Kết quả 11 đến 20 của 22
Chủ đề: Cậu Bé Vàng...MARADONA
-
27-01-2011, 06:23 PM #11
Chờ phần tiếp theo của bác . ...
-
28-01-2011, 12:09 AM #12
Năm 1983 cũng là năm Maradona thoát được một vụ bắt cóc nhờ cơ may trong những phút chót: Đầu năm, anh về nước thăm cô bạn gái Claudia. Ba tên cướp bịt mặt lực lưỡng đã rút súng chui vào xe của anh, trên xe có em trai và cháu trai của Maradona đang ngồi trong, khi đó Maradona đang say sưa lắc lư theo điệu nhạc ở một quán bar có tiếng ăn chơi của thủ đô. Người ta đoán rằng bọn "mafia" Argentina này đã nhầm em trai anh Hugo Maradona với chính anh. Bọn chúng lái xe đi rồi thả 2 kẻ chúng bắt nhầm xuống. Nhưng nếu chúng thành công??
Năm 1984 cũng không phải là năm hạnh phúc với Maradona ở Tây Ban Nha. Ngày 7-3 Barca thắng Manchester United 2-0 trong lượt đi cúp Châu Âu. Và ở trận lượt về MU đã xuất sắc đánh bại Maradona cùng đồng đội với tỷ số 3-0, loại Barca ra khỏi cúp. Tiếp đó trận chung kết cúp Nhà Vua Tây Ban Nha hai "thiên thần" Maradona và Schuster không thể giúp Barca gỡ lại dù Bilbao dẫn trước từ rất sớm bàn thắng của Cundica (phút 14). Cúp đã lọt vào tay Bilbao và một trận ẩu đả giữa hai đội thay cho lễ bế mạc, người ta chộp thấy hình ảnh hai "thiên thần" rất "tích cực san bằng tỷ số" trong những giây phút sau trận đấu đó... Menotti ra đi trong thất vọng, cặp bài trùng Menotti - Maradona đã lần thứ hai không thành công như thế giới hằng mong đợi. Các ông chủ thì bực dọc: Không phải cái gì đắt giá đều tốt cả. Và Maradona cũng phải ra đi, nhưng trong tiếng gầm hạnh phúc của người Ý ở Naples. Xin nói thêm 1 chút ít về Barca sau đó: Terry Venables (Anh) về nắm đội, và cầu thủ hạng hai Archibald thế chỗ của Maradona. Vậy mà họ thành công ngay sau đó, đoạt chức vô địch mùa giải 1985.
Thế tại sao Menotti và Maradona đã thất bại với Barca? như họ đã từng thất bại ở Espana 82 cũng trên đất Tây Ban Nha?? Nếu không tính đến thắng lợi quá dễ dàng ở Tokyo 79 (giải Thanh Niên Thế Giới) thì hoàn toàn có thể thấy rằng cặp đôi Menotti - Maradona luôn thất bại. Phải chăng tính kỷ luật sắt đá của Menotti đã không để chỗ cho Maradona phát huy lối đá ngẫu hứng nghệ sĩ của mình? Phải chăng con người lầm lì Menotti khó thể để cho anh chàng đỏng đảnh Maradona nở nụ cười. Cầu thủ giỏi như một cây Violin số 1 của dàn nhạc, còn huấn luyện viên là nhạc trưởng, hơn nữa, là người soạn nhạc. Nhạc công chỉ có thể chơi được bản nhạc phù hợp với lối chơi của mình... Hình như với Maradona, HLV Carlos Bilardo sau này mới là nhà "soạn nhạc" thấu hiểu anh hơn. Còn một lí do nữa: do... Tây Ban Nha. Khi khuyên anh về với Barca các cố vấn của Maradona cũng như của Menotti đã tỏ ra là những nhà tài chính giỏi và nhà thể thao tồi. Nền bóng đá Tây Ban Nha thời đó đang trong đình trệ và bạo lực. Phải tới năm 1985 Miguel Munoz mới thổi được luồng gió mới vào nền bóng đá già nua ấy. Nhưng lúc đó Maradona đã rời mảnh đất ấy với những vết thương khó quên. Có 1001 lí do nhưng trên hết người ta có thể nhận ra rằng: Maradona vẫn chưa đủ độ chín và tinh quái trong sự nghiệp của mình!
