View Full Version : Danh lam thắng cảnh xứ Thanh
Niềm vui vỡ oà, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới.
Vào hồi 13h chiều 27/6 (theo giờ Paris, Pháp, tức 18h giờ Việt Nam), tại kỳ họp thứ 35 được tổ chức tại Paris (Cộng Hòa Pháp), Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức công nhận Thành Nhà Hồ (Việt Nam) trở thành di sản văn hoá thế giới.
http://dantri4.vcmedia.vn/OjRsnUq3VYRgf5mG4vC/Image/2011/05/Tuan-1/IMG4879_471ab.JPG
Cổng Thành nhà Hồ
Như vậy, sau 6 năm (2006 – 2011) với bao sự nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn do điều kiện khách quan, được sự quan tâm của các ngành, cơ quan trung ương; các chuyên gia trong nước và quốc tế; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh Uỷ và Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá; Lãnh đạo chính quyền địa phương; sự hợp tác và giúp đỡ của nhân dân huyện Vĩnh Lộc; hành trình của di sản Thành Nhà Hồ trên quê hương Xứ Thanh đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá nhân loại.
Citadel of Ho Dynasty - UNESCO World Heritage Centre (http://whc.unesco.org/en/tentativelists/5073/)
Thành Nhà Hồ (http://www.thanhnhaho.vn)
Chúc mừng, thêm 1 di sản văn hóa thế giới nữa cho Việt nam chúng ta.
quangthanhtv
28-06-2011, 09:09 AM
Xin chúc mừng Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, và toàn thể nhân dân trong tỉnh, mặc dù di tích Thành nhà Hồ được UBND tỉnh và Sở Văn hóa du lịch thể thao quan tâm, rót vốn để duy trì và trùng tu lại, nhưng thỉnh thoảng đi qua thấy di tích này vẫn bị mai một bởi thời gian.
Hy vọng sau đợt này Thành nhà Hồ sẽ được UNESCO rót vốn đều đều để trùng tu lại, gìn giữ các di sản văn hóa là trách nhiệm của mỗi chúng ta, cũng như của con cháu mai sau.
Cám ơn hot boy CXQ mặc dù đi xa, làm ăn lớn nhưng vẫn quan tâm đến tình hình tỉnh nhà.
koleloi
28-06-2011, 10:28 AM
Mừng quá :D Dù quê ở TH nhưng mình chưa một lần đến thăm nơi này. Vài bữa nữa phải đi thăm Di sản văn hoá nhân loại mới được :)
quangthanhtv
25-08-2011, 03:49 PM
Thanh Hóa với 1.535 di tích lịch sử (DTLS) và danh lam thắng cảnh được coi là "vùng trũng" văn hóa của dải đất miền Trung. Thế nhưng việc gìn giữ, phát huy giá trị các DTLS ở Thanh Hóa, trong đó có Thành nhà Hồ và Khu DTLS Lam Kinh cho đến nay vẫn là bài toán khó.
http://hanoimoi.com.vn/Uploads/chiennv/2011/8/5/thanhnhaho.jpg
Thành nhà Hồ và nỗi lo sụt lún
Thành nhà Hồ - niềm tự hào của xứ Thanh là công trình kiến trúc đá có một không hai của người Việt được xây dựng năm 1397 dưới thời vua Hồ Quý Ly. Đến nay, kỹ thuật xây thành vẫn còn là một ẩn số vì tòa thành có tổng chiều dài hơn 3,5km với hàng triệu mét khối đá khép kín được hoàn thành trong thời gian 3 tháng. Theo đánh giá của UNESCO, Thành nhà Hồ thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị vùng Đông và Nam Á. Việc sử dụng những khối đá lớn này chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một nhà nước tân Nho giáo, đồng thời cho thấy sự giao lưu về kỹ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam Á. Hơn thế, hiện vật được tìm thấy qua các cuộc khảo cổ học đã phần nào chứng minh sự hiện diện của một tòa thành tồn tại khá lâu đời…
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hữu Nhẫn, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa cho biết: "Rất ít người dân xứ Thanh cũng như người dân Việt Nam hiểu được những giá trị độc đáo có một không hai của tòa thành". Đúng như lời ông Nhẫn, rất nhiều du khách tham quan Thành nhà Hồ khi được hỏi đều nói rằng đây là tòa thành đồ sộ được tạo nên bởi những phiến đá lớn vuông vức chứ họ chưa hiểu được giá trị lịch sử, văn hóa ẩn sâu trong lòng di sản suốt hàng trăm năm qua. Hơn thế, theo ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Thành nhà Hồ thì di sản đã và đang phải đối mặt với sự tàn phá của thiên nhiên, đặc biệt là lũ lụt bởi nền đất của tường thành rất yếu, khi lũ lụt xảy ra, những bức tường đá có thể bị sụt lún, bị mất đi. Bên cạnh đó, mặt phía trên thành phẳng như sân bóng, mưa xuống, ngấm vào các điểm kết nối giữa các tảng đá dần dần cũng sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tường thành. "Đây là những điểm cần được quan tâm đối với tân di sản văn hóa thế giới" - ông Trọng nhấn mạnh.
