Kết quả 51 đến 53 của 53
-
08-07-2010, 10:36 PM #51
Hà Nội: Nắng gắt, cá chết nổi đầy hồ Giảng Võ
Trời nắng nóng kéo dài, cộng thêm tình trạng nước ô nhiễm đã khiến cho hàng nghìn con cá rô phi chết nổi lều phều trên hồ Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội).
Trong khoảng 3 ngày lại đây, hiện tượng cá chết bất thường vì nắng nóng đã tăng cao tại hồ Giảng Võ.
Chiều 8/7, P.V VietNamNet có mặt tại hồ này ghi nhận tình trạng cá chết hàng loạt. Từ trên bờ, chỉ cần quan sát bằng mắt thường có thể thấy vô vàn đốm trắng xuất hiện trên mặt hồ, kéo dài suốt từ khu vực giáp với Khách sạn Hà Nội, cho đến trước cửa Trường tiểu học Kim Đồng.
Mùi xú uế bốc lên khá rõ. Xuống sát mép hồ có thể quan sát thấy hàng nghìn con cá nằm phơi xác, chủ yếu là loại cá rô phi nằm mắc kẹt trên kè đá. Càng đi về phía cửa cống xả giáp đường Ngọc Khánh tình trạng cá chết diễn ra càng nhiều. Đặc biệt xác cá mắc kẹt đầy trong một cửa cống tại đây, điều đó cho thấy có thêm yếu tố ô nhiễm môi trường.
Theo phản ánh của một số người dân sống ở toà chung cư A6 gần hồ, tình trạng cá chết đã diễn ra rải rác cách đây chừng hơn 1 tuần, song đặc biệt tăng cao trong khoảng thời gian Hà Nội diễn ra đợt nắng nóng mới này.
-
09-07-2010, 07:17 PM #52
Sau nắng nóng bất thường, bão lũ lại dồn dập
(Dân trí) - Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia vừa họp bàn khẩn cấp trước những thay đổi bất thường của thời tiết. Dự báo sau nắng nóng kéo dài bất thường, hạn hán nghiêm trọng, có thể bão lũ sẽ dồn dập đổ về với diễn biến khó lường.
Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, xung quanh vấn đề này:
Đã sang đến tháng 7 (vào mùa mưa) nhưng cả Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn phải đương đầu với nắng nóng kéo dài bất thường, có lúc vượt 40 độ C. Hiện tượng này có phải là nguyên nhân khiến ngành khí tượng phải triệu tập cuộc họp bất thường để đưa ra những dự báo mới về diễn biến thời tiết từ nay đến cuối năm?
Trên thực tế, năm nay mọi diễn biến thời tiết đều dị biệt so với mọi năm. Nếu mọi năm, bắt đầu từ tháng 5 đã xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) thì năm nay hiện tượng này xuất hiện rất muộn. Thay vào đó, trong 2 tháng đầu mùa lại tiếp tục xảy ra 6 đợt nắng nóng khá gay gắt và kéo dài hơn so với cùng cùng kỳ năm 2009. Đặc biệt, trong tháng 6 đã xảy ra 1 đợt nắng nóng gay gắt, trên diện rộng và kéo dài kỷ lục tính trong gần 50 năm trở lại (từ ngày 8-20/6) tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, đặc biệt tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trước những diễn biến này cùng những nghiên cứu khác, chúng tôi đã phải họp bàn để đưa ra dự báo điều chỉnh cho mùa mưa bão sắp tới. Bởi nhiều khả năng, năm nay mưa bão sẽ đến muộn, nhưng lại diễn biến rất phức tạp khó lường.
Nguyên nhân của những đợt nắng nóng bất thường này từ đâu thưa ông? Ông dự đoán sẽ còn xảy ra bao nhiêu đợt nóng trong tháng 7 này tại Bắc Bộ và Trung Bộ?
Do ảnh hưởng của El. Nino đã tác động đến Việt Nam từ năm ngoái, khiến mùa mưa kết thúc sớm trên cả nước, hệ thống sông hồ đều rơi vào tình cảnh thiếu nước. Đến tháng 5/210, nó vẫn tác động đến nhiều quốc gia trong đó có VN, gây nắng nóng kéo dài và bất thường, càng khiến tình trạng khô hạn thêm nghiêm trọng. Tuy nhiên hiện tượng El. Nino đang có xu hướng dần chuyển sang La Nina. Nên đợt nắng gay gắt trong đầu tháng 7 vừa qua được nhận định là do chịu ảnh hưởng quá trình chuyển tiếp của trạng thái thời tiết.
Tuy nhiên, chỉ đến giữa tuần sau (khoảng 14-15/7) miền Bắc sẽ chấm dứt những đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài. Thay vào đó là các đợt mưa xen kẽ giữa những đợt nắng nóng ngắn ngày. Dự báo các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra tập trung trong cuối tháng 7 và tháng 8/2010.
Nhưng nắng nóng tại miền Trung vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Từ nay đến cuối tháng 7, chưa nhìn thấy dấu hiệu vùng này sẽ xuất hiện mưa. Vì thế, tình trạng khô hạn tại miền Trung trong thời gian tới rất đáng ngại.