Maradona lại đi tìm miền đất hứa mới trên bản đồ Thế Giới có hình chiếc ủng. Ý, quốc gia lúc đó đã 3 lần vô địch Thế Giới, nơi có những CLB nổi tiếng như Juventus, AC Milan, Inter Milan... Và trong hơn một thập kỉ đã là nơi đặt chân khẳng định tài năng của những "lê dương" bóng đá. Có thể kể tên các ngôi sao trên đất nước này: Platini (Pháp), Dirceu, Cerezo, Zico, Edinho, Falcao, Junior (Braxin), Kempes, Passarella (Argentina), Boniek, Zmuda (Ba Lan), Briegel (Đức), Laudrup (Đan Mạch)... Hoàn toàn có thể lập đội tuyển siêu sao Thế Giới ở Ý. Tại đây, bóng đá được ví von như một ngành công nghiệp không ống khói. Ở Ý, bóng đá là một dịch vụ kinh doanh có lời (Mỗi CLB Ý đều có ít nhất 3 nguồn thu: Tiền bán vé - trung bình khoảng 7 triệu đô la/năm - Tiền bán bản quyền truyền hình trận đấu - cỡ 2 triệu đô/năm - và tiền quảng cáo cho các hãng danh tiếng có logo trên áo đấu - số tiền này tùy theo danh tiếng của đội bóng và hãng cần quảng cáo). Do vậy, cầu thủ nước ngoài ở Ý được trả lương rất cao. Họ được hưởng lương theo hợp đồng và trả bằng đô la. Có tiền thưởng sau mỗi trận thắng và với các siêu sao tiền thưởng được tính theo số ngàn vé bán thêm. Mặt khác, nền bóng đá Ý là một nền bóng đá có chất lượng và cởi mở. Các CLB Ý đã đoạt tất cả các loại cúp ở Châu Âu, siêu cúp và cúp liên lục địa. Họ luôn là đối thủ đáng gờm của các CLB Anh đang đình đám như Liverpool, MU, Aston Villa... còn các CLB Đức và Tây Ban Nha thì đang trong vòng khủng hoảng chìm đắm. Real và Barca mới trở lại đài quốc tế từ sau năm 1985... Cho nên làn sóng cầu thủ đã đổ về Ý, đến mức đe dọa nền bóng đá của chính nước này. Năm 1982, liên đoàn bóng đá Ý đã phải qui định mỗi CLB chỉ được có 2 cầu thủ nước ngoài. Chính về thế mà 2 CLB Juventus và AS Roma đã không thể tham dự vào cuộc tranh chấp Maradona: Juventus đã có Platini và đang hoán đổi Boniek - Laudrup, còn AS Roma đã có bộ đôi Braxin khét tiếng: Falcao và Cerezo. Một CLB nhỏ hơn đã nhẩy vào cuộc: CLB Napoli của thành phố Naples huyền ảo với những rặng ô-liu trên các sườn đồi thoai thoải. Một đoàn đại biểu của Napoli đã bay đến trụ sở CLB Barca đàm phán khi hay tin ngôi sao này sẽ ra đi khỏi CLB. Suốt một ngày các cule tụ tập quanh sân Nou Camp để bàn tán lo lắng, còn các tifosi của Napoli xúm bên điện thoại hồi hộp chờ đợi tin tức từ Tây Ban Nha. 17 giờ, bữa ăn chiều đã được dọn ra mời các nhà đàm phán nhưng công việc vẫn chưa ngã ngũ. Hai cổ động viên của Napoli đã tự trói mình trước của sân Nou Camp với ảnh Maradona treo trên ngực, trong ảnh còn có dòng chữ họ tuyên bố không tự cởi trói nếu Barcelona không đồng ý bán Maradona cho Napoli. 23 giờ, Barca đã chịu nhượng bộ. Một cuộc điện thoại được gọi gấp về Naples với nội dung ngắn gọn nhưng nghẹn ngào tiếng nói của người báo tin: "Maradona đã là của chúng ta". Naples vỡ òa, một đêm không ngủ với các tifosi, những du khách ngỡ tưởng đêm đó may mắn được dự lễ hội nào đó của thành phố nồng nhiệt này. 60 ngàn người Naples ra sân bay đón chào Maradona, một cảnh tượng chưa từng có trong tiền lệ. Hôm đó tất cả các bé trai chào đời ở Naples đều được đặt tên Diego Armando. Trong một ngày Maradona có hơn 300 anh em trùng tên. 70 ngàn người đến sân xem buổi tập đầu tiên của Maradona. Trong các nhà thờ người ta cầu nguyện cho "sức khỏe của Maradona và thắng lợi của chúng ta". Có một giai thoại vui như sau: một buổi tối Maradona đi nhậu say khướt hát hò ầm ĩ, một bà già mở cửa sổ gắt gỏng hỏi tại sao đêm rồi không giữ im lặng và tôn trọng cho sự yên tĩnh của khu nhà. Maradona lè nhè nói rằng: "Thưa bà, tôi là Maradona". Bà lão vội vàng đáp lại: "Ồ,mời ngài cứ tự nhiên hát tiếp"...
