PDA

View Full Version : Giai thoại ngựa



Congaco_H1R5
11-08-2011, 10:14 AM
Vì xã tắc, chân ngựa đá cũng lấm bùn

Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) tên thật là Trần Khâm, con vua Trần Thánh Tông. Ông là người có mưu trí, đã cùng Trần Hưng Đạo (1232-1300) chủ trì hai cuộc kháng chiến chống Nguyên thắng lợi. Sau đại thắng trên sông Bạch Đằng kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống bọn xâm lược nhà Nguyên, Trần Hưng Đạo rước vua Trần Nhân Tông và thượng hoàng Trần Thánh Tông về Tháng Long. Vua mở tiệc khao thưởng tướng sĩ và truyền cho dân chúng tổ chức cuộc hội vui chơi ba ngày, gọi là "Thái bình diên yến".

Truyền thuyết còn ghi: trong cuộc làm lễ ở Chiêu Lãng, nhân thấy các ngựa đá tạc ra để chầu hầu trước các miếu, điện đều có dính bùn; người ta cho rằng các ngựa đá và mọi vật vô tri của đất nước đều tham gia đánh giặc; Trần Nhân Tông bèn tức cảnh làm hai câu thơ chữ Hán:


Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng)

Trong thơ ca các đời sau, kể cả thời hiện đại, ý tưởng độc đáo này hay được nhắc đến, khơi gợi cảm hứng cho nhiều thi sĩ:


Bức thành đá chạy dài như chân móng
Bốn nghìn năm bền vững như âu vàng
Gió vô hồi lịch sử giở từng trang...
Dẫu ngựa đá, vó câu còn lấm bụi.

(ST)

Congaco_H1R5
11-08-2011, 10:14 AM
Ngựa ba chân

Có truyện kể rằng, Nguyễn Trực và Trịnh Thiết Trường cùng được cử đi sứ Trung Quốc. Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên, nhưng về thực tài thì ông Nguyễn tự biết là kém bạn. Sang Trung Quốc, hai người cùng phải làm văn. Họ bàn với nhau rằng, nếu bài làm xong mà Trịnh Thiết Trường cao điểm hơn Nguyễn Trực thì có thể ảnh hưởng đến quốc thể. Trình Thiết Trường tự nguyện viết kém đi một chút để tôn bài của Nguyễn Trực lên. Ông lại cố ý viết sai chính tả một chữ Hán. Lẽ ra chữ mã là ngựa có bốn chấm, ông chỉ viết có ba chấm thôi. Quả nhiên, bài của ông bị sút điểm. Nguyễn Trực vẫn là vị trạng nguyên xuất sắc của nước Nam.

Nhưng người Tàu thấy ông viết chữ mà thiếu nét, thì cho là ông coi khinh thiên triều, khi ông ra về, họ cho ông một con ngựa què một chân. Ông bèn lấy cái gậy buộc vào chân cụt và vẫn cứ lên yên. Ngựa vẫn đi được mấy bước. Người Tàu thấy vậy kính phục. Họ phải đổi ngựa khác cho ông về.
(ST)

Congaco_H1R5
11-08-2011, 10:15 AM
Ngựa về đường Bưởi

Thầy đồ muốn thử tài học sinh của mình, ra một vế đối:

Kiến đậu cành cam, bò quấn quít.

Thầy dùng tiểu xảo: có cam lại có quýt. Chữ quýt vừa là tiếng đệm, vừa là tên cây. Cả đám học trò loay hoay nghĩ mãi chưa ra thì chú bé hầu trà của thầy đồ đã chắp tay:

- Thưa thầy, con xin đối.

Cả thầy đồ và đám học sinh đều ngạc nhiên. Thầy đồ bảo:

- Phải học luật thơ, luật phú mới đối được chứ. Con có học gì đâu? Nhưng thôi được, cho con cứ đọc.

- Thưa thầy và xin phép các anh ở đây, con xin đối là:

Ngựa về đường Bưởi, chạy lanh chanh.

Gần như giật mình, thầy đồ đập tay xuống chiếu:

- Giỏi lắm! Giỏi lắm! Rất hay, rất chỉnh.

Thầy bảo với cả lớp:

- Các anh thấy chưa? Cam quýt đối với bưởi chanh. Hay lắm! Mà ý tứ lại khoáng đạt hào hùng hơn câu ra. Các anh nên nhớ lấy.

