PDA

View Full Version : Chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa là vấn đề quyết định!



CXQ
24-06-2011, 01:49 PM
Thể thao trí tuệ Việt Nam, nhất là môn cờ vua, đã thực hiện được những bước thăng tiến vượt bậc trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, ở nền tảng xã hội, phong trào tập luyện các bộ môn cờ đang ngày một phát triển, đóng góp không nhỏ vào công cuộc rèn luyện trí lực cho thế hệ trẻ nước nhà. Ông Ðặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn cờ Việt Nam đã đánh giá khái quát về quá trình ấy với phóng viên NDCT.

http://www.nhandan.com.vn/polopoly_fs/1.299368.1307505045%21/image/967750019.jpg

- Xin ông đánh giá về sự phát triển của môn cờ - một loại hình thể thao trí tuệ đã và đang phát triển mạnh mẽ trong nền thể thao nước nhà, dù mới chỉ có khoảng hơn hai thập kỷ gây dựng?
- Có thể khẳng định rằng, thể thao trí tuệ Việt Nam đang tiến rất nhanh, vững chắc, với tiềm năng và triển vọng to lớn. Ðặc biệt, về phong trào, hiện tại đây đang là loại hình thu hút số người tập luyện thường xuyên rất đông đảo, tổng số lên tới 700 nghìn người (cờ tướng 450 nghìn, cờ vua 250 nghìn và cờ vây khoảng 2.500). Phong trào chơi cờ rộng khắp, gắn với các địa bàn và đối tượng cụ thể, với hàng loạt CLB hoạt động thường xuyên, hiệu quả trên khắp cả nước, đặc biệt đáng chú ý là những mô hình trong các trường học.
Trên phương diện thể thao thành tích cao, các bộ môn cờ cũng đã đi đầu và sớm hoàn thành mục tiêu chiến lược mà Thể thao Việt Nam đang phấn đấu 'vươn lên tầm châu Á'. Hiện tại, cờ vua Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Ðông - Nam Á và đứng trong nhóm ba nước mạnh nhất châu Á. Còn ở 'tầm' thế giới, theo xếp hạng mới nhất, chúng ta dẫn đầu nhóm B (35/151). Riêng ở khâu đào tạo tài năng trẻ, cờ vua Việt Nam luôn có mặt ở nhóm 10 đoàn dẫu đầu, từng có bốn kỳ thủ đăng quang ở các nhóm tuổi. Về cờ tướng, chúng ta cũng chỉ thua kém duy nhất Trung Quốc, quê hương của môn này.
Không chỉ đủ sức tranh chấp các ngôi thứ cao nhất ở đẳng cấp châu lục (cả cá nhân lẫn đồng đội), cờ vua Việt Nam còn tạo ra được những tài năng tầm cỡ quốc tế, nổi bật là Ðại KTQT Lê Quang Liêm. Liêm là kỳ thủ châu Á đầu tiên giành chức vô địch giải đấu danh giá Aeroflot Open năm 2010, hơn thế sau đó anh còn là người duy nhất bảo vệ thành công ngôi quán quân. Mới đây Liêm đã tích lũy đủ điểm để gia nhập hàng ngũ Siêu Ðại KTQT - dành cho số ít tài năng có hệ số Elo từ 2.700 trở lên.

- Theo ông, đâu là gốc rễ cho những thành công đó của thể thao trí tuệ Việt Nam?
- Ðiểm tựa quyết định là niềm đam mê, tố chất đặc biệt, sự thông minh, nhanh trí của người Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, kể từ khi môn cờ được ngành thể thao đưa vào hệ thống thành tích cao từ đầu những năm 1990, rồi có kết nối mạnh mẽ với ngành giáo dục, thì mới tạo ra một cú 'hích' thật sự về mọi mặt.
Không nhiều quốc gia đầu tư chăm lo theo diện 'lớp lang' cho các kỳ thủ ngay từ tuyến năng khiếu như Việt Nam. Những VÐV tiềm năng được tập huấn hằng ngày, có hỗ trợ tiền công, khen thưởng. Ðiều đó lý giải cho thực tế: cờ vua và kể cả cờ tướng trẻ lâu nay đều có vị trí hàng đầu thế giới với hàng loạt tài năng trẻ nối tiếp nhau xuất hiện.

