Kết quả 1 đến 3 của 3
Threaded View
-
15-02-2013, 12:16 PM #1
Bước ra ngoài giới hạn của chính mình
Cho dù Tết đã qua rồi, nhưng ở nhà thì Cá Vàng dám chắc mọi người ở Việt Nam giờ này vẫn còn uể oải lắm, và chắc là cũng chưa sẵn sàng để đi làm, đi học lại đâu nhỉ? Nhưng mà ở bên Mỹ thì hình như tính đến buổi tối Chủ nhật vừa rồi thì Tết bắt đầu hết và đến sáng thứ hai thì hết hẳn rồi. Nhiều người nếu có thời gian và cơ hội đi chùa đợt Tết vừa rồi thì Cá đoán chắc họ cũng tranh thủ cầu xin, mong ước nhiều lắm. Có người cầu làm ăn phát đạt, người cầu sức khỏe, người cầu không phải thi lại kỳ học tới, người cầu sẽ hết cô đơn trong dịp Valentine này… Tuy nhiên, đối với nhiều du học sinh thì có khi họ lại chỉ ước mình sẽ sớm hòa nhập được với môi trường sống ở Mỹ càng nhanh càng tốt.
Tuần vừa rồi, Cá Vàng có được nhận một vài email mà các bạn độc giả gửi cho Cá và tâm sự rằng, cho dù rất muốn thích nghi với cuộc sống Mỹ, muốn hòa nhập môi trường ở đây, muốn kết bạn…mà sao khó thế. Chẳng lẽ miền đất đầy hứa hẹn với số dân hơn 300 triệu người, luôn bận rộn, nhộn nhịp như nhiều người miêu tả này lại không có nổi một người, một không gian phù hợp cho mình ư?
Thực sự, Cá Vàng rất thông cảm với các bạn. Hồi mới sang, thú thật, Cá Vàng cũng sợ nhiều lắm. Sợ lỡ máy bay, sợ bị cô lập, sợ bị lạc đường, sợ bị lừa v…v…Và, cái nỗi lo lớn nhất của Cá Vàng là sợ rằng mình sẽ trở nên hư hỏng, sa đọa, chơi nhiều hơn học, giỏi nhất là phá tiền, phá của cải, đạp đổ công sức của gia đình gửi gắm vào mình, ngắn gọn sẽ là một đứa phá gia chi tử. Nghe bi quan thật đấy.
Mọi thứ ở sân bay đã từng rất lạ lẫm và có phần 'đáng sợ' đối với Cá
Nhưng không hiểu từ lúc nào mà Cá quên béng luôn những suy nghĩ rất tiêu cực ấy, có lẽ từ lúc đặt chân xuống sân bay LAX, sân bay Mỹ đầu tiên mà Cá bơi tới. Ngay từ cái giây phút chứng kiến nhịp sống quá hối hả ở LAX ấy, mà Cá tuy có hơi cảm giác choáng ngợp lúc đầu nhưng nhanh chóng bị cuốn theo lúc nào không biết. Lúc đó, mọi thứ lạ lẫm với Cá lắm. Chuyến bay đầu tiên trong đời Cá lại là cái chuyến bay dài tới hơn một ngày, dừng chân ở ba sân bay chuyển tiếp, trước khi tới được sân bay cuối cùng. Tuy là lần bay ấy rất thuận lợi với Cá, không gặp trục trặc gì, và cũng không bị lỡ chuyến nào, nhưng nghĩ lại, Cá nhận ra một điều. Khi đến một môi trường mới, nếu bạn không là người đi đầu, không tự mình bước ra khỏi cái giới hạn của chính mình (tiếng Anh hay nói là step out of your comfort zone), thì có lẽ, mãi mãi bạn sẽ bị trói buộc trong chính cái không gian đó.
Trên máy bay, bạn lạnh, bạn khát, bạn đói, bạn mệt? Xuống máy bay, bạn lạc đường, bạn không biết cổng bay ở đâu? Hành lý của bạn đâu mất tiêu? Tiếng Anh bạn chưa đủ giỏi để nghe được hết những gì mà nhân viên ở sân bay hay phi hành đoàn nhắc nhở lúc trên máy bay, chưa kể mỗi nơi họ lại nói tiếng Anh với cách phát âm, âm điệu khác nhau, hoàn toàn khác xa với những gì bạn được nghe khi học Toefl hay Ielts? Rồi đến khi đói, bạn đến một cửa hiệu đồ ăn nhanh nhưng cứ tần ngần ở đó, ngại ngùng vì không biết phải mua như thế nào? Và thậm chí đến khi bạn phải bước vào môi trường quan trọng nhất - mục tiêu lớn nhất của chuyến hành trình này của bạn, đó là đi học hay đi làm. Bạn biết rằng bạn sẽ phải sống trong môi trường này nhiều nhất và thường xuyên nhất, bạn cảm thấy hoàn toàn lạc lõng và không thể tiến tới gần những người bạn muốn tiến tới. Tất cả những điều này, Cá Vàng tin chắc ai cũng có lần trải qua ít nhiều. Nhưng cảm giác chung khi phải đối diện với những điều này thì chỉ có một: hoang mang và sợ hãi.
