Kết quả 1 đến 10 của 10
-
29-07-2012, 11:54 AM #1
Những chiến thắng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938
Sông Bạch Đằng là một nhánh sông dài hơn 20 km, từ Do Nghi đến Phả Lễ giữa Yên Hưng (Quảng Ninh) và Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), nơi đã ghi dấu chiến công của Ngô Quyền chống giặc Nam Hán; chiến công của Lê Hoàn chống giặc Tống; chiến công của Trần Hưng Đạo chống giặc Nguyên Mông. Trong đó, trận thắng giặc Nam Hán vào năm 938 do Ngô Quyền chỉ huy là mốc son mở ra nền độc lập tự chủ của dân tộc ta.
Năm 931, Dương Đình Nghệ đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi được bọn quan quân Nam Hán là bọn Lý Khắc Chính và Lý Tiến ra khỏi nước ta. ông tự xưng là Tiết độ sứ đóng bản doanh ở thành Đại La.
Năm 937 Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Nền độc lập của dân tộc ta vừa mới giành được sau đêm trường Bắc thuộc lại bị đe dọa. Kiều Công Tiễn hoảng sợ trước sự căm phẫn của nhân dân, đã cho người sang cầu cứu vua Nam Hán. Nhân cơ hội đó, Nam Hán đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Vua Nam Hán là Lưu Cung đã cử con trai là thái tử Hoằng Thao thống lĩnh quân thuỷ vượt biển tiến vào nước ta. Bản thân Lưu Cung cũng tự cầm quân đóng ở Hải Môn (Quảng Đông) để sẵn sàng tiếp ứng.
Cuối năm 938, Ngô Quyền (898-944), vị tướng giỏi đồng thời là con rể của Dương Đình Nghệ đã đem binh từ châu ái (Thanh Hoá) ra diệt Kiều Công Tiễn, trừ mối hoạ bên trong. Sau đó, ông huy động nhân dân cả nước khẩn trương bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Nắm vững tình hình cũng như đường tiến quân của địch, Ngô Quyền bàn với các tướng sĩ rằng: "Hoằng Thao là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được! Song chúng có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua cũng chưa biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu và bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự không kế gì hay hơn kế ấy cả". Các tướng đều phục kế sách ấy là chắc thắng.
Ngay sau đó, Ngô Quyền đã huy động quân dân đẵn gỗ, đẽo cọc vát nhọn, bịt sắt cắm đầy lòng sông Bạch Đằng ở những chỗ hiểm yếu gần cửa biển tạo thành một trận địa ngầm, hai bên bờ có quân mai phục. Đó là một thế trận hết sức chủ động và lợi hại, thể hiện một quyết tâm đánh thắng quân giặc của chủ tướng Ngô Quyền và quân dân ta.
Hoằng Thao thống lĩnh thuỷ binh hùng hổ kéo vào cửa sông Bạch Đằng. Lúc đó nước triều đang lên ngập hết bãi cọc, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, dụ quân giặc từ vịnh Hạ Long vào sông Bạch Đằng, rồi vờ thua chạy. Tên tướng trẻ kiêu ngạo Hoằng Thao mắc mưu, thúc quân chèo thuyền hăm hở đuổi theo, vượt qua trận địa cọc ngầm của ta. Quân ta cầm cự với giặc. Đợi khi nước thuỷ triều rút xuống, Ngô Quyền hạ lệnh cho toàn quân đánh quật trở lại. Thuỷ quân giặc hốt hoảng quay đầu chạy. Ra đến gần cửa biển, thuyền địch đâm phải cọc nhọn, bị vỡ và bị đắm rất nhiều. Quân giặc phần bị giết, phần chết đuối, phần còn lại phải đầu hàng hoặc bị quân ta bắt sống. Toàn bộ đạo quân thuỷ xâm lược của Nam Hán, kể cả Hoằng Thao đã vĩnh viễn bị nhấn chìm xuống dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Vua Nam Hán đang điều quân sang tiếp viện cho con, nhưng nửa đường nghe tin Hoằng Thao chết trận, quân lính bị tiêu diệt gần hết, hắn kinh hoàng, khủng khiếp đành "thương khóc thu nhặt quân còn sót lại mà rút lui" (Đại Việt sử ký toàn thư). Mưu đồ xâm lược của vua tôi nhà Nam Hán đã bị Bạch Đằng Giang nổi sóng cuốn chìm.
Hai tiếng Bạch Đằng đã đi vào lịch sử. Trong tâm thức nghìn năm của người Việt Nam, Bạch Đằng đã trở thành điểm hội tụ của sức sống dân tộc, đúng như lời ngợi ca của Phạm Sư Mạnh:
Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật,
Giang san vương khí Bạch Đằng thâu.
Tạm dịch:
(Kỳ quan của Vũ trụ là Mặt trời lên tại hang Dương Cốc,
Khí thiêng của núi sông đọng lại ở chốn Bạch Đằng).
Mô hình chiến thắng Bạch Đằng 938. (Ảnh: Wikipedia)
Lược đồ chiến thắng Bạch Đằng năm 938
(ST).Lần sửa cuối bởi 6789, ngày 29-07-2012 lúc 12:00 PM.
-
29-07-2012, 12:12 PM #2
Trận Như Nguyệt (1-3/1077)
Sau thất bại cuối thế kỷ thứ 10, nhà Tống lại cố lao vào chuẩn bị chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Vì vậy, Lý Thường Kiệt đã chủ động đưa quân sang các châu Ung - Khâm - Liêm phá tan âm mưu của địch, rồi rút về nước chuẩn bị sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công mới của chúng.
Lý Thường Kiệt đã phán đoán và đánh giá đúng cuộc tiến công của địch. Kế hoạch đối phó của ông là: đánh bại cánh quân đường thuỷ, không cho chúng hợp quân với đường bộ; bố trí lực lượng các đội thổ binh của Phò mã Thân Cảnh Phúc và lực lượng dân binh đánh chặn địch từng bước trên các cửa ải ở biên giới, và xây dựng chiến tuyến nam sông Như Nguyệt (sông Cầu) để phòng ngự, nhằm chặn đứng cuộc tiến công của quân Tống. Tại đây, quân ta đã thiết kế lại tuyến phòng ngự dài 80 km, xác định các khu phòng ngự then chốt, bố trí binh lực thành các lực lượng "trú chiến'' (phòng ngự tại chỗ) và "thác chiến'' (tiến công cơ động, làm nhiệm vụ phản kích, phản công).
Đúng như ta dự đoán, ngày 08/01/1077 quân xâm lược Tống tiến vào nước ta theo hai ngả ở biên giới phía Bắc và một ngả theo đường biển Đông Bắc. ở phía Bắc, quân địch đã bị các lực lượng thổ binh ta chặn đánh, vừa tiêu hao vừa làm trì hoãn bước tiến của chúng. Địch phải tiến quân vất vả, nhất là trước các cửa ải Quyết Lý, Chi Lăng, và đến 18/01 mới đến bờ Bắc sông Như Nguyệt, đóng thành hai cụm quân: cụm Quách Quỳ và cụm Triệu Tiết. Trong khi đó ở vùng biển Đông Bắc, quân thuỷ của ta do Lý Kế Nguyên chỉ huy đã đánh bật về phía sau đạo quân thuỷ của Dương Tùng Tiên, loại hẳn lực lượng này ra ngoài vùng chiến.
