View Full Version : Hải Vân Quan..
hung vi
06-10-2011, 02:00 PM
http://nd6.upanh.com/b1.s5.d3/f8216bbf354d14d12cbbf51d226c4886_36146616.800pxhaivanquan.jpgLà một Di tích Lịch sử Văn hóa đã được công nhận nhưng Hải Vân Quan lại có một “số phận” hẩm hiu, nhất là kể từ khi khai thông hầm đèo Hải Vân. Sự hoang vắng giữa chốn sương mờ ảo, sự ứng xử chưa đúng mức của con người và sự bào mòn của thiên nhiên đã làm Hải Vân Quan bị biến dạng. Di tích này đang bị lãng quên…
Dấu xưa huy hoàng
Sử sách chép rằng, năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng thứ 7 đã cho xây đắp cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân trong cảnh núi đèo hoang vu của những “chúa sơn lâm” còn ngự trị. Trước đó, khi thân chinh đi đánh Chiêm Thành (1470), lúc đi ngang qua đèo Hải Vân, vua Lê Thánh Tông thấy cảnh đẹp và địa hình núi non hiểm trở nên đã đặt cho nơi đây là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”
http://nd4.upanh.com/b4.s6.d3/c4bca75b5dd24d61a8b975c80bb92e9b_36146964.haivanquan19191926.jpgSử sách chép rằng, năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng thứ 7 đã cho xây đắp cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân trong cảnh núi đèo hoang vu của những “chúa sơn lâm” còn ngự trị. Trước đó, khi thân chinh đi đánh Chiêm Thành (1470), lúc đi ngang qua đèo Hải Vân, vua Lê Thánh Tông thấy cảnh đẹp và địa hình núi non hiểm trở nên đã đặt cho nơi đây là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Về sau, trải qua nhiều đời vua, chúa của triều Nguyễn và thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hải Vân Quan vẫn luôn được xem trọng với vị trí chiến lược về chính trị, an ninh và quốc phòng.
Dấu tích xưa của Hải Vân Quan vẫn được lưu lại trong các thư tịch cổ nước nhà. Biết bao tấm gương của tổ tiên người Việt đã băng rừng, trèo đèo, lội suối với bao hiểm nguy để dựng xây nên một vùng đất phương Nam màu mỡ và trù phú như ngày hôm nay. Tên tuổi của Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tri Phương,… vẫn được người đời sau hết lời ca tụng.
http://nd2.upanh.com/b3.s4.d1/99d2ec905905737796aa73997f07462f_36147112.090612haivanquan.jpgTheo Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi lại: “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan. Ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân Quan”. Ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Phía tả hữu cửa quan, người ta xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Hải Vân Quan vừa trở thành trạm trung chuyển, điểm dừng chân, trên con đường thiên lý Bắc-Nam; là đất yết hầu, là vùng cửa ngõ của nước Đại Nam khi ấy; và đồng thời trở thành địa giới giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng bây giờ.
Không những thế, Hải Vân Quan còn nằm trên một địa thế khá lý tưởng. Địa hình cheo leo, khúc khuỷu (cao 496m). Khí hậu mát mẻ quanh năm. Đó là chốn “thiên cảnh bồng lai”, nằm giữa hai bãi biển đẹp (Lăng Cô và Nam Ô), từng làm lay động tâm hồn của biết bao con người: Một bên là núi với sương trắng bao phủ quanh năm; và một bên là biển hiền hòa soi mình trong ánh nắng vàng của biển.
http://nd1.upanh.com/b6.s10.d4/a193727db1be144c42f240e4b10e1a09_36147221.dsc02362.jpgTừ trên Hải Vân Quan, nhìn về hai phía, du khách sẽ chiêm ngưỡng cảnh sắc trời mây kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng với những chứng tích của nhiều thời kỳ lịch sử huy hoàng, là niềm tự hào về quá khứ vàng son của khúc ca khải hoàn “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Chạnh lòng trước “số phận”!
Dấu xưa hoành tráng và huy hoàng là vậy! Con đường thiên lý Bắc Nam quanh co, trắc trở là thế! Nhưng cũng có lúc bị con người chưa đúng mức.
http://nd7.upanh.com/b4.s19.d1/f5074d9b0a12cd5b6596f2481caf237d_36147537.img8530ah51.jpg
“Có mới, nới cũ”, câu ca tưởng chừng xa vời lại có giá trị, nhất là đối với Hải Vân Quan hôm nay. Kể từ khi hầm đèo Hải Vân, công trình thế kỷ XXI, được thông xe (năm 2000), Hải Vân Quan càng vắng vẻ. Nếu có người ghé lại thì cũng chỉ là sự hồi tưởng về một thời lửa đạn của những người lính năm xưa. Hơn 10 năm trôi qua, mặc dù đã được xếp hạng là một Di tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố, song Di tích không được trùng tu, tôn tạo dù chỉ là một viên gạch, thanh đà chống đỡ.
http://nd9.upanh.com/b3.s2.d3/5dfe9a948e6886e88110d6a9f1f0580a_36147669.dsc02362.jpgRất tình cờ, khi chúng tôi thực hiện chuyến du lịch bằng xe máy về với Hải Vân Quan vào những ngày cuối tháng 8. Đường lên Hải Vân Quan (hay đèo Hải Vân) khá vắng vẻ, chủ yếu là những xe gắn máy của những nam thanh nữ tú muốn thử thách cùng núi non, thỉnh thoảng cũng có vài chiếc xe ô tô loại 4-6 chỗ ngồi. Vừa chạm chân xuống đất để đỗ xe, biết bao tiếng mời mọc mua hàng bát nháo.
