tonetone
09-10-2013, 10:59 PM
http://d.f21.photo.zdn.vn/upload/original/2013/10/09/21/52/949216137_436864346_574_574.jpg (http://me.zing.vn/jpt/photodetail/khukytien/949216137)
Đây là một truyện văn học nước ngoài, nhưng liên quan đến cờ Vua (và cờ nói chung) người chơi cờ đọc có khi lại hiểu về cờ hơn ... tôi sưu tầm và post lên đây để mọi người cùng thưởng thức.
Trích:
"Nhà báo Trang Anh viết Lời dẫn
Cách nay lâu lắm rồi, khi lần đầu tiên đọc sách của Stefan Zweig, tôi đã thấy run sợ. Nhà văn người Áo này như nhìn thấu suốt người đời. Kiêu hãnh và ám thị. Ðam mê và bạc nhược. Những rung động khó tả, sâu lắng trong những thang bậc thầm kín nhất của tâm hồn. Zweig là nhà phân tích tâm lý bậc thầy với óc quan sát cực kỳ sắc bén. Ông có thể lột trần những cảm xúc tột cùng chỉ qua vài động tác, vài cử chỉ… Với Zweig, người đọc cảm thấy như bị chụp lên đầu chiếc vòng kim cô, có đi đến đâu cũng quanh quẩn trong vòng khống chế và bị thôi miên bởi những thứ vô thức phía sau những mạch văn của ông.
“Ván cờ kì lạ" là một truyện ngắn của Zweig mà tôi thích nhất. Ðây là một câu chuyện xuất thần, một bức tranh tương phản đến mức chóa mắt, sự phi thực được dàn dựng khéo đến mức trở nên “có thể” : một gã cục mịch, gần như đần độn, lại thống lãnh thế giới của những người trí thức. Một gã trí thức đạt đến những khả năng siêu phàm chỉ thuần túy do… nghịch cảnh. Và hai con người đó đối mặt nhau trong một cuộc đọ sức trí tuệ – tâm lý hồi hộp và khốc liệt ở trên một con tàu bồng bềnh giữa đại dương.
Trong tác phẩm này, bạn sẽ thấy tất cả dồn nén lại, cô đặc : lòng tham lam, sự đố kỵ, sự ngông cuồng, sự vô nghĩa, sự hiếu kỳ, khát vọng tự do, nỗi cô đơn…
Zweig tự vận. Tôi nghĩ rằng ông sống đủ và đau khổ cũng đủ. Có lẽ trái tim ông không chịu nổi sự trần tục của cuộc đời, những đau khổ và bất công trong thời đại ông sống. Cảm ơn Zweig vì những gì ông để lại."
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Ván cờ kỳ lạ
Dịch giả: Trịnh Xuân Hoành
Cảnh lui tới thường thấy diễn ra vào giây phút chót bao trùm trên con tàu thủy sẽ rời Niu York đi Buênôx Airex lúc nửa đêm. Hành khách lên tàu, kéo theo cả một đám bè bạn đi tiễn, những người chuyển điện tín, mũ lưỡi trai đội sụp đến mang tai, đọc to mấy tên người vang khắp các phòng khách, hành lý và hoa được chuyển lên, lũ trẻ con tò mò chạy khắp nơi từ tầng trên xuống tầng dưới tàu, trong khi đó dàn nhạc vẫn điềm tĩnh chơi.
Trên cầu tàu dạo chơi, đứng hơi né xa cảnh đi lại nhộn nhịp, tôi và anh bạn đang trò chuyện với nhau thì thấy lóe lên ở ngay cạnh chỗ chúng tôi đang đứng hai hoặc ba ánh vụt sáng – chắc người ta chụp vội ảnh một vĩ nhân nào đó trước khi tàu nhổ neo. Anh bạn tôi đưa mắt nhìn về hướng đó rồi mỉm cười: “Anh cùng đi tàu với một nhân vật lỗi lạc: Xzentôvic”. Và thấy tôi ngơ ngác không hiểu gì, anh nói tiếp, vẻ như muốn giải thích với tôi: “Mirkô Xzentôvic – vô địch cờ thế giới. Anh ta đã đi khắp nước Mỹ, từ tây sang đông, đánh ván nào thắng ván đó, còn bây giờ anh ta đi giành những vinh quang mới ở Argentina”.
Lúc đó tôi mới nhớ lại nhà vô địch trẻ tuổi này và một số đặc điểm trong bước đường công danh kỳ lạ của anh. Do đã đọc báo chí nhiều hơn tôi, anh bạn đã bổ sung vào trí nhớ của tôi một số giai thoại.
Trong vòng có gần một năm, Xzentôvic đã trở thành một nhân vật sánh ngang với các bậc thầy nổi tiếng nhất về môn cờ. Alêcxin Capab****ca, Tarkakôvơ, Laxkơ, Bôgôngiubôp không còn gì để truyền đạt cho anh nữa. Từ năm 1922, sau Rzexepxki – một chú bé thần đồng bảy tuổi – trở nên lỗi lạc ở trận đấu tại Niu York, người ta chưa hề biết một người không tên tuổi nào như Xzentôvic lại thu hút được sự chú ý đến thế của thế giới đối với những người chơi cờ. Vì nếu chỉ dựa vào trí năng của Xzentôvic thì không ai dám tiên đoán anh ta sẽ có một tương lai sáng lạn. Có tiếng đồn rằng nhà vô địch không thể viết nổi một câu, dù bằng tiếng mẹ đẻ, mà không phạm những lỗi chính tả và một đối thủ bẳn tính đã nhận xét: “Sự vô học của anh chàng đã nổi tiếng khắp hoàn cầu”.
***
Xzentôvic là con trai một người chèo thuyền khốn khó gốc Xlavơ vùng Đanuýp. Một đêm nọ, thuyền của ông bị một chiếc tàu thủy chở lúa mì đâm chìm. Sau khi bố chết, chú bé lúc đó mười hai tuổi, được cha xứ trong làng đón về nuôi và ông linh mục tốt bụng đã cố gắng một cách trung thực bảo ban chú bé lãnh đạm và ít nói ôn lại bài vở mà ở trường chú không tài nào nhớ nổi.
Nhưng ông đã uổng công vô ích. Xzentôvic nghiêng nghiêng vầng trán rộng của mình trên những nét chữ mà chú đã nghe giảng đi giảng lại đến trăm lần và trân trân nhìn chúng với cặp mắt trống rỗng; óc chú bất lực không lưu giữ được những khái niệm sơ đẳng nhất. Năm mười bốn tuổi, chú vẫn còn phải dùng ngón tay để đếm và hết sức chật vật mỗi khi đọc một quyển sách hoặc một tờ báo. Nhưng không thể nói rằng chú ngại khó. Chú ngoan ngoãn làm tất cả những gì được sai bảo, xách nước, bổ củi, làm việc ở ngoài đồng, lau chùi bếp, tóm lại, tuy chậm chạp đến phát bực mình, chú đã tận tụy thực hiện mọi công việc được yêu cầu.
Nhưng điều làm vị linh mục tốt bụng buồn phiền nhất là thái độ hoàn toàn dửng dưng của chú bé kỳ cục được ông che chở. Chú chẳng bao giờ tìm cách gợi chuyện ông, chẳng bao giờ mở miệng hỏi một câu, chẳng chơi với lũ con trai cùng tuổi, xong công việc chú đến một chỗ ở trong phòng, vẻ đãng trí và lơ đễnh như cừu ngoài bãi chăn thả, không hề bận tâm tới những gì diễn ra ở quanh mình. Tối tối cha xứ châm chiếc tẩu dài hút và ngồi đánh ba ván cờ thường ngày với viên đội. Lúc đó cậu thiếu niên lại ló mái tóc vàng rối bù màu vàng hoe của mình xích đến bên bàn và lặng lẽ chăm chăm nhìn bàn cờ, cặp mắt như ngái ngủ và lơ đễnh dưới đôi mí nặng sùm sụp.
Một tối mùa đông, khi hai đấu thủ đang say với ván cờ thì người ta nghe thấy tiếng chuông lắc mỗi lúc một rõ của một xe trượt tuyết đang lao hết tốc lực trên đường phố. Một nông dân, mũ lưỡi trai phủ trắng tuyết, vội vã bước vào mời cha xứ tới ban lễ xức dầu cuối cùng cho người mẹ già nua của mình đang hấp hối. Ông cha xứ liền đi theo người nông dân. Chưa kịp uống cạn cốc bia, viên đội châm lại tẩu và định xỏ chân và đôi ủng nặng nề để ra về. Bỗng ông bắt gặp cặp mắt của Xzentôvic nhìn chăm chăm bàn cờ vừa mới được bắt đầu.
- Thế nào, cháu có muốn chơi nốt ván cờ này không? – Viên đội nói đùa, vì ông tin chắc cậu bé ngù ngờ không thể đi một con Binh cho ra hồn trên bàn cờ.
Chú bé rụt rè ngẩng đầu lên, rồi gật đầu nhận lời và đến ngồi vào chỗ cha xứ. Sau khi đi mười bốn nước, viên đội bị hạ và buộc phải thú nhận rằng mình thua không phải do chểnh mảng. Ván thứ hai cũng diễn ra như vậy.
- Đúng là chú lừa của Balaam! – Khi quay về vị linh mục sửng sốt kêu lên. Rồi ông giảng giải cho viên đội, vì ông ta không hiểu rõ Kinh Thánh bằng ông, rằng trước đây hai nghìn năm cũng đã từng có một chuyện kỳ lạ tương tự, một người câm bỗng nói ra những lời vô cùng khôn ngoan.
Tuy đã khuya, ông bố nuôi không kìm được cứ muốn đòi đọ sức với cậu bé được mình nuôi dưỡng. Chú có cách đánh chậm rãi, bền bỉ, điềm tĩnh và chiếc trán rộng của chú luôn cúi trên bàn cờ. Chiến thuật của chú vững vàng không chê vào đâu được; những ngày tiếp sau đó, cả viên đội lẫn cha xứ đều không thắng được chú ván nào. Là người hiểu rõ hơn ai hết mức độ tiếp thu chậm của chú học trò của mình trong những lĩnh vực khác, cha xứ tò mò muốn biết rõ khả năng năng khiếu đặc biệt này đến đâu. Ông dẫn Xzentôvic tới bác thợ cắt tóc trong làng để tỉa bớt mái tóc bù xù màu vàng rơm của chú trông cho dễ coi rồi dùng xe trượt tuyết đưa chú ra thành phố nhỏ bé nằm cạnh làng. Ở đấy ông quen mấy người rất mê đánh cờ, đánh khá hơn ông, và lúc nào cũng thấy ngồi trong một góc quán cà phê tại Quảng trường lớn.
Khi cha xứ bước vào quán, đẩy ở trước mặt mình chú bé mười lăm tuổi, tóc vàng nhạt, má đỏ ửng, vai quàng tấm da cừu lộn thì mấy vị khách quen thuộc của quán đều mở tròn mắt ngạc nhiên. Chú bé đứng như trời trồng, mắt e lệ nhìn sàn mãi tới khi có người ngồi ở một bàn lên tiếng gọi chú. Ván đầu chú bị thua vì chưa bao giờ thấy vị đỡ đầu tuyệt diệu của mình lẫn ông đội khai cuộc theo kiểu Xixin. Ván thứ hai chú chơi hòa với người đánh cờ giỏi nhất hội và các ván sau đó chú liên tiếp hạ tất.
Một sự kiện hồi hộp đã diễn ra tại một thành phố nhỏ ở Nam Tư và các vị thân hào đã chứng kiến những bước đầu của nhà vô địch một làng quê như vậy đấy. Mọi ngưới nhất trí lưu chú bé thần đồng lại đến sáng mai để có thể thông báo về sự hiện diện của chú với các hội viên khác của hội và nhất là với bá tước Ximxzic – một người đánh cờ say mê cuồng nhiệt. Cha xức đưa mắt nhìn cậu học trò của mình với niềm tự hào mới, nhưng ông không thể chểnh mảng nghĩa vụ đối với Chúa. Ông tuyên bố sẵn sàng cho phép Xzentôvic ở lại với mấy vị để chú có thể chứng minh rõ hơn nữa tài năng của mình. Xzentôvic được bố trí ở lại khách sạn, phí tổn do các nhà đánh cờ đài thọ, tối hôm ấy lần đầu tiên trong đời, chú được thấy một nhà vệ sinh có hệ thống giội nước…
Chiều chủ nhật, trong một căn phòng chật cứng người, chú bé ngồi im không nhúc nhích bốn giờ liền trước bàn cờ và đã hạ tất cả mọi đấu thủ; chú đã không mở miệng nói một lời nào cũng như không hề ngước mắt nhìn lên một lần nào. Có người đề nghị chú đánh nhiều ván cùng một lúc. Phải chật vật lắm mới giải thích để chú hiểu rõ là trong ván cờ như vậy một mình chú phải đấu với nhiều đấu thủ. Khi vỡ lẽ, chú liền thực hiện ngay, chú chậm rãi đi từ bàn này sang bàn kia làm đôi giày to tướng của chú cứ kêu răng rắc, kết cục chú thắng bảy trên tám đấu thủ.
Lúc đó liền nổ ra một cuộc thảo luận dài. Thực ra cứ chẻ hoe mà nói, nhà vô địch mới không phải người gốc gác trong tỉnh, nhưng đầu óc cục bộ đã được thức tỉnh. Biết đâu cái địa phương nhỏ bé tìm mãi mới thấy trên bản đồ này lại sẽ chẳng rạng rỡ vì đã sản sinh một nhân vật nổi tiếng. Kenlơ, một ông bầu sân khấu chuyên cung cấp các bài ca và nữ ca sĩ cho quán rượu ở đồn trú, nhận đưa chú bé kỳ dị đi Viên, như ông ta nói, tới chỗ một bậc thầy lỗi lạc để xin thụ giáo học lấy nghệ thuật của ông thầy. Có điều phải có người chịu đài thọ mọi phí tổn trong một năm chú sẽ lưu lại ở thủ đô. Suốt sáu chục năm ròng, ngày nào bá tước Ximxzic cũng đánh cờ, nhưng chưa từng gặp một đối thủ kỳ lạ như chú bé này nên liền ký ngay một tấm ngân phiếu. Bước đường công danh khác thường của chú bé con một bác chèo thuyền đã bắt đầu như vậy đấy.
Trong sáu tháng, Xzentôvic đã học được một (mọi?) bí quyết đánh cờ; thật ra kiến thức của chú rất hạn chế. Tại các câu lạc bộ mà sau này chú hay lui tới, người ta đã nhận rõ điều đó và thường cười chế giễu. Chẳng là Xzentôvic không bao giờ có thể đánh một mình ván cờ trừu tượng hay như người ta thường nói, chơi không cần bàn cờ. Chú hoàn toàn không có khả năng hình dung một bàn cờ ở trong đầu mình. Nhất thiết chú phải thấy rõ ở trước mắt mình, sờ được sáu mươi tư ô đen, trắng và tóm được ba mươi hai quân cờ. Ngay như sau khi đã nổi tiếng khắp thế giới, chú luôn có trong túi một bài cờ nhỏ để tận mắt nhìn rõ vị trí của các quân cờ một khi chú muốn giải quyết một vấn đề hoặc dựng lại ván cờ của một bậc thầy.
Thiếu sót này – tự bản thân nó chẳng có gì là ghê gớm lắm – cho thấy khá rõ Xzentôvic không giàu đầu óc tưởng tượng và những người sống xung quanh chú liền túm lấy chi tiết đó mà bình luận sôi nổi như trong giới nhạc sĩ đã từng bình luận về một nhạc sĩ điêu luyện hay một nhạc trưởng nổi tiếng không thể chơi nhạc hoặc điều khiển một dàn nhạc nếu không có bản dàn bè mở rộng trước mặt.
Nhưng đặc điểm này hoàn toàn không làm chậm những bước tiến đến sửng sốt của Xzentôvic. Mười bảy tuổi, anh đoạt trên chục giải; mười tám tuổi anh đã là nhà vô địch ở Hunggari; còn hai mươi tuổi – vô địch thế giới. Những người đánh cờ mạnh dạn nhất nghĩa là về mặt trí tuệ, đầu óc tưởng tượng táo bạo họ vượt rất xa anh, song không thể chịu đựng được cái logic khe khắt và lạnh lùng của anh. Trước mặt anh họ như Anniban trước Phabiux Amtatơ mà Titơ Livơ kể lại rằng lúc bé đã có những dấu hiệu đến lạ lùng.
Cho tới lúc đó, bộ sưu tập lừng danh tên tuổi các bậc thầy đánh cờ, gồm đủ loại những nhân vật thông minh, những nhà hiền triết, nhà toán học, những bộ óc giàu trí tưởng tượng và thường là đầy sáng tạo, từ nay được bổ sung thêm một người xa lạ với giới trí tuệ, đó là anh chàng nông dân vụng về và ít nói mà các nhà báo tài ba nhất cũng chẳng bao giờ khai thác được một lời nào để viết bài.
Thực ra thì người ta đã được đền bù khá hậu hĩ bằng cách kể ra khá nhiều giai thoại về Xzentôvic. Vì, ngồi trước bàn cờ, anh là một người hết sức tài giỏi, nhưng vừa rời khỏi bàn cờ anh là một nhân vật khôi hài và gần như lố bịch, tuy mình mặc bộ lễ phục đen, và đeo caravát có cài một hạt trai đẹp lộng lẫy. Tuy bàn tay anh được chăm chút và móng tay siêng đánh bóng, anh vẫn có những cử chỉ và thái độ của một chàng nông dân thiển cận trước đây đã từng quét dọn buồng ông cha xứ của mình.
Với tính vụng về và trâng tráo đến trơ trẽn làm các bạn đồng sự của mình khi vui lúc bực, anh chỉ nghĩ cách khai thác tài năng và tên tuổi của mình để kiếm được thật nhiều tiền. Lòng hám tiền của anh không lùi bước trước bất kỳ một hành động ty tiện nào. Anh đi đây đi đó nhiều, nhưng chỉ ở độc mỗi khách sạn hạng ba, thậm chí nhận đánh cờ trong những câu lạc bộ rất ít người biết tên, miễn sao được nhận tiền thù lao. Người ta thấy hình anh trên một tấm áp phích quảng cáo cho một loại xà phòng và anh chẳng bận tâm tới những kẻ hay chế giễu khi biết anh không viết đúng nổi một câu, anh đã bán chữ ký của mình cho một người xuất bản in một thứ “triết lý chơi cờ”. Thật ra, tác phẩm đã do một sinh viên người Galaxi viết cho người xuất bản – một kẻ xoay xở rất giỏi.
Như tất cả những kẻ ngang bướng, Xzentôvic không biết thế nào là lố bịch. Từ ngày anh đoạt giải vô địch thế giới, anh tưởng rằng mình là nhân vật quan trọng nhất loài người. Anh ý thức là mình đã thắng những người thông minh, là những người hay chuyện tài ba và viết rất giỏi, nhất là anh cho rằng mình kiếm được nhiều tiền hơn họ, do đó anh không còn giữ được tính rụt rè bẩm sinh và trở nên tự phụ một cách lạnh lùng mà anh đã để lộ ra một cách thô bạo.
- Nhưng một thành công nhanh chóng đến thế sao lại chẳng làm một đầu óc rỗng tuếch như vậy ngây ngất? – Anh bạn tôi kết luận, sau khi đã kể lại tôi nghe một số nét đặc trưng trong sự hợm hĩnh mang tính chất trẻ con của Xzentôvic. – Làm sao một nông dân hai mươi mốt tuổi ở Banat lại chẳng say nồng hơi men kiêu căng khi thấy mình chỉ cần đẩy những con cờ trên tấm ván kẻ ô có thể kiếm tiền trong một tuần nhiều hơn số tiền dân cả thôn kiếm được trong suốt một năm bằng cách đốn củi và những công việc sụn xương sống khác? Và thật cực kỳ dễ lầm tưởng mình là một vĩ nhân khi bản thân chẳng hề nghĩ rằng trên đời này đã từng có một Rembranđ, một Betôven, một Đantơ? Đằng sau chiếc trán hằn vết suy nghĩ, anh chàng này chỉ biết mỗi điều là từ nhiều tháng nay anh chưa thua ván nào và anh chẳng hề ngờ rằng trên đời này còn có giá trị khác ngoài cờ và tiền bạc, anh có đầy đủ lý do để vui thú về bản thân mình.
***
Các lời dèm pha của anh bạn tôi đã kích thích trí tò mò của tôi. Những người say mê một ý tưởng duy nhất thường làm tôi phải suy nghĩ, vì một trí lực càng có giới hạn thì nó càng vượt lên tới cái vô tận. Mấy người đó, nhìn bề ngoài có vẻ sống cô đơn, đang như những con mối xây dựng với tính cách hết sức đáng chú ý các thế giới thu nhỏ lại bằng những nguyên liệu đặc thù của mình. Do đó tôi tuyên bố ý định của bản thân là sẽ tiếp cận quan sát cái mẫu phát triển trí tuệ đơn phương đặc biệt ấy và sử dụng tốt mười hai ngày đường đến Rio vào việc đó.
- Anh ít có khả năng đạt được mục đích đấy – bạn tôi báo trước, - theo chỗ tôi biết, chưa ai khai thác được ở Xzentôvic một thông tin mang tính chất tâm lý nào. Anh chàng này khá khôn ngoan lấp liếm sự ngu đần vô cùng tận của mình để thanh danh chẳng bao giờ bị tổn hại cả. Anh chỉ trò chuyện với những người đồng hương gặp ở các quán nhỏ nơi anh thường lui tới, ngoài ra anh tránh tất cả những cuộc đàm thoại. Vừa đánh hơi thấy một người có văn hóa, anh liền chui tọt ngay vào vỏ; do đó không ai dám huênh hoang khoe rằng mình đã nghe thấy Xzentôvic nói một điều gì ngu ngốc hoặc đã thăm dò được mức độ dốt nát của anh ta đến đâu.
Cuộc thí nghiệm sẽ chứng thực những lời này. Những ngày đầu của cuộc hành trình, tôi phải công nhận là không thể tiếp cận được Xzentôvic, ngoại trừ phải giở trò lộ liễu thô bạo không hợp khẩu vị cũng như thói quen của tôi.
Anh ta thường hay đi dạo trên cầu tàu, nhưng lúc nào cũng có vẻ mải mê suy nghĩ và không tiếp xúc với ai, hai tay chắp sau lưng đúng với tư thế của Napoleon được thể hiện trong một bức tranh nổi tiếng; hơn nữa anh đột ngột và vội vã rời khỏi cầu tàu nên nếu muốn bắt chuyện thì cứ phải ba chân bốn cẳng chạy theo. Người ta không thấy anh tới quầy rượu, cả phòng hút thuốc lẫn phòng khách. Chiêu đãi viên thổ lộ với tôi rằng anh thường ở lì trong phòng mình để luyện trước một bàn cờ rộng.
Ba ngày sau, tôi buộc phải thú nhận rằng chiến thuật tự vệ của anh mạnh hơn ý chí tấn công của tôi; tôi rất bực. Tôi chưa bao giờ có dịp tự mình làm quen với một nhà vô địch cờ và không thể hình dung ra một người vô địch cờ phải là người như thế nào. Làm sao tôi có thể hình dung nổi một bộ óc suốt đời chuyên chú vào một diện tích gồm sáu mươi tư ô đen trắng? Qua kinh nghiệm bản thân, tôi đã biết rõ sức hấp dẫn huyền bí của cái “trò chơi đế vương” này, một trò chơi duy nhất trong tất cả các trò đã thoát khỏi nanh vuốt độc tài của sự may rủi, một trò chơi duy nhất mà người ta có thể dành thắng lợi nhờ tài trí thông minh của bản thân, hay nói cho đúng hơn nhờ một số dạng thông minh nào đấy.
Nhưng nếu gọi nó là một trò chơi thì phải chăng đây là một hạn chế mang tính chất thóa mạ? Phải chăng nó cũng là khoa học, một bộ môn nghệ thuật, hoặc một bộ môn gì đó lơ lửng giữa khoa học và nghệ thuật như linh cữu của Mahômêt treo lơ lửng giữa đất trời? Nguồn gốc của môn cờ bị chìm mất trong đêm tối của thế gian, thế nhưng nó luôn luôn mới lạ; nước đi máy móc, nhưng đánh có kết quả là nhờ trí tưởng tượng của người chơi; nó được hạn định một cách nghiêm ngặt trong một không gian hình học cố định, tuy vậy các nước đi thì thiên hình vạn hóa. Nó phát triển không ngừng, song vẫn cằn cỗi. Đây là một suy nghĩ không đem lại kết quả, một môn toán không chứng minh một điều gì, một nghệ thuật chẳng để lại tác phẩm, một kết cấu không chất liệu; tuy vậy, với cách thức của nó, cái trò chơi này sẽ chứng tỏ được rằng nó tồn tại lâu hơn sách hoặc bất kỳ đài tưởng niệm nào, nó là trò chơi độc nhất vô song của mọi dân tộc và mọi thời đại và chẳng ai rõ thánh thần nào đã ban phú cho trái đất để triệt hạ buồn phiền, mài giũa trí tuệ và khích lệ tinh thần. Nó bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu? Một em bé cũng có thể học hỏi các quy tắc, một người thiếu kiến thức cũng có thể đánh thử và nếu có năng khiếu đặc biệt về môn này thì có thể là người độc nhất vươn tới trình độ bậc thầy. Tính kiên nhẫn và kỹ thuật gặp nhau tại bàn cờ và muốn có được những tìm tòi mới lạ như trong toán học, trong thơ ca, trong âm nhạc thì phải có cách nhìn nhận tin anh.
Trước đây, lòng ham mê khoa học hẳn đã đẩy một vị Gal nào đó đến chỗ làm phẫu thuật phân tích não một nhà vô địch cờ loại này để xem xem chất xám của anh ta có nếp cuộn đặc thù, có một cơ hoặc một bướu đặc trưng khác biệt với những người khác không. Trường hợp năng khiếu đặc trưng của môn cờ kết hợp với sự lười biếng hoàn toàn về trí tuệ ở một con người rất đáng được quan tâm biết bao, như một mạch vàng trong đá thô vậy!
Tất nhiên, về nguyên tắc, tôi biết rằng một trò chơi đặc biệt như vậy, tinh anh như vậy có thể tạo ra được những con người cự phách, nhưng làm sao có thể hiểu nổi là cuộc đời của một bậc đại tinh anh lại hoàn toàn thu lại trong đường đua chật hẹp này, chỉ chuyên chú đẩy lên hay kéo về ba mươi hai quân cờ trên các ô đen và trắng, gắn tất cả niềm quang vinh của cuộc đời mình vào việc đẩy lên kéo về ấy. Làm sao có thể tưởng tượng được một người đã coi cái việc khai cuộc bằng một quân Mã hơn bất kỳ một con Binh nào là một chiến công và ghi phần đóng góp nhỏ bé thảm hại bất tử của mình vào một cuốn sách dành cho môn cờ! Cuối cùng, làm sao có thể hình dung một con người thông minh đã tập trung trong suốt mười, hai mươi, ba mươi, bốn chục năm toàn bộ suy nghĩ của mình vào một cái đích kỳ cục là dồn một quân Tướng bằng gỗ vào góc một tấm gỗ mà không bị điên đầu!
Và lúc này, lần đầu tiên tôi được ở gần một con người kỳ dị, một thiên tài đặc biệt, hay có thể nói, một người điên bí ẩn như vậy, ở ngay trên cùng một con tàu, cách buồng tôi sáu buồng, thế là một người như tôi – một người lúc nào cũng cực kỳ tò mò đối với những vấn đề tài trí – lại đành phải bó tay không tiếp cận anh ta được. Tôi liền nghĩ mọi mưu kế hết sức phi lý: tôi cứ xưng bừa mình là một người của tờ báo lớn, yêu cầu phỏng vấn anh ta? Hoặc tôi đề nghị anh ta dự một trận đấu hái ra tiền ở Êcốt? Cuối cùng, tôi nhớ ra rằng đến mùa sinh đẻ, những người đi săn đã bắt chước tiếng gọi của các con thú để nhử chúng; chắc chắn là nếu bày ra cách đánh cờ thì sẽ thu hút sự chú ý của một người đánh cờ.
Thực tình mà nói, tôi không phải là một nghệ sỹ nghiêm túc trong lĩnh vực này, vì thích thì tôi đánh cờ thế thôi, tôi ngồi vào bàn cờ chẳng qua là để đầu óc bớt căng thẳng. Đúng ra tôi chơi cờ là để giải trí. Hơn nữa khi đánh cờ cũng như khi yêu, phải có đối tượng, tôi không rõ ngoài tôi và vợ tôi ra, trên tàu còn có ai ham thích môn cờ nữa không. Để thu hút những người ham cờ, nếu có ở trên tàu, hai vợ chồng tôi ngồi chơi cờ trong phòng hút thuốc lá. Hai chúng tôi mới đi được sáu nước thì một người đi dạo chơi và rồi một người nữa dừng chân xin phép được đứng xem.