Sau khi tập trung lực lượng tiến hành trinh sát, một đêm đầu tháng 2 Quách Quỳ bắc cầu phao, tung kỵ binh vượt sông đánh vào trận địa ta. Chúng đột phá qua dải phòng ngự tiến về phía Thăng Long, nhưng lập tức bị chặn lại khi cách Thăng Long khoảng 8 km. Đồng thời ta tung kỵ binh đột kích cạnh sườn, địch bị rối loạn đội hình, một phần lớn bị tiêu diệt, phần còn lại vội vã tháo chạy về phía Bắc. Đợt tiến công của địch bị đẩy lùi.
Sau đó, Quách Quỳ định mở đợt tấn công thứ hai. Nhưng vì phương tiện thiếu, lại chỉ có thể vượt sông trên hai thuỷ đoạn hẹp (bến Thị Cầu và bến Như Nguyệt) nên cuộc tiến công thứ hai của chúng bị thất bại. Địch buộc phải chuyển vào phòng ngự lâm thời chờ cơ hội. Chúng bố trí thành hai tập đoàn: Quách Quỳ ở Bắc Thị Cầu và Triệu Tiết ở Bắc Như Nguyệt.
Nắm cơ hội địch đã bị tiêu hao, mệt mỏi, cạn đường tiếp tế qua hai tháng chiến đấu, Lý Thường Kiệt quyết định tung ra đòn phản công mạnh, nhằm kết thúc chiến tranh.
Một đêm tháng 3, 400 chiến thuyền của quân ta ngược dòng sông Như Nguyệt bất ngờ đánh vào cụm quân Quách Quỳ từ hướng Đông. Trong khi cụm quân này đang mải đối phó, Lý Thường Kiệt nắm đại quân vượt sông đánh thẳng vào cụm quân Triệu Tiết. Địch bị bất ngờ, bị ta chia cắt thành từng mảng và tiêu diệt. Thừa thắng, từ hướng Tây Bắc, Lý Thường Kiệt kéo chủ lực vu hồi vào đạo quân Quách Quỳ cách đó 30 km. Địch lại một lần nữa bị bất ngờ, phải đối phó trên hai hướng, và cuối cùng phải phá vây chạy về phía Bắc. Đạo quân của Thân Cảnh Phúc chặn ở Chi Lăng, cận đại quân ta phía sau truy kích theo. Địch bị tiêu diệt đại bộ phận và buộc phải rút hết quân về nước.
Những phát triển của nghệ thuật quân sự
Trận đánh trên sông Như Nguyệt nằm trong tổng thể ý đồ tác chiến chiến lược của Lý Thường Kiệt (tiến công sang đất địch - tổ chức phòng ngự chiến lược đề phản công đánh bại hoàn toàn ý đồ xâm lược của chúng) là bước phát triền của nghệ thuật giữ nước, khẳng định chủ quyền dân tộc. Ta đã chủ động phòng ngự, phòng ngự trong thế giặc mạnh và phòng ngự thắng lợi. Trong tác chiến, ta đã kết hợp phòng ngự chính diện với đánh địch ở phía sau, khiến địch bị tiêu hao, mỏi mệt. Sau đó nắm thời cơ, ta bất ngờ tung ra đòn phản công mạnh tiêu diệt tập đoàn chủ yếu của địch, kết thúc chiến tranh. Cùng với các đòn tiến công sang đất địch, trận Như Nguyệt một lần nữa khẳng định cách đánh giải quyết nhanh của quân đội nhà Lý. Ở đây, lần đầu tiên đã xuất hiện một phương thức kết thúc chiến tranh với giặc ngoại xâm: trong thế thắng, ta vẫn chủ động giảng hoà, mở đường cho giặc rút về nước.
(ST).
-
29-07-2012, 12:19 PM #3
Ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông (1258 - 1285 - 1288)
Trong thế kỷ XIII, dân tộc Việt Nam đã lập nên những chiến công vĩ đại: ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược.
Lần thứ nhất xảy ra vào tháng Giêng năm 1258. Bấy giờ, vua chúa Mông Cổ đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm Trung Quốc. Bên cạnh những đạo quân ồ ạt đánh vào đất Tống, một đạo quân khoảng bốn vạn người, gồm kỵ binh Mông Cổ và binh lính người Thoán Vân Nam, do tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uryangquadai) chỉ huy, từ Vân Nam đánh xuống Đại Việt. Vua Trần là Thái Tông đã đem quân lên chặn giặc ở Bình Lệ Nguyên, bên sông Cà Lồ. Nhưng sau đó, quân ta rút lui để bảo toàn lực lượng trước thế mạnh ban đầu của giặc.
Quân ta rút lui, bỏ Thăng Long lại phía sau, nhưng Triều đình nhà Trần và quân dân vẫn không nao núng. Vua tôi nhà Trần đã bàn phương lược đánh giặc trên những con thuyền xuôi sông Hồng. Khi được Thái Tông hỏi ý kiến, Thái sư Trần Thủ Độ đã trả lời: ''Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo".
Giặc đóng ở Thăng Long, trong một toà thành trống, đã khốn đốn vì thiếu lương thực. Chúng cố đánh ra xung quanh để cướp lương thực, nhưng ở đâu cũng gặp sức chống trả mãnh liệt của nhân dân. Vì vậy mà chỉ sau 9 ngày, chúng đã vô cùng hốt hoảng. Đó chính là thời cơ để quân ta phản công. Ngày 29/01/1258, Vua Trần Thái Tông đã đem binh thuyền ngược sông Hồng tiến về Thăng Long. Quân địch bị đánh bật khỏi Kinh thành, theo đường cũ, chạy về Vân Nam. Trên đường tháo chạy, chúng còn bị quân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi tập kích, đánh cho tan tác.
Sau lần thất bại đó, bọn vua chúa Mông Cổ vướng vào cuộc nội chiến (1259 -1264) và cuộc chiến tranh với Tống (1267-1279) nên chưa thể tiếp tục ngay cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mãi đến năm 1279, nhà Tống mất, toàn bộ đất Trung Quốc đã nằm dưới ách thống trị của nhà Nguyên, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt (Quibilai) mới chuẩn bị xâm lược nước ta bằng quân sự. Sau khi không thể khuất phục được Đại Việt bằng những sứ bộ ngoại giao, cuối năm 1284, đạo quân Nguyên Mông do Thoát Hoan (Toan), con trai Hốt Tất Liệt, và A Lý Hải Nha (Ariquaya) chỉ huy, đã lên đường, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai.