Tuy là khúc cua nguy hiểm của đỉnh đèo nhưng các hàng quán vẫn ngang nhiên cho khách du lịch đỗ xe bất chấp luật lệ. Men theo con đường nhỏ dốc và lởm chởm đá để lên cổng Hải Vân Quan. Cổng vòm cao bám đầy rêu xanh mang dấu ấn thời gian. Cổng Hải Vân giờ chẳng còn người qua lại nhiều, cũng chẳng còn người đứng gác hay bảo vệ. Quang cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là nham nhở dây leo, cỏ cây hoang dại xen lẫn trong những hầm hố, bám níu trên cổng thành. Chưa hết, dấu tích thời gian của sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” vang danh một thời cũng dần mờ theo năm tháng.
http://nd7.upanh.com/b3.s2.d4/05c50b9ceedfc57f3131bbd62b9f5e5a_36147827.anh622.jpgLên đến Hải Vân Quan, thỏa sức nhìn cảnh trời mây, chúng tôi còn được nhìn thấy nhiều lô cốt sụp bể, nắp nằm nghiêng ngả, không còn nguyên vẹn. Gần các lô cốt này là những lỗ châu mai bu bám nhiều cỏ lau, cây hoang dại. Trông xa, khó có ai có thể đoán ra đó là lỗ châu mai. Lân la cùng đoàn cựu chiến bình viếng thăm Hải Vân Quan chúng tôi được biết thêm về gốc tích. Một cựu chiến binh đến từ Thái Bình cho biết, những lô cốt này được người Pháp xây dựng vì mục đích quân sự với nhiều hình dạng, quay về các hướng khác nhau kiểm soát tuyến đường huyết mạch nối liền đất nước, quốc lộ 1A, một chứng cứ lịch sử nhưng giờ chỉ còn như vậy! (Nói xong, vị cựu chiến binh ấy lắc đầu). Nằm liền kề là một ngôi nhà, vốn xưa kia là trụ sở của những người trông coi Hải Vân Quan, giờ cũng bị bỏ hoang, không ai còn nhớ và đến ở
http://nd6.upanh.com/b6.s9.d4/c16fb8857ebba9b7967e57143217b703_36147936.1.jpgRời Hải Vân Quan, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng trước sự hoang phế của “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Nhìn cổng Hải Vân Quan cùng với những lô cốt, lỗ châu mai đang “gồng mình” để chống chọi với sức tàn phá của thiên nhiên chợt thấy… xót xa.
Hải Vân Quan đang rất tha thiết nhận được sự đối xử bình đẳng như bao di tích khác để Hải Vân Quan vẫn mãi mãi là niềm kiêu hãnh của những người đi mở cõi
(Theo Dương Văn Ut_Tin tức)
themgaidep
06-10-2011, 03:48 PM
Hungvi đã đến nơi này chưa vậy?
hung vi
06-10-2011, 04:25 PM
Hungvi đã đến nơi này chưa vậy?
Chào themgaidep hii hii ...Tôi đã đến mấy lần rồi,thấy anh em hành quân vào Đà Nẵng kiếm giải lên tôi pots ít cảnh đẹp để anh em,đến tham quan thư giãn:)):)):)) Chúc lên đường Bình An~o)~o)~o)
hung vi
07-10-2011, 12:54 AM
http://nd4.upanh.com/b4.s7.d3/6d8baf55700aa9566ec96896f4247fef_36177724.42daotruongsadong.jpg
Trường Sa Đông là một đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, nằm giữa hai đảo Đá Tây và Đá Đông nên còn gọi là Đá Giữa. Cách đảo Trường Sa Lớn chừng 60 hải lý về phía đông bắc. Tọa độ 8 độ 55’ vĩ độ bắc và 112 độ 21’ kinh độ đông.
Mưa luôn là niềm vui bất tận của những người lính trên quần đảo Trường Sa, bởi thế trận đấu bóng chuyền giao hữu giữa đội tuyển chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa Đông và đội tuyển đại biểu thanh niên trên chuyến tàu “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” đang vào những phút gay cấn để phân định thắng bại thì cơn mưa biển ào ào trút xuống
http://nd9.upanh.com/b5.s1.d2/b7028f712a7f741408db2f2247fd874f_36177769.h89b.jpg
< Chiến sĩ Hải quân kéo xuồng của đoàn công tác lên thăm đảo Trường Sa Đông.
Các cầu thủ “đội đất liền” có vẻ bị ngợp bởi cơn mưa lớn, nhưng đội tuyển của các chàng lính đảo dường như phấn khích hơn trong màn mưa mịt mù trắng xóa. Ít ra cũng được tắm một trận nước ngọt thỏa thích.
Cái điều rất giản dị mỗi ngày ở đất liền thì ở đảo luôn là niềm mơ ước. Như một bữa rau luộc chẳng hạn. Đảo chìm đảo nổi nào ở Trường Sa cũng trồng rau, rau rất xanh, rất tốt nhưng chỉ dám nấu canh, nếu “chơi” một bữa rau luộc thì “hao rau lắm, xa xỉ lắm”…
Đảo Trường Sa Đông - đấy cũng là đêm duy nhất các thành viên của đoàn hành trình tuổi trẻ ra với Trường Sa được ngủ lại trên đảo, còn tất cả các đêm khác đều ngủ trên con tàu HQ 957. Đảo nhỏ bỗng nhiên đón một đoàn khách gần cả trăm người, anh em chiến sĩ nhường hết giường chiếu cho khách, tất cả ra ngủ ở công sự. Khách cũng không ngủ yên bởi cảm động và áy náy
http://nd7.upanh.com/b2.s11.d2/a9544ee8dd7d94baa5b531d208cf47ad_36177817.350608.jpg
Tinh mơ đã thấy nhiều người thức giấc ra ngồi đón bình minh trên bờ kè quanh đảo. Mỗi phút, mỗi giây trên hành trình ra với Trường Sa này thật quý, ai cũng căng hết “ăngten” của mình để cảm nhận.