Bạn cảm thấy hoang mang, sợ hãi, không phải bởi vì sẽ có một cái gì đó nguy hiểm đang rình rập bạn, mà chỉ vì cái cảm giác bị mất phương hướng và không biết phải làm gì. Cá đã từng rơi vào tình trạng này nhiều lần. Khi đi học ở Việt Nam, có lẽ có nhiều bạn đã quá quen với cảm giác ngồi nghe giảng và ghi lại y hệt những điều được dạy, mà không được khuyến khích đặt ngược câu hỏi lại với giáo viên. Bạn không biết điều gì, bạn cũng chưa chắc dám hỏi, vì bạn sợ bạn hỏi người khác sẽ đánh giá bạn, sẽ cười vào mặt bạn, hay sẽ ghét bạn vì bạn làm mất thời giờ của người ta? Thực ra, ở đâu cũng có người này người kia, bạn cũng không thể nào chiều lòng tất cả mọi người được, cho nên tại sao không sống cho mình trước đã nhỉ.
Lạc đường mà không hỏi người khác chỉ đường thì biết tới bao giờ bạn đến được nơi cần đến? Đói, mệt, khát, lạnh mà không hỏi tiếp viên giúp đỡ, nhỡ ốm nhẹ lại thành ra ốm nặng thì sao? Đến hiệu ăn mà ngần ngại không gọi món ăn, sợ bị đánh giá là người “rừng” không biết gì cho nên thà nhịn còn hơn? Và quan trọng nhất, khi đi học, không hiểu không hỏi lại giáo sư, bạn bè; hay đi làm không hỏi rõ lại cấp trên hay đồng nghiệp, cho dù ở Việt Nam bạn có giỏi đến mấy, có thông minh cỡ nào, thì cũng rất nhanh chóng bạn sẽ bị thụt lùi về phía sau.
Mọi thứ sẽ không còn xa lạ nếu bạn thực sự muốn tới gần chúng
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu bạn muốn kết bạn, mà không dám thể hiện mình là ai, không tự mình mở lời trò chuyện với người bạn muốn chơi cùng, thì làm sao người ta biết bạn là ai mà trở thành bạn của bạn được? Lúc đầu, có thể sẽ khó khăn, dĩ nhiên không phải ai cũng đủ thân thiện để tiếp chuyện bạn, nhưng không thử tìm kiếm thì sao tìm ra kết quả. Và cứ thử tin Cá đi, bạn hãy mạnh dạn lên, không sợ bị đánh giá, “chai” mặt một chút, dần dần, bạn sẽ quen và không còn cảm thấy sợ hay hoang mang nữa. Thực sự, người Mỹ họ quá bận để nhớ bạn là ai, hay bạn đã hỏi câu hỏi ngốc nghếch gì mà đánh giá bạn.
Hãy hoán đổi vị trí một chút nhé, khi ở Việt Nam, bạn là dân bản xứ và bạn gặp những người khách nước ngoài tới du lịch. Khi thấy họ đang ngơ ngác và không biết cái gì đó, bạn cảm thấy thế nào? Theo lẽ thường, bạn sẽ nhiệt tình giúp đỡ họ chứ đâu có đứng đó mà đánh giá họ phải không? Rồi nếu có ai đó muốn tìm hiểu về văn hóa của Việt Nam mình, bạn đâu có khinh người ta không hiểu biết gì và cười vào mặt người ta đâu? Ở đây cũng vậy, bạn chỉ cần nói, I’m from Vietnam and I’ve just been here for a short time...Cá chắc chắn là sẽ không có ít người sẵn sàng tận tình giúp đỡ bạn đâu. Người Mỹ bận rộn và cũng có thực dụng thật, nhưng họ đủ thân thiện để trở thành bạn của bạn, nếu bạn muốn.
Những điều Cá tâm sự ở trên thực ra chính là những suy nghĩ Cá nhận ra dần dần trong những ngày tháng mới sang Mỹ. Cá đã phải tự nói với chính mình những điều trên, tự mạnh mẽ với chính mình hơn, vì Cá biết Cá sẽ không thể tồn tại nếu Cá không thay đổi.(Cá Vàng)
Bước ra ngoài giới hạn của chính mình
Đánh dấu