Lần này, ngoài cánh quân lớn của Thoát Hoan đánh vào mặt Lạng Sơn, Vua Nguyên còn sai Nạp Tốc Lạt Đinh (Nasirud Din) đem một cánh quân từ Vân Nam đánh vào mặt Tuyên Quang, và ra lệnh cho Toa Đô (Sogatu) đem đạo quân còn đóng ở Bắc Chămpa, đánh vào mặt Nam của Đại Việt.
Sau một vài trận đánh chặn giặc ở mặt Lạng Sơn và Tuyên Quang, trong tháng 2/1285, quân ta lại rút lui và lần nữa bỏ trống Thăng Long, kéo về mạn Thiên Trường và Trường Yên (Ninh Bình). Và để tránh cái thế bị kẹp vào giữa các gọng kìm của giặc, đại quân và Triều đình chờ cho cánh quân của ba Đô tiến đến Trường Yên (Ninh Bình) thì rút vào Thanh Hoá. Trong khi một bộ phận lớn quân chủ lực rút, thì khắp nơi, quân địa phương và dân binh các lộ, phối hợp với các cánh quân nhỏ của Triều đình để lại đã không ngừng tập kích, tấn công vào quân địch ở vùng bị chiếm đóng. Kế hoạch ''vườn không nhà trống" được toàn dân thực hiện. Giặc đóng quân phân tán, thiếu lương thực, có nguy cơ bị tiêu diệt. Mùa hè đến, lại giáng lên đầu chúng những tai hoạ mới. Sử Nguyên chép: "Bệnh dịch hoành hành... Nước lụt dâng to, ngập ướt doanh trại... ". Thời cơ phản công của quân ta đã tới. Tháng 5/1285, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dẫn đại quân tiến ra Bắc. Kế hoạch diệt địch như sau: Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải và một số tướng lĩnh được giao nhiệm vụ diệt địch trên phòng tuyến sông Hồng, còn Hưng Đạo Vương, đem quân vòng qua vùng Hải Đông, tiến lên Vạn Kiếp, chặn đường tháo chạy của địch. Cục diện chiến tranh xảy ra đúng như dự liệu: cuối tháng 5-1285, Trần Quang Khải cùng với Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản đã đánh tan giặc ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, rồi tiến lên giải phóng Thăng Long. Thoát Hoan hoảng hốt, rút khỏi Thăng Long, chạy về phía Vạn Kiếp. Đến đây, bọn giặc lọt vào trận địa mai phục của Trần Hưng Đạo, chúng bị thương vong rất nhiều. Đám tàn quân hoảng loạn cố mở đường máu tháo chạy. Nhưng đến biên giới Lạng Sơn, chúng lại bị quân ta chặn đánh. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng rồi bắt quân lính khiêng chạy về nước. Viên đại tướng Lý Hằng đi đoạn hậu, bị tên độc trúng đầu gối, về đến Tư Minh thì chết.
Trong khi cánh quân Thoát Hoan chạy về phía Lạng Sơn thì cánh quân Nạp Tốc Lạt Đinh tìm đường tẩu thoát về Vân Nam, cũng bị quân dân ta tập kích, đánh cho tơi bời. Không biết Thoát Hoan đã bỏ chạy, Toa Đô kéo ra Bắc, theo sông Hồng định về Thăng Long, nhưng đến Tây Kết thì bị quân ta chặn đánh. Toa Đô bị chém. Thế là cuộc chiến tranh xâm lược của Nguyên Mông lần thứ hai hoàn toàn thất bại.
Ngay sau thất bại năm 1258, Hốt Tất Liệt đã ra lệnh chuẩn bị một cuộc chiến tranh xâm lược mới. Nhưng phải đến cuối năm 1287, các đạo quân viễn chinh mới có thể lên đường. Một đạo do Thoát Hoan và áo Lỗ Xích (Agurucxi) chỉ huy tiến vào Lạng Sơn. Một đạo khác, do ái Lỗ (Airuq) cầm đầu, từ Vân Nam đánh vào Tuyên Quang. Lần này, không còn cánh quân phía Nam, nhưng Vua Nguyên lại phái thêm một cánh thuỷ quân, sai ô Mã Nhi (Omar) chỉ huy, hộ tống đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ vào Đại Việt theo đường biển.
Tháng 12/1287, khi đoàn thuyền chiến của ô Mã Nhi tiến vào vùng biển An Bang (Quảng Ninh), Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đem thuỷ quân chặn đánh, nhưng không cản được giặc. ô Mã Nhi cho binh thuyền tiến thẳng vào cửa sông Bạch Đằng, không chú ý đến đoàn thuyền lương nặng nề chậm chạp ở sau. Mãi đến tháng 1/1288, đoàn thuyền lương của giặc mới tiến đến vùng đảo Vân Đồn. Trần Khánh Dư lại đem quân tập kích. Trương Văn Hổ chống đỡ không nổi, đổ cả lương thực xuống biển, trèo lên một chiếc thuyền nhỏ, trốn về Quỳnh Châu (Hải Nam). Bấy giờ, Thoát Hoan cũng đã tiến vào Lạng Sơn, hội quân với cánh quân thủy của ô Mã Nhi ở Vạn Kiếp. Thoát Hoan dừng lại ở đây gần một tháng, xây dựng Vạn Kiếp thành một căn cứ vững chắc, mãi đến cuối tháng 1/1288 mới chia quân tiến về Thăng Long.
Lần thứ ba, quân dân nhà Trần lại bỏ ngỏ Thăng Long. Quân Nguyên vào Thăng Long ngày 2/2/1288. Ngay sau đó, Thoát Hoan vội sai ô Mã Nhi đem chiến thuyền ra biển đón thuyền lương của Trương Văn Hổ. Nhưng thuyền còn đâu nữa. Không có lương thực, đạo quân Thoát Hoan đóng ở Thăng Long lâm vào tình thế khốn quẫn.Thoát Hoan phải ra lệnh rút quân về Vạn Kiếp. Trên đường rút về Vạn Kiếp, giặc bị quân ta chặn đánh ở cửa Ba Sông, vùng Phả Lại. Kéo về đóng ở Vạn Kiếp, đạo quân xâm lược vẫn bị quân ta tập kích ngày đêm. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, bọn tướng Nguyên đã nói với Thoát Hoan: ''ở Giao Chỉ, không có thành trì để giữ, không có lương thực đủ ăn, mà thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ lại không đến. Vả lại khí trời đã nóng nực, lương hết, quân mệt, không lấy gì để chống đỡ lâu được, làm hổ thẹn cho triều đình, nên bảo toàn quân mà về thì hơn" Trước tình hình đó, Thoát Hoan quyết định rút quân về nước theo hai đường: cánh quân bộ rút qua vùng Lạng Sơn, còn cánh quân thuỷ sẽ rút ra biển theo sông Bạch Đằng.
