Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Đông Chu Liệt Quốc
Close
Login to Your Account
Trang 1 của 2 12 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 11
  1. #1
    Ngày tham gia
    Dec 2010
    Đang ở
    Racoon City
    Bài viết
    1,293
    Post Thanks / Like

    Mặc định Đông Chu Liệt Quốc

    Khởi đầu là chuyện cung cấm, đàn bà. Thế rồi nhà Tây Chu tồn tại đã bốn trăm năm trước đó chuyển thành nhà Đông Chu, bắt đầu sự hấp hối kéo dài gần bằng ngần ấy năm nữa của một vương triều với bao nhiêu thế cuộc xoay vần, hưng, suy, tan, hợp... Bắt đầu một đại bi kịch của dân tộc Trung Hoa với biết bao nhiêu "tích", bao nhiêu tình huống, số kiếp... Tất cả những gì thuộc về con người, thuộc về đối nhân xử thế hầu như đều diễn ra trong mấy thế kỉ sục sôi điên đảo ấy, gồm cả thiện, ác; dũng, hèn; trí, ngu; trung, nịnh... cả đến dâm loạn, dối trá, bịp bợm... gồm suốt cả từ tiên đến tục... khái niệm nào cũng đạt tới một trình độ khái quát rất cao, cũng đạt tới cảnh giới có thể coi như một thứ... ĐẠO hằng tồn tại giữa cuộc đời này. Đại bi kịch ấy hấp dẫn đến nỗi những đời sau không biết bao nhiêu văn nhân, tài tử đã phải múa bút xông vào để khai phá như khai phá một kho đề tài vô tận không biết cạn bao giờ. Song có lẽ người thành công nhất vẫn là Phùng Mộng Long tiên sinh với bộ Đông Chu Liệt Quốc chí bất hủ của ông.



    Không biết đã có bao nhiêu người, bao nhiêu đời từng ngả mũ bái phục bộ sách này. Song, dù có phát biểu thêm một lần nữa tưởng cũng không thừa. Có thể nói, văn chương mà đến cỡ như Đông Chu liệt Quốc chí (sau đây gọi tắt là Đông Chu) của Phùng Mộng Long, thì có thể nói đã đạt đến bực thần thông quảng đại. Chuyện của cả thiên hạ suốt bốn trăm năm với hàng nghìn nhân vật, hàng trăm cuộc chiến, hàng vạn âm mưu... mà cứ như từ trong bụng tuôn ra, mạch lạc, khúc chiết, rõ ràng, trùng trùng điệp điệp, không nhân vật nào mang máng nhân vật nào. Cái thiện cũng như cái ác, trung cũng như nịnh, giỏi cũng như ngu, anh hùng cũng như hèn hạ... tất cả cũng không cái nào giống với cái nào. Sức khái quát tư tưởng của Đông Chu lớn đến nỗi, muôn đời đều có thể soi vào đấy mà nhận ra mình, mà nhìn rõ thực chất thế sự của thời đại mình. Những quy luật của trời đất, nhân gian, của quỷ thần, chiến tranh, của tham tàn, đểu cáng... mà Đông Chu đã vạch ra, cho đến tận thời hiện đại bây giờ vẫn đúng, vẫn có thể vận dụng được. Đặc biệt là luật nhân quả thì có thể nói không ở đâu triệt để bằng Đông Chu. Một bộ sách nén chặt lịch sử bốn trăm năm với biết bao nhiêu số phận, nhân nào, quả ấy hiện lên rõ ràng, sòng phẳng, không mảy may thoát đi đâu được. Vạn sự thịnh suy của những đời sau, dẫu có biến tướng kiểu gì đi chăng nữa, cũng đều không ra ngoài bộ sách ấy. Đó thực sự là cả một pho kiến thức nhân sinh vĩ đại, kiến thức triết học, văn học, sử học, y học, âm nhạc, chính trị, quân sự, ngoại giao... khổng lồ, chẳng những kẻ làm quan, làm tướng đời đời cần phải học, mà kể cả thứ dân cũng có thể học được ở trong đó rất nhiều điều. Pho kiến thức ấy ví như những vỉa quặng quý, có vỉa lộ thiên, có vỉa chìm sâu trong lòng đất, vỉa nọ chồng lên vỉa kia, tầng tầng lớp lớp, dẫu có khai thác mãi cũng không thể nào hết được. Thật xứng đáng liệt vào hạng sách mà "mỗi lần đọc lại một lần thấy mới".