Thầy quay lại chú bé:

- Nhưng sao mà con lại nói đường Bưởi? Đường Bưởi ở đâu?

- Thưa thầy tha lỗi con nói đường Bưởi là vì con nghĩ đến quê con. Con ở làng Bưởi Nồi, tức là Đại Bái.

Chú bé nói đúng. Chú tên là Phạm Hoảng, quê ở Đại Bái (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Chú vốn theo nghề gò đồng của làng này. Một hôm, khi gò mảnh dát, chú lỡ đập búa vào chân. Đau qua, chú bực mình vứt đe xuống ruộng bỏ đi ở hầu trà nước cho thầy đồ. Hàng ngày, nhập tâm lời giảng của thầy, lời kể của sách, lời đọc bài của học sinh mà chú được mở mang trí tuệ.

Thấy chú bé có khiếu, thầy đồ và nhà chủ đã giúp đỡ cho chú học tập. Sau này, Phạm Hoảng đã thành công rực rỡ. Ông đỗ Hoàng Giáp đời Mạc (1535), đồng khóa với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hôm vinh quy về làng, làng không dám nhận. ÔngHoàng Giáp phải ra đám ruộng, mò lấy hòn đe mình đã vứt xuống để chứng minh với dân làng rằng chính mình quê ở Bưởi Nồi, Đại Bái.
(ST)

Congaco_H1R5
11-08-2011, 10:17 AM
Thơ của chàng thợ mộc và chuyện anh hàng xóm mắc vạ

Một anh chàng thợ mộc chữ nghĩa vào loại khá, bữa ấy đến làm cho nhà một viên quan đã về hưu. Thấy anh ta lanh lợi, ăn nói hoạt bát, viên quan bèn dò hỏi:

- Này anh kia, trước kia anh có học hành võ vẽ chữ nào không?

- Bẩm cụ, có đấy ạ!

- Thế thì anh thử làm một bài thơ vịnh con ngựa bạch của ta đang đứng ăn ở góc sân kia thử. Nếu hay, ta sẽ có thưởng.

Anh chàng thợ mộc ứng khẩu đọc ngay một bài thơ, tất nhiên là thơ chữ Hán mới chết chứ:


Bạch mã mao như tuyết
Tứ túc cương như thiết
Tướng công kỵ bạch mã
Bạch mã tẩu như phi

Nghĩa là: Ngựa trắng lông như tuyết, bốn chân cứng như sắt, ngài cưỡi con ngựa trắng, ngựa trắng chạy như bay.

Quan gật đầu khen giỏi và thưởng ngay thúng thóc với một quan tiền. Lúc ra về anh chàng thợ mộc gánh một bên đồ lề, một bên thúng thóc vì thế không cân, liền thủng thẳng nói chữ:

- Nhất bên trọng, nhất bên khinh. (Bên thì nặng, bên thì nhẹ.)

Quan nghe được, lại cho anh ta thêm một thúng thóc nữa. Về nhà, anh đem chuyện này kể lại cho mọi người. Ai cũng khen anh giỏi chữ và gặp may.

Có người hàng xóm bên nhà anh chàng thợ mộc vốn dốt đặc cán táu, một chữ nhất bẻ đôi không biết, anh lại tham lam, cũng muốn được như anh chàng thợ mộc, liền nhờ anh ta dạy cho bài thơ và nhập tâm cái câu "nhất bên trọng, nhất bên khinh" ra thóc ra bạc đó, rồi thẳng dinh quan đã về hưu ấy để xin việc làm.

Viên quan cũng hỏi anh ta y như đã hỏi anh thợ mộc. Anh chàng dẻo miệng dám nhận mình vốn là dân học trò.

- Thế thì ta sẽ ra đề thơ cho anh vịnh thử, hay thì ta thưởng.

Lúc ấy nhìn ra ngoài sân, viên quan thấy bà cụ đang quét tước, bèn bảo anh ta làm thơ vịnh cho quan nghe.

Anh chàng dốt đặc cán mai tỏ ra hơi lúng túng vì cả đời anh ta chỉ thuộc có bài thơ vịnh ngựa. Nhưng anh đã trót bẻm mép tự nhận là học trò, đành liều nhắm mắt đưa chân, đằng hắng gán ghép cho qua chuyện:

- Con xin đọc thơ vịnh bà cụ để quan nghe:

Bà cụ mao như tuyết

Vốn quan cũng chẳng giỏi giang gì, liền phê ngay:

- Ừ nghe cũng kha khá!

