PDA

View Full Version : Tào Thực tài hoa bạc mệch



laototphilao
07-08-2009, 11:27 PM
Tào Thực nhà thơ tài hoa bạc mệch

Tặng Bạch Mã vương Bưu

Tháng Năm 223, Tào Thực cùng Tào Bưu (khác mẹ) và Tào Chương (cùng mẹ) vào triều. Đến Lạc Dương, Tào Chương bị chết một cách ám muội. Lúc trên đường đi về , hai anh em Tào Thực, Tào Bưu lại bị quan lại đi theo tìm cách hãm hại, không cho ở cùng một chỗ. Tào Thực phẫn uất viết bài thơ này tặng Tào Bưu trước khi chia tay.

Bài thơ gồm bảy đoạn. Hai đoạn đầu nói lên sự vất vả dọc đường sau khi rời dòng Lạc Thủy và phần nào hé lộ nỗi niềm bi phẫn. Đoạn ba nói lên ý chính tức những điều ông quá bức xúc vì bị cắt chia tình cốt nhục và bị chèn ép về chính trị.

Trên càng xe quạ réo,
Đầy đường sói nhởn nhơ.
Nhặng làm lẫn đen trắng,
Nghe dèm thân hóa sơ.

Đoạn bốn tả cảnh thu buồn bã. Đoạn năm thuật lại cái chết của Tào Chương và nêu lên dự cảm về kết cục bi đát của những người thân còn lại. Đoạn sáu, mở đầu bằng những lời động viên Tào Bưu (''Trượng phu chí bốn biển. Ngàn dặm cũng như gần'') nhưng kết thúc vẫn là những vần thơ chứa chan đầy nước mắt. Đoạn cuối nói lên nỗi lòng lúc chia tay và dự đoán khả năng “ly biệt mãi mãi”.

GS. Nguyễn Khắc Phi nhận xét: "Tuy chỉ đề cập đến những bất hạnh cá nhân, nhưng bài thơ cũng cho ta thấy một số mặt trong các mối quan hệ xã hội dưới thời phong kiến ở Trung Quốc, do đó nó vẫn có giá trị hiện thực nhất định. Bài này lời lẽ chân thành, hình tượng sinh động, tự sự kết hợp nhuần nhuyễn với trữ tình, tình hòa với cảnh..."


Thất ai thi

Ở Thất ai thi (Bảy nổi buồn than), tác giả mượn tâm trạng của một người đàn bà thương chồng, nhưng bị chồng phụ bạc để nói lên tâm trạng đau khổ của mình.

Trích:
...Chàng như bụi trên đường,
Thiếp như bùn dưới nước.
Chìm nổi đã khác nhau,
Hoan hợp bao giờ được?
Nguyện làm gió tây nam,
Xa thổi vào lòng chàng,
Lòng chàng như chẳng mở,
Tiện thiếp, biết nhờ ai?


Dã điền hoàng tước hành (Bài hành về con sẻ vàng ngoài cánh đồng)
Tác giả làm để than thở cho thân phận bị giam lỏng của mình (tự ví với con hoàng tước bị mắc lưới).

Cây cao nhiều gió thảm,
Biển động sóng ào ào,
Kiếm sắc tay chẳng có,
Nhiều bạn ích gì đâu?
Không thấy tước trong giậu,
Sợ diều lỡ đâm vào,
Chủ lưới mừng thấy tước,
Mình thấy tước mà rầu.
Vung kiếm chém đứt lưới,
Hoàng tước được bay cao.
Bay cao sát trời xanh,
Đáp xuống cảm ơn ta.


Anh em

Sau khi Tào Phi lên ngôi, muốn loại trừ Tào Thực, một lần giữa triều, nhà vua lấy đầu đề “Anh em” (nhưng trong bài không được nói đến hai tiếng “anh, em”) bắt Tào Thực bước bảy bước, phải làm xong bài thơ, nếu không sẽ bị tội. Và Tào Thực, vừa rơi nước mắt vừa đọc:

Chử đậu nhiên đậu cơ,
Đậu tại phù trung khấp.
Bổn thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.
Dịch:
Nấu đậu bằng dây đậu,
Đậu ở trong nồi khóc.
Rằng cùng một gốc sinh,
Đốt nhau sao mà gấp!

Dịch Quân Tả có lời phê: Tào Phi là một người tàn ác thế mà khi đọc xong bài thơ trên cũng không khỏi không cảm động. Nhờ thế mà Tào Thực thoát chết.