Những nấm mộ ở Trường Sa Đông…
Chiều hôm trước, khi đoàn công tác vừa cập thuyền, ngay bến vào là nấm mộ của ba liệt sĩ hải quân đã hi sinh tại đảo, nằm gối đầu lên những ngọn sóng biển Đông. Tôi đã giật mình bởi một liên tưởng rất lạ khi thấy ba nấm mộ nằm kề nhau ngay hàng thẳng lối như đội hình một tổ chiến đấu “tam tam” ngay sát vị trí cầu cảng. Có cảm giác như ngay cả khi hi sinh, những liệt sĩ Trường Sa vẫn tiếp tục sát cánh cùng với đồng đội mình làm nhiệm vụ canh gác, gìn giữ bảo vệ chủ quyền lãnh hải, bảo vệ đảo xa.
http://nd9.upanh.com/b4.s5.d1/525d6f5e841aaf48efdcca814f1cef7b_36177879.imageview.jpg
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ diễn ra trang nghiêm và cảm động. Rất nhiều người không kìm được nước mắt. Biết bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống trên quần đảo bão tố này suốt mấy chục năm qua để vun bồi cho cột mốc chủ quyền Tổ quốc.
Trong buổi bình minh ở Trường Sa Đông, chúng tôi ra ngồi bên những nấm mộ liệt sĩ trước khi xuống thuyền rời đảo, đọc kỹ những dòng chữ trên tấm bia bằng đá hoa cương đen và chợt giật mình. Mỗi sự hi sinh là một câu chuyện cảm động và bất ngờ ẩn giấu sau từng nét chữ trên tấm bia.
Tôi cúi xuống tấm bia đầu tiên: “Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, sinh ngày 15-4-1975, hi sinh 14-4-2001, quê quán Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa”. Một dòng chữ như bao dòng chữ vẫn thường khắc trên bia, nhưng tôi ngờ ngợ có điều gì đó lạ lắm. Và chợt òa vỡ trong tôi những nghẹn ngào. Thì ra liệt sĩ Thi đã ngã xuống đúng vào đêm trước sinh nhật của anh! Thi sinh ngày 15-4 và hi sinh ngày 14-4. Có lẽ nếu hôm đó anh không ngã xuống thì đêm sinh nhật tuổi 26 của Thi sẽ ngập tràn yêu thương cùng đồng đội anh trên đảo.
http://nd6.upanh.com/b4.s4.d1/a3145d9953f3d119c252e3b157b7e891_36177906.311378933832fc6a23f2.jpg
Những ngày ở Trường Sa chúng tôi đã gặp nhiều người lính với một câu hỏi thật giản dị: “Cảm xúc của anh nếu một ngày kia rời đảo về lại đất liền?”. Tất cả đều rất chân thành nói rằng đó chính là nỗi nhớ tình đồng đội. Nếu ở đất liền thương nhau một thì ra đảo thương nhau gấp mười!
Đại úy Vũ Văn Phúc trên đảo Trường Sa Đông cũng kể rằng khi anh còn đóng quân ở đảo Sinh Tồn, có lần một chiến sĩ viêm ruột thừa phải mổ.Tất cả anh em đều đứng quanh phòng theo dõi ca mổ, không ai yên lòng ngồi ăn, đợi khi ca mổ kết thúc an toàn mới nhớ đến chuyện đi ăn cơm. Hay như thiếu úy Trần Văn Bốn mà mấy hôm sau chúng tôi gặp ở đảo Tiên Nữ, năm nay Bốn 31 tuổi, ra Trường Sa từ năm 1999, có 10 tuổi quân ở Trường Sa, nếm trải bao nhiêu sóng gió vậy mà khi nói về Trường Sa, Bốn bảo anh nhớ nhất là trận ốm đầu tiên khi ra đảo Đá Nam, người giặt giúp áo quần, người lo nấu cháo, người chăm thuốc men…Tình cảm ấy khiến anh bền lòng với 10 năm bám trụ hết Đá Nam sang Đá Lớn, từ Thuyền Chài về Tiên Nữ…
http://nd0.upanh.com/b5.s10.d2/9c0e18aad5e43bf1b773a8ce5274ba3e_36177930.1.jpg
Hiểu những tình cảm của lính đảo như thế để rồi nhận ra rằng sự ngã xuống của liệt sĩ Thi vào đêm trước sinh nhật của mình sẽ đau xót biết bao trong lòng đồng đội. Thi là nhân viên báo vụ của đảo, anh hi sinh khi lao ra cứu xuồng và dòng biển xoáy đã cuốn anh đi. Sau này về đất liền tôi nghe một nhà báo đàn anh ra Trường Sa Đông trong chuyến trước kể rằng khi anh lên đảo, có hai anh lính cùng quê Thanh Hóa với liệt sĩ Thi đã nhờ anh chụp chi tiết nấm mộ người đồng hương và dặn anh về đất liền nhớ gửi ảnh cho gia đình của Thi. Bởi không chỉ riêng Thi mà cả những đồng đội nằm cạnh anh, chưa ai có thân nhân từ đất liền ra đến đây để thăm viếng, chỉ những người lính trên đảo quanh năm chăm lo hương khói cho đồng đội mình
http://nd3.upanh.com/b4.s11.d1/5238a1b081634af29def59eb7f845b65_36177983.truongsadong.jpg
