Kết quả 11 đến 17 của 17
Chủ đề: Cờ Tướng - Cuộc cải cách dấu ấn
-
26-06-2009, 09:03 AM #11
11
Giới cờ giang hồ Việt Nam đã được định hình khá sớm. Một mặt do nằm giáp với Trung Quốc nên cờ Tướng được truyền bá sang nước ta từ lâu, mặt khác cộng đồng Hoa kiều sinh sống ở nước ta rất đông, nhất là ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Hải Phòng... Cờ Tướng là một trong những trò chơi hứng thú nhất của cộng đồng này. Có nhiều gia đình con cháu đều là những danh thủ giỏi. Ở đồng bằng sông Cửu Long cũng xuất hiện những cao thủ lỗi lạc một thời,
ở miền Bắc có Nam Định, Thái Bình, Hà Đông... là những vùng đất sản sinh ra những danh kỳ lừng danh. Miền Trung ít hơn nhưng cũng từng có những danh thủ tiếng tăm. Từ đội ngũ những tay cờ kỳ tài ấy đã xuất hiện như bậc cao thủ ngao du khắp các tỉnh. Đi ít thì những tỉnh lân cận hay một vùng như đồng bằng Nam Bộ hay đồng bằng Bắc Bộ, nhiều hơn là từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Những chuyến đi, những ván đánh của họ một số được ghi lại tới nay, những chuyến đi của họ trở thành những giai thoại thú vị mà các bậc cao niên vẫn còn kể cho tới tận bây giờ.
Có thể kể ra đây trong giới cờ giang hồ một số tên tuổi khá nổi bật như Hứa Văn Hải, Nguyễn Thành Hội, Nguyễn Văn Ngoan, Hà Quang Bố, Trần Quái, Phạm Thanh Mai, Đặng Đình Yến, Nguyễn Thi Hùng, Trần Đình Thủy, Nguyễn Minh Trưng, Trần Văn Ninh... (các tên tuổi bậc nhất của làng cờ Việt Nam đã được nói tới trong các tập của sách "Cờ Tường: Sự tích, Thú chơi, hai thoại". Chính họ góp phần khuấy động cả phong trào cờ Tướng trên khắp toàn quốc. Không một môn cờ nào khác ở nước ta lại hoạt động sâu rộng, sôi động trong quần chúng và có tiếng vang như thế.
Trình độ cờ giang hồ tuy rất cao, nhưng đó là thời mù tịt thông tin về các đối thủ, nếu có nghe tới ai đó cao cờ thì cũng chỉ là "kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình", lắm khi gặp nhau đánh nhau vỡ đầu mới hay đó là tên tuổi mình ngưỡng mộ. Sau đây là một vài mẩu chuyện về những cuộc gặp nhau khá thú vị như thế.
Chung Trân là một danh kỳ có tên tuổi, ông đã từng giang hồ sang Việt Nam và đánh thắng nhiều trận khiến tới bây giờ các kỳ thủ Việt Nam cao tuổi vẫn nhớ tới chuyên du đấu ấy. Sau khi chu du Việt Nam bèn quay về Trung Quốc theo đường Quảng Đông. Bấy giờ ở Quảng Đông có một đại cao thủ tiếng tăm lưng lẫy tên gọi là Hoàng Tùng Hiên, là một trong "Tứ đại thiên vương" của vùng này, nhưng Hoàng Tùng Hiên là nhà giàu, có cơ nghiệp đồ sộ nên chẳng cần phải đi giang hồ, chỉ ở nhà mà người tới xin tỷ thí ngày nào cũng có, người nào cũng xưng mình là cao thủ giang hồ nên dần dà Tùng Hiên cũng chẳng còn nhớ được hết những tên tuổi các bậc cao thủ ấy. Vả lại Tùng Hiên phần lớn đều đánh thắng bọn họ. nhiều lẩn chấp cả Mã mà vẫn thắng, nên gặp ai đánh thì đánh nhưng không quan tâm mấy tới tên tuổi hay lai lịch làm gì.
Một bữa có người khách lạ tới dinh Hoàng Tùng Hiên yết kiến và xin tỷ thí. Sau khi phân ngôi chủ khách, bèn ngả bàn cờ ra. Chủ hỏi vậy tiên sinh đinh đánh thế nào? Khách đáp "Tiếng tăm ngài nổi như cồn như sông bể, thế thì hãy chấp tôi Mã!" Hoàng xua tay mà rằng:"ở đây cung có lúc tôi chấp đã nhưng với tiên sinh chưa biết thế nào, tôi không dám, may ra chỉ chấp được một tiên!" Khách đáp: "Thực ra nếu tôi là kẻ 'nổi danh thì chắc ngài phải biết từ lâu, nam ngài không biết tới tôi thì tôi cũng như muôn người giữa đám loạn quân, ngài không chấp thì tôi đánh làm sao lại". Rốt cuộc Hoàng đồng ý chấp 2 tiên. Ngày đầu tiên Hoàng Tùng Hiên thua cả, cũng đã lấy làm lại. Sang ngày thứ hai bèn đề nghị chỉ chấp một tiên, khách bằng lòng. Hai người kịch chiến từ sáng tới khuya, Tùng Hiên phải vận hết công lực nhưng rốt cuộc vẫn thua liểng xiểng, mất bao nhiêu là bạc. Đêm về Tùng Hiên không sao ngủ được, biết mình đã gặp phải một tay lão luyện, lại biết cách nhử mình nên trong bụng vừa mừng vừa lo, mừng vì đã lâu mới gặp cao thủ xứng tầm, lo là không biết đùng cách gì để trị người này.
