200, bạn gặp 2 đấu thủ có cường số là 2700 và 1500. Một người mạnh hơn bạn 500 và một người yếu hơn bạn 700. Vậy nếu áp theo luật 400 điểm của FIDE thì bạn sẽ phải tính làm sao cho mỗi đối thủ không được lệch hơn bạn quá 400.

Trong trường hợp này ta phải tính:
– cường số của đối thủ cao = cường số của bạn cộng 400
– cường số của đối thủ thấp = cường số của bạn trừ 400.
==> Ra = [(2200+400)+(2200-400)]/2 = (2600+1800)/2 = 2200

* Cách thứ hai: không áp dụng luật 400 điểm của FIDE:

Cách này đơn giản và dễ hiểu, cường số có sao thì tính vậy. Như ở ví dụ trên thì Ra của bạn sẽ là (2700+1500)/2= 2100, không thêm, không bớt.

Loại (Ra) này sẽ cho ra một hiệu suất thi đấu trông có vẻ thực hơn, do đó hiện nay đa phần các Ban Tổ chức áp dụng cách tính cường số trung bình không dính líu gì đến luật 400 điểm của FIDE, tuy nhiên cũng có thể thấy rằng thực chất 2 cách tính này không khác nhau bao nhiêu, chúng chỉ lệch nhau trong trường hợp thỏa luật 400 điểm mà thôi.

Ở Việt Nam hiện nay các Ban tổ chức thường sử dụng chương trình Swissmanager để bốc thăm. Trong chương trình đó đã có đầy đủ một hệ tính toán tự động nên ít ai biết rằng chương trình này tính cường số trung bình của đấu thủ theo cách thứ 2 này để cho ra một hiệu suất thi đấu được cho là thực, tiếng Anh là True Performance Rating (viết tắt là TPR hoặc ghi luôn là Rp cũng không sao).
Tuy nhiên lại có ý kiến cho rằng cách tính đó không thể gọi là TPR được, họ lý luận theo một cách khác mà tôi sẽ nói ở phần cuối của bài này. Riêng ở đây và kể từ bây giờ tôi chỉ trình bày cách tính cường số trung bình không chiếu đến luật 400 của FIDE, còn cách thứ nhất tôi sẽ để dành cho một bài khác khi có dịp.

bsx
03-06-2011, 11:39 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

2. Thêm một chú ý quan trọng là nếu như đối thủ của bạn còn mới tinh, cường số của họ còn trắng trơn thì tính cường số trung bình cho bạn như thế nào?

Cái này rắc rối đây. Theo quy định của FIDE, nếu như đây là giải đầu tiên của anh ta mà anh ta đạt dưới 1 điểm thì không tính gì hết. Như vậy hiểu theo hướng khác có nghĩa là nếu như anh ta đã có thi đấu mấy giải trước rồi và đã có trên 1 điểm rồi mà cường số vẫn còn trắng trơn thì giải này vẫn được tính với cường số sàn của anh ta sẽ là 1200. Cường số sàn này chỉ để cấp tạm thời dùng để tính hiếu suất cho các đối thủ của anh ta chứ không phải là cường số chính thức đâu nhé.

Khi gặp trường hợp trên bạn nên chịu khó lên trang web của FIDE để xem hồ sơ thi đấu của anh ta đã có điểm nào hay chưa rồi hãy tính. Cái này phải dò thủ công thôi vì nếu dùng chương trình tự động trong Swissmanager thì nó sẽ không tự biết điều này đâu. Như vậy ở các giải có tính chuẩn đẳng cấp quốc tế, các Ban Trọng tài cần phải cẩn thận dò thủ công từng đấu thủ một, đừng phó thác vận mệnh của mình cho máy móc nhé.

Trong một giải đấu thường có đến cả chục người có cường số khác nhau. Một người lại được bốc thăm thi đấu với một nhóm người khác nhau, do đó chắc rằng (Ra) của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Vậy tính (Ra) để làm gì và nó có ý nghĩa gì?