Di tích Lam Kinh khát vốn
Cùng với Thành nhà Hồ, Lam Kinh - nơi sinh ra người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lẫy lừng chiến công thế kỷ XV là di tích lớn bậc nhất xứ Thanh với tổng diện tích hơn 140ha, nằm trên địa bàn huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nhiều lần bị chiến tranh, hỏa hoạn, hầu hết các di tích ở Lam Kinh trở thành phế tích, chỉ còn 5 khu lăng mộ các vua Lê và 1 khu lăng mộ hoàng hậu. Khu DTLS Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án phục hồi, tôn tạo từ năm 1994 với nguồn kinh phí dự toán cho hai giai đoạn là hơn 330 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn này, một số di tích tiêu biểu ở Lam Kinh đã và đang được phục hồi, tôn tạo, như: Hệ thống La thành, sông Ngọc, Hồ Tây, giếng cổ, nghi môn, ngọ môn, sân rồng, sân chầu, các tòa thái miếu, chính điện, các khu lăng mộ… Theo ông Trịnh Đình Dương, Trưởng BQL Khu DTLS Lam Kinh thì trong tổng số 50 hạng mục công trình chính được phê duyệt, đến nay có 23 hạng mục đã hoàn thành, 5 hạng mục đang thực hiện nhưng riêng nguồn vốn còn thiếu cho các hạng mục này là 170 tỷ đồng. Ngoài ra, khu di tích còn 22 hạng mục chưa có vốn để phục hồi, tôn tạo.
Thiếu vốn ít nhiều ảnh hưởng tới quá trình thi công và không gian cảnh quan của di tích. Cụ thể là di tích cũ có 9 tòa thái miếu nhưng hiện nay mới phục hồi được 5 tòa, nhà tả vu, hữu vu, nhà quản lý, nơi đón tiếp đều chưa có.
Chưa thu hút khách tham quan
Mặc dù sở hữu rất nhiều di sản độc đáo, lại được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan kỳ thú, như suối cá Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn… nhưng đến nay các điểm du lịch xứ Thanh chưa kết nối được với nhau. Theo thống kê của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, lượng khách đến các điểm DTLS đều tự phát, chưa có bất cứ công ty du lịch nào trong nước cũng như quốc tế đưa vào tour. Ví như lượng khách đến với Thành nhà Hồ sau khi trở thành Di sản văn hóa thế giới tăng không đáng kể, trung bình khoảng 200 - 300 lượt/ngày, chủ yếu là các đoàn nghiên cứu và sinh viên. Với Khu DTLS Lam Kinh cũng vậy, chỉ tương đương lượng khách như Thành nhà Hồ. Điều đó phản ánh rõ một thực tế là di tích chưa hấp dẫn khách tham quan hoặc người dân chưa hiểu được giá trị của di tích.
