Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Cổ cầm
Close
Login to Your Account
Trang 1 của 2 12 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 15

Chủ đề: Cổ cầm

  1. #1
    Ngày tham gia
    Nov 2009
    Bài viết
    47
    Post Thanks / Like

    Mặc định Cổ cầm

    CỔ CẦM TRUNG HOA

    Văn hóa Cổ cầm: Huyền tích và cứ liệu

    Có thể nói Cổ cầm là một cây đàn nổi tiếng gắn chặt với sinh hoạt đời sống văn hóa – Tư tưởng của người dân Trung Hoa. Ban đầu đàn có tên là Dao Cầm, gồm 5 dây: Cung – Thương – Dốc – Chủy – Vũ, sau thêm hai dây Văn – Võ là bẩy nên còn gọi là Thất huyền cầm tức là đàn 7 dây. Về việc đàn thêm vào 2 dây được giải thích trong tích truyện Bá Nha ngồi đàm đạo với Tử Kỳ về cây đàn này như sau: Khi vua Thuấn gảy đàn ngũ huyền thì thiên hạ thái bình; sau khi vua Văn Vương bị tù ở Dũ Là con trai Bá Ấp Khảo nhớ thương đem đàn ra đánh thêm một dây mang tiếng oán gọi là dây Văn; trước khi vua Vũ Vương phạt Trụ có đem đàn ra đánh thêm một dây nữa gọi là đây Võ. Đàn Cầm có lẽ là cây đàn ra đời rất sớm ở Trung Hoa nên sơ khai khi người dân nói Cầm có nghĩa là chỉ cây đàn Cổ Cầm để phân biệt với Tranh (đàn tranh), Tiêu; Tì Bà …vv. Về sau chữ Cầm mới trở thành danh từ chung dùng cho các loại nhạc cụ dây.
    Vẫn trong tích truyện về Bá Nha gặp Tử Kỳ có nhắc đến sự ra đời của Cây đàn này như sau: Xưa vua Phục Hy thấy năm sắc sao rơi xuống cây ngô đồng, chim phượng hoàng tới đậu ở cây, thấy ngô đồng là loại gỗ quý, hấp thụ tinh hoa của trời đất có thể chế nhạc cụ được, liền hạ cây xuống chặt làm ba khúc. Đoạn ngọn tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc tiếng quá đục mà nặng, chỉ có đoạn giữa tiếng trong, tiếng đục phân minh liền lấy để dùng. Vua đem ngâm nơi dòng nước 72 ngày xong đem phơi ra gió cho thật khô. Sau đó vua sai người thợ khéo là Lưu Tử Kỳ đẽo thành Dao Cầm.
    Dao Cầm dài 3 thước 6 tấc 1 phân ứng theo 361 độ chu thiên trong năm. Mặt trước rộng 8 tấc ứng với 8 tiết, mặt sau rộng 4 tấc ứng theo bốn mùa, bề dày 2 tấc ứng theo lưỡng nghi. Đàn gồm 12 phím ứng với 12 tháng trong năm, sau thêm một phím nữa ứng với tháng nhuận. Trên mắc 5 dây ngoài ứng theo ngũ hành, trong ứng với ngũ âm: Cung – Thương – Dốc – Chủy – Vũ. Đàn có sáu điều “kỵ” và bảy điều “không”.
    Sáu điều “kỵ” là kỵ rét lớn, nắng lớn, gió lớn, tuyết rơi lớn; gặp lúc ấy người ta không dùng. Bảy điều “không” là không đàn đám tang, không đàn trong lúc lòng nhiễu loạn, không đàn trong lúc bận rộn, không đàn trong lúc thân thể không sạch, không đàn trong lúc y quan không tề chỉnh, không đàn trong lúc không đốt lò hương, không gặp được tri âm. Lại còn có thêm tám “tuyệt” là : thanh, kỳ, u, nhã, li, tráng, lu, trường. Trong tám tuyệt ấy gợi đủ cả các tình cảm, vì vậy tiếng đàn có thể đi đến tuyệt vời.