Được lời như cởi tấm lòng, anh ta vững tâm ứng tác mau lẹ:

- Tứ túc cương như thiết

Quan cau mặt t tỏ ý bực mình:

- Người mà lại tứ túc, bốn chân, chữ thô, ý ép, nhưng thôi, cứ tạm cho qua. Bình tĩnh đọc tiếp ta xem thử, đừng có cuống.

Mồ hôi đã vã ra, nhưng vì được quan khích lệ nên anh ta nhanh nhẩu đọc một thôi một hồi:

- Tướng công kỵ bà cụ
Bà cụ tẩu như phi.

Đến đây thì quan không chịu nổi nữa. Thằng này dám bảo: "Tướng ông cưỡi bà cụ, bà cụ chạy như bay" thì thật là quá thể, liền quát người nhà nọc ra quất cho ba chục roi vào đít. Anh chàng dốt chữ mà lại hám của, đau nhừ người đứng dậy vừa xoa bên mông bị đòn, vừa buột mồm nói tiếp câu nói chữ học mót được của anh thợ mộc:

- Nhất bên trọng, nhất bên khinh.

Viên quan bèn nổi giận lôi đình, thét quân hầu đầy tớ phét cho anh ta ba chục roi nữa vào mông bên kia để cho cân, khỏi tị bên trọng bên khinh.
(ST)

Congaco_H1R5
11-08-2011, 10:18 AM
Sáu cẳng nhanh hơn bốn vó

Có một thầy cai sai anh lính lệ mang đi gấp một tờ trát, bây giờ ta gọi là công văn. Vì việc khẩn, thầy cai bảo anh lính lệ lấy ngựa mà cưỡi cho nhanh.

- Dạ dạ, vâng vâng - Anh lính lệ vào tàu dắt một con ngựa và đi.

Đến đường cái, anh ta vẫn dắt ngựa mà đi như thế chứ không cưỡi. Quần xắn lên tận đầu gối, anh lính lệ cắm đầu cắm cổ chạy bộ theo con ngựa đang chuyển dần sang nước kiệu.

Thấy bộ dạng kỳ lạ, người đi đường hỏi anh ta:

- Ơ này anh lính kia, anh điên hay sao mà không cưỡi ngựa chạy cho mau, lại cứ lếch tha lếch thếch đuổi theo hả?

Anh lính lệ cảm thấy bị xúc phạm. Không phải tay vừa, anh ta nói "phăng-xi-lô":

- Rõ khéo, có ông điên thì có. Ai đời bốn vó lại đòi nhanh hơn sáu cẳng. Hứ!
(ST)

Congaco_H1R5
11-08-2011, 10:19 AM
Hạng Vũ, nàng Ngu Cơ và con ngựa Chuy

Khi ấy quân Hán tấn công Sở, Hạng Vũ đang đóng quân trong thành Cai Hạ binh ít, lương hết. Quân hán và quân chư hầu bổ vây mấy vòng. Đang đêm, Hạng Vũ nghe quân Hán ở bốn mặt đều hát giọng Sở, thất kinh nói:

- Hán đã lấy được Sở rồi sao?

Hạng Vũ vùng dậy, uống rượu trong trướng, lòng đầy bi phẫn. Có mỹ nhân thường đi theo tên là Ngu Cơ, có con ngựa thường cưỡi khi chinh chiến tên là Chuy.

Hạng Vũ cảm khái xót xa, làm một mạch bài thơ trong đêm đẩy không khí bi hùng ấy:


Lực bạt sơn hề khí cái thế
Thời bất ngộ hề Chuy bất thệ
Chuy bất thệ hề khả nại hà
Ngu hề ngu hề nại nhược hà!

Như Thành dịch thơ như sau:


Sức nhổ núi, khí trùm đời,
Ngựa Chuy chùn lại bởi thời không may!
Ngựa sao chùn lại thế này?
Ngu Cơ hỡi, tính sao đây hởi nàng?

Hạng Vũ ca mấy lần, Ngu Cơ hát theo, hát xong liền tự sát. Hạng Vũ khóc chảy nước mắt. Tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng đầu lên nhìn.