Kế hoạch rút lui của giặc không nằm ngoài dự liệu của Trần Hưng Đạo. ông đã bố trí chặn giặc ở vùng biên giới và chuẩn bị cho một trận quyết chiến lớn trên sông Bạch Đằng. Từ tháng 3, quân sĩ và nhân dân đã đẵn gỗ lim, gỗ táu ở rừng về đẽo nhọn, đóng xuống lòng sông, làm thành những bãi cọc lớn. Thuỷ quân và bộ binh ta đã phục sẵn trong các nhánh sông và các khu rừng rậm ven sông Bạch Đằng, chờ ngày tiêu diệt địch.
Sáng ngày 9/4/1288, đoàn thuyền chiến của ô Mã Nhi tiến vào sông Bạch Đằng. Khi đoàn thuyền giặc lọt vào trận địa mai phục của ta thì từ các nhánh sông, các thuyền nhẹ của ta lao ra, đánh tạt vào sườn giặc, dồn chúng vào các bãi cọc. Giặc định áp thuyền sát bờ, đổ quân chiếm lấy núi cao để yểm hộ cho đoàn thuyền rút, nhưng bị bộ binh ta đánh hắt xuống. Một trận kịch chiến ác liệt đã xảy ra. Nước triều xuống gấp, thuyền giặc to nặng, lao nhanh theo dòng nước, vướng cọc, tan vỡ rất nhiều. Cho đến giờ dậu (5-7 giờ tối), toàn bộ đạo quân thuỷ của giặc bị tiêu diệt. Ô Mã Nhi bị bắt sống. Lần thứ ba trong lịch sử giữ nước của dân tộc, dòng Bạch Đằng lại ghi thêm một chiến công oanh liệt. Trong khi đó, đạo quân của Thoát Hoan cũng khốn đốn rút chạy ra biên giới. Sau khi bị phục kích ở cửa ải Nội Bàng, chúng bỏ con đường ra ải Khâu Cấp, vòng theo đường Đan Ba (Đình Lập), chạy tạt ra biên giới. Nhưng ở đây, chúng cũng bị quân ta chặn đánh, tướng giặc là A Bát Xích (Abaci) bị trúng tên. Mãi đến ngày 19/4/1288, đám tàn quân của Thoát Hoan mới về đến Tư Minh.
Chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt đã chôn vùi vĩnh viễn mộng xâm lược của Hốt Tất Liệt.
Vài nét về kết quả và nghệ thuật quân sự trận Bạch Đằng (9/4/1288)
Trong trận này, 8 vạn thuỷ quân và 400 thuyền chiến của địch đã bị ta tiêu diệt. Nghệ thuật quân sự của quân dân thời Trần là phối hợp chặt chẽ giữa quân đội nhà vua (chủ lực) và dân binh địa phương. Trong tác chiến đã sử dụng hình thức phục kích để tiêu diệt địch. Về chiến lược, chiến thuật: chọn đạo quân thuỷ của địch làm đối tượng tiến công, tiêu diệt trước và chủ yếu; đó là một quyết tâm rất chính xác vì so với đạo bộ binh chủ lực, thì số lượng đạo quân thủy ít hơn, không giỏi chiến đấu bằng và phải tốn nhiều công sức xây dựng.
Quãng sông Bạch Đằng, nơi được chọn làm địa điểm tác chiến là một khu vực hiểm yếu có đủ những điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu bố trí một trận mai phục trên sông với quy mô lớn.
Tuy vậy, muốn khai thác triệt để những điều kiện thuận lợi trên, còn cần phải có một nghệ thuật tác chiến rất cao, như tìm cách cô lập hoàn toàn đạo quân thuỷ của ô Mã Nhi với đạo bộ binh chủ lực của Thoát Hoan, tách rời đạo kỵ binh đi yểm hộ và dần dần điều động đạo quân thuỷ này từng bước lọt vào đúng trận địa mai phục, theo đúng thời gian đã được xác định. Bởi vậy, đạo thuỷ quân địch dù đông tới 8 vạn tên, được đề phòng rất cẩn mật, nhưng vẫn gặp nhiều bất ngờ, lúng túng buộc phải bị động đối phó từ đầu đến cuối, và kết qủa là bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến thắng Bạch Đằng còn là kết quả của sự phối hợp tác chiến có hiệu quả cao giữa thuỷ quân và bộ binh, giữa quân chủ lực với các đội dân binh, giữa các lực lượng tham chiến về thời gian và không gian.
Thế là trong vòng ba mươi năm, quân dân ta đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, đội quân xâm lược mạnh nhất và hung hãn nhất của thời đó, bảo vệ quyền độc lập tự chủ của đất nước, góp phần bảo vệ nền độc lập của các nước Đông Nam á.
Sức mạnh để làm nên chiến thắng là khối đoàn kết toàn dân như Trần Hưng Đạo đã nói, đó là ''vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, nước nhà chung sức". Chính nhờ khối đoàn kết đó mà một cuộc chiến tranh nhân dân, ''cả nước đánh giặc ", "trăm họ là binh", mới có thể thực hiện. Và sau cùng, nguyên nhân sâu xa hơn của chiến thắng là sự ổn định kinh tế - xã hội thời Trần, được tạo ra từ đường lối "lấy dân làm gốc".
Nói đến những chiến công chống xâm lược thời Trần, chúng ta không thể không nhớ tới câu nói tuyệt vời của Trần Hưng đạo: ''Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước''.
Hịch tướng sĩ - Trần Hưng Đạo
Trích đoạn: ... Nay các ngươi Ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; Thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; Nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; Có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; Có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang Thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; Mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; Vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; Chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; Giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn Mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; Chẳng những gia quyến của ta bị đuổi Mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; Chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo Mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; Chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, Mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, Phỏng có được chăng?...
(ST).Lần sửa cuối bởi 6789, ngày 29-07-2012 lúc 12:29 PM.
-
29-07-2012, 12:35 PM #4
Trận Tốt Động - Chúc Động (5-7/11/1426)
Trong Bình Ngô đại cáo, bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc ta, Nguyễn Trãi đã miêu tả trận đánh ở Tốt Động - Chúc Động bằng những lời đầy hào khí của nghĩa quân Lam Sơn:
... Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh muôn dặm.
Tốt Động thây phơi đầy nội, thối đã nghìn thu...
Tốt Động - Ninh Kiều (tức Chúc Động) là nơi đã diễn ra trận đánh nồi tiếng của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống Minh hồi đầu thế kỷ thứ 15. Lúc này cuộc kháng chiến đã bước sang năm thứ 8, ta càng đánh càng mạnh, càng giành được thế chủ động, địch liên tiếp bị thất bại, đang chuyển dần sang thế phòng ngự bị động. Chúng phải tập trung quân, co cụm về bảo vệ Đông Quan, sào huyệt cuối cùng của quân xâm lược. Trước tình hình như vậy, nhà Mỉnh đã phải điều động một lực lượng lớn gồm hơn 50 nghìn quân do Vương Thông chỉ huy sang tăng viện cho Đông Quan. Với lực lượng hơn 100 nghìn tên cả mới lẫn cũ, Vương Thông muốn dựa vào ưu thế về binh lực quyết định mở cuộc hành quân lớn nhằm quét sạch lực lượng nghĩa quân ở vùng ngoại vi Đông Quan, giành lại thế chủ động chiến lược, và xoay chuyển lại tình thế đang không có lợi cho chúng. Hướng hành quân của chúng là phía Nam và Tây Nam, nơi có một bộ phận lực lượng nghĩa quân do các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đinh Lễ... chỉ huy đang hoạt động.
