Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Đông Chu Liệt Quốc (Phát Đoan Từ )
Close
Login to Your Account
Kết quả 1 đến 7 của 7
  1. #1
    Ngày tham gia
    Dec 2010
    Đang ở
    Bình Dương
    Bài viết
    736
    Post Thanks / Like

    Mặc định Đông Chu Liệt Quốc (Phát Đoan Từ )

    Khởi đầu là chuyện cung cấm, đàn bà. Thế rồi nhà Tây Chu tồn tại đã bốn trăm năm trước đó chuyển thành nhà Đông Chu, bắt đầu sự hấp hối kéo dài gần bằng ngần ấy năm nữa của một vương triều với bao nhiêu thế cuộc xoay vần, hưng, suy, tan, hợp... Bắt đầu một đại bi kịch của dân tộc Trung Hoa với biết bao nhiêu "tích", bao nhiêu tình huống, số kiếp... Tất cả những gì thuộc về con người, thuộc về đối nhân xử thế hầu như đều diễn ra trong mấy thế kỉ sục sôi điên đảo ấy, gồm cả thiện, ác; dũng, hèn; trí, ngu; trung, nịnh... cả đến dâm loạn, dối trá, bịp bợm... gồm suốt cả từ tiên đến tục... khái niệm nào cũng đạt tới một trình độ khái quát rất cao, cũng đạt tới cảnh giới có thể coi như một thứ... ĐẠO hằng tồn tại giữa cuộc đời này. Đại bi kịch ấy hấp dẫn đến nỗi những đời sau không biết bao nhiêu văn nhân, tài tử đã phải múa bút xông vào để khai phá như khai phá một kho đề tài vô tận không biết cạn bao giờ. Song có lẽ người thành công nhất vẫn là Phùng Mộng Long tiên sinh với bộ Đông Chu Liệt Quốc chí bất hủ của ông.



    Không biết đã có bao nhiêu người, bao nhiêu đời từng ngả mũ bái phục bộ sách này. Song, dù có phát biểu thêm một lần nữa tưởng cũng không thừa. Có thể nói, văn chương mà đến cỡ như Đông Chu liệt Quốc chí của Phùng Mộng Long, thì có thể nói đã đạt đến bực thần thông quảng đại. Chuyện của cả thiên hạ suốt bốn trăm năm với hàng nghìn nhân vật, hàng trăm cuộc chiến, hàng vạn âm mưu... mà cứ như từ trong bụng tuôn ra, mạch lạc, khúc chiết, rõ ràng, trùng trùng điệp điệp, không nhân vật nào mang máng nhân vật nào. Cái thiện cũng như cái ác, trung cũng như nịnh, giỏi cũng như ngu, anh hùng cũng như hèn hạ... tất cả cũng không cái nào giống với cái nào. Sức khái quát tư tưởng của Đông Chu lớn đến nỗi, muôn đời đều có thể soi vào đấy mà nhận ra mình, mà nhìn rõ thực chất thế sự của thời đại mình. Những quy luật của trời đất, nhân gian, của quỷ thần, chiến tranh, của tham tàn, đểu cáng... mà Đông Chu đã vạch ra, cho đến tận thời hiện đại bây giờ vẫn đúng, vẫn có thể vận dụng được. Đặc biệt là luật nhân quả thì có thể nói không ở đâu triệt để bằng Đông Chu. Một bộ sách nén chặt lịch sử bốn trăm năm với biết bao nhiêu số phận, nhân nào, quả ấy hiện lên rõ ràng, sòng phẳng, không mảy may thoát đi đâu được. Vạn sự thịnh suy của những đời sau, dẫu có biến tướng kiểu gì đi chăng nữa, cũng đều không ra ngoài bộ sách ấy. Đó thực sự là cả một pho kiến thức nhân sinh vĩ đại, kiến thức triết học, văn học, sử học, y học, âm nhạc, chính trị, quân sự, ngoại giao... khổng lồ, chẳng những kẻ làm quan, làm tướng đời đời cần phải học, mà kể cả thứ dân cũng có thể học được ở trong đó rất nhiều điều. Pho kiến thức ấy ví như những vỉa quặng quý, có vỉa lộ thiên, có vỉa chìm sâu trong lòng đất, vỉa nọ chồng lên vỉa kia, tầng tầng lớp lớp, dẫu có khai thác mãi cũng không thể nào hết được. Thật xứng đáng liệt vào hạng sách mà "mỗi lần đọc lại một lần thấy mới".