Để quảng bá cho di sản xứ Thanh, đồng thời coi đó là tiềm năng du lịch, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu giá trị của di tích và lập đề án bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa, đặc biệt là di sản Thành nhà Hồ trình lên Thủ tướng Chính phủ. Trong đề án này, Thành nhà Hồ được phục hồi một số hạng mục quan trọng như Hào thành, Đàn tế Nam Giao, đường Hòe Nhai… nhằm đưa di sản thành công viên khảo cổ học, trồng cây xanh, dựng mô hình chứ không phục dựng cung điện, thái miếu như một số di sản khác. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước xếp hạng cho Khu DTLS Lam Kinh, di tích Thành nhà Hồ là các di tích quốc gia đặc biệt; từng bước kết nối các điểm di tích, đưa di tích lên bản đồ du lịch và phối hợp với các địa phương có kinh đô, cố đô tạo thành điểm kết nối "Hành trình qua những kinh đô Việt cổ"…
Minh Ngọc
(sưu tầm trên báo hanoimoi.com.vn)
Gửi anh em vài hình ảnh đoàn khảo sát của CLB Doanh nhân xứ Thanh tại TP.HCM & miền nam đi khảo sát các địa điểm du lịch tiềm năng của Thanh Hóa quê ta: Hình ảnh đoàn Farmtrip Tp. HCM khảo sát tiềm năng Du lịch tỉnh Thanh Hóa | Tin Hoạt Động (http://doanhnhanxuthanh.vn/home/tin-hoat-dong/hinh-anh-doan-farmtrip-tp.-hcm-khao-sat-tiem-nang-du-lich-tinh-thanh-hoa.html)
tamtieutieudaotan
25-08-2011, 09:17 PM
tuyệt vời.Nhà Hồ tuy tồn tại ngắn ngủi trong lịch sử dân tộc tuy nhiên cũng đã kịp để lại cho hậu thế một di sản .nó đã trở thành một di tích lịch sử đáng trân trọng của người Việt.
scholes
25-08-2011, 11:02 PM
Xin chúc mừng Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, và toàn thể nhân dân trong tỉnh, mặc dù di tích Thành nhà Hồ được UBND tỉnh và Sở Văn hóa du lịch thể thao quan tâm, rót vốn để duy trì và trùng tu lại, nhưng thỉnh thoảng đi qua thấy di tích này vẫn bị mai một bởi thời gian.
Hy vọng sau đợt này Thành nhà Hồ sẽ được UNESCO rót vốn đều đều để trùng tu lại, gìn giữ các di sản văn hóa là trách nhiệm của mỗi chúng ta, cũng như của con cháu mai sau.
Cám ơn hot boy CXQ mặc dù đi xa, làm ăn lớn nhưng vẫn quan tâm đến tình hình tỉnh nhà.
Hồi tết rồi trên đường từ suối cá về có qua Thành Nhà Hồ nhưng nhìn thấy nó hoang tàn quá , chỉ còn 1 phần rất nhỏ của di tích sót lại
quangthanhtv
26-08-2011, 09:17 AM
Bãi Tắm Sầm Sơn
Thị xã Sầm Sơn cách thành phố Thanh Hóa 15 km về về phía Đông và cách Hà Nội 170km. Đây là một trong những khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng của Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20.
Bãi biển Sầm Sơn chạy dài gần 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ. Bãi cát thoai thoải, sóng êm, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải rất phù hợp với sức khoẻ con người.
http://i1109.photobucket.com/albums/h431/quangthanhtv/Sam-son-00.jpg
Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn phú cho Sầm Sơn nhiều danh lam - thắng cảnh nổi tiếng và lung linh sắc màu huyền thoại. Đó là dãy núi Trường Lệ chạy dài theo mép nước bốn mùa thông reo, là hòn Trống Mái lãng mạn tình tứ, là đền Độc Cước, Cô Tiên uy nghi cổ kính; là Vọng Hải đài- nơi du khách có thề ngắm cả một vùng trời nước mênh mông. Các truyền thuyết còn kể lại rằng: Núi Trường lệ là một thiếu nữ hóa thân để che chắn phong ba bão táp cho dân làng, hòn Trống Mái được sinh ra từ một mối tình thuỷ chung của đôi vợ chồng trẻ còn Đền Độc Cước là nơi thờ vị thần một chân, một anh hùng thần thoại đã tự xẻ thân làm hai nửa, một trên bờ bảo vệ dân làng, một xuống nước diệt trừ Thuỷ quái.
http://i1109.photobucket.com/albums/h431/quangthanhtv/nui-truong-le.jpg
Đền Độc Cước và Đền Cô Tiên đều là những kiến trúc được xây dựng từ cuối đời Nhà Lê ( thế kỷ 17 ) ( đền Cô Tiên là nơi thờ vọng thần Độc Cước và Mẫu Liễu Hạnh) theo lối kiến trúc cổ. Đó là những nơi mà du khách thường tới viếng thăm mỗi khi đến Sám Sơn.