    Thực chất, khó có một dữ liệu nào có thể chứng minh cây đàn Cầm có từ thời Tam Hoàng với những huyền tích về vua Phục Hy nhưng một điều chắc chắc bằng những cứ liệu lịch sử thì đàn Cổ cầm xuất hiện trong các văn bản từ thời Đông Chu. Quan Thư trong Kinh Thi có viết “Yểu điệu thục nữ/ Cầm sắt hữu chi”: Tức là Người thục nữa yểu điệu thì đàn cầm đàn sắt cùng lên tiếng. Hay bức tượng nhạc công chơi đàn Cổ cầm có từ đời Chiến Quốc được phát hiên tại Sơn Đông vào tháng 6 năm 1990. Tiếp theo đó là những hình nhạc công chơi đàn Cổ cầm được phát hiện trong các ngôi mộ Đông Hán ở tỉnh Tứ Xuyên vào những năm 70 của thế kỷ trước đã là những cứ liệu sớm nhất chứng minh về việc xuất hiện và diễn tấu cây đàn Cổ cầm trong văn hóa Trung Hoa.
    Sau đó người ta còn tìm thấy những bức thạch họa trên các mộ cổ đời Nam triều vẽ cảnh sinh hoạt của Trúc lâm thất hiền, trong đó có sự xuất hiện hình ảnh của cây đàn Cổ cầm. Tiêu biểu là bức thạch họa ở trong một ngôi mộ cổ ở Nam Kinh có từ thời Nam triều vẽ hình Kê Khang và Nguyễn Tịch. Trong truyền kỳ của dân gian thì Kê Khang là một tác giả nổi tiếng với khúc Quảng Lăng Tán vốn coi đã bị thất truyền. Nguyễn Du sau này lấy lại tích đó trong truyện Kiều với hai câu thơ: Kê Khang này khúc Quảng Lăng / Một rằng Lưu Thuỷ hai rằng Hành Vân.
    Quảng Lăng Tán – Lưu Thủy – Hành Vân là những khúc nhạc rất nổi tiếng được chơi trên cây đàn Cổ cầm. Bên cạnh các di chỉ khảo cổ tìm được trong các ngôi mộ từ Hán, Nam Triều; Cổ cầm xuất hiện khá nhiều trong các bức họa cổ. Xin nêu ra một số bức tiêu biểu của các triều đại ở Trung Quốc. Thời Tùy Đường, họa sư Chu Phương có bức: Điệu cầm xuyết mính đồ (Bức họa vừa chơi đàn Cầm và uống trà) trong đó có vẽ một người phụ nữ quý phái đang ngồi chơi đàn và một a hoàn đứng bê khay trà.
    Thời Tống có bức: Thính Cầm đồ (Bức họa nghe đàn) của vua Tống Huy Tông vẽ cảnh hai vương gia đang ngồi nghe một nhạc sư đàn cổ cầm dưới một gốc cây tùng, sau lưng một vị quan có một tiểu đồng đứng hầu. Ba chữ Thính cầm đồ đề trên bức họa do tự tay vua Tống Huy Tông đề bằng thể chữ Xấu kim thể (thể chữ với những nét gầy) và một bài thơ không rõ người nào đề ở trên đầu bức họa.
    Thời Nguyên có bức: Tùng âm hội cầm đồ (Hội ngộ trong buổi chiều tà dưới gốc Tùng nghe đàn cầm) của Triệu Mạnh Phủ: Bức họa vẽ cảnh hai ẩn sĩ ngồi dưới tán cây tùng nghe đàn trong buổi chiều tà có một tiểu đồng đứng hầu bên cạnh một lò hương. Triệu Mạnh Phủ là một nhà thư họa nổi tiếng Trung Hoa dưới thời nhà Nguyên, ông để lại rất nhiều bức họa và cùng với Nhan Chân Khanh, Âu Dương Tuân là ba nhà thư pháp để lại ba thể chữ Khải nổi tiếng trong văn hóa Thư họa của Trung Hoa dưới thời nhà Nguyên.
    Thời Minh có bức: Đào nguyên tiên cảnh đồ (Bức họa cảnh tiên ở chốn đào nguyên) của họa sư Cửa Anh vẽ cảnh núi non chốn đào nguyên có những vị tiên đang ngôi nghe đàn cổ cầm xung quanh có các đạo đồng mặc áo đen kẻ bưng trà người quạt lò hương.
    Thời Thanh có bức: Đàn Cầm đồ (Bức họa đánh đàn Cầm) của họa sư Nhậm Huân: Bức họa vẽ được vẽ trên quạt, cảnh sơn thủy, giữa một rừng tùng trong am nhỏ có một người đàn chơi đàn Cầm.