Nằm kề Thi là liệt sĩ Vương Viết Mão, quê ở Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An. Cũng sinh năm 1975 như Thi, nhưng ngày liệt sĩ Mão hi sinh cũng là một ngày đặc biệt: 17-1-2004, nhằm 26 Tết Quý Mùi! Nghĩa là khi đất liền đang rộn ràng niềm vui đón xuân, những gia đình náo nức dịp sum vầy đoàn tụ, thì ở đảo xa này một người lính trẻ đã ngã xuống ngay trước thềm xuân. Và với ân tình đồng đội thiêng liêng rất riêng của người lính đảo, cái tết năm ấy ở Trường Sa Đông thật ngậm ngùi. Cả hai liệt sĩ Thi và Mão đều sinh năm 1975, dù vậy hai anh là những “liệt sĩ lớn tuổi” ở Trường Sa Đông bởi nấm mộ ngoài cùng trên đảo là của một chiến sĩ quê TP.HCM: Quách Hoàng Lâm, sinh tháng 9-1984, ở phường 16, quận 11, hi sinh tháng 8-2006 khi chưa tròn 22 tuổi
http://nd1.upanh.com/b5.s17.d1/9119fdee71cc7fb58dc0c20c56b8c1c1_36178021.chiensihaiquandangcanhgiudaotruo.jpg
Cột mốc chủ quyền đặc biệt
Suốt hải trình hơn 1.200 hải lý trên biển Đông, chúng tôi đã đi qua nhiều vùng biển, biết thêm nhiều câu chuyện về lòng quả cảm của người lính, có những người đã lấy thân mình làm nên những “cột mốc chủ quyền sống” trên những đảo chìm giữa mênh mông trùng khơi, để hôm nay có những cột mốc chủ quyền dựng lên cho bất cứ ai từ đất liền ra quần đảo Trường Sa đều muốn đứng cạnh một cột mốc như thế, chụp một tấm hình với tất cả tình cảm thiêng liêng và tự hào: Tổ quốc ta xa tận chốn này và ta đã từng đến đó!
http://nd4.upanh.com/b2.s1.d3/7f95e963cd03cb25fc8563e48240c9ac_36178054.350611.jpg
< Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Đông và chiếc mỏ neo trên thân cột cho biết rất nhiều đất đã được vun bồi cho đảo cao hơn.
Khác với những cột mốc đã được xây dựng bề thế mà chúng tôi từng gặp như ở đảo Trường Sa Lớn, trên đảo Trường Sa Đông, cột mốc chủ quyền của đảo được xây giản dị, sơn màu xanh nước biển với những dòng chữ đề tên quốc gia, tên đảo và các chỉ số tọa độ: 8 độ 55’ bắc và 112 độ 21’ đông. Nhìn xuống chân cột mốc chợt bất ngờ nhận ra cái mỏ neo biểu trưng của hải quân đắp nổi dưới chân cột chỉ còn nhô lên một phần nhỏ, còn thân và mỏ neo đã chìm sâu dưới đất. Nghĩa là đã có hàng ngàn khối đất được mang ra đắp lên cho đảo cao dần lên, đất dày lên cho cây cối thêm xanh, thêm bóng mát cho chim về làm tổ. Để có ngần ấy đất như vậy hẳn là đã bền bỉ lắm, trường kỳ lắm.
Đọc lại khởi thủy của những hòn đảo trên quần đảo Trường Sa, ấn tượng đầu tiên với lính những năm đầu ra đây là đá san hô bỏng rát dưới nắng, không một bóng cây xanh và cơ man chim biển vỗ cánh ào ào, trứng chim nằm ngổn ngang trên đảo. Và từng ngày từng ngày, bền bỉ như những chú ong thợ xây tổ, trên những đảo đá san hô giữa mênh mông đại dương. Vét chút mùn mục nát có được của một khúc gỗ nào đó trôi dạt về đây từ trăm năm trước, đào từng hốc nhỏ và gieo xuống những mầm xanh, nâng niu chăm bẳm từng ngày để rồi sau mấy chục năm màu xanh cây lá đã biến những hòn đảo đá thành những tín hiệu xanh tin cậy của Tổ quốc, thành điểm tựa cho bà con ngư dân ra khơi biết tìm vào khi gặp dông tố bão bùng, hết dầu, hết nước ngọt
http://nd4.upanh.com/b4.s5.d4/662360dbf5a3ba9082bdd44d006be9b0_36178074.350616.jpg
Trường Sa Đông chỉ là một hòn đảo nhỏ trong rất nhiều đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo bão tố này nhưng không hiểu sao nhiều người có ấn tượng sâu sắc. Không chỉ vì tình cảm của mỗi người lính đã dành cho đoàn trong mười mấy giờ trên đảo. Không chỉ là hình ảnh tận tụy của các y bác sĩ trạm xá trên đảo nhiều lần cứu mạng bà con ngư dân gặp hoạn nạn trên biển khơi...Tình cảm thân thương ấy có thể bắt đầu từ hình ảnh nấm mộ những người lính, dù hi sinh vẫn nằm bên chân sóng như muốn cùng đồng đội tiếp tục gìn giữ cõi bờ Tổ quốc.
Cũng có thể hình ảnh cái mỏ neo trên cột mốc chủ quyền bị khuất chìm dưới đất đã thầm kể với mọi người câu chuyện đầy khái quát và biểu tượng về sự bền lòng để biến hòn đảo san hô ngập tràn sắc xanh bóng mát.
