PDA

View Full Version : Vương Thiên Nhất- “Ngoại tinh lai khách"



HoVinhHoa
18-09-2013, 02:18 AM
3183

Vương Thiên Nhất (王天一), “Thập Lục kỳ vương” của kỳ đàn Trung Quốc sinh năm 1989, vốn người TP Bắc Kinh, ngay từ khi còn nhỏ đã sớm bộc lộ được năng khiếu và thiên tư tuyệt vời về cờ tướng. Năm 2002 khi mới tròn 13 tuổi, Vương Thiên Nhất đã giành ngôi quán quân giải cờ tướng dành cho học sinh trung học toàn quốc. Hai năm sau Vương Thiên Nhất được đại diện cho làng cờ Trung Quốc tham dự nội dung Nam trẻ tại giải đồng đội Châu Á lần thứ 13 tổ chức ở TP Bắc Kinh vào tháng 11 năm 2004.


Tại giải đó Vương Thiên Nhất thi đấu rất xuất sắc với thành tích 7 thắng, 1 hòa đoạt được ngôi vị quán quân một cách đầy thuyết phục. Tháng 8 năm 2005, Vương Thiên Nhất tiếp tục giành ngôi vô địch giải thiếu niên toàn Trung Quốc lứa tuổi U16. Năm 2006, Vương Thiên Nhất với thực lực rất mạnh đã dễ dàng đoạt thêm ngôi vị quán quân giải nghiệp dư “Nam Khai Bôi 2006″ được tổ chức vào tháng 7 năm đó ở Thiên Tân. Sau đó thì Vương dừng chơi cờ trong khoảng 2 năm để tập trung cho việc học.

Mãi đến năm 2008, Vương Thiên Nhất mới bắt đầu trở lại đánh giải và đã ngay lập tức đã giành ngôi vị Á quân giải cờ tướng giao lưu 14 tỉnh thành ở cúp nghiệp dư “Phân Hà Bôi 2008″. Mọi thứ đối với Vương Thiên Nhất lúc này chỉ dừng lại ở mức độ của 1 kỳ thủ nghiệp dư. Danh tiếng lẫy lừng của nhân vật sau này được cả kỳ đàn xưng tụng là “Ngoại tinh lai khách” đó có lẽ sẽ lại chìm vào quên lãng như biết bao tài năng trẻ khác nếu không có 1 biến chuyển lớn trong mùa hè năm 2009.

Năm 2009, đội tuyển cờ tướng của TP Thẩm Dương với sự chủ trì của ĐCĐS Bốc Phụng Ba khi đó sắp sửa tham gia chinh chiến tại Giải đồng đội Giáp cấp liên tái ở TP Huệ Châu tỉnh Quảng Đông nhưng vì thiếu hụt lực lượng trầm trọng nên ông buộc phải tìm kiếm những nhân tố mới cho đội. Kết quả là sau khi thông qua sự giới thiệu của bạn bè, vị ĐCĐS này đã tìm đến Vương Thiên Nhất. Kể từ đây sự nghiệp chơi cờ của Vương thiếu hiệp đã bắt đầu bước sang một trang mới. Lần đầu tiên được thi đấu tại 1 giải đấu toàn quốc đỉnh cao, Vương Thiên Nhất đã không phụ lòng đồng đội, tỏ rõ sự tự tin của mình và phần nào khẳng định được tài năng khi thi đấu ổn định với thành tích cá nhân 6 thắng, 15 hòa, 1 thua xếp hạng 6 trên BXH cá nhân của giải, đóng góp khá nhiều công sức giúp cho một Thẩm Dương yếu kém đủ điểm trụ hạng năm đó.