Đúng ra để tính được hiệu suất thi đấu của bạn tại một giải người ta phải so sánh cường số của bạn với từng đối thủ để xem bạn gặp đấu thủ mạnh hơn hoặc yếu hơn như thế nào trong giải đó. Điều này xem ra cũng không dễ, do đó FIDE quy định là chỉ căn cứ vào cường số trung bình của các đối thủ của anh ta trong toàn giải để tính hiệu suất thi đấu. Tức là bạn chỉ cần biết rằng ở giải đó một kỳ thủ A đã gặp một đấu thủ B có cường số bằng cường số trung bình (Ra) của tất cả đối thủ mà A đã gặp.

Ví dụ bạn có cường số là 2300, tính toán trong toàn giải (Ra) của bạn là 2438.
Đừng nghĩ gì cao siêu, bạn chỉ cần nghĩ đơn giản rằng ở giải đó bạn đã thi đấu chỉ với 1 đấu thủ mạnh hơn mình với cường số là 2438; Nếu đạt từ hòa đến thắng, tức là bạn đã “vượt lên chính mình trong 1 phút 30 giây” rồi đó; Hoặc nếu như ở một giải khác mà (Ra) của bạn chỉ khoảng 2234, tức là ở giải này bạn đã gặp một đối thủ thấp hơn mình, phải bóp thôi!

bsx
03-06-2011, 11:40 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

@ Tiếp theo ta sẽ bàn về số hạng thứ 2 trong công thức: Cách tính hiệu suất biến đổi (dp).

Để có thể hiểu được (dp) tôi phải tám vòng vo một chút, vì nếu nói ngay vô đề thì chắc bạn sẽ mắc nghẹn mà chết mất.
Chuyện là như thế này, ta sẽ mượn tạm cách dùng từ phân loại học sinh từ Ngành Giáo dục tuyệt vời của nước ta gồm: yếu, kém, trung bình, khá, giỏi, xuất sắc.

Để tính được hiệu suất biến đổi (dp) ta cần có tỷ suất thi đấu (P) (viết tắt của từ tiếng Anh Performance Ratio).
Ta sẽ tham khảo vấn đề này bằng một ví dụ cho nó dễ hiểu nhé:

Giả định bạn tham gia thi đấu ở một giải có 10 ván (phần lớn các giải trên thế giới số ván đấu thường là số lẻ như 9, 11, 13… nhưng tôi chọn số 10 để tính nhẩm cho nó nhanh).
- Kết thúc giải bạn đạt 5 điểm trong 10 ván, tương đương với ván nào bạn cũng hòa, ta sẽ có tỷ suất (P) của bạn đạt được so với tổng số ván tại giải đó là: 5/10 = 0,5 => đánh giá bạn đạt cỡ trung bình 50%.
- Tương tự nếu bạn đạt 10 điểm/ 10 ván = tỷ suất (P) sẽ là 1, xếp hạng xuất sắc với 100% đó nhé, dô to! Nhưng nếu bạn chỉ thắng 3 điểm trong 10 ván thôi thì bạn sẽ bị xếp loại yếu với tỷ suất (P) là 0,3= 30%.
- Hoặc có thể bạn không đạt được điểm nào, (P) = 0%, bạn sẽ bị xếp loại yếu kém; Lập tức, Thầy Hiệu Trưởng sẽ viết giấy mời phụ huynh của bạn lên gặp ngay để hợp tác làm ăn sao cho điểm số của bạn phải được cải thiện trong lần tới đó nhe. Chết chưa!

Nhưng tính tỷ suất để làm gì?