Phía Nam dãy núi Trường Lệ còn có một bãi tắm rất đẹp, cảnh quan môi trường còn rất nguyên sơ, nơi đây hứa hẹn một khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại trong tương lai.
Nguồn: Du Lịch Việt
--------------------------------------------------------------------------------
quangthanhtv
26-08-2011, 09:24 AM
Cầu Hàm Rồng - chiến tích huy hoàng của Việt Nam
Được gắn với huyền thoại anh hùng thời đánh Mỹ. Cầu nối liền núi Hàm Rồng và núi Ngọc bắc qua sông Mã
http://i1109.photobucket.com/albums/h431/quangthanhtv/cauHamRong.jpg
Đây là cây cầu lớn vào loại nhất nhì Đông Dương đầu thế kỷ XX. Hiện nay, bên cạnh cầu Hàm Rồng cầu Hoàng Long đã được xây dựng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
quangthanhtv
26-08-2011, 09:32 AM
http://i1109.photobucket.com/albums/h431/quangthanhtv/TuongdaiLeLoi.jpg
Hôm nay, 29-11, UBND tỉnh Thanh Hóa khánh thành tượng đài Lê Lợi nhân kỷ niệm 80 năm Văn hóa Đông Sơn. Nếu tính từ khi tổ chức hội thảo về đề tài Lê Lợi, người dân xứ Thanh đã chờ đợi ngót 5 năm để có được một công trình kiến trúc tôn vinh người anh hùng dân tộc, vị vua sáng lập vương triều dài nhất trong lịch sử phong kiến VN.
Nhân dịp này, chúng tôi gặp nhà sử học Dương Trung Quốc - người gắn bó từ đầu với công trình tượng đài và cũng vừa tham gia hội đồng nghiệm thu về.
* Theo quan điểm của một nhà sử học, một tượng đài đủ xứng tầm với tên tuổi và sự nghiệp của Lê Lợi thì phải đạt các yếu tố đặc thù nào?
- Ông Dương Trung Quốc: Trước tiên là phải đánh giá được sự nghiệp của Lê Lợi. Đây là vị vua sáng lập nên nhà Lê, một vương triều dài nhất trong lịch sử phong kiến VN, và thời kỳ này đất nước ta cũng đạt được một số thành tựu nhất định, mở rộng bờ cõi về phía Nam, và với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Minh 20 năm, vị thế của nước VN so với Trung Quốc được nâng lên.
Một nhân vật như thế, bắt buộc tượng phải xứng tầm, đầu tiên là xét đến quy mô của bức tượng, tất nhiên là quy mô như thế nào thì cũng còn phải nhìn nhận nữa.
Thứ hai là yêu cầu của bức tượng cần thể hiện được tính cách của Lê Lợi. Đây là việc khó, vì xưa kia tạc tượng các nhân vật quan trọng chủ yếu là tượng thờ, còn bây giờ nghệ thuật tượng đài là một loại hình ngôn ngữ khác. Ở đây người ta thường hỏi là tượng có giống người thật không.
Vừa rồi Bộ VHTT cũng có ý kiến về việc làm sao để những nhân vật lịch sử có một kiểu tượng gần giống nhau trên các công trình, chứ cứ xem tượng đài vua Quang Trung thì thấy, vua Quang trung chỉ có một, nhưng mỗi nơi tạc tượng mỗi khác.
Một đặc điểm nữa là dùng yếu tố bổ trợ. Ở đây các nhà điêu khắc đã dùng hình tượng thần Kim Quy bên cạnh bức tượng như một yếu tố linh thiêng.
Còn quan điểm của tôi thì cứ tạc một bức tượng mà chẳng phải Tàu, chẳng phải Tây thì đích thực đó là ta rồi (cười). Với lại tạc tượng này là giai đoạn Lê Lợi còn đang là Bình Định Vương, giai đọan này Lê Lợi gắn bó với Thanh Hóa là quê hương của ông.
* Thế thì sau khi nghiệm thu, ông thấy tượng đài này có đạt được những tiêu chí và đặc điểm đó không?