Cũng có thể vì đêm liên hoan giao lưu văn nghệ ở Trường Sa Đông rất hồn nhiên, mọi người đã cùng hát vang “Trường Sa Đông nhớ Trường Sơn Tây”, một câu hát thôi mà đồng vọng bao nhiêu yêu thương, như nối dài truyền thuyết ngàn xưa rằng thuở ấy Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh được một trăm con, rồi chia nhau theo mẹ lên rừng theo cha xuống bể làm thành nước Việt hôm nay!
(Theo Tuổi Trẻ)
hung vi
07-10-2011, 01:07 AM
http://nd6.upanh.com/b2.s15.d2/7f5046d942c4b14b6b80bf801530ceb5_36178256.motgocdaodatayc1.jpg
Trường Sa ngày 26-9 biển động dữ dội. Những cột sóng cao quất mạnh vào đảo, đất trời mù mịt. Hàng chục tàu thuyền đánh bắt cá ngừ đại dương, thuyền câu mực của ngư dân tức tốc di chuyển vào khu vực lòng hồ đảo Đá Tây để tránh bão.
Bão biển dữ dội
5g sáng, đảo Đá Tây biển vẫn xanh ngắt nhưng chỉ vài giờ sau đất trời bỗng dưng mù mịt, mây đen vần vũ sà thấp kèm theo mưa to, gió giật liên hồi. Mặt biển dậy sóng. Hàng loạt tàu thuyền neo đậu cách đảo chỉ 1 hải lý nhưng chìm trong mù mịt. Mưa mỗi lúc một to, mặt biển tối sầm, tầm nhìn ngắn dần, khoảng 30 phút sau cách nhau chừng 10m không còn nhận dạng được mục tiêu.
http://nd8.upanh.com/b4.s10.d2/34601c89b02710489d4757a010537176_36178268.115.jpg
Đảo trưởng đảo Đá Tây, trung úy Phùng Mạnh Dũng trực tiếp theo dõi qua rađa và dùng ICOM chỉ huy ngư dân neo đậu tàu thuyền đúng luồng lạch tránh gió. Nhiều tàu thuyền ngư dân Phú Yên chạy đến buộc thẳng vào sau đuôi tàu Trường Sa 21 thuộc lữ đoàn 125 Quân chủng hải quân đang làm nhiệm vụ chở đá cho chương trình Góp đá xây Trường Sa đang thả neo trong hồ.
Với lực giãn nước trên 2.500 tấn, tàu Trường Sa 21 giờ đây vừa là phao nổi, vừa là bình phong che chắn cho năm chiếc tàu gỗ đánh cá ngừ của ngư dân cùng tránh gió. Những cột sóng quất qua, tàu vận tải ngàn tấn chao nghiêng, còn những chiếc tàu gỗ ngư dân giống như những chiếc lá bị nhấc tung trên mặt nước rồi nhấn xuống mặt biển. Các chiến sĩ cho biết nếu điểm tựa không chắc, sóng và gió có thể thổi tung những chiếc tàu cá lên đảo hoặc đánh chìm bất cứ lúc nào. Nhiều tàu thuyền khác thả neo tập thể cùng nhau kết thành bè để tránh sóng gió nhấn chìm.
http://nd3.upanh.com/b5.s19.d2/35dae0e0c296e91121f822f5b548ae72_36178283.518981.jpg
< Mô hình công trình đầu tiên của chương trình “Góp đá xây Trường Sa” tại đảo Đá Tây.
Ngay bên dưới chân đảo Đá Tây, hàng chục công binh của khung xây dựng đảo thuộc trung đoàn 131 Quân chủng hải quân phải dầm mình trong mưa vật lộn cùng sóng gió để cột các xuồng vận chuyển vào nhau tránh sóng vùi.
http://nd1.upanh.com/b6.s5.d4/7b80eebf3a3490a7bd21fb687c47c7fb_36178301.466580508669d16c228fb.jpg
Gần nửa giờ vật lộn với sóng, năm xuồng vận tải nhỏ và bốn xuồng kéo được neo cột an toàn. Trên đảo, toàn bộ các ô cửa của nhà công vụ được đóng kín để tránh gió thốc vào tàn phá. Gió rít và những con sóng cao theo thủy triều đánh ập vào tầng hai của ngôi nhà trên đảo.
Đảo trưởng Phùng Mạnh Dũng, người nhiều năm làm nhiệm vụ ở Trường Sa, cho biết bão biển lúc nào cũng mạnh hơn và hung dữ hơn đất liền rất nhiều, đặc biệt là những con sóng gặp lúc thủy triều cao sức tàn phá rất khủng khiếp. Sáng qua, thủy triều cao nhất tại đảo Đá Tây là 1,7m, kết hợp với gió mạnh nên đã hình thành những con sóng to như vậy
http://nd5.upanh.com/b1.s3.d1/445023aad3f8d097ca6192d2c98b4474_36178355.24720giuatrungkhoi1744.jpg
Ngôi nhà Đá Tây
Đại úy Hoàng Xuân Dũng, chính trị viên của đảo Đá Tây, cho biết ở đây ngư dân và hải quân đều gọi khu vực bãi cạn của đảo Đá Tây là hồ. Không giống như hồ nước của đất liền, hồ ở đây không có bờ mà chỉ là một bãi cạn hình thành từ miệng núi lửa và san hô nên mặt nước liền kề với mặt biển. Diện tích hồ khá rộng: dài 10km, rộng khoảng 7km và độ sâu rất lý tưởng cho tàu thuyền neo đậu, kể cả tàu hàng ngàn tấn cũng có thể thả neo. Đặc biệt, do mặt hồ cạn nên sóng trong hồ lúc nào cũng thấp hơn mặt biển. Vì vậy ngư dân hay về đây khi có bão. “Hồ Đá Tây được ngư dân coi là khu vực trú gió bão tốt ở Trường Sa. Lúc nhiều nhất có đến hơn 60 tàu thuyền với hàng trăm ngư dân trú ngụ trong ao” - đại úy Dũng nói (các anh thường gọi đây là ao).