Sau đó một người yêu cầu tôi đánh với ông ta một ván. Đấy là kỹ sư người Êcốt, ông MacCônno, nghe đâu ông ta đã vớ được gia tài kếch xù trong việc đào giếng dầu ở Caliphornia. Ông ta béo lùn, mặt chữ điền, răng chắc, da dẻ hồng hào phần nào cũng là do uống nhiều rượu uýtxki. Đôi vai ông rộng quá khổ của ông ta cũng được thể hiện rõ ngay cả trong ván cờ, vì ông MacCônno là một loại người thành đạt và đầy tự mãn, coi bản thân mình bị sỉ nhục nếu phải thua, dù là một ván cờ vô hại. Quen áp đặt một cách thô bạo và được nuông chiều trước những thắng lợi trong thực tế, self made man[1] thô kệch này đã thấm nhuần ưu thế của mình, nên đã coi mọi sự chống đối là lộn xộn và gần như là một sự **** nhục. thua ván đầu, ông ta nhăn nhó rất khó chịu, liến thoắng giải thích với giọng trịch thượng, mình sở dĩ thua vì đã có giây phút lơ đễnh. Thua ván thứ ba, ông ta đổ tại tiếng ồn ở phòng bên cạnh; hễ thua là ông ta đòi gỡ bằng được. Thoạt đầu, tôi thấy vui vui trước thái độ kịch liệt cố chấp ấy, sau tôi chỉ còn coi đây là tiểu tiết không ảnh hưởng gì tới dự định của tôi.
Sang ngày thứ ba, mưu của tôi đã thành công, nhưng mới được mỗi nửa. Không biết khi đi dạo trên cầu tàu, Xzentôvic đã nhìn thấy chúng tôi qua cửa sổ hoặc do tình cờ, ngày hôm đó anh muốn góp mặt, để tăng thêm phần vinh dự cho thêm phòng hút thuốc? Dù sao chúng tôi cũng thấy anh ngập ngừng bước về phía chúng tôi và từ xa đưa cặp mắt sành sỏi nhìn bàn cờ chúng tôi đang tập tọe thực hành cái nghệ thuật của anh. Đúng lúc đó MacCônno đi con Binh. Than ôi, chỉ cần một nước đi ấy cũng chứng tỏ với vị bậc thầy là chúng tôi chẳng xứng đáng một chút nào với mối quan tâm của ông vua cờ. Khi lánh ra xa bàn của chúng tôi và rời khỏi bàn hút thuốc, Xzentôvic có thái độ hệt như một người đã gạt một cuốn tiểu thuyết trinh thám tồi ra khỏi giá bày của hiệu sách mà không buồn giở ra coi nữa. “Đã cân nhưng thấy quá nhẹ”, tôi nhủ thầm, bụng hơi phật ý trước cái vẻ khinh khỉnh ấy. Và đang lúc bực bội, tôi nói với MacCônno:
- Xem ra bước đi của ông không làm bậc thầy thú lắm.
- Bậc thầy nào?
Tôi giải thích với MacCônno rằng anh chàng vừa ở đây và nhìn chúng tôi đánh cờ với vẻ không tán thành, là Xzentôvic vô địch cờ thế giới.
- Thôi - tôi nói tiếp – chúng ta đành chịu nhục vậy và nhắm mắt làm ngơ trước thái độ khinh miệt của anh ta. Phận nghèo đành húp cháo loãng.
Nhưng những lời tôi vừa nói với giọng dửng dưng đã có tác động rất ghê với MacCônno. Ông ta đã bị kích động mạnh và quên béng ván cờ vừa bắt đầu chơi. Tính kiêu căng bừng bừng bốc lên mặt ông. Ông tuyên bố mình hoàn toàn không hề hay biết Xzentôvic cùng đi trên tàu và thế nào cũng phải đánh cờ với ông ta; ông còn bảo rằng mình chưa bao giờ được đánh cờ với một nhà vô địch như vậy, trừ một bận, ông ta đã đánh một ván cờ lý thú: một người đánh bốn mươi ván với bốn mươi người cùng một lúc và ông ta đã nằm trong số những người suýt thắng. MacCônno hỏi tôi có quen nhân vật lỗi lạc đó không. Thấy tôi đáp là không quen, ông gợi ý tôi nên lân la làm quen và yêu cầu anh ta đến đánh cờ với chúng tôi.Tôi từ chối, viện cớ là, theo như tôi được biết, Xzentôvic chẳng phải là người thích có những mối quan hệ mới. Vả lại, đánh một ván cờ giữa nhà vô địch thế giới với những người chơi cờ nhàng nhàng loại ba như chúng tôi thì còn đâu là thích thú?
Thành thực mà nói, lẽ ra tôi chẳng nên sử dụng mấy từ ngữ “những người chơi cờ nhàng nhàng loại ba” trước một con người kiêu căng như MacCônno. Ông ta ngồi ngả người ra sau, sẵng giọng mà nói, về phần mình, ông ta không tin Xzentôvic có thể khước từ lời mời lịch sự của một con người tao nhã, do đó cứ để ông ta lo liệu chuyện này. Và thể theo lời yêu cầu của ông, tôi vắn tắt mô tả hình dáng nhà vô địch, nghe xong, ông ta liền hăng hái bổ lên cầu thang tìm Xzentôvic. Một lần nữa tôi lại nhận thấy rằng không ai có thể kìm được chủ nhân đôi vai đáng chú ý này một khi ông ta nảy ra dự kiến gì ở trong đầu và tôi chờ đợi, lòng hơi lo lo. Mười phút sau, MacCônno quay trở về. Ông ta xem ra không được bình tĩnh lắm.
- Thế nào? – tôi hỏi
- Ông đã nói đúng, - MacCônno đáp vẻ phật ý, - anh chàng ấy đến là khó chịu. Tôi đã phải nhún mình để tự giới thiệu. Anh ta không thèm chìa tay cho tôi bắt nữa. Lúc đó tôi đã phải cố giải thích với anh ta là, tất cả chúng ta, ở trên tàu này, sẽ vui sướng biết bao nếu được anh ta nhận lời một mình đánh nhiều ván cùng một lúc với chúng ta. Anh ta cứ trơ trơ như một cái cọc và rồi trả lời rằng thật đáng tiếc, vì anh ta đã hợp đồng là trong suốt chuyến đi của mình, sẽ không bao giờ đánh cờ nếu không được trả thù lao. Do đó, anh ta buộc phải yêu cầu trả ít nhất hai trăm năm mươi đô mỗi ván.
Tôi bật cười:
- Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đẩy các con Binh từ ô đen sang ô trắng lại là một công việc hái ra tiền như vậy. Tôi hy vọng ông đã lễ độ xin lỗi anh ta.
Nhưng ông MacCônno vẫn nghiêm trang.
- Ván cờ sẽ được chơi vào lúc ba giờ chiều mai tại phòng hút thuốc lá này. Tôi hy vọng rằng bọn mình sẽ không để bị đánh quỵ một cách dễ dàng.
- Sao? Ông đã chấp nhận những điều kiện ấy? – Tôi sửng sốt kêu lên.
- Tại sao lại không nhỉ? C’est son métier[2]. Nếu tôi bị đau răng và trên tàu có một nha sĩ, tôi sẽ chẳng yêu cầu nha sĩ nhổ răng không công cho tôi. Xzentôvic sử sự đúng đấy: những người thực sự có tài bao giờ cũng biết cách làm ăn. Về phần tôi, tôi nhận thấy giao kèo càng rạch ròi càng tốt. Tôi thích trả tiền sòng phẳng còn hơn là nhờ vả Xzentôvic và sau đó phải hàm ơn anh ta. Với lại, lúc ở câu lạc bộ của tôi, đã có tối tôi thua hơn hai trăm năm mươi đô la mà lại chẳng được hưởng cái thú là đánh cờ với một nhà vô địch thế giới. Đối với một người đánh cờ loại ba thì thua một anh chàng Xzentôvic đâu phải là điều đáng hổ thẹn.
Rõ ràng là lòng tự ái của MacCônno đã bị tổn thương nặng vì mấy chữ “người đánh cờ loại ba” vô tội ấy. Nhưng ông ta quyết định một mình chịu mọi phí tổn chi cho cái trò vui phải trả giá đắt đó, nên tôi chẳng hề có lời phản đối ý định ấy; nó cho phép tôi có thể tiếp cận với con người lập dị đã kích thích trí tò mò của tôi. Chúng tôi vội đi thông báo sự kiện này với bốn hoặc năm người đánh cờ mới quen ở trên tàu và để đảm bảo được yên tĩnh trong khi chơi, ngày hôm sau chúng tôi dành tất cả những bàn cạnh bàn chúng tôi.
Hôm sau, đúng giờ quy định, cái nhóm nhỏ của chúng tôi đã có mặt đầy đủ. Ông người Ecôt bồn chồn châm hết điếu xì gà này đến điếu khác, mắt luôn nhìn chiếc đồng hồ quả lắc. Nhưng nhà vô địch nổi tiếng đã bắt cả nhóm chúng tôi phải đợi đến mười phút - sau khi đã nghe câu chuyện anh bạn tôi kể lại, tôi chẳng ngạc nhiên về sự chậm trễ đó- cuối cùng Xzentôvic xuất hiện vẻ ngạo mạn đến trơ trẽn. Anh tiến đến bên bàn, bước đi bình tĩnh và thận trọng. Anh không tự giới thiệu – “Các ông đã biết tôi là ai rồi, còn tôi chẳng cần biết các ông là ai”. – Thái độ đó muốn nói với chúng tôi như vậy. Anh tổ chức trận đấu với một vẻ mặt tỉnh bơ và hoàn toàn mang tính chất nghề nghiệp. Do thiếu bàn cờ nên không thể tổ chức đánh mấy ván cùng một lúc, nên anh đề nghị một mình đánh một ván với tất cả chúng tôi. Sau khi đánh xong một nước, anh ta sẽ ra đứng ở cuối phòng đằng kia để không quấy rối chúng tôi thảo luận. Đi xong chúng tôi dùng thìa gõ vào cốc báo cho anh ta biết, vì trên tầu, chúng tôi không kiếm đâu ra chuông. Nếu chúng tôi đồng ý thì thời gian ấn định giữa hai nước đi sẽ là mười phút. Tất nhiên chúng tôi chấp nhận, như mấy chú học trò e lệ, tất cả những đề xuất của anh. Khi rút thăm Xzentôvic đi quân đen; trái hẳn với cách khai cuộc của chúng tôi, anh ta chẳng buồn ngồi, đi ngay nước đầu rồi ra đứng ở cuối phòng tại nơi anh ta đã chọn để đợi; anh ta lơ đễnh lật lật mấy trang họa báo.
Tôi thấy chẳng cần thiết phải nói chi tiết về ván cờ này. Sau hai mươi bốn nước, chúng tôi hoàn toàn bị đánh quỵ. Một nhà vô địch thế giới đã đánh thắng dễ dàng mươi, mười hai người đánh cờ nhàng nhàng trung bình thì có gì đáng ngạc nhiên! Thật ra, chúng tôi khó chịu là vì Xzentôvic đã có thái độ hợm hĩnh, trịch thượng với chúng tôi. Anh ta chỉ lơ đễnh đảo mắt nhìn qua loa bàn cờ, khi đi ngang qua, đã hờ hững coi chúng tôi như chính bản thân chúng tôi là những quân cờ bằng gỗ vô tri vô giác, là một lũ chó ghẻ anh ta ném cho một mẩu xương lúc quay đi chỗ khác. Nếu anh ta tế nhị một chút, tôi thầm nhủ, anh ta sẽ nhắc nhở chúng tôi chú ý đến những nước đi hớ, hoặc động viên chúng tôi một lời nhã nhặn. Nhưng không, ván cờ kết thúc, cái máy đánh cờ này thốt lên mỗi câu: “Chiếu hết!”, rồi đứng ngây người im lặng chờ xem chúng tôi có muốn đánh nữa hay không. Trước một đối thủ cỡ như Xzentôvic thì đành phải chịu thua thôi. Tôi đứng dậy cho rằng cái trò giải trí này có thể chấm dứt ở đây, nhưng đến là bực khi tôi nghe tiếng MacCônno nổi lên ngay ở cạnh tôi, giọng khản đặc: “Phục thù!”
Tôi kinh ngạc trước cái giọng đầy thách thức của ông ta; lúc đó MacCônno làm tôi nghĩ tới một võ sĩ sắp choảng một người lịch thiệp, có giáo dục một đòn chí tử. Phải chăng đây là cách không được dễ chịu mà Xzentôvic đã đối xử với chúng tôi hay đấy chỉ là tham vọng mang tính chất bệnh lý của MacCônno? Dù sao xem ra ông ta không còn giữ được bình tĩnh. Mặt ông đỏ bừng, cánh mũi phập phồng, mồ hôi vã ra, và ông ta bặm chặt môi. Một vết hằn sâu kéo dài từ miệng xuống tận chiếc cằm bướng bỉnh của ông. Trong ánh mắt ông, tôi lo ngại bắt gặp cái ánh đam mê điên cuồng thường chỉ thấy ở những người chơi trò cò quay sau khi đã đặt cuộc gấp đôi đến lần thứ sáu hoặc thứ bảy vào cùng một ô nhưng chẳng thấy hòn bi đổ vào. Tôi dự đoán là MacCônno sẽ phải trả giá bằng cả gia tài của mình cho cái tính tự ái điên cuồng này, ông ta sẽ đánh hoài cho kỳ tới khi được một ván mới chịu thôi. Nếu nhà vô địch kiên trì thì MacCônno sẽ là một mỏ vàng mà anh ta sẽ đãi được hàng ngàn đô la trước khi chúng tôi cặp bến ở Buênôx Airex. Xzentôvic mặt lạnh như tiền.
- Tùy các ông, - anh ta lễ độ đáp. – Các ông sẽ đi quân đen.
Ván thứ hai cũng lại được khai cuộc như ván đầu, chỉ khác là có thêm được mấy người tò mò nữa đến quây bên chúng tôi. MacCônno nhìn chăm chăm bàn cờ như muốn thôi miên các quân cờ để bắt chúng phải đánh thắng. Tôi cảm thấy ông ta sẵn lòng bỏ ra cả ngàn đô la để được cái thú thốt kêu lên: “Chiếu hết” với đối thủ chẳng thanh cao mấy. Ngoài ý muốn của bản thân, chúng tôi phần nào bị lây lan lòng say mê của ông. Mỗi nước đi, chúng tôi đều thảo luận say sưa hơn trước và chỉ vào giây phút cuối cùng mới gõ cốc ra hiệu báo cho Xzentôvic quay về bên bàn chúng tôi. Chúng tôi đánh với thái độ như vậy đến nước thứ mười bảy thì thật là bất ngờ đối với chúng tôi, tình thế xem ra có lợi cho chúng tôi, vì chúng tôi đã đưa được Binh từ đường C tới ô C2; chỉ còn có việc đưa nó tới C1 thì sẽ được phong thành Hậu. Thật ra, chúng tôi chưa thật an tâm về vận may hiển nhiên như vậy. Chúng tôi nhất trí cho rằng do nhìn xa trông rộng hơn chúng tôi, Xzentôvic định nhử chúng tôi để nhắm một mưu đồ gì đây. Nhưng bàn đi tính lại mãi chúng tôi vẫn không tài nào đoán được nước bẫy.
Cuối cùng, thời hạn quy định sắp kết thúc, chúng tôi quyết định liều đi một bước nữa. Đúng lúc MacCônno đẩy con Binh thì bỗng có người nắm lấy cánh tay ông ta và vội nói nhỏ: “Cầu Trời, ông đừng đi nước đó!” Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều quay lại. Chúng tôi thấy một người đàn ông khoảng bốn mươi nhăm tuổi, mặt hẹp và xương xương mà tôi đã từng gặp trên cầu tàu và tôi rất ngạc nhiên trước nước da tái nhợt của ông. Chắc ông đã đến bên chúng tôi khi cả nhóm đang mải mê suy nghĩ giải quyết nước cờ. Thấy chúng tôi đổ dồn mắt nhìn, ông vội nói tiếp: “Nếu ông muốn được phong thành Hậu bây giờ, đối phương liền tấn quân Tượng ở c1 và ông sẽ dùng quân Mã đỡ. Nhưng giữa lúc đó, đối phương sẽ dùng Binh đứng độc lập uy hiếp quân Xe của ông ở ô d7 và nếu ông dùng quân Mã chiếu thì hỏng to và sẽ bị thua liền chín hoặc mười nước. Đấy đại khái là những nước cờ của Alêcxin và Bôgôngiubôp đã đánh trong trận đấu ở Pixchian vào năm 1922”.
Ngạc nhiên, MacCônno buông quân cờ đã cầm trong tay và, như tất cả chúng tôi, thán phục nhìn người xem ra đúng là một vị cứu tinh từ trên trời rơi xuống. Dự kiến trước chín nước để chiếu hết thì hẳn phải là một nhà chuyên nghiệp nổi tiếng có lẽ đáng mặt là đối thủ của Xzentôvic trong một trận đấu. Sự có mặt của ông và sự tham dự đột ngột của ông đúng vào lúc nguy ngập như vậy thật chẳng khác gì như một phép lạ. MacCônno là người đầu tiên lấy lại bình tĩnh.
- Ông khuyên tôi nên thế nào? – Ông ta khẽ nói, vẻ bị kích thích mạnh.
- Lúc này đừng tiến vội, nên tránh đối phương. Trước hết, kéo Vua ra khỏi đường g8 – h7 nguy hiểm đã. Chắc chắn đối phương sẽ tấn ở sườn bên kia, nhưng ông sẽ dùng quân Xe đỡ, c8 – c4; như vậy đối phương sẽ mất hai quân, mất Binh và một quân trên nó. Ông sẽ chống chọi tiếp, Binh đứng độc lập tấn Binh đứng độc lập và nếu ông đỡ tốt thì ván này sẽ hòa. Không thể hơn được đâu.
Chúng tôi mỗi lúc một kinh ngạc hơn. Sự chính xác và mau lẹ trong các tính toán của ông thật đáng gây bối rối; cứ như ông đang đọc các nước đi trong một cuốn sách vậy. Nhờ ông, niềm hy vọng quá bất ngờ mà lúc này chúng tôi ôm ấp là đánh hòa với nhà vô địch thế giới đúng thật là một điều thần diệu. Chúng tôi chẳng ai bảo ai đều đứng né sang một bên để ông nhìn thấy rõ bàn cờ. MacCônno nhắc lại:
- Đánh quân Vua từ g8 sang h7?
- Tất nhiên! Phải tránh đối phương.
MacCônno nghe theo và chúng tôi gõ vào cốc thủy tinh. Xzentôvic tiến lại gần, bước đi bình thản và thoáng nhìn đã nhận ra ngay nước đánh trả, đoạn anh ta đẩy Binh từ h2 đến h4 ở sườn bên kia quân Vua như vị cứu tinh không quen biết nọ đã báo trước, ông liền vội khẽ bảo chúng tôi:
- Quân Xe, tiến quân Xe từ c8 – lên c4 để buộc ông ta phải bảo vệ Binh của mình. Có bảo vệ vậy cũng bằng thừa! Lúc đó dùng quân Mã tấn, từ c3 lên d5, mà chẳng cần phải bận tâm đến con Binh độc lập, như vậy sẽ kéo lại được tình thế. Lần này, cứ việc tiến, chẳng cần phải đỡ. – Chúng tôi chẳng hiểu ý ông định nói gì cũng như chẳng tài nào rõ những lời rắm rối của ông. Tuy vậy, bị chinh phục, MacCônno răm rắp nghe theo chẳng cần suy nghĩ. Chiếc cốc thủy tinh lại cất tiếng kêu lanh canh. Đây là lần đầu tiên Xzentôvic chưa vội đánh ngay, thoạt đầu anh ta chăm chăm nhìn bàn cờ, rồi đi đúng các nước mà người lạ đã báo trước với chúng tôi và đã định lánh ra xa.
Đúng lúc đó, một sự việc lạ, bất ngờ diễn ra: Xzentôvic ngước mắt quan sát chúng tôi. Rõ ràng anh ta muốn tìm xem ai là người đã đột ngột chống trả lại anh ta một cách kiên cường như vậy. Từ lúc đó chúng tôi bị kích thích không bút nào tả xiết. Nếu trước đó chúng tôi đã ngao ngán thất vọng thì lúc này máu chúng tôi cứ sôi lên khi nghĩ là sẽ bẻ gẫy được tính ngạo nghễ lạnh lùng của Xzentôvic. Ông bạn mới của chúng tôi đã quyết định được nước đi tiếp theo. Tay tôi run run khi cầm chiếc thìa gõ vào cốc thủy tinh báo cho Xzentôvic đến. Thế là chúng tôi liền được thấy thắng lợi đầu tiên của chúng tôi. Nhà vô địch luôn luôn đứng đánh đã ngập ngừng, ngập ngừng và cuối cùng phải chịu ngồi xuống. Anh ta bất đắc dĩ buông mình và nặng nề ngồi xuống ghế; thế chứ, như vậy anh ta mất ưu thế về mặt thân xác đối với chúng tôi. Chúng tôi đã buộc anh ta phải tự đặt mình vào cùng bình diện với chúng tôi, ít ra thì cũng là về mặt không gian. Anh ta suy nghĩ hồi lâu, mặt cúi gầm trên bàn cờ đến nỗi khó có thể thấy cặp mắt anh ta, dưới đôi mi sùm sụp và phải cố gắng lắm mới hé lên được, do đó khuôn mặt tròn trịa của anh trông hơi ngây ngô. Mấy phút sau, anh ta mới đánh, rồi đứng lên. Ông bạn chúng tôi liền khẽ nói: “Chơi khá đấy! Quả là không thẹn với thanh danh. Nhưng không sao! Buộc anh ta phải đi theo ý ta, phải buộc bằng được, nếu muốn hòa thì phải như vậy; lúc đó anh ta hết phương cứu vãn”.
MacCônno răm rắp phục tùng. Sau đó, hai đấu thủ lao vào bàn cờ, đấu với một thủ thuật mà bọn tôi – những vai phụ vô ích – chẳng hiểu gì hết. Qua lại như vậy sáu hoặc bẩy nước, Xzentôvic đăm chiêu suy nghĩ hồi lâu rồi tuyên bố: “Ván hòa”.
Một giây lát im lặng như tờ. Trong phòng hút thuốc, người ta bỗng nghe thấy tiếng sóng; tiếng đài truyền thanh từ ngoài phòng khách vọng vào một điệu nhạc jazz; mỗi bước bước trên cầu tầu nghe rõ mồn một, người ta nghe rõ cả tiếng gió rít nhẹ khi lùa qua kẽ cửa sổ. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên trước sự việc diễn ra quá nhanh, thực sự sững sờ về chuyện khó mà tin được của biến cố. Làm sao một người chưa ai biết tới này lại có khả năng đánh cho nhà vô địch thế giới thua nửa ván cờ được? MacCônno bỗng ngả người ra lưng ghế và thốt lên một tiếng “Chà!” hể hả. Tôi quan sát Xzentôvic. Tôi có cảm giác anh ta hơi tái mặt khi đánh mấy nước cuối. Nhưng anh ta là người biết tự kiềm chế. Vẫn với vẻ cứng nhắc và lãnh đạm, anh vừa hỏi, giọng lừng chừng, vừa lấy tay gạt mấy quân cờ trên bàn cờ:
- Các ông đây có muốn chơi ván thứ ba nữa không? Anh ta hỏi với một giọng hoàn toàn vô tư của một nhà kinh doanh. Anh ta nói những lời ấy không phải với MacCônno, vì anh đưa cặp mắt sắc và thắng thắn nhìn về phía vị cứu tinh của chúng tôi. Qua cách ngồi, con ngựa đoán ngay được ngồi trên lưng mình là một kỵ sĩ giỏi, cũng như qua mấy nước đi cuối cùng Xzentôvic đã nhận ra ngay đối thủ thực sự của mình. Vô tình chúng tôi dõi theo cặp mắt anh và hướng nhìn về phía người khách lạ. MacCônno không để ông ta có thời gian kịp suy nghĩ hoặc trả lời nữa, lòng tràn đầy kiêu hãnh vì thắng lợi, MacCônno hét to bảo ông ta: “Tất nhiên! Nhưng một mình ông sẽ đánh với ông ấy! Một mình ông đánh với Xzentôvic!”
Một sự việc thật đáng sửng sốt liền xảy ra. Hoàn toàn tập trung đến kỳ lạ vào bàn cờ rỗng quân, người lạ mặt giật mình khi thấy mọi cặp mắt đổ dồn nhìn ông chăm chăm và nghe thấy được mời một cách nhiệt tình như vậy, ông đâm bối rối.
- Các ông ạ, không đời nào đâu, - ông ta lúng túng ấp úng. – Hoàn toàn không thể được đâu… tôi sẽ không tham dự là do… hai mươi hoặc hai mươi nhăm năm nay tôi chưa được thấy một bàn cờ… tôi đã xen vào ván cờ của các ông mà không hỏi xin phép và mãi lúc này, về phía mình tôi thấy thật chẳng đúng lúc tí nào… mong các ông bỏ quá cho sự quấy rầy này… tôi xin hứa là sẽ không tái phạm lại nữa. – Và trước khi chúng tôi hết ngạc nhiên, bình tĩnh lại, ông ta đã rời khỏi phòng.
- Không thể như thế được – MacCônno vừa điên tiết nói oang oang vừa đấm tay xuống mặt bàn. – Người này đã hai mươi nhăm năm không đánh cờ! Hoàn toàn vô lý! Ông ấy tính từng nước đi một, biết rõ trước mấy nước trong chiến thuật của đối phương. Không ai có thể chơi mà không được chuẩn bị gì cả như vậy. Hoàn toàn không thể được, đúng không nào? – MacCônno vô tình quay về phía Xzentôvic khi nói mấy lời cuối này. Nhưng nhà vô địch cứ thản nhiên như không.
- Tôi không biết trả lời ông thế nào. Đúng là ông ấy đã chơi một cách lý thú, vì vậy tôi chủ tâm tạo điều kiện để ông ấy đánh thắng, - Xzentôvic nói lúc đứng lên, đoạn nói tiếp: - Nếu ngày mai một trong hai ông muốn đánh một ván, tôi xin hầu các ông vào ba giờ chiều.
Không kìm được, chúng tôi mỉm cười. Tất cả chúng tôi đều biết rõ Xzentôvic không có ý tỏ ra hào hiệp với vị cứu tinh không quen biết của chúng tôi, nhận xét của anh ta chỉ là một mẹo ngây thơ nhằm che giấu rủi ro của mình. Nỗi mong muốn của chúng tôi là đánh sụp tính kiêu ngạo của anh ta lại càng tăng lên. Lúc trước, vốn là những hành khách hiền lành và lờ đờ, chúng tôi bỗng hung hăng và hiếu chiến khi nghĩ rằng trên con tàu này, ở giữa đại dương, có thể Xzentôvic sẽ bị tước mất vòng vinh quanh của mình. Đây sẽ là một kỷ lục được thông báo ngay lập tức qua đài truyền thanh với toàn thế giới.
Hơn nữa chúng tôi còn bị thu hút trước sự kiện đầy bí ẩn và tính khiêm tốn gần như quá đáng của vị anh hùng của chúng tôi, tương phản hẳn với thái độ ngạo nghễ của nhà chuyên nghiệp. Người lạ này là ai? Chúng tôi đã ngẫu nhiên phát hiện ra một thiên tài mới về đánh cờ? Hay đây là một bậc thầy đã nổi tiếng muốn giấu không cho chúng tôi biết tên vì một số lý do bí hiểm? Chúng tôi đã tranh luận rất sôi nổi những câu hỏi này và những giả thuyết táo bạo nhất cũng không thể dung hòa nổi tính rụt rè và lời thú nhận kỳ cục của người lạ mặt với kiến thức hiển nhiên của ông về cờ quốc tế.
Tuy vậy, chúng tôi cũng nhất trí với nhau được một điểm: chúng tôi phải mời bằng được ông khách lạ đánh một ván cờ với Xzentôvic vào ngày mai, và MacCônno sẽ chịu mọi chi phí. Lúc đó, sau khi hỏi chiêu đãi viên, chúng tôi được biết rằng ông khách lạ là người Áo, vì tôi là đồng bào của ông nên được giao cho trách nhiệm trình bày với ông lời thỉnh cầu của chúng tôi.
***
Tôi tìm ra ngay chỗ ông ta lánh mặt ở cầu tàu. Ông ta ngồi ngả người trên một chiếc ghế bố đọc sách. Tôi đứng quan sát ông một hồi lâu trước khi bắt chuyện. Đầu ông xương xương ngả trên gối ở một tư thế hơi mệt mỏi và tôi lại sửng sốt trước nước da tái mét một cách kỳ lạ trên khuôn mặt tương đối trẻ. Tóc ông đã bạc trắng; không hiểu sao tôi có cảm giác người này già trước tuổi. Ông nhã nhặn ngồi dậy khi tôi tiến lại gần và tự giới thiệu. Họ của ông thuộc một gia đình Áo cổ rất nổi tiếng, tôi nhớ là một người bạn của Sube[3] cũng như một vị thầy thuốc của hoàng đế cũng có tên họ như vậy.
Khi nghe tôi trình bày nguyện vọng của chúng tôi, ông xem ra rất bối rối. Tôi nhận thấy ông không hề có ý định đánh cờ với một nhà vô địch và nhất là với nhà vô địch nổi tiếng nhất của thời đại. Sự kiện này hình như đã gây rất nhiều ấn tượng đối với ông vì ông nhiều lần hỏi xem việc tôi đề xuất có chắc chắn không và đối thủ của ông có đúng là một bậc thầy nổi tiếng như vậy không. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ của tôi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy ông rất tế nhị nên đã chẳng hề hé răng nói lời nào là MacCônno đảm nhiệm những phí tổn về vật chất. Sau hồi lâu do dự, ông B. tuyên bố sẵn sàng chấp nhận lời thách thức, “nhưng”, ông nói thêm và cười vẻ trầm ngâm, “mong ông nói lại với các ông ấy đừng quá đặt nhiều hy vọng vào tôi. Thật ra, tôi không rõ bản thân tôi có thể đánh một ván cờ theo đúng luật không? Mong ông hiểu cho, tôi nói thực tình không hề có chút khiêm tốn giả dối nào, tôi xin thú nhận là suốt từ dạo còn là học sinh trường trung học đến nay, nghĩa là trên hơn hai chục năm, tôi chưa hề đụng đến bàn cờ một lần nào. Hơn nữa, dạo đó tôi chỉ là một người đánh cờ xoàng”.