Thế nhưng điều khiến giới hâm mộ quan tâm không phải là thành tích mà chính là chất lượng của những ván cờ mà Vương đã chơi trong đó tiêu biểu nhất là ván cờ tiên thủ dùng Tiên Nhân Chỉ Lộ hạ được Kỳ vương Đông Bắc là ĐCĐS Triệu Quốc Vinh vào ngày 14/10/2009. Một ván đấu tuyệt hay báo hiệu trước về sự xuất hiện của 1 ngôi sao mới trên kỳ đàn quốc nội tiếp theo đây. Phong cách tiến thủ của Vương Thiên Nhất lại càng khiến cho người ta phải quan tâm nhiều hơn vì nó làm gợi nhớ lại hình ảnh của một Khương Thái Công Hứa Ngân Xuyên năm xưa, trẻ trung mà lão luyện, chắc chắn lại tinh tế, nội hàm ẩn chứa một tài năng lớn, thâm tàng mà bất lộ.

3184

Và không bao lâu sau, kỳ đàn Trung Quốc đã bắt đầu nổi những phong ba với sự khuynh đảo của Vương Thiên Nhất tại các giải cờ tiếng tăm. Đầu tiên là chiến tích bất bại 7 thắng, 4 hòa đoạt danh hiệu Á quân (sau đại sư Kim Tùng) giải quán quân toàn tỉnh Liêu Ninh mở rộng năm 2009 tổ chức ở Thẩm Dương. Tháng 10 năm 2009, tại TP Vũ Châu, Vương Thiên Nhất khiến kỳ đàn Giang Nam không ngớt lời ca ngợi khi vượt mặt hàng loạt tên tuổi trong đó cả cả Tưởng Xuyên lúc này đang ở ngôi vị số 1 làng cờ tại Bình Sơn Bôi 2012 khi giành ngôi quán quân giải với thành tích xuất sắc 6 thắng, 3 hòa.

Chưa dừng ở đó, tháng 11 năm 2009 tại TP Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông,Vương Thiên Nhất lần thứ 2 vượt qua Tưởng Xuyên để đoạt cúp Ngũ Phương Bôi 2009 với chiến tích tuyệt hảo: toàn thắng tất cả các ván đấu tại giải trong đó có ván cờ hạ Tưởng Xuyên bằng Phi Tượng cực kỳ ấn tượng. Từ đây, giới hâm mộ bắt đầu quan tâm và bàn tán nhiều hơn về Vương. Tiếp tục đà thắng lợi, tại kỳ Trí Vận Hội quốc gia lần thứ 1 tổ chức ở Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên, Vương Thiên Nhất khi đó chơi tại nội dung cá nhân trẻ đã đoạt hạng Á quân của giải, xếp sau mỗi Trịnh Duy Đồng dù thành tích là hết sức tuyệt vời với 6 thắng 1 hòa. Kết thúc mùa giải 2009, người hâm mộ khắp nơi đã thực sự bị Vương Thiên Nhất chinh phục và biệt danh “Ngoại tinh lai khách” của Vương ra đời từ đó.

Bước sang năm 2010,Vương Thiên Nhất tiếp tục giữ vững phong độ cao khi hội chiến ở Nam Kinh tại giải truyền thống Kim Bạc Bôi lần thứ 19.Kết quả Vương thiếu hiệp liên hồi bách chiến đả phá quần hùng xuất kích đánh bại “Mãnh hổ liên thành” Lê Đức Chí,vua cờ nghiệp dư của Trung Quốc tại trận CK và lên ngôi đầy thuyết phục. Tháng 2 năm 2010,Vương Thiên Nhất đại náo Tấn Giang thành ở Phúc Kiến,thách thức các lộ anh hùng khắp nơi khi tiếp tục lên ngôi tại giải Trương Thụy Đồ Bôi 2010 với thành tích 7 thắng,2 hòa.

