Các bạn thân mến, tôi đã và đang bỏ khá nhiều công sức để viết một quyển sách về cờ Úp (Cờ Úp Cơ Bản) dành cho những người thích môn cờ này. Sách có mục đích chia xẻ kiến thức và nâng cao nhận thức chung. Tôi đã viết được khoảng 80 - 90% và hi vọng sẽ hoàn thành trong vài tháng tới.

Theo truyền thống từ xưa, năm mới ngày xuân là lúc để khai bút tôi xin chia xẻ với các bạn phần tôi viết về quân Sĩ, một quân có lẽ là tượng trưng cho đa số kẻ sĩ chúng ta. Sĩ là một trong những quân "nhỏ nhặt" nhất của cờ Úp. Thậm chí nó hay được gán cho cái hỗn danh "quân rác", là thứ mà nhiều kỳ thủ không chờ, không mong nhận và cũng sẵn lòng tống khứ đi nhất. Tuy vậy dù cùng tên, cùng ký hiệu thì Sĩ lại là một trong những quân rất khác lạ giữa hai loại cờ (cờ Tướng và cờ Úp), và cũng là một trong những thứ làm nên sức mạnh ngầm của cờ Úp. Nó còn ẩn chứa nhiều bí mật và cả những điều thú vị. Chỉ đến khi bạn nắm vững được các đặc điểm, tính năng của quân Sĩ, biết kính trọng kẻ sĩ, chơi nhuần nhuyễn, dùng Sĩ đúng lúc đúng chỗ (và cùng nhiều điều khác nữa) bạn mới thực sự là người làm chủ thứ cờ thú vị này.

Mục về Sĩ thuộc Phần 3 Trung cuộc của sách. Nó dài nên tôi sẽ post lần lượt góp vui trong những ngày xuân.

Cảm ơn trước các bạn đã vào đọc và cảm ơn thêm lần nữa mọi góp ý!

Người viết: Phạm Hồng Nguyên, xuân 2019

-------



Nếu trong cờ Tướng Sĩ chỉ được đi giới hạn tổng cộng 5 điểm trong Cung thì trong cờ Úp, Sĩ được cởi trói hoàn toàn, đến được mọi vùng, vượt sông sang tấn công đối phương. Tuy vậy do cách đi chéo một quân Sĩ không thể đến được mọi điểm trên bàn cờ mà chỉ được tổng cộng 45 điểm, chiếm một nửa số điểm trên bàn cờ.

Sĩ tiến từng bước giống Tốt. Nếu đi thẳng (Sĩ phải bước dích dắc) chúng cùng tốc độ, từ hàng đầu tiên đến hàng cuối cùng đều cần 9 nước. Nước đi của Sĩ thực chất là đi chéo, bằng hai nước Tốt bao gồm một nước tiến và một nước đi ngang. Do vậy nếu đường đi không thẳng thì Sĩ đến đích nhanh hơn. Ví dụ quân Sĩ ở góc xa nhất chỉ cần 7 nước là đã đến được đỉnh Cung đối phương, trong khi đó quân Tốt cần tới 10 nước. Một quân Sĩ dù ở bên nào cũng có thể kiểm soát tới 4 điểm (nếu không đứng ở biên), trong khi Tốt chỉ 1 điểm khi còn ở sân nhà và 3 điểm khi ở sân đối phương. Đòn tấn công chĩa đôi hoặc bảo vệ đôi hay xẩy ra (hiếm hơn là 3 hoặc 4). Sĩ có thể tiến rồi rút về công thủ toàn vẹn trong khi Tốt không thể đi lùi. Sĩ có thể tấn công tất cả các quân khác mà đối phương không thể phản đòn ngay được. Trong khi đó Tốt có thể bị Xe, Pháo bắt lại ngay nếu ra mặt tấn công. Nhưng cũng vì vậy nếu giao cho Sĩ bảo vệ quân khác thì nó lại khó yên ổn núp sau quân đó tránh đòn truy sát như Tốt. Nếu tính về tốc độ và số điểm tấn công Sĩ phải được coi mạnh hơn hẳn Tốt, đặc biệt nếu so với Tốt còn ở đất nhà. Tuy nhiên do tổng điểm kiểm soát ít hơn và không kiểm soát được mọi điểm đất địch khi tấn công nên nó thường được coi ngang bằng hoặc chỉ nhỉnh hơn Tốt (đã sang sông) chút ít.