Ông B. nói những lời ấy với giọng chất phác nên tôi tin rằng ông thành thực. Tuy nhiên, tôi không thể không bày tỏ nỗi ngạc nhiên của tôi là tại sao ông lại nhớ chính xác những chiến thuật của nhiều bậc thầy khác nhau mà ông đã kể tên, chắc hẳn, ông rất quan tâm đến môn đánh cờ, ít ra là về mặt lý thuyết. Nghe thấy vậy, ông B. lại trầm ngâm cười, vẻ kỳ lạ.
- Kể ra thì tôi cũng quan tâm đấy! Chỉ chúa mới biết rõ điều ông vừa nói đúng tới mức nào. Nhưng sự việc diễn ra trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt, có thể nói là có một không hai. Đây là một câu chuyện khá phức tạp và có thể dùng làm minh họa cho thời đại thú vị chúng ta đang sống. Nếu ông có đủ kiên nhẫn để nghe tôi kể lại độ nửa tiếng…
Ông B. ra hiệu mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bố đặt bên ghế của mình. Tôi vui vẻ nhận lời. Chỉ có mỗi hai chúng tôi. Ông B. bỏ kính ra và bắt đầu kể:
- Ông đã có nhã ý cho tôi biết ông là người Viên và đã biết rõ tên họ tôi. Tuy nhiên tôi cho rằng ông chưa từng nghe nói tới văn phòng luật sư, thoạt đầu tôi đã cùng thân phụ tôi quản lý, sau đó có mỗi mình tôi thôi. Chẳng là chúng tôi đã không biện hộ cho những vụ kiện đáng chú ý mà người ta đã nói tới trên các báo và chúng tôi đã không tìm cách bổ sung khách hàng của mình. Thật ra, chúng tôi đã không hoàn toàn làm đúng chức năng văn phòng của chúng tôi. Chúng tôi chỉ hạn chế trong việc làm cố vấn về mặt tư pháp và quản lý tài sản của những tu viện lớn mà thân phụ tôi – trước đây là phái viên của phái tăng lữ - đã có những quan hệ mật thiết.
“Hơn nữa – tôi cũng chẳng giấu gì ông, vì chế độ quân chủ vẫn tồn tại đến tận ngày nay – một số thành viên trong hoàng tộc đã trao cho chúng tôi nhiệm vụ quản lý tài sản của mình. Những mối quan hệ với triều đình và tăng lữ này chúng tôi đã xây dựng được suốt hai thế hệ: một là do người bác làm thầy thuốc của hoàng đế, một nữa là do trưởng tu viện ở Xaitenxtetten, và ngày nay chúng tôi chỉ còn việc cố duy trì chúng. Đấy là một hoạt động trầm tĩnh, có phần thầm lặng mà chúng tôi đeo đuổi ấy cũng là do cha truyền con nối và về phần mình chúng tôi cũng chỉ cần gìn giữ hai đức tính mà thân phụ đã quá cố của tôi đã có ở mức độ cao nhất: cực kỳ kín đáo và lòng trung thực đã được thử thách. Tuy lạm phát và nhiều thay đổi ở tầng lớp quí tộc, thân phụ tôi quả đã giữ được cho khách hàng một phần khá lớn tài sản của họ.
“Khi Hitle lên nắm quyền ở Đức và bắt đầu vơ vét Giáo hội và các nhà tu, để tránh, ít ra những động sản của khách hàng chúng tôi không bị động đến, chúng tôi đã tìm các chuyển chúng ra nước ngoài. Dạo đó, thân phụ tôi và tôi biết rõ những hoạt động chính trị bí mật của Rôm và hoàng tộc mà công chúng sẽ không bao giờ hay biết cả. Nhưng chính do tính chất kín đáo của văn phòng chúng tôi – ngoài cửa cũng chẳng gắn một tấm biển nào – và do thận trọng chúng tôi đã không công khai tiếp xúc với giới những người quân chủ nên không bị nhòm ngó điều tra. Không một nhà chức trách nào ở Áo đặt vấn đề nghi là gần như toàn bộ thư từ bí mật của hoàng tộc đều do một văn phòng chẳng ai thèm để mắt nằm ở tầng năm một căn nhà đã chuyển đi.
“Thế mà, từ lâu, trước khi tung quân đội xâm chiếm thế giới, bọn Quốc xã đã tổ chức ở tất cả các nước láng giềng một đội quân khác cũng nguy hiểm và được luyện tập kỹ như đội quân trên, gồm những tên bất bình và bất mãn của mọi chế độ chính trị khác nhau, bọn này luồn lách vào từng văn phòng, từng xí nghiệp và có cơ sở điệp viên tận văn phòng riêng của Đônphux và Susnic. Than ôi! Tôi phát hiện quá muộn người của chúng cũng đã lọt được vào văn phòng nhỏ bé của chúng tôi. Thật ra, hắn chỉ là một nhân viên quèn thảm hại mà chúng tôi đã tuyển theo lời giới thiệu của cha xứ để văn phòng chúng tôi có dáng vẻ bình thường. Chúng tôi chỉ giao cho hắn chạy những việc vô hại, trả lời điện thoại và sắp xếp những giấy tờ vô nghĩa. Hắn không được bóc thư tín, tự tay tôi đánh máy những thư quan trọng, không để lại bản sao ở văn phòng, tôi đem về nhà những tài liệu quan trọng và gặp gỡ bí mật, cho ý kiến tại tu viện hoặc tại chỗ bác tôi.
“Nhờ đề phòng như vậy, ở văn phòng chẳng còn gì quan trọng để rình mò. Chắc do một rủi ro bất ngờ nào đấy, cái tên đầy tham vọng này đã phát hiện bị nghi ngờ và mọi chuyện đã diễn ra sau lưng hắn. Có lẽ, khi tôi vắng mặt, một người đưa tin thiếu thận trọng đã gọi “hoàng thượng” thay vì “nam tước Bern” như đã quy định, hoặc cái tên vô lại ấy đã bóc trộm thư, không chấp hành lệnh. Chắc Munic hay Berlin đã trao cho hắn nhiệm vụ theo dõi chúng tôi, trước khi tôi nảy ra ý nghi ngờ hắn. Chỉ mãi sau này và khi bị bắt tôi mới nhớ lại thái độ đột nhiên sốt sắng của hắn vào thời gian cuối lúc còn đang làm việc ở chỗ chúng tôi và những lời năn nỉ của hắn muốn giúp chúng tôi đi bỏ thư ở bưu điện. Về phần mình, tôi cũng thành khẩn nhận ra là tôi thiếu lo xa, nhưng biết bao những nhà ngoại giao và sĩ quan đã bị lừa vì sự nham hiểm của cái bọn này?
“Ít lâu sau, tôi có một chứng cớ xác thực cho thấy bọn Gextapô đã để ý đến tôi từ lâu: ngay tối hôm Susnic từ chức, rạng sáng hôm quân của Hitle vào Viên thì tôi bị bọn SS bắt. May mà ngay sau khi nghe bài diễn văn từ biệt của Susnic, tôi đã vội đốt mọi giấy tờ quan trọng nhất và một phút trước khi bị bọn cảnh sát gõ cửa, tôi đã giấu vào làn quần áo gửi cho bác tôi, qua bà quản gia già trung thành của tôi, toàn bộ giấy tờ cần thiết công nhận quyền của Susnic được sở hữu tu viện của mình và quyền của hai quận công Đônphux và Susnic có những sở hữu khác ở nước ngoài”.
Ông B. ngừng kể để châm một điếu xì gà. Ánh lửa rọi sáng miệng ông; cơ mép ông giật mạnh, trước đây tôi ngạc nhiên nhận thấy hiện tượng này đã làm miệng ông bị méo về bên phải. Đây chỉ là một động tác thoáng qua, khó nhận thấy, nhưng nó tạo cho khuôn mặt ông có dáng vẻ lo lắng kỳ lạ.
“Chắc ông nghĩ rằng bây giờ tôi sẽ nói ông nghe về một trại tập trung nhốt biết bao người Áo đã trung thành với Tổ quốc của họ và tôi định mô tả lại tất cả những điều nhục nhã và những cảnh tra tấn mà con người đã phải chịu đựng trong trại đó? Nhưng chuyện ấy không hề xảy ra với tôi. Tôi bị xếp vào một loại đặc biệt. Bọn chúng không nhốt tôi cùng với những người khốn khổ mà chúng đã dùng nhục hình và đày đọa về tinh thần để trả mối hận thù có từ lâu, bọn Quốc xã liệt tôi vào nhóm người không đông lắm mà chúng hi vọng moi được tiền của và tài liệu quan trọng. Về bản thân tôi, bọn Gextapô chẳng quan tâm đến thân phận nhỏ nhoi này đâu.
“Chắc hẳn bọn chúng đã tìm hiểu được rằng chúng tôi là những người quản lý đáng tin cậy của kẻ thù kiên quyết nhất chống **** của chúng, và điều chúng muốn khai thác ở tôi là những tài liệu. Những tài liệu dùng làm chứng cớ không chối cãi được chống lại các tu viện nhằm cướp đoạt tài sản của tu viện và còn dùng để chống hoàng tộc. Không phải vô cơ, bọn chúng cho rằng những tài sản qua tay chúng tôi chắc còn sót lại khá lớn và được cất giữ ở nơi khó moi. Do đó, bọn chúng đã bắt giữ tôi ngay hôm đầu để dùng những biện pháp mà chúng cho rằng sẽ có hiệu quả tuyệt vời buộc tôi phải phun ra.
“Những người loại này không bị nhốt trong trại tập trung, bọn chúng đã dành cho họ một hoàn cảnh sinh hoạt đặc biệt. Có lẽ ông vẫn còn nhớ rằng cả ********* của chúng tôi lẫn nam tước Rốtsin đều không bị nhốt sau lớp rào dây thép gai, mà chúng đã ưu ái để các vị ấy sống ở khách sạn, mỗi người một phòng riêng. Đấy là khách sạn Mêtrôpôn, nơi bọn Gextapô đã đặt tổng hành dinh của chúng. Một nhân vật vô danh tiểu tốt như tôi cũng có được niềm vinh dự đó.
“Một phòng riêng tại một khách sạn – tôi đâu dám mơ ước một sự đối xử nhân đạo hơn? Ấy là, mong ông tin rằng đấy chỉ là để áp dụng một biện pháp tinh tế hơn với chúng tôi, chẳng phải vì nhân đạo mà chúng tôi được ở trong các phòng khách sạn sưởi ấm đàng hoàng chứ không phải trong những lán lạnh buốt và chật cứng. Vì bọn chúng muốn gây một sức ép tế nhị hơn là đòn vọt và các nhục hình khác để moi tài liệu ở chúng tôi. Bọn chúng bắt chúng tôi phải sống cách ly ở mức tinh tế nhất mà chúng đã nghĩ ra. Chúng chẳng làm gì chúng tôi cả - chúng chỉ để chúng tôi mặt đối mặt với cõi hư vô, vì hiển nhiên không còn gì ở trên đời này có thể đè nặng lên tâm hồn con người bằng cách đó. Tạo ra ở quanh mỗi chúng tôi một khoảng trống hoàn toàn, giam mỗi chúng tôi trong một căn buồng bịt kín, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, là chúng sử dụng một sức ép buộc chúng tôi phải khai, đảm bảo hơn roi vọt và cái lạnh.
“Thoạt nhìn, căn phòng tôi được phân xem ra cũng khá đầy đủ tiện nghi. Nó có một cửa ra vào, một chiếc giường và một chiếc ghế, một chậu và một cửa sổ bịt lưới sắt. Nhưng cửa ra vào ngày đêm bị khóa chặt, tôi không được cung cấp sách, báo, giấy và bút chì. Quanh tôi là cõi hư vô mà tôi hoàn toàn ngụp lặn trong đó. Chúng lấy đồng hồ của tôi để không còn lượng biết thời gian, bút chì để không viết gì được, dao để không thể rạch được mạch máu; tôi còn bị khước từ cả cảm giác lâng lâng ngây ngất do điếu thuốc gây nên. Tôi chẳng bao giờ thấy một bóng người, trừ tên giám ngục đã được lệnh không được nói và trả lời tôi một câu nào. Tôi chẳng bao giờ nghe thấy tiếng người.
“Cái chế độ ngày đêm bị tước bỏ những cảm giác đối với mọi món ăn tinh thần này đã đẩy tôi đến chỗ trơ trọi, trơ trọi một cách tuyệt vọng trước mỗi mình tôi và bốn hoặc năm đồ vật câm lặng: chiếc bàn, chiếc giường, chiếc cửa sổ, chiếc chậu. Tôi sống như một người thợ lặn ở trong một chiếc chuồng thủy tinh thả giữa biển đen ngòm của cảnh im lặng, nhưng đây là một thợ lặn đã cảm thấy sợi dây nối với thế giới bị đứt và sẽ không bao giờ được kéo ra khỏi những độ sâu câm lặng. Tôi chẳng có gì để làm, chẳng có gì để nghe, chẳng có gì để nhìn, quanh tôi là cõi hư vô gây cho tôi cảm giác choáng váng, một khoảng trống không kích thước trong không gian và trong thời gian. Tôi đi đi lại lại trong phòng mình, còn những suy nghĩ của tôi cũng không ngừng đi đi lại lại trong đầu tôi, theo cùng một nhịp hoạt động.
“Nhưng, do thiếu đề tài để biểu lộ như vậy, nhưng suy nghĩ cũng cần có một điểm để nương tựa, nếu không chúng sẽ tự xoay quanh chúng theo một vòng tròn điên cuồng. Chúng cũng không thể chịu đựng được sự hư vô. Từ sáng tới tối, người ta chờ đợi một chuyện gì đó, nhưng đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Người ta chờ, người ta đợi, người ta mong, những suy nghĩ cứ xoay quanh trong đầu ta tới lúc hai thái dương đau nhức. Vẫn không có chuyện gì xảy ra. Tôi vẫn có một mình tôi. Trơ trọi. Cô đơn.
“Tình trạng này kéo dài mười lăm ngày, mười lăm ngày tôi đã sống tách khỏi thời gian, tách khỏi thế giới. Chiến tranh đã nổ ra mà tôi không hay biết gì. Đối với tôi, thế giới chỉ bao gồm có một chiếc bàn, một cái cửa ra vào, một chiếc giường, một chiếc ghế, một chiếc chậu, một cửa sổ, và bốn bức tường cùng bồi một loại giấy, mà tôi cứ nhìn chăm chăm và do nhìn mãi, mỗi đường họa sinh động như đã được khắc sâu vào óc tôi.
“Cuối cùng tôi bị lôi ra hỏi cung. Tôi bị gọi đi bất thình lình không kể ngày đêm. Tôi bị điều qua các phòng giam, chẳng rõ mình đang ở đâu. Đứng đợi một lúc ở một chỗ nào đó, rồi bất thần thấy mình đứng trước chiếc bàn ngồi quanh có mấy người mặc quân phục. Trên mặt bàn để một bó giấy, một tập hồ sơ chả biết nội dung ra sao, và tôi liền bị vặn hỏi ngay, có những câu hỏi thẳng, có những câu nham hiểm, có câu cốt để moi câu khác, có câu muốn dồn tôi vào bẫy. Khi tôi trả lời, những bàn tay lạ và thù địch lật giở đống giấy ở trên bàn, ngòi bút của một kẻ ác ý ghi dựng lên một biên bản không biết đã thêm bớt ra sao. Tôi bị tra hỏi, tra hỏi hoài. Mỗi câu trả lời của tôi mang một trách nhiệm rất nặng. Nếu tôi nói ra một điều gì bọn chúng chưa biết, tôi có thể đẩy một người nào đó đến chỗ chết; nếu tôi cứ im lặng hoài thì tự gây nguy hại cho bản thân.
“Việc hỏi cung không phải là chuyện tệ hại nhất. Điều tệ hại nhất là phải quay về chốn hư vô, quay trở về căn phòng đó, đứng trước vẫn cái bàn, vẫn chiếc giường, vẫn chiếc chậu, bức tường ấy. Vì, vừa còn mỗi mình đối diện với bản thân mình, tôi liền nhớ lại cuộc hỏi cung, suy nghĩ xem lẽ ra nên trả lời thế nào thì khôn hơn, lần sau sẽ nói gì để tránh mọi ngờ vực có thể có do một nhận xét khinh xuất của tôi. Tôi suy ngẫm, đào sâu, rà soát lại từng lời khai nhân chứng của tôi, tôi cố nhớ lại từng câu hỏi, từng câu trả lời, cố nghĩ xem biên bản ghi những gì, trong khi đó biết chắc rằng mình chẳng thể đoán nổi nội dung biên bản.
“Nhưng một khi đã bật nghĩ, những suy nghĩ đó cứ luẩn quẩn, quẩn quanh trong đầu tôi và suy nghĩ này làm nảy sinh suy nghĩ khác và theo đuổi tôi mãi vào giấc ngủ. Do đó, cuộc hỏi cung kết thúc, nhưng đầu óc tôi vẫn bị giày vò một cách nghiệt ngã, còn ác độc hơn cả sự hành hạ của các quan tòa, vì phiên tòa xét xử trong có một giờ, nhưng trong phòng tôi, nỗi cô đơn hành hạ tôi triền miên. Tại căn phòng đó, những suy nghĩ, những tưởng tượng điên rồ, những thâu tóm trì trệ của tôi chẳng tìm được cách giãn căng. Chính đây là điều bọn đao phủ của tôi mong muốn, bọn chúng làm cho những suy nghĩ của tôi cứ bị búi lại đến mức đầu óc đặc quánh lại chẳng còn cách nào khác phải để chúng phì ra, hay nói một cách khác phải thú nhận, thú nhận tất, như vậy là phải giao nộp bè bạn tôi, phải khai ra những điều bọn chúng mong muốn. Tôi cảm thấy thần kinh tôi bắt đầu dần dần bị chùng giãn trước sức ép ghê gớm ấy, và tôi bị căng thẳng tột độ phải tìm kiếm một sự khuây khỏa.
“Để coi như bản thân đang bận rộn một công việc gì đó, tôi ngân nga đọc hoặc nhớ lại được đâu hay đó những gì trước đây đã học thuộc lòng, những bài dân ca và những vần thơ của con trẻ, những đoạn thơ của Hôme đã học thuộc hồi còn ở trường trung học, những đoạn trong Bộ dân luật. Sau đó, tôi làm các phép tính cộng, chia những con số. Nhưng trong cảnh nhàn rỗi đó, trí nhớ của tôi chẳng nhớ được gì. Tôi chẳng tập trung vào được điều gì. Lúc nào tôi cũng chỉ suy nghĩ một vấn đề: chúng đã biết được những gì? Hôm trước mình đã nói gì? Lần sau phải nói những gì?
“Tôi đã phải sống bốn tháng trời trong những điều kiện không bút nào tả xiết đó. Bốn tháng, viết và nói ra thì thật là nhanh chóng. Chỉ cần một phần tư giây cũng đủ để thốt ra ba từ này: bốn tháng trời. Chỉ cần vài nét chữ là đủ để ghi lại mấy từ ấy. Những phác họa, diễn tả ra sao đây, dù cho bản thân tôi thôi, cuộc sống thoát ra khỏi không gian và thời gian ấy? Không ai có thể nói rõ cái cảnh trống rỗng khắc nghiệt đó hủy hoại và tàn phá ta như thế nào và đôi mắt cứ phải triền miên nhìn mãi chiếc chậu và giấy bồi tường này, sự im lặng mà ta bị nhấn chìm vào, thái độ của tên giám ngục – lúc nào cũng độc mỗi tên đó – đặt thức ăn trước mặt tù nhân mà không thèm ngó nhìn người tù, tác động đến ta như thế nào. Những suy nghĩ, lúc nào cũng vẫn suy nghĩ ấy, xoay xoay trong khoảng tường quanh cảnh cô đơn làm cho tù nhân phát điên mới chịu buông tha.
“Qua những dấu hiệu nhỏ đáng lo ngại, tôi nhận thấy đầu óc bị rối loạn. Thoạt đầu, khi đứng trước bọn phán hỏi tôi, đầu óc tôi minh mẫn và tôi khai một cách bình tĩnh và có cân nhắc suy nghĩ; tôi đắn đo lựa trong óc xem cần nói gì và tránh không nói những gì. Về sau tôi không thể nói nổi một câu rất giản đơn mà không bị lắp và khi nói mặt tôi cứ nhìn chăm chăm như bị thôi miên ngòi bút của viên lục sự đang lướt trên trang giấy tựa hồ như tôi chạy đuổi theo những lời của tôi. Tôi thấy sức lực tôi giảm sút và sắp đến lúc, do hy vọng được giải thoát, tôi sẽ khai tất những gì tôi biết, và còn khai bừa thêm nữa để thoát khỏi nanh vuốt chán ngắt của hư vô, tôi sẽ phải phản bội dù mười hai người và tiết lộ bí mật của họ, miễn sao được một lát nghỉ ngơi.
“Và một buổi tối, tôi đã lâm vào đúng tâm trạng đó. Tên giám ngục mang đồ ăn đến cho tôi, lúc gã chuẩn bị bước ra ngoài, tôi đã quẫn uất và gào lên: “Dẫn tôi đến gặp các viên thẩm phán! Tôi sẽ khai tất!” Cũng may tên giám ngục không nghe. Có lẽ gã chẳng muốn nghe tôi nói gì. Đúng lúc tôi có hành động cực đoan ấy thì xảy ra một sự kiện bất ngờ đã cứu nguy cho tôi, ít ra cũng trong một thời gian. Chuyện xảy ra vào một ngày buồn tẻ và âm u hồi cuối tháng bảy. Tôi nhớ rất rõ chi tiết này vì mưa quất mạnh trên các lớp kính dọc theo hành lang dài tôi bị dẫn đi hỏi cung. Tôi phải ngồi chờ ở phòng ngoài. Bao giờ cũng phải ngồi chờ trước khi bị hỏi cung, vì đây là một khâu trong phương pháp. Bọn chúng làm thần kinh của người bị buộc tội lung lay bằng cách thình lình đang giữa nửa đêm đến lôi đi, sau đó khi tù nhân trấn tĩnh lại, cố tập trung toàn bộ nghị lực để đương đầu với cuộc hỏi cung sắp tới thì bắt người đó đợi, đợi một cách vô lý trong một, hai ba giờ trước khi hỏi cung, nhằm làm xẹp cả tinh thần lẫn thể xác. Vào cái ngày 27 tháng bảy đó, tôi đã phải đứng ngoài phòng đợi suốt hai tiếng đồng hồ; tại sao tôi lại nhớ chính xác như vậy ngày hôm đó, chẳng là trên tường có treo một bìa lịch, và do cứ phải đứng mãi – tất nhiên tù nhân cấm không được ngồi – tôi bị chồn chân, nên thèm được đọc một cái gì đó, tôi liền đưa mắt đọc ngấu nghiến hàng chữ ngắn ngủi: 27 tháng bảy nổi bật trên vách tường.
“Sau đấy, tôi lại đợi, tôi đưa mắt nhìn cánh cửa, thầm nghĩ không biết bao giờ nó bật mở và tự hỏi không biết lần này bọn thẩm phán sẽ vặn vẹo những gì, tuy biết chắc rằng bọn chúng sẽ chẳng hỏi những câu mà tôi đã chuẩn bị. Tuy thấy lo ngại cứ phải đợi chờ mãi, tuy mệt mỏi, nhưng dẫu sao tôi cũng được an ủi là tôi hiện đang đứng tại một phòng khác với phòng tôi, một phòng rộng lớn có hai cửa sổ không có giường và không có chậu, gỗ lát tường không có mấy chỗ toác mà tôi đã nhận thấy phải tới triệu lần ở trong phòng tôi. Màu vecni cũng khác, ghế cũng khác; phía bên trái cửa ra vào có một chiếc tủ xếp đầy hồ sơ và một tủi treo áo có treo ba, bốn áo bành tô nhà binh ướt sũng, đó là áo của bọn đao phủ hành hạ tôi.
“Như vậy, tôi được nhìn thấy những đồ vật mới – cuối cùng, có cái mới – và cặp mắt tôi nhìn chăm chăm không dứt ra được. Tôi nhìn kỹ từng đường nếp trên những chiếc áo bành tô ấy và tôi quan sát, chẳng hạn, một giọt nước ở mép cổ áo ướt. Tôi xúc động chờ, kể cũng kỳ cục, xem giọt nước sẽ lăn dọc theo nếp áo hay còn cố cưỡng lại lâu hơn nữa trước sức nặng của nó, đúng, tôi hổn hển nhìn chăm chăm giọt nước mưa đó trong mấy phút, tựa hồ cuộc đời tôi do chính nó định đoạt. Và khi cuối cùng nó rơi, tôi bắt đầu đếm các cúc trên từng chiếc áo bành tô, áo thứ nhất có tám cúc, áo thứ hai – tám và áo thứ ba – mười; đoạn tôi so sánh lại tay các áo. Mắt tôi say đắm nhìn những chi tiết vô nghĩa này thật thích thú và thỏa thuê mà tôi không thể dùng lời nào diễn tả được.
“Và mắt tôi bỗng để ý đến một vật, một vật phồng phồng trong một túi áo. Tôi tiến lại gần và nhận ra qua lần vải giãn căng khổ hình chữ nhật của một cuốn sách. Một cuốn sách! Đầu gối tôi run lên: một cuốn sách! Bốn tháng nay tôi không được cầm trên tay một cuốn sách nào và chỉ riêng sự hiện diện của nó cũng đủ làm tôi choáng người. Một cuốn sách trong đó tôi sẽ được thấy các từ xếp thẳng hàng nối nhau liên tiếp, những dòng chữ, những trang sách, những tờ sách mà tôi có thể lật giở. Một cuốn sách mà tôi có thể dõi theo những suy nghĩ khác, những suy nghĩ mới làm chuyển hướng suy nghĩ của tôi và tôi có thể lưu lại ở trong đầu, đây đúng là một phát hiện vừa thật say sưa và vừa dịu dàng biết bao! Cặp mắt tôi nhìn chăm chăm như bị thôi miên vào chiếc túi căng hình cuốn sách, mắt tôi như nảy lửa muốn hun cháy một lỗ trong chiếc áo bành tô ấy. Tôi không kìm nén được nên sán lại bên chiếc áo. Chỉ riêng cứ nghĩ là mình sẽ được nắm một cuốn sách, dù qua lớp vải, cũng làm các ngón tay tôi nóng ran lên như phải bỏng. Tôi gần như vô tình cứ sán sát lại bên chiếc áo bành tô.
“May mà tên giám ngục không chú ý tới thái độ kỳ cục của tôi. Chắc gã nghĩ rằng một người phải đứng suốt hai giờ liền, nếu có đến đứng tựa một lát vào vách tường thì cũng là điều tự nhiên. Cuối cùng tôi đã ở bên chiếc áo bành tô và tôi chắp hai tay ra sau lưng để có thể lén sờ vụng được, tôi nắn lần vải và đúng là cảm thấy một vật hình chữ nhật mềm mềm và khẽ phát ra những tiếng răng rắc nhẹ - một cuốn sách! Đúng là một cuốn sách! Bỗng một ý nghĩ lóe lên như tia chớp ở trong đầu tôi: cố xoáy cuốn sách này! Nếu xoáy được, nhà ngươi có thể giấu nó ở phòng nhà ngươi và đọc, đọc, đọc, đọc đi, đọc lại! Ý nghĩ này vừa nảy ra ở trong đầu, nó tác động ngay vào tôi như một liều thuốc độc mạnh, tôi ù hết cả tai, tim đập thình thịch, tay lạnh cóng và không chịu phục tùng tôi nữa.
“Tuy vậy, trạng thái sững sờ ban đầu vừa qua đi, tôi khéo lép nép sát người vào áo bành tô và vừa đưa mắt chăm chăm nhìn tên giám ngục vừa từ từ đẩy cuốn sách ra khỏi miệng túi. Hấp! Tôi thận trọng đón lấy nó và cầm ở nơi tay một cuốn sách khá mỏng. Mãi lúc này tôi mới thấy hốt hoảng trước việc mình vừa làm. Nhưng tôi không thể lùi bước được nữa rồi. Cất giấu nó ở đâu bây giờ? Vẫn ở sau lưng tôi luồn nó vào thắt lưng và đẩy nhẹ tới ngang hông để khi đi tôi có thể giữ nó bằng cách kẹp tay sát mép quần như kiểu nhà binh. Bây giờ tôi thử xem cách đó có ổn không. Tôi rời khỏi tủ treo áo, đi một, hai, ba bước. Ổn rồi. Tôi có thể giữ cuốn sách ở nguyên một chỗ nếu áp thật sát cánh tay vào người, tại ngang thắt lưng.
“Đến lúc tôi bị lôi vào hỏi cung. Tôi phải hết sức cố gắng chưa từng thấy, vì tôi phải tập trung toàn bộ chú ý vào cuốn sách và cố giữ cho nó khỏi tụt xuống hơn là vào lời khai nhân chứng. Cũng may, hôm đó buổi hỏi cung không kéo dài và tôi đưa được cuốn sách về phòng tôi. Tôi không muốn đi vào chi tiết nhưng một lần, lúc đi dọc hành lang nó đã tụt quá sâu thật nguy hiểm, tôi giả vờ như bị lên cơn ho dữ dội cúi gập người xuống và kín đáo đẩy nó giắt vào thắt lưng. Khi quay về tới chốn địa ngục của tôi, đây là giây phút không thể quên được, cuối cùng lại trơ trọi một thân một mình, thế nhưng lúc này tôi có cái vật quý này làm bầu bạn.