    Điệu khúc

    Hiện giờ ở Trung Quốc còn rất nhiều bài bản Cổ cầm tuy vậy nói đến các các điệu nhạc Cổ cầm thì mọi người thường kể đến 10 khúc nhạc cổ điển nổi tiếng: 1. U Lan; 2. Quảng lăng tán; 3. Ly tao; 4. Hồ gia thập bát phách; 5. Ái nãi; 6. Mai hoa tam lộng; 7. Tiêu tương thủy vân; 8. Lưu Thủy; 9. Dương quan tam điệp; 10. Bình sa lạc nhạn.
    10 khúc nhạc này những người học Cổ Cầm đều biết, song chơi được cho hay thì quả là khó. Một nhạc sư có khi chỉ đánh được đến mức độ tinh diệu một vài trong số những bản nhạc này. Ví dụ như danh cầm Quản Bình Hồ (1879 - 1967) được coi là người chơi đàn Cổ cầm hay nhất thế kỷ 20, tiếng đàn của ông đã được thu băng và gửi vào vũ trụ coi như là tinh hoa của nhân loại. Ông nổi tiếng nhất là chơi các khúc Ly tao, Lưu Thủy, Quảng Lăng Tán, U Lan.
    Mỗi khúc nhạc cổ trên đều mang trong nó những câu chuyện kỳ thú. Thí dụ như khúc Lưu Thủy gắn với tích Bá Nha và Tử Kỳ, khúc Ly Tao gắn với tích Khuất nguyên trò chuyện với Ngư Phủ về thế sự; khúc Quảng Lăng tán gắn với chuyện Kê Khang chịu hình giữa chợ mà thốt lên rằng: Từ nay Quảng lăng tán thất truyền.
    Quảng Lăng tán có tên đầy đủ là Quảng Lăng chỉ tức, là một khúc cầm mạnh mẽ sôi sục, mang tráng chí của hào kiệt. Bản đàn này xuất hiện đầu tiên dưới dạng văn bản trong cuốn Thần kỳ bí phổ có từ đời nhà Minh. Theo sách Trung Quốc âm nhạc sử lược của Lưu Đông Thăng thì khúc nhạc này xuất hiện vào cuối đời Đông Hán; gắn liền với hai tích: Nhiếp chính ám sát Hàn Vương; Kê Khang chịu hình.
    Các đoạn của Quảng Lăng tán được phân thành: Tỉnh lý (quê hương của Nhiếp Chính), Thủ Hàn, Vong thân, Hàm chí, Liệt nữ, Trầm danh, Đầu kiếm, Tuấn tích, Vi hành cùng toàn bộ quá trình ám sát Hàn vương của Nhiếp Chính. Đến thời của Kê Khang được ông nâng lên thành một bản đàn tuyệt kỹ. Khi Kê Khang không chịu khuất phục nhà Tư Mã đứng về phe Ngụy chủ, nên vì thế Tư Mã Chiêu đã chặt đầu ông ở chợ vào năm 262 TCN.
    Khi chịu án Kê Khang thần sắc không đổi chỉ xin được đàn và nói rằng Quảng Lăng tán từ nay thất truyền. Tuy vậy, Kê Khang không phải là người sáng tác ra bản Quảng Lăng tán, mà thực chất bản nhạc này có từ trước đó. Kê Khang chỉ là người nâng cấp nó lên thành một thiên tuyệt cầm. Nên khi Kê Khang mất đi là bản Quảng Lăng tán của ông bị thất truyền chứ bản Quảng Lăng vẫn lưu truyền trong dân gian kể về chuyện Nhiếp Chính ám sát Hàn Vương thì vẫn còn.
    Thêm một nguyên nhân nữa, là các bản Cổ cầm được lưu hành trong thời điểm hiên nay, tuy những nét chung về mặt tư tưởng vẫn được giữ nguyên nhưng mỗi người đánh mỗi khác. Hiện nay ở Trung Quốc có khoảng 9 học phái Cổ cầm, mỗi phái có những nét chơi khác nhau dựa trên bài bản trong các cuốn Cầm phổ và phong cách được lưu truyền nội bộ trong từng phái. Vậy nên theo sự suy đóan của chúng tôi thì rất có thể bản thân bài Quảng Lăng tán mà Kê khang cho là thất truyền chỉ là bản được coi là hay nhất lúc bấy giờ của riêng Kê Khang mà thôi.