Đầu tháng 11/1426, Vương Thông tập trung hơn 90 nghìn quân hùng hổ tiến theo hướng Nam và Tây Nam với mộng tưởng có thể đè bẹp lực lượng của quân ta. Đoán trước được âm mưu và hướng hành quân của địch, tuy lực lượng rất ít so với quân địch, nhưng với quyết tâm chiến đấu bẻ gẫy cuộc hành quân của chúng, các tướng nghĩa quân Lam Sơn đã chọn một cách đối phó thích hợp, rất sáng tạo. Đó là tìm địa hình xung yếu cho quân mai phục chờ đánh địch. Trận địa mai phục chủ yếu được bố trí ở Tốt Động và Chúc Động. Tốt Động (nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây) là một vùng đất thấp lầy lội bốn xung quanh có những gò đất cao, rất thuận tiện cho việc mai phục. Chúc Động cách Tốt Động 6 km về phía Đông Bắc cũng là một địa hình đa dạng, phức tạp và hiểm yếu rất thuận tiện cho việc mai phục. Trận địa mai phục ở Tốt Động có nhiệm vụ chặn đứng và đập nát tiền quân địch, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực của chúng. Còn trận địa mai phục ở Chúc Động thì nhằm đánh vào hậu quân địch, đồng thời chặn đường rút lui của chúng khi bị thất bại muốn tìm đường chạy trốn về Đông Quan.
Đúng như dự tính, toàn bộ quân địch đã lọt vào trận địa phục kích của ta ở Tốt Động và Chúc Động. Suốt ba ngày đêm (từ 5 đến 7 tháng 11 năm 1426) chiến đấu liên tục vô cùng ác liệt và rất mưu trí, linh hoạt, nghĩa quân Lam Sơn đã làm thất bại hoàn toàn cuộc phản công chiến lược của Vương Thông. Hơn 6 vạn quân địch đã bị tiêu diệt, Thượng thư Tín Hiệp, Nội quan Lý Lượng đã phải bỏ mạng, bản thân Vương Thông cũng bị trọng thương. Số tàn quân cố gắng bảo vệ chủ tướng liều chết mở đường máu rút chạy về Đông Quan.
Quân ta đã toàn thắng! Cục diện chiến tranh đã hoàn toàn thay đổi, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Minh bước vào một giai đoạn mới. Đó là thắng lợi của trận quyết chiến có ý nghĩa chiến lược to lớn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ thứ 15. Trong điều kiện chiến đấu ác liệt, với so sánh lực lượng vô cùng chênh lệch gần như lấy một đánh mười, quân dân ta vẫn quyết tâm tiến công địch và giành thắng lợi rực rỡ trong một thời gian rất ngắn. Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động được ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như là một trong những mẫu mực điển hình nhất của nghệ thuật quân sự ''lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh" đúng như Nguyễn Trãi đã tổng kết trong Bình Ngô đại cáo:
Lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục,
Lấy yếu chống mạnh, hay đánh bất ngờ.
(ST).Lần sửa cuối bởi 6789, ngày 14-08-2012 lúc 09:15 PM.
-
29-07-2012, 12:38 PM #5
Trận Chi Lăng - Xương Giang (08/10/1427 - 03/11/1427)
Cuối năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược bước sang năm thứ 10 và đã đứng trước cửa ngõ thắng lợi hoàn toàn. Tuyệt đại bộ phận đất nước được giải phóng, địch chỉ còn co về chiếm giữ thành Đông Quan (Hà Nội) và một số thành luỹ khác. Trước nguy cơ hoàn toàn thất bại và để cứu đạo quân Vương Thông đang bị vây hãm ở Đông Quan, giặc Minh đã quyết định phái sang nước ta một đạo viện binh lớn do Liễu Thăng chỉ huy. Đạo quân này được tổ chức thành hai cánh tiến quân: cánh thứ nhất gồm 100.000 tên, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Liễu Thăng, tiến theo ngả Quảng Tây vào Lạng Sơn, Xương Giang. Cánh thứ hai gồm 50.000 tên do Mộc Thạch chỉ huy, tiến theo ngả Vân Nam vào Lào Cai, Việt Trì. Hai cánh này sẽ hợp vây tiêu diệt khối chủ lực chủ yếu của quân Lam Sơn đứng chân ở Đông Bắc Đông Quan, giải tỏa Đông Quan tạo bàn đạp tiến về phía Nam.
Chủ trương của ta là tập trung chủ lực tiêu diệt cánh quân Liễu Thăng trước, kiềm chế, ngăn chặn cánh quân Mộc Thạch bằng lực lượng thứ yếu để tạo điều kiện tiêu diệt ở bước tiếp theo. Đồng thời, ta dùng một lực lượng tiếp tục vây hãm Vương Thông, không cho chúng hợp quân với các cánh viện binh.
Trong bước chuẩn bị, ngày 28-9-1427, ta hạ thành Xương Giang, xoá sổ dinh luỹ cuối cùng của địch ở phía Bắc Đông Quan, làm chủ hoàn toàn chiến trường dự kiến tác chiến trên hướng chủ yếu.
Ngày 8-10, cánh quân Liễu Thăng tiến vào nước ta. Ngày 10-10, đội tiền quân do chính Liễu Thăng dẫn đầu chủ quan khinh địch, rơi vào trận địa phục kích của Lê Sát ở cửa ải Chi Lăng. Toàn bộ 10.000 tên của đội quân này cùng với chủ tướng Liễu Thăng bị diệt dưới chân Mã Yên - Chi Lăng.
Ngày 15-10, tướng Lương Minh vừa lên thay Liễu Thăng cùng hàng vạn quân nữa bị đạo quân Lê Lý tập kích tiêu diệt ở Cần Trạm. Ngày 18-10, thêm 10.000 tên địch nữa bỏ mạng trong trận phục binh của ta ở Phố Cát. Lực lượng còn lại, dưới sự chỉ huy của Thôi Tụ - Hoàng Phúc tiến đến gần thành Xương Giang mới biết thành đã bị thất thủ. Địch buộc phải hạ trại trú quân trên cánh đồng Xương Giang, nơi ta đã bố trí sẵn một lực lượng vây hãm từ các hướng.
Ngày 3/11, ta tổng công kích vào cụm quân địch phòng ngự dă ngoại ở khu vực này. Sau một ngày chiến đấu, ta đă giành được thắng lợi giòn giã: diệt và bắt hơn 60.000 địch, bao gồm toàn bộ tướng chỉ huy của chúng. Đạo quân viện binh chủ yếu của nhà Minh bị tiêu diệt hoàn toàn.