- Phải nói rằng đây là một tượng đài thành công. Mặc dù còn một số băn khoăn nhưng với đặc trưng của loại tượng tròn thì tượng Lê Lợi không có những “góc xấu”, dáng vóc nhân vật khá hoàn chỉnh.
Mức độ quy mô hoành tráng thì tầm cao và không gian quảng trường không rộng bằng tượng Bác ở Vinh, nhưng so với một số tượng khác, thì tượng đài này gây thiện cảm hơn về mức độ chân thật.
Hiện nay chưa nghe dư luận có ý kiến gì, nhưng tôi nghĩ người dân sẽ vượt qua được những băn khoăn ấy vì bức tượng này có một số yếu tố tâm linh đặc biệt.
Riêng tôi thì tôi còn băn khoăn về chi tiết cái “bối tử” trên ngực của vua Lê Thái Tổ. Chi tiết này không hợp với một đấng quân vương, nhưng cũng không quan trọng lắm, vì tượng này thể hiện Lê Lợi giai đoạn Bình Định Vương, khi chưa lên ngôi Hoàng Đế. Vả lại, nhà thiết kế sẽ cho rằng tượng rất trống trải nếu giữa ngực áo không có biểu tượng gì đó.
* Một điều khó khăn trong việc tạc tượng các nhân vật thời xưa là thiếu cứ liệu về nhân dạng, trang phục. Trường hợp vua Lê Thái Tổ, nguồn sử liệu này còn được bao nhiêu, thưa ông?
- Còn trong Lam Sơn Thực Lục và Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt Thông sử có ghi nhưng không nhiều lắm. Ngoài ra, những người xây dựng mẫu tượng còn phải tham khảo một số yếu tố dân gian, một số dòng họ còn ghi chép tư liệu, đối chứng với chuyên môn nhân trắc học, để làm ra một mẫu hình nhân vật Lê Lợi thời dấy binh khởi nghĩa xưng Bình Định Vương sao cho thuyết phục nhất.
Thực ra, chúng tôi đã cùng với địa phương tổ chức nhiều lần hội thảo bắt đầu từ năm 1999 để thống nhất một số quan điểm khi dựng tượng đài Lê Lợi. Ngay cả việc chọn dựng tượng giai đoạn Bình Định Vương hay Lê Thái Tổ cũng bàn đến “nát nước” chứ chẳng chơi.
Bây giờ, tượng đã thành rồi, hôm 23 vừa rồi đã làm lễ “hô thần nhập tượng” rồi, tượng đài anh hùng Lê Lợi được dựng trên đất Thanh Hóa là một công trình có Ý nghĩa, nhất là chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 620 năm ngày sinh của ông.
(sưu tầm)
quangthanhtv
26-08-2011, 09:42 AM
Lê Hoàn (Lê Đại Hành) là một nhân vật lịch sử lớn - một anh hùng dân tộc giữ vai trò vô cùng quan trọng và có những cống hiến vĩ đại cho lịch sử đất nước hồi nửa cuối thế kỷ X. Sự nghiệp của ông gắn liền với công cuộc “bình Chiêm phá Tống”, với sự tồn tại và phát triển của nhà nước Đại Cồ Việt vững mạnh, tạo nên bước ngoặt lớn cho lịch sử dân tộc bước sang kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng vào đầu thế kỷ XI.
http://i1109.photobucket.com/albums/h431/quangthanhtv/DenthoLeHoan.jpg
Ngôi đền nằm trên khu đất cao, rộng chừng 2ha có kiến trúc theo kiểu chữ Công (I). Ngoài ra còn cổng Nghinh Môn ở phía trước và hai tấm bia đá ghi về những người cung tiến dựng đền.
http://i1109.photobucket.com/albums/h431/quangthanhtv/VuaLeHoan.jpg
Đền thờ Lê Hoàn
http://i1109.photobucket.com/albums/h431/quangthanhtv/lehoilehoan.jpg
Ở xã Xuân Lập, ngoài đền thờ còn có những dấu tích về thời thơ ấu của Lê Hoàn như :
- Nền sinh thánh, tương truyền là nơi bà Đặng Thị sinh ra Lê Hoàn ở làng Trung Lập.