    Cấu tạo một cây đàn Cổ cầm

    Một cây đàn Cổ cầm được làm bằng gỗ ngô đồng. Ngô đồng ở Trung Quốc có nhiều loại, ngô đồng đỏ, đồng bạch …v.v. Nhiều khi, trong quá trình làm đàn người ta cũng dùng một số loại gỗ khác.
    Một cây đàn cổ cầm về cơ bản gồm hai phiến gỗ ghép úp vào nhau phiến mặt ở trên và phiến đáy ở dưới. Phiến gỗ mặt đàn thường có dạng khum hình lòng máng, ở bên trong lòng máng phía dưới phiến gỗ người ta chạm nổi 2 hình e-líp có gờ nổi lên gọi là Phượng Trì (Ao Phượng); Long Tỉnh (Giếng rồng). Phiến đáy của đàn là phiến gỗ phẳng có đục thủng hai lỗ thoát âm tương ứng đúng với vị trí Phượng Trì và Long Tỉnh. Trên mặt đàn người ta đánh dấu 13 vị trí được gọi là Huy.
    Với những cây đàn quý người ta còn khảm vàng hoặc ngọc để đánh dấu các huy. Khi dùng một ngón tay chặn nhẹ lên dây đàn ở vị trí các huy rồi dùng tay kia gảy vào dây đàn thì đàn sẽ cho bồi âm có tiếng vang to và đẹp (tương tự như cách tạo bồi âm của Đàn Bầu ở nước ta). Tuy vậy thỉnh thỏang bồi âm mới được sử dụng trong các bản đàn Cổ Cầm. Còn người chơi đàn thường căn cứ vào các huy để định vị kho việc chăn dây sát xuống mặt đàn để tạo ra các âm mong muốn của bản nhạc.
    Đàn Cổ cầm có 7 dây, gắn với 7 trục làm bằng gỗ và có khi bằng ngọc để lên dây đàn. Cổ Cầm có nhiều hình dáng khác nhau, gọi là các thức: Ví dụ như đàn làm theo Trọng Ni thức thì tức là Cây đàn được làm theo kiểu của Khổng Tử - có hình dáng ngay ngắn theo lề lối cổ, có eo Kim Đồng, Ngọc Nữ với đường nét giản dị mà thanh nhã. Bên cạnh đó còn có nhiều kiểu khác nữa như: Sư Khoáng thức (mẫu đàn của Sư Khoáng – một đệ nhất nhạc sư ở Trung Quốc); Thần Y thức (mẫu đàn mang kiểu dáng y phục của thần tiên); Liên châu thức (kiểu đàn như hình chuỗi ngọc) …
    Đàn làm xong được phủ vài lớp sơn mài, người ta thường lấy sừng hươu đốt cháy rồi tán ra thành bột trộn với sơn sau đó mới sơn lên đàn. Làm cho cây đàn để càng lâu càng bóng, càng đẹp, và lâu ngày hình thành một lớp vân rạn như da rắn, gọi là Xà Vân.
    Mỗi cây đàn cổ cầm sau khi hoàn thành xong thì đươc đặt tên riêng. Mặt dưới của đàn được khắc tên dựa và thanh âm phát ra của tiếng đàn khi đánh thử. Ngòai tên đàn người ta còn khắc câu đối, hoặc những bài thơ mang ý nghĩa liên quan tới gia chủ hoặc tên đàn, và được đóng dấu.
    Được biết văn hóa cổ cầm có mặt ở hầu hết các nước thuộc khu vực văn hóa Đồng Văn, ở Việt Nam cũng có nhưng đã bị thất truyền. Biên chế của dàn nhạc cung đình đầu đời Nguyễn ghi nhận có cây đàn Cầm ở trong đó. Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc văn hóa cổ cầm vẫn còn tồn tại. Ở Nhật Bản người ta đã từng trưng bày những cây đàn cổ cầm do người Nhật làm, với tính mĩ thuật rất cao.
    Khi UNESCO công nhận và tôn vinh cây đàn Cổ cầm thì cả nước Trung Quốc còn khoảng 50 người có thể chơi cây đàn này với trình độ bậc thầy. Thế hệ sau của những nhạc sư như cụ Quản Bình Hồ đã kế thừa một cách vẻ vang như nhạc sư Thành Công Lượng, Lý Tường Đình, Cung Nhất ..v.v. Người Trung Quốc coi cây đàn Cổ Cầm như một báu vật văn hóa. Những cây đàn được làm công phu và được bán với giá rất cao. Người chơi đàn vẫn giữ được những lễ tiết của văn hóa cổ xưa như việc đốt mỗi lư trầm đặt trước giá đàn mỗi khi tấu một bản nhạc.
    Chúng tôi đã từng mua một số đĩa CD của những nhạc sư nổi tiếng như vậy, và thực sự ngạc nhiên khi quanh đi quẩn lại một vài bản đàn mà người ta có thể diễn tấu hay đến vậy, nào là Đường Cầm, Tống Cầm, Minh Cầm … Hóa ra đó không phải là những bản nhạc có từ đời Tống, đời Đường mà chính là những cây đàn mà người Trung Quốc giữ được từ đời Đường đời, Tống để mang ra chơi và giới thiệu với bạn bè nước ngoài.
    Có thể đó là những cây đàn nguyên vẹn, hoặc thậm chí đã bị hư hỏng nhưng nhờ tình yêu và sự tài hoa của các nhạc sư mà người ta đã phục chế loại được để cây đàn cổ từ ngót một ngàn năm trước lại tấu lên những khúc nhạc ở chốn tiên giới trong một thế giới hiện đại dưới cõi trần.

    Diệp Vân (Vietbao.vn)

    Mười nhạc khúc cổ điển Trung Hoa hay nhất :