Trong khi đó ở phía Tây, nhận được tin thất bại của đạo quân Liễu Thăng, Mộc Thạch vội vàng cho quân rút chạy. Quân ta dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Xào, Trịnh Khả đă truy kích tiêu diệt hàng vạn tên, làm tan rã hoàn toàn cánh quân này.
Đạo quân viện bị tiêu diệt, Vương Thông bị vây ở thành Đông Quan phải đầu hàng và buộc nhà Minh phải chấp nhận rút các lực lượng còn lại về nước, thừa nhận nền độc lập của nước ta.
Những phát triển của nghệ thuật quân sự
Chủ trương vây hãm Đông Quan và tập trung lực lượng tiêu diệt quân viện, tạo nên một trận đồ vây thành diệt viện ở quy mô chiến lược, là kế sách hay và là điểm đặc sắc của nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn. Trước so sánh lực lượng có lợi cho địch, một mặt ta vận dụng các hình thức tác chiến thích hợp, mặt khác dùng mưu kế kích thích thói ngạo mạn của kẻ xâm lược, lừa chúng vào nơi hiểm, ngay từ đầu liên tiếp tấn công vào đội hình của chúng, tạo nên những thắng lợi vang dội khiến địch hoang mang, rối loạn. Việc kết hợp tiến công quân sự với nghi binh, địch vận, kết hợp và vận dụng thành công các hình thức chiến thuật: phục kích, tập kích, truy kích, công thành, tác chiến trận địa... trong trận Chi Lăng Xương Giang đă đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn.
(ST).
-
29-07-2012, 12:50 PM #6
Trận Rạch Gầm - Xoài Mút (ngày 19/1/1785 )
Trận Rạch Gầm - Xoài Mút (ngày 19/1/1785 ), là trận phục kích đường sông nổi tiếng của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, diệt quân Xiêm và quân Nguyễn Ánh trong khởi nghĩa Tây Sơn (1771-1789).
Tháng 7/1784, mượn cớ giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, khoảng 50.000 quân Xiêm và hơn 300 chiến thuyền do Chiêu Tăng, Chiêu Sương, Sa Uyển, Chiêu Chuỳ Biện chỉ huy cùng 3.000 đến 4.000 quân Nguyễn Ánh theo 2 đường thuỷ bộ tiến vào Kiên Giang.
Cuối năm 1784, quân Xiêm - Nguyễn chiếm được một số vùng đất phía Tây Gia Định, đóng quân ở căn cứ Trà Tân (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) để chuẩn bị đánh thành Mỹ Tho và Gia Định.
Tháng 1/1785, Nguyễn Huệ đưa 20.000 quân thuỷ bộ từ Quy Nhơn vào Gia Định. Không chủ trương phòng thủ Gia Định đang bị uy hiếp, Nguyễn Huệ đưa quân lên Mỹ Tho quyết chiến với quân Xiêm.
Trong những ngày đầu, Nguyễn Huệ dùng lực lượng nhỏ thăm dò, nghi binh, cử người mang của cải cầu hoà với Chiêu Tăng nhằm tạo sự chủ quan, gây chia rẽ nội bộ và dụ quân Xiêm - Nguyễn sớm tiến đánh Mỹ Tho. Đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (khoảng 6-7 km) được chọn làm nơi quyết chiến.
Rạng sáng ngày 19/1/1785, Chiêu Tăng chỉ huy toàn bộ lực lượng theo đường thuỷ, đẩy quân Nguyễn đi trước, tiến đánh thành Mỹ Tho. Khi hầu hết thuyền quân Xiêm - Nguyễn lọt vào trận địa phục kích tại Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn dùng pháo đặt trên thuyền, trên bờ và cù lao Thới Sơn bắn áp đảo, đồng thời thuỷ binh từ các nhánh sông tiến ra và từ Mỹ Tho kéo lên chặn đầu, khoá đuôi, đánh tạt sườn.
Bộ binh Tây Sơn đón lõng diệt tàn quân chốn chạy trên bờ. Kết quả toàn bộ chiến thuyền và phần lớn quân Xiêm - Nguyễn bị diệt. Chiêu Tăng, Chiêu Sương cùng vài nghìn quân sống sót mở đường máu rút về Xiêm. Nguyễn Ánh ở phía sau vội quay lại lui trốn sang Xiêm.
Chỉ một trận quyết chiến chiến lược, Nguyễn Huệ đã đập tan ý đồ bán nước của Nguyễn Ánh cùng âm mưu xâm lược của quân Xiêm.
Trận Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những trận thủy chiến lớn nhất và lừng lẫy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Trận đánh diễn ra trên một đoạn sông Mỹ Tho vào lúc trời còn chưa sáng, ánh lửa đom đóm còn lập lòe trên những cây bần ven sông nhô ra mặt nước như một câu ca dao dân gian đã diễn tả:
Bần gie lửa đóm sáng ngời,
Rạch Gầm soi dấu muôn đời uy linh
Và trận đánh kết thúc rất nhanh chóng trong ngày hôm đó, ngày 19 tháng 1 năm 1785. Chỉ trong khoảng một ngày, khoảng 2 vạn quân Tây Sơn đã giao chiến và đánh tan tành hơn 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn, tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm và hàng nghìn quân Nguyễn.
(ST).
-
29-07-2012, 12:57 PM #7
Đại thắng Thăng Long trong mùa xuân Kỷ Dậu (1789)
Cuối năm Mậu Thân (1788), nhân dân Thăng Long và Bắc Hà phải chịu đựng những ngày tháng đau thương, tủi nhục vì nạn ngoại xâm. Lợi dụng sự cầu cứu của Lê Chiêu Thống, 290 nghìn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị thống lãnh, đã tràn vào chiếm đóng kinh thành và kiểm soát phần lớn đất Bắc Hà. Quân đồn trú Tây Sơn do tướng Ngô Văn Sở chỉ huy, đã theo kế sách mưu trí của tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, lui về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn.
Giành được thắng lợi tương đối dễ dàng, Tôn Sĩ Nghị tỏ ra rất chủ quan. Hắn ra lệnh cho quân sĩ tạm đóng quân ở Thăng Long để nghỉ ngơi ăn tết và chuẩn bị mọi mặt thật chu đáo rồi sau tết sẽ "tiến vào tận sào huyệt của giặc, bắt sống Nguyễn Huệ" (Hoàng Lê nhất thống chí), Hắn đóng đại bản doanh ở cung Tây Long bên bờ sông Nhị và bố trí lực lượng phòng thủ quanh Thăng Long, nhất là hướng đường thiên lý và đường thượng đạo mà quân Tây Sơn có thể bất ngờ tiến công. Trên hai hướng phòng ngự này, đồn Ngọc Hồi và đồn Đống Đa giữ vị trí then chốt.