Hạng Vũ bèn lên mình ngựa, đang đêm cùng binh sĩ, tất cả đều cưỡi ngựa, phá vỡ vòng vây, xông ra phía nam, phi ngựa chạy. Cuộc chiến còn tiếp diễn đến tận bờ sông Ô Giang thì gặp người đình trưởng Ô Giang cắm thuyền đợi. Hạng Vũ tỏ ý muốn đi về phía đông, nhưng người đình trưởng khuyên Hạng nên vượt sông. Hạng Vũ cười mà rằng:

- Trời hại ta, ta vượt qua sông làm gì. Vả chăng Tịch này cùng tám ngàn con em Giang Đông vượt Trường Giang đi về hướng tây, nay không còn lấy một người trở về. Dù cho các bậc cha anh ở Giang Đông thương ta, cho ta làm vương, ta chẳng còn mặt mũi nào mà thấy họ nữa. Dù họ không nói. Tịch này há chẳng thẹn trong lòng sao?

Bèn bảo đình trưởng:

- Ta biết ông là bậc trưởng giả, ta cưỡi con ngựa Chuy này năm năm nay, đi đến đâu cũng vô địch, thường một ngày đi ngàn dặm, ta không nỡ giết, xin biếu ông.

Hạng Vũ bèn sai kỵ binh đều xuống ngựa đi bộ, cầm khí giới ngắn để tiếp chiến. Một mình Hạng Vũ giết chết mấy trăm quân Hán, thân bị hơn mười vết thương, quay lại thấy kỵ binh Tư Mã của Hán là Lư Mã Đông, bèn nói:

- Ông có phải là cố nhân của ta đó không?... Ta nghe Hán mua đầu ta ngàn vàng, phong ấp vạn bộ. Ta làm ơn cho nhà ngươi đây.

Nói rồi Hạng Vũ tự đâm cổ chết. Quân tướng nhà Hán giày xéo lên nhau giành xác Hạng Vương, giết nhau mấy mươi người. Vương Ế lấy được đầu Hạng Vũ. Lữ Mã Đồng, Vương Hỷ, Lữ Thắng, Dương Vũ đều mỗi người giành được một phần thi thể của Hạng, sau chập lại xác thì thấy ăn khớp. Vì vậy chia đất phong ra làm năm.

Người Sở người Hán đều kính phục Hạng Vũ. Trong lễ chôn cất Hạng Vũ ở Cốc Thành theo lễ Lỗ Công, chính Hán Vương cử ai, khóc thương. Trận chiến đấu cuối cùng của Hạng Vũ lẫn bài thơ cảm khái đêm giao hoan và cũng là đêm vĩnh biệt với nàng Ngu Cơ, bài thơ có đầy đủ tên người mỹ nhân và con ngựa trận lừng danh thiên hạ còn lưu truyền đến tận bây giờ.
(ST)

Congaco_H1R5
11-08-2011, 10:19 AM
Điền Kỵ đua ngựa thắng vua Tề

Thời Chiến quốc nhà Chu, nước Tề có tục đua ngựa đầu năm giữa vua Tề và tướng quốc. Thể lệ cuộc đua như sau: ngựa có ba loại: loại I, loại II và loại III; đua 3 lần, mỗi lần người thắng được của người thua 1.000 lạng vàng.

Tước quốc nước Tề thời ấy là Điền Kỵ. Vì ngựa của Vua được tuyển chọn kỹ hơn nên năm nào Điền Kỵ cũng thua cả 3 vòng đua và mất cho nhà vua 3.000 lạng vàng.

Năm đó, Điền Kỵ thu nhận được một mưu sĩ nổi danh tên là Tôn Tẫn. Họ Tôn bày mưu cho tướng quốc như sau: Lần đầu đem ngựa loại III của Điền Kỵ đua với ngựa loại I của vua Tề. Ngựa tướng quốc thua xa, nhà vua rất thích chí. Đến hai lần sau, Tôn Tần cho ngựa loại I đua với ngựa loại II của vua, ngựa loại II đua với ngựa loại III của vua. Kết quả ngựa của Điền Kỵ đều thắng cả hai vòng. Thắng hai thua một, kết quả Điền Kỵ được 1.000 lạng vàng.
(ST)