http://nd5.upanh.com/b3.s20.d1/c381c87412c1a38e8b5913868fde5cc2_36178375.24720daodatay2115.jpg
Sát nhà công vụ của hải quân là cả một khu dịch vụ hậu cần nghề cá dành cho ngư dân đánh bắt tại Trường Sa. Ngư dân có thể vào đây tránh bão, vừa tiếp dầu, lương thực với giá cả bằng đất liền. Nếu tàu hỏng hóc, tại đây có hẳn một đội ngũ nhân viên sửa chữa tàu thuyền miễn phí cho ngư dân.
Trưa qua, ngay khi dông gió vừa dứt, thuyền trưởng tàu Trường Sa 21, đại úy Nguyễn Tiến Dũng đã cho chuyển một ít thực phẩm và nước ngọt ứng cứu cho các tàu của ngư dân Phú Yên đang trú sát tàu hải quân. Trong khi đó, hải quân cho thuyền cao tốc vượt sóng ra neo và cột toàn bộ những lồng cá của Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đang nuôi tại đây trước nguy cơ sóng đánh vỡ. Nhiều ngư dân dùng dây chuyển gửi cá tươi lên cho cán bộ chiến sĩ trên đảo.
http://nd6.upanh.com/b3.s4.d1/d73d49907e4426812f63628fc04e10f7_36178386.521810.jpg
< Chiến sĩ đảo Đá Tây cố gắng neo thuyền tránh sóng bão lớn.
Vừa buộc xong chiếc thuyền tránh gió, ngư dân Đào Mạnh Tuấn (chủ tàu PY96931, trú bão trong hồ Đá Tây) bày tỏ: “Có hải quân trên đảo, ngư dân chúng tôi hết sức an tâm đánh bắt cá. Mưa gió bão bùng như thế này hoặc mình có đau ốm đều được hải quân tận tình giúp đỡ. Ngư dân chúng tôi coi Đá Tây - Trường Sa là nhà mình”.
Hơn năm giờ quần quật với sóng gió, đến 13g chiều qua sóng đã giảm nhịp. Thủy triều rút nhưng mưa gió vẫn còn kéo dài và mây đen sà rất thấp trên mặt biển. Cứ 30 phút một đợt gió giật lại kéo đến kèm mưa quét qua đảo. Toàn bộ chỉ huy hải quân trên đảo đã chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng ứng phó cứu hộ cho ngư dân khi cần thiết, đặc biệt vào ban đêm.
(Theo Tuổi Trẻ)
hung vi
07-10-2011, 01:16 AM
http://nd5.upanh.com/b3.s19.d1/0e24b8da9f3b78db75a32586a0fa30c4_36178525.554043981315523707camap1.jpg
Nếu không kể ngư dân thì chẳng mấy ai có dịp thả câu giữa biển cả xa xôi như vậy, đặc biệt ngay quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. “Đi biển Trường Sa mà không tranh thủ câu cá thì phí lắm”.
Biển động. Sóng quăng quật như bầy ngựa nối đuôi nhau hung hãn phi nước đại làm con tàu thăm lính đảo không thể cặp cầu cảng Trường Sa được. Đành chờ sóng yên biển lặng. Những người mới đi lần đầu náo nức lên boong tàu ngắm đảo từ xa, xúc động đợi đặt chân lên phên giậu thiêng liêng của Tổ quốc.
1. Tận dụng ánh mặt trời non dịu của ngày mới để bấm loạt ảnh về đảo Trường Sa Lớn từ xa xong, tôi quay sang mượn dây câu của những người lính cùng ra đảo. Có lẽ đây là những tay câu chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm nhất trên chuyến tàu này
http://nd0.upanh.com/b4.s8.d4/d526e0ca2c66028f9009c2b1ef0946b6_36178600.4e74a7fc380a7210028.jpg
Giữa biển khơi bao la, chẳng anh lính nào mang cần câu theo cho vướng víu. Mỗi người chỉ thủ sẵn vài trăm mét dây cước quấn gọn trên lõi nhựa cất trong balô. Lưỡi câu thì chuẩn bị sẵn mươi cái lớn nhỏ khác nhau, nhưng cái nhỏ nhất cũng phải đảm bảo kéo nổi loại cá năm bảy ký, và cục chì cột dây câu ít nhất phải nặng 300-400 gam để có thể kéo được lưỡi câu chìm sâu xuống đáy nơi hải lưu chảy xiết.