Cái tên Vương Thiên Nhất đã thực sự trở thành 1 hiện tượng lớn,tạo lên cơn sốt cho giới hâm mộ và đã khiến cho không ít các kỳ thủ đỉnh cấp khi đó phải chú ý đến Vương nhiều hơn.Không ít người còn bạo gan tôn Vương lên làm Nhất Thiên Vương (chơi chữ từ tên của Vương Thiên Nhất) tức vị thiên vương số 1 về cờ tướng trong thiên hạ do thành tích đánh bại cả Tứ Đại Thiên Vương Hồng Uông Triệu Tưởng của làng cờ Trung Quốc khi đó.Tuy nhiên lúc này Vương Thiên Nhất vẫn chưa lọt vào nhóm đầu của bảng anh hùng của kỳ đàn Trung Quốc.
Trong men say chiến thắng đó, có cảm giác sẽ không ai chặn nổi đà thăng tiến như vũ bão này của Vương thì bất ngờ thay sau lần đi Tấn Giang về Vương Thiên Nhất bắt đầu gặp khó khăn hơn và đã phải trả những cái giá khá đắt do sự chủ quan ở các giải chuyên nghiệp tiếp theo.

3185

Đúng như cổ nhân xưa đã từng nói “Kháng Long Hữu Hối”, con rồng mà chỉ biết bay lên thì sớm muộn gì cũng phải hối hận, làm việc nhiều mà quá ham hố sự toàn mỹ thì sẽ phải thất bại. Tháng 4 năm 2010 Vương Thiên Nhất dự giải các danh thủ 2 bờ eo biển ở TP Bì Châu với tư cách là 1 ứng cử viên sáng giá. Kết quả Vương chỉ về đích ở vị trí thứ 4. Ngôi vô địch lọt vào tay Lê Đức Chí. Và đây cũng là giải đầu tiên chứng kiến Vương thất bại.

Đó là 1 thất bại rất khó nuốt trôi khi Vương thua dưới tay của kiện tướng Nhiếp Thiết Văn tỉnh Hắc Long Giang. Sau đó 1 tháng, Vương Thiên Nhất tiếp tục đại diện cho tỉnh Liêu Ninh tham dự giải Đại hội TDTT toàn Trung Quốc lần thứ 4 tổ chức ở An Huy vào tháng 5 năm 2005.

Dù nhận được rất nhiều sự kỳ vọng của người hâm mộ nhưng rốt cuộc Vương đã chơi không tốt rơi xuống xếp hạng thứ 17 ở nội dung cá nhân Nam sau khi thảm bại dưới tay Triệu Quốc Vinh, Trịnh Duy Đồng và Hứa Ngân Xuyên. Mười ngày sau, Vương Thiên Nhất lại vội vã bay tới TP Ngạc Nhĩ Đa Tư ở khu tự trị Nội Mông để dự giải Tinh anh kỳ nghệ cúp Y Thái 2010 bao gồm 32 kỳ thủ mạnh nhất kỳ đàn. Kết quả không được như ý Vương chỉ đứng hạng 11 khi tiếp tục nếm mùi thất bại trước Khương Thái Công Hứa Ngân Xuyên.

Tiếp tục quãng thời gian khó khăn, tới tháng 9 ở TP Đông Hoàn tỉnh Quảng Đông, Vương Thiên Nhất thua trước Tưởng Xuyên nên chỉ về đích ở vị trí Quý quân tại giải Dương Quan Lân Bôi lần thứ 4. Mãi cho đến mùa thu năm 2010, Vương Thiên Nhất mới bắt đầu hồi phục công lực khi xếp hạng 4 giải cá nhân toàn quốc ở Thạch Gia Trang và trở thành quốc thủ quốc gia. Sau đó là bảo vệ thành công danh hiệu quán quân giải Bình Sơn Bôi lần thứ 3 ở TP Vũ Châu.

Cuối năm 2010 lại đoạt danh hiệu Á quân tại giải cờ Hưng Hòa Bôi 2010 ở TP Tế Nam thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Hết năm 2010 khi giải đồng đội Giáp cấp liên tái 2010 tranh cúp Nam Khê Giang Bôi kết thúc dù cho đội cờ Thẩm Dương của Vương đã có nhiều sự thăng tiến hơn nhưng bản thân Vương chỉ xếp hạng 12 cá nhân, nội bộ trong đội có phần bất đồng rạn nứt, điều đó khiến cho Vương Thiên Nhất cảm thấy không được thoải mái cho lắm.