Hôm sau hai bên đánh bằng phân, Hoàng Tùng Hiên cờ tuy không kém, nhưng vừa đuối sức vừa bàng hoàng nên lại thua luôn, mất thêm một khoảng tiền cực lớn, bèn tự nguyện xin ngừng không đánh nữa, bấy giờ mới cung kính hỏi danh tính của khách. Khi biết đó là Chung Trân thì giật mình, lấy làm khâm phục lắm, mới tâm sự rằng từ lâu đã nghe danh mà không giáp mặt. Hai người tứ đó thành bạn cờ. Vào thời đó Quảng Đông còn có một nhân vật cờ xuất chúng nữa là Tăng Triển Hồng. Thế là ba người này cùng nhau làm bá chú cả một vùng cờ rộng lớn, được thiên hạ kính nể đặt cho biệt danh "Việt Đông tam phượng" (ba con chim Phượng Hoàng của đất Quảng Đông).
Cờ Tướng vốn là một trò chơi vô hại nên thời nào cũng được thả nổi cho toàn dân. Chơi cờ chẳng phải xin phép xin tắc bao giờ. Tuy nhiên không phải ai cũng tiếp cận dễ dàng với cờ Không phải là do cấm đoán mà là do trình độ của người chơi. Hãy tới một sân cờ người ở lễ hội: hay thì hay dấy, đẹp thì đẹp đấy, nhưng có người chỉ đứng 5, 10 phút là bỏ đi vì "chán quá, chẳng hiểu gì cả". Trái lại có lắm người mê mải xem tứ đầu chí cuối, lúc thì thích thú reo hò, lúc thì chép miệng lắc đầu, khi thì hăng máu chỉ trỏ tranh cãi, khi thì cười ồ thoả thích trước nước đi dạt dột của một bên. Người trình độ càng cao, hiểu càng sâu thưởng cái hay cái đẹp mới sướng. Ở những trận tỷ thí giữa các đại cao thủ thì khỏi phải nói, cử nghe tên là kẻo nhau nườm nượp đi xem, xem xong nhớ vanh vách những nước cờ tuyệt diệu ấy suốt đời.
Các đấu thủ khi thượng đài đều rất bảo trọng thanh danh, uy tín của mình. Tuyệt đại đa số các trận tỷ thí đều hết sức trung thực và quyết liệt, mang tinh thần thượng võ rất cao. Vả lại dưới hàng nghìn con mắt tinh tường của khán giả, không mấy cao thủ lại dại dột "múa rìu qua mắt thợ hay mánh lận con đen" để chuốc tiếng xấu cả đời. Có khi một cao thủ thắng cuộc đang hớn hở giơ cao chiếc cúp thì đột nhiên từ trong đám khán giả có người nhảy vọt ra, giằng lấy cúp mà kêu lên "Hãy khoan nhận cúp, xin tỷ thí vơi ta một ván, thắng thì đem cúp về!" Kẻ đoạt ngôi quán quân cũng chẳng muốn mang tiếng hèn nhát ôm cúp rút lui trước kẻ thách thức táo tợn và đầy bản lĩnh kia, thế là một trận cờ nảy lửa mới lại bắt đầu khiến cho người xem lại được hả hê chiêm ngưỡng. Bởi vậy đã từng có không ít những cuộc tranh luận. Người cho rằng cách tổ chức giải cờ quá bài bản hiện nay: nhét hàng trăm đấu thủ vào phòng kín cổng cao tường chẳng ai được xem, quy đinh thời gian thi đấu nghiêm ngặt... đã giết chết bản chất của cờ, không còn kích thích hứng khởi để đấu những ván hay nhất, đẹp nhất mà không quan tâm tới sự thắng thua, đánh mất mối quan hệ giữa khán giả và đấu thủ vốn là tác nhân quan trong trong cuộc chơi đầy tính giao lưu, hội hè, loại bỏ sự thách đố tự nhiên tạo bất ngờ thú vị. Kiểu đánh hiện nay khá là công nghiệp, các đấu thủ đều có đơn vị chủ quản: là kỳ thủ "ăn lương biên chế" hết năm này đến năm khác gặp nhau nhẵn mặt, còn ngoài dân gian dẫu có tài giỏi mấy cũng chẳng thể béng mảng vào. Lắm kỳ thủ thi đấu để giữ chế độ, giữ lương, thưởng... nên họ chơi thận trọng, chặt chẽ, không muốn mạo hiểm, tránh những đòn biến ảo, những nước tài hoa, những thử nghiệm mới mẻ, sáng tạo, nơm nớp sợ thua. Nhiều khi còn thảm hại hơn nữa: các cao thủ hễ đụng nhau là sớm bắt tay hòa để dành sức tiêu diệt những "thấp thủ". Cuối cùng so kè nhau từng chút hệ số phụ để kiếm thành tích. Cuối cùng là tuy có tài có năng thực nhưng cứ phải nem nép chịu sự "chỉ đạo" cực kỳ vô lý của huấn luyện viên, cam tâm "tự sát" trước những đối thủ dưới cơ, tức là tự hạ nhục mình để phục vụ cho cái gọi là "quyền lợi chung"! Hỡi ôi, còn đâu thôi oanh liệt, hồn nhiên của cờ!