“Chắc ông nghĩ rằng tôi liền lôi cuốn sách ra khỏi chỗ cất giấu để nhìn ngắm và đọc. Nhưng không. Thoạt đầu tôi muốn tận hưởng niềm vui do chỉ riêng sự hiện diện của cuốn sách đã đem lại cho tôi và tôi dềnh dàng kéo dài giây lát được nhìn thấy nó để có cái thú tuyệt diệu là mơ mộng xem nội dung sách nói gì. Trước hết tôi ước mong sao sách in chữ thật dày, bài thật nhiều, giấy thật mỏng để tôi có nhiều cái mà đọc. Tôi cũng còn hy vọng rằng đây sẽ là một tác phẩm khó, phải vận dụng khá nhiều tri thức mới đọc nổi, sẽ là một tác phẩm có thể học thuộc lòng, tác phẩm thơ ca, và nếu là tác phẩm viết về một ước mơ táo bạo, tác phẩm của Gớt hay Hôme thì thích hơn. Cuối cùng, tôi không thể kìm nổi nỗi khao khát và lòng tò mò của tôi. Tôi ra giường nằm ở tư thế sao cho nếu tên giám ngục có vào đột xuất thì cũng không thể tóm được, rồi run rẩy lôi cuốn sách giắt ở thắt lưng ra.
Thoạt nhìn cuốn sách tôi đã bực mình và cay đắng thất vọng: cuốn sách mà tôi đã phải cực kỳ mạo hiểm để nẫng nhẹ, cuốn sách đã khơi gợi trong tôi một niềm hy vọng cháy bỏng biết bao chỉ là một cuốn sách dạy đánh cờ, một tập hợp gồm một trăm năm mươi ván cờ của các bậc thầy. Nếu không bị nhốt khóa trái cửa chắc trong cơn tức giận tôi đã quẳng cuốn sách này qua cửa sổ rồi, vì trời đất quỷ thần, tôi cần quái gì cái đồ sách chuyên luận này? Hồi học ở trường trung học, tôi cũng như đa số bè bạn đã từng tập tọng đi Binh trên bàn cờ vào lúc buồn chẳng biết làm gì. Nhưng còn với tác phẩm lý thuyết này thì tôi sử dụng ra sao đây? Đánh cờ mà không có đối thủ, lại chẳng có bàn lẫn quân thì đánh thế nào?
“Tôi chán ngán lật giở cuốn sách, hy vọng rằng có một cái gì đó như lời giới thiệu, lời chỉ dẫn để đọc. Nhưng nó chỉ gồm toàn những biểu đồ các ván cờ nổi tiếng, ở dưới ghi những ký hiệu thoạt đầu tôi chẳng hiểu gì cả: a2 – a3, Sf1 – g3, v.v… Tôi thấy đấy là những dòng mật mã mà tôi không có khóa.
“Dần dần tôi vỡ lẽ các chữ cái a, b, c chỉ các đường gọi là cột dọc, các số 1, 2, 3 chỉ các đường gọi là dòng ngang, và qua tọa độ cột dọc, dòng ngang có thể xác định vị trí của từng quân cờ trong ván cờ. Như vậy sự biểu diễn hoàn toàn mang tính chất đồ thị này cũng là một loại ngôn ngữ. Tôi tự nghĩ là mình cũng có thể làm một bàn cờ và sau đó chơi các ván cờ này. Nhờ Trời, tôi nhận thấy vải trải giường của tôi là vải kẻ ô vuông. Nếu gập cẩn thận tấm vải trải giường tôi sẽ có một bàn cờ với sáu mươi tư ô. Tôi liền cất giấu cuốn sách dưới đệm sau khi đã xé lấy ra trang đầu, đoạn tôi véo một ít ruột bánh mì trong suất ăn của tôi và nặn các quân cờ, quân Tướng, quân Hậu, quân Xe, và các quân khác. Các quân cờ tuy méo mó, nhưng tôi đã loay hoay tái tạo lại trên tấm khăn trải giường kẻ ô vuông vị trí các quân cờ trình bày trong cuốn sách giáo khoa.
“Tuy nhiên, thoạt đầu tôi không thể đánh trọn cả ván vì tôi dùng bụi lăn bột nặn quân “đen” nên cứ thường bị lẫn lộn. Cái ván đầu tiên ấy tôi phải đánh đi đánh lại đến năm, mười, hai chục lần. Nhưng trên đời liệu còn ai có nhiều thời gian hơn tôi và bị giam cầm trong cảnh hư vô thế này, ai là người háu và kiên nhẫn hơn tôi?
“Sáu ngày sau tôi đã có thể đi các quân cờ đâu ra đấy trong ván cờ đầu tiên. Tám ngày sau, tôi không cần các quân bằng bột mì cũng có thể hình dung vị trí các quân của đối phương trên bàn cờ. Tám ngày nữa, tôi chẳng cần cả đến tấm khăn trải giường kẻ ô vuông. Những kí hiệu a1, a2, c7, c8 lúc đầu xem ra rất trừu tượng đối với tôi lúc này cứ tự động được cụ thể hóa ra thành những hình ảnh thị giác. Sự chuyển vị đã hoàn hảo. Tôi đã nhớ rất rõ từng quân cờ, hình dung ra ngay từng nước đi một trong ván cờ nêu trong sách mà không cần đến bàn cờ. Tôi như một nhạc sĩ điêu luyện chỉ cần đưa mắt nhìn qua bản dàn bè là liền nghe nổi lên toàn bộ chủ đề và hòa âm ghi trong bản dàn bè. Chỉ cần thêm mười lăm ngày nữa, tôi có thể đánh theo trí nhớ tất cả các ván cờ trình bày trong cuốn sách: do đó tôi đã nhận thấy rõ lợi ích vô cùng to lớn của việc lấy trộm táo bạo ấy, vì bây giờ tôi đã có việc để làm, cứ cho là vô bổ đi, nhưng dẫu sao đấy cũng là một công việc, nó thủ tiêu sự ngự trị của cái hư vô trong tâm hồn tôi. Với một trăm năm mươi ván cờ này, tôi có một vũ khí tuyệt vời chọi lại tính đơn điệu đến ngột ngạt của không gian và thời gian.
“Để duy trì sức quyến rũ của hoạt động mới mẻ này, tôi đã chia một cách rất quy củ một ngày của tôi như sau: đánh hai ván buổi sáng, hai ván buổi chiều, còn tối ôn qua lại cả bốn ván cờ. Như vậy thời gian của tôi lúc nào cũng kín, chứ không kéo dài lê mê một cách vô ích, và lúc nào tôi cũng thấy bận rộn vì đánh cờ có cái hay là không bao giờ làm mệt đầu óc, ngược lại nó làm cho trí lực thêm linh hoạt và dẻo dai. Sở dĩ như vậy vì khi đánh cờ, người ta tập trung toàn bộ trí năng vào một diện hẹp, dù cho gặp thế bí, căng thẳng cũng vậy. Thoạt đầu tôi máy móc tuân theo sự chỉ dẫn nêu trong sách, sau dần dần đây là một trò luyện trí thông minh mà tôi rất thích. Tôi học được cái tinh xảo, những mẹo tinh tế khi tấn, lúc đỡ, tôi nắm được kỹ thuật nhử và quật lại. Chẳng mấy chốc, tôi có khả năng nhận ra được cách đánh của từng nhà chơi cờ nổi tiếng, chẳng khác gì qua vài vần thơ là nhận ra nhà thơ nào. Thoạt đầu đây chỉ là một cách giết thời gian, nhưng sau nó là một trò giải trí thực sự, và những khuôn mặt của các nhà đánh cờ lớn như Alêcxin, Laxkơ, Bôgônglubôp, Tartakôvơ đã làm cho cách đánh cô đơn của tôi trở nên thật dễ chịu.
“Từ nay tính đa dạng đã làm cho căn phòng câm lặng của tôi trở nên nhộn nhịp, sự đều đặn trong luyện tập này làm trí năng của tôi thêm vững chắc. Kỷ luật tình thần rất chính xác này tạo nên một độ nhạy bén mới cho trí lực thể hiện rõ qua các cuộc hỏi cung; qua chơi cờ, sức chống đỡ của tôi trước những động tác giả và những mưu mô giảo quyệt đã khá hẳn lên từ lúc nào tôi cũng chẳng rõ nữa. Từ đó, tôi không hề để lộ vẻ yếu ớt nào trước mặt bọn hỏi cung tôi và tôi cảm thấy bọn chúng nhìn tôi với con mắt khá kính trọng. Chắc bọn chúng tự hỏi không hiểu sức lực đâu mà tôi đã kiên cường chịu đựng như vậy, trong khi những người khác chắc chắn đã phải khai. Giai đoạn sung sướng tôi đã đánh đi đánh lại một cách có hệ thống một trăm năm mươi ván cờ kéo dài trong ba tháng. Sau đó, tôi lại bỗng rơi vào chốn hư vô. Một ván cờ mà cứ đánh đi đánh lại tới hai hoặc ba chục lần thì chẳng còn sức hấp dẫn mới mẻ và hiệu lực của nó cũng chẳng còn nữa. Một khi tôi đã thuộc lòng từng nước một thì tiếp tục đánh nữa liệu có ý nghĩa gì? Nước trước vừa đi, nước sau đã bật ra ngay chẳng khó khăn, chẳng gây một niềm vui bất ngờ nào.
“Để việc tiêu khiển này tiếp tục có tác dụng lớn làm tôi không thể bỏ qua được thì phải có tập hai. Nhưng biết kiếm đâu ra tập hai vào lúc đó, nên tôi đã nảy ra ý định là tự nghĩ ra một ván cờ khác mà tôi tự đánh với bản thân mình hay nói đúng hơn tự mình đối đàu với mình. Tôi không rõ ông có suy nghĩ tới trạng thái tinh thần khi miệt mài lao vào cái thứ chúa tể các trò chơi này không? Trong trò này không thể có sự ngẫu nhiên; sức hấp dẫn của môn cờ là ở chỗ hai bộ óc đối chọi nhau, mỗi người một chiến thuật. Cái thú của cuộc đấu trí này là bên đen không rõ bên trắng điều quân khiển tướng ra sao và cố đoán ý đồ của nó để chống lại, trong khi đó, bên trắng cũng muốn dò ý đồ bí mật của bên đen và tìm cách phá.
“Nếu một người vừa đi các quân đen lại vừa điều khiển quân trắng thì tình huống rất mâu thuẫn. Làm sao một người vừa đi quân trắng xong thì phải quên ngay mục đích của nước đi đó để rồi lại đứng về phía quân đen đi nước tấn lại? Một sự tách đôi về suy nghĩ như vậy đòi hỏi một sự tách đôi hoàn toàn về lương tâm, sự việc này đòi hỏi một khả năng kỳ lạ trong việc tùy ý muốn tách biệt lúc nào cũng được những chức năng nhất định của não như người ta vẫn làm với một chiếc máy. Muốn đánh cờ với chính bản thân mình thì chẳng khác nào như người muốn bước đè lên bóng mình.
“Và thế là trong suốt mấy tuần liền tôi lao vào cái trò vô lý ấy. Với hoàn cảnh lúc đó của tôi, nếu không muốn bị cái hư vô khủng khiếp bao vây tứ phía nghiền nát thì buộc lòng tôi phải thử sắm vai tách đôi trong suy nghĩ giữa một cái tôi là quân trắng và một cái tôi là quân đen”.
Ông B. ngồi ngả người ra lưng ghế và nhắm mắt trong giây lát. Hình như ông cố xua đi một kỷ niệm đau buồn. Chứng máy miệng đã làm tôi chú ý lại thấy xuất hiện nơi mép ông. Sau đó ông ngồi thẳng người lên và kể tiếp:
“Tôi thấy câu chuyện của tôi kể lại, từ nãy tới giờ xem ra rõ ràng dễ hiểu. Tiếc rằng tôi không biết đoạn tiếp đây có được như vậy không. Chẳng là sự bận rộn mới của tôi làm đầu óc tôi căng thẳng đến mức tôi không tài nào làm chủ nổi bản thân mình nữa. Chắc có lẽ tôi đã có một khả năng hết sức nhỏ nhoi thoát khỏi tình trạng căng thẳng đó nếu như bản thân đứng trước một bàn cờ thực sự để có thể dự kiến mọi tình huống trong không gian. Đứng trước bàn cờ, tay được túm các quân cờ thực sự để đánh, phản xạ sẽ nhịp nhàng, người đánh cờ sẽ di chuyển từ bên này sang phía bên kia bàn cờ, do đó sẽ nhìn nhận kỹ tình huống khi nào đang ở bên quân đen, khi nào ở bên quân trắng. Nhưng đằng này tôi lại đánh với bản thân tôi hay, ta có thể nói là đánh với một con người của tôi phản chiếu trong khoảng không gian tưởng tượng, như vậy tôi phải hình dung rất rõ vị trí liên tiếp của các quân cờ, những khả năng của hai bên – và xem ra rất vô lý – tôi phải nhìn thấy rõ trong đầu sáu, tám, mười hai thế khác nhau để có thể tính trước bốn hay năm nước của hai đối thủ nằm trong một con người duy nhất là tôi.
“Để đánh những ván cờ như vậy trong không gian trừu tượng và để trù tính được cho cả hai bên chiến thuật cần thiết cho trận đấu, trí óc tôi, có thể nói là, vừa thuộc về quân trắng và lại vừa thuộc về quân đen. Những sự chia đôi suy nghĩ trong chính bản thân tôi này chưa phải là cái nguy nhất mà cái nguy nhất là mọi diễn biến của trận đấu đều diễn ra trong trí tưởng tượng: như vậy tôi có nguy cơ bất chợt chẳng biết mình phải đánh thể nào nữa và thế là lại đành phải bỏ dở ván đang đánh. Trước đây khi chơi lại những ván nổi tiếng trong cuốn sách dạy đánh cờ, tôi chẳng qua chỉ thực hiện một việc sao chép và chỉ cần nhớ lại một câu hoặc một đoạn của quy tắc. Đây là một hoạt động có giới hạn, có kỷ luật, một môn thể dục tinh thần tuyệt vời.
“Hai ván đánh vào buổi sáng, hai ván đánh vào buổi chiều, tôi cứ kéo cái công việc chán nản này chẳng mấy hứng thú. Khi đánh có nhầm lẫn, có chỗ nào do dự thì đã có chỗ dựa là cuốn sách chuyên luận nên cũng chẳng bận đầu óc lắm. Hoạt động này bổ ích đối với tôi vì người đánh cờ không phải là bản thân tôi. Quân đen hay quân trắng thắng đối với tôi không quan trọng, đấy là việc của Alêcxin hay của Bôgôngiubôp rắp ranh đoạt chức vô địch, và cái thú của tôi ở đây là cái thú của một khán giả, một người thông thạo biết đánh giá diễn biến của trận đấu và những nước đánh hay. Từ lúc tôi tìm cách đánh cờ với chính bản thân mình thì vô tình tôi đã đứng lên thách thức với chính bản thân mình. Quân đen đấu với quân trắng, như vậy tôi tự đấu với tôi và tôi lại cứ muốn thắng bản thân tôi. Khi đi quân đen, tôi cố tìm cách thắng quân trắng và khi ở bên quân trắng, tôi lại quyết thắng quân đen. Một trong hai đối thủ ở trong tôi sẽ hân hoan đắc chí và đồng thời sẽ nổi cáu khi kẻ kia đi hớ.
“Nếu đối với một người bình thường sống trong những điều kiện bình thường thì chuyện đó chẳng có gì đáng để nói nhiều. Tinh thần phân lập được tạo ra do cách ấy có gì là chuyện không thể tưởng tượng được, một sự phân đôi của nhân vật có gì là kỳ cục! Nhưng mong ông đừng quên rằng tôi bị bứt ra một cách thô bạo khỏi khung cảnh thông thường, là một người vô tội bị cầm tù, bị đày đọa trong cảnh cô đơn từ mấy tháng nay, là một người không biết trút cơn giận bị dồn nén vào cái gì và cũng như vào đầu ai. Tôi không có gì để tiêu khiển ngoài cái trò vô lý tự mình đánh với mình này, sự cuồng nhiệt và lòng mong muốn trả thù của tôi đều trút một cách mãnh liệt cả vào đấy. Trong bản thân tôi có một con người muốn vùng đứng lên bảo vệ quyền của mình, nhưng không thể chỉ đổ trách nhiệm cho một cái tôi khác mà tôi đang sắm vai; chính vì vậy những ván cờ ấy đã gây cho tôi những kích thích gần như bị ám ảnh. Thoạt đầu, tôi còn có thể đánh một cách bình tĩnh, giữa hai ván tôi nghỉ một lát để xả hơi, nhưng về sau, thần kinh tôi bị kích thích không để tôi nghỉ ngơi. Vừa đi quân trắng xong, quân đen đã liền điên tiết xong đến đứng trước mặt tôi. Ván cờ vừa kết thúc, một nửa con người tôi đã nổi lên thách đố nửa kia, vì trong tôi luôn có một kẻ thua cờ đòi phục thù.
“Tôi không thể nói, dù chỉ ang áng, trong cơn lầm lạc vô độ ấy tôi đã đánh bao nhiêu ván như vậy, có lẽ phải đến một ngàn, có lẽ hơn nữa. Tôi như kẻ bị ma ám và không cưỡng lại được, suốt ngày đầu óc tôi lúc nào cũng “chiếu hết” và “chiếu hết bằng quân Xe”, lúc nào cũng chỉ toàn thấy Binh, quân Xe, quân Vua và quân Tượng. Toàn bộ con người tôi, toàn bộ sự nhạy cảm của tôi đều tập trung vào các ô cờ tưởng tượng. Đối với tôi, niềm vui được đánh cờ đã trở thành một ước vọng mãnh liệt, một ước vọng bị câu thúc, một sự ám ảnh, một cuồng nhiệt ngày đêm không dứt ra được. Tôi chỉ nghĩ tới cờ, những vấn đề thuộc về cờ, những nước đi. Đôi khi, ngủ dậy tôi thấy trán mình đẫm mồ hôi, tôi liền nhận ra rằng tôi đã đánh cờ ngay cả trong lúc ngủ. Nếu nằm mơ khi ngủ, tôi nhìn thấy các khuôn mặt người di động theo kiểu các quân Xe, quân Mã, quân Tượng.
“Ở phiên tòa, suy nghĩ của tôi lẫn lộn lung tung. Trong những lần cuối, khi ra tòa, tôi có cảm giác tôi diễn đạt khá lờ mờ, vì các thẩm phán đưa mắt nhìn nhau vẻ sửng sốt. Sự thực là khi bọn họ tiến hành vặn hỏi điều tra và thảo luận thì tôi một mực tha thiết mong chong chóng được dẫn trở về phòng mình để lại bắt đầu trò chơi, cái trò chơi điên rồ của tôi. Một ván và rồi lại một ván nữa. Tôi thấy mình bị quấy rầy trước bất kỳ một sự dứt đoạn về thời gian, dù đấy là mười lăm phút khi tên giám ngục quét dọn phòng tôi, dù chỉ hai phút khi gã mang đồ ăn vào cho tôi. Đôi khi, bữa ăn của tôi vẫn còn nguyên trong tôi(?) cho mãi tận chiều tối vì tôi đã quên không ăn. Tôi chỉ thấy khát nước, khát kinh khủng, chắc là do cứ mải miết đánh như vậy và cứ phải suy nghĩ triền miên. Tôi uống một hơi hết sạch cả bình nước và xin gã giám ngục mang thêm nước cho tôi, nhưng chỉ một lát miệng tôi đã khô khốc.
“Cuối cùng, tôi đã bị kích thích tới mức không thể ngồi yên một phút. Suốt ngày tôi chẳng làm gì khác ngoài đánh cờ, tôi cứ đi đi lại lại trong phòng mình, bước mỗi lúc một rảo cẳng, và càng về cuối ván bước chân tôi càng thoăn thoắt. Nỗi say mê đánh thằng, đánh bại ngay chính bản thân mình dần dần trở thành một loại cuồng nhiệt. Tôi run lên vì sốt ruột, chẳng là một trong hai đối thủ nằm trong tôi luôn luôn quá chậm chạp so với bên kia. Hai đối thủ quấy phá nhau và, nếu tôi nói ra mong ông cũng đừng cho là lạ, tôi cứ hò hét thúc giục bản thân mình: “Khẩn trương lên, khẩn trương lên nào, nào” –khi một bên chưa kịp chống trả.
“Tất nhiên mãi bây giờ tôi mới biết rõ tình trạng tâm thần đó đã mang tính chất bệnh lý. Tôi không biết gọi hiện tượng này bằng một cái tên nào khác ngoài cái tên “bị đầu độc bởi môn đánh cờ” chưa hề có trong thuật ngữ y học. Điều ám ảnh này cuối cùng đã đầu độc cả thể xác lẫn tâm hồn tôi. Tôi gầy đi, giấc ngủ chập chờn không yên. Khi dậy mí mắt tôi nặng như chì phải vất vả lắm mới mở mắt được. Sức khỏe tôi bị giảm sút rất nhiều, tay tôi run đến mức lẩy bẩy mãi mới nâng được cốc lên miệng. Nhưng vừa bắt đầu vào ván cờ, tôi như người vừa được tiếp cho một sức mạnh ghê gớm. Tôi đi đi lại lại trong phòng, hai tay nắm chặt và đôi khi, tôi nghe phảng phất như qua một làn sương mù phớt đỏ giọng nói khàn khàn và độc địa của tôi gào lên: “Chiếu!” hay “Chiếu hết!”.
“Tôi không thể nói với ông cơn bệnh đã xảy ra như thế nào. Tôi chỉ biết là vào một sáng nọ, khi tỉnh dậy tôi thấy trong người khang khác. Cơ thể tôi như không phải là của tôi nữa, cơ thể tôi duỗi dài thoải mái, êm ái trong điều kiện tiện nghi thật dễ chịu. Một sự mệt mỏi mà mấy tháng nay tôi chưa từng cảm thấy, đè nặng mí mắt tôi, gây cho tôi cảm giác thật thoải mái đến nỗi tôi chỉ những muốn mở bừng mắt. Tôi cứ nằm nguyên như vậy trong vài phút, tận hưởng nỗi sững sờ của tôi, tận hưởng hơi ấm trên giường, vẻ uể oải khoan khoái. Thình lình tôi nghe có tiếng ai nổi lên phía sau tôi, nhưng tiếng nói ấm áp và sinh động, thốt ra một cách thanh thản và ông không thể hình dung nổi nỗi vui thích của tôi đâu vì hàng tháng nay tôi chỉ toàn nghe những lời nói khắc nghiệt và quàu quạu của bọn thẩm phán vặn hỏi tôi. “Ông bạn đang mơ!” tôi tự nhủ. “Ông bạn đang nằm mơ! Chớ mở mắt vội! Cố kéo dài giấc mơ của ông bạn còn hơn lại phải thấy căn phòng đáng nguyền rủa này, chiếc ghế, chiếc chậu, chiếc bàn và họa tiết muôn thuở trên giấy bồi tường. Ông bạn đang nằm mê, thôi cứ mê tiếp đi.”
“Nhưng tính tò mò đã thắng. Tôi thận trọng, từ từ mở mắt ra. Ôi, tuyệt quá! Tôi thấy mình đang ở trong một căn phòng khác, một căn phòng rộng rãi hơn phòng tôi ở khách sạn. Ánh sáng thoải mái ùa vào qua ô cửa sổ không chấn song. Ngoài kia tôi thấy có cây, hàng cây xanh lay động trước gió chứ không phải bức tường ảm đạm của tôi. Tường sơn màu trắng sáng sủa, chăn tôi đang đắp cũng màu trắng, đúng là tôi đang nằm trên một chiếc giường khác, chiếc giường không phải của tôi. Đây không phải là một giấc mơ. Có tiếng nói nhè nhẹ cất lên ở phía sau tôi. Chắc tôi rất bối rối trước phát hiện này, vì tôi nghe thấy những tiếng chân người liền bước đến bên giường. Một người phụ nữ lại gần tôi, dáng đi nhẹ nhàng, một phụ nữ đội mũ trắng, một nữ y tá. Tôi run lên vì vui thích: từ một năm nay tôi chưa nhìn thấy một người phụ nữ nào. Chắc tôi nhìn sự xuất hiện duyên dáng này với cặp mắt ngây ngất và nóng bỏng nên chị nữ y tá liền bảo: “Ông cứ bình tĩnh! Thật bình tĩnh!”. Tôi chỉ chú ý nghe giọng chị, đây là giọng của con người? Trên trái đất này vẫn còn những người không phải là thẩm phán, không phải là những kẻ tra tấn, ôi thật kỳ diệu! Vẫn còn người phụ nữ giọng dịu dàng và ấm áp gần như trìu mến này. Tôi khao khát nhìn chăm chăm chiếc miệng vừa nói với tôi những lời tốt đẹp, vì cái năm quái quỷ này đã làm cho tôi quên mất cái tốt đẹp giữa người với người. Chị nữ y tá mỉm cười với tôi, đúng chị mỉm cười, thế ra trên đời này vẫn còn những người mỉm cười. Sau đó, chị đưa một ngón tay lên miệng chị rồi lặng lẽ bỏ đi.
“Làm sao tôi lại có thể tuân lời chị nữ y tá? Ngược lại, tôi cố kiên quyết ngồi dậy đưa mắt nhìn theo chị để vẫn được ngắm nhìn con người kỳ diệu và nhân từ này. Tôi cố chống tay ngồi dậy nhưng vô hiệu. Tay phải bị bọc trong một bọc tướng màu trắng, đúng là tay bị băng bó. Thoạt đầu tôi ngơ ngác nhìn chỗ băng bó, sau dần dần nhận ra tôi đang ở đâu và suy nghĩ xem đã có chuyện gì xảy ra với tôi. Chắc bọn chúng đã làm tôi bị thương hay có thể bản thân tôi đã tự gây thương tích ở tay. Do đó tôi phải nằm ở bệnh viện.
“Buổi chiều, bác sĩ vào thăm tôi, đấy là một ông khá tử tế. Ông biết họ tên tôi và khi nói tới bác tôi – bác sĩ của hoàng thượng, giọng ông đầy vẻ kính trọng nên tôi nhận ra ngay ông chỉ mong muốn điều tốt lành cho tôi. Trong khi trò chuyện, ông hỏi tôi đủ mọi thứ và tôi ngạc nhiên khi nghe ông hỏi tôi có phải là nhà toán học hay hóa học không. Tôi trả lời tôi không phải là nhà toán học hay hóa học.
“- Lạ thật, - ông khẽ nói, - khi mê ông đã thốt lên hàng trăm những công thức lạ lắm, như c3, c4. Chẳng ai trong chúng tôi hiểu gì cả.
“Tôi gặng hỏi xem chuyện gì đã xảy ra với tôi. Ông mỉm cười, vẻ khác thường.
“- Không có gì hệ trọng lắm. Một cơn thần kinh bị kích động dữ dội. – Và rồi sau khi đưa mắt thận trọng nhìn quanh, ông nói tiếp: - Vả lại, cũng dễ hiểu thôi. Ông ở đằng ấy từ ngày mười ba tháng ba, đúng không?
“Tôi gật đầu như muốn đáp: “Vâng ạ”.
“- Chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên, với các phương pháp đó, - ông bác sĩ làu bàu. – Ông không phải là người đầu tiên. Nhưng ông đừng lo ngại.
“Qua cách ông nói và nhìn tôi, tôi hiểu rằng mình đã gặp người tốt.
“Hai ngày sau ông bác sĩ tuyệt vời đã thành thực kể tất cả những gì xảy ra với tôi. Tên giám ngục nghe thấy tôi la hét om sòm ở trong phòng tôi nên thoạt đầu gã tưởng có kẻ nào đã lọt được vào phòng tôi và tôi đang cãi lộn với người đó. Nhưng khi gã vừa bước chân vào trong phòng, tôi liền nhảy bổ vào gã, miệng hò hét một cách hung dữ: “Thế nào, đi đi chứ, đồ tồi, đồ hèn!” Tôi cứ cố chồm lên định túm cổ gã, do đó gã đã phải kêu cứu. Trong khi bọn chúng dìu tôi đến chỗ bác sĩ, tôi đã vùng thoát ra dược và do đang trong cơn hoảng loạn, tôi lao vào một cửa sổ trên hành lang. Tôi làm vỡ kính và bị một vết thương hằn sâu ở tay, ông thấy hãy còn vết sẹo đây này. Tôi đã bị đại loại lên cơn sốt não khi được đưa đến bệnh viện, nhưng các giác quan của tôi chẳng mấy nỗi đã hoàn toàn được phục hồi.
“- Tất nhiên tôi sẽ không nói với mấy ông ấy là sức khỏe của ông đã khá rồi, - vị cứu tinh của tôi dịu dàng nói tiếp: - họ có thể lại bắt ông phải tiếp tục chịu đựng. Ông cứ tin rằng tôi sẽ cố hết sức mình để gỡ khó khăn cho ông.
“Tôi không rõ ông bạn quý này đã có quan hệ thế nào với bọn đao phủ của tôi, nhưng ông đã đạt được điều ông muốn, nghĩa là tôi đã được thả. Cũng có thể bọn chúng cho rằng tôi là một người không giữ một trách nhiệm gì, cũng có thể bản thân tôi chẳng còn có ích gì cho Gextapô vì Hitle vừa chiếm Tiệp Khắc nên chúng không quan tâm đến tình hình ...