Người Tình trong Mộng

Cảm Chân phú, về sau Tào Phi (Tào Ngụy Minh Đế) đổi tên lại là Lạc thần phú tức Bài phú về nữ thần sông Lạc. Sau khi trích một đoạn mô tả vẽ đẹp của nữ thần sông Lạc, Dịch Quân Tả kèm lời khen: “Thực là một bức họa sống động, vẽ lên được nét thanh tú của một mỹ nữ. văn thể và tự cú được xem là một sự giải phóng của thể Hán phú. Nếu không phải là Tào Thực, một người có tài múa bát đẩu, thì làm sao có thể múa bút một cách bay bướm như thế được!"

Tương truyền nàng Mật phi trong bài phú này chính là chỉ Chân thị 甄氏, một trong những tuyệt đại mỹ nhân đời Tam Quốc. Chân thị tên thật là Chân Lạc 甄洛 (có nơi nói là Chân Mật 甄宓). Đời xưa có câu "Hà Bắc hữu Chân Mật, Giang Nam hữu nhị Kiều" đủ để thấy sắc đẹp khuynh nước khuynh thành. Nàng vốn xuất thân phú hộ, được gả cho Viên Hy 袁熙, con trai của Viên Thiệu 袁紹. Sau trận Phì Thuỷ, Tào Tháo 曹操 diệt Viên Thiệu ở Nghiệp Thành, vì đã nghe đến sắc đẹp của nàng nên sai quân vào tìm kiếm, nhưng Tào Phi 曹丕 đã sai quân lui ra và tự vào bắt được Chân thị mang về, sau đó đã xin Tào Tháo cho cưới nàng làm vợ. Sau này Tào Phi lên ngôi Nguỵ Văn Đế (năm 220) thì nàng là hoàng hậu.

Tuy nhiên khi Chân thị về cung nhà Nguỵ, Tào Thực gặp nàng cũng si mê tha thiết, Chân thị đối với Tào Thực cũng có chút chân tình, nhưng về cơ bản đó chỉ là mối tình đơn phương vô vọng. Hôn nhân của Chân thị với Tào Phi cũng không đem lại hạnh phúc vì Chân thị không có tình cảm. Về sau Tào Phi lại sủng ái một phi tần khác là Quách thị 郭氏. Phần vì Chân thị bị Quách thị gièm pha, phần vì Tào Phi cũng nghi ngờ tình cảm giữ Chân thị và Tào Thực, nên đày Chân thị ra Nghiệp Thành rồi sau đó ép phải chết (năm 223), tiếp theo lập Quách thị làm hoàng hậu, con của Chân thị là Tào Duệ 曹睿 làm thái tử (sau trở thành Nguỵ Minh Đế).

Sau khi Chân thị chết, có lần Tào Thực vào cung, Tào Phi đem một số đồ dùng của Chân thị đưa cho, trong đó có chiếc gối ngọc chẩm. Tào Thực thấy vật nhớ người, khi trở về đất phong ở Quyên Thành, qua sông Lạc, đêm trú trong thuyền, mơ thấy nàng. Khi tỉnh dậy hạ bút viết bài "Cảm Chân phú" 感甄賦, chính còn gọi là "Lạc thần phú" này. Bài phú này, như trong phần nội dung có ghi rõ, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ "Cao Đường phú" 高唐賦 và "Thần nữ phú" 神女賦 của Tống Ngọc 宋玉.

Năm Hoàng Sơ thứ ba, ta chầu kinh sư, về qua sông Lạc.
Cổ nhân từng nói, thần ở sông này tên gọi Mật phi.
Cảm lời Tống Ngọc với Sở vương về thần nữ, bèn làm bài phú này.

Lời viết rằng:
Ta từ kinh vực,
Trở lại đông phiên.
Quay lưng lại Y Khuyết, Hoàn Viên,
Qua Thông Cốc, lên Cảnh Sơn.
Ác lặn về tây,
Xe ngựa dùng dằng.
Rồi dừng xe tại bờ cỏ ngát,
Đưa ngựa ra đồng thơm ăn.
Dạo bước trong rừng dương,
Phóng mắt về Lạc xuyên.
Bỗng tinh thần kinh hãi,
Trong lòng xiêu tán.
Cúi còn chưa thấy,
Ngẩng lên đã khác.
Có một mỹ nhân,
Ở bên bờ nước.
Bèn kéo phu xe lại hỏi rằng:
"Ngươi có thấy người kia không?
Người đó là ai, sao mà đẹp vậy!"
Người phu xe đáp:
"Thần nghe sông Lạc có thần,
Tên gọi Mật phi.
Chắc là người vương tử nhìn thấy,
Hẳn không thể sai!
Người đó dung mạo ra sao?
Thần muốn được nghe."