    Trong Đông Chu, có lẽ những đoạn viết về Tề Hoàn công và Quản Trọng chính là nằm trong số những đoạn khoái hoạt nhất của ngòi bút Phùng Mộng Long. Ông vua anh hùng ấy, một trong năm vị ngũ bá thời Xuân Thu có một sự nghiệp lẫy lừng, song kết thúc lại cực kì thảm hại. Không thấy Phùng Mộng Long tiên sinh miêu tả cái nhân tướng của Tề Hoàn công ra sao. Song cứ theo sự khởi đầu - kết thúc của cái nghiệp bá chủ ấy mà xét, thì trên gương mặt Tề Hoàn công ắt phải có hai đường gọi là đường pháp lệnh xuất phát từ hai bên cánh mũi, chạy xuống chui tọt vào hai bên mép, mà sách nhân tướng học gọi là tướng “lưỡng xà nhập khẩu” (hai con rắn cùng chui vào miệng). Tiếc rằng trên đầu lưỡi lại không có nốt ruồi thành ra đó là một tướng hung (nếu có nốt ruồi thì biến thành tướng quý là "lưỡng long tranh châu"). Tướng "lưỡng xà nhập khẩu" có thể đạt đến phú quí cực đỉnh đấy, song kết cục bao giờ cũng chỉ là... chết đói mà thôi. Cùng có cái tướng số này với Tề Hoàn công, trong toàn bộ Đông chu còn hai vị vua nữa là Sở Linh vương và Triệu Chủ phụ (Triệu Vũ vương). Ba cái đỉnh phú quí khác nhau, đồng thời cũng là ba kiểu chết đói bi thảm khác nhau. Bằng cách miêu tả cực kì sinh động những số kiếp và những kết cục bi thảm ấy, Phùng Mộng Long tiên sinh muốn ngầm răn chúng ta rằng, lẽ huyền cơ của cõi nhân sinh này thật là đáng sợ, nó không chừa bất cứ đẳng cấp xã hội nào. Những chuyện ấy có dịp mà “tán”, chắc sẽ còn rất nhiều điều lý thú.



    Đông Chu có những bài ca về mưu lược trùm đời như Quản Trọng, kì tích về lòng kiên nhẫn như Trùng Nhĩ (Tấn Văn Công), bản lĩnh dùng người điêu luyện như Tấn Điệu công, trí tuệ huyền thoại như Khổng Tử, quân sự cái thế như Tôn Vũ, nhẫn nhục đến giun dế cũng phải tởm như Câu Tiễn, ngoại giao lắt léo như Tử Cống... Lại có những hạng gian thần như Bá Hi, dẻo mỏ như Tô Tần, tâm địa quay quắt như Trương Nghi, nhân cách lộn mửa như Lao Ái... Lại có Ngũ Viên (Ngũ Tử Tư) mà kiến thức, mưu trí cũng như cuộc đời của ông là cả một thiên đại bi hùng. Đây cũng chính là những trang khoái hoạt đặc biệt của ngòi bút Phùng Mộng Long. Nhất là đoạn tả Ngũ Viên trút sự hận thù trong mười chín năm ròng rã của mình lên cái xác khô của Sở Bình vương. Riêng về cái gọi là "họa đàn bà" rất phổ biến trong chính sử Trung Hoa thì trong Đông Chu cũng có ít nhất tới ba bốn “vụ” cực kì điển hình, cực kì sinh động, biến hoá, không “vụ” nào giống với “vụ” nào. Đó là câu chuyện nàng Bao Tự làm thất điên bát đảo cả nhà Chu lẫn các nước chư hầu, đến nỗi còn để lại muôn đời câu thành ngữ “Ngàn vàng mua lấy trận cười”. Tiếp theo là câu chuyện về nàng Hạ Cơ con dâu nước Trần với cái thuật “hoàn tân” (trở lại gái trinh sau mỗi lần ân ái) bí ẩn như thần thoại. Hay là nàng Li Cơ nước Tấn đã làm điêu đứng cả một triều đình mày râu từ thế tử đến các hạng trung, đại phu... kẻ mất mạng, kẻ bị thương không sót một mống nào. Hay là nàng Tây Thi nước Việt mà nhan sắc cũng như số phận đã từng làm điên đảo bao văn nhân tài tử suốt cổ kim…