-
Post Thanks / Like - 1 Thích, 0 Không thíchtuhiep đã thích bài viết này
-
26-06-2009, 09:04 AM #12
12
Ta thử tìm hiểu một đôi nét về cờ Tướng ở các vùng đất giàu truyền thống.
Không phải chỉ do lòng say mê mà làng cờ Sài Gòn cũng như Nam Bộ nói chung có nhiều bậc danh thủ như đã kể trên và sôi động suốt một thời gian dài. Có một điều rất quan trọng là ai cũng phải công nhận là làng cờ Tướng ở các miền đất này đã có được những nhà bảo trợ, tài trợ, những nhà tổ chức tuyệt vời. Những con người như thế không hề cầu lợi mà cũng chẳng cầu danh, như những "thiên thần hộ mệnh" cho làng cờ vậy.
Nếu không có họ chắc chắn sẽ không thể xuất hiện những chùm sao sáng liên tục, cha truyền con nối như thế trên bầu trời cờ Tướng phương Nam.
Trong suốt một thời gian dài, Sài Gòn có một cộng đồng người Hoa đông đúc. Họ làm ăn, buôn bán và đặc biệt là thích chơi cờ Tướng. Số cao thủ người Hoa rất đông, có những gia tỉnh người Hoa có tới 4, 5 anh em đều là những tranh thủ cờ như "Diệp gia tứ hổ" (Bốn anh em nhà họ Diệp đều là danh thủ cờ). Trong số những người làm ăn thành đạt có không ít người mê cờ hay nói chính xác hơn là những người mê thưởng thức cờ. Với tinh thần hữu ái, nhất hô bá ứng, thế là những trận song hùng, tứ hùng, những "đả lôi đài", những trận tỷ thí cờ Tướng mang tính quốc nội hay quốc tế liên tục được các nhà hảo tâm này đứng ra tổ chức. Các chi phí đều do họ lo. Tiền thưởng họ chung tay góp lại, "giải nhỏ" thì giải thưởng nhỏ, với các cặp đấu giữa các danh thủ siêu kiệt thì số tiền thưởng nhiều khi tới mức chóng mặt.
Nhưng không thể chỉ nói tới cộng đồng cờ Tướng người hoa mà phải nói tới cả cộng đồng cờ Tướng người Việt ở đất này cũng mê cờ và có nhiều tay cờ sừng sỏ không kém, cho nên thời trước hình thành hai trung tâm lớn là: cờ Tướng người Việt ở Sài Gòn và cờ Tướng người hoa ở Chợ Lớn (cho tới hiện nay chính làng cờ Trung Quốc cũng vẫn cho rằng trong môn cờ Tướng của cả châu Á chỉ có Việt Nam là đối thủ xứng đáng nhất của họ). Hai cộng đồng này sống và làm ăn trong bao năm rất thân hữu với nhau, nhưng đã vào bàn cờ thì tỷ thí rất sôi nổi quyết liệt, chẳng nhường nhau bao giờ. Vì vậy trong số những doanh nhân giàu có người Việt cũng không ít người sẵn sàng bỏ tiền của ra lập các giải, các kỳ đài, khiến cho rất nhiều kỳ thủ tài hoa có dịp thi thố, có đất tung hoành.
Ngoài ra còn có những con người không hẳn là giàu có, thậm chí không dư giả gì, nhưng cái tâm của họ đối với cờ ít ai bì kịp. Họ tận tụy đi theo từng cuộc cờ, dùng bút chì tỷ mẩn ghi chép lại từng ván cờ trên những tờ giấy một mặt, những quyển sổ nhỏ giấy rẻ tiền, lưu giữ qua bao năm tháng để ngày nay chúng ta còn được thưởng thức những ván cờ trác tuyệt một thời của các đại cao thủ. Thế hệ các kỳ thủ từ tuổi 50 trở lên phần đông vẫn còn nhớ những trận cờ vang dội, hào hùng mà sắp tới đây chúng ta sẽ kể. Nhưng có lẽ trước tiên chúng ta nên ghi danh một số những nhân vật tuy không phải là danh thủ nhưng những công lao của họ là vô giá cho làng cờ nước nhà.