Nguồn: Sưu tầm internet (http://idoc.vn/doc-sach/van-co-ky-la.html)
Đây là một truyện văn học nước ngoài, nhưng liên quan đến cờ Vua (và cờ nói chung) người chơi cờ đọc có khi lại hiểu về cờ hơn ... tôi sưu tầm và post lên đây để mọi người cùng thưởng thức.
Trích:
"Nhà báo Trang Anh viết Lời dẫn
Cách nay lâu lắm rồi, khi lần đầu tiên đọc sách của Stefan Zweig, tôi đã thấy run sợ. Nhà văn người Áo này như nhìn thấu suốt người đời. Kiêu hãnh và ám thị. Ðam mê và bạc nhược. Những rung động khó tả, sâu lắng trong những thang bậc thầm kín nhất của tâm hồn. Zweig là nhà phân tích tâm lý bậc thầy với óc quan sát cực kỳ sắc bén. Ông có thể lột trần những cảm xúc tột cùng chỉ qua vài động tác, vài cử chỉ… Với Zweig, người đọc cảm thấy như bị chụp lên đầu chiếc vòng kim cô, có đi đến đâu cũng quanh quẩn trong vòng khống chế và bị thôi miên bởi những thứ vô thức phía sau những mạch văn của ông.
“Ván cờ kì lạ" là một truyện ngắn của Zweig mà tôi thích nhất. Ðây là một câu chuyện xuất thần, một bức tranh tương phản đến mức chóa mắt, sự phi thực được dàn dựng khéo đến mức trở nên “có thể” : một gã cục mịch, gần như đần độn, lại thống lãnh thế giới của những người trí thức. Một gã trí thức đạt đến những khả năng siêu phàm chỉ thuần túy do… nghịch cảnh. Và hai con người đó đối mặt nhau trong một cuộc đọ sức trí tuệ – tâm lý hồi hộp và khốc liệt ở trên một con tàu bồng bềnh giữa đại dương.
Trong tác phẩm này, bạn sẽ thấy tất cả dồn nén lại, cô đặc : lòng tham lam, sự đố kỵ, sự ngông cuồng, sự vô nghĩa, sự hiếu kỳ, khát vọng tự do, nỗi cô đơn…
Zweig tự vận. Tôi nghĩ rằng ông sống đủ và đau khổ cũng đủ. Có lẽ trái tim ông không chịu nổi sự trần tục của cuộc đời, những đau khổ và bất công trong thời đại ông sống. Cảm ơn Zweig vì những gì ông để lại."
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Ván cờ kỳ lạ
Dịch giả: Trịnh Xuân Hoành
Cảnh lui tới thường thấy diễn ra vào giây phút chót bao trùm trên con tàu thủy sẽ rời Niu York đi Buênôx Airex lúc nửa đêm. Hành khách lên tàu, kéo theo cả một đám bè bạn đi tiễn, những người chuyển điện tín, mũ lưỡi trai đội sụp đến mang tai, đọc to mấy tên người vang khắp các phòng khách, hành lý và hoa được chuyển lên, lũ trẻ con tò mò chạy khắp nơi từ tầng trên xuống tầng dưới tàu, trong khi đó dàn nhạc vẫn điềm tĩnh chơi.
Trên cầu tàu dạo chơi, đứng hơi né xa cảnh đi lại nhộn nhịp, tôi và anh bạn đang trò chuyện với nhau thì thấy lóe lên ở ngay cạnh chỗ chúng tôi đang đứng hai hoặc ba ánh vụt sáng – chắc người ta chụp vội ảnh một vĩ nhân nào đó trước khi tàu nhổ neo. Anh bạn tôi đưa mắt nhìn về hướng đó rồi mỉm cười: “Anh cùng đi tàu với một nhân vật lỗi lạc: Xzentôvic”. Và thấy tôi ngơ ngác không hiểu gì, anh nói tiếp, vẻ như muốn giải thích với tôi: “Mirkô Xzentôvic – vô địch cờ thế giới. Anh ta đã đi khắp nước Mỹ, từ tây sang đông, đánh ván nào thắng ván đó, còn bây giờ anh ta đi giành những vinh quang mới ở Argentina”.
Lúc đó tôi mới nhớ lại nhà vô địch trẻ tuổi này và một số đặc điểm trong bước đường công danh kỳ lạ của anh. Do đã đọc báo chí nhiều hơn tôi, anh bạn đã bổ sung vào trí nhớ của tôi một số giai thoại.
Trong vòng có gần một năm, Xzentôvic đã trở thành một nhân vật sánh ngang với các bậc thầy nổi tiếng nhất về môn cờ. Alêcxin Capab****ca, Tarkakôvơ, Laxkơ, Bôgôngiubôp không còn gì để truyền đạt cho anh nữa. Từ năm 1922, sau Rzexepxki – một chú bé thần đồng bảy tuổi – trở nên lỗi lạc ở trận đấu tại Niu York, người ta chưa hề biết một người không tên tuổi nào như Xzentôvic lại thu hút được sự chú ý đến thế của thế giới đối với những người chơi cờ. Vì nếu chỉ dựa vào trí năng của Xzentôvic thì không ai dám tiên đoán anh ta sẽ có một tương lai sáng lạn. Có tiếng đồn rằng nhà vô địch không thể viết nổi một câu, dù bằng tiếng mẹ đẻ, mà không phạm những lỗi chính tả và một đối thủ bẳn tính đã nhận xét: “Sự vô học của anh chàng đã nổi tiếng khắp hoàn cầu”.
***
Xzentôvic là con trai một người chèo thuyền khốn khó gốc Xlavơ vùng Đanuýp. Một đêm nọ, thuyền của ông bị một chiếc tàu thủy chở lúa mì đâm chìm. Sau khi bố chết, chú bé lúc đó mười hai tuổi, được cha xứ trong làng đón về nuôi và ông linh mục tốt bụng đã cố gắng một cách trung thực bảo ban chú bé lãnh đạm và ít nói ôn lại bài vở mà ở trường chú không tài nào nhớ nổi.
Nhưng ông đã uổng công vô ích. Xzentôvic nghiêng nghiêng vầng trán rộng của mình trên những nét chữ mà chú đã nghe giảng đi giảng lại đến trăm lần và trân trân nhìn chúng với cặp mắt trống rỗng; óc chú bất lực không lưu giữ được những khái niệm sơ đẳng nhất. Năm mười bốn tuổi, chú vẫn còn phải dùng ngón tay để đếm và hết sức chật vật mỗi khi đọc một quyển sách hoặc một tờ báo. Nhưng không thể nói rằng chú ngại khó. Chú ngoan ngoãn làm tất cả những gì được sai bảo, xách nước, bổ củi, làm việc ở ngoài đồng, lau chùi bếp, tóm lại, tuy chậm chạp đến phát bực mình, chú đã tận tụy thực hiện mọi công việc được yêu cầu.
Nhưng điều làm vị linh mục tốt bụng buồn phiền nhất là thái độ hoàn toàn dửng dưng của chú bé kỳ cục được ông che chở. Chú chẳng bao giờ tìm cách gợi chuyện ông, chẳng bao giờ mở miệng hỏi một câu, chẳng chơi với lũ con trai cùng tuổi, xong công việc chú đến một chỗ ở trong phòng, vẻ đãng trí và lơ đễnh như cừu ngoài bãi chăn thả, không hề bận tâm tới những gì diễn ra ở quanh mình. Tối tối cha xứ châm chiếc tẩu dài hút và ngồi đánh ba ván cờ thường ngày với viên đội. Lúc đó cậu thiếu niên lại ló mái tóc vàng rối bù màu vàng hoe của mình xích đến bên bàn và lặng lẽ chăm chăm nhìn bàn cờ, cặp mắt như ngái ngủ và lơ đễnh dưới đôi mí nặng sùm sụp.
Một tối mùa đông, khi hai đấu thủ đang say với ván cờ thì người ta nghe thấy tiếng chuông lắc mỗi lúc một rõ của một xe trượt tuyết đang lao hết tốc lực trên đường phố. Một nông dân, mũ lưỡi trai phủ trắng tuyết, vội vã bước vào mời cha xứ tới ban lễ xức dầu cuối cùng cho người mẹ già nua của mình đang hấp hối. Ông cha xứ liền đi theo người nông dân. Chưa kịp uống cạn cốc bia, viên đội châm lại tẩu và định xỏ chân và đôi ủng nặng nề để ra về. Bỗng ông bắt gặp cặp mắt của Xzentôvic nhìn chăm chăm bàn cờ vừa mới được bắt đầu.
- Thế nào, cháu có muốn chơi nốt ván cờ này không? – Viên đội nói đùa, vì ông tin chắc cậu bé ngù ngờ không thể đi một con Binh cho ra hồn trên bàn cờ.
Chú bé rụt rè ngẩng đầu lên, rồi gật đầu nhận lời và đến ngồi vào chỗ cha xứ. Sau khi đi mười bốn nước, viên đội bị hạ và buộc phải thú nhận rằng mình thua không phải do chểnh mảng. Ván thứ hai cũng diễn ra như vậy.
- Đúng là chú lừa của Balaam! – Khi quay về vị linh mục sửng sốt kêu lên. Rồi ông giảng giải cho viên đội, vì ông ta không hiểu rõ Kinh Thánh bằng ông, rằng trước đây hai nghìn năm cũng đã từng có một chuyện kỳ lạ tương tự, một người câm bỗng nói ra những lời vô cùng khôn ngoan.
Tuy đã khuya, ông bố nuôi không kìm được cứ muốn đòi đọ sức với cậu bé được mình nuôi dưỡng. Chú có cách đánh chậm rãi, bền bỉ, điềm tĩnh và chiếc trán rộng của chú luôn cúi trên bàn cờ. Chiến thuật của chú vững vàng không chê vào đâu được; những ngày tiếp sau đó, cả viên đội lẫn cha xứ đều không thắng được chú ván nào. Là người hiểu rõ hơn ai hết mức độ tiếp thu chậm của chú học trò của mình trong những lĩnh vực khác, cha xứ tò mò muốn biết rõ khả năng năng khiếu đặc biệt này đến đâu. Ông dẫn Xzentôvic tới bác thợ cắt tóc trong làng để tỉa bớt mái tóc bù xù màu vàng rơm của chú trông cho dễ coi rồi dùng xe trượt tuyết đưa chú ra thành phố nhỏ bé nằm cạnh làng. Ở đấy ông quen mấy người rất mê đánh cờ, đánh khá hơn ông, và lúc nào cũng thấy ngồi trong một góc quán cà phê tại Quảng trường lớn.
Khi cha xứ bước vào quán, đẩy ở trước mặt mình chú bé mười lăm tuổi, tóc vàng nhạt, má đỏ ửng, vai quàng tấm da cừu lộn thì mấy vị khách quen thuộc của quán đều mở tròn mắt ngạc nhiên. Chú bé đứng như trời trồng, mắt e lệ nhìn sàn mãi tới khi có người ngồi ở một bàn lên tiếng gọi chú. Ván đầu chú bị thua vì chưa bao giờ thấy vị đỡ đầu tuyệt diệu của mình lẫn ông đội khai cuộc theo kiểu Xixin. Ván thứ hai chú chơi hòa với người đánh cờ giỏi nhất hội và các ván sau đó chú liên tiếp hạ tất.
Một sự kiện hồi hộp đã diễn ra tại một thành phố nhỏ ở Nam Tư và các vị thân hào đã chứng kiến những bước đầu của nhà vô địch một làng quê như vậy đấy. Mọi ngưới nhất trí lưu chú bé thần đồng lại đến sáng mai để có thể thông báo về sự hiện diện của chú với các hội viên khác của hội và nhất là với bá tước Ximxzic – một người đánh cờ say mê cuồng nhiệt. Cha xức đưa mắt nhìn cậu học trò của mình với niềm tự hào mới, nhưng ông không thể chểnh mảng nghĩa vụ đối với Chúa. Ông tuyên bố sẵn sàng cho phép Xzentôvic ở lại với mấy vị để chú có thể chứng minh rõ hơn nữa tài năng của mình. Xzentôvic được bố trí ở lại khách sạn, phí tổn do các nhà đánh cờ đài thọ, tối hôm ấy lần đầu tiên trong đời, chú được thấy một nhà vệ sinh có hệ thống giội nước…
Chiều chủ nhật, trong một căn phòng chật cứng người, chú bé ngồi im không nhúc nhích bốn giờ liền trước bàn cờ và đã hạ tất cả mọi đấu thủ; chú đã không mở miệng nói một lời nào cũng như không hề ngước mắt nhìn lên một lần nào. Có người đề nghị chú đánh nhiều ván cùng một lúc. Phải chật vật lắm mới giải thích để chú hiểu rõ là trong ván cờ như vậy một mình chú phải đấu với nhiều đấu thủ. Khi vỡ lẽ, chú liền thực hiện ngay, chú chậm rãi đi từ bàn này sang bàn kia làm đôi giày to tướng của chú cứ kêu răng rắc, kết cục chú thắng bảy trên tám đấu thủ.
Lúc đó liền nổ ra một cuộc thảo luận dài. Thực ra cứ chẻ hoe mà nói, nhà vô địch mới không phải người gốc gác trong tỉnh, nhưng đầu óc cục bộ đã được thức tỉnh. Biết đâu cái địa phương nhỏ bé tìm mãi mới thấy trên bản đồ này lại sẽ chẳng rạng rỡ vì đã sản sinh một nhân vật nổi tiếng. Kenlơ, một ông bầu sân khấu chuyên cung cấp các bài ca và nữ ca sĩ cho quán rượu ở đồn trú, nhận đưa chú bé kỳ dị đi Viên, như ông ta nói, tới chỗ một bậc thầy lỗi lạc để xin thụ giáo học lấy nghệ thuật của ông thầy. Có điều phải có người chịu đài thọ mọi phí tổn trong một năm chú sẽ lưu lại ở thủ đô. Suốt sáu chục năm ròng, ngày nào bá tước Ximxzic cũng đánh cờ, nhưng chưa từng gặp một đối thủ kỳ lạ như chú bé này nên liền ký ngay một tấm ngân phiếu. Bước đường công danh khác thường của chú bé con một bác chèo thuyền đã bắt đầu như vậy đấy.
Trong sáu tháng, Xzentôvic đã học được một (mọi?) bí quyết đánh cờ; thật ra kiến thức của chú rất hạn chế. Tại các câu lạc bộ mà sau này chú hay lui tới, người ta đã nhận rõ điều đó và thường cười chế giễu. Chẳng là Xzentôvic không bao giờ có thể đánh một mình ván cờ trừu tượng hay như người ta thường nói, chơi không cần bàn cờ. Chú hoàn toàn không có khả năng hình dung một bàn cờ ở trong đầu mình. Nhất thiết chú phải thấy rõ ở trước mắt mình, sờ được sáu mươi tư ô đen, trắng và tóm được ba mươi hai quân cờ. Ngay như sau khi đã nổi tiếng khắp thế giới, chú luôn có trong túi một bài cờ nhỏ để tận mắt nhìn rõ vị trí của các quân cờ một khi chú muốn giải quyết một vấn đề hoặc dựng lại ván cờ của một bậc thầy.
Thiếu sót này – tự bản thân nó chẳng có gì là ghê gớm lắm – cho thấy khá rõ Xzentôvic không giàu đầu óc tưởng tượng và những người sống xung quanh chú liền túm lấy chi tiết đó mà bình luận sôi nổi như trong giới nhạc sĩ đã từng bình luận về một nhạc sĩ điêu luyện hay một nhạc trưởng nổi tiếng không thể chơi nhạc hoặc điều khiển một dàn nhạc nếu không có bản dàn bè mở rộng trước mặt.
Nhưng đặc điểm này hoàn toàn không làm chậm những bước tiến đến sửng sốt của Xzentôvic. Mười bảy tuổi, anh đoạt trên chục giải; mười tám tuổi anh đã là nhà vô địch ở Hunggari; còn hai mươi tuổi – vô địch thế giới. Những người đánh cờ mạnh dạn nhất nghĩa là về mặt trí tuệ, đầu óc tưởng tượng táo bạo họ vượt rất xa anh, song không thể chịu đựng được cái logic khe khắt và lạnh lùng của anh. Trước mặt anh họ như Anniban trước Phabiux Amtatơ mà Titơ Livơ kể lại rằng lúc bé đã có những dấu hiệu đến lạ lùng.
Cho tới lúc đó, bộ sưu tập lừng danh tên tuổi các bậc thầy đánh cờ, gồm đủ loại những nhân vật thông minh, những nhà hiền triết, nhà toán học, những bộ óc giàu trí tưởng tượng và thường là đầy sáng tạo, từ nay được bổ sung thêm một người xa lạ với giới trí tuệ, đó là anh chàng nông dân vụng về và ít nói mà các nhà báo tài ba nhất cũng chẳng bao giờ khai thác được một lời nào để viết bài.
Thực ra thì người ta đã được đền bù khá hậu hĩ bằng cách kể ra khá nhiều giai thoại về Xzentôvic. Vì, ngồi trước bàn cờ, anh là một người hết sức tài giỏi, nhưng vừa rời khỏi bàn cờ anh là một nhân vật khôi hài và gần như lố bịch, tuy mình mặc bộ lễ phục đen, và đeo caravát có cài một hạt trai đẹp lộng lẫy. Tuy bàn tay anh được chăm chút và móng tay siêng đánh bóng, anh vẫn có những cử chỉ và thái độ của một chàng nông dân thiển cận trước đây đã từng quét dọn buồng ông cha xứ của mình.
Với tính vụng về và trâng tráo đến trơ trẽn làm các bạn đồng sự của mình khi vui lúc bực, anh chỉ nghĩ cách khai thác tài năng và tên tuổi của mình để kiếm được thật nhiều tiền. Lòng hám tiền của anh không lùi bước trước bất kỳ một hành động ty tiện nào. Anh đi đây đi đó nhiều, nhưng chỉ ở độc mỗi khách sạn hạng ba, thậm chí nhận đánh cờ trong những câu lạc bộ rất ít người biết tên, miễn sao được nhận tiền thù lao. Người ta thấy hình anh trên một tấm áp phích quảng cáo cho một loại xà phòng và anh chẳng bận tâm tới những kẻ hay chế giễu khi biết anh không viết đúng nổi một câu, anh đã bán chữ ký của mình cho một người xuất bản in một thứ “triết lý chơi cờ”. Thật ra, tác phẩm đã do một sinh viên người Galaxi viết cho người xuất bản – một kẻ xoay xở rất giỏi.
Như tất cả những kẻ ngang bướng, Xzentôvic không biết thế nào là lố bịch. Từ ngày anh đoạt giải vô địch thế giới, anh tưởng rằng mình là nhân vật quan trọng nhất loài người. Anh ý thức là mình đã thắng những người thông minh, là những người hay chuyện tài ba và viết rất giỏi, nhất là anh cho rằng mình kiếm được nhiều tiền hơn họ, do đó anh không còn giữ được tính rụt rè bẩm sinh và trở nên tự phụ một cách lạnh lùng mà anh đã để lộ ra một cách thô bạo.
- Nhưng một thành công nhanh chóng đến thế sao lại chẳng làm một đầu óc rỗng tuếch như vậy ngây ngất? – Anh bạn tôi kết luận, sau khi đã kể lại tôi nghe một số nét đặc trưng trong sự hợm hĩnh mang tính chất trẻ con của Xzentôvic. – Làm sao một nông dân hai mươi mốt tuổi ở Banat lại chẳng say nồng hơi men kiêu căng khi thấy mình chỉ cần đẩy những con cờ trên tấm ván kẻ ô có thể kiếm tiền trong một tuần nhiều hơn số tiền dân cả thôn kiếm được trong suốt một năm bằng cách đốn củi và những công việc sụn xương sống khác? Và thật cực kỳ dễ lầm tưởng mình là một vĩ nhân khi bản thân chẳng hề nghĩ rằng trên đời này đã từng có một Rembranđ, một Betôven, một Đantơ? Đằng sau chiếc trán hằn vết suy nghĩ, anh chàng này chỉ biết mỗi điều là từ nhiều tháng nay anh chưa thua ván nào và anh chẳng hề ngờ rằng trên đời này còn có giá trị khác ngoài cờ và tiền bạc, anh có đầy đủ lý do để vui thú về bản thân mình.
***
Các lời dèm pha của anh bạn tôi đã kích thích trí tò mò của tôi. Những người say mê một ý tưởng duy nhất thường làm tôi phải suy nghĩ, vì một trí lực càng có giới hạn thì nó càng vượt lên tới cái vô tận. Mấy người đó, nhìn bề ngoài có vẻ sống cô đơn, đang như những con mối xây dựng với tính cách hết sức đáng chú ý các thế giới thu nhỏ lại bằng những nguyên liệu đặc thù của mình. Do đó tôi tuyên bố ý định của bản thân là sẽ tiếp cận quan sát cái mẫu phát triển trí tuệ đơn phương đặc biệt ấy và sử dụng tốt mười hai ngày đường đến Rio vào việc đó.
- Anh ít có khả năng đạt được mục đích đấy – bạn tôi báo trước, - theo chỗ tôi biết, chưa ai khai thác được ở Xzentôvic một thông tin mang tính chất tâm lý nào. Anh chàng này khá khôn ngoan lấp liếm sự ngu đần vô cùng tận của mình để thanh danh chẳng bao giờ bị tổn hại cả. Anh chỉ trò chuyện với những người đồng hương gặp ở các quán nhỏ nơi anh thường lui tới, ngoài ra anh tránh tất cả những cuộc đàm thoại. Vừa đánh hơi thấy một người có văn hóa, anh liền chui tọt ngay vào vỏ; do đó không ai dám huênh hoang khoe rằng mình đã nghe thấy Xzentôvic nói một điều gì ngu ngốc hoặc đã thăm dò được mức độ dốt nát của anh ta đến đâu.
Cuộc thí nghiệm sẽ chứng thực những lời này. Những ngày đầu của cuộc hành trình, tôi phải công nhận là không thể tiếp cận được Xzentôvic, ngoại trừ phải giở trò lộ liễu thô bạo không hợp khẩu vị cũng như thói quen của tôi.
Anh ta thường hay đi dạo trên cầu tàu, nhưng lúc nào cũng có vẻ mải mê suy nghĩ và không tiếp xúc với ai, hai tay chắp sau lưng đúng với tư thế của Napoleon được thể hiện trong một bức tranh nổi tiếng; hơn nữa anh đột ngột và vội vã rời khỏi cầu tàu nên nếu muốn bắt chuyện thì cứ phải ba chân bốn cẳng chạy theo. Người ta không thấy anh tới quầy rượu, cả phòng hút thuốc lẫn phòng khách. Chiêu đãi viên thổ lộ với tôi rằng anh thường ở lì trong phòng mình để luyện trước một bàn cờ rộng.
Ba ngày sau, tôi buộc phải thú nhận rằng chiến thuật tự vệ của anh mạnh hơn ý chí tấn công của tôi; tôi rất bực. Tôi chưa bao giờ có dịp tự mình làm quen với một nhà vô địch cờ và không thể hình dung ra một người vô địch cờ phải là người như thế nào. Làm sao tôi có thể hình dung nổi một bộ óc suốt đời chuyên chú vào một diện tích gồm sáu mươi tư ô đen trắng? Qua kinh nghiệm bản thân, tôi đã biết rõ sức hấp dẫn huyền bí của cái “trò chơi đế vương” này, một trò chơi duy nhất trong tất cả các trò đã thoát khỏi nanh vuốt độc tài của sự may rủi, một trò chơi duy nhất mà người ta có thể dành thắng lợi nhờ tài trí thông minh của bản thân, hay nói cho đúng hơn nhờ một số dạng thông minh nào đấy.
Nhưng nếu gọi nó là một trò chơi thì phải chăng đây là một hạn chế mang tính chất thóa mạ? Phải chăng nó cũng là khoa học, một bộ môn nghệ thuật, hoặc một bộ môn gì đó lơ lửng giữa khoa học và nghệ thuật như linh cữu của Mahômêt treo lơ lửng giữa đất trời? Nguồn gốc của môn cờ bị chìm mất trong đêm tối của thế gian, thế nhưng nó luôn luôn mới lạ; nước đi máy móc, nhưng đánh có kết quả là nhờ trí tưởng tượng của người chơi; nó được hạn định một cách nghiêm ngặt trong một không gian hình học cố định, tuy vậy các nước đi thì thiên hình vạn hóa. Nó phát triển không ngừng, song vẫn cằn cỗi. Đây là một suy nghĩ không đem lại kết quả, một môn toán không chứng minh một điều gì, một nghệ thuật chẳng để lại tác phẩm, một kết cấu không chất liệu; tuy vậy, với cách thức của nó, cái trò chơi này sẽ chứng tỏ được rằng nó tồn tại lâu hơn sách hoặc bất kỳ đài tưởng niệm nào, nó là trò chơi độc nhất vô song của mọi dân tộc và mọi thời đại và chẳng ai rõ thánh thần nào đã ban phú cho trái đất để triệt hạ buồn phiền, mài giũa trí tuệ và khích lệ tinh thần. Nó bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu? Một em bé cũng có thể học hỏi các quy tắc, một người thiếu kiến thức cũng có thể đánh thử và nếu có năng khiếu đặc biệt về môn này thì có thể là người độc nhất vươn tới trình độ bậc thầy. Tính kiên nhẫn và kỹ thuật gặp nhau tại bàn cờ và muốn có được những tìm tòi mới lạ như trong toán học, trong thơ ca, trong âm nhạc thì phải có cách nhìn nhận tin anh.
Trước đây, lòng ham mê khoa học hẳn đã đẩy một vị Gal nào đó đến chỗ làm phẫu thuật phân tích não một nhà vô địch cờ loại này để xem xem chất xám của anh ta có nếp cuộn đặc thù, có một cơ hoặc một bướu đặc trưng khác biệt với những người khác không. Trường hợp năng khiếu đặc trưng của môn cờ kết hợp với sự lười biếng hoàn toàn về trí tuệ ở một con người rất đáng được quan tâm biết bao, như một mạch vàng trong đá thô vậy!
Tất nhiên, về nguyên tắc, tôi biết rằng một trò chơi đặc biệt như vậy, tinh anh như vậy có thể tạo ra được những con người cự phách, nhưng làm sao có thể hiểu nổi là cuộc đời của một bậc đại tinh anh lại hoàn toàn thu lại trong đường đua chật hẹp này, chỉ chuyên chú đẩy lên hay kéo về ba mươi hai quân cờ trên các ô đen và trắng, gắn tất cả niềm quang vinh của cuộc đời mình vào việc đẩy lên kéo về ấy. Làm sao có thể tưởng tượng được một người đã coi cái việc khai cuộc bằng một quân Mã hơn bất kỳ một con Binh nào là một chiến công và ghi phần đóng góp nhỏ bé thảm hại bất tử của mình vào một cuốn sách dành cho môn cờ! Cuối cùng, làm sao có thể hình dung một con người thông minh đã tập trung trong suốt mười, hai mươi, ba mươi, bốn chục năm toàn bộ suy nghĩ của mình vào một cái đích kỳ cục là dồn một quân Tướng bằng gỗ vào góc một tấm gỗ mà không bị điên đầu!
Và lúc này, lần đầu tiên tôi được ở gần một con người kỳ dị, một thiên tài đặc biệt, hay có thể nói, một người điên bí ẩn như vậy, ở ngay trên cùng một con tàu, cách buồng tôi sáu buồng, thế là một người như tôi – một người lúc nào cũng cực kỳ tò mò đối với những vấn đề tài trí – lại đành phải bó tay không tiếp cận anh ta được. Tôi liền nghĩ mọi mưu kế hết sức phi lý: tôi cứ xưng bừa mình là một người của tờ báo lớn, yêu cầu phỏng vấn anh ta? Hoặc tôi đề nghị anh ta dự một trận đấu hái ra tiền ở Êcốt? Cuối cùng, tôi nhớ ra rằng đến mùa sinh đẻ, những người đi săn đã bắt chước tiếng gọi của các con thú để nhử chúng; chắc chắn là nếu bày ra cách đánh cờ thì sẽ thu hút sự chú ý của một người đánh cờ.
Thực tình mà nói, tôi không phải là một nghệ sỹ nghiêm túc trong lĩnh vực này, vì thích thì tôi đánh cờ thế thôi, tôi ngồi vào bàn cờ chẳng qua là để đầu óc bớt căng thẳng. Đúng ra tôi chơi cờ là để giải trí. Hơn nữa khi đánh cờ cũng như khi yêu, phải có đối tượng, tôi không rõ ngoài tôi và vợ tôi ra, trên tàu còn có ai ham thích môn cờ nữa không. Để thu hút những người ham cờ, nếu có ở trên tàu, hai vợ chồng tôi ngồi chơi cờ trong phòng hút thuốc lá. Hai chúng tôi mới đi được sáu nước thì một người đi dạo chơi và rồi một người nữa dừng chân xin phép được đứng xem.
Sau đó một người yêu cầu tôi đánh với ông ta một ván. Đấy là kỹ sư người Êcốt, ông MacCônno, nghe đâu ông ta đã vớ được gia tài kếch xù trong việc đào giếng dầu ở Caliphornia. Ông ta béo lùn, mặt chữ điền, răng chắc, da dẻ hồng hào phần nào cũng là do uống nhiều rượu uýtxki. Đôi vai ông rộng quá khổ của ông ta cũng được thể hiện rõ ngay cả trong ván cờ, vì ông MacCônno là một loại người thành đạt và đầy tự mãn, coi bản thân mình bị sỉ nhục nếu phải thua, dù là một ván cờ vô hại. Quen áp đặt một cách thô bạo và được nuông chiều trước những thắng lợi trong thực tế, self made man[1] thô kệch này đã thấm nhuần ưu thế của mình, nên đã coi mọi sự chống đối là lộn xộn và gần như là một sự **** nhục. thua ván đầu, ông ta nhăn nhó rất khó chịu, liến thoắng giải thích với giọng trịch thượng, mình sở dĩ thua vì đã có giây phút lơ đễnh. Thua ván thứ ba, ông ta đổ tại tiếng ồn ở phòng bên cạnh; hễ thua là ông ta đòi gỡ bằng được. Thoạt đầu, tôi thấy vui vui trước thái độ kịch liệt cố chấp ấy, sau tôi chỉ còn coi đây là tiểu tiết không ảnh hưởng gì tới dự định của tôi.