    Đông Chu cung cấp cho chúng ta những kiến thức sinh động về những nhân vật, sự việc, những huyền thoại đã biến thành phong tục, tập quán văn hoá, biến thành những câu thành ngữ… của nhiều dân tộc hàng nghìn năm nay. Đó là đại thi hào, đại ngu trung bậc nhất thời Xuân Thu Khuất Nguyên với Sở Từ và Ly Tao bất hủ, một trong “lục tài tử” của văn học cổ điển Trung Hoa mà ngày ông gieo mình xuống sông Mịch La tự tử đã trở thành ngày Tết Đoan Ngọ mồng năm tháng năm. Đó là bậc đại khí phách, đại cương trực Giới Tử Thôi cõng mẹ vào sâu trong rừng để trốn cái phú quý của Tấn Văn công, thà chịu chết cháy chứ nhất định không chịu ngồi chung một triều với đám quan lại công thần rặt một lũ tham lam. Tết Hàn Thực mồng ba tháng ba hàng năm chính là kỉ niệm cái ngày Tấn Văn công phóng hỏa đốt cháy mẹ con bậc đại công thần mà dứt khoát từ chối nhận mình là “công thần” ấy. Có lẽ vì bị cháy tuyệt mất giống rồi nên từ đó đến nay, đã hàng nghìn năm không còn thấy người nào như thế nữa chăng? Đó là âm hồn cha nàng Tổ Cơ kết những dây cỏ làm ngã ngựa đại tướng nước Tần là Đỗ Hồi để đền ơn Ngụy Khỏa, câu chuyện rất đỗi nhân sinh ấy có mặt trong câu thành ngữ “kết cỏ, ngậm vành...”, vân vân và… vân vân.

    Những câu chuyện, những "tích", trùng trùng điệp điệp, trùng trùng lớp lang, muôn hình vạn trạng ấy trong Đông Chu kể sao cho xiết. Bộ "kinh" này có thể thỏa mãn bất cứ sự say mê nào. Chẳng hạn người mê y thuật chưa hết bàng hoàng bái phục trước câu chuyện (hậu) Biển Thước khám bệnh cho Tề Hoàn công, thì đã lại rợn người kính sợ trước câu chuyện Cao Hoãn chữa bệnh cho Tấn Cảnh công. Hay những người mê âm nhạc vừa thích thú với đoạn Vệ Linh công nghe tiếng nhạc thần bí trên sông Bộc Thủy, thì đã lại hút hồn với trường đoạn nghe nhạc của Tấn Bình công,v.v…