Congaco_H1R5
11-08-2011, 10:20 AM
Con ngựa của Đường Tam Tạng

"Tây Du Ký" kể lại câu chuyện Tôn Ngộ Không cùng với Trư Bát Giới, Sa Tăng phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc lấy kinh. Trên đường nhiều nguy hiểm, thử thách đi về phương tây (ấn Độ) tìm đến đất Phật, họ lại gặp giữa đường một con rồng trắng đang bị treo ngược giữa trời. Nguyên con rồng này là con trai của Long Vương Tây Hải là Ngao Nhuận, vì nghịch lửa làm cháy viên ngọc minh châu trên nội điện, nên bị cha tâu lên thiên đình. Thượng đế khép vào tội ngỗ ngược, bị phạt treo trên trời, lại đánh ba trăm roi, chờ ngày xử quyết. Sau đó may được Bồ Tát hiểu sự tình, lên thưa với Thượng đế xin cho tha tội. Thượng đế nghe xong, lập tức ra lệnh ân xá, sai thiên tướng cởi trói và trao cho Bồ Tát thả con rồng xuống khe sâu, đợi Đường Tam Tạng tới, biến thành con ngựa bạch, sang phương tây lập công.

Khi thầy trò Đường Tam Tạng đến nơi rồng ẩn mình chờ chủ, vì rồng không biết đó là Đường Tam Tạng nên đã gây ra cho thầy trò Đường Tăng không ít khó khăn.

'Thầy trò Đường Tăng ngắm nghía, bỗng nghe đánh ầm một tiếng ở giữa lòng khe, một con rồng nhô ra, đạp sóng rẽ nước, trườn lên sườn núi vồ trưởng lão. Hành Giả hốt hoảng vứt hành lý, ôm Đường Tăng xuống ngựa, cắm đầu chạy miết. Con rồng đuổi không kịp, trở lại nuốt chửng con ngựa bạch lẫn yên cương, rồi lặn xuống nước mất tăm. Hành Giả vác sư phụ lên đồi cao ngồi, quay trở lại dắt ngựa, gánh đồ, nhưng chỉ còn gánh hành lý, không thấy ngựa đâu cả".

Tìm mãi khắp nơi không thấy ngựa, Tôn Ngộ Không đoán là bị rồng ăn thịt, liền đi tìm con rồng dữ, bắt nó trả lại ngựa.

Lại nói chuyện con rồng ăn thịt xong con ngựa bạch của Tam Tạng, nằm nấp ở đáy khe, nghỉ ngơi dưỡng sức, bỗng nghe tiếng người hò hét đòi ngựa, không nén được cơn lửa giận dữ, vội vàng tung mình rẽ sóng nhảy lên mặt nước, quát:

- Kẻ nào dám đến cửa bể này trêu ta?

Hành Giả nhìn thấy gầm lên:

- Chớ có chạy trả ngựa cho ta mau!

Đoạn vung gậy nhằm đầu con rồng bố xuống. Con rồng nhe nanh, múa vuốt xông vào định cắp Hành Giả. Trận đấu quyết liệt diễn ra ngay bờ khe... Tiến thoái đánh nhau một hồi lâu, con rồng sức yếu gân tê không địch nổi bèn quay người lặn xuống đáy khe sâu, trốn biệt không dám ra nữa. Hành Giả mắng chửi không ngớt mồm, con rồng định giả câm giả điếc, không dám thò đầu lên. Không biết làm thế nào, Hành Giả đành quay về thưa với Tam tạng:

- Thưa sư phụ con quái vật ấy bị lão tôn mắng chửi phải chui lên. Con và nó đánh nhau hồi lâu nó khiếp sợ bỏ chạy trốn dưới khe không ra nữa.

Tam Tạng nói:

- Chẳng biết có đúng là nó ăn thịt ngựa của mình không?

Hành giả đáp:

- Thế mà cũng nói được. Nếu nó không ăn, mà lại chịu ra đánh nhau với lão Tôn?

Tam Tạng nói:

- Hôm trước lúc con đánh hổ, con nói rằng có tài bắt rồng, hổ phải hàng phục, nay lại không hàng phục nổi nó à?

Loài khỉ vốn không chịu nổi lời nói khích. Tam Tạng mới chọc một câu, Hành Giả đã ra oai quát:

- Đừng nói nữa, đừng nói nữa! Đợi con đi đọ tài cao thấp với nó một lần nữa!