Sang ngày thứ ba, mưu của tôi đã thành công, nhưng mới được mỗi nửa. Không biết khi đi dạo trên cầu tàu, Xzentôvic đã nhìn thấy chúng tôi qua cửa sổ hoặc do tình cờ, ngày hôm đó anh muốn góp mặt, để tăng thêm phần vinh dự cho thêm phòng hút thuốc? Dù sao chúng tôi cũng thấy anh ngập ngừng bước về phía chúng tôi và từ xa đưa cặp mắt sành sỏi nhìn bàn cờ chúng tôi đang tập tọe thực hành cái nghệ thuật của anh. Đúng lúc đó MacCônno đi con Binh. Than ôi, chỉ cần một nước đi ấy cũng chứng tỏ với vị bậc thầy là chúng tôi chẳng xứng đáng một chút nào với mối quan tâm của ông vua cờ. Khi lánh ra xa bàn của chúng tôi và rời khỏi bàn hút thuốc, Xzentôvic có thái độ hệt như một người đã gạt một cuốn tiểu thuyết trinh thám tồi ra khỏi giá bày của hiệu sách mà không buồn giở ra coi nữa. “Đã cân nhưng thấy quá nhẹ”, tôi nhủ thầm, bụng hơi phật ý trước cái vẻ khinh khỉnh ấy. Và đang lúc bực bội, tôi nói với MacCônno:
- Xem ra bước đi của ông không làm bậc thầy thú lắm.
- Bậc thầy nào?
Tôi giải thích với MacCônno rằng anh chàng vừa ở đây và nhìn chúng tôi đánh cờ với vẻ không tán thành, là Xzentôvic vô địch cờ thế giới.
- Thôi - tôi nói tiếp – chúng ta đành chịu nhục vậy và nhắm mắt làm ngơ trước thái độ khinh miệt của anh ta. Phận nghèo đành húp cháo loãng.
Nhưng những lời tôi vừa nói với giọng dửng dưng đã có tác động rất ghê với MacCônno. Ông ta đã bị kích động mạnh và quên béng ván cờ vừa bắt đầu chơi. Tính kiêu căng bừng bừng bốc lên mặt ông. Ông tuyên bố mình hoàn toàn không hề hay biết Xzentôvic cùng đi trên tàu và thế nào cũng phải đánh cờ với ông ta; ông còn bảo rằng mình chưa bao giờ được đánh cờ với một nhà vô địch như vậy, trừ một bận, ông ta đã đánh một ván cờ lý thú: một người đánh bốn mươi ván với bốn mươi người cùng một lúc và ông ta đã nằm trong số những người suýt thắng. MacCônno hỏi tôi có quen nhân vật lỗi lạc đó không. Thấy tôi đáp là không quen, ông gợi ý tôi nên lân la làm quen và yêu cầu anh ta đến đánh cờ với chúng tôi.Tôi từ chối, viện cớ là, theo như tôi được biết, Xzentôvic chẳng phải là người thích có những mối quan hệ mới. Vả lại, đánh một ván cờ giữa nhà vô địch thế giới với những người chơi cờ nhàng nhàng loại ba như chúng tôi thì còn đâu là thích thú?
Thành thực mà nói, lẽ ra tôi chẳng nên sử dụng mấy từ ngữ “những người chơi cờ nhàng nhàng loại ba” trước một con người kiêu căng như MacCônno. Ông ta ngồi ngả người ra sau, sẵng giọng mà nói, về phần mình, ông ta không tin Xzentôvic có thể khước từ lời mời lịch sự của một con người tao nhã, do đó cứ để ông ta lo liệu chuyện này. Và thể theo lời yêu cầu của ông, tôi vắn tắt mô tả hình dáng nhà vô địch, nghe xong, ông ta liền hăng hái bổ lên cầu thang tìm Xzentôvic. Một lần nữa tôi lại nhận thấy rằng không ai có thể kìm được chủ nhân đôi vai đáng chú ý này một khi ông ta nảy ra dự kiến gì ở trong đầu và tôi chờ đợi, lòng hơi lo lo. Mười phút sau, MacCônno quay trở về. Ông ta xem ra không được bình tĩnh lắm.
- Thế nào? – tôi hỏi
- Ông đã nói đúng, - MacCônno đáp vẻ phật ý, - anh chàng ấy đến là khó chịu. Tôi đã phải nhún mình để tự giới thiệu. Anh ta không thèm chìa tay cho tôi bắt nữa. Lúc đó tôi đã phải cố giải thích với anh ta là, tất cả chúng ta, ở trên tàu này, sẽ vui sướng biết bao nếu được anh ta nhận lời một mình đánh nhiều ván cùng một lúc với chúng ta. Anh ta cứ trơ trơ như một cái cọc và rồi trả lời rằng thật đáng tiếc, vì anh ta đã hợp đồng là trong suốt chuyến đi của mình, sẽ không bao giờ đánh cờ nếu không được trả thù lao. Do đó, anh ta buộc phải yêu cầu trả ít nhất hai trăm năm mươi đô mỗi ván.
Tôi bật cười:
- Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đẩy các con Binh từ ô đen sang ô trắng lại là một công việc hái ra tiền như vậy. Tôi hy vọng ông đã lễ độ xin lỗi anh ta.
Nhưng ông MacCônno vẫn nghiêm trang.
- Ván cờ sẽ được chơi vào lúc ba giờ chiều mai tại phòng hút thuốc lá này. Tôi hy vọng rằng bọn mình sẽ không để bị đánh quỵ một cách dễ dàng.
- Sao? Ông đã chấp nhận những điều kiện ấy? – Tôi sửng sốt kêu lên.
- Tại sao lại không nhỉ? C’est son métier[2]. Nếu tôi bị đau răng và trên tàu có một nha sĩ, tôi sẽ chẳng yêu cầu nha sĩ nhổ răng không công cho tôi. Xzentôvic sử sự đúng đấy: những người thực sự có tài bao giờ cũng biết cách làm ăn. Về phần tôi, tôi nhận thấy giao kèo càng rạch ròi càng tốt. Tôi thích trả tiền sòng phẳng còn hơn là nhờ vả Xzentôvic và sau đó phải hàm ơn anh ta. Với lại, lúc ở câu lạc bộ của tôi, đã có tối tôi thua hơn hai trăm năm mươi đô la mà lại chẳng được hưởng cái thú là đánh cờ với một nhà vô địch thế giới. Đối với một người đánh cờ loại ba thì thua một anh chàng Xzentôvic đâu phải là điều đáng hổ thẹn.
Rõ ràng là lòng tự ái của MacCônno đã bị tổn thương nặng vì mấy chữ “người đánh cờ loại ba” vô tội ấy. Nhưng ông ta quyết định một mình chịu mọi phí tổn chi cho cái trò vui phải trả giá đắt đó, nên tôi chẳng hề có lời phản đối ý định ấy; nó cho phép tôi có thể tiếp cận với con người lập dị đã kích thích trí tò mò của tôi. Chúng tôi vội đi thông báo sự kiện này với bốn hoặc năm người đánh cờ mới quen ở trên tàu và để đảm bảo được yên tĩnh trong khi chơi, ngày hôm sau chúng tôi dành tất cả những bàn cạnh bàn chúng tôi.
Hôm sau, đúng giờ quy định, cái nhóm nhỏ của chúng tôi đã có mặt đầy đủ. Ông người Ecôt bồn chồn châm hết điếu xì gà này đến điếu khác, mắt luôn nhìn chiếc đồng hồ quả lắc. Nhưng nhà vô địch nổi tiếng đã bắt cả nhóm chúng tôi phải đợi đến mười phút - sau khi đã nghe câu chuyện anh bạn tôi kể lại, tôi chẳng ngạc nhiên về sự chậm trễ đó- cuối cùng Xzentôvic xuất hiện vẻ ngạo mạn đến trơ trẽn. Anh tiến đến bên bàn, bước đi bình tĩnh và thận trọng. Anh không tự giới thiệu – “Các ông đã biết tôi là ai rồi, còn tôi chẳng cần biết các ông là ai”. – Thái độ đó muốn nói với chúng tôi như vậy. Anh tổ chức trận đấu với một vẻ mặt tỉnh bơ và hoàn toàn mang tính chất nghề nghiệp. Do thiếu bàn cờ nên không thể tổ chức đánh mấy ván cùng một lúc, nên anh đề nghị một mình đánh một ván với tất cả chúng tôi. Sau khi đánh xong một nước, anh ta sẽ ra đứng ở cuối phòng đằng kia để không quấy rối chúng tôi thảo luận. Đi xong chúng tôi dùng thìa gõ vào cốc báo cho anh ta biết, vì trên tầu, chúng tôi không kiếm đâu ra chuông. Nếu chúng tôi đồng ý thì thời gian ấn định giữa hai nước đi sẽ là mười phút. Tất nhiên chúng tôi chấp nhận, như mấy chú học trò e lệ, tất cả những đề xuất của anh. Khi rút thăm Xzentôvic đi quân đen; trái hẳn với cách khai cuộc của chúng tôi, anh ta chẳng buồn ngồi, đi ngay nước đầu rồi ra đứng ở cuối phòng tại nơi anh ta đã chọn để đợi; anh ta lơ đễnh lật lật mấy trang họa báo.
Tôi thấy chẳng cần thiết phải nói chi tiết về ván cờ này. Sau hai mươi bốn nước, chúng tôi hoàn toàn bị đánh quỵ. Một nhà vô địch thế giới đã đánh thắng dễ dàng mươi, mười hai người đánh cờ nhàng nhàng trung bình thì có gì đáng ngạc nhiên! Thật ra, chúng tôi khó chịu là vì Xzentôvic đã có thái độ hợm hĩnh, trịch thượng với chúng tôi. Anh ta chỉ lơ đễnh đảo mắt nhìn qua loa bàn cờ, khi đi ngang qua, đã hờ hững coi chúng tôi như chính bản thân chúng tôi là những quân cờ bằng gỗ vô tri vô giác, là một lũ chó ghẻ anh ta ném cho một mẩu xương lúc quay đi chỗ khác. Nếu anh ta tế nhị một chút, tôi thầm nhủ, anh ta sẽ nhắc nhở chúng tôi chú ý đến những nước đi hớ, hoặc động viên chúng tôi một lời nhã nhặn. Nhưng không, ván cờ kết thúc, cái máy đánh cờ này thốt lên mỗi câu: “Chiếu hết!”, rồi đứng ngây người im lặng chờ xem chúng tôi có muốn đánh nữa hay không. Trước một đối thủ cỡ như Xzentôvic thì đành phải chịu thua thôi. Tôi đứng dậy cho rằng cái trò giải trí này có thể chấm dứt ở đây, nhưng đến là bực khi tôi nghe tiếng MacCônno nổi lên ngay ở cạnh tôi, giọng khản đặc: “Phục thù!”
Tôi kinh ngạc trước cái giọng đầy thách thức của ông ta; lúc đó MacCônno làm tôi nghĩ tới một võ sĩ sắp choảng một người lịch thiệp, có giáo dục một đòn chí tử. Phải chăng đây là cách không được dễ chịu mà Xzentôvic đã đối xử với chúng tôi hay đấy chỉ là tham vọng mang tính chất bệnh lý của MacCônno? Dù sao xem ra ông ta không còn giữ được bình tĩnh. Mặt ông đỏ bừng, cánh mũi phập phồng, mồ hôi vã ra, và ông ta bặm chặt môi. Một vết hằn sâu kéo dài từ miệng xuống tận chiếc cằm bướng bỉnh của ông. Trong ánh mắt ông, tôi lo ngại bắt gặp cái ánh đam mê điên cuồng thường chỉ thấy ở những người chơi trò cò quay sau khi đã đặt cuộc gấp đôi đến lần thứ sáu hoặc thứ bảy vào cùng một ô nhưng chẳng thấy hòn bi đổ vào. Tôi dự đoán là MacCônno sẽ phải trả giá bằng cả gia tài của mình cho cái tính tự ái điên cuồng này, ông ta sẽ đánh hoài cho kỳ tới khi được một ván mới chịu thôi. Nếu nhà vô địch kiên trì thì MacCônno sẽ là một mỏ vàng mà anh ta sẽ đãi được hàng ngàn đô la trước khi chúng tôi cặp bến ở Buênôx Airex. Xzentôvic mặt lạnh như tiền.
- Tùy các ông, - anh ta lễ độ đáp. – Các ông sẽ đi quân đen.
Ván thứ hai cũng lại được khai cuộc như ván đầu, chỉ khác là có thêm được mấy người tò mò nữa đến quây bên chúng tôi. MacCônno nhìn chăm chăm bàn cờ như muốn thôi miên các quân cờ để bắt chúng phải đánh thắng. Tôi cảm thấy ông ta sẵn lòng bỏ ra cả ngàn đô la để được cái thú thốt kêu lên: “Chiếu hết” với đối thủ chẳng thanh cao mấy. Ngoài ý muốn của bản thân, chúng tôi phần nào bị lây lan lòng say mê của ông. Mỗi nước đi, chúng tôi đều thảo luận say sưa hơn trước và chỉ vào giây phút cuối cùng mới gõ cốc ra hiệu báo cho Xzentôvic quay về bên bàn chúng tôi. Chúng tôi đánh với thái độ như vậy đến nước thứ mười bảy thì thật là bất ngờ đối với chúng tôi, tình thế xem ra có lợi cho chúng tôi, vì chúng tôi đã đưa được Binh từ đường C tới ô C2; chỉ còn có việc đưa nó tới C1 thì sẽ được phong thành Hậu. Thật ra, chúng tôi chưa thật an tâm về vận may hiển nhiên như vậy. Chúng tôi nhất trí cho rằng do nhìn xa trông rộng hơn chúng tôi, Xzentôvic định nhử chúng tôi để nhắm một mưu đồ gì đây. Nhưng bàn đi tính lại mãi chúng tôi vẫn không tài nào đoán được nước bẫy.
Cuối cùng, thời hạn quy định sắp kết thúc, chúng tôi quyết định liều đi một bước nữa. Đúng lúc MacCônno đẩy con Binh thì bỗng có người nắm lấy cánh tay ông ta và vội nói nhỏ: “Cầu Trời, ông đừng đi nước đó!” Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều quay lại. Chúng tôi thấy một người đàn ông khoảng bốn mươi nhăm tuổi, mặt hẹp và xương xương mà tôi đã từng gặp trên cầu tàu và tôi rất ngạc nhiên trước nước da tái nhợt của ông. Chắc ông đã đến bên chúng tôi khi cả nhóm đang mải mê suy nghĩ giải quyết nước cờ. Thấy chúng tôi đổ dồn mắt nhìn, ông vội nói tiếp: “Nếu ông muốn được phong thành Hậu bây giờ, đối phương liền tấn quân Tượng ở c1 và ông sẽ dùng quân Mã đỡ. Nhưng giữa lúc đó, đối phương sẽ dùng Binh đứng độc lập uy hiếp quân Xe của ông ở ô d7 và nếu ông dùng quân Mã chiếu thì hỏng to và sẽ bị thua liền chín hoặc mười nước. Đấy đại khái là những nước cờ của Alêcxin và Bôgôngiubôp đã đánh trong trận đấu ở Pixchian vào năm 1922”.
Ngạc nhiên, MacCônno buông quân cờ đã cầm trong tay và, như tất cả chúng tôi, thán phục nhìn người xem ra đúng là một vị cứu tinh từ trên trời rơi xuống. Dự kiến trước chín nước để chiếu hết thì hẳn phải là một nhà chuyên nghiệp nổi tiếng có lẽ đáng mặt là đối thủ của Xzentôvic trong một trận đấu. Sự có mặt của ông và sự tham dự đột ngột của ông đúng vào lúc nguy ngập như vậy thật chẳng khác gì như một phép lạ. MacCônno là người đầu tiên lấy lại bình tĩnh.
- Ông khuyên tôi nên thế nào? – Ông ta khẽ nói, vẻ bị kích thích mạnh.
- Lúc này đừng tiến vội, nên tránh đối phương. Trước hết, kéo Vua ra khỏi đường g8 – h7 nguy hiểm đã. Chắc chắn đối phương sẽ tấn ở sườn bên kia, nhưng ông sẽ dùng quân Xe đỡ, c8 – c4; như vậy đối phương sẽ mất hai quân, mất Binh và một quân trên nó. Ông sẽ chống chọi tiếp, Binh đứng độc lập tấn Binh đứng độc lập và nếu ông đỡ tốt thì ván này sẽ hòa. Không thể hơn được đâu.
Chúng tôi mỗi lúc một kinh ngạc hơn. Sự chính xác và mau lẹ trong các tính toán của ông thật đáng gây bối rối; cứ như ông đang đọc các nước đi trong một cuốn sách vậy. Nhờ ông, niềm hy vọng quá bất ngờ mà lúc này chúng tôi ôm ấp là đánh hòa với nhà vô địch thế giới đúng thật là một điều thần diệu. Chúng tôi chẳng ai bảo ai đều đứng né sang một bên để ông nhìn thấy rõ bàn cờ. MacCônno nhắc lại:
- Đánh quân Vua từ g8 sang h7?
- Tất nhiên! Phải tránh đối phương.
MacCônno nghe theo và chúng tôi gõ vào cốc thủy tinh. Xzentôvic tiến lại gần, bước đi bình thản và thoáng nhìn đã nhận ra ngay nước đánh trả, đoạn anh ta đẩy Binh từ h2 đến h4 ở sườn bên kia quân Vua như vị cứu tinh không quen biết nọ đã báo trước, ông liền vội khẽ bảo chúng tôi:
- Quân Xe, tiến quân Xe từ c8 – lên c4 để buộc ông ta phải bảo vệ Binh của mình. Có bảo vệ vậy cũng bằng thừa! Lúc đó dùng quân Mã tấn, từ c3 lên d5, mà chẳng cần phải bận tâm đến con Binh độc lập, như vậy sẽ kéo lại được tình thế. Lần này, cứ việc tiến, chẳng cần phải đỡ. – Chúng tôi chẳng hiểu ý ông định nói gì cũng như chẳng tài nào rõ những lời rắm rối của ông. Tuy vậy, bị chinh phục, MacCônno răm rắp nghe theo chẳng cần suy nghĩ. Chiếc cốc thủy tinh lại cất tiếng kêu lanh canh. Đây là lần đầu tiên Xzentôvic chưa vội đánh ngay, thoạt đầu anh ta chăm chăm nhìn bàn cờ, rồi đi đúng các nước mà người lạ đã báo trước với chúng tôi và đã định lánh ra xa.
Đúng lúc đó, một sự việc lạ, bất ngờ diễn ra: Xzentôvic ngước mắt quan sát chúng tôi. Rõ ràng anh ta muốn tìm xem ai là người đã đột ngột chống trả lại anh ta một cách kiên cường như vậy. Từ lúc đó chúng tôi bị kích thích không bút nào tả xiết. Nếu trước đó chúng tôi đã ngao ngán thất vọng thì lúc này máu chúng tôi cứ sôi lên khi nghĩ là sẽ bẻ gẫy được tính ngạo nghễ lạnh lùng của Xzentôvic. Ông bạn mới của chúng tôi đã quyết định được nước đi tiếp theo. Tay tôi run run khi cầm chiếc thìa gõ vào cốc thủy tinh báo cho Xzentôvic đến. Thế là chúng tôi liền được thấy thắng lợi đầu tiên của chúng tôi. Nhà vô địch luôn luôn đứng đánh đã ngập ngừng, ngập ngừng và cuối cùng phải chịu ngồi xuống. Anh ta bất đắc dĩ buông mình và nặng nề ngồi xuống ghế; thế chứ, như vậy anh ta mất ưu thế về mặt thân xác đối với chúng tôi. Chúng tôi đã buộc anh ta phải tự đặt mình vào cùng bình diện với chúng tôi, ít ra thì cũng là về mặt không gian. Anh ta suy nghĩ hồi lâu, mặt cúi gầm trên bàn cờ đến nỗi khó có thể thấy cặp mắt anh ta, dưới đôi mi sùm sụp và phải cố gắng lắm mới hé lên được, do đó khuôn mặt tròn trịa của anh trông hơi ngây ngô. Mấy phút sau, anh ta mới đánh, rồi đứng lên. Ông bạn chúng tôi liền khẽ nói: “Chơi khá đấy! Quả là không thẹn với thanh danh. Nhưng không sao! Buộc anh ta phải đi theo ý ta, phải buộc bằng được, nếu muốn hòa thì phải như vậy; lúc đó anh ta hết phương cứu vãn”.
MacCônno răm rắp phục tùng. Sau đó, hai đấu thủ lao vào bàn cờ, đấu với một thủ thuật mà bọn tôi – những vai phụ vô ích – chẳng hiểu gì hết. Qua lại như vậy sáu hoặc bẩy nước, Xzentôvic đăm chiêu suy nghĩ hồi lâu rồi tuyên bố: “Ván hòa”.
Một giây lát im lặng như tờ. Trong phòng hút thuốc, người ta bỗng nghe thấy tiếng sóng; tiếng đài truyền thanh từ ngoài phòng khách vọng vào một điệu nhạc jazz; mỗi bước bước trên cầu tầu nghe rõ mồn một, người ta nghe rõ cả tiếng gió rít nhẹ khi lùa qua kẽ cửa sổ. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên trước sự việc diễn ra quá nhanh, thực sự sững sờ về chuyện khó mà tin được của biến cố. Làm sao một người chưa ai biết tới này lại có khả năng đánh cho nhà vô địch thế giới thua nửa ván cờ được? MacCônno bỗng ngả người ra lưng ghế và thốt lên một tiếng “Chà!” hể hả. Tôi quan sát Xzentôvic. Tôi có cảm giác anh ta hơi tái mặt khi đánh mấy nước cuối. Nhưng anh ta là người biết tự kiềm chế. Vẫn với vẻ cứng nhắc và lãnh đạm, anh vừa hỏi, giọng lừng chừng, vừa lấy tay gạt mấy quân cờ trên bàn cờ:
- Các ông đây có muốn chơi ván thứ ba nữa không? Anh ta hỏi với một giọng hoàn toàn vô tư của một nhà kinh doanh. Anh ta nói những lời ấy không phải với MacCônno, vì anh đưa cặp mắt sắc và thắng thắn nhìn về phía vị cứu tinh của chúng tôi. Qua cách ngồi, con ngựa đoán ngay được ngồi trên lưng mình là một kỵ sĩ giỏi, cũng như qua mấy nước đi cuối cùng Xzentôvic đã nhận ra ngay đối thủ thực sự của mình. Vô tình chúng tôi dõi theo cặp mắt anh và hướng nhìn về phía người khách lạ. MacCônno không để ông ta có thời gian kịp suy nghĩ hoặc trả lời nữa, lòng tràn đầy kiêu hãnh vì thắng lợi, MacCônno hét to bảo ông ta: “Tất nhiên! Nhưng một mình ông sẽ đánh với ông ấy! Một mình ông đánh với Xzentôvic!”
Một sự việc thật đáng sửng sốt liền xảy ra. Hoàn toàn tập trung đến kỳ lạ vào bàn cờ rỗng quân, người lạ mặt giật mình khi thấy mọi cặp mắt đổ dồn nhìn ông chăm chăm và nghe thấy được mời một cách nhiệt tình như vậy, ông đâm bối rối.
- Các ông ạ, không đời nào đâu, - ông ta lúng túng ấp úng. – Hoàn toàn không thể được đâu… tôi sẽ không tham dự là do… hai mươi hoặc hai mươi nhăm năm nay tôi chưa được thấy một bàn cờ… tôi đã xen vào ván cờ của các ông mà không hỏi xin phép và mãi lúc này, về phía mình tôi thấy thật chẳng đúng lúc tí nào… mong các ông bỏ quá cho sự quấy rầy này… tôi xin hứa là sẽ không tái phạm lại nữa. – Và trước khi chúng tôi hết ngạc nhiên, bình tĩnh lại, ông ta đã rời khỏi phòng.
- Không thể như thế được – MacCônno vừa điên tiết nói oang oang vừa đấm tay xuống mặt bàn. – Người này đã hai mươi nhăm năm không đánh cờ! Hoàn toàn vô lý! Ông ấy tính từng nước đi một, biết rõ trước mấy nước trong chiến thuật của đối phương. Không ai có thể chơi mà không được chuẩn bị gì cả như vậy. Hoàn toàn không thể được, đúng không nào? – MacCônno vô tình quay về phía Xzentôvic khi nói mấy lời cuối này. Nhưng nhà vô địch cứ thản nhiên như không.
- Tôi không biết trả lời ông thế nào. Đúng là ông ấy đã chơi một cách lý thú, vì vậy tôi chủ tâm tạo điều kiện để ông ấy đánh thắng, - Xzentôvic nói lúc đứng lên, đoạn nói tiếp: - Nếu ngày mai một trong hai ông muốn đánh một ván, tôi xin hầu các ông vào ba giờ chiều.
Không kìm được, chúng tôi mỉm cười. Tất cả chúng tôi đều biết rõ Xzentôvic không có ý tỏ ra hào hiệp với vị cứu tinh không quen biết của chúng tôi, nhận xét của anh ta chỉ là một mẹo ngây thơ nhằm che giấu rủi ro của mình. Nỗi mong muốn của chúng tôi là đánh sụp tính kiêu ngạo của anh ta lại càng tăng lên. Lúc trước, vốn là những hành khách hiền lành và lờ đờ, chúng tôi bỗng hung hăng và hiếu chiến khi nghĩ rằng trên con tàu này, ở giữa đại dương, có thể Xzentôvic sẽ bị tước mất vòng vinh quanh của mình. Đây sẽ là một kỷ lục được thông báo ngay lập tức qua đài truyền thanh với toàn thế giới.
Hơn nữa chúng tôi còn bị thu hút trước sự kiện đầy bí ẩn và tính khiêm tốn gần như quá đáng của vị anh hùng của chúng tôi, tương phản hẳn với thái độ ngạo nghễ của nhà chuyên nghiệp. Người lạ này là ai? Chúng tôi đã ngẫu nhiên phát hiện ra một thiên tài mới về đánh cờ? Hay đây là một bậc thầy đã nổi tiếng muốn giấu không cho chúng tôi biết tên vì một số lý do bí hiểm? Chúng tôi đã tranh luận rất sôi nổi những câu hỏi này và những giả thuyết táo bạo nhất cũng không thể dung hòa nổi tính rụt rè và lời thú nhận kỳ cục của người lạ mặt với kiến thức hiển nhiên của ông về cờ quốc tế.
Tuy vậy, chúng tôi cũng nhất trí với nhau được một điểm: chúng tôi phải mời bằng được ông khách lạ đánh một ván cờ với Xzentôvic vào ngày mai, và MacCônno sẽ chịu mọi chi phí. Lúc đó, sau khi hỏi chiêu đãi viên, chúng tôi được biết rằng ông khách lạ là người Áo, vì tôi là đồng bào của ông nên được giao cho trách nhiệm trình bày với ông lời thỉnh cầu của chúng tôi.
***
Tôi tìm ra ngay chỗ ông ta lánh mặt ở cầu tàu. Ông ta ngồi ngả người trên một chiếc ghế bố đọc sách. Tôi đứng quan sát ông một hồi lâu trước khi bắt chuyện. Đầu ông xương xương ngả trên gối ở một tư thế hơi mệt mỏi và tôi lại sửng sốt trước nước da tái mét một cách kỳ lạ trên khuôn mặt tương đối trẻ. Tóc ông đã bạc trắng; không hiểu sao tôi có cảm giác người này già trước tuổi. Ông nhã nhặn ngồi dậy khi tôi tiến lại gần và tự giới thiệu. Họ của ông thuộc một gia đình Áo cổ rất nổi tiếng, tôi nhớ là một người bạn của Sube[3] cũng như một vị thầy thuốc của hoàng đế cũng có tên họ như vậy.
Khi nghe tôi trình bày nguyện vọng của chúng tôi, ông xem ra rất bối rối. Tôi nhận thấy ông không hề có ý định đánh cờ với một nhà vô địch và nhất là với nhà vô địch nổi tiếng nhất của thời đại. Sự kiện này hình như đã gây rất nhiều ấn tượng đối với ông vì ông nhiều lần hỏi xem việc tôi đề xuất có chắc chắn không và đối thủ của ông có đúng là một bậc thầy nổi tiếng như vậy không. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ của tôi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy ông rất tế nhị nên đã chẳng hề hé răng nói lời nào là MacCônno đảm nhiệm những phí tổn về vật chất. Sau hồi lâu do dự, ông B. tuyên bố sẵn sàng chấp nhận lời thách thức, “nhưng”, ông nói thêm và cười vẻ trầm ngâm, “mong ông nói lại với các ông ấy đừng quá đặt nhiều hy vọng vào tôi. Thật ra, tôi không rõ bản thân tôi có thể đánh một ván cờ theo đúng luật không? Mong ông hiểu cho, tôi nói thực tình không hề có chút khiêm tốn giả dối nào, tôi xin thú nhận là suốt từ dạo còn là học sinh trường trung học đến nay, nghĩa là trên hơn hai chục năm, tôi chưa hề đụng đến bàn cờ một lần nào. Hơn nữa, dạo đó tôi chỉ là một người đánh cờ xoàng”.