Ván 3.5:
Ván dưới đây Nguyễn Hoàng Lâm (Việt Nam) tiên, đấu Vương Lương Đạt (Trung Quốc) - Giải cờ Úp Việt Trung ngày 8/6/2018:
1. B1.1=s B1.1=b 2. B7.1=b B7.1=b
3. B5.1=b B9.1=s 4. M8.7=p S4.5=x
5. M2.3=b X5-4 6. T7.5=x M8.7=m
7. S4.5=t M2.3=s 8. B5.1 T7.5=p
9. X5.2 S3.4 10. P7-5 B5.1=b
11. X5-6 P2.3=b 12. P5.5 P8-5=b
13. P2.5=t S6.5=p 14. X6.1 S9.8
15. T3.5=x T3.1=t (hình)



Đến đây Trắng (Nguyễn Hoàng Lâm) may mắn ra được hai Xe, có thể uy hiếp mạnh Tướng đen. Nhưng Đen cũng có một Xe và Pháo Mã, có thêm hai Sĩ, một Tượng và đã mở được toàn bộ Tốt. Sĩ đen cột 4 được Xe bảo vệ chặt. Đến lượt, nó lại bảo vệ hai Tốt và đề phòng Tốt trắng vượt sông. Cụm Sĩ Tốt đã hình thành lớp phòng ngự tuy toàn quân yếu, rẻ nhưng lại rất rắn chắc, chiếm được các lộ ngang dọc quan trọng, cản đường xuống của Xe và cũng cản trở Xe xuống tấn công theo chiều ngang.

16. X5-4 P5-9 17. X4.5 P9.8 18. X4-3 B2-3 19. P8.5=b B3.1=t

Đến đây Sĩ cột 4 đã gồng mình bảo vệ những 3 quân, lại ngăn được Tốt trắng cột 2 áp vào gần. Nhờ thế đứng liên hoàn với Xe đen nhóm này đủ sức chống đỡ được cặp Xe và mọi mưu toan phá vỡ cụm phòng ngự. May mắn nữa cho Đen là Trắng không có quân nhỏ nào có thể trợ giúp Xe phá cụm Sĩ Tốt. Sĩ (cột 1) và Tượng (cột 2) gần đó đều lệch, không thể tấn công được quân nào của cụm. Tượng 5 ở tâm Cung bị Tốt và Sĩ đen đe doạ không cho lên hỗ trợ.

Hiện tại một Xe trắng đã bị kẹt cứng trong cái túi phòng ngự do cụm Sĩ tạo ra. Xe kia cũng bị giảm tầm hoạt động và không liên kết được với các quân khác.

20. B3.1=b X1-3=m

Đen lật thêm một úp. Do không mất úp nào nên quân úp (Xe giả) còn lại nhất định là Xe. Đến đây Đen đã nắm được đủ lực để phản tiên.

21. B8-9 P9-7!

Nước hay, Đen vào Pháo để đề phòng, ngăn Xe trắng đánh thông lộ.

22. T5.3 S8.7 23. B3.1 B7.1 24. B9.1=p B1.1 25. X9.4=m T3/1 26. M9.8 M3.2
27. S6.5=s B7-8 28. X3-4 B8-9 29. M8/7 T1.3 30. X6/3 B9-8

Trắng thất bại trong việc phá cái túi phòng ngự (giờ là Sĩ Tốt Tượng) nên đành rút Xe về tìm đường khác.

31. X6-8 M2/3 32. X8.7 X4/1 33. X8/1 M3.4 34. X8-9 X4-2
35. X4.1 M4/3 36. X9-7 P7/2 37. X7-8 X2.1 38. X4-8 X9.9=x

Trắng buộc đổi Xe nên khả năng tấn công giảm sút không còn gây nguy hiểm nữa. Đen tung quân Xe còn lại tấn công.

39. S5/4 P7.2 40. S4.5 P7-8 41. T2/4 B8-7 42. M7.9 P8/6
43. S5/4 P8-5 44. Tg5-6 X9-6 45. Tg6.1 X6/1 46. Tg6/1 X6/4
47. X8-6

Trắng cuối cùng cũng phá được cái túi, bắt được Sĩ - ngôi sao của túi phòng ngự, nguyên nhân chính chế ngự thành công sức công phá của cặp Xe. Tuy vậy nỗ lực này đã quá muộn. Với binh lực rải rác xung quanh Đen đủ sức bẻ gẫy mọi cố gắng tấn công cuối cùng của Trắng.

47. … B5.1 48. X6/2 B5.1 0-1

Trắng không thể ngăn cản được Tốt tấn công nên nhận thua. Nguyễn Hoàng Lâm đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để cuối cùng thắng chung cuộc đối thủ này!

(còn nữa)