Qua ví dụ trên ta thấy tính tỷ suất (P) cũng là một cách tính trung bình cộng số điểm mà bạn đạt được trên tổng số ván đấu. Tỷ suất sẽ là cơ sở để tính hiệu suất (Rp) khi thi đấu với đối thủ (Ra) của bạn đấy.
Ở phần trên tôi lý sự là xem như toàn giải bạn chỉ gặp 1 đối thủ (1 thôi nhé), đến đây tôi lại tiếp tục lòng vòng như thế này: Bạn hãy tưởng tượng như là trong toàn Giải bạn chỉ có gặp 1 đối thủ có cường số là (Ra) và thi đấu cũng chỉ có 1 ván với hắn thôi với kết quả là (P). Tưởng tượng ra không bạn. Chút nữa bạn sẽ biết để làm gì với cái lối nghĩ này.

bsx
03-06-2011, 11:41 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

Căn cứ vào tỷ suất (P) đạt được của đấu thủ trong một giải, FIDE đặt ra một bảng “thưởng” bằng cường số, cho ra hiệu suất biến đổi (dp) theo bảng 1 như sau:

p → dp p → dp p → dp p → dp p → dp
1 → 800 0.80 → 240 0.60 → 72 0.40 → -72 0.20 → -240
0.99 → 677 0.79 → 230 0.59 → 65 0.39 → -80 0.19 → -251
0.98 → 589 0.78 → 220 0.58 → 57 0.38 → -87 0.18 → -262
0.97 → 538 0.77 → 211 0.57 → 50 0.37 → -95 0.17 → -273
0.96 → 501 0.76 → 202 0.56 → 43 0.36 → -102 0.16 → -284
0.95 → 470 0.75 → 193 0.55 → 36 0.35 → -110 0.15 → -296
0.94 → 444 0.74 → 184 0.54 → 29 0.34 → -117 0.14 → -309
0.93 → 422 0.73 → 175 0.53 → 21 0.33 → -125 0.13 → -322
0.92 → 401 0.72 → 166 0.52 → 14 0.32 → -133 0.12 → -336
0.91 → 383 0.71 → 158 0.51 → 7 0.31 → -141 0.11 → -351
0.90 → 366 0.70 → 149 0.50 → 0 0.30 → -149 0.10 → -366
0.89 → 351 0.69 → 141 0.49 → -7 0.29 → -158 0.09 → -383
0.88 → 336 0.68 → 133 0.48 → -14 0.28 → -166 0.08 → -401
0.87 → 322 0.67 → 125 0.47 → -21 0.27 → -175 0.07 → -422
0.86 → 309 0.66 → 117 0.46 → -29 0.26 → -184 0.06 → -444
0.85 → 296 0.65 → 110 0.45 → -36 0.25 → -193 0.05 → -470
0.84 → 284 0.64 → 102 0.44 → -43 0.24 → -202 0.04 → -501
0.83 → 273 0.63 → 95 0.43 → -50 0.23 → -211 0.03 → -538
0.82 → 262 0.62 → 87 0.42 → -57 0.22 → -220 0.02 → -589
0.81 → 251 0.61 → 80 0.41 → -65 0.21 → -230 0.01 → -677
0 → -800
Từ từ thôi nhe. Bảng trên ta chú ý cột “P” là tỷ suất sẽ chuyển ra cột “dp” hiệu suất biến đổi tương đương, dài quá nên tôi chia thành 5 nhóm cột vậy.

Nếu bạn thắng 10/10, tức là P = 1, so bảng sẽ được “thưởng” dp = 800, ngược lại bạn sẽ bị trừ 800 điểm nếu bạn chỉ đạt loại yếu kém với p = 0%. Tương tự, nếu bạn đạt tỷ suất thi đấu ở mức trung bình là P = 0,5 (50%) thì bạn chẳng có điểm thưởng nào.
Theo lý giải của tôi ở đoạn phía trên là bạn hãy tưởng tượng rằng bạn chỉ gặp 1 đấu thủ (Ra) trong toàn giải. Nếu bạn hòa thì dp = 0 (so bảng chỗ P= 0.5) => Rp = Ra + 0 = Ra. Giả sử đấu thủ (Ra) đó mạnh hơn bạn thì (Rp) của bạn sẽ cao hơn cường số mà bạn đang có, thăng hạng là chắc.

Nếu bạn không hiểu đoạn trên thì chịu khó đọc lại vài lần sẽ hiểu vì khả năng diễn giải của tôi cũng có hạn.

Thư giãn một chút nào. Đến đây ta có thể ráp các số hạng vào công thức tính hiệu suất thi đấu qua ví dụ bằng bài toán đố Tiểu học nhé.