“Đi biển Trường Sa mà không tranh thủ câu cá thì phí lắm”, anh lính kỹ thuật có tên ngồ ngộ Mai Phát Công Sứt, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa, dáng người đậm, da ngăm đen như ngư dân rỉ rả chỉ bảo. Mồi câu là những chú cá biển được lóc thịt để mắc vào lưỡi câu. Cột thêm hai cục chì nặng khoảng 0,5kg vào dây câu cho nặng nữa là xong. Tôi thả dây câu xuống mạn tàu. Công Sứt khuyên chỉ thả 40-50m dây vì biển vùng này không sâu lắm, lại nhiều san hô. Lưỡi câu mắc vào đó rất dễ đi tong. Kinh nghiệm của anh lính thật chính xác. Chẳng cần cần câu vì dòng hải lưu đã tự cuốn lưỡi câu ra xa tàu.
http://nd1.upanh.com/b5.s10.d2/34477208035d7ea6084c62f3d67d7d71_36178681.4e74a7fc6f34a210028.jpg
Biển Trường Sa nhiều vùng nước nông, sâu với các rạn san hô có rất nhiều loại cá hấp dẫn để thử thách dân mê câu. Nhưng tôi nhấp nhổm cả giờ vẫn chưa được chú cá nào trong khi Công Sứt đã thu dây câu thắng lợi. Gỡ chú cá bằng cổ chân đang quẫy đành đạch, anh lính cười hoác hàm răng xỉn ố vì nước trà. Tôi không rõ cá gì, chỉ nghe anh nói đó là thu vè, loại cá “nướng lên thì ăn năm chén cơm vẫn chưa đã miệng”. Chỉ lát sau, anh lại kéo lên một chú cá lớn hơn bàn tay và bảo đó là cá bò ngu. Cái tên thật ngộ nhưng hình dáng và màu sắc lấp lánh của chú cá đẹp như cá kiểng trong bể nuôi. Kiên trì mãi tôi cũng kéo được một con bò ngu lớn gần bằng hai bàn tay nối lại. Quả không cảm giác nào thú vị bằng!
2. 11 ngày thăm Trường Sa, chúng tôi còn nhiều dịp thả câu trong những lúc biển động chưa lên được đảo hay phải neo đêm chờ trời sáng. Có hôm gặp gió mùa tơi tả, nhưng nhiều đêm trăng sáng vằng vặc. Mặt biển lung linh huyền ảo như dát bạc dưới ánh trăng. Lúc đầu chỉ lác đác vài tay câu, dần dần lên đến vài chục dọc suốt hai mạn tàu
http://nd1.upanh.com/b2.s18.d1/d278af9b0b70880817c479a3d5574636_36178741.26267209773b2566e03f.jpg
Ai cũng náo nức buông dây câu, có anh còn lếch thếch cả một cần câu máy mang sẵn từ đất liền. Trầm nghiêm như đại tá Nguyễn Đức Thắng, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, cũng nhiều lúc tranh thủ thả câu ở đuôi tàu. Ông chỉ nhắm các chú cá lớn khi mang dây câu to bằng một phần ba cây đũa ăn, với mồi câu là chú cá nục lớn hơn hai ngón tay và thả cùng lúc hai, ba dây câu, xả dài cả trăm mét cho nước cuốn trôi.
Vùng biển này hình như khá nhiều cá bò ngu. Chúng chiếm hơn phân nửa trong số cá mọi người câu được. Một khoảnh khắc hiếm hoi, chúng tôi hè nhau kéo được một con cá thu to bằng bắp đùi người lớn vùng vẫy mạnh tưởng đứt cả dây câu. Nhưng thật hi hữu, khi con cá kém may mắn đang được kéo qua mặt nước thì lại bị một chú kình ngư khác vọt lên, táp như lia nhát dao sắc đứt ngang mình. Chúng tôi vừa tiếc ngẩn ngơ kéo lưỡi câu chỉ còn mắc mỗi đầu cá, vừa sững sờ thích thú vì được chứng kiến hình ảnh độc đáo của đại dương.
3. Thú vị nữa là chuyện bắt cá chuồn trong đêm. Theo kinh nghiệm của thủy thủ đoàn, không cần câu, chúng tôi chỉ treo vài bóng đèn neon ở mạn tàu để dụ cá chuồn. Mê ánh sáng, như những con thiêu thân, bọn cá chuồn cứ thế bay vèo vèo trên mặt nước lao vào quầng sáng. Có con bay xa 20-30m trên mặt biển, lao thẳng đầu vào mạn tàu đánh bộp rồi rớt xuống nước, lờ đờ vì bị choáng. Người trên tàu chỉ cần cầm vợt dài vớt lên. Loáng 2-3 giờ chúng tôi đã bắt được vài trăm chú cá chuồn to cỡ nửa cổ tay trở lên, đủ đãi cả tàu hơn 100 người. Mấy anh đầu bếp vui vẻ cho mượn lò làm ngay món nướng thơm lừng.
Sau cảm giác lạ lẫm, thú vị, nhiều người mới ra Trường Sa như chúng tôi không nén được cảm xúc khi chứng kiến tận mắt tài nguyên biển đất nước. Hào hứng tham gia bắt cá cùng tôi, vị cựu chiến binh Quân đoàn 1 tâm sự: “Mai này sau khi thăm lính hải quân, nên có chương trình câu cá để du khách vừa thú vị vừa hiểu thêm tài nguyên biển đất nước mình”. Tôi gật đầu đồng cảm với người lính già.
(Theo Tuổi Trẻ)
hung vi
07-10-2011, 01:33 AM
http://nd3.upanh.com/b1.s15.d2/7fe3f5ea301880288c0ed40a703f1378_36179023.11108169ts4.jpg
Ở Trường Sa không chỉ có quân đội mà còn có rất nhiều xóm dân sinh. Nơi chúng tôi ghé thăm là một xóm nhỏ với 7 gia đình, họ rời đất liền ra đảo để tạo lập một cuộc sống sinh sôi bền chắc từng ngày.
Ở Trường Sa, hệ thống điện từ năng lượng mặt trời giúp cho quân đội và dân cư trên đảo có điện 24/24 giờ.