    Người viết những dòng này có may mắn được tiếp xúc với bộ sách “Đông Chu Liệt Quốc chí” của Phùng Mộng Long tiên sinh từ hồi học lớp tám, lớp chín, trên tủ sách của nhà ông bác họ trong làng. Bấy giờ gồm tổng cộng mười hai mười ba tập gì đó, sách rất cũ, giấy ngả màu vàng, ngoài bìa mỗi tập đều có vẽ một bức tranh cổ minh họa tác phẩm rất nghệ thuật. Bộ Đông Chu ấy do cụ Nguyễn Đỗ Mục (1866-1948) dịch. Mặc dù không đậm chất kiếm hiệp để cầu lấy sự hấp dẫn như Tam Quốc, song Đông Chu thực sự đã hút hồn tôi từ đó. Sau này, khi đã có chút kiến thức về văn học cổ điển cũng như lịch sử Trung Quốc, rồi đọc đi đọc lại bộ sách đó, tôi mới có thể thưởng thức được một phần tài nghệ tuyệt luân của cụ Nguyễn Đỗ Mục trong việc dịch kiệt tác đó ra chữ quốc ngữ. Dịch văn chương mà đến như thế, có thể nói là đã gọi được hết ba hồn chín vía của chữ nghĩa ra. Nói thì có người bảo rằng nói ngoa, chứ nếu trong thi ca có bản dịch “Chinh Phụ Ngâm” thiên tài của Đoàn Thị Điểm từ nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, thì trong văn xuôi, cũng có bản dịch “Đông Chu liệt quốc” tuyệt tác của Nguyễn Đỗ Mục tiên sinh. Bộ sách này còn một số bản dịch khác, duy có bản dịch ấy của tiên sinh mới đích thực là một sự sáng tạo lại một cách kì vĩ, gần như nguyên vẹn tác phẩm bất hủ của Phùng Mộng Long bằng ngôn ngữ tiếng Việt yêu dấu của chúng ta. Xin được nghiêng mình kính phục và tri ân bậc túc Nho tiền bối ấy.(st)
    Bà kia tuổi sáu mươi rồi
    Mà sao vẫn phải sầu ngồi bán khoai
    Cụ kia tuổi bẩy mươi hai
    Mà sao ong bướm mệt nhoài chán chê…

  2. #2
    Ngày tham gia
    Dec 2010
    Bài viết
    251
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Đó là bậc đại khí phách, đại cương trực Giới Tử Thôi cõng mẹ vào sâu trong rừng để trốn cái phú quý của Tấn Văn công, thà chịu chết cháy chứ nhất định không chịu ngồi chung một triều với đám quan lại công thần rặt một lũ tham lam. Tết Hàn Thực mồng ba tháng ba hàng năm chính là kỉ niệm cái ngày Tấn Văn công phóng hỏa đốt cháy mẹ con bậc đại công thần mà dứt khoát từ chối nhận mình là “công thần” ấy. Có lẽ vì bị cháy tuyệt mất giống rồi nên từ đó đến nay, đã hàng nghìn năm không còn thấy người nào như thế nữa chăng?
    Giới Tử Thôi có thể hận Trùng Nhĩ quên ơn, hận một lũ quan tham. Giới thà chịu chết cháy chứ không chịu ra khỏi rừng. Giới chết kéo theo cái chết của bà mẹ. Vậy ở đây có thể coi như chính Giới giết mẹ không?, như thế thì ông mắc phải cái tội đại bất hiếu ấy nhỉ

    Lão Khoai hay các bác trả lời giúp em câu này với ạ, em xin cảm ơn ạ! :d

    Thưở còn thơ ngày hai buổi chăn vịt
    Yêu quê hương qua từng cánh đồng lũ
    Ai bảo chăn trâu là khổ
    Tôi chăn vịt còn khổ hơn trâu
    Những buổi chăn vịt
    Giữa cánh đồng sâu
    ...

  3. #3
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Bài viết
    836
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi tieungaquy Xem bài viết
    Giới Tử Thôi có thể hận Trùng Nhĩ quên ơn, hận một lũ quan tham. Giới thà chịu chết cháy chứ không chịu ra khỏi rừng. Giới chết kéo theo cái chết của bà mẹ. Vậy ở đây có thể coi như chính Giới giết mẹ không?, như thế thì ông mắc phải cái tội đại bất hiếu ấy nhỉ

    Lão Khoai hay các bác trả lời giúp em câu này với ạ, em xin cảm ơn ạ! :d
    Người xưa rất coi trọng đạo lý, ngay cả bậc phụ mẫu sinh ra những người hiền tài cũng vậy. Họ luôn giữ khí tiết trong sạch, thà chết thì thôi chứ quyết không để con mình nhầm đường lạc lối. Chữ danh tiết, nhân phẩm đặt trên cả vinh hoa, phú quí, thế nên khi phải giữ khí tiết thì kẻ sĩ coi sinh mệnh tựa lông hồng vậy. vả chăng, ông Giới có bước vào đường hoạn lộ ở cái triều chính nhiễu nhương ấy liệu có được dài lâu ?
    Cũng vì không thể vẹn toàn mọi bề, nên trường hợp này không thể trách ông Giới được.