    1. Cao sơn lưu thủy (高山流水): Kể lại thời tiền Tần, Bá Nha (伯牙) đàn cầm tại một vùng hoang sơn dã địa thì tiều phu Chung Tử Kỳ (钟子期) đã lĩnh hội được "Nguy nguy hồ chí tại cao sơn. Dương dương hồ chí tại lưu thủy" ("巍巍乎志在高山. 洋洋乎志在流水" ). Bá Nha sững sốt đáp: "Thiện tai, tử chi tâm dư ngô đồng." Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đau khổ mất bạn tri âm, đập đàn đoạn dây, chung thân bất tháo. Cố hữu cao sơn lưu thủy chi khúc ra đời từ đó.
    2. Quảng lăng tán cầm khúc (广陵散琴曲): Dựa vào cầm phổ ghi lại, thời Chiến Quốc (战国) phụ thân của Nhiếp Chính (聂政) vì Hàn Vương (韩王) đúc kiếm, do trễ ngày giao kiếm mà bị thảm sát.Nhiếp Chính vì phụ thân lập chí báo thù, đã nhập sơn luyện cầm mười năm, đạt thành tuyệt kỹ, dương danh Hàn Quốc (韩国). Hàn Vương triệu Nhiếp Chính vào cung chơi đàn, Nhiếp Chinh đâm Hàn Vương trả thù cha xong hủy dung tự tử. Hậu nhân dựa vào tích xưa phổ thành cầm khúc hùng hồn, khí thế là cổ khúc trứ danh đại khúc chi nhất.

    Các bác thông cảm, về cái quảng cáo ấy mà hí hí, em mới tìm được cái ấy thôi.
    3. Bình sa lạc nhạn (平沙落雁): Minh triều còn có tên Lạc nhạn bình sa (落雁平沙), khúc điệu du dương, dìu dập, trong tiếng đàn có tiếng nhạn. Miêu tả chim nhạn đáp xuống giữa không trung, ngoái đầu ngắm cảnh.

    4. Thập diện mai phục (十面埋伏): Nhạc khúc miêu tả tình cảnh quyết chiến cuối cùng của chiến tranh Sở Hán (楚汉) vào năm 202 trước công nguyên. Hạng Vũ (项羽) tự tử ở Ô Giang (乌江). Lưu Bang (刘邦) giành được thắng lợi.
    5. Ngư tiều vấn đáp (渔樵问答): Khúc này bày tỏ ngư tiều giữa rừng xanh núi biếc (thanh sơn lục thủy chi gian), an vui tự tại.
    6. Tịch dương tiêu cổ (夕阳箫鼓): là khúc nhạc trữ tình trước sau năm 1925.
    7. Hán cung thu nguyệt (汉宫秋月): tâm tình của cung nữ thời xưa thường bị áp bức, khóc lóc thê lương, gợi nên sự đồng cảm của mọi người.
    8. Mai hoa tam lộng (梅花三弄)
    9. Dương xuân bạch tuyết (阳春白雪)
    10. Hồ gia thập bát phách (胡笳十八拍)
    Lần sửa cuối bởi loan, ngày 20-03-2010 lúc 01:38 PM.

  2. #2
    Ngày tham gia
    Nov 2009
    Bài viết
    47
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Các bác nghe tiếp nhé! Em nghe thấy "phê" kinh!

    Cao sơn lưu thuỷ “Cao sơn lưu thủy” gắn liền với điển tích Sở Bá Nha- Chung Tử Kì. Tương truyền, hơn hai nghìn năm trước Bá Nha hay đàn bản “Cao sơn lưu thủy”, nhưng chỉ có một mình Chung Tử Kì biết thưởng thức. Một lần Bá Nha gảy đàn, chí tại non cao, Tử Kì liền bảo “Thiện tại hồ cổ cầm, nguy nguy hồ nhược Thái Sơn” (Đánh đàn hay thay, vời vợi tựa Thái Sơn). Bá Nha chí tại vực sâu, Tử Kì nhận ngay ra rằng “Đăng đăng hồ nhược lưu thủy” (Cuồn cuộn như nước chảy).
    Khi Tử Kì lâm bệnh chết, Bá Nha chỉ gẩy đàn thêm một lần duy nhất trước mộ người tri âm rồi đập đàn vào tảng đá, không bao giờ cầm đến cây đàn nữa.

    Bản “Cao sơn lưu thủy” lưu truyền ngày nay chủ yếu là bản do Xuyên Phái đời Thanh gia công và phát triển, được Đường Di Minh đời nhà Thanh ghi lại trong “Thiên văn các cầm phổ” (năm 1876). Ông đã hết sức phát huy các thủ pháp cổn, phất, xước, chú, khiến hình tượng núi cao, nước chảy thêm rạng rỡ, nên mới có danh xưng “Thất thập nhị cổn phất lưu thủy”.

    Bản nhạc này được phân thành 9 đoạn và một vĩ thanh, cụ thể là 4 bộ phận lớn: khởi, thừa, chuyển hợp. Phần khởi (đoạn 1 đến đoạn 3), thông qua giai điệu thâm trầm, hồn hậu, uyển chuyển và âm bội sáng rõ, đã biểu hiện được những cảnh tượng kì diệu của núi cao trùng điệp, suối chảy khe sâu một cách rõ ràng, tươi sáng.