Tình yêu của Naples dành cho Maradona quả thật không kể xiết. Thế giới, kể cả "vua" bóng đá Pele cũng chưa bao giờ được hưởng sự hâm mộ cuồng nhiệt tới như vậy. Và Maradona dường như chưa đáp ứng được những tấm lòng ấy, 3 trận đầu anh chỉ ghi vỏn vẹn 1 bàn thắng. Trận thứ tư gặp Udinese anh ghi được 2 bàn và... lĩnh 1 thẻ đỏ. Tuy vậy Napoli vẫn không "lỗ": Họ bán được 40 ngàn vé dài hạn (mỗi vé khoảng 200 đô la) và đang dần dần thu hồi vốn đã bỏ ra để tậu ngôi sao này. Mỗi trận có Maradona thi đấu, trên khán đài có không dưới 60 ngàn khán giả. Rồi thì chính Maradona cũng tìm ra đường vào cầu môn của các CLB Ý: tới tháng 3-1986 anh đã ghi hơn 50% tổng số bàn thắng của Napoli. Maradona đã lấy lại được vị trí quốc tế của mình, các mỹ từ mà người ta gán cho anh quá sớm bây giờ đã thành hiện thực. Người ta bắt đầu thay sự so sánh Zico - Platini bằng sự so sánh Maradona - Platini....
Maradona trong màu áo clb NapoliLần sửa cuối bởi 6789, ngày 29-04-2012 lúc 08:32 PM.
Điềm tĩnh trước gái xinh và không giật mình trước gái xấu
-
28-01-2011, 01:57 AM #13
... Mùa xuân năm 1986, trước trận giao hữu Pháp - Argentina trên sân "công viên các hoàng tử" (Paris), mọi người chờ đón cuộc đọ sức lớn giữa hai siêu sao trong màu áo đội tuyển (cuộc đọ sức đã không xảy ra và sau này ở Mexico 86 nó cũng không xảy ra). Báo France Football đã dành nhiều trang để làm cuộc phân tích so sánh hàng chục yếu tố giữa Maradona và Platini. Kết luận chung: ngang nhau, tuy Platini hơn về sức ảnh hưởng tới toàn đội, còn Maradona lại nhỉnh hơn về sự nồng nhiệt hâm mộ của khán giả. Và Maradona thua kém hẳn Platini về danh hiệu: Anh chỉ có một chức vô địch Thanh Niên Thế Giới, một lần vô địch Argentina, một cúp Tây Ban Nha để so với Platini đã từng vô địch quốc gia Pháp (với St.Etiene), một lần đoạt cúp Pháp (với Nancy), vô địch Ý, cúp Ý, cúp C1, siêu Cúp Châu Âu, cúp Liên Lục Địa (với Juventus), vô địch Châu Âu và vô địch liên lục địa các đội tuyển quốc gia (trong màu áo đội tuyển Pháp). Nhưng so sánh như vậy làm sao giải thích được sự đam mê của khán giả dành cho Maradona. Chính Platini cũng buồn rầu: "Khi Maradona đến Naples lần đầu tiên có 60 ngàn khán giả ra sân bay đón anh ta, còn khi tôi đáp xuống sân bay Caselle, tôi không thấy một người hâm mộ nào chào đón tôi cả". Ngay cả những trận đấu mà Napoli không thắng, Maradona cũng được trầm trồ khen ngợi. Trong các buổi tập, hàng chục ngàn người có mặt chỉ để coi một đường tập đi bóng hay một cú sút phạt của anh cũng lấy làm thỏa mãn. Quả là, anh có một nghệ thuật thật sự khi chơi với trái bóng: tốc độ bứt phá, những động tác lừa bóng hoàn toàn bất ngờ, rất nhẹ nhàng mềm mại vượt qua 2-3 đối thủ, sút bóng và xử lý kỹ thuật tốt cả hai chân (nhất là chân trái), những đường chuyền của anh cho đồng đội như "dọn cỗ", chỉ còn mỗi việc ghi bàn... Thời điểm đó anh có biệt danh là "phù thủy bóng đá".