Những ngày giáp tết năm đó, nhân dân kinh thành đã chứng kiến biết bao tội ác của quân giặc: ''kiếm mọi cách vu hãm những người lương thiện, áp bức, cướp bóc những nhà giàu có, thậm chí giữa chợ, giữa đường cũng cướp giật của cải, hãm hiếp đàn bà, không còn kiêng sợ gì cả" ; và sự phản bội hèn mạt của bọn bán nước: ''nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay, chưa bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế" (Hoàng Lê nhất thống chí).
Nhưng cũng trong thời gian đó, tại Phú Xuân, ngày 24 tháng 11 Mậu Thân (21/12/1788) Quang Trung nhận được tin cấp báo và ngay hôm sau làm lễ xuất quân. Với những phán đoán tình hình và công việc chuẩn bị được trù liệu trước, chỉ trong vòng 35 ngày từ 25/11 đến 30/12 Mậu Thân (22/12/1788 - 25/1/1789), trên đường hành quân và tập kết đại quân ở Tam Điệp, Quang Trung đă hoàn tất mọi việc chuẩn bị cho chiến dịch đại phá quân Thanh. Đúng đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn bất ngờ tiến công tiêu diệt đồn tiền tiêu của giặc ở Gián Khẩu, cách Thăng Long gần 90 km, mở đầu cuộc đại phá quân Thanh. Sau 5 ngày đêm tiến quân thần tốc, đạo quân chủ lực của Quang Trung đã phá tan hệ thống phòng ngự của địch trên hướng đường thiên lý tiến về Thăng Long.
Mờ sáng mùng 5 tết (30/1/1789), đạo quân chủ lực của Quang Trung phối hợp với đạo quân đô đốc Bảo công phá và tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Ngọc Hồi - Đầm Mực.
Cùng lúc đó, đạo quân do đô đốc Long chỉ huy, bất ngờ diệt đồn Đống Đa rồi đánh thọc sâu vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long.
Sự phối hợp hai trận đánh Ngọc Hồi, Đống Đa làm cho Tôn Sĩ Nghị hết sức bất ngờ, choáng váng và lâm vào thế hoàn toàn bất lực, sụp đổ. Với cả một lực lượng dự bị khá lớn ở tổng hành dinh, nhưng viên chủ soái quân Thanh đành phải tháo chạy trong cảnh hoảng loạn và tan rã. Trên đường tháo chạy, chúng lại bị một cánh quân Tây Sơn khác chặn đánh ở vùng Yên Thế, Phượng Nhãn, Lạng Giang và bị bồi thêm những đòn tổn thất nặng nề.
Trưa mùng 5 tết, cả 36 phố phường Thăng Long như bừng lên trong ngày hội chiến thắng:
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta.
(Bản dịch thơ của Ngô Ngọc Du, một nhà thơ đương thời)
35 ngày chuẩn bị trên đường hành quân dài khoảng hơn 500 km từ Phú Xuân đến Tam Điệp và 5 ngày đêm tiến công tiêu diệt trên một tuyến phòng ngự dài khoảng 90 km từ Gián Khẩu đến Thăng Long, quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Quang Trung đã đạt mức kỷ lục về tính thần tốc trong hành quân chuẩn bị và tiến công tiêu diệt địch.
Đại thắng Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789 là một trong những vũ công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Đó là chiến thắng tiêu biểu cho đỉnh cao của sự phát triển và thắng lợi của phong trào Tây Sơn, được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của nông dân kết hợp với sức mạnh yêu nước và đoàn kết của cả dân tộc. Trong hàng ngũ quân đội Tây Sơn lập nên vũ công mùa xuân đó có những người đã tham gia dấy nghĩa từ đất Tây Sơn, có những con các em dân tộc Tây Nguyên chuộng tự do phóng khoáng, có những người dân khắp mọi miền của đất nước đã tự nguyện đứng dưới lá cờ nghĩa Tây Sơn, có những trí thức yêu nước như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp... những võ quan cũ của chính quyền Lê - Trịnh như Đặng Tiến Đông..., những tướng soái Tây Sơn đă đày dạn chiến trận như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết... .
Đó là chiến thắng của quân đội Tây Sơn với quyết tâm và ý chí đánh cho nó ''chích luân bất phản", đánh cho nó ''phiến giáp bất hoàn", đánh cho ''sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ". ý chí đó lại được nhân dân hết lòng giúp đỡ. Và như chúng ta đã biết, trên đường hành quân chiến đấu của quân Tây Sơn, nhân dân đã cho con em mình gia nhập nghĩa quân, đã tiếp tế lương thực, giúp các phương tiện vượt sông...
Nhân dân các làng xã quanh Thăng Long đã giúp quân Tây Sơn bí mật giấu quân ém sát đồn giặc, góp ván gỗ làm mộc công phá đền Ngọc Hồi, đă phối hợp làm trận rồng lửa trong trận diệt đồn Đống Đa...
Đó là chiến thắng của nghệ thuật quân sự tuyệt vời của Quang Trung Nguyễn Huệ.
Từ năm 18 tuổi theo Nguyễn Nhạc, khởi nghĩa (1771), trải qua biết bao chiến trận từ trận Phú Yên (1775), trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), trận đánh Phú Xuân và giải phóng Thăng Long (1786), Quang Trung đã được tôi luyện và trưởng thành, đã trở thành một anh hùng uy danh lừng lẫy, một thống soái thiên tài ở tuổi 36 sung sức.
Bằng lối đánh thần tốc và một thế trận lợi hại kết hợp tiến công chính diện mãnh liệt với những mũi thọc sâu bất ngờ và những mũi vu hồi sau lưng, Quang Trung với số quân chỉ hơn 10 vạn, nhưng đã đặt Tôn Sĩ Nghị và 29 vạn quân Thanh vào thế hoàn toàn bị động, bất ngờ đi từ thất bại này đến thất bại khác và cuối cùng phải chấp nhận sự thảm hại, tháo chạy trong hoảng loạn. Đại thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) biểu thị tập trung thiên tài quân sự của Quang Trung Nguyễn Huệ.
Đó còn là chiến thắng của lòng nhân đạo và tinh thần hoà hiếu. Ngay sau khi giải phóng Thăng Long, Quang Trung đã ra lệnh chiêu nạp và nuôi dưỡng tất cả tù binh và hàng binh Thanh, lại sai thu nhặt xác giặc trên các chiến trường chôn thành 12 gò đống và lập đàn cúng tế. Bài văn tế biểu thị tấm lòng khoan dung độ lượng của người chiến thắng:
Nay ta: Sai thu nhật xương cốt chôn vùi,
Bảo lập đàn bên sông cúng tế.
Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc,
Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô,
Hồn các người không vơ vẩn trời Nam,
Hãy lên đường mà quay về nơi hương chỉ
Nay kính ngưỡng ta đây là chủ chan chứa lòng thành.
Mong sao đáp lại đạo trời dạt dào lẽ sống.