    Phần thừa (4 và 5), dàn trải không dứt, giai điệu đậm màu sắc ca hát, giống như những giọt nước chảy trong khe suối tập hợp thành dòng nước mạnh. Phần chuyển (6 và 7), nhờ vào khúc điệu có thứ tự bội âm đi xuống và âm giới của 5 thanh đi lên, âm hóa với xung động mạnh, kết hợp với các thủ pháp cổn, phất, như một dòng thác chảy ào ạt xuống, dồn vào sông biển cuộn trào sóng lớn. Phần hợp (đoạn 8 và vĩ thanh), vận dụng một phần âm điệu của phần thừa và phần chuyển tạo thành hiệu quả hô ứng, tạo nên dư âm như sóng trào trên sông biển, khiến người nghe có thể cảm nhận dư vị hết sức ngỡ ngàng và thú vị.

    Thời nhà Đường, “Cao sơn lưu thủy” phân ra thành hai khúc, không phân đoạn. Đến thời Tống lại phân cao sơn thành 4 đoạn, lưu thủy thành 8 đoạn, thiên về lưu thủy, khiến cho người nghe có cảm giác biển lớn đang vỗ sóng bên tai, âm vang mãi không thôi.

    Lưu thủy hữu tình

    Lắng nghe khúc nhạc, nếu thật sự không nhập tâm và tinh tế thì chúng ta không thể thấy hết cái hay cái đẹp của nó.

    Khúc nhạc bắt đầu bằng những thanh âm nhẹ nhàng và chậm rãi. Tiếng đàn đưa ta đến một không gian cao, rộng và thoáng đãng và mơ màng. Ta như thấy lại hình ảnh Bá Nha năm nào đang đưa người theo điệu nhạc, đôi mắt nhắm lại và mơ về một nơi xa nào đó. Chỉ có đôi tay người nghệ sĩ lướt nhẹ trên phím đàn khi trầm khi bổng, dặt dìu, êm ái. Xung quanh là con sông chảy hiền hòa ôm vào lòng nó những dãy núi mù sương… Có lẽ đây là không gian mà ta gọi là "Cao sơn".

    Rồi bỗng nhiên, nhịp đàn nhanh dần, réo rắt những dịp dồn dập nhau. Tưởng chừng như cả trái tim người nghệ sĩ cũng rung lên với nhịp thở gấp gáp. Ta lại như thấy mình giữa một khung cảnh sơn thủy hữu tình, một ngọn núi xa xa, một dòng thác chảy mạnh mẽ. Dòng nước cuộn sóng tung bọt trắng xóa. Con nước chảy từ trên cao hòa mình vào dòng nước lớn. Khung cảnh ấy có thể hình dung là "lưu thủy". Kết lại bản nhạc vẫn là những điệu âm réo rắt rồi nhỏ dần nhỏ dần như dòng chảy đang dần về một nơi xa lắm.

    Bản nhạc không chỉ hay ở giai điệu mà còn đẹp như một bức tranh hữu tình. Đôi khi giữa dòng đời hối hả, dành ra một khoảng để lắng nghe "Cao sơn lưu thủy", ta lại thấy tiếng đàn như rót vào tim những thanh âm trong trẻo nhất. Một chút gì đó hoàn toàn thanh khiết không vướng bụi trần. Đó là tinh hoa của trời đất, của tình người tri cố, của những tâm hồn cô độc tìm thấy nhau giữa cuộc đời nhiều oan trái. Để rồi mỗi sáng thức dậy sẽ lại thấy lòng mình thanh thản và nhẹ tênh. Và lại thấy như có tiếng đàn vẫn réo rắt, du dương ngay trong chính tầm hồn mình…
    Cầm phổ sớm nhất của nhạc khúc này được ghi trong Thần kỳ bí phổ. Giải thích về nhạc khúc này sách viết: “Cao sơn lưu thuỷ ban đầu chỉ có một đoạn, đến đời Đường nó được phân thành hai khúc nhạc giống nhau, không phân đoạn, đến đời Tống người ta mới phân Cao sơn thành 4 đoạn, lưu thuỷ thành 8 đoạn”.



    Ngư tiều vấn đáp Bày tỏ niềm an vui tự tại của “ngư tiều” giữa chốn rừng xanh núi biếc (thanh sơn lưu thuỷ). Nhạc khúc dùng phương thức đối thoại giữa “ngư giả” và “tiều giả”, những lúc mà nhạc khúc lên cao chính biểu đạt câu hỏi, lúc mà giai điệu thấp xuống thì biểu thị câu trả lời. Toàn khúc phiêu dật tiêu sái, biểu hiện thần thái thong dong tự tại của "ngư tiều"…



    Tịch dương tiêu cổ


    Hán cung thu nguyệt


    Mai hoa tam lộngNhạc khúc thuộc loại "tá vật vịnh hoài", mượn hình ảnh tinh khiết,sự thơm ngát và sức kiên cường chống chọi với cái lạnh của hoa mai để tán tụng những người có tiết tháo cao thượng.Nửa đầu khúc nhạc giai điệu du dương, thanh u gợi lên sự cao quý và trạng thái tĩnh tại an tường của hoa mai. Nửa đoạn sau vội vàng, hấp tấp biểu hiện động thái bất khuất của hoa mai.Giai điệu tiết tấu hai đoạn đầu và cuối như là bất đồng, tương phản rõ rệt...