Một trong số những con người như thế là ông Nguyễn Văn Anh.
Nguyễn Văn Anh sinh ở Tầm Vu thuộc tỉnh Long An, sống tại Sài Gòn, tên tuổi của ông nổi tiếng trong khắp làng cờ Nam Bộ và hầu như bất kỳ ai đã từng được gọi là danh thủ từ nhóm Phạm Văn Sáng, Trần Văn Kỳ, Lê Văn Tám, Tất Kiên Dương cho tới lớp về sau như Phạm Tấn Hòa, Quách Anh Tú, Lê Thiên Vị... cũng đều biết tới ông và nhiều người trong số họ chịu ơn ông, coi ông như một Mạnh Thường Quân thời hiện đại. Trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, đối với các kỳ thủ chuyện kiếm công ăn việc làm tại đô thành là việc rất khó khăn. Ông Trần Văn Anh bấy giờ là trưởng ty ngân khố Chợ Lớn đồng thời là quản trị nhân viên ở trường đua ngựa, được quyền nhận và sắp xếp nhân viên, thế là nhiều kỳ thủ nhờ ông mà có được công ăn việc làm, sống được để theo nghiệp. Có nhiều kỳ thủ khi túng tiền, biết ông là người say mê sưu tầm sách cờ bèn đem sách tới bán cho ông. Ông dư biết tình cảnh của họ, nên cứ đưa là ông mua, sách in hay sách chép tay cũng mặc, cứ nói giá 5 đồng thì ông đưa 10 đồng, cứ gấp đôi mà trả cho người bán. Mua xong cất đó chớ cũng chưa cần giở ra coi đó là sách gì. Tới chừng rảnh rỗi đem kiểm kê lại kho sách khổng lồ của mình thì có tựa sách đã mua tới 8 hay 10 bản y nhau mà không hề hay biết. Ông là ngườỉ trung thực, rất ghét những thói bần tiện giả dối thủ đoạn mà ngày nay được gọi bằng hai chữ "tiêu cực". Có lần một kỳ thủ đem một quyển sách tới nói với ông rằng đây là tuyển những ván cờ hay của mình, ông vui vẻ mua ngay. Về sau mới phát hiện ra rằng "tuyển" này toàn là những ván cóp pi từ sách khác sang, ông nổi giận và tuyệt giao với người đó.
Những người ông quen, ai cần gì về cờ cứ tới nhà ông, tài liệu, sách báo, tạp chí về cờ Tướng của mình, ông đều vui lòng cho mượn để họ học tập nâng cao kỳ nghệ. Đến năm 1974 khi Sài Gòn thành lập Việt Nam tượng kỳ hội thì không sót một ai, thảy đều nhất trí đề cử ông vào chức vụ hội trưởng. Sau đó vì hoàn cảnh gia đình ông phải sang Pháp sống, nhưng cứ mỗi lần về Việt Nam ông lại mang theo hàng vali sách, toàn là sách cờ Tướng, có tới hàng trăm quyển để tặng cho các bạn cờ ở Việt Nam. Anh em trong làng cờ cảm động lắm vì sách hồi những năm 80 làm gì có như bây giờ, mọi người bàn nhau góp tiền lại trả để ông đỡ quá bị thiệt thòi về mặt tiền nong, thế nhưng ông không hề nhận một đồng nào.
Khoảng năm 1986 ông qua đời tại Pháp thọ 79 tuổi, tro hài cốt được đưa về Việt Nam và an táng tại quê nhà. Những bài báo về ông vẫn còn đó, những bức ảnh về ông vẫn còn đó, nhưng điều cốt yếu nhất là ông vẫn còn sống mãi trong trái tim của những người bạn cờ với hình ảnh một chính nhân quân tử, một người đã đầu tận tâm cho làng cờ nước nhà. Liệu không có những con người như Nguyễn Văn Anh, làng cờ Sài Gòn có được như ngày nay không?