Đề bài: Giả sử cường số trung bình đối thủ của bạn trong giải là 2500, bạn thi đấu 10 ván, đạt 6 điểm. Hãy tính hiệu suất thi đấu của bạn?

Làm bài:
- Tỷ suất thi đấu của em: p = 6 điểm / 10 ván = 0,6
- So bảng của FIDE: dp từ p 0,6 = +72
- Vậy hiệu suất thi đấu của em là: Rp = Ra + dp = 2500 + 72 = 2572

Đáp số: Rp = 2572
Bài này đem nộp cho cô giáo chắc sẽ được 10 điểm đó!

bsx
03-06-2011, 11:43 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

Như vậy là tôi đã giải thích xong về cách tính hiệu suất thi đấu. Để minh họa thực tế ta hãy xem xét về hiệu suất thi đấu qua Giải cờ vua nữ hạng nhất quốc gia năm 2010.

Ở đây tôi chọn 2 kỳ nữ đứng đầu giải và nhân tiện sử dụng chương trình Swissmanager cho nó nhanh (vì tính bằng tay cũng ra kết quả như nhau), ta có bảng trích từ chương trình Swissmanager như sau:

Bảng 2: Số liệu thi đấu của Thảo Nguyên và Bảo Trâm tại giải hạng nhất quốc gia 2010

No. Name FED IRtg W n We W-We K Rtg+/- Ra Rp
1 WIM Pham, Le Thao Nguyen CTH 2338 9.5 13 8.74 0.76 15 11 2202 2377
2 WGM Hoang, Thi Bao Tram TTH 2318 8.0 12 7.28 0.72 15 11 2237 2298
– Trước tiên ta xem xét dữ liệu của WIM Phạm Lê Thảo Nguyên:

* Cường số ban đầu: 2338
* Thi đấu (n) = 13 ván;
* Đạt (W)= 9,5 điểm;
* Điểm chuẩn cần có (We) = 8,74;
* Lệch so với chuẩn (W-We) = 9,5 - 8,74 = 0,76;
* Hệ số K = 15,
* Cường số thay đổi (Rtg+/-) = 15 x 0,76 = +11 ==>cường số mới sẽ là 2338 + 11 = 2349

[/QUOTE]

bsx
03-06-2011, 11:44 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

Để hiểu cách tính cường số thay đổi xin vui lòng đọc bài 2 mà tôi đã đăng trước đây. Tiếp tục:
* Cường số trung bình của các đối thủ (Ra) = 2202
* Tính tỷ suất thi đấu (P) = 9,5 điểm /13 ván = 0,73; so bảng của FIDE (P) 0,73 => (dp) 175
* Hiệu suất thi đấu = Ra + dp = 2202 + 175 = 2377

Kiểm tra lại chi tiết các đối thủ của Phạm Lê Thảo Nguyên theo bảng 3 bên dưới, ta thấy tất cả các đối thủ của Thảo Nguyên đều đã có cường số, do đó cường số trung bình sẽ không có vấn đề gì và kết quả tính hiệu suất như tôi tính cũng chính xác như máy tính.
Ra = (2084 +2167+2200+2318+2034+2309+1991+2207+2226+2226+2226+2318+2318)/13=2202

Bảng 3: Chi tiết các đối thủ của Thảo Nguyên tại Giải hạng nhất quốc gia 2010

Rd. Name IRtg FED Pts Res. C
1 WFM Vo Thi Kim Phung 2084 TTH 6½ 1 b
2 WIM Pham Bich Ngoc 2167 KGI 7 1 w
3 WIM Hoang Thi Nhu Y 2200 TTH 5½ 1 b
4 WGM Hoang Thi Bao Tram 2318 TTH 9 0 w
5 Pham Thi Thu Hien 2034 QBI 5 1 b
6 WGM Nguyen Thi Thanh An 2309 HCM 8 ½ w
7 WFM Nguyen Thi Diem Huong 1991 BTR 4½ 1 w
8 WIM Nguyen Thi Tuong Van 2207 HCM 7½ 1 b
9 WIM Le Kieu Thien Kim 2226 HCM 8½ ½ w
10 WIM Le Kieu Thien Kim 2226 HCM 8½ 1 b
11 WIM Le Kieu Thien Kim 2226 HCM 8½ ½ w
12 WGM Hoang Thi Bao Tram 2318 TTH 9 ½ b
13 WGM Hoang Thi Bao Tram 2318 TTH 9 ½ w
– Tiếp theo ta tính Rp của WGM Hoàng Thị Bảo Trâm:

Cách tính cường số thay đổi (Rtg+/-) của Bảo Trâm cũng tương tự như của Thảo Nguyên nên ta không cần bàn nữa mà đi thẳng vào việc tính hiệu suất thi đấu.
Trước tiên ta xem xét các đối thủ của Bảo Trâm tại bảng 4 dưới đây:

Bảng 4: Chi tiết các đối thủ của Bảo Trâm tại Giải hạng nhất quốc gia 2010

Rd. Name IRtg FED Pts Res. C
1 Nguyen Hoang Anh 0 HCM 3 1 w
2 WIM Nguyen Quynh Anh 2153 HCM 7 1 b
3 Pham Thi Ngoc Tu 2097 HCM 6 1 w
4 WIM Pham Le Thao Nguyen 2338 CTH 9½ 1 b
5 WGM Nguyen Thi Thanh An 2309 HCM 8 ½ w
6 WIM Le Kieu Thien Kim 2226 HCM 8½ ½ b
7 WIM Nguyen Thi Tuong Van 2207 HCM 7½ ½ w
8 WFM Vo Hong Phuong 2258 CTH 5½ 1 b
9 WIM Pham Bich Ngoc 2167 KGI 7 0 w
10 WIM Nguyen Thi Tuong Van 2207 HCM 7½ 1 b
11 WIM Nguyen Thi Tuong Van 2207 HCM 7½ ½ w
12 WIM Pham Le Thao Nguyen 2338 CTH 9½ ½ w
13 WIM Pham Le Thao Nguyen 2338 CTH 9½ ½ b
Xem bảng ta thấy rằng Hoàng Thị Bảo Trâm có 13 lượt đấu, đạt 9 điểm, trong đó ván 1 gặp Nguyễn Hoàng Anh chưa có cường số.
Với trường hợp này, cường số thay đổi (Rtg+/-) ở ván 1 không được tính. Nhưng để tính hiếu suất thi đấu mà trong đó cần phải tính cường số trung bình của đối thủ (Ra) thì ta cần thực hiện các bước sau:

Xem tại giải này sau cùng Hoàng Anh có bao nhiêu điểm:
- Nếu Hoàng Anh đã có 1 điểm trở lên thì tạm thời cấp cường số sàn cho Hoàng Anh là 1200.
- Nếu Hoàng Anh chỉ có dưới 1 điểm thì vào trang web FIDE Chess ratings (http://ratings.fide.com/index.phtml) để truy tìm xem trước đây Hoàng Anh đã thi đấu bao nhiêu ván rồi và đã đủ 1 điểm chưa:
+ Nếu Hoàng Anh đã đủ 1 điểm thì tạm cấp cường số sàn là 1200.
+ Nếu Hoàng Anh chưa đủ 1 điểm thì ta chỉ tính (Ra) cho Bảo Trâm 12 ván thôi, bỏ ván thứ nhất đã thi đấu với Hoàng Anh.

Nói vòng vo như thế cho nó ra vấn đề chứ thực tế kỳ thủ Hoàng Anh đạt đến 3 điểm tại Giải hạng nhất toàn quốc 2010 (theo bảng 4), như vậy đã thỏa điều kiện của FIDE để tính hiệu suất thi đấu (Rp) của Bảo Trâm như sau:

Áp cường số sàn cho đối thủ ở ván 1 là 1200, ta tính:
Ra=(1200+2153+2097+2338+2309+2226+2207+2258+2167+2207+2207+2338+2338)/13=2157
P= 9/13 = 0,69; So bảng của FIDE 0,69 => Dp 141
=> Rp của Bảo Trâm tại giải này = 2157 + 141 = 2298

Các bạn chú ý nhé, xem ở bảng 2, phần tổng hợp chung của 2 đấu thủ được xuất từ Swissmanager ta thấy chương trình Swissmanager đã tính (Ra) của Bảo Trâm là 2237; nếu tính hiệu suất từ số (Ra) này ta có 2237 + 141 = 2378.