Kết quả là ngay đầu năm sau, Vương chuyển đội rời Thẩm Dương về với Bắc Kinh với lý do là để thuận tiện hơn cho việc học ở Đại học. Kiện tướng Trương Cường, giáo đầu của đội cờ tướng ngự lâm quân của thành Bắc Kinh cảm thấy hết sức vui mừng như bắt được ngọc quý vì ông không phải mất quá nhiều công sức mà vẫn có tập hợp được đầy đủ cặp đôi Bắc Phương song thiếu hiệp đang nổi như cồn về phục sức dưới trướng của mình.

Từ năm 2011 trở đi, “Ngoại tinh lai khách” Vương Thiên Nhất đã chính thức thuộc biên chế của đội cờ tướng TP Bắc Kinh, trở thành đồng đội mới của Đại kiện tướng Tưởng Xuyên khi đó vừa mới đăng quang trở thành Thập tứ kỳ vương của kỳ đàn Trung Quốc. Nhưng cơ hội mới thì cũng là thách thức mới. Mặc dù được đánh giá cao và đã chắc chắn có tên trong đội hình chính thức của Bắc Kinh nhưng để có thể tiến những bước vững chãi và lớn mạnh hơn, đối với Vương Thiên Nhất mà nói thì lại không phải là điều dễ dàng gì. Tháng 3 năm 2011, Vương Thiên Nhất đánh bại Tài Dật tại trận CK giải cờ tướng online tranh JJ Cup.

3187

Nhưng điều đó không đủ khiến cho áp lực và kỳ vọng đặt lên vai của “Ngoại tinh lai khách” giảm đi phần nào. Vương Thiên Nhất thi đấu không thành công và không dành được danh hiệu nào đáng kể ở giải Chu Trang Bôi 2011 sau đó. Đến ngay như với đội tuyển Bắc Kinh dù đã tiếp tục bảo vệ thành công danh hiệu quán quân đồng đội toàn quốc nhưng chủ yếu là nhờ vào công sức lớn của Tưởng Xuyên và Vương Dược Phi.

Dấu ấn của Vương lên đội vẫn còn khá phai nhạt. Tại giải Quốc thủ tái lần thứ 1 diễn ra ở huyện Ôn Lĩnh tỉnh Chiết Giang, Vương Thiên Nhất thậm chí chỉ đứng thứ 9 trên 10 người tham gia. Một kết quả thất bại nếu xét đến sự thăng tiến liên tục của Vương trên bảng anh hùng. Nhiều người đã nghĩ rằng trình độ của Vương vẫn chưa tiệm cận được nhóm đầu. Mãi đến những tháng cuối năm, sau khi trút bỏ được khá nhiều áp lực tâm lý, Vương Thiên Nhất mới thi đấu thành công trở lại.

Vương đoạt liền 2 ngôi quán quân ở giải Dưỡng Tử Câu Bôi và giải Bì Cách Thành Bôi ở Hà Nam và Tân Tập. Sau đó đến tháng 10 tại Giải cá nhân toàn quốc tổ chức ở Mao Sơn, Vương Thiên Nhất về đích ở vị trí thứ 5 bảo toàn danh hiệu quốc thủ của mình.

Kết thúc một năm 2011 không được thành công cho lắm thì sang đến năm 2012, với 1 sự đổi mới đáng kinh ngạc hơn thì “Ngoại tinh lai khách” thiếu hiệp phương Bắc – người đã từng vang danh của hai năm về trước đã thực sự trở lại. Và lần trở lại này đã khiến cho kỳ đàn Trung Quốc thực sự thất điên bát đảo.

Vương Thiên Nhất sau khi trải qua 2 mùa giải thi đấu với khá nhiều sóng gió và thăng trầm thì dường như đã lột xác hoàn toàn, trưởng thành và hoàn thiện hơn về phong cách kỳ nghệ cũng như trình độ chuyên môn. Ngay lập tức thăng hoa đánh đâu thắng đó, thế như trẻ che, liên tiếp vô địch ở các giải lớn đầu năm như giải Tần Hoảng Đảo Bôi ở Hà Bắc, giải Kim Bạc Bôi lần thứ 21 ở Giang Tô và đặc biệt là chiến tích cực kỳ ấn tượng 7 thắng, 4 hòa vô địch giải Tượng kỳ tinh anh toàn Trung Quốc tranh cúp Sái Luân Trúc Hải Bôi 2012 ở tỉnh Hồ Nam.