Lại có những con người khác góp phần làm những việc khác không kém phần quan trọng cho làng cờ. Ví dụ như trước đây có ông Phạm Gia Khánh, một người bình thường của đất Sài Gòn. Tên tuổi có nói ra cũng chẳng ai biết đó là ai, chỉ đơn giản là người ham mê cờ chớ không phải là đấu thủ, nhưng ông bỏ rất nhiều công sức sưu tầm ảnh các kỳ thủ tài giỏi, các hình thức đấu cờ, ghi chép về các giải cờ tạo nên những tập tài liệu dày về cờ rất có giá trị, nhất là các hình thức thi đấu cờ người bằng nghệ thuật hay bằng võ thuật cực kỳ sinh động để lưu lại cho đời sau. Không những thế ông còn cùng con cháu mình lập ra những đội cờ người đánh biểu diễn. Đội quân cờ người của ông hết sức tốn kém về tài chính bởi ông thuê toàn các diễn viên, nhạc công có tiếng ở các đoàn tuồng (hát bội) của Sài Gòn thời bấy giờ, tiền công cho mỗi diễn viên trong mỗi lần biểu diễn rất cao. Trang phục của các diễn viên đúng theo kiểu tuồng cổ lộng lẫy và sang trọng, được biểu diễn y như trên sân khấu nhà hát vậy. Tướng có đủ cờ bài mao tiết, nhịp bước khoan thai, Mã nhảy như kỵ sĩ phi ngựa... Mỗi một nước đi đều là những động tác múa uyển chuyển hay mạnh mẽ, còn khi quân ăn nhau thì biểu diễn bằng võ thuật cùng vớt võ khí đủ loại. Có cả một đội nhạc đủ đờn, kèn, trống, sáo, phách, chơi tưng bừng suốt cả ván, khiến cho sân cờ người như sân diễn tuồng vậy, người ta nghe có cờ người là kéo nhau đi xem đông vô kể mà không phải trả một xu nào. Nhờ thế mà cờ Tướng trở thành một nghệ thuật văn hóa đầy kiêu hãnh thời bấy giờ, nó để lại ấn tượng sâu sắc không bao giờ phai mờ với tất cả những ai đã từng một lần xem.
Chính nhờ rất nhiều những con người nhiệt tâm và đam mê đầy nghĩa cử như thế mà cờ Tướng đất Sài Gòn những năm xưa có tiếng vang trên cả nước, xứng đáng để các tài năng bậc nhất của nước Nam tìm đến và các kỳ vương nước ngoài cũng vượt trùng dương lần mò sang.
Ngày nay có nhiều người nuối tiếc những ngày huy hoàng ấy, những con người trung hậu ấy và đặt câu hỏi: "Nay xã hội giàu có hơn xưa biết bao, văn minh hơn xưa biết bao, sao không còn làm được, sao những vị Mạnh Thường Quân như thế lại qua hiếm hoi?"
Chủ yếu là ngày nay chúng ta vẫn chưa xã hội hóa được trò chơi đầy tính trí tuệ nghệ thuật này, nên dù bao nhiêu người nhiệt tâm và có tiền bạc cũng đành bó tay, nản lòng. Cả nước có hàng triệu người chơi cờ, mỗi tỉnh cũng có tới hàng vạn, ấy thế mà mỗi tỉnh cũng chỉ có 5, 7 người được tham gia thi đấu, còn biết bao người khác đành thở dài ngao ngán đành chơi cờ sân, cờ vỉa hè với nhau vậy. Hơn nữa lại có lắm kẻ "trung gian" làm việc theo cung cách "anh đứa tiền đây, tôi lo hết" để rồi dần tôi kết cục "anh bỏ ra, tôi hưởng lợi", chưa kể có lắm người coi cờ chỉ đơn thuần mang tính đấu đá thể thao nhằm giành được tiêu chuẩn này, huy chương nọ vì tiền bạc, vì địa vị cá nhân. Họ đánh mất chữ "Tâm" nên cũng tước luôn đi những gì là cốt lõi, tinh hoa của cờ.
-
Post Thanks / Like - 1 Thích, 0 Không thíchtuhiep đã thích bài viết này
-
26-06-2009, 09:04 AM #13
13
Tuy Việt Nam nằm lân cận các nước có truyền thống chơi cờ Tướng lâu đời, thế nhưng trừ những chuyến đi du đấu giang hồ thì những cuộc thi đấu chính thức trong suốt thế kỷ 20 hầu như rất ít được tiến hành. Nếu có chăng cũng chỉ là những chuyến giao hữu hiếm hoi mà một trong những cuộc cờ giao hữu như thế được tiến hành vào đó nó dịp Tết Bính Ngọ (1966), Trung Quốc đã từng chính thức cử 3 danh kỳ hàng đầu của họ là Dương Quan Lân, Thái Phúc Như và Hồ Vinh Hoa sang Việt Nam thi đấu một trận giao hữu.
Khi ấy Hồ Vinh Hoa mới 21 tuổi nhưng đã đoạt ngôi vô địch Trung Quốc 6 năm liên tục, được tôn vinh là thần đồng số Trung Quốc. Dương Quan Lân tứ trước năm 1960 cũng đã nhiều lần ở ngôi quán quân, còn Thái Phúc Như là Á quân năm 1964 và Quý quân năm 1966.