    Điều ghê gớm nữa là tuy viết về lịch sử đấy, song điều đó vẫn không ngăn cản thiên tài Phùng Mộng Long múa bút sáng tạo nên những chi tiết đầy văn chương, siêu (và) thực đến bạt vía kinh hồn. Chỉ xin dẫn ra đây một ví dụ thôi cũng đủ. Ví dụ đoạn viết về Việt Vương Câu Tiễn, vì nếm phân Ngô Phù Sai, mà đến khi trở lại ngôi vua rồi mới mắc chứng hôi mồm(!). Quân sư Phạm Lãi bèn bắt tất cả triều đình đều phải nhai một thứ lá hái trên núi gọi là lá trấp, tưởng là để phòng bệnh hay chữa bệnh gì đây? Té ra là làm cho mọi cái mồm cùng… thối luôn thể, cùng nhất tề thở ra tuyền một mùi hôi, giống như cái mùi hôi phát ra từ cửa miệng của đấng quân vương kia vậy... Thật là một hình ảnh tượng trưng thiên tài. Cái chuyện cam tâm thở ra một thứ thối tha để cùng a dua với đấng chí tôn của mình như thế, thì chẳng riêng gì lũ kẻ sĩ, quí tộc thượng đẳng cha mẹ dân thủa xưa, kể cả những đời sau này, đời nào mà chẳng có. Thậm chí cho đến tận bây giờ, “truyền thống” ấy hình như vẫn còn hiện hữu đâu đây... Một chi tiết trào lộng thâm trầm, sâu sắc đến như thế, đắt đến như thế, vậy mà Phùng Mộng Long tiên sinh viết ra cứ tỉnh bơ như không. Thử hỏi từ cổ chí kim, với biết bao thiên tài văn chương lừng lẫy trên thế gian này, liệu đã có mấy ai nghĩ ra nổi một tình huống tương tự? Vậy thì, Đông Chu xứng đáng là một trong những áng văn chương không tiền khoáng hậu. Và sở dĩ ngày nay, chúng ta có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với siêu tác phẩm đó, với những điều ghê gớm đó, là nhờ ở công lao to lớn của cụ Nguyễn Đỗ Mục, của cụ Cao Xuân Huy. Đó thực sự là những tài sản trí tuệ vô giá mà các bậc Tiên hiền đã để lại cho hậu sinh chúng ta vậy.



    Trong Đông Chu, có lẽ những đoạn viết về Tề Hoàn công và Quản Trọng chính là nằm trong số những đoạn khoái hoạt nhất của ngòi bút Phùng Mộng Long. Ông vua anh hùng ấy, một trong năm vị ngũ bá thời Xuân Thu có một sự nghiệp lẫy lừng, song kết thúc lại cực kì thảm hại. Không thấy Phùng Mộng Long tiên sinh miêu tả cái nhân tướng của Tề Hoàn công ra sao. Song cứ theo sự khởi đầu - kết thúc của cái nghiệp bá chủ ấy mà xét, thì trên gương mặt Tề Hoàn công ắt phải có hai đường gọi là đường pháp lệnh xuất phát từ hai bên cánh mũi, chạy xuống chui tọt vào hai bên mép, mà sách nhân tướng học gọi là tướng “lưỡng xà nhập khẩu” (hai con rắn cùng chui vào miệng). Tiếc rằng trên đầu lưỡi lại không có nốt ruồi thành ra đó là một tướng hung (nếu có nốt ruồi thì biến thành tướng quý là "lưỡng long tranh châu"). Tướng "lưỡng xà nhập khẩu" có thể đạt đến phú quí cực đỉnh đấy, song kết cục bao giờ cũng chỉ là... chết đói mà thôi. Cùng có cái tướng số này với Tề Hoàn công, trong toàn bộ Đông chu còn hai vị vua nữa là Sở Linh vương và Triệu Chủ phụ (Triệu Vũ vương). Ba cái đỉnh phú quí khác nhau, đồng thời cũng là ba kiểu chết đói bi thảm khác nhau. Bằng cách miêu tả cực kì sinh động những số kiếp và những kết cục bi thảm ấy, Phùng Mộng Long tiên sinh muốn ngầm răn chúng ta rằng, lẽ huyền cơ của cõi nhân sinh này thật là đáng sợ, nó không chừa bất cứ đẳng cấp xã hội nào. Những chuyện ấy có dịp mà “tán”, chắc sẽ còn rất nhiều điều lý thú.