    Dương xuân bạch tuyết khúc: Dương Xuân Bạch Tuyết lấy từ điển tích Tạ Hy Dật luận về đàn cầm nói: Lư Duyên Tử giỏi về đàn và trống, nên chế ra khúc nhạc Dương Xuân Bạch Tuyết. Ngài Tông Cảnh cười ha! ha! ha! Và nói rất là kỳ vì khúc nhạc Dương Xuân Bạch Tuyết, người cả nước có chưa quá mười người hòa được khúc nhạc này.
    Dương Xuân Bạch Tuyết dùng tiếng đàn miêu tả cảnh mùa xuân sang, tuyết đang tan ra. Ở thời điểm giao mùa vẫn còn cái hơi lạnh của mùa đông nhưng đã có cái ấm áp của mùa xuân. Tiếng đàn trầm bổng khoan hòa, nhẹ nhàng như nước chảy bên tai, làm người nghe quên cả trời đất, cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng sảng khoái, mơ màng như thấy có những tia nắng ấm áp lan tỏa lên thân mình, xa xa những lớp tuyết đang từ từ tan ra trên một cành mai gầy.
    Tích liên quan:
    Vương nước Sở hỏi Tống Ngọc:
    - Tiên sinh dường như có chỗ thiếu xót trong phẩm hạnh chăng mà kẻ sĩ và thường dân trong nước không thấy có mấy ai khen ngợi?
    Tống Ngọc thưa:
    - Dạ, quả có như thế. Xin Đại Vương tha tội, hãy dung cho tâu lại một lời. Khách có kẻ ca hát nơi kinh đô, thoạt đầu hát khúc Lý Hạ Ba Nhân, trong nước khen hay và họa kể lại mấy ngàn người. Rồi hát bản Dương A Dạ Lộ, người khen và họa, rút xuống còn có vài trăm. Đến bài Dương Xuân Bạch Tuyết, khen và họa, còn lại chỉ có vài mươi người... Là vì khúc hát ý càng cao, thì người họa lại càng ít.
    Loài chim có Phụng, loài cá có Côn. Chim Phụng giương cánh bay lên chín tầng mây, dọc ngang trong khoảng mênh mông vô tận, chim sâu đậu ở rào giậu kia, há có thể cùng với Phụng biết Trời Đất là rộng đến đâu?
    Cá Côn sớm dậy ở Côn Lôn, trưa nằm ở sườn non Kiệt Thạch tối bơi về đầm Mạnh Trư, thứ cá nghê ở trong cái vũng, làm sao có thể cùng với nó lượng biết được sông bể lớn đến bậc nào!
    Chẳng riêng gì loài chim có Phụng, loài cá có Côn, hạng sĩ cũng có Phụng, có Côn. Bậc thánh nhân hành vi trác việt, siêu nhiên và xử sự theo mình, người trong thế tục hiểu sao được hành vi của thần!


    Hồ gia thập bát phách (胡笳十八拍): “Hồ gia thập bát phách” kể về về cố sự “Văn Cơ quy hán”. Trong khung cảnh chiến loạn thời mạt Hán, Thái Diễm ( Thái Văn Cơ) lưu lạc ở đất Hung Nô 20 năm. Nàng thân tuy là sống bên cạnh của nhà vua, nhưng lòng thì luôn hoài niệm về cố hương. Lúc Tào Tháo phái người đón nàng về cố hương, nàng không nỡ rời xa hai đứa con nhỏ, niềm vui hồi hương bị nỗi đau cốt nhục chia ly bao phủ làm tâm tình nàng cực kỳ mâu thuẫn…


    Thập Diện Mai Phục Nhạc khúc miêu tả tình cảnh quyết chiến oanh liệt cuối cùng của chiến tranh Sở Hán vào năm 202 trước công nguyên. Trận ấy, tứ diện Sở ca, bốn bề mai phục, Hạng Vũ phải tự tử ở Ô Giang, Lưu Bang giành được thắng lợi. Theo GS Trần Văn Khê thì “Thập diện mai phục” là một trong những bản khó đàn nhất, đặc biệt từ chương Ba đến sau có mấy đoạn khi đàn phải chen ngón giữa của bàn tay trái vào các dây làm âm thanh phát ra đục và giống như tiếng gươm giáo chạm nhau



    Các bản nhạc trên trình bày bởi Various Artists - Album: Trung Hoa Thập Đại Danh Khúc

    Đây là bản Cao sơn lưu thủy do Nghệ sĩ Quản Bình Hồ chơi - Bản nhạc được gửi vào vũ trụ





    p/s: Bản Hồ gia thập bát phách 1 số nguồn nói là song tấu cầm-tiêu. Em chỉ nghe thấy tiếng tiêu??? híhíhí
    Lần sửa cuối bởi loan, ngày 21-03-2010 lúc 01:27 PM.