  4. #4
    Ngày tham gia
    Dec 2010
    Đang ở
    Bình Dương
    Bài viết
    736
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi PhiHuong Xem bài viết
    Người xưa rất coi trọng đạo lý, ngay cả bậc phụ mẫu sinh ra những người hiền tài cũng vậy.
    Cũng vì không thể vẹn toàn mọi bề, nên trường hợp này không thể trách ông Giới được.
    Mẹ ông Giới mà giống như mẹ Từ Thứ thì ông có muốn chạy ra khỏi rừng chưa chắc đã đuợc ấy chứ bác Huong nhỉ ?
    Bà kia tuổi sáu mươi rồi
    Mà sao vẫn phải sầu ngồi bán khoai
    Cụ kia tuổi bẩy mươi hai
    Mà sao ong bướm mệt nhoài chán chê…

  5. #5
    Ngày tham gia
    Dec 2010
    Bài viết
    251
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Lão Khoai với các bác, các chú cho cháu hỏi thêm: "đoạn Hạng Vũ đem bố Lưu Bang ra doạ giết, vậy mà Lưu Bang cứ coi như không? hình như Lưu Bang đoạn đó nói: "bố tao như cũng như bố mày, mày giết bố tao khác chi bố mày ". Đoạn này Lưu Bang đem tính mạng bố ra đánh cược. Vậy Lưu Bang là người bất hiếu hay biết người biết ta ạ

    Thưở còn thơ ngày hai buổi chăn vịt
    Yêu quê hương qua từng cánh đồng lũ
    Ai bảo chăn trâu là khổ
    Tôi chăn vịt còn khổ hơn trâu
    Những buổi chăn vịt
    Giữa cánh đồng sâu
    ...

  6. #6
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Bài viết
    836
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi tieungaquy Xem bài viết
    Lão Khoai với các bác, các chú cho cháu hỏi thêm: "đoạn Hạng Vũ đem bố Lưu Bang ra doạ giết, vậy mà Lưu Bang cứ coi như không? hình như Lưu Bang đoạn đó nói: "bố tao như cũng như bố mày, mày giết bố tao khác chi bố mày ". Đoạn này Lưu Bang đem tính mạng bố ra đánh cược. Vậy Lưu Bang là người bất hiếu hay biết người biết ta ạ
    Này Tiểu quỷ! Hán Cao tổ gặp trường hợp đấy rất là khó xử ! một bên là cốt nhục tình thâm, một bên là giang sơn thiên hạ, sự an nguy liên quan đến rất nhiều người. Các mưu sĩ biết rằng Hạng Vũ là bậc chính nhân quân tử võ công cái thế trùm đời, há lại thèm giết một ông già nhà quê để mang tiếng xấu hay sao ? Vậy nên mới bày đặt cho Lưu Bang cách đối phó như thế. chứ Lưu Bang lúc ấy lòng dạ rối bời làm sao mà còn tinh vi được.

  7. #7
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Đang ở
    DALAT
    Bài viết
    529
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Tiểu tử xin bổ sung thêm. Lưu Bang còn có 1 câu nói bất hủ: "Nếu luộc cha ta, cho ta xin bát nước luộc với!" làm trọng tài Mộng Bình Sơn vốn thiên vị họ Lưu từ đầu đến cuối cũng phải nhăn mặt rút thẻ vàng cảnh cáo:"Một hiếu tử khó lòng thốt nên câu nói ấy".

Đông Chu Liệt Quốc (Phát Đoan Từ )

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68