Khi Menotti trả lời phỏng vấn về kỷ lục tâng bóng của Maradona, ông thành thật đáp: "Tôi không biết, nhưng tôi có thể biết rõ Maradona tâng bóng suốt ngày không cho rơi xuống. Nói tóm lại, khi Maradona có bóng người ta không thể đoán được anh sẽ làm gì, và sau đó trầm trồ thán phục trước điều anh vừa làm. Đó là một nghệ sỹ thật sự, dấu hiệu của thiên tài bóng đá mà những người như thế người ta tưởng đã chìm đắm trong quá khứ xa xưa của thời Pele, Garrincha, Puskas... với đại diện cuối cùng là Cruyff".
Hơn nữa, Maradona còn là loại cầu thủ mang cả bản thân vào trong mỗi trận đấu. Anh luôn luôn như một cơn lốc đam mê chiến thắng trong cái tính khí cuồng nhiệt kiểu Nam Mỹ của mình. Thế còn thiếu gì nữa để Maradona lên ngôi vua? Một chiếc cúp Vàng Thế Giới.
Năm 1985, đội tuyển Argentina bắt đầu vòng đấu loại ở bảng 1 khu vực Nam Mỹ gồm các đối thủ: Peru, Colombia, Venezuela. Những đối thủ tưởng như dễ qua, nhưng thật ra Argentina chỉ vượt qua đội Peru cứng đầu nhờ 1 điểm lấy được trong trận đấu chót bảng với chính đội này. Và trong 6 trận đấu gay go đó, Maradona đã là con át chủ bài của HLV Bilardo, tuy đây là thời gian anh đang nỗ lực đưa Napoli ở bên kia đại dương lên hàng thứ 3 giải vô địch quốc gia Ý. Ba bàn thắng trong 6 trận đấu, đó là chưa kể những bàn mà anh để lại dấu giày như bàn thắng rất quan trọng của Pasculli trong trận gặp Peru lượt về, một trận đấu mà Argentina phải thắng hoặc hòa bằng mọi giá. Dù bị ông chủ CLB Napoli cấm, thậm chí phạt tiền. Maradona vẫn liên tục bay đi bay về vừa làm đội trưởng của Napoli, vừa làm đội trưởng đội tuyển Argentina. Chính trong tháng 5-1985, anh đã lập một "kỉ lục thế giới": Trong 12 ngày, bốn lần bay qua đại dương vượt qua 40 ngàn km với 65 giờ bay để dự đủ bốn trận đấu của đội tuyển và CLB, anh ghi được bốn bàn thắng:
- Ngày 6-5, anh bay về Argentina, để ngày 9-5 ghi 1 bàn vào lưới Paraguay. Ngày 10-5, bay trở về Ý và ngày 12-5 ghi 2 bàn vào lưới Udinese. Ngày 13-5 bay về Argentina để 15-5 ghi bàn vào lưới Chi lê và ngày 18-5 bay về Ý để kịp dự trận chót mùa của Napoli... Ngoài tài năng, rõ ràng phải có một thể lực tuyệt vời và một nghị lực sắt thép!
Hiểu rõ Maradona trong các chiến công ấy, cần lưu ý: luôn luôn có một hoặc hai "cái bóng" theo sát sẵn sàng làm mọi chuyện để cản anh ghi bàn thắng và chơi bóng. Điều đó như một cái gì đó tất yếu xảy ra kể từ sau Mundial 12. Chính trong giai đoạn này, anh đã đưa một "cái bóng" vào lịch sử, tương tự như Goicoechea hai năm trước đó. Đó là Reyno (Peru). Reyno đã kèm sát Maradona và liên tục đốn ngã anh. Dẫu vậy trong trận lượt về Maradona cũng kịp chuyền bóng cho Pasculli ghi một bàn quyết định. Sau đó toàn bộ báo thể thao Nam Mỹ đăng lời phát biểu "bất hủ" của Maradona:" Reyno chỉ là 1 con lừa. Goicoechea chơi xấu tôi, nhưng sau đó anh ta tỏ ra còn biết đá bóng. Còn Reyno thể hiện rõ là một con lừa không biết đá bóng".