Những tên tuổi như thế đã gây ấn tượng rất mạnh đối với làng cờ tướng miền Bắc thời bấy giờ. Việt Nam cử một số danh kỳ hàng đầu để nghênh tiếp. Cuộc cờ được tiến hành nối tiếp nhau trong vòng 10 ngày (từ 21 tháng tới 30 tháng năm 1966) ở ba thành phố là Hà Nội, Hải Phòng và Hà Nam. Hà Nội có Nguyễn Tấn Thọ, Trương Trọng Bảo, Nguyễn Thi Hùng, Nguyễn Đắc Đinh, Trịnh Hoàng Sâm, Hải Phòng có Từ Quốc Phàn, Nguyễn Viết Bằng, Bùi Gia Vân, Vũ Văn Bình, Hoàng Đình Khang, Lý Kiệt và Nam Hà có Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Văn Khuê, Ngô Văn Tân, Trần Sang.
Bấy giờ là thời kỳ cực kỳ ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, máy bay Mỹ liên tục oanh kích, thả bom các tỉnh miền Bắc. Ngay ở Hà Nội con đường nào cũng có hầm tránh bom, cột báo động máy bay rúc liên tục. Trên bầu trời phía Bắc Hà Nội máy bay Việt Nam xáp chiến với máy bay Mỹ và thỉnh thoảng là những quả tên lửa đất đối không bay vút lên, nổ tung trên không trung. Chính vì vậy cuộc đấu giao hữu này mang nhiều ý nghĩa khác lớn hơn cả ý nghĩa thế thao. Đội cờ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn: mọi thứ đều thiếu thốn, không có thì giờ tập luyện, tinh thần căng thẳng,... thế nhưng các trận đấu đều được tiến hành suôn sẻ. Đội cờ Trung Quốc về mọi phương diện đều hơn: họ đến từ một đất nước hòa bình, rất khoẻ mạnh sung sức, năm nào cũng được thi đấu hàng chục giải lớn vì vậy chiến thắng của họ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên có những ván cờ được chơi rất ngang ngửa như ván Trương Trọng Bảo hòa Hồ Vinh Hoa, Nguyễn Tấn Thọ hòa Thái Phúc Như, Nguyên Tấn Thọ hòa Dương Quan Lân, Từ Quốc Phàn hoà Thái Phúc Như.
Sau trận đấu đó ở Việt Nam chiến tranh ngày càng ác liệt cho tới năm 1975, còn ở Trung Quốc xảy ra cuộc "Đại cách mạng văn hóa" đẫm máu trong hơn 10 năm, vì vậy hai nước không còn có dịp thi đấu với nhau nữa.
Bẵng đi 35 năm, cho mãi tới năm 2001 tại giải "Các danh thủ châu Á" tổ chức tại Vũng Tàu hai bên mới có dịp gặp lại nhau. Dương Quan Lân và Thái Phúc Như đã quá già, chỉ có Hồ Vinh Hoa là sang được Việt Nam lần thứ hai, nhưng cũng đã 56 tuổi và sang với tư cách phó chủ tịch Hiệp hội cờ tướng thế giới dự họp. Tại đây Hồ Vinh Hoa đã gặp lại đối thủ năm xưa Nguyễn Tấn Thọ (đã 74 tuổi), cả hai đều cảm động, tay bắt mặt mừng.
Một vài chuyến du đấu lẻ tẻ kể trên cho thấy trong suốt thời gian hơn nửa thế kỷ cờ tưởng Việt Nam hầu như không có quan hệ gì với cờ tướng quốc tế cũng như cờ tướng thế giới hầu như không biết tới cờ tướng Việt Nam.
Qua hai trận đấu kể trên và do sự biệt lập đó mà người ta thấy dường như cờ tướng Việt Nam còn ở trình độ thấp, nhất là qua trận giao hữu tại Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định năm 1966, các kỳ thủ Việt Nam thua các kỳ thủ Trung Quốc tới 29 ván, hòa được 4 ván, không thắng ván nào. Hiệp hội cờ Tướng châu Á được thành lập vào tháng 3 năm 1979 nhưng mãi tới tháng 4 năm 1993, tức 14 năm sau, lần đầu tiên một đội cờ tướng của nước Việt Nam thống nhất mới xuất hiện trên kỳ đài quốc tế. Đó chính là giải Vô địch cờ Tướng thế giới lần thứ 3 tổ chức tại Bắc Kinh. Hơn 70 kỳ thủ của các quốc gia khác tay bắt mặt mừng một đội thành viên mới, tuy nhiên ai cũng nghĩ rằng với những "tân binh" lần đầu tới giải thì chắc hẳn không có mấy hứa hẹn, âu đó cũng là lẽ thường tình.
Trong giải vô địch thế giới này, ngoài giải chính thức còn có một giải khác, nhỏ hơn, được gọi là giải. "Dành riêng Cho những kỳ thủ không phải gốc Trung Hoa" (giải "Phi Hoa duệ"), dĩ nhiên là các kỳ thủ Việt Nam cũng được tham gia cả giải này.