Ta trả lời rằng:
Hình dáng của nàng,
Nhẹ như chim hồng,
Uyển chuyển như rồng.
Rực rỡ thu cúc,
Tươi rạng xuân tùng.
Phảng phất như mây che bóng nguyệt,
Phiêu diêu như gió bay làn tuyết.
Từ xa mà ngắm, trắng như ráng mặt trời lúc ban mai,
Tới gần mà xem, tươi như đoá phù dung trên dòng biếc.
To nhỏ vừa tầm,
Ngắn dài hợp độ.
Vai tựa vót thành,
Eo như được bó.
Cổ gáy thon dài,
Da ngần hé lộ.
Sáp thơm không dùng,
Phấn màu chẳng ngự.
Tóc búi mây bồng,
Mày uốn thon cong.
Ngoài môi thắm đỏ,
Răng ngà bên trong.
Con ngươi khẽ liếc,
Má lúm đồng tiền.
Phong tư kiều diễm,
Dáng tĩnh thân nhàn.
Nhu mì khoan nhã,
Mê hoặc tiếng thanh.
Phục trang khoáng thế,
Cốt mạo như tranh.
Khoác áo lụa ngời sáng chừ,
Khuyên tai toả sắc xanh.
Tay đeo lông thuý vàng làm trang sức,
Người kết ngọc minh châu xung quanh.
Giày viễn du thêu hoạ tiết,
Quần mây lụa phất nhẹ nhàng.
Ẩn bóng lan toả hương ngát chừ,
Dạo bồi hồi bên sườn non.
Rồi chợt nhẹ nhàng bay bổng,
Chơi đùa nhởn nhơ.
Trái cờ ngũ sắc,
Phải lộng quế che.
Nâng tay trắng ngần bên bến trong chừ,
Hái cỏ chi đen nơi nước xiết.

Ta mến vẻ đẹp của nàng chừ,
Lòng thổn thức khôn nguôi.
Không người mai mối lương duyên chừ,
Đành nhờ ánh mắt tỏ lời.
Mong lòng thành được chấp thuận chừ,
Cởi ngọc bội ngỏ thưa.
Ôi nàng thực hoàn mỹ chừ,
Thông lễ nghĩa, hiểu thi từ.
Mang ngọc quỳnh đáp lại ta chừ,
Chỉ nơi hẹn ước tại vực sâu.
Lưu luyến chân thành biết bao chừ,
Chỉ e nàng dối lừa.
Cảm Giao Phủ bị bội ước chừ,
Lo lắng do dự nghi ngờ.
Trấn yên niềm hoan hỉ chừ,
Giữ lễ giáo mà e dè.

Rồi Lạc thần cảm động,
Bồi hồi dùng dằng.
Thần thái ly hợp,
Lúc tối lúc bừng.
Thân nhẹ bổng như hạc đứng,
Như sắp bay lại ngập ngừng.
Dẫm đường tiêu hoa nồng đượm,
Đi lối cỏ ngát mùi hương.
Ngâm nga mãi lòng yêu mến chừ,
Tiếng ca buồn bã khôn cùng.
Rồi chúng tiên tụ họp,
Kéo bè bạn lại.
Hoặc giỡn nước trong,
Hoặc bay trên bãi,
Hoặc hái minh châu,
Hoặc tìm lông biếc.
Hai Tương phi từ nam về,
Đem du nữ sông Hán tới.
Than Bào Qua cô đơn chừ,
Kể Thiên Ngưu không bạn.
Áo nhẹ phất phơ trong gió chừ,
Buông tay hồi lâu đứng lặng.
Thân tựa chim bằng,
Phiêu dật như thần.
Nhẹ nhàng đạp sóng,
Áo bọt nước sinh.
Cử động vô thường, như nguy như an.
Đứng đi khó đoán, như tiến như hoàn.
Mắt chuyển lưu tinh,
Vẻ ngọc rỡ ràng.
Ngậm lời chửa thốt,
Hơi đượm hương lan.
Dung mạo nhu mì,
Ta bữa quên ăn.