    Đông Chu có những bài ca về mưu lược trùm đời như Quản Trọng, kì tích về lòng kiên nhẫn như Trùng Nhĩ (Tấn Văn Công), bản lĩnh dùng người điêu luyện như Tấn Điệu công, trí tuệ huyền thoại như Khổng Tử, quân sự cái thế như Tôn Vũ, nhẫn nhục đến giun dế cũng phải tởm như Câu Tiễn, ngoại giao lắt léo như Tử Cống... Lại có những hạng gian thần như Bá Hi, dẻo mỏ như Tô Tần, tâm địa quay quắt như Trương Nghi, nhân cách lộn mửa như Lao Ái... Lại có Ngũ Viên (Ngũ Tử Tư) mà kiến thức, mưu trí cũng như cuộc đời của ông là cả một thiên đại bi hùng. Đây cũng chính là những trang khoái hoạt đặc biệt của ngòi bút Phùng Mộng Long. Nhất là đoạn tả Ngũ Viên trút sự hận thù trong mười chín năm ròng rã của mình lên cái xác khô của Sở Bình vương. Riêng về cái gọi là "họa đàn bà" rất phổ biến trong chính sử Trung Hoa thì trong Đông Chu cũng có ít nhất tới ba bốn “vụ” cực kì điển hình, cực kì sinh động, biến hoá, không “vụ” nào giống với “vụ” nào. Đó là câu chuyện nàng Bao Tự làm thất điên bát đảo cả nhà Chu lẫn các nước chư hầu, đến nỗi còn để lại muôn đời câu thành ngữ “Ngàn vàng mua lấy trận cười”. Tiếp theo là câu chuyện về nàng Hạ Cơ con dâu nước Trần với cái thuật “hoàn tân” (trở lại gái trinh sau mỗi lần ân ái) bí ẩn như thần thoại. Hay là nàng Li Cơ nước Tấn đã làm điêu đứng cả một triều đình mày râu từ thế tử đến các hạng trung, đại phu... kẻ mất mạng, kẻ bị thương không sót một mống nào. Hay là nàng Tây Thi nước Việt mà nhan sắc cũng như số phận đã từng làm điên đảo bao văn nhân tài tử suốt cổ kim…