Năm 1985 dương như là một năm thành đạt của Maradona. Hạng ba Ý với Napoli. Lọt vào World Cup với Argentina và tháng 12-1985, khi các HLV giải ngoại hạng Ý bỏ phiếu về cầu thủ nước ngoài thi đấu xuất sắc nhất anh được bầu với số phiếu tuyệt đối, người ta đã quên mất sự hiện diện của các ngôi sao khác như: Platini, Junior, Rumeniger, Passarella... Cuộc phiêu lưu mới đã thành công: Anh được trả lương cao nhất - 1,6 triệu đô la/năm - hơn cả Platini. Và gì nữa?
- Ở Ý, tôi đã tiến bộ rất nhiều. Về thể lực, về cách ứng xử thông minh trong lối chơi. Tôi đã học được nhiều kinh nghiệm trong khi đá với các cầu thủ lớn tuổi. (Maradona trả lời báo Onze-1985).
Đúng! Maradona đã học được nhiều trong 4 năm ở Tây Ban Nha và Ý. Anh đã học được cách chịu đòn ở Tây Ban Nha, học cách thoát khỏi "cái bóng" ở Ý, và học được cách sống hòa thuận của Menotti mà vẫn là mình với uy quyền của người huấn luyện. Năm 1986 đã tới, giờ của Mundial 13. Giờ của "ông vua mới" Maradona và cặp bài trùng mới: Maradona - Bilardo.
Napoli huy hoàng cùng Maradona với 2 scudetto
(Phần 6_Người Hành Khách Sau Cùng)Lần sửa cuối bởi 6789, ngày 01-05-2012 lúc 03:00 PM.
Điềm tĩnh trước gái xinh và không giật mình trước gái xấu
-
28-01-2011, 03:15 AM #14
Cảm ơn anh vì những tài liệu hữu ích giúp em hiểu hơn về cuộc đời của diego maradona.Đó là những tài liệu mà có kiếm trên google cũng ko thấy.kẻ lắm tài nhìu hơn tật.Người ta có thể bỏ wa mọi lỗi lầm của anh bởi vì tài năng anh xuất chúng.Một người mà có lẽ rất lâu sau này thế giới bóng đá mới sản sinh ra
-
28-01-2011, 05:04 AM #15
Người Hành Khách Sau Cùng
Chiếc may bay phản lực nặng nề đáp xuống sân bay quốc tế Benito Juares ở Mexico City cuối chiều 5-5-1986. Một rừng người ở phía ngoài phòng khách sân bay chộn rộn lên một lúc rồi bắt đầu vỗ tay và nhịp nhàng hô vang: "Argentina Championa! Argentina Championa!...". Những lá cờ xanh dương và trắng phất cao, rần rật. Phải, đội tuyển Argentina đã tới và là đội đặt chân lên nước chủ nhà sớm nhất. Những cầu thủ Argentina và các quan chức của họ mặc âu phục mầu xanh đậm, thắt cravat, lần lượt rời khỏi máy bay. Trong đám cổ động viên quen thuộc có khá nhiều người hét to đầy lo ngại:
- Không có Valdano và cũng không có cả Maradona?
- Ông Bilardo! Diego của chúng tôi đâu rồi?
Valdano không có mặt thật, anh chỉ có thể tạm biệt bạn bè ở Madrid để có thể đáp thẳng máy bay đến Mexico trong vài ba ngày tới. Nhưng Maradona thì ngay sau đó người ta nhanh chóng phát hiện ra anh, người hành khách cuối cùng rời máy bay, không veston, cravat, trong chiếc áo thun bình dị mà thời trang, dáng vẻ anh mệt mỏi, song không giấu được ánh mắt xúc động, long lanh. Có lẽ Maradona đã cố tình ăn mặc khác đi để lẩn tránh sự săn sóc của hàng trăm nhà báo và hàng ngàn cổ động viên đã chờ sẵn từ trưa. Vô ích, cách ăn mặc ấy lại làm anh nổi lên trên tất cả, gieo vào người ta niềm tin rằng anh đến Mexico để làm nên những điều kì diệu. Và từ phút ấy, người ta không còn nghe được giọng đọc văn chào mừng của Ban Tổ Chức Mexico 86. Người ta chỉ đòi Maradona trả lời dứt khoát 1 câu hỏi:
- Argentina có vô địch hay không?