Cơ quan khí tượng lại đưa ra dự báo rất đáng lo: Sau nắng nóng, hạn hán diện rộng, mùa mưa, bão, lũ năm 2010 có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina, với diễn biến phức tạp, bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất dồn dập đổ về. Khu vực nào được cảnh báo có thể xảy ra nhiều bão, lũ nhất và bắt đầu từ bao giờ, thưa ông?
Dự báo năm 2010, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông có khả năng thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm (TBNN), khoảng 10- 12 cơn (TBNN khoảng 14 - 15 cơn). Tuy nhiên, số cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam lại tăng, từ 6 - 7 cơn (TBNN là 5 - 6 cơn). Đáng lưu ý là bão sẽ đến muộn và nhiều khả năng sẽ dồn dập đổ về khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ, khu vực miền Trung và tiến sâu vào Tây Nguyên.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ cần đề phòng khả năng có mưa lớn đến muộn vào các tháng 9 - 11.
Cụ thể, đỉnh lũ cao nhất năm 2010, trên các sông chính ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện vào tháng 8; trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận vào tháng 8 và 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9 và 10, các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và 11 và trên sông Tiền, sông Hậu vào đầu tháng 10.
Xin cảm ơn ông!
La Nina là hiện tượng biển lạnh đi ở trung tâm Thái Bình Dương và khi hiện tượng này xảy ra, sẽ mưa nhiều hơn, ẩm nhiều hơn ở vùng lục địa. Hệ quả là Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương sẽ xuất hiện mưa là lũ nhiều hơn bình thường. La Nina xuất hiện cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ chế của bão.
Phạm Thanh
(thực hiện)
-
09-07-2010, 07:19 PM #53
Nắng nóng gay gắt tiếp tục đe dọa việc cấp điện
(Dân trí) - Nhiều hồ thủy điện miền Trung, miền Nam đã về sát mực nước chết; hàng loạt sự cố trên đường dây và các nhà máy điện liên tiếp diễn ra gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện trong tuần đầu tháng 7 dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.
Trong tuần đầu tiên của tháng 7, Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời có ngày lên đến 45oC, trời hoàn toàn không mưa.
Kể từ ngày 1/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không thực hiện điều hòa phụ tải tại các địa phương (trừ trường hợp bất khả kháng), phụ tải hệ thống điện đã tăng rất cao.
Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện trung bình 7 ngày đầu tháng 7 là gần 310 triệu kWh/ngày, tăng hơn 24% so với các ngày tuần đầu tháng 7/2009, riêng miền Bắc tăng gần 33%, sản lượng cao nhất đạt gần 330 triệu kWh (ngày 6/7).
EVN cho biết, lưu lượng nước về các hồ trong những ngày đầu tháng 7 đều thấp ở cả 3 miền. Do không có mưa trên lưu vực, các hồ thuỷ điện miền Trung, miền Nam như Ialy, Hàm Thuận, Trị An, Thác Mơ, v.v... đã về sát mức nước chết (Trị An còn 31 cm, Hàm Thuận còn 19 cm, Thác Mơ 75 cm, Ialy còn 60 cm).
Các nhà máy thuỷ điện bắc miền Trung như Bản Vẽ, Cửa Đạt chỉ phát sản lượng thấp do không có nước. Riêng hồ Hòa Bình ở mức 85,23m (trên mức nước chết hơn 5m), hồ Tuyên Quang hơn 97m (trên mức nước chết hơn 7m), hồ Thác Bà hơn 46m (trên mức nước chết 50 cm).
Một số nguồn nhiệt điện than mới ở khu vực phía Bắc vừa qua có sự cố như TM 2 Nhiệt điện Quảng Ninh (dự kiến 8/7 đốt lại), tổ máy S1 NĐ Sơn Động (ngừng để sửa chữa, cải tạo lò, dự kiến cuối tháng 7 xong), TM 1 Nhiệt điện Quảng Ninh (ngừng sửa chữa bơm cấp và đường thải xỉ than đáy lò, dự kiến ngày 14/7 đốt lại).
Do nắng nóng gay gắt, phụ tải tăng cao, nhiều hồ thủy điện đã về mực nước chết, trên hệ thống điện đã xuất hiện tình trạng đầy, thậm chí quá tải một số đường dây và trạm biến áp (khu vực Tân Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình,...), nhất là đường dây 500 kV Bắc - Nam. Các đường dây 220 kV mua điện Trung Quốc phải vận hành rất căng thẳng, truyền tải công suất và điện năng cao. Trong giờ cao điểm, đã xuất hiện tình trạng điện áp và tần số hệ thống giảm thấp - là nguy cơ gây sụp đổ hệ thống.
Đặc biệt là đêm 8/7, trên hệ thống 500kV đã xảy ra sự cố, gây nhảy các đoạn đường dây Pleiku - Di Linh, Pleiku - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh, và 1 mạch đường dây Nho Quan - Hà Tĩnh, và MBA 500kV Hà Tĩnh, gây mất liên kết trên hệ thống điện 500kV, gây sự cố các tổ máy nhà máy điện Cà Mau, nhà máy điện Phú Mỹ, các nhà máy Buôn Kuốp, Sông Hinh, Serepok 3, 4, tổ máy S7 nhiệt điện Uông Bí mở rộng,... Sự cố đã gây ảnh hưởng đến cấp điện khu vực miền Trung (khoảng 700 MW) và miền Bắc (khoảng 2.000 MW).
Lan Hương
Câu mở của hai người Việt ở mùa này là
Đánh dấu