Hầu vương nhanh nhẹn phóng tới bờ khe, trổ phép thần thông lật sông giốc biển, làm cho nước khe Ưng Sầu trong veo thấu đáy đục ngầu lên như nước Hoàng Hà. Con rồng núp dưới đáy sâu đứng ngồi không yên, nghĩ thầm:

- Thật là phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Ta vừa thoát tội chết trên trời chưa được một năm, nằm đây kiếm ăn qua ngày, lại gặp phải con quỷ này đến hại ta.

Nó càng nghĩ càng chán, nhưng không chịu được nhục, bèn cắn răng nhẩy vọt lên mặt nước, quát:

- Nhà ngươi là quỷ sứ từ đâu tới đây lừa dối ta như vậy?

Hành Giả nói:

- Ngươi không cần biết ta ở đâu, làm gì. Chỉ cần trả ngựa cho ta là ta tha chết cho!

Con rồng nói:

- Ngựa của ngươi, ta nuốt vào trong bụng rồi, làm sao nôn ra được! Ta không trả, ngươi làm gì nào?

Hành Giả nói:

- Không trả ngựa thì hãy nhìn cây gậy của ta đây! Ta sẽ giết ngươi để đền mạng cho con ngựa của ta.

Hai bên lại đánh nhau kịch liệt trên sườn núi. Chưa được vài hiệp, con rồng yếu sức không chống nổi, bèn lắc mình một cái, biến thành một con rắn nước, chui vào bụi cỏ. Hầu vương vác gậy đuổi theo, vạch cỏ tìm rắn, nhưng chẳng thấy dấu vết. Tức nối tam bành, bẩy khiếu bốc khói, Hành Giả vội vàng niệm câu thần chú "úm", gọi ngay các vị Thổ thần, Sơn thần vùng ấy lên.

Sau khi Tôn Ngộ Không tìm rõ được lai lịch con rồng, biết rằng chỉ có tìm gặp Quan âm Bồ Tát để mời đến mới xong. Nhờ có Yết Đế đi giúp, một lát sau Bố Tát đã có mặt ở núi Xà Bàn, nơi Tôn Ngộ Không đang nóng lòng sốt ruột. Sau cơn nổi khùng, chất vấn này nọ, Tôn Ngộ Không nói:

- Tại sao ngài lại đem con rồng dữ có tội xuống đây, để nó thành tinh ăn mất con ngựa của sư phụ tôi?

Bồ tát nói :

- Con rồng do chính ta tâu với Thượng đế đưa nó xuống đây để làm ngựa cho người đi lấy kinh. Nhà ngươi nghĩ xem, con ngựa xoàng ở phương Đông làm sao có thể vượt qua muôn núi nghìn sông được? Cần phải có Long Mã ấy mới đi nổi chứ.

Hành Giả nói:

- Nay nó sợ lão Tôn trốn biệt không dám ra thì làm thế nào?

Bồ tát gọi Yết Đế đến bảo:

- Nhà ngươi đến bờ khe gọi: "Ngao Nhuận long vương ngọc long tam thái tử ra ngay, có Bồ Tát ở Nam Hải tới", là nó ra ngay.

Yết Đế xuống bờ khe gọi hai lần, thấy con rồng vượt nước, rẽ sóng nhô lên, biến thành hình người, nhẫy vút lên mây, cúi lạy Bồ Tát, nói:

- Đội ơn Bồ Tát cứu mạng, tôi chờ đợi ở đây đã lâu rồi, mà chẳng thấy tăm hơi người đi lấy kinh đâu cả.

Bồ Tát chỉ Hành Giả nói:

- Chẳng phải đồ đệ của người đi lấy kinh là gì đây!

Con rồng thưa:

- Thưa Bồ Tát, người này là đối thủ của con đấy. Hôm qua đói quá, con trót ăn thịt một con ngựa của hắn. Hắn cậy sức khỏe, đánh con phải chạy trốn, lại mắng chửi con nữa, làm con phải đóng cửa không dám ra. Chẳng thấy hắn nói nửa lời "đi lấy kinh" nào cả.

Hành Giả nói:

- Nhà ngươi không hỏi ta họ tên là gì, thì ta việc gì phải nói.

Con rồng nói:

- Ta chẳng hỏi nhà ngươi là ma quỷ ở đâu tới đây sao? Nhà ngươi còn quát ta: "Chẳng cần biết ở đâu tới, chỉ cẫn biết trả ngựa cho ta", chứ có nhắc đến chữ "Đường" nào đâu!