    Đông Chu cung cấp cho chúng ta những kiến thức sinh động về những nhân vật, sự việc, những huyền thoại đã biến thành phong tục, tập quán văn hoá, biến thành những câu thành ngữ… của nhiều dân tộc hàng nghìn năm nay. Đó là đại thi hào, đại ngu trung bậc nhất thời Xuân Thu Khuất Nguyên với Sở Từ và Ly Tao bất hủ, một trong “lục tài tử” của văn học cổ điển Trung Hoa mà ngày ông gieo mình xuống sông Mịch La tự tử đã trở thành ngày Tết Đoan Ngọ mồng năm tháng năm. Đó là bậc đại khí phách, đại cương trực Giới Tử Thôi cõng mẹ vào sâu trong rừng để trốn cái phú quý của Tấn Văn công, thà chịu chết cháy chứ nhất định không chịu ngồi chung một triều với đám quan lại công thần rặt một lũ tham lam. Tết Hàn Thực mồng ba tháng ba hàng năm chính là kỉ niệm cái ngày Tấn Văn công phóng hỏa đốt cháy mẹ con bậc đại công thần mà dứt khoát từ chối nhận mình là “công thần” ấy. Có lẽ vì bị cháy tuyệt mất giống rồi nên từ đó đến nay, đã hàng nghìn năm không còn thấy người nào như thế nữa chăng? Đó là âm hồn cha nàng Tổ Cơ kết những dây cỏ làm ngã ngựa đại tướng nước Tần là Đỗ Hồi để đền ơn Ngụy Khỏa, câu chuyện rất đỗi nhân sinh ấy có mặt trong câu thành ngữ “kết cỏ, ngậm vành...”, vân vân và… vân vân.



    Chất trào lộng trong một bộ sách nghiêm cẩn và hùng vĩ như Đông Chu, lạ thay, cũng gồm đủ, song đôi khi phải ngẫm kĩ mới thấy được. Ấy là khi Phùng Mộng Long "bỡn" cả số kiếp những hạng đế vương. Ví dụ cái điềm "đương bích" trong cung vua nước Sở. Chuyện rằng Sở Cung vương muốn chọn một trong số năm người con làm người kế vị, mới tế các thần, rồi chôn một viên ngọc trong sân nhà thái miếu, đánh dấu chỗ chôn rồi đến canh năm, sai các con lần lượt vào tế, xem ai đứng đúng chỗ chôn ngọc thì đó là người được quỷ thần ngầm chọn làm vua sau này. Khang vương vào trước, lúc lễ đứng quá lên trước chỗ chôn ngọc bích. Linh vương vào sau, lúc lễ "với tay" đến chỗ chôn ngọc bích. Tử Can và Tử Tích thì đứng cách xa lắm. Duy có công tử Khí Tật bấy giờ tuổi hãy còn nhỏ, người vú ẵm vào lễ đứng đúng ngay chỗ chôn ngọc bích. Về sau, quả nhiên Khang vương và Linh vương tuy đều lần lượt được làm vua, song cả hai đều có kết cục thảm hại (phải chờ đến lượt đích danh công tử Khí Tật lên làm vua (tức Sở Bình vương), thì nước Sở mới được yên ổn). Riêng Linh vương thì chỉ cần mô tả động tác "với tay" tới chỗ chôn quyền lực đó thôi, cũng đủ nói lên bản chất khao khát ngôi báu của ông vua hiếu chiến này ghê như thế nào. Chi tiết đó liên quan đến việc sau này Linh vương giết anh là Hùng Mi để cưỡng chiếm ngôi vua nước Sở, rồi cuối cùng chính Linh vương cũng bị truất ngôi mà chết thảm ở trong buồng... nhà một kẻ thứ dân. Ôi! nước Sở rộng mênh mông, thiếu gì chỗ chết đường hoàng cho một ông vua nhỉ?



    Những câu chuyện, những "tích", trùng trùng điệp điệp, trùng trùng lớp lang, muôn hình vạn trạng ấy trong Đông Chu kể sao cho xiết. Bộ "kinh" này có thể thỏa mãn bất cứ sự say mê nào. Chẳng hạn người mê y thuật chưa hết bàng hoàng bái phục trước câu chuyện (hậu) Biển Thước khám bệnh cho Tề Hoàn công, thì đã lại rợn người kính sợ trước câu chuyện Cao Hoãn chữa bệnh cho Tấn Cảnh công. Hay những người mê âm nhạc vừa thích thú với đoạn Vệ Linh công nghe tiếng nhạc thần bí trên sông Bộc Thủy, thì đã lại hút hồn với trường đoạn nghe nhạc của Tấn Bình công,v.v… (st)

    P/S

    Ai chưa đọc Đông Chu xem ra sở học cũng như hào khí vẫn còn có đôi điều khiếm khuyết

  2. #2
    Ngày tham gia
    Jul 2012
    Bài viết
    261
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bạn nào đọc "Đông chu liệt quốc" rồi tớ khuyên nên xem thêm "Sử ký Tư Mã Thiên " cũng hay lắm đó !!!
    Bạn Gần Không Tới ..... Bạn XA Chưa Về ......