Cuộc thi đấu diễn ra khá sôi nổi, các kỳ thủ ta cũng chỉ biết chơi hết mình chứ chẳng hề mơ tưởng đến một thứ hạng nào. Tuy nhiên ngay trong khi đang diễn ra các ván đấu, đội Việt Nam đã làm kỳ thủ các đội bạn hết sức khâm phục. Trước tiên là Mai Thanh Minh đã thủ hòa được với hai nhà vô địch thế giới người Trung Quốc là Triệu Quốc Vinh và Từ Thiên Hồng, thắng một số kỳ thủ khác, cuối cùng được xếp hạng 10 trên tổng số 76 đấu thủ hàng đầu thế giới đồng thời đoạt luôn ngôi vô địch giải phi Hoa Duệ", nghĩa là với những tay cờ không phải gốc Hoa thì Việt Nam đứng đầu Hơn thế nữa, nữ kỳ thủ Lê Thị Hương của ta chơi rất hay, kết cục được xếp ở vị trí thứ tư nữ thế giới. Trần Văn Ninh (người Đà Nẵng) cũng có những ván đánh khá xuất sắc, gây ấn tượng tốt ở giải.
Không ai ngờ được rằng đội cờ Tướng Việt Nam lại có một tiềm lực dồi dào đến thế và lần đầu tiên họ thấy được một lối chơi đầy biến hoá, ngẫu hứng và sáng tạo, hoàn toàn ngược với lối chơi bài bản, đầy kỹ thuật và hết sức chặt chẽ của các kỳ thủ Trung Hoa (về sau này tại các giải thế giới người ta đã "khai trừ" Việt Nam ra khỏi các giải "Phi Hoa duệ" vì cho rằng các kỳ thủ Việt Nam sẽ lấy hết giải thưởng, không động viên được phong trào thế giới chơi cờ tướng). Báo chí thể thao Trung Quốc lúc đó đã viết "Việt Nam bất ngờ xuất hiện trên kỳ đài này như một đàn ngựa ô dũng mãnh. Rồi đây họ sẽ là đối thủ đáng gờm nhất của cờ tướng Trung Quốc"? Ngày về đội cờ tướng Việt Nam được đón tiếp trọng thể, được ủy ban TDTT khen thưởng và nhất là đã ghi được một dấu son không bao giờ phai mờ trong bước ngoặt cơ bản nhất của nền cờ tướng nước nhà. Nó không chỉ chiếm được cảm tình và còn tỏ rõ sức mãnh thực sự của cờ tướng nước nhà.
Chính từ giải quốc tế này đã chấm dứt một thời kỳ đơn độc lẻ loi để hoà nhập với nền thể thao trí tuệ đang thời kỳ sôi động của thế giới.
Cuộc hành trình của cờ tướng Việt Nam trên đấu trường quốc tế là một cuộc hành trình đầy vẻ vang. Cái tên Mai Thanh Minh trở nên quá quen thuộc với các danh kỳ hàng đầu thế giới bởi một mặt anh 5 lần liên tiếp đoạt ngôi quán quân cờ tướng Việt Nam, mặt khác hầu như năm nào anh cũng lên đường tham gia các giải đấu quốc tế, giáp mặt với các tên tuổi cự phách như Lữ Khâm, Hứa Ngân Xuyên, Đào Hán Minh, Lưu Điện Trung, Diêm Văn Thanh, Trang Ngọc Đình, Lý Lai Quần... có nhiều ván "ăn qua ăn lại", thế rồi tới cúp Phật Thừa, mấy lần anh cũng được ~ mời đích danh. Lê Thị Hương còn oanh liệt hơn: ngay sau giải ở Bắc Kinh chị đến giải các danh thủ châu Á và đoạt luôn giải ba, giành được danh hiệu nữ Quốc tế đại sư.
Sang năm 1995 tới giải Vô địch cờ tướng châu Á, chị đánh cực kỳ xuất sắc, vượt qua hầu hết các danh thủ nữ thế giới, chỉ chịu xếp sau có một người là nữ kỳ thủ Hồ Minh (Trung Quốc), rốt cuộc Hồ Minh ở ngôi Quán quân còn Lê Thị Hương ở ngôi Á quân và ngay tại giải này Lê Thị Hương đã được phong danh hiệu cao nhất của làng cờ tướng thế giới: Đặc cấp quốc tế đại sư. Mãi tới 8 năm sau đó mới có người Việt Nam thứ hai được phong danh hiệu này. Cho đến tận bây gờ, dù đã lấy chồng, có con và tuổi cũng là cao nhất trong làng cờ nữ Việt Nam nhưng Lê Thị Hương vẫn còn thi đấu ở đỉnh cao. Trong giải Vô địch quốc gia 2003, chính chị chứ không phải ai khác đã kịp đem về cho đội tuyển cờ Thành phố HCM chiếc huy chương danh dự duy nhất.