- Một khu đất thuộc khu Ngọc Trung, tương truyền là nơi bà Đặng Thị dấu Lê Hoàn và lấy nước ở con sông này tắm cho con, nước hắt đi tạo thành giếng sâu (giếng nay vẫn còn).
- Lăng Quốc mẫu (mẹ đẻ) và mộ Hoàng Khảo (cha đẻ của Lê Hoàn)
- Làng Phong Mỹ (làng Mía) còn có mộ Lê Đột (Lê Quan Sát) cha nuôi của Lê Hoàn.
Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ các khu vực trên là 78.000m2.
(sưu tầm)
quangthanhtv
26-08-2011, 09:54 AM
Đền thờ uy nghiêm, khuôn viên sạch đẹp, thoáng mát, ngày nào cũng đông người đến tham quan, thắp hương tưởng niệm... Đó là hình ảnh của đền thờ cụ Nguyễn Quỳnh, còn gọi là Trạng Quỳnh ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Ngôi đền này được chính con cháu trong dòng họ cụ trông nom thờ cúng.
http://i1109.photobucket.com/albums/h431/quangthanhtv/NhathoNguyenQuynh1.jpg
Nguyễn Quỳnh (1677-1748) xuất thân trong một gia đình nho giáo, có truyền thống hiếu học tại làng Bột Thượng, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Năm 20 tuổi, ông đã đỗ đầu kỳ thi Hương đời vua Lê Dụ Tông. Vốn không có chí làm quan, nhưng với tài năng thơ phú và ứng đối xuất chúng, lại sẵn lòng bênh vực người nghèo, ghét cay ghét đắng bọn tham quan, ô lại, ông được dân gian yêu mến phong là Trạng.
Năm 1992 đền thờ Trạng Quỳnh được công nhận là di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia. Cũng từ thời điểm đó, đền thờ được ngành văn hoá - thông tin, (nay là văn hoá - thể thao và du lịch) cùng các cấp chính quyền huyện, xã đã đề ra phương châm: Dòng họ và cộng đồng cùng tham gia bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích.
Ông Nguyễn Quang Khánh, trực hệ thứ tám của cụ Nguyễn Quỳnh, được dòng họ Nguyễn giao trọng trách trông nom, chăm sóc đền thờ.
Để tiện cho việc trông coi, bảo vệ di tích văn hoá cấp quốc gia và dòng họ, ông Khánh đã chọn công việc làm thợ cắt tóc ở gần ngôi đền.
Ông Khánh tâm sự: "Nhiều khi đang bận việc cắt tóc nhưng thấy có khách đến tham quan, thắp hương tưởng niệm, tôi phải xin phép tạm nghỉ để giới thiệu, hướng dẫn cho khách”. Nhiều lúc ông Khánh còn kiêm luôn cả hướng dẫn viên du lịch.
Vào những ngày lễ hội mùng 1-10 âm lịch (ngày sinh) và ngày 28-1 âm lịch (ngày mất) của cụ Nguyễn Quỳnh, dòng họ đều phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đón tiếp hàng vạn lượt khách thập phương về dâng hương tưởng niệm cụ Trạng Quỳnh.
Vào những ngày đại lễ, xã đều trực tiếp đứng ra chủ trì đón tiếp khách thập phương, tế lễ, giới thiệu thân thế sự nghiệp cụ Nguyễn Quỳnh. Đền thờ được dòng họ trông coi, nhưng những hoạt động liên quan như tổ chức lễ hội, trùng tu tôn tạo đền thờ... đều do các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng quản lý, chỉ đạo.
Năm 2004, tỉnh Thanh Hoá cùng dòng họ Nguyễn và các nhà hảo tâm đã tu bổ lại nóc đền và xây dựng thêm nhà lưu niệm với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, những sửa chữa nhỏ do dòng họ Nguyễn tự đóng góp...
Thanh Hoá hiện có trên 1.700 di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó nhiều di tích được các dòng họ và cộng đồng cùng trông coi bảo vệ và phát huy giá trị như đền thờ Lê Văn Hưu được xếp hạng quốc gia ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá; nhà thờ họ Đàm ở xã Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn; đền thờ Cầm Bá Thước, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân...
(st)
Powered by vBulletin® Version 4.2.1 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.