Ông B. nói những lời ấy với giọng chất phác nên tôi tin rằng ông thành thực. Tuy nhiên, tôi không thể không bày tỏ nỗi ngạc nhiên của tôi là tại sao ông lại nhớ chính xác những chiến thuật của nhiều bậc thầy khác nhau mà ông đã kể tên, chắc hẳn, ông rất quan tâm đến môn đánh cờ, ít ra là về mặt lý thuyết. Nghe thấy vậy, ông B. lại trầm ngâm cười, vẻ kỳ lạ.
- Kể ra thì tôi cũng quan tâm đấy! Chỉ chúa mới biết rõ điều ông vừa nói đúng tới mức nào. Nhưng sự việc diễn ra trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt, có thể nói là có một không hai. Đây là một câu chuyện khá phức tạp và có thể dùng làm minh họa cho thời đại thú vị chúng ta đang sống. Nếu ông có đủ kiên nhẫn để nghe tôi kể lại độ nửa tiếng…
Ông B. ra hiệu mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bố đặt bên ghế của mình. Tôi vui vẻ nhận lời. Chỉ có mỗi hai chúng tôi. Ông B. bỏ kính ra và bắt đầu kể:
- Ông đã có nhã ý cho tôi biết ông là người Viên và đã biết rõ tên họ tôi. Tuy nhiên tôi cho rằng ông chưa từng nghe nói tới văn phòng luật sư, thoạt đầu tôi đã cùng thân phụ tôi quản lý, sau đó có mỗi mình tôi thôi. Chẳng là chúng tôi đã không biện hộ cho những vụ kiện đáng chú ý mà người ta đã nói tới trên các báo và chúng tôi đã không tìm cách bổ sung khách hàng của mình. Thật ra, chúng tôi đã không hoàn toàn làm đúng chức năng văn phòng của chúng tôi. Chúng tôi chỉ hạn chế trong việc làm cố vấn về mặt tư pháp và quản lý tài sản của những tu viện lớn mà thân phụ tôi – trước đây là phái viên của phái tăng lữ - đã có những quan hệ mật thiết.
“Hơn nữa – tôi cũng chẳng giấu gì ông, vì chế độ quân chủ vẫn tồn tại đến tận ngày nay – một số thành viên trong hoàng tộc đã trao cho chúng tôi nhiệm vụ quản lý tài sản của mình. Những mối quan hệ với triều đình và tăng lữ này chúng tôi đã xây dựng được suốt hai thế hệ: một là do người bác làm thầy thuốc của hoàng đế, một nữa là do trưởng tu viện ở Xaitenxtetten, và ngày nay chúng tôi chỉ còn việc cố duy trì chúng. Đấy là một hoạt động trầm tĩnh, có phần thầm lặng mà chúng tôi đeo đuổi ấy cũng là do cha truyền con nối và về phần mình chúng tôi cũng chỉ cần gìn giữ hai đức tính mà thân phụ đã quá cố của tôi đã có ở mức độ cao nhất: cực kỳ kín đáo và lòng trung thực đã được thử thách. Tuy lạm phát và nhiều thay đổi ở tầng lớp quí tộc, thân phụ tôi quả đã giữ được cho khách hàng một phần khá lớn tài sản của họ.
“Khi Hitle lên nắm quyền ở Đức và bắt đầu vơ vét Giáo hội và các nhà tu, để tránh, ít ra những động sản của khách hàng chúng tôi không bị động đến, chúng tôi đã tìm các chuyển chúng ra nước ngoài. Dạo đó, thân phụ tôi và tôi biết rõ những hoạt động chính trị bí mật của Rôm và hoàng tộc mà công chúng sẽ không bao giờ hay biết cả. Nhưng chính do tính chất kín đáo của văn phòng chúng tôi – ngoài cửa cũng chẳng gắn một tấm biển nào – và do thận trọng chúng tôi đã không công khai tiếp xúc với giới những người quân chủ nên không bị nhòm ngó điều tra. Không một nhà chức trách nào ở Áo đặt vấn đề nghi là gần như toàn bộ thư từ bí mật của hoàng tộc đều do một văn phòng chẳng ai thèm để mắt nằm ở tầng năm một căn nhà đã chuyển đi.
“Thế mà, từ lâu, trước khi tung quân đội xâm chiếm thế giới, bọn Quốc xã đã tổ chức ở tất cả các nước láng giềng một đội quân khác cũng nguy hiểm và được luyện tập kỹ như đội quân trên, gồm những tên bất bình và bất mãn của mọi chế độ chính trị khác nhau, bọn này luồn lách vào từng văn phòng, từng xí nghiệp và có cơ sở điệp viên tận văn phòng riêng của Đônphux và Susnic. Than ôi! Tôi phát hiện quá muộn người của chúng cũng đã lọt được vào văn phòng nhỏ bé của chúng tôi. Thật ra, hắn chỉ là một nhân viên quèn thảm hại mà chúng tôi đã tuyển theo lời giới thiệu của cha xứ để văn phòng chúng tôi có dáng vẻ bình thường. Chúng tôi chỉ giao cho hắn chạy những việc vô hại, trả lời điện thoại và sắp xếp những giấy tờ vô nghĩa. Hắn không được bóc thư tín, tự tay tôi đánh máy những thư quan trọng, không để lại bản sao ở văn phòng, tôi đem về nhà những tài liệu quan trọng và gặp gỡ bí mật, cho ý kiến tại tu viện hoặc tại chỗ bác tôi.
“Nhờ đề phòng như vậy, ở văn phòng chẳng còn gì quan trọng để rình mò. Chắc do một rủi ro bất ngờ nào đấy, cái tên đầy tham vọng này đã phát hiện bị nghi ngờ và mọi chuyện đã diễn ra sau lưng hắn. Có lẽ, khi tôi vắng mặt, một người đưa tin thiếu thận trọng đã gọi “hoàng thượng” thay vì “nam tước Bern” như đã quy định, hoặc cái tên vô lại ấy đã bóc trộm thư, không chấp hành lệnh. Chắc Munic hay Berlin đã trao cho hắn nhiệm vụ theo dõi chúng tôi, trước khi tôi nảy ra ý nghi ngờ hắn. Chỉ mãi sau này và khi bị bắt tôi mới nhớ lại thái độ đột nhiên sốt sắng của hắn vào thời gian cuối lúc còn đang làm việc ở chỗ chúng tôi và những lời năn nỉ của hắn muốn giúp chúng tôi đi bỏ thư ở bưu điện. Về phần mình, tôi cũng thành khẩn nhận ra là tôi thiếu lo xa, nhưng biết bao những nhà ngoại giao và sĩ quan đã bị lừa vì sự nham hiểm của cái bọn này?
“Ít lâu sau, tôi có một chứng cớ xác thực cho thấy bọn Gextapô đã để ý đến tôi từ lâu: ngay tối hôm Susnic từ chức, rạng sáng hôm quân của Hitle vào Viên thì tôi bị bọn SS bắt. May mà ngay sau khi nghe bài diễn văn từ biệt của Susnic, tôi đã vội đốt mọi giấy tờ quan trọng nhất và một phút trước khi bị bọn cảnh sát gõ cửa, tôi đã giấu vào làn quần áo gửi cho bác tôi, qua bà quản gia già trung thành của tôi, toàn bộ giấy tờ cần thiết công nhận quyền của Susnic được sở hữu tu viện của mình và quyền của hai quận công Đônphux và Susnic có những sở hữu khác ở nước ngoài”.
Ông B. ngừng kể để châm một điếu xì gà. Ánh lửa rọi sáng miệng ông; cơ mép ông giật mạnh, trước đây tôi ngạc nhiên nhận thấy hiện tượng này đã làm miệng ông bị méo về bên phải. Đây chỉ là một động tác thoáng qua, khó nhận thấy, nhưng nó tạo cho khuôn mặt ông có dáng vẻ lo lắng kỳ lạ.
“Chắc ông nghĩ rằng bây giờ tôi sẽ nói ông nghe về một trại tập trung nhốt biết bao người Áo đã trung thành với Tổ quốc của họ và tôi định mô tả lại tất cả những điều nhục nhã và những cảnh tra tấn mà con người đã phải chịu đựng trong trại đó? Nhưng chuyện ấy không hề xảy ra với tôi. Tôi bị xếp vào một loại đặc biệt. Bọn chúng không nhốt tôi cùng với những người khốn khổ mà chúng đã dùng nhục hình và đày đọa về tinh thần để trả mối hận thù có từ lâu, bọn Quốc xã liệt tôi vào nhóm người không đông lắm mà chúng hi vọng moi được tiền của và tài liệu quan trọng. Về bản thân tôi, bọn Gextapô chẳng quan tâm đến thân phận nhỏ nhoi này đâu.
“Chắc hẳn bọn chúng đã tìm hiểu được rằng chúng tôi là những người quản lý đáng tin cậy của kẻ thù kiên quyết nhất chống **** của chúng, và điều chúng muốn khai thác ở tôi là những tài liệu. Những tài liệu dùng làm chứng cớ không chối cãi được chống lại các tu viện nhằm cướp đoạt tài sản của tu viện và còn dùng để chống hoàng tộc. Không phải vô cơ, bọn chúng cho rằng những tài sản qua tay chúng tôi chắc còn sót lại khá lớn và được cất giữ ở nơi khó moi. Do đó, bọn chúng đã bắt giữ tôi ngay hôm đầu để dùng những biện pháp mà chúng cho rằng sẽ có hiệu quả tuyệt vời buộc tôi phải phun ra.
“Những người loại này không bị nhốt trong trại tập trung, bọn chúng đã dành cho họ một hoàn cảnh sinh hoạt đặc biệt. Có lẽ ông vẫn còn nhớ rằng cả ********* của chúng tôi lẫn nam tước Rốtsin đều không bị nhốt sau lớp rào dây thép gai, mà chúng đã ưu ái để các vị ấy sống ở khách sạn, mỗi người một phòng riêng. Đấy là khách sạn Mêtrôpôn, nơi bọn Gextapô đã đặt tổng hành dinh của chúng. Một nhân vật vô danh tiểu tốt như tôi cũng có được niềm vinh dự đó.
“Một phòng riêng tại một khách sạn – tôi đâu dám mơ ước một sự đối xử nhân đạo hơn? Ấy là, mong ông tin rằng đấy chỉ là để áp dụng một biện pháp tinh tế hơn với chúng tôi, chẳng phải vì nhân đạo mà chúng tôi được ở trong các phòng khách sạn sưởi ấm đàng hoàng chứ không phải trong những lán lạnh buốt và chật cứng. Vì bọn chúng muốn gây một sức ép tế nhị hơn là đòn vọt và các nhục hình khác để moi tài liệu ở chúng tôi. Bọn chúng bắt chúng tôi phải sống cách ly ở mức tinh tế nhất mà chúng đã nghĩ ra. Chúng chẳng làm gì chúng tôi cả - chúng chỉ để chúng tôi mặt đối mặt với cõi hư vô, vì hiển nhiên không còn gì ở trên đời này có thể đè nặng lên tâm hồn con người bằng cách đó. Tạo ra ở quanh mỗi chúng tôi một khoảng trống hoàn toàn, giam mỗi chúng tôi trong một căn buồng bịt kín, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, là chúng sử dụng một sức ép buộc chúng tôi phải khai, đảm bảo hơn roi vọt và cái lạnh.
“Thoạt nhìn, căn phòng tôi được phân xem ra cũng khá đầy đủ tiện nghi. Nó có một cửa ra vào, một chiếc giường và một chiếc ghế, một chậu và một cửa sổ bịt lưới sắt. Nhưng cửa ra vào ngày đêm bị khóa chặt, tôi không được cung cấp sách, báo, giấy và bút chì. Quanh tôi là cõi hư vô mà tôi hoàn toàn ngụp lặn trong đó. Chúng lấy đồng hồ của tôi để không còn lượng biết thời gian, bút chì để không viết gì được, dao để không thể rạch được mạch máu; tôi còn bị khước từ cả cảm giác lâng lâng ngây ngất do điếu thuốc gây nên. Tôi chẳng bao giờ thấy một bóng người, trừ tên giám ngục đã được lệnh không được nói và trả lời tôi một câu nào. Tôi chẳng bao giờ nghe thấy tiếng người.
“Cái chế độ ngày đêm bị tước bỏ những cảm giác đối với mọi món ăn tinh thần này đã đẩy tôi đến chỗ trơ trọi, trơ trọi một cách tuyệt vọng trước mỗi mình tôi và bốn hoặc năm đồ vật câm lặng: chiếc bàn, chiếc giường, chiếc cửa sổ, chiếc chậu. Tôi sống như một người thợ lặn ở trong một chiếc chuồng thủy tinh thả giữa biển đen ngòm của cảnh im lặng, nhưng đây là một thợ lặn đã cảm thấy sợi dây nối với thế giới bị đứt và sẽ không bao giờ được kéo ra khỏi những độ sâu câm lặng. Tôi chẳng có gì để làm, chẳng có gì để nghe, chẳng có gì để nhìn, quanh tôi là cõi hư vô gây cho tôi cảm giác choáng váng, một khoảng trống không kích thước trong không gian và trong thời gian. Tôi đi đi lại lại trong phòng mình, còn những suy nghĩ của tôi cũng không ngừng đi đi lại lại trong đầu tôi, theo cùng một nhịp hoạt động.
“Nhưng, do thiếu đề tài để biểu lộ như vậy, nhưng suy nghĩ cũng cần có một điểm để nương tựa, nếu không chúng sẽ tự xoay quanh chúng theo một vòng tròn điên cuồng. Chúng cũng không thể chịu đựng được sự hư vô. Từ sáng tới tối, người ta chờ đợi một chuyện gì đó, nhưng đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Người ta chờ, người ta đợi, người ta mong, những suy nghĩ cứ xoay quanh trong đầu ta tới lúc hai thái dương đau nhức. Vẫn không có chuyện gì xảy ra. Tôi vẫn có một mình tôi. Trơ trọi. Cô đơn.
“Tình trạng này kéo dài mười lăm ngày, mười lăm ngày tôi đã sống tách khỏi thời gian, tách khỏi thế giới. Chiến tranh đã nổ ra mà tôi không hay biết gì. Đối với tôi, thế giới chỉ bao gồm có một chiếc bàn, một cái cửa ra vào, một chiếc giường, một chiếc ghế, một chiếc chậu, một cửa sổ, và bốn bức tường cùng bồi một loại giấy, mà tôi cứ nhìn chăm chăm và do nhìn mãi, mỗi đường họa sinh động như đã được khắc sâu vào óc tôi.
“Cuối cùng tôi bị lôi ra hỏi cung. Tôi bị gọi đi bất thình lình không kể ngày đêm. Tôi bị điều qua các phòng giam, chẳng rõ mình đang ở đâu. Đứng đợi một lúc ở một chỗ nào đó, rồi bất thần thấy mình đứng trước chiếc bàn ngồi quanh có mấy người mặc quân phục. Trên mặt bàn để một bó giấy, một tập hồ sơ chả biết nội dung ra sao, và tôi liền bị vặn hỏi ngay, có những câu hỏi thẳng, có những câu nham hiểm, có câu cốt để moi câu khác, có câu muốn dồn tôi vào bẫy. Khi tôi trả lời, những bàn tay lạ và thù địch lật giở đống giấy ở trên bàn, ngòi bút của một kẻ ác ý ghi dựng lên một biên bản không biết đã thêm bớt ra sao. Tôi bị tra hỏi, tra hỏi hoài. Mỗi câu trả lời của tôi mang một trách nhiệm rất nặng. Nếu tôi nói ra một điều gì bọn chúng chưa biết, tôi có thể đẩy một người nào đó đến chỗ chết; nếu tôi cứ im lặng hoài thì tự gây nguy hại cho bản thân.
“Việc hỏi cung không phải là chuyện tệ hại nhất. Điều tệ hại nhất là phải quay về chốn hư vô, quay trở về căn phòng đó, đứng trước vẫn cái bàn, vẫn chiếc giường, vẫn chiếc chậu, bức tường ấy. Vì, vừa còn mỗi mình đối diện với bản thân mình, tôi liền nhớ lại cuộc hỏi cung, suy nghĩ xem lẽ ra nên trả lời thế nào thì khôn hơn, lần sau sẽ nói gì để tránh mọi ngờ vực có thể có do một nhận xét khinh xuất của tôi. Tôi suy ngẫm, đào sâu, rà soát lại từng lời khai nhân chứng của tôi, tôi cố nhớ lại từng câu hỏi, từng câu trả lời, cố nghĩ xem biên bản ghi những gì, trong khi đó biết chắc rằng mình chẳng thể đoán nổi nội dung biên bản.
“Nhưng một khi đã bật nghĩ, những suy nghĩ đó cứ luẩn quẩn, quẩn quanh trong đầu tôi và suy nghĩ này làm nảy sinh suy nghĩ khác và theo đuổi tôi mãi vào giấc ngủ. Do đó, cuộc hỏi cung kết thúc, nhưng đầu óc tôi vẫn bị giày vò một cách nghiệt ngã, còn ác độc hơn cả sự hành hạ của các quan tòa, vì phiên tòa xét xử trong có một giờ, nhưng trong phòng tôi, nỗi cô đơn hành hạ tôi triền miên. Tại căn phòng đó, những suy nghĩ, những tưởng tượng điên rồ, những thâu tóm trì trệ của tôi chẳng tìm được cách giãn căng. Chính đây là điều bọn đao phủ của tôi mong muốn, bọn chúng làm cho những suy nghĩ của tôi cứ bị búi lại đến mức đầu óc đặc quánh lại chẳng còn cách nào khác phải để chúng phì ra, hay nói một cách khác phải thú nhận, thú nhận tất, như vậy là phải giao nộp bè bạn tôi, phải khai ra những điều bọn chúng mong muốn. Tôi cảm thấy thần kinh tôi bắt đầu dần dần bị chùng giãn trước sức ép ghê gớm ấy, và tôi bị căng thẳng tột độ phải tìm kiếm một sự khuây khỏa.
“Để coi như bản thân đang bận rộn một công việc gì đó, tôi ngân nga đọc hoặc nhớ lại được đâu hay đó những gì trước đây đã học thuộc lòng, những bài dân ca và những vần thơ của con trẻ, những đoạn thơ của Hôme đã học thuộc hồi còn ở trường trung học, những đoạn trong Bộ dân luật. Sau đó, tôi làm các phép tính cộng, chia những con số. Nhưng trong cảnh nhàn rỗi đó, trí nhớ của tôi chẳng nhớ được gì. Tôi chẳng tập trung vào được điều gì. Lúc nào tôi cũng chỉ suy nghĩ một vấn đề: chúng đã biết được những gì? Hôm trước mình đã nói gì? Lần sau phải nói những gì?
“Tôi đã phải sống bốn tháng trời trong những điều kiện không bút nào tả xiết đó. Bốn tháng, viết và nói ra thì thật là nhanh chóng. Chỉ cần một phần tư giây cũng đủ để thốt ra ba từ này: bốn tháng trời. Chỉ cần vài nét chữ là đủ để ghi lại mấy từ ấy. Những phác họa, diễn tả ra sao đây, dù cho bản thân tôi thôi, cuộc sống thoát ra khỏi không gian và thời gian ấy? Không ai có thể nói rõ cái cảnh trống rỗng khắc nghiệt đó hủy hoại và tàn phá ta như thế nào và đôi mắt cứ phải triền miên nhìn mãi chiếc chậu và giấy bồi tường này, sự im lặng mà ta bị nhấn chìm vào, thái độ của tên giám ngục – lúc nào cũng độc mỗi tên đó – đặt thức ăn trước mặt tù nhân mà không thèm ngó nhìn người tù, tác động đến ta như thế nào. Những suy nghĩ, lúc nào cũng vẫn suy nghĩ ấy, xoay xoay trong khoảng tường quanh cảnh cô đơn làm cho tù nhân phát điên mới chịu buông tha.
“Qua những dấu hiệu nhỏ đáng lo ngại, tôi nhận thấy đầu óc bị rối loạn. Thoạt đầu, khi đứng trước bọn phán hỏi tôi, đầu óc tôi minh mẫn và tôi khai một cách bình tĩnh và có cân nhắc suy nghĩ; tôi đắn đo lựa trong óc xem cần nói gì và tránh không nói những gì. Về sau tôi không thể nói nổi một câu rất giản đơn mà không bị lắp và khi nói mặt tôi cứ nhìn chăm chăm như bị thôi miên ngòi bút của viên lục sự đang lướt trên trang giấy tựa hồ như tôi chạy đuổi theo những lời của tôi. Tôi thấy sức lực tôi giảm sút và sắp đến lúc, do hy vọng được giải thoát, tôi sẽ khai tất những gì tôi biết, và còn khai bừa thêm nữa để thoát khỏi nanh vuốt chán ngắt của hư vô, tôi sẽ phải phản bội dù mười hai người và tiết lộ bí mật của họ, miễn sao được một lát nghỉ ngơi.
“Và một buổi tối, tôi đã lâm vào đúng tâm trạng đó. Tên giám ngục mang đồ ăn đến cho tôi, lúc gã chuẩn bị bước ra ngoài, tôi đã quẫn uất và gào lên: “Dẫn tôi đến gặp các viên thẩm phán! Tôi sẽ khai tất!” Cũng may tên giám ngục không nghe. Có lẽ gã chẳng muốn nghe tôi nói gì. Đúng lúc tôi có hành động cực đoan ấy thì xảy ra một sự kiện bất ngờ đã cứu nguy cho tôi, ít ra cũng trong một thời gian. Chuyện xảy ra vào một ngày buồn tẻ và âm u hồi cuối tháng bảy. Tôi nhớ rất rõ chi tiết này vì mưa quất mạnh trên các lớp kính dọc theo hành lang dài tôi bị dẫn đi hỏi cung. Tôi phải ngồi chờ ở phòng ngoài. Bao giờ cũng phải ngồi chờ trước khi bị hỏi cung, vì đây là một khâu trong phương pháp. Bọn chúng làm thần kinh của người bị buộc tội lung lay bằng cách thình lình đang giữa nửa đêm đến lôi đi, sau đó khi tù nhân trấn tĩnh lại, cố tập trung toàn bộ nghị lực để đương đầu với cuộc hỏi cung sắp tới thì bắt người đó đợi, đợi một cách vô lý trong một, hai ba giờ trước khi hỏi cung, nhằm làm xẹp cả tinh thần lẫn thể xác. Vào cái ngày 27 tháng bảy đó, tôi đã phải đứng ngoài phòng đợi suốt hai tiếng đồng hồ; tại sao tôi lại nhớ chính xác như vậy ngày hôm đó, chẳng là trên tường có treo một bìa lịch, và do cứ phải đứng mãi – tất nhiên tù nhân cấm không được ngồi – tôi bị chồn chân, nên thèm được đọc một cái gì đó, tôi liền đưa mắt đọc ngấu nghiến hàng chữ ngắn ngủi: 27 tháng bảy nổi bật trên vách tường.
“Sau đấy, tôi lại đợi, tôi đưa mắt nhìn cánh cửa, thầm nghĩ không biết bao giờ nó bật mở và tự hỏi không biết lần này bọn thẩm phán sẽ vặn vẹo những gì, tuy biết chắc rằng bọn chúng sẽ chẳng hỏi những câu mà tôi đã chuẩn bị. Tuy thấy lo ngại cứ phải đợi chờ mãi, tuy mệt mỏi, nhưng dẫu sao tôi cũng được an ủi là tôi hiện đang đứng tại một phòng khác với phòng tôi, một phòng rộng lớn có hai cửa sổ không có giường và không có chậu, gỗ lát tường không có mấy chỗ toác mà tôi đã nhận thấy phải tới triệu lần ở trong phòng tôi. Màu vecni cũng khác, ghế cũng khác; phía bên trái cửa ra vào có một chiếc tủ xếp đầy hồ sơ và một tủi treo áo có treo ba, bốn áo bành tô nhà binh ướt sũng, đó là áo của bọn đao phủ hành hạ tôi.
“Như vậy, tôi được nhìn thấy những đồ vật mới – cuối cùng, có cái mới – và cặp mắt tôi nhìn chăm chăm không dứt ra được. Tôi nhìn kỹ từng đường nếp trên những chiếc áo bành tô ấy và tôi quan sát, chẳng hạn, một giọt nước ở mép cổ áo ướt. Tôi xúc động chờ, kể cũng kỳ cục, xem giọt nước sẽ lăn dọc theo nếp áo hay còn cố cưỡng lại lâu hơn nữa trước sức nặng của nó, đúng, tôi hổn hển nhìn chăm chăm giọt nước mưa đó trong mấy phút, tựa hồ cuộc đời tôi do chính nó định đoạt. Và khi cuối cùng nó rơi, tôi bắt đầu đếm các cúc trên từng chiếc áo bành tô, áo thứ nhất có tám cúc, áo thứ hai – tám và áo thứ ba – mười; đoạn tôi so sánh lại tay các áo. Mắt tôi say đắm nhìn những chi tiết vô nghĩa này thật thích thú và thỏa thuê mà tôi không thể dùng lời nào diễn tả được.
“Và mắt tôi bỗng để ý đến một vật, một vật phồng phồng trong một túi áo. Tôi tiến lại gần và nhận ra qua lần vải giãn căng khổ hình chữ nhật của một cuốn sách. Một cuốn sách! Đầu gối tôi run lên: một cuốn sách! Bốn tháng nay tôi không được cầm trên tay một cuốn sách nào và chỉ riêng sự hiện diện của nó cũng đủ làm tôi choáng người. Một cuốn sách trong đó tôi sẽ được thấy các từ xếp thẳng hàng nối nhau liên tiếp, những dòng chữ, những trang sách, những tờ sách mà tôi có thể lật giở. Một cuốn sách mà tôi có thể dõi theo những suy nghĩ khác, những suy nghĩ mới làm chuyển hướng suy nghĩ của tôi và tôi có thể lưu lại ở trong đầu, đây đúng là một phát hiện vừa thật say sưa và vừa dịu dàng biết bao! Cặp mắt tôi nhìn chăm chăm như bị thôi miên vào chiếc túi căng hình cuốn sách, mắt tôi như nảy lửa muốn hun cháy một lỗ trong chiếc áo bành tô ấy. Tôi không kìm nén được nên sán lại bên chiếc áo. Chỉ riêng cứ nghĩ là mình sẽ được nắm một cuốn sách, dù qua lớp vải, cũng làm các ngón tay tôi nóng ran lên như phải bỏng. Tôi gần như vô tình cứ sán sát lại bên chiếc áo bành tô.
“May mà tên giám ngục không chú ý tới thái độ kỳ cục của tôi. Chắc gã nghĩ rằng một người phải đứng suốt hai giờ liền, nếu có đến đứng tựa một lát vào vách tường thì cũng là điều tự nhiên. Cuối cùng tôi đã ở bên chiếc áo bành tô và tôi chắp hai tay ra sau lưng để có thể lén sờ vụng được, tôi nắn lần vải và đúng là cảm thấy một vật hình chữ nhật mềm mềm và khẽ phát ra những tiếng răng rắc nhẹ - một cuốn sách! Đúng là một cuốn sách! Bỗng một ý nghĩ lóe lên như tia chớp ở trong đầu tôi: cố xoáy cuốn sách này! Nếu xoáy được, nhà ngươi có thể giấu nó ở phòng nhà ngươi và đọc, đọc, đọc, đọc đi, đọc lại! Ý nghĩ này vừa nảy ra ở trong đầu, nó tác động ngay vào tôi như một liều thuốc độc mạnh, tôi ù hết cả tai, tim đập thình thịch, tay lạnh cóng và không chịu phục tùng tôi nữa.
“Tuy vậy, trạng thái sững sờ ban đầu vừa qua đi, tôi khéo lép nép sát người vào áo bành tô và vừa đưa mắt chăm chăm nhìn tên giám ngục vừa từ từ đẩy cuốn sách ra khỏi miệng túi. Hấp! Tôi thận trọng đón lấy nó và cầm ở nơi tay một cuốn sách khá mỏng. Mãi lúc này tôi mới thấy hốt hoảng trước việc mình vừa làm. Nhưng tôi không thể lùi bước được nữa rồi. Cất giấu nó ở đâu bây giờ? Vẫn ở sau lưng tôi luồn nó vào thắt lưng và đẩy nhẹ tới ngang hông để khi đi tôi có thể giữ nó bằng cách kẹp tay sát mép quần như kiểu nhà binh. Bây giờ tôi thử xem cách đó có ổn không. Tôi rời khỏi tủ treo áo, đi một, hai, ba bước. Ổn rồi. Tôi có thể giữ cuốn sách ở nguyên một chỗ nếu áp thật sát cánh tay vào người, tại ngang thắt lưng.
“Đến lúc tôi bị lôi vào hỏi cung. Tôi phải hết sức cố gắng chưa từng thấy, vì tôi phải tập trung toàn bộ chú ý vào cuốn sách và cố giữ cho nó khỏi tụt xuống hơn là vào lời khai nhân chứng. Cũng may, hôm đó buổi hỏi cung không kéo dài và tôi đưa được cuốn sách về phòng tôi. Tôi không muốn đi vào chi tiết nhưng một lần, lúc đi dọc hành lang nó đã tụt quá sâu thật nguy hiểm, tôi giả vờ như bị lên cơn ho dữ dội cúi gập người xuống và kín đáo đẩy nó giắt vào thắt lưng. Khi quay về tới chốn địa ngục của tôi, đây là giây phút không thể quên được, cuối cùng lại trơ trọi một thân một mình, thế nhưng lúc này tôi có cái vật quý này làm bầu bạn.