Các hộ gia đình còn sắm sửa cả dàn máy karaoke để vui hát cùng nhau. Internet, hệ thống liên lạc viễn thông cũng đầy đủ, thông suốt, nói chung cuộc sống không hề kém cạnh gì đất liền
http://nd9.upanh.com/b5.s8.d3/ece4ebc2419937f29177e7de16ffb522_36179049.319943784698bc36627e.jpg
Về đất liền sinh con
Xóm nhỏ dân sinh ở đảo Trường Sa Lớn gồm 7 gia đình, cùng ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa ra. Năm 2008, theo phong trào vận động của tỉnh, 7 gia đình cùng tình nguyện ra đảo Trường Sa sinh sống. Đến đảo, họ được bố trí ở cùng một dãy nhà gồm 7 hộ liền nhau, có cổng riêng. Mỗi căn hộ có hai phòng, bếp và nhà tắm tách riêng, phía sau có mảnh vườn trồng rau.
Khi các gia đình ra đây, Ban chỉ huy quân sự đảo đã thu dung tất cả các chị vợ vào làm công nhân, phục vụ bếp ăn quân đội, còn các ông chồng hoạt động kinh tế độc lập, đánh cá mưu sinh.
http://nd8.upanh.com/b1.s17.d1/821444e21ce07b949468353cd6a539a9_36179078.11108169ts5.jpg
Tuy nhiên có một gia đình không đi theo mô hình này, đó là gia đình anh Đặng Thanh Chương và chị Bùi Thị Nhung.
Anh Chương trước khi tình nguyện ra đảo là công nhân lái xe tải. Còn vợ anh, chị Nhung làm cô giáo tiểu học. Khi ra đây, cô giáo Nhung tiếp tục theo nghề, còn anh Chương được thu dung vào làm công nhân phục vụ bếp ăn quân đội. Gia đình anh có một cháu gái lên 6 tuổi. Qua hè này bước vào lớp 1.
http://nd5.upanh.com/b5.s1.d2/c8137702019fb6e9b7004380f710d009_36179175.13312anhdangthanhchuong.jpg
Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh chị, chỉ có mình anh Chương ở nhà. Hỏi ra mới biết chị đến ngày ở cữ, vừa xin phép chính quyền tại đây về đất liền sinh con. Lý do chị phải về đất liền là do khi sinh cháu đầu, chị đã phải mổ đẻ. Sinh lần thứ 2 này chắc chắn phải mổ lần nữa. Trong khi đó, bệnh xá ở đảo Trường Sa chưa có đủ phương tiện y tế đảm bảo cho ca mổ đẻ này. Do đã tiên liệu được trước thời gian sinh cháu, nên cô giáo Nhung đã bố trí dạy các cháu trước thời gian để hoàn thành chương trình sớm.
http://nd1.upanh.com/b2.s17.d2/d407f7b050bab72cc8a75a4f46270ae2_36179221.4.jpg
Lớp học ở đây cũng thật đặc biệt. Một mình cô Nhung dạy 4 lớp: Lớp 1 gồm 2 cháu, lớp 2 gồm 2 cháu, lớp 4 cũng gồm 2 cháu (chưa có lớp 3); riêng lớp mẫu giáo thì có 2 cháu lớn và 1 cháu nhỏ, phải thêm một cô giáo khác hỗ trợ. Theo anh Chương, chị về sinh con khoảng 3 tháng, khi cháu cứng cáp, chị lại đưa các con ra đảo tiếp tục dạy học.
Cả xóm có 10 đứa trẻ
Vào trong xóm, chúng tôi được biết, các gia đình ở đây vợ chồng đều còn trẻ, đều từ 1 đến 2 con, riêng có 2 gia đình 3 con. Tổng số có 10 đứa trẻ trong xóm. Vậy là, cả xóm kể cả bố mẹ, đã có đến 24 công dân. Tiếng nô đùa của trẻ. Tiếng chó sủa, tiếng gà kêu, tiếng lợn ủn ỉn trong chuồng… Mảnh sân của một nhà ai đó có tã trẻ con đang phơi.
http://nd2.upanh.com/b2.s15.d2/8081fd7bb20c56d01b8d3df3b6841b65_36179252.553857731307519357emnho.jpg
Ngoài vườn, cây chuối, cây đu đủ trĩu trịt quả. Hai thứ cây này rất hợp với thổ nhưỡng Trường Sa. Mấy cây đu đủ quả đã chín, chủ nhà chả buồn hái xuống, bởi ăn không xuể. Phía sau nhà vườn tược có đủ thứ rau, nhiều nhất là rau muống, ngoài ra còn rau khoai, rau cải, rau mùng tơi tươi tốt… Cuộc sống cứ sinh sôi, chắc bền từng ngày, từng ngày một.
http://nd2.upanh.com/b3.s6.d4/626df3312d0a2c8c419350b7a5b11f42_36179272.921.jpg
Gia đình anh Chương tình nguyện ra đảo Trường Sa sinh sống theo cách rất chi là… lãng mạn. Một hôm, sau một ngày lái xe đường trường trở về nhà, cô giáo Nhung mắt sáng lên khoe đang có chính sách vận động ra đảo Trường Sa sinh sống theo chủ trương dân sự hóa cuộc sống ở đảo.
Vợ anh nói thấy cũng hay hay, rồi rủ hay là vợ chồng mình đi. “Thế là chúng em đăng ký. Sau một thời gian, chúng em được gọi đi. Cả hai bên ông bà nội ngoại đều đồng ý và tôn trọng quyết định của bọn em” - anh Chương kể.
(Theo Dân Việt)
Powered by vBulletin® Version 4.2.1 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.