Tuy bước lên kỳ đài quốc tế muộn màng, chỉ mới tham gia hơn 10 năm, nhưng chính Việt Nam là quốc gia được các nước đánh giá cao, thế hiện qua những con số cụ thể và những danh hiệu được phong tặng: số đặc cấp quốc tế đại sư là 3 người (Lê Thị Hương, Trềnh A Sáng, Trương Á Minh), số quốc tế đại sư là 8 người (Mai Thanh Minh, Diệp Khai Nguyên, Mong Nhi, Trần Văn Ninh, Trần Đình Thủy, Võ Văn Hoàng Tùng, Lê Thiên Vị, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Châu Thị Ngọc Giao) và chắc chắn sẽ còn nhiều nữa.
Năm 2002 một đoàn cờ tướng Việt Nam gồm 5 người (Trịnh A Sáng, Trương Á Minh, Diệp Khai Nguyên, Mai Thanh Minh và Lê Thiên Vị) đã được phía Trung Quốc mời sang thi đấu tại 5 tỉnh thành của Trung Quốc. Tháng 10 năm 2003 một đoàn cờ Tướng Trung Quốc gồm các danh thủ Từ Thiện Hồng, Lý Lai Quần, Lâm Hoành Mẫn, Trang Ngọc Đình đã sang thi đấu tại các thành phố lớn của Việt Nam:Vũng Tàu, Sài Gòn và Hà Nội. Năm 2004 Việt Nam lại có đoàn cờ sang thi đấu tại các Nạn Vân Nam, Quy Châu, Thành Đô, Cam 'rúc và Bắc Kinh. Hai nước tiếp tục những cuộc giao lưu như thế đã trở thành thường xuyên. Nhiều người nói rằng giá như cờ tướng Việt Nam gia nhập Hiệp hội cờ Tướng châu Á từ năm 1980 thì bây giờ nền cờ tướng của chúng ta đã lớn mạnh hơn biết bao, số kỳ thủ có đẳng cấp của chúng ta còn có thể nhiều gấp đôi và thứ bậc của chúng ta trên đấu trường quốc tế còn được cải thiện hơn nhiều. Ý kiến đó xem ra cũng có lý, bởi vì suốt từ năm 1980 cho tới 1993 chúng ta rất thiếu thông tin, sách báo về cờ tướng hầu như hoàn toàn không có và tới mãi năm 1992 ta mới có giải Vô địch cờ tướng quốc gia đầu tiên. Điều đó cho thấy sự phấn đấu của các kỳ thủ Việt Nam thật là phi thường, bền bỉ, dẻo dai, nhưng điều ấn tượng nhất là đã tự tạo nên một lối chơi rất đặc biệt theo phong cách và trường phái Việt Nam mà chính các nước khác đang phải cố công sưu tầm nghiên cứu xem thực chất "nó là cái gì" đế học hỏi và tìm cách vượt qua (các website cờ tướng quốc tế hiện nay có rất nhiều ván cờ của các kỳ thủ Việt Nam, các bạn hãy vào nchess.com chẳng hạn). Hiện tại, chính các kỳ thủ Trung Quốc cũng thừa nhận "Nói cho cùng thì chính các bạn mới là đối thủ xứng đáng nhất của chúng tôi!" Đây không phải là lời nói xã giao, bởi trong khu vực Đông Nam Á chưa nước nào đứng trên được Việt Nam.
Đến đây xin được tạm dừng. Loạt bài này có thể chưa được hoàn hảo và còn có những điều bạn đọc muốn biết nhưng chưa được đề cập tới, nhưng dù sao cũng bước đầu cung cấp được cho các bạn yêu thích thể thao trí tuệ một cái nhìn tổng quát về cờ Tướng, một thú chơi cực kỳ hấp dẫn đối với người phương Đông, đặc biệt là với hàng triệu người Việt Nam, xin hẹn gặp lại trong những chuyên mục, những câu chuyện, những vấn đề hay những nhân vật nổi bật của làng cờ Tướng... trong những lần sau!
-
Post Thanks / Like - 1 Thích, 0 Không thíchtuhiep đã thích bài viết này
-
26-06-2009, 09:06 AM #14
13 bài viết trên được sưu tầm từ Blog Cờ Tướng Việt của tác giả Tùng Lâm , post lên cho các anh em đọc cho vui .
-
Post Thanks / Like - 1 Thích, 0 Không thíchtuhiep đã thích bài viết này
-
26-06-2009, 09:40 AM #15
CẢm ơn bác Gà, thông tin cực bổ ích, đọc cực sướng!
"Không có phụ nữ xấu, chỉ có người không biết rằng mình rất xấu mà thôi!"
-
18-08-2009, 04:52 PM #16
Hay lam, cam on Ban!
-
15-09-2009, 09:01 PM #17
Còn nữa hông, tải lên nữa đi. Đọc chưa có chán
Cờ Tướng - Cuộc cải cách dấu ấn
Đánh dấu