“Chắc ông nghĩ rằng tôi liền lôi cuốn sách ra khỏi chỗ cất giấu để nhìn ngắm và đọc. Nhưng không. Thoạt đầu tôi muốn tận hưởng niềm vui do chỉ riêng sự hiện diện của cuốn sách đã đem lại cho tôi và tôi dềnh dàng kéo dài giây lát được nhìn thấy nó để có cái thú tuyệt diệu là mơ mộng xem nội dung sách nói gì. Trước hết tôi ước mong sao sách in chữ thật dày, bài thật nhiều, giấy thật mỏng để tôi có nhiều cái mà đọc. Tôi cũng còn hy vọng rằng đây sẽ là một tác phẩm khó, phải vận dụng khá nhiều tri thức mới đọc nổi, sẽ là một tác phẩm có thể học thuộc lòng, tác phẩm thơ ca, và nếu là tác phẩm viết về một ước mơ táo bạo, tác phẩm của Gớt hay Hôme thì thích hơn. Cuối cùng, tôi không thể kìm nổi nỗi khao khát và lòng tò mò của tôi. Tôi ra giường nằm ở tư thế sao cho nếu tên giám ngục có vào đột xuất thì cũng không thể tóm được, rồi run rẩy lôi cuốn sách giắt ở thắt lưng ra.
Thoạt nhìn cuốn sách tôi đã bực mình và cay đắng thất vọng: cuốn sách mà tôi đã phải cực kỳ mạo hiểm để nẫng nhẹ, cuốn sách đã khơi gợi trong tôi một niềm hy vọng cháy bỏng biết bao chỉ là một cuốn sách dạy đánh cờ, một tập hợp gồm một trăm năm mươi ván cờ của các bậc thầy. Nếu không bị nhốt khóa trái cửa chắc trong cơn tức giận tôi đã quẳng cuốn sách này qua cửa sổ rồi, vì trời đất quỷ thần, tôi cần quái gì cái đồ sách chuyên luận này? Hồi học ở trường trung học, tôi cũng như đa số bè bạn đã từng tập tọng đi Binh trên bàn cờ vào lúc buồn chẳng biết làm gì. Nhưng còn với tác phẩm lý thuyết này thì tôi sử dụng ra sao đây? Đánh cờ mà không có đối thủ, lại chẳng có bàn lẫn quân thì đánh thế nào?
“Tôi chán ngán lật giở cuốn sách, hy vọng rằng có một cái gì đó như lời giới thiệu, lời chỉ dẫn để đọc. Nhưng nó chỉ gồm toàn những biểu đồ các ván cờ nổi tiếng, ở dưới ghi những ký hiệu thoạt đầu tôi chẳng hiểu gì cả: a2 – a3, Sf1 – g3, v.v… Tôi thấy đấy là những dòng mật mã mà tôi không có khóa.
“Dần dần tôi vỡ lẽ các chữ cái a, b, c chỉ các đường gọi là cột dọc, các số 1, 2, 3 chỉ các đường gọi là dòng ngang, và qua tọa độ cột dọc, dòng ngang có thể xác định vị trí của từng quân cờ trong ván cờ. Như vậy sự biểu diễn hoàn toàn mang tính chất đồ thị này cũng là một loại ngôn ngữ. Tôi tự nghĩ là mình cũng có thể làm một bàn cờ và sau đó chơi các ván cờ này. Nhờ Trời, tôi nhận thấy vải trải giường của tôi là vải kẻ ô vuông. Nếu gập cẩn thận tấm vải trải giường tôi sẽ có một bàn cờ với sáu mươi tư ô. Tôi liền cất giấu cuốn sách dưới đệm sau khi đã xé lấy ra trang đầu, đoạn tôi véo một ít ruột bánh mì trong suất ăn của tôi và nặn các quân cờ, quân Tướng, quân Hậu, quân Xe, và các quân khác. Các quân cờ tuy méo mó, nhưng tôi đã loay hoay tái tạo lại trên tấm khăn trải giường kẻ ô vuông vị trí các quân cờ trình bày trong cuốn sách giáo khoa.
“Tuy nhiên, thoạt đầu tôi không thể đánh trọn cả ván vì tôi dùng bụi lăn bột nặn quân “đen” nên cứ thường bị lẫn lộn. Cái ván đầu tiên ấy tôi phải đánh đi đánh lại đến năm, mười, hai chục lần. Nhưng trên đời liệu còn ai có nhiều thời gian hơn tôi và bị giam cầm trong cảnh hư vô thế này, ai là người háu và kiên nhẫn hơn tôi?
“Sáu ngày sau tôi đã có thể đi các quân cờ đâu ra đấy trong ván cờ đầu tiên. Tám ngày sau, tôi không cần các quân bằng bột mì cũng có thể hình dung vị trí các quân của đối phương trên bàn cờ. Tám ngày nữa, tôi chẳng cần cả đến tấm khăn trải giường kẻ ô vuông. Những kí hiệu a1, a2, c7, c8 lúc đầu xem ra rất trừu tượng đối với tôi lúc này cứ tự động được cụ thể hóa ra thành những hình ảnh thị giác. Sự chuyển vị đã hoàn hảo. Tôi đã nhớ rất rõ từng quân cờ, hình dung ra ngay từng nước đi một trong ván cờ nêu trong sách mà không cần đến bàn cờ. Tôi như một nhạc sĩ điêu luyện chỉ cần đưa mắt nhìn qua bản dàn bè là liền nghe nổi lên toàn bộ chủ đề và hòa âm ghi trong bản dàn bè. Chỉ cần thêm mười lăm ngày nữa, tôi có thể đánh theo trí nhớ tất cả các ván cờ trình bày trong cuốn sách: do đó tôi đã nhận thấy rõ lợi ích vô cùng to lớn của việc lấy trộm táo bạo ấy, vì bây giờ tôi đã có việc để làm, cứ cho là vô bổ đi, nhưng dẫu sao đấy cũng là một công việc, nó thủ tiêu sự ngự trị của cái hư vô trong tâm hồn tôi. Với một trăm năm mươi ván cờ này, tôi có một vũ khí tuyệt vời chọi lại tính đơn điệu đến ngột ngạt của không gian và thời gian.
“Để duy trì sức quyến rũ của hoạt động mới mẻ này, tôi đã chia một cách rất quy củ một ngày của tôi như sau: đánh hai ván buổi sáng, hai ván buổi chiều, còn tối ôn qua lại cả bốn ván cờ. Như vậy thời gian của tôi lúc nào cũng kín, chứ không kéo dài lê mê một cách vô ích, và lúc nào tôi cũng thấy bận rộn vì đánh cờ có cái hay là không bao giờ làm mệt đầu óc, ngược lại nó làm cho trí lực thêm linh hoạt và dẻo dai. Sở dĩ như vậy vì khi đánh cờ, người ta tập trung toàn bộ trí năng vào một diện hẹp, dù cho gặp thế bí, căng thẳng cũng vậy. Thoạt đầu tôi máy móc tuân theo sự chỉ dẫn nêu trong sách, sau dần dần đây là một trò luyện trí thông minh mà tôi rất thích. Tôi học được cái tinh xảo, những mẹo tinh tế khi tấn, lúc đỡ, tôi nắm được kỹ thuật nhử và quật lại. Chẳng mấy chốc, tôi có khả năng nhận ra được cách đánh của từng nhà chơi cờ nổi tiếng, chẳng khác gì qua vài vần thơ là nhận ra nhà thơ nào. Thoạt đầu đây chỉ là một cách giết thời gian, nhưng sau nó là một trò giải trí thực sự, và những khuôn mặt của các nhà đánh cờ lớn như Alêcxin, Laxkơ, Bôgônglubôp, Tartakôvơ đã làm cho cách đánh cô đơn của tôi trở nên thật dễ chịu.
“Từ nay tính đa dạng đã làm cho căn phòng câm lặng của tôi trở nên nhộn nhịp, sự đều đặn trong luyện tập này làm trí năng của tôi thêm vững chắc. Kỷ luật tình thần rất chính xác này tạo nên một độ nhạy bén mới cho trí lực thể hiện rõ qua các cuộc hỏi cung; qua chơi cờ, sức chống đỡ của tôi trước những động tác giả và những mưu mô giảo quyệt đã khá hẳn lên từ lúc nào tôi cũng chẳng rõ nữa. Từ đó, tôi không hề để lộ vẻ yếu ớt nào trước mặt bọn hỏi cung tôi và tôi cảm thấy bọn chúng nhìn tôi với con mắt khá kính trọng. Chắc bọn chúng tự hỏi không hiểu sức lực đâu mà tôi đã kiên cường chịu đựng như vậy, trong khi những người khác chắc chắn đã phải khai. Giai đoạn sung sướng tôi đã đánh đi đánh lại một cách có hệ thống một trăm năm mươi ván cờ kéo dài trong ba tháng. Sau đó, tôi lại bỗng rơi vào chốn hư vô. Một ván cờ mà cứ đánh đi đánh lại tới hai hoặc ba chục lần thì chẳng còn sức hấp dẫn mới mẻ và hiệu lực của nó cũng chẳng còn nữa. Một khi tôi đã thuộc lòng từng nước một thì tiếp tục đánh nữa liệu có ý nghĩa gì? Nước trước vừa đi, nước sau đã bật ra ngay chẳng khó khăn, chẳng gây một niềm vui bất ngờ nào.
“Để việc tiêu khiển này tiếp tục có tác dụng lớn làm tôi không thể bỏ qua được thì phải có tập hai. Nhưng biết kiếm đâu ra tập hai vào lúc đó, nên tôi đã nảy ra ý định là tự nghĩ ra một ván cờ khác mà tôi tự đánh với bản thân mình hay nói đúng hơn tự mình đối đàu với mình. Tôi không rõ ông có suy nghĩ tới trạng thái tinh thần khi miệt mài lao vào cái thứ chúa tể các trò chơi này không? Trong trò này không thể có sự ngẫu nhiên; sức hấp dẫn của môn cờ là ở chỗ hai bộ óc đối chọi nhau, mỗi người một chiến thuật. Cái thú của cuộc đấu trí này là bên đen không rõ bên trắng điều quân khiển tướng ra sao và cố đoán ý đồ của nó để chống lại, trong khi đó, bên trắng cũng muốn dò ý đồ bí mật của bên đen và tìm cách phá.
“Nếu một người vừa đi các quân đen lại vừa điều khiển quân trắng thì tình huống rất mâu thuẫn. Làm sao một người vừa đi quân trắng xong thì phải quên ngay mục đích của nước đi đó để rồi lại đứng về phía quân đen đi nước tấn lại? Một sự tách đôi về suy nghĩ như vậy đòi hỏi một sự tách đôi hoàn toàn về lương tâm, sự việc này đòi hỏi một khả năng kỳ lạ trong việc tùy ý muốn tách biệt lúc nào cũng được những chức năng nhất định của não như người ta vẫn làm với một chiếc máy. Muốn đánh cờ với chính bản thân mình thì chẳng khác nào như người muốn bước đè lên bóng mình.
“Và thế là trong suốt mấy tuần liền tôi lao vào cái trò vô lý ấy. Với hoàn cảnh lúc đó của tôi, nếu không muốn bị cái hư vô khủng khiếp bao vây tứ phía nghiền nát thì buộc lòng tôi phải thử sắm vai tách đôi trong suy nghĩ giữa một cái tôi là quân trắng và một cái tôi là quân đen”.
Ông B. ngồi ngả người ra lưng ghế và nhắm mắt trong giây lát. Hình như ông cố xua đi một kỷ niệm đau buồn. Chứng máy miệng đã làm tôi chú ý lại thấy xuất hiện nơi mép ông. Sau đó ông ngồi thẳng người lên và kể tiếp:
“Tôi thấy câu chuyện của tôi kể lại, từ nãy tới giờ xem ra rõ ràng dễ hiểu. Tiếc rằng tôi không biết đoạn tiếp đây có được như vậy không. Chẳng là sự bận rộn mới của tôi làm đầu óc tôi căng thẳng đến mức tôi không tài nào làm chủ nổi bản thân mình nữa. Chắc có lẽ tôi đã có một khả năng hết sức nhỏ nhoi thoát khỏi tình trạng căng thẳng đó nếu như bản thân đứng trước một bàn cờ thực sự để có thể dự kiến mọi tình huống trong không gian. Đứng trước bàn cờ, tay được túm các quân cờ thực sự để đánh, phản xạ sẽ nhịp nhàng, người đánh cờ sẽ di chuyển từ bên này sang phía bên kia bàn cờ, do đó sẽ nhìn nhận kỹ tình huống khi nào đang ở bên quân đen, khi nào ở bên quân trắng. Nhưng đằng này tôi lại đánh với bản thân tôi hay, ta có thể nói là đánh với một con người của tôi phản chiếu trong khoảng không gian tưởng tượng, như vậy tôi phải hình dung rất rõ vị trí liên tiếp của các quân cờ, những khả năng của hai bên – và xem ra rất vô lý – tôi phải nhìn thấy rõ trong đầu sáu, tám, mười hai thế khác nhau để có thể tính trước bốn hay năm nước của hai đối thủ nằm trong một con người duy nhất là tôi.
“Để đánh những ván cờ như vậy trong không gian trừu tượng và để trù tính được cho cả hai bên chiến thuật cần thiết cho trận đấu, trí óc tôi, có thể nói là, vừa thuộc về quân trắng và lại vừa thuộc về quân đen. Những sự chia đôi suy nghĩ trong chính bản thân tôi này chưa phải là cái nguy nhất mà cái nguy nhất là mọi diễn biến của trận đấu đều diễn ra trong trí tưởng tượng: như vậy tôi có nguy cơ bất chợt chẳng biết mình phải đánh thể nào nữa và thế là lại đành phải bỏ dở ván đang đánh. Trước đây khi chơi lại những ván nổi tiếng trong cuốn sách dạy đánh cờ, tôi chẳng qua chỉ thực hiện một việc sao chép và chỉ cần nhớ lại một câu hoặc một đoạn của quy tắc. Đây là một hoạt động có giới hạn, có kỷ luật, một môn thể dục tinh thần tuyệt vời.
“Hai ván đánh vào buổi sáng, hai ván đánh vào buổi chiều, tôi cứ kéo cái công việc chán nản này chẳng mấy hứng thú. Khi đánh có nhầm lẫn, có chỗ nào do dự thì đã có chỗ dựa là cuốn sách chuyên luận nên cũng chẳng bận đầu óc lắm. Hoạt động này bổ ích đối với tôi vì người đánh cờ không phải là bản thân tôi. Quân đen hay quân trắng thắng đối với tôi không quan trọng, đấy là việc của Alêcxin hay của Bôgôngiubôp rắp ranh đoạt chức vô địch, và cái thú của tôi ở đây là cái thú của một khán giả, một người thông thạo biết đánh giá diễn biến của trận đấu và những nước đánh hay. Từ lúc tôi tìm cách đánh cờ với chính bản thân mình thì vô tình tôi đã đứng lên thách thức với chính bản thân mình. Quân đen đấu với quân trắng, như vậy tôi tự đấu với tôi và tôi lại cứ muốn thắng bản thân tôi. Khi đi quân đen, tôi cố tìm cách thắng quân trắng và khi ở bên quân trắng, tôi lại quyết thắng quân đen. Một trong hai đối thủ ở trong tôi sẽ hân hoan đắc chí và đồng thời sẽ nổi cáu khi kẻ kia đi hớ.
“Nếu đối với một người bình thường sống trong những điều kiện bình thường thì chuyện đó chẳng có gì đáng để nói nhiều. Tinh thần phân lập được tạo ra do cách ấy có gì là chuyện không thể tưởng tượng được, một sự phân đôi của nhân vật có gì là kỳ cục! Nhưng mong ông đừng quên rằng tôi bị bứt ra một cách thô bạo khỏi khung cảnh thông thường, là một người vô tội bị cầm tù, bị đày đọa trong cảnh cô đơn từ mấy tháng nay, là một người không biết trút cơn giận bị dồn nén vào cái gì và cũng như vào đầu ai. Tôi không có gì để tiêu khiển ngoài cái trò vô lý tự mình đánh với mình này, sự cuồng nhiệt và lòng mong muốn trả thù của tôi đều trút một cách mãnh liệt cả vào đấy. Trong bản thân tôi có một con người muốn vùng đứng lên bảo vệ quyền của mình, nhưng không thể chỉ đổ trách nhiệm cho một cái tôi khác mà tôi đang sắm vai; chính vì vậy những ván cờ ấy đã gây cho tôi những kích thích gần như bị ám ảnh. Thoạt đầu, tôi còn có thể đánh một cách bình tĩnh, giữa hai ván tôi nghỉ một lát để xả hơi, nhưng về sau, thần kinh tôi bị kích thích không để tôi nghỉ ngơi. Vừa đi quân trắng xong, quân đen đã liền điên tiết xong đến đứng trước mặt tôi. Ván cờ vừa kết thúc, một nửa con người tôi đã nổi lên thách đố nửa kia, vì trong tôi luôn có một kẻ thua cờ đòi phục thù.
“Tôi không thể nói, dù chỉ ang áng, trong cơn lầm lạc vô độ ấy tôi đã đánh bao nhiêu ván như vậy, có lẽ phải đến một ngàn, có lẽ hơn nữa. Tôi như kẻ bị ma ám và không cưỡng lại được, suốt ngày đầu óc tôi lúc nào cũng “chiếu hết” và “chiếu hết bằng quân Xe”, lúc nào cũng chỉ toàn thấy Binh, quân Xe, quân Vua và quân Tượng. Toàn bộ con người tôi, toàn bộ sự nhạy cảm của tôi đều tập trung vào các ô cờ tưởng tượng. Đối với tôi, niềm vui được đánh cờ đã trở thành một ước vọng mãnh liệt, một ước vọng bị câu thúc, một sự ám ảnh, một cuồng nhiệt ngày đêm không dứt ra được. Tôi chỉ nghĩ tới cờ, những vấn đề thuộc về cờ, những nước đi. Đôi khi, ngủ dậy tôi thấy trán mình đẫm mồ hôi, tôi liền nhận ra rằng tôi đã đánh cờ ngay cả trong lúc ngủ. Nếu nằm mơ khi ngủ, tôi nhìn thấy các khuôn mặt người di động theo kiểu các quân Xe, quân Mã, quân Tượng.
“Ở phiên tòa, suy nghĩ của tôi lẫn lộn lung tung. Trong những lần cuối, khi ra tòa, tôi có cảm giác tôi diễn đạt khá lờ mờ, vì các thẩm phán đưa mắt nhìn nhau vẻ sửng sốt. Sự thực là khi bọn họ tiến hành vặn hỏi điều tra và thảo luận thì tôi một mực tha thiết mong chong chóng được dẫn trở về phòng mình để lại bắt đầu trò chơi, cái trò chơi điên rồ của tôi. Một ván và rồi lại một ván nữa. Tôi thấy mình bị quấy rầy trước bất kỳ một sự dứt đoạn về thời gian, dù đấy là mười lăm phút khi tên giám ngục quét dọn phòng tôi, dù chỉ hai phút khi gã mang đồ ăn vào cho tôi. Đôi khi, bữa ăn của tôi vẫn còn nguyên trong tôi(?) cho mãi tận chiều tối vì tôi đã quên không ăn. Tôi chỉ thấy khát nước, khát kinh khủng, chắc là do cứ mải miết đánh như vậy và cứ phải suy nghĩ triền miên. Tôi uống một hơi hết sạch cả bình nước và xin gã giám ngục mang thêm nước cho tôi, nhưng chỉ một lát miệng tôi đã khô khốc.
“Cuối cùng, tôi đã bị kích thích tới mức không thể ngồi yên một phút. Suốt ngày tôi chẳng làm gì khác ngoài đánh cờ, tôi cứ đi đi lại lại trong phòng mình, bước mỗi lúc một rảo cẳng, và càng về cuối ván bước chân tôi càng thoăn thoắt. Nỗi say mê đánh thằng, đánh bại ngay chính bản thân mình dần dần trở thành một loại cuồng nhiệt. Tôi run lên vì sốt ruột, chẳng là một trong hai đối thủ nằm trong tôi luôn luôn quá chậm chạp so với bên kia. Hai đối thủ quấy phá nhau và, nếu tôi nói ra mong ông cũng đừng cho là lạ, tôi cứ hò hét thúc giục bản thân mình: “Khẩn trương lên, khẩn trương lên nào, nào” –khi một bên chưa kịp chống trả.
“Tất nhiên mãi bây giờ tôi mới biết rõ tình trạng tâm thần đó đã mang tính chất bệnh lý. Tôi không biết gọi hiện tượng này bằng một cái tên nào khác ngoài cái tên “bị đầu độc bởi môn đánh cờ” chưa hề có trong thuật ngữ y học. Điều ám ảnh này cuối cùng đã đầu độc cả thể xác lẫn tâm hồn tôi. Tôi gầy đi, giấc ngủ chập chờn không yên. Khi dậy mí mắt tôi nặng như chì phải vất vả lắm mới mở mắt được. Sức khỏe tôi bị giảm sút rất nhiều, tay tôi run đến mức lẩy bẩy mãi mới nâng được cốc lên miệng. Nhưng vừa bắt đầu vào ván cờ, tôi như người vừa được tiếp cho một sức mạnh ghê gớm. Tôi đi đi lại lại trong phòng, hai tay nắm chặt và đôi khi, tôi nghe phảng phất như qua một làn sương mù phớt đỏ giọng nói khàn khàn và độc địa của tôi gào lên: “Chiếu!” hay “Chiếu hết!”.
“Tôi không thể nói với ông cơn bệnh đã xảy ra như thế nào. Tôi chỉ biết là vào một sáng nọ, khi tỉnh dậy tôi thấy trong người khang khác. Cơ thể tôi như không phải là của tôi nữa, cơ thể tôi duỗi dài thoải mái, êm ái trong điều kiện tiện nghi thật dễ chịu. Một sự mệt mỏi mà mấy tháng nay tôi chưa từng cảm thấy, đè nặng mí mắt tôi, gây cho tôi cảm giác thật thoải mái đến nỗi tôi chỉ những muốn mở bừng mắt. Tôi cứ nằm nguyên như vậy trong vài phút, tận hưởng nỗi sững sờ của tôi, tận hưởng hơi ấm trên giường, vẻ uể oải khoan khoái. Thình lình tôi nghe có tiếng ai nổi lên phía sau tôi, nhưng tiếng nói ấm áp và sinh động, thốt ra một cách thanh thản và ông không thể hình dung nổi nỗi vui thích của tôi đâu vì hàng tháng nay tôi chỉ toàn nghe những lời nói khắc nghiệt và quàu quạu của bọn thẩm phán vặn hỏi tôi. “Ông bạn đang mơ!” tôi tự nhủ. “Ông bạn đang nằm mơ! Chớ mở mắt vội! Cố kéo dài giấc mơ của ông bạn còn hơn lại phải thấy căn phòng đáng nguyền rủa này, chiếc ghế, chiếc chậu, chiếc bàn và họa tiết muôn thuở trên giấy bồi tường. Ông bạn đang nằm mê, thôi cứ mê tiếp đi.”
“Nhưng tính tò mò đã thắng. Tôi thận trọng, từ từ mở mắt ra. Ôi, tuyệt quá! Tôi thấy mình đang ở trong một căn phòng khác, một căn phòng rộng rãi hơn phòng tôi ở khách sạn. Ánh sáng thoải mái ùa vào qua ô cửa sổ không chấn song. Ngoài kia tôi thấy có cây, hàng cây xanh lay động trước gió chứ không phải bức tường ảm đạm của tôi. Tường sơn màu trắng sáng sủa, chăn tôi đang đắp cũng màu trắng, đúng là tôi đang nằm trên một chiếc giường khác, chiếc giường không phải của tôi. Đây không phải là một giấc mơ. Có tiếng nói nhè nhẹ cất lên ở phía sau tôi. Chắc tôi rất bối rối trước phát hiện này, vì tôi nghe thấy những tiếng chân người liền bước đến bên giường. Một người phụ nữ lại gần tôi, dáng đi nhẹ nhàng, một phụ nữ đội mũ trắng, một nữ y tá. Tôi run lên vì vui thích: từ một năm nay tôi chưa nhìn thấy một người phụ nữ nào. Chắc tôi nhìn sự xuất hiện duyên dáng này với cặp mắt ngây ngất và nóng bỏng nên chị nữ y tá liền bảo: “Ông cứ bình tĩnh! Thật bình tĩnh!”. Tôi chỉ chú ý nghe giọng chị, đây là giọng của con người? Trên trái đất này vẫn còn những người không phải là thẩm phán, không phải là những kẻ tra tấn, ôi thật kỳ diệu! Vẫn còn người phụ nữ giọng dịu dàng và ấm áp gần như trìu mến này. Tôi khao khát nhìn chăm chăm chiếc miệng vừa nói với tôi những lời tốt đẹp, vì cái năm quái quỷ này đã làm cho tôi quên mất cái tốt đẹp giữa người với người. Chị nữ y tá mỉm cười với tôi, đúng chị mỉm cười, thế ra trên đời này vẫn còn những người mỉm cười. Sau đó, chị đưa một ngón tay lên miệng chị rồi lặng lẽ bỏ đi.
“Làm sao tôi lại có thể tuân lời chị nữ y tá? Ngược lại, tôi cố kiên quyết ngồi dậy đưa mắt nhìn theo chị để vẫn được ngắm nhìn con người kỳ diệu và nhân từ này. Tôi cố chống tay ngồi dậy nhưng vô hiệu. Tay phải bị bọc trong một bọc tướng màu trắng, đúng là tay bị băng bó. Thoạt đầu tôi ngơ ngác nhìn chỗ băng bó, sau dần dần nhận ra tôi đang ở đâu và suy nghĩ xem đã có chuyện gì xảy ra với tôi. Chắc bọn chúng đã làm tôi bị thương hay có thể bản thân tôi đã tự gây thương tích ở tay. Do đó tôi phải nằm ở bệnh viện.
“Buổi chiều, bác sĩ vào thăm tôi, đấy là một ông khá tử tế. Ông biết họ tên tôi và khi nói tới bác tôi – bác sĩ của hoàng thượng, giọng ông đầy vẻ kính trọng nên tôi nhận ra ngay ông chỉ mong muốn điều tốt lành cho tôi. Trong khi trò chuyện, ông hỏi tôi đủ mọi thứ và tôi ngạc nhiên khi nghe ông hỏi tôi có phải là nhà toán học hay hóa học không. Tôi trả lời tôi không phải là nhà toán học hay hóa học.
“- Lạ thật, - ông khẽ nói, - khi mê ông đã thốt lên hàng trăm những công thức lạ lắm, như c3, c4. Chẳng ai trong chúng tôi hiểu gì cả.
“Tôi gặng hỏi xem chuyện gì đã xảy ra với tôi. Ông mỉm cười, vẻ khác thường.
“- Không có gì hệ trọng lắm. Một cơn thần kinh bị kích động dữ dội. – Và rồi sau khi đưa mắt thận trọng nhìn quanh, ông nói tiếp: - Vả lại, cũng dễ hiểu thôi. Ông ở đằng ấy từ ngày mười ba tháng ba, đúng không?
“Tôi gật đầu như muốn đáp: “Vâng ạ”.
“- Chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên, với các phương pháp đó, - ông bác sĩ làu bàu. – Ông không phải là người đầu tiên. Nhưng ông đừng lo ngại.
“Qua cách ông nói và nhìn tôi, tôi hiểu rằng mình đã gặp người tốt.
“Hai ngày sau ông bác sĩ tuyệt vời đã thành thực kể tất cả những gì xảy ra với tôi. Tên giám ngục nghe thấy tôi la hét om sòm ở trong phòng tôi nên thoạt đầu gã tưởng có kẻ nào đã lọt được vào phòng tôi và tôi đang cãi lộn với người đó. Nhưng khi gã vừa bước chân vào trong phòng, tôi liền nhảy bổ vào gã, miệng hò hét một cách hung dữ: “Thế nào, đi đi chứ, đồ tồi, đồ hèn!” Tôi cứ cố chồm lên định túm cổ gã, do đó gã đã phải kêu cứu. Trong khi bọn chúng dìu tôi đến chỗ bác sĩ, tôi đã vùng thoát ra dược và do đang trong cơn hoảng loạn, tôi lao vào một cửa sổ trên hành lang. Tôi làm vỡ kính và bị một vết thương hằn sâu ở tay, ông thấy hãy còn vết sẹo đây này. Tôi đã bị đại loại lên cơn sốt não khi được đưa đến bệnh viện, nhưng các giác quan của tôi chẳng mấy nỗi đã hoàn toàn được phục hồi.
“- Tất nhiên tôi sẽ không nói với mấy ông ấy là sức khỏe của ông đã khá rồi, - vị cứu tinh của tôi dịu dàng nói tiếp: - họ có thể lại bắt ông phải tiếp tục chịu đựng. Ông cứ tin rằng tôi sẽ cố hết sức mình để gỡ khó khăn cho ông.
“Tôi không rõ ông bạn quý này đã có quan hệ thế nào với bọn đao phủ của tôi, nhưng ông đã đạt được điều ông muốn, nghĩa là tôi đã được thả. Cũng có thể bọn chúng cho rằng tôi là một người không giữ một trách nhiệm gì, cũng có thể bản thân tôi chẳng còn có ích gì cho Gextapô vì Hitle vừa chiếm Tiệp Khắc nên chúng không quan tâm đến tình hình ...
Nguồn: Sưu tầm internet (http://idoc.vn/doc-sach/van-co-ky-la.html)