  3. #3
    Ngày tham gia
    Nov 2009
    Bài viết
    47
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    So dần dây vũ dây văn
    Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
    Khúc đâu Hán Sở chiến trường
    Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau
    Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu
    Nghe ra như oán như sầu phải chăng
    Kê Khang này khúc Quảng Lăng
    Một rằng lưu thuỷ, hai rằng hành vân
    Quá quan này khúc Chiêu Quân
    Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia
    Trong như tiếng hạc bay qua
    Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
    Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
    Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
    Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
    Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
    Khi tựa ngối, khi cúi đầu
    Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày


    Đây là đoạn thơ miêu tả tiếng đàn của Thuý Kiều đàn cho Kim Trọng lần đầu tiên. Sau 15 năm xa cách nàng có đàn cho Kim Trọng nghe, và tiếng đàn lần này của nàng đã khác trước. Trước đó, Kiều có đàn cho Hồ Tôn Hiến,… Rất tiếc, mình không nhớ các đoạn ấy. Trong bài viết về Cổ Cầm có dẫn Truyện Kiều.
    Lần sửa cuối bởi loan, ngày 20-03-2010 lúc 11:08 PM.

  4. #4
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Bài viết
    836
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Thúy Kiều gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến

    Trong quân mở tiệc hạ công
    Xôn xao tơ trúc hội đồng quân quan
    Bắt nàng thị yến dưới màn
    Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu
    Một cung gió thảm mưa sầu
    Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay !
    Ve ngâm vượn hót nào tày
    Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
    Hỏi rằng :"này khúc ở đâu ?
    Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay !"
    Thưa rằng :" bạc mệnh khúc này
    Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ
    Cung cầm lựa những ngày xưa
    Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây !"
    Nghe càng đắm ngắm càng say
    Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình !

    (Trích truyện Kiều)

  5. #5
    Ngày tham gia
    Nov 2009
    Bài viết
    47
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Đây là đoạn thơ tả Kiều đàn cho Kim Trọng nghe khi 2 người đoàn viên:

    Phím đàn dìu dặt tay tiên
    Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa
    Khúc đâu đầm ấm dương hoà!
    Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?
    Khúc đâu êm ái xuân tình!
    Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
    Trong sao châu rỏ duềnh quyên
    Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!
    Lọt tai nghe suốt năm cung
    Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao


    http://www.thivien.net/

  6. #6
    Ngày tham gia
    Nov 2009
    Bài viết
    47
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CỔ CẦM

    1. Thính cầm đồ - Tranh của Tống Huy Tông



    2. Cổ cầm kiểu Trọng Ni thức



    3. Long trì


    4. Eo Kim Đồng



    5. Long Ngâm - tên một cây cổ cầm



    6. Thần kì bí phổ - sách thời Minh



    Nguồn: http://vietbao.vn/

    p/s: em không biết cách để hình ảnh ra giữa cho cân đối
    Lần sửa cuối bởi Go_player, ngày 21-03-2010 lúc 01:42 PM.

  7. #7
    Ngày tham gia
    Jan 2010
    Bài viết
    127
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Hay không thể tả ! Đây chính là tiếng đàn bấy lâu ta tìm kiếm !

  8. #8
    Ngày tham gia
    Jul 2009
    Bài viết
    176
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bạn Loan thân mến !

    Bạn có thể giúp tôi xin những bản nhạc trên đựoc không ? File âm nhạc dạng nén tốt nhất nhé !

    Trân trọng Bạn

    An Duong

  9. #9
    Ngày tham gia
    Nov 2009
    Bài viết
    47
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bạn vào đây: NhacCuaTui.com | Nghe nhạc | mp3 | upload | chia sẻ để tải các bài đó về máy.

    Tìm mấy bài đó cũng đơn giản.

    Hi vọng câu trả lời của mình làm bạn hài lòng. Mình cũng chỉ biết tải về mấy bài đó ở đấy thôi

    Các bác vào link dưới đây để xem thêm về cổ cầm

    http://forum.cuasotinhoc.vn/lofivers...p/t415204.html

    http://www.hoangthantai.com/forum/in...p?topic=2405.0


    http://my.opera.com/nhatthach/blog/show.dml/502847

    http://my.opera.com/chuvanhuy/blog/d...uan-bach-tuyet
    Lần sửa cuối bởi loan, ngày 26-03-2010 lúc 09:22 PM.

  10. #10
    Ngày tham gia
    Jul 2009
    Bài viết
    176
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bạn Loan ah , minh vẫn chưa tìm đuợc ca 10 bai hat của cổ cầm.
    Giúp mình với nhé

Cổ cầm
Trang 1 của 2 12 CuốiCuối

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68