  3. #3
    Ngày tham gia
    Aug 2009
    Bài viết
    67
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bác Lâm này móc đâu ra nhiều chuyện kiểu này thế nhỉ ??? Đúng là mỗi người 1 cái thú !!
    Phải duyên thì gắn như keo
    Trái duyên đuểnh đoảng như kèo đục vênh !

  4. #4
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,092
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Tôi đọc quyển này hồi còn nhỏ xíu (11 tuổi) nên không hiểu và không nhớ nhiều. Chị và cô tôi rất mê sách, có rất nhiều sách đến nổi sách bị tràn ra khỏi tủ. Những cuốn tiểu thuyết tình cảm thì khóa lại sợ bọn nhỏ tôi đọc trộm, nhưng những cuốn nhìn to cở này hay Tam Quốc và Thủy Hử hay Bách Khoa Toàn Thư thì để ở ngoài. Nhìn cuốn này ngán lắm, nhưng tôi nhớ là đọc lời tựa có câu "Túi khôn nhân loại" nên tôi tò mò đọc tiếp. Lúc buồn không có gì làm tôi lai đọc, hình như đọc khoảng 2 năm gì đó mới hết! vì thế nên tôi chỉ nhớ những mẫu chuyện nổi bật như Câu Tiển (môi chì mỏ quạ) hay Giới Tử Thôi. Tôi khoái Giới Tử Thôi lắm nhân vật này tuy không có gì quá đặc sắc nhưng vì tôi rất khoái tiết Thanh Minh, được đi cúng mộ và ăn uống no nê. Và chuyện ông lóc thịt đùi cho Trùng Nhỉ ăn đở đói nhưng khi được lên ngôi thì Trùng Nhỉ lại quên ông, đoạn này rất ấn tượng.

    Đọc bài này của bác Lâm khiến tôi muốn tìm đọc lại cuốn này, chắc chắn là tôi sễ tìm thêm được rất nhiều điều bổ ích.
    Lần sửa cuối bởi kt22027, ngày 04-10-2012 lúc 12:50 AM.

  5. #5
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Bài viết
    836
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi Flo5658 Xem bài viết
    Bạn nào đọc "Đông chu liệt quốc" rồi tớ khuyên nên xem thêm "Sử ký Tư Mã Thiên " cũng hay lắm đó !!!
    Bây giờ gái đẹp đã hiếm thì chớ, thế mà chúng lại còn yêu nhau…:?!!
    Tớ thì thấy chẳng hay bằng cái chữ ký của đằng ấy !
    - Xem Sử Ký Tư Mã Thiên nhiều chỗ tức anh ách ! Duy chỉ có đoạn về sau khi Hán Cao Tổ luận công và tội, hay nhất là câu Khoái Triệt trả lời Hán Cao Tổ và câu Hán Cao Tổ trả lời viên hàng tướng họ Vương.

  6. #6
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Bài viết
    836
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích:
    Nguyên văn bởi Flo5658
    Bạn nào đọc "Đông chu liệt quốc" rồi tớ khuyên nên xem thêm "Sử ký Tư Mã Thiên " cũng hay lắm đó !!!
    Bây giờ gái đẹp đã hiếm thì chớ, thế mà chúng lại còn yêu nhau…:?!!
    Tớ thì thấy chẳng hay bằng cái chữ ký của đằng ấy !
    - Xem Sử Ký Tư Mã Thiên nhiều chỗ tức anh ách ! Duy chỉ có đoạn về sau khi Hán Cao Tổ luận công và tội, hay nhất là câu Khoái Triệt trả lời Hán Cao Tổ và câu Hán Cao Tổ trả lời viên hàng tướng họ Vương.