Tội nghiệp Maradona,anh phải gào lên thật to giữa rừng người:
- Tôi không thể biết được, tôi không thể đoán nổi các bạn ạ. Đây là một World Cup gay go nhất và chắc chắn không phải của Platini, không của Maradona hay của Sanchez. Tôi đến đây để chiến đấu hết mình vì dân tộc Argentina...
Và rồi sau đó,Maradona cũng là người cuối cùng lên xe về nơi trú ngụ với sự giải thoát tích cực mất gần nửa tiếng đồng hồ của lực lượng an ninh. Trên đôi vai Maradona bắt đầu nặng trĩu những trách nhiệm.
Theo yêu cầu của HLV Carlos Bilardo từ trước, Mexico bố trí cho đội Argentina ăn ở và luôn cả tập tành trong một CLB bóng đá đầy đủ tiện nghi tên là CLB Americana, cách sân vận động Azteca khoảng 3 km. Khung cảnh lẫn không khí ở đây giống hệt như nơi đội Argentina đã tập trung trước khi vào giải ở quê nhà Buenos Aires. Dẫu vậy, đêm đầu tiên ở Mexico, Maradona không ngủ được. Anh ngồi đến khuya với Burruchaga, người đồng đội đắc ý nhất của mình. Không ai hiểu rõ hai người đã nói gì với nhau. Burruchaga nhỏ hơn Maradona hai tuổi, lúc ông Corrado Ferlsino, chủ tịch CLB Napoli mua Maradona về đá cho đội mình với giá gần 10 triệu đô la, chính anh đưa ra đề nghị: "Tôi cần có Jorge Burruchaga chơi bên cạnh". Maradona đã lo ngại tình trạng được dân Ý tôn sùng quá mức có thể dẫn đến anh bị một số cầu thủ Ý khác cô lập trên sân cỏ. Quả nhiên điều ấy xảy ra thật, trong nhiều trận đấu người ta không chịu chuyền bóng cho anh và khi anh có bóng người ta cũng không chịu di chuyển đến chỗ trống để phối hợp. Nguy cơ bị lu mờ đã ló rạng, đến nỗi có lần Maradona phải chua chát: "Bây giờ tôi mới hiểu ra rằng, người ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc của mình khi có xung quanh mình những con người gần gũi, là bà con, người thân hay những người bạn tốt!". Burruchaga gia nhập Napoli kịp lúc để "cứu" Maradona. Từ đó họ như một đôi anh em kết nghĩa .Có lẽ giờ đây ngồi bên nhau họ ôn lại kỉ niệm êm đềm đó chăng? Những ngày đầu ở CLB Americana rõ ràng Maradona cố tình lẩn tránh báo chí, không rõ tự ý anh muốn hay một "điều lệnh" nào đó của HLV trưởng Bilardo .Người ta thấy anh thường rời bỏ đám đông vào sâu giữa sân tập. Ở đó, anh tâng bóng, đánh đầu, đánh gót... quả bóng nhảy nhót quanh anh. Anh điều khiển trái bóng như một quả bóng bay nối sợi chỉ trong suốt và bắt nó phục tùng anh như một nô lệ nhỏ bé và ngoan ngoãn. Còn anh, một khuôn mặt rạng rỡ hân hoan và chẳng biết mệt mỏi... dường như xung quanh nín thở mỗi khi xem anh "đùa cợt" với trái bóng. Chưa vào trận, chính những ngày đầu chờ đợi này, Maradona đang bị "trói buộc" bởi một sức ép tâm lí nặng nề. Báo chí thế giới mô tả một Maradona của những ngày khó khăn ấy như sau: "Cả thế giới coi anh là ngôi sao sáng, vì vậy anh phải cố gắng vươn lên chính là để tương xứng với tầm vóc mà thế giới đã lên khuôn cho anh. Nói năng hay im lặng, nhất cử nhất động đều phải như một ngôi sao sáng vốn dĩ phải có. Sáng sáng anh thưởng thức tắm mình trong bối cảnh được mọi người hâm mộ. Phóng viên báo chí bám lấy anh để có ghi lại được những lời anh nói ra. Mỗi mét vuông diện tích anh đặt chân lên đều trở thành khán đài. Anh suy tính kĩ lưỡng những gì anh nói và phải nói trong một ngày đang gần đến".
Maradona, làm sao hiểu được lòng anh?