Bồ Tát nói:

- Con khỉ kia, chỉ chuyên cậy sức khỏe, có chịu khen ai bao giờ đâu. Lần này đi trước, còn có người quy thuận nữa đấy. Nếu có ai hỏi, thì phải nhớ trả lời ngay là đi lấy kinh. Như vậy người ta quy phục liền, có đỡ nhọc sức không.

Hành giả mừng rỡ vâng theo. Bồ Tát bước lên, dứt hạt minh châu ở dưới cổ rồng ra, lấy cành dương liễu dúng vào nước cam lồ vây vào người con rồng, miệng hô "biến". Con rồng tức khắc biến thành một con ngựa bạch như trước.

Tôn Ngộ Không dắt ngựa đến chỗ Đường Tam Tạng, lại cùng nhau tiếp tục lên đường. Ngựa không có yên cương nên nhiều bề lúng túng. May sao trên đường đi, sau này gặp người cho bộ yên cương rất quý, thế là đầy đủ lệ bộ.

Nên có thơ rằng:


Yên thêu sao bạc sáng long lanh
Đệm báu vàng au, chỉ kết vành.
Bàn đạp mấy tầng nhung tía mịn,
Tơ điều xoắn tít sợi cương thanh.
Tấm da hoa vẽ bên hàm thiếc,
Chiếc quạt mây thêu thú mấy hình.
Vòng xích làm bằng đồ sắt luyện,
Dãi tơ mềm mại rủ bên mình
Thật là đầy đủ mọi thứ không thiếu cái gì. Cuộc hành trình đi về đất Phật còn dài dặc lắm, con Long Mã (ngựa rồng) góp công sức không nhỏ.
(ST)

6789
11-08-2011, 10:48 AM
Nhắc tới ngựa lại nhớ câu này rất hay của bọn Tìu :"Ký, Kỳ so đo không bằng ngựa hèn dấn bước", kết câu này mỗi khi đắn đo 1 công việc gì :D (có liên quan chút đến ngựa...hehe)

Congaco_H1R5
11-08-2011, 08:37 PM
Vì Sao Ngựa Lại Ngủ Đứng?
Tài phi của ngựa thì ai cũng biết vì ngựa có thân hình thon dài, bốn chân vững chắc.. Nhưng ngựa có đặc tính không giống với các loài động vật khác, đó chính là thích ngủ đứng vào ban đêm. Ban đêm bất luận đi thăm nó lúc nào, nó luôn luôn đứng, nhắm mắt ngủ.

http://caoxuongngua.com.vn/data/news/673.png
http://caoxuongngua.com.vn/data/fck_user_upload_image/image/Chuyen%20ve%20ngua/ngua%20va%20doi%20song/nguangu.jpg
Ngựa ngủ đứng là theo tập tính sinh hoạt của ngựa hoang dã. Ngựa hoang dã sống ở các vùng thảo nguyên, sa mạc rộng lớn. Thời cổ xưa, ngựa vừa là đối tượng săn bắn của con người, lại là món ăn ngon của động vật ăn thịt như sói. Ngựa không giống bò, dê có thể dùng sừng chiến đấu với kẻ địch, chỉ có một cách, chỉ có thể dựa vào việc chạy nhanh để chạy trốn kẻ địch. Mà những động vật ăn thịt như sói... đều kiếm ăn vào ban đêm, ban ngày chúng ẩn nấp trong các bụi cỏ, hang động để nghỉ ngơi, ban đêm mới ra ngoài kiếm ăn. Ngựa hoang dã để nhanh chóng kịp thời chạy trốn kẻ địch, ban đêm không dám thoải mái ngủ yên không cần lo nghĩ. Dù là ban ngày, ngựa cũng đành phải đứng duy trì cảnh giác cao độ, đề phòng bất trắc. Ngựa tuy không phải gặp sự săn đuổi của con người và kẻ địch như ngựa hoang, nhưng chúng là do ngựa hoang dã thuần hoá. Nhưng tập tính đứng ngủ của ngựa hoang vẫn được bảo lưu lại.

Trong số các loài động vật, ngoài ngựa ra, lừa cũng có tập tính ngủ đứng vì môi trường sinh hoạt của tổ tiên chúng gần giống với ngựa hoang.
(ST)