    - Nhầm rồi ! chẳng hiểu hôm qua mơ màng cái gì mà đang nói về sử ký Tư Mã Thiên lại đi bình luận về Hán Sở tranh hùng,
    he he ... thế mà cũng được ... cảm ơn !

  7. #7
    Ngày tham gia
    Mar 2012
    Đang ở
    Bình Dương
    Bài viết
    1,981
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi PhiHuong Xem bài viết
    Trích:

    - Nhầm rồi ! chẳng hiểu hôm qua mơ màng cái gì mà đang nói về sử ký Tư Mã Thiên lại đi bình luận về Hán Sở tranh hùng,
    he he ... thế mà cũng được ... cảm ơn !
    Khà khà vậy là đâu chỉ một mình bác mơ màng. Mơ cùng mơ, màng cùng màng há chẳng phải là tri kỷ sao?
    Lần sửa cuối bởi ChienKhuD, ngày 04-10-2012 lúc 06:19 PM.
    Bận lòng chi nắm bắt

  8. #8
    Ngày tham gia
    Jul 2012
    Bài viết
    261
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi PhiHuong Xem bài viết
    Trích:


    Tớ thì thấy chẳng hay bằng cái chữ ký của đằng ấy !
    - Xem Sử Ký Tư Mã Thiên nhiều chỗ tức anh ách ! Duy chỉ có đoạn về sau khi Hán Cao Tổ luận công và tội, hay nhất là câu Khoái Triệt trả lời Hán Cao Tổ và câu Hán Cao Tổ trả lời viên hàng tướng họ Vương.


    - Nhầm rồi ! chẳng hiểu hôm qua mơ màng cái gì mà đang nói về sử ký Tư Mã Thiên lại đi bình luận về Hán Sở tranh hùng,
    he he ... thế mà cũng được ... cảm ơn !
    Có thể mọi người cũng thích chữ ký của tớ nên mới cám ơn bạn !
    Bạn Gần Không Tới ..... Bạn XA Chưa Về ......

  9. #9
    Ngày tham gia
    Mar 2011
    Bài viết
    66
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Giới Tử Thôi vì không chịu gặp Tấn Trùng Nhĩ mà để mẹ chết cháy, ko biết có thể quy Giới Tử Thôi vào tội bất hiếu không các bác?

    @chú PhiHuong: giá Hàn Tín chịu nghe lời Khoái Triệt, chắc đời sau ko có bộ Hán sở tranh hùng mà đọc nữa chắc sẽ có một bộ Tam quốc mới để đọc mất :-p

    Ai chưa đọc Đông Chu xem ra sở học cũng như hào khí vẫn còn có đôi điều khiếm khuyết
    Đông chu dù sao vẫn là của Trung quốc, vậy trong các tiểu thuyết lịch sử hay các quyển sử học của Việt nam lão khuyên em nên đọc bộ nào để bớt khiếm khuyết

  10. #10
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,092
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi Yip Ruan Xem bài viết
    Giới Tử Thôi vì không chịu gặp Tấn Trùng Nhĩ mà để mẹ chết cháy, ko biết có thể quy Giới Tử Thôi vào tội bất hiếu không các bác?
    Chắc chắn là bất hiếu rồi. Quân tử Tàu cho trung hiếu đi đầu, trung trước hiếu, nhưng trong trường hợp này không phải trung mà là hờn oán. Nghĩ lại Giới Tử Thôi có chút nhỏ nhặt, người ta quên ơn mình thì thôi, sao lại nỡ lòng để mẹ mình chết như thế.

    Tôi nhớ trong truyện Tàu có 2 trường hợp cõng mẹ vào cái chết. Giới Tử Thôi và Lý Quỳ nhưng 2 trường hợp ngược hẳn nhau. 1 thì bất hiếu, còn Lý Quỳ thì lại quá có hiếu.

Đông Chu Liệt Quốc
Trang 1 của 2 12 CuốiCuối

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68