Chương trình nhầm chăng? không phải vậy đâu bạn.

Ra = 2237 mà chương trình tính cho Bảo Trâm là từ trung bình cộng của 12 đối thủ đã có cường số, (Ra) này dùng để tính phong đẳng cấp (nếu có) theo quy định của FIDE mà tôi sẽ nói sau. Còn Ra = 2157 mà tôi tính cho các bạn xem thì chương trình Swissmanager cũng có tính nhưng không thể hiện ra bảng vì nó chỉ để tính hiệu suất thi đấu cho Bảo Trâm mà thôi.

bsx
03-06-2011, 11:46 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

Vậy là tôi đã trình bày xong phần chính của bài 3; Tiếp theo tôi sẽ giải thích vì sao FIDE phải tính hiệu suất thi đấu?

Không có chuyện gì trên đời này mà người ta phải tốn nhiều giấy mực rồi để đó cho vui. FIDE dùng hiệu suất thi đấu này để tính chuẩn Đại kiện tướng và Kiện tướng quốc tế. Chuẩn này tiếng Anh gọi là “Norm”, là điều kiện cần để một đấu thủ đạt được một đẳng cấp.

Quy định của FIDE thì nhiều lắm, bạn có thể tham khảo tại link này (FIDE Handbook). Tôi chỉ xin trích ra một số quy định cần thiết cho việc lấy một chuẩn (norm) đẳng cấp FIDE của một kỳ thủ như sau:
– Số ván thi đấu ở một giải tối thiểu là 9;
– Ít nhất 50% đối thủ của bạn trong giải đã có đẳng cấp của FIDE rồi.
– Để có chuẩn Đại kiện tướng (GM norm), trong một giải phải có ít nhất 1/3 đấu thủ đã có đẳng cấp Đại kiện tướng (GM), nhưng cũng phải có ít nhất là 3 người có đẳng cấp GM.
– Để có chuẩn Kiện tướng (IM norm), trong một giải phải có ít nhất 1/3 đấu thủ đã có đẳng cấp Kiện tướng (IM), nhưng cũng phải có ít nhất là 3 người có đẳng cấp IM.
– Các chỉ số có liên quan đến cường số như sau:

Chuẩn (norm) Hiệu suất thi đấu (Rp) Cường số trung bình của đối thủ (Ra)
Đại kiện tướng (GM) ≥ 2600 ≥ 2380
Kiện tướng (IM) ≥ 2450 ≥ 2230
Đại kiện tướng nữ (WGM) ≥ 2400 ≥ 2180
Kiện tướng nữ (WGM) ≥ 2250 ≥ 2030
Bảng trên cho biết để đạt chuẩn Đại kiện tướng, bạn cần có hiệu suất tối thiểu 2600 và cường số trung bình các đối thủ của bạn ít nhất là 2380. Tuy nhiên tôi cần lưu ý bạn một điều là (Ra) trong bảng bên trên là Ra với các đối thủ đã có cường số, như ở phần ví dụ minh họa trên thì ta phải chọn (Ra) của Bảo Trâm là 2237.

Sau khi đạt các chuẩn trên, để được phong đẳng cấp chính thức bạn cần thỏa thêm các điều kiện sau:
– Phải có từ 2 hay nhiều chuẩn với tổng số ván thi đấu ở các giải ít nhất là 27 ván. Có nghĩa là phải có 3 chuẩn trong 3 giải, mỗi giải 9 ván.
– Ít nhất có một lần trong đời bạn đã từng sở hữu cường số cho mình ở mức tối thiểu như sau: GM ≥ 2500; IM ≥ 2400; WGM ≥ 2300; WIM ≥ 2200.