Cũng ngay sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích dùng mọi biện pháp ngoại giao mềm mỏng và tích cực để nhanh chóng lập lại quan hệ hoà hiếu với nhà Thanh. Chỉ trong vòng nửa năm, hai bên đã thông sứ bộ và sau đó, quan hệ bang giao và buôn bán giữa hai nước đã được khôi phục. Hoài bão lớn lao nhất của Quang Trung phản ánh ước vọng của dân tộc ta là được sống trong độc lập và thanh bình để xây đựng đất nước.
(ST).
-
29-07-2012, 01:01 PM #8
Chiến dịch "huyền thoại" Điện Biên Phủ (13/03/1954 – 07/05/1954)
Bước sang năm thứ 8 của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, giặc Pháp đã ở vào thế phòng ngự, nhất là trên chiến trường Bắc Bộ. Nhận thấy không thể thắng trong cuộc chiến tranh này, giặc Pháp đã đưa ra kế hoạch Nava nhằm bình định Việt Nam trong 18 tháng, để tạo thế mạnh tiến tới một giải pháp thương lượng có lợi cho chúng.
Về phía ta, với những đòn tiến công và phản công trên các hướng Tây Bắc, Tây Nguyên - Duyên hải Trung Bộ, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, trong Đông Xuân 1953-1954, ta đã buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động trên khắp chiến trường, trong khi đó ta tập trung chủ lực về hướng Tây Bắc.
Nhạy cảm trước ý đồ chiến lược của ta, địch liền tăng cường lực lượng, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, buộc ta phải chấp nhận chiến đấu nếu muốn giải phóng Tây Bắc. Nhận định đây là một cơ hội lớn để tiêu diệt sinh lực địch, ta quyết định mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ. Trong bối cảnh đó, chiến trường này đã trở thành điểm quyết chiến chiến lược nóng bỏng của cả hai bên.
Ta chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh chắc, tiến chắc, vì sau khi địch đã kịp thời tăng cường lực lượng, thiết kế phòng ngự vững chắc, khả năng đánh nhanh, thắng nhanh trở nên hạn chế.
Sau khi hoàn thành các công tác chuẩn bị, ngày 13/3, ta nổ súng tiến công tuyến phòng ngự vòng ngoài, bao gồm các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Ngày 13/3, các Trung đoàn 141 và 209 (Đại đoàn 312) đã tiêu diệt các cụm cứ điểm Him Lam; ngày 14/3, các Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) và 165 (Đại đoàn 312) đã tiêu diệt cụm cứ điểm Độc Lập; ngày 17/3, kết hợp tiến công với lực lượng địch phản chiến, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) làm chủ cứ điểm bản Kéo. Sau 5 ngày, ta đập tan tuyến phòng ngự vòng ngoài, mở thông cửa vào khu phòng ngự trung tâm, diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch.
Từ ngày 30/3, ta mở đợt tiến công lần thứ hai, nhằm vào các cao điểm phía Đông Mường Thanh (phân khu trung tâm). Các đại đoàn của ta đã nhanh chóng chiếm được một số cứ điểm, nhưng những trận chiến đấu quyết liệt giành giật giữa đôi bên đã diễn ra tại khu vực tác chiến của Đại đoàn 316 trên các điểm cao A1, C1. Suốt trong tháng 4, ta và địch đã giành đi giật lại từng khu vực trên các điểm cao có ý nghĩa chiến thuật quan trọng khống chế phân khu trung tâm. Giữa tháng 4, ta tiến chiếm sân bay Mường Thanh, cắt đứt cầu hàng không là đường tiếp tế quan trọng nhất của địch. Chúng lâm vào thế nguy khốn, bị tiến công trong tình trạng hậu cần ngày càng trở nên khó khăn.
Từ 1/5, có ba hướng: Đông, Tây, Đông Bắc, các đại đoàn của ta mở cuộc tiến công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Ngày 1/5, Đại đoàn 316 chiếm đồi C1; sáng 7/5, ta diệt các cứ điểm C2, A1, 507, là những cứ điểm kiên cố cuối cùng của địch. Chiều 7/5, ta tổng công kích trên toàn bộ mặt trận và đến chiều, ta đã hoàn toàn giải phóng Điện Biên Phủ, cầm giữ tại chỗ hơn 10 nghìn tên địch cùng với tướng chỉ huy De Castries của chúng.
Những phát triển của nghệ thuật quân sự
Điện Biên Phủ là một chiến dịch chiến lược mà tầm vóc tác động của nó đến cục diện hai bên đã không một chiến dịch nào đạt tới trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó trước hết là do quyết tâm chiến lược sáng suốt trong việc lựa chọn hướng tiến công với một tinh thần quyết chiến rất cao. Đó cũng là nghệ thuật tài giỏi trong việc tiến hành các bước chuẩn bị và trong sử dụng lực lượng. Về nghệ thuật tác chiến, đột phá lần lượt cụm cứ điểm địch là một phương pháp kinh điển, cũng đồng thời là giải pháp đúng đắn trong chiến dịch tiến công để giải quyết một tập đoàn cứ điểm. Ta đã trưởng thành vượt bậc trong đánh công sự vững chắc, trong đó sự chỉ đạo chiến thuật là rất linh hoạt, cụ thể và sáng tạo. Cách đánh trong chiến dịch tiến công này đã dẫn đến thắng lợi từng bước, tất yếu, không thể đảo ngược.
(ST).Lần sửa cuối bởi 6789, ngày 16-08-2012 lúc 12:47 PM.
-
Post Thanks / Like - 1 Thích, 0 Không thíchVNWin đã thích bài viết này
-
29-07-2012, 01:31 PM #9
Dải đất bé tí hình chữ S mà hơn 1000 năm qua vẫn ko thể bị khuất phục. Quả là 1 điều kì lạ trong lịch sử. Đến cả 1 đội quân khủng khiếp đánh đâu thắng đó, chinh phục cả gần như cả Châu Âu và Trung Quốc rộng lớn như Mông Cổ mà tiến xuống Việt Nam đến 3 lần vẫn thất bại.
Còn Tàu thì khỏi nói, lúc nào cũng lăm le nước ta nhưng chả hiểu sao ko bao giờ được, tại kém cỏi quá chăng. Trong khi bản thân Trung Quốc thì bị khuất phục rất nhiều lần, nhưng vì TQ quá lớn, ko thể cai trị được mà rồi cuối cùng cũng bị bật ra hay thậm chí bị đồng hóa vào chính Khựa
-
29-07-2012, 02:31 PM #10
Mỗi khi xâm lược nước ta, nó đâu phải là con quỷ hay thần thánh, nó cũng biết tham sống sợ chết nhưng vì phải phục vụ cho một số diều hâu trong nội bộ của chúng.
Ta thì không bao giờ dâng tổ tiên ông bà, vợ con, đất đai, nhà cửa, họ hàng, xóm giềng một cách dễ dàng cho nó cả.
Chỉ đơn giản như vậy thôi..
Những chiến thắng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta
Đánh dấu