Sau đó tại giải đồng đội Giáp cấp liên tái 2012, Vương Thiên Nhất đóng vai trò đầu tàu cữu vãn tình thế cho Bắc Kinh khi Tưởng Xuyên bất ngờ xuống phong độ một cách thảm hại. Tuy không thể giúp đội nhà bảo vệ thành công ngôi vị quán quân đồng đội nhưng với riêng Vương Thiên Nhất đó lại là 1 mùa giải không thể nào quên khi vị thiếu hiệp này thi đấu rất bùng nổ với thành tích 13 thắng, 7 hòa, 2 thua đoạt được danh hiệu Xạ thủ Vương của BXH cá nhân.

Chưa dừng ở đó, tại giải Quốc thủ tái lần thứ 2 ở Ôn Lĩnh, Vương Thiên Nhất tiếp tục tỏa sáng và dành danh hiệu Á quân sau khi thất bại ở ván cờ nhanh trước Hứa Ngân Xuyên. Điều đáng mừng hơn cho Vương Thiên Nhất là kể từ sau 3 lần thua Hứa Ngân Xuyên trước đó, Vương Thiên Nhất đã chưa phải nhận thêm một thất bại nào khi phải đối đầu với nhân vật số 1 Trung Quốc này trong các trận đấu lớn. Khoảng cách giữa Vương và Hứa đã ngày một được thu hẹp hơn. Giới hâm mộ nhận định năm nay Vương Thiên Nhất đã hội đủ mọi yêu tố quan trọng nhất để có thể tranh bá đồ vương.

3186

Và cuối cùng mọi mơ ước đã trở thành sự thật, đỉnh cao của sự nghiệp và danh vọng rốt cuộc cũng đã đến với Vương Thiên Nhất khi thiếu hiệp này thể hiện được đầy đủ nhất một phong độ và một trạng thái thi đấu tuyệt vời, kết hợp với bản lĩnh và tài năng lớn trong cuộc đại chiến tranh đoạt kỳ vương lần thứ 47 diễn ra ở huyện Bàn An tỉnh Chiết Giang từ ngày 10/10 cho đến hết ngày 20/10 vừa qua.

“Nhất thân tuyệt nghệ,Lý dược Long môn”, Vương Thiên Nhất với năng khiếu trời cho,trải qua một hành trình đầy gian khổ gặp gỡ hết các đại cao thủ mạnh nhất đương thời,rốt cuộc đã không hề thua kém, tự tin mạnh mẽ lần lượt vượt qua những Trương Hân, Châu Hiểu Hổ, Tôn Dũng Chinh, Lưu Điện Trung, Nhiếp Thiết Văn, Hứa Ngân Xuyên, Triệu Hâm Hâm, Thân Bằng, Hồng Trí, Tôn Dật Dương và Uông Dương để rồi với chiến tích bất bại 5 thắng, 6 hòa hiên ngang “vượt vũ môn hóa rồng” giành được danh hiệu quán quân toàn quốc 2012, trở thành vị ĐCĐS thứ 30 của Trung Hoa kỳ nghệ và là vị tân kỳ vương thứ 16 trong lịch sử cờ tướng của quốc gia này.

Một kết cục mỹ mãn và hoàn toàn xứng đáng cho bao công sức cũng như khát vọng chinh phục đỉnh cao mà một thiên tài kỳ thủ như là Vương Thiên Nhất đã phải dốc toàn tâm toàn sức, dành trọn niềm đam mê, vun đắp lên một tinh thần cống hiến hết mình cho kỳ nghệ mà biết bao thế hệ kỳ thủ trước đây và bây giờ vẫn còn đang mải miết theo đuổi đến cùng.


Nguồn: TGCT +mình thêm vài tấm hình cho đẹp ^^