- Nhưng dường như, cũng hiếm kỳ thủ trẻ thật sự chạm được đến đỉnh cao ở tầm chuyên nghiệp?
- Có lẽ điều chúng tôi trăn trở nhất, cũng là rào cản lớn cho cờ Việt Nam chính là sự hụt hơi của các tài năng trẻ trên hành trình vươn tới đỉnh cao quốc tế. Rất nhiều kỳ thủ hết sức thành công hồi trẻ, có tố chất không thua kém bất cứ người nào cùng lứa tuổi, nhưng cuối cùng cũng chỉ có thể phát triển đến mức độ nhất định. Ðây là một sự lãng phí đáng tiếc, một hạn chế cơ bản của thể thao trí tuệ Việt Nam.

- Nguyên nhân của hạn chế cơ bản đó là gì, thưa ông?
- Có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, chính bản thân các kỳ thủ tài năng hầu hết đều chưa có tính chuyên nghiệp cao, đều khá 'nửa vời' giữa nghiệp cờ và các sự lựa chọn khác cho tương lai. Hiện tại, điều này đã có chuyển biến, song chỉ với một số ít.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là sự đầu tư chăm lo cho các tài năng cờ của chúng ta chưa tốt, do thiếu kinh phí. Ðơn cử như một kỳ thủ muốn có điều kiện tốt nhất, chí ít cũng đạt chuẩn như quốc tế để phát triển, mỗi năm phải có tối thiểu 50 nghìn USD. Trong khi đó, tổng đầu tư của ngành thể thao cho tất cả các hoạt động xuất ngoại tập huấn và thi đấu cũng chỉ có 100 nghìn USD.
Dù các nhà quản lý huấn luyện đã cố gắng cân đối hết mức, việc giới chuyên môn cho rằng, cờ Việt Nam gần như không có sự khác biệt giữa đầu tư cho một kỳ thủ trẻ và khi họ đã thành tài năng trẻ, với đòi hỏi hoàn toàn khác, có lẽ cũng chẳng sai.

- Dường như thực trạng khó khăn này đã kéo dài rất lâu, chúng ta sẽ có những giải pháp như thế nào để tháo gỡ?
- Theo tôi, các bộ môn cờ đã và đang chứng tỏ được vị thế của một môn trọng điểm hàng đầu xứng đáng, với hai tư cách quan trọng: mang lại thành tích cao vinh danh trên các đấu trường quốc tế và thúc đẩy sự phát triển trí tuệ, cũng là góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho người Việt Nam, nhất là cho thế hệ trẻ. Vì thế, thể thao trí tuệ cần được quan tâm, ưu tiên hơn nữa, cụ thể là về kinh phí.
Mặt khác, chính Liên đoàn cờ chúng tôi cũng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa môn cờ là hãy còn rất hạn chế, nhất là tạo nguồn kinh phí. Hiện chúng tôi đang tập trung kiện toàn bộ máy Liên đoàn các cấp, đổi mới hoạt động của văn phòng, cũng như tích cực vận động tài trợ, tìm đối tác... Mọi chuyện đang tiến triển tích cực, song rõ ràng mới chỉ ở bước đầu.

- Xin cảm ơn ông.

* Môn cờ vua, dù chưa được đưa vào chương trình nội khóa, từ lâu cũng đã được giảng dạy và trở thành một phong trào hoạt động ngoại khóa sôi nổi ở một số trường THCS, theo hình thức liên kết với các CLB chuyên nghiệp. Ở Hà Nội, những điểm nhấn của mô hình này có thể kể tới các trường Khương Thượng, Cát Linh, Thực Nghiệm, Ngọc Hà, Ba Ðình...



HOÀNG HÀ (thực hiện)
(báo Nhân dân (KHOA HỌC - GIÁO DỤC - NHÂN DÂN CUỐI TUẦN (http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-cu-i-tu-n/nhan-dan-cu-i-tu-n/khoa-h-c-giao-d-c/chuyen-nghi-p-hoa-x-h-i-hoa-la-v-n-quy-t-nh-1.299369#Mdu2sEXTQUiJ))