Rồi Bình Ế thu gió,
Xuyên Hậu lặng sông.
Phùng Di gõ trống,
Nữ Oa ca vang.
Cá văn ngư bay hộ giá,
Dần dần xa tiếng ngọc loan.
Sáu rồng xếp bằng nghiêm trang,
Kéo xe mây mà lướt nhẹ.
Kình nghê nhảy nâng bánh xe,
Chim nước lượn quanh bảo vệ.
Rồi vượt bãi bắc,
Qua sườn nam.
Quay cổ trắng,
Ngoái mày thanh.
Động môi thắm để đưa lời,
Nhắc nhở lễ giáo cương thường.
Hận thần người không đồng cảnh chừ,
Oán ngày vui chẳng thể cùng.
Nâng tay che nước mắt chừ,
Lệ thấm áo không ngừng.
Buồn buổi hội ngộ nay đã hết chừ,
Tiếc chia tay rồi cách hai phương.
Không gì biểu thị tình ái chừ,
Lấy ngọc Giang Nam mà dâng.
Tuy ẩn trú tại Thái Âm,
Nhưng lòng gửi mãi nơi chàng.
Chợt chưa định thần thì đã dứt,
Nhìn nàng biến mất giữa hào quang.

Rồi xuống từ núi cao,
Chân vẫn luyến lưu.
Tình hoài tưởng tượng,
Ngoảnh lại u sầu.
Hy vọng nàng lại hiện hình,
Cưỡi thuyền nhẹ bơi trên sóng.
Trôi theo sông dài trở lại,
Nỗi nhớ miên man đằng đẵng.
Đêm thao thức không sao ngủ,
Đẫm sương dày cho tới sáng.
Lệnh đày tớ đóng xa giá,
Tìm nơi đường đông mà hướng.
Cầm dây cương, đặt yên ngựa,
Lòng bàn hoàn mà không đi được.

nhachoaloiviet
08-08-2009, 12:47 PM
Đây là một bài thơ trong 7 bước của ông cũng nói về chuyện anh em ông xích mích.Tào Phi bắt ông làm bài này và ông đã nói lên cái khí của mình bị yếu thế Tào Phi chứ chănng phải kém tài : Tào Phi ra đề là bức tranh 2 con trâu húc nhau nhưng không cho Thực dùng các từ như Trâu,Sừng,Húc quả là gian nan.Nhưng sau 7 bước thì cũng ra liền:

Hai vật đi cùng đường
Trên đầu 4 khúc xương
Gặp nhau tựa sườn núi
Hung hăng mở chiến trường
Hai bên thi sức mạnh
Một vật lăn xuống hang
Nào đâu thua sức mạnh
Chẳng qua sự lỡ làng

Tào Phi nghe bài thơ xong rất tức giận nhưng cũng khâm phục tài thơ xuất quỷ của em mình.Tuy cả ba cha con đều là những nhà thơ lớn nhưng Tào Thực là hơn cả.Ông được một nhà thơ nổi tiếng khác ca ngợi rằng:Tử Kiến là một nửa văn chương của thiên hạ

laototphilao
08-08-2009, 02:33 PM
Cha con nhà Tào toàn những người tài năng xuất chúng đó bro, Tào Tháo , Tào Phi , Tào Thực là cây đa cây đề trong dòng văn học Trung Hoa thời mạt Hán , thằng cu Tào Chương gọi là tướng râu đỏ lại giỏi võ nghệ. Mình đọc "Tam Quốc Chí" và "Hồng Lâu Mộng" từ hồi đang ôn thi cấp 3 tủ sách nhà nhiều ông bà già làm "Gõ đầu trẻ" mà . Tính về võ nghệ thằng " Lưu Phong" con nuôi Lưu Bị phải gọi bằng cụ, có một trận mình khoái nhất là lúc Tào Tháo bọ vây hãm may nhờ Tào Chương dẫn quân đến cứu sắp chạy rồi Tào Tháo nói với Lưu Bị " Mày sai thằng con nuôi Lưu Phong đánh tao , tao gọi thằng cu râu đỏ nhà tao mày ra bã " ... Nhưng theo tôi làm chính trị ngoài Tào Phi ra khôn gai xứng đáng

honglinh_hue
08-08-2009, 03:14 PM
Mỗi người một tài
thơ văn ko phải là chính trị
mà đã làm chính trị ko kể đến tình thân