Còn với các danh hiệu Kiện tướng FIDE (FM hoặc WFM) thì bạn không cần đạt một chuẩn nào cả vì chỉ cần bạn cố đánh đấm cho ra trò để 1 lần sở hữu cường số ít nhất là 2300 cho FM hoặc 2100 cho WFM nếu bạn là nữ.

Bài 3 đến đây là hết, xem ra nó cũng dễ nhưng lại khó giải thích nên bài viết bị kéo dài hơn dự kiến. Trong suốt toàn bài tôi đã cố gắng chuyển đổi mọi quy định rắc rối của FIDE với mong muốn trình bày vấn đề theo cách đơn giản, do đó chắc là sẽ không tránh khỏi việc thiếu ý tưởng, mong các bạn thông cảm.

bsx
03-06-2011, 11:46 PM
Bài viết của Tứ Thiên trên vietnamchess.com

Cuối cùng để kết thúc chấm hỏi cho bài 3 tôi xin đưa ra 2 vấn đề.

1. Vấn đề về Calculator trên trang web của FIDE:

Bạn hãy vào trang này của FIDE: Rating performance calculator

Trong đó FIDE ký hiệu cường số trung bình của đối thủ là Rc, điểm đạt được là W và số ván thi đấu là N.
Bạn hãy điền vào chính xác thông số và bấm nút "Calculate", chờ một chút bạn sẽ được thông báo kết quả. Tuy nhiên kết quả không đúng như kết quả được tính bằng công thức mà tôi đã trình bày.
FIDE nhầm à? Không đâu. Mất thời gian điều tra tới điều tra lui, làm chậm bài số 3 này, tôi mới ngớ ra là Calculator của FIDE trên website chỉ dành cho người mới, chưa từng có cường số và theo 2 công thức như sau:

+ Nếu tỷ suất của bạn trên trung bình (50%): Rp = Ra + 12,5 * (W-N/2) / 0,5

+ Nếu tỷ suất của bạn từ trung bình trở xuống (<50%): Rp = Ra + dp (như cách tính thông thường)

Ví dụ:
Nếu Ra của bạn là 2500, thi đấu 9 ván, đạt 7 điểm. Ta tính Rp= 2500 + 12,5 * (7 - 9/2)/0,5 = 2500 + 12,5 * 5 = 2500 + 62, 5 = 2563;
Nếu Ra của bạn là 2500, thi đấu 9 ván, đạt 3 điểm. Ta tính Rp= 2500 + (- 125) = 2375

Bạn hãy thử xem tôi có nói đúng không nào!

2. Vấn đề thế nào mới đúng là True Performance Rating (hiệu suất thi đấu thực).

Ví dụ tôi có cường số là 2800, tôi gặp 2 đấu thủ, một có cường số bằng tôi là 2800 - hòa cờ và một chỉ có 1200 - tôi thắng.
Ta tính hiệu suất như sau:
P = 1,5 điểm /2 ván = 0,75 ==> dp = 193

Nếu không chiếu theo luật 400, ta có:
Rp = Ra + dp = (2800+1200)/2+193 = 2193, sao ít vậy ta.

Nếu có chiếu theo luật 400, ta có:
Rp = (2800+2800-400)/2+193 = 2793, gần bằng với cường số của tôi.

Và người ta cho rằng cả 2 cách tính trên đều sai. Sao vậy?
Này nhé, tôi hòa với người có trình độ bằng tôi và tôi thắng người yếu hơn tôi. Như vậy cho thấy là tôi vẫn giữ được phong độ, do đó ở đây phải tính hiệu suất cho tôi là của chính tôi mới đúng, 2800 đó mới là True Performance Rating.

Bạn nghĩ sao nào? Tự suy nhé./.

bsx
04-06-2011, 12:13 AM
Một topic hay về bảng elo Kỳ Hội Quán hiện tại do ldtk tức danh thủ Trần Chánh Tâm (chắc là thế phải ko danh thủ ơi :p) giới thiệu.

http://www.thanglongkydao.com/clb-ky-hoi-quan/7921-bang-elo-clb-ky-hoi-quan.html