Đó không phải nỗi băn khoăn của Claudia, người yêu của Maradona đang du học khoa báo chí ở Mỹ. Tất cả mọi người trước khi xem Maradona viết lên những trang kì diệu trên sân cỏ Mexico 86 đều muốn hiểu anh trước đã, và người ta tin rằng cái thật nhất trong mỗi con người chỉ có thể tìm thấy lúc ta sắp bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt nhất. Tiến sĩ Carlos Bilardo không hẹp hòi trước sự ham muốn đáng yêu ấy của những người ủng hộ cũng như các phóng viên. Từ ngày 15-5-1986 ông đặt ra một thông lệ với các học trò: "Tất cả các bạn cứ tự do tiếp xúc với báo chí 30 phút trước giờ tập mỗi sáng". Bắt đầu từ đó, mỗi ngày một ít các nhà báo đã dần dần thu thập được những tín hiệu cho thấy một Maradona siêu sao cũng là một Maradona với nhiều nhiều cá tính nổi bật rất dễ làm người ta yêu mến hết mức và cũng rất dễ làm người ta trách móc. Giữa lúc đang là một nhân vật được chú ý nhất ở Mexico 86, báo chí ghi được một Maradona đầy đủ bản chất và cội nguồn của chính mình: Xuất thân từ một gia đình công nhân nghèo khổ: " Các bạn muốn gặp tôi? Xin sẵn sàng và đừng khách sáo, tôi cũng chỉ là một con người. Mọi người có thể chỉ mặc quần lót của mình để đến với tôi, xem tôi chơi bóng. Vì vậy tôi cám ơn mọi người theo cách của tôi: đó là ghi nhiều bàn thắng!". Và Maradona phá luật lệ: Anh trèo qua hàng rào CLB Americana ra ngoài gặp các nhà báo và cổ động viên. Rồi cũng thật dễ thương khi người ta bắt gặp thêm một hình ảnh khác của Maradona trên tờ báo Urheylulehti của Phần Lan: "Nếu cần phải nói điều gì cho tôi hạnh phúc nhiều nhất thì tôi xin trả lời rằng: hòa bình, an ninh, hạnh phúc cho tất cả,c ho gia đình tôi và sức khỏe của tôi". Maradona rất nặng tình gia đình, đặc biệt rất yêu quý các em của anh. Ngày 26-5-1986, các em của anh chưa đến được Mexico cũng làm anh trải qua một đêm mất ngủ.
Ở Mexico những ngày này đang tràn ngập tư tưởng: đội tuyển Argentina là của Maradona, thậm trí Mundial 13 cũng là của Maradona. Nhưng Diego biết ngay đó là cách cao rao của phóng viên báo chí nhằm buộc anh phải lên tiếng những điều đó có liên quan tới bản thân anh, làm giàu có thêm cho những bài báo giật gân của họ. Maradona không thích lắm những lời tâng bốc cá nhân, tuy nhiên khi nói về tập thể đội bóng,anh lại hết sức hãnh diện và ca tụng, lúc thì khiêm tốn nhưng cũng có lúc gần như huênh hoang: "Tất cả các đội đến Mexico đều tìm kiếm vị trí đứng đầu. Nhưng tôi cho rằng đội tuyển Argentina nhiều cơ may nhất để giành chức vô địch.Tôi tin như vậy,Mundial 13 là của đội bóng Argentina, không một giây phút nào tôi nghi ngờ điều đó" (Với báo tin Mátxcơva ngày 23-5-1986). Tại Mexico người ta còn biết rằng Maradona là một thanh niên có sẵn trong tim mình khát vọng làm ra một thời đại cho riêng anh, một thời đại của Maradona, không thể lầm lẫn với ai khác. Báo chí Pháp đã lâu thường gọi anh là Le fils de Pele (con trai của Pele). Điều ấy phản ánh một thực tế trong quan hệ giữa hai người, nhưng vẫn là chuyện của thời đại đã qua. Bây giờ ở một nơi cách sân Azteca chừng 3 km, trước giờ lâm trận, chàng thanh niên 26 tuổi rất tự hào vẽ ra một ranh giới cho một thời đại khác: "Pele là Pele ,tôi là Maradona". Cả với Platini cũng vậy, mặc dù báo giới Châu Âu khi đó xếp vị trí 50 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, luôn dành vị trí số 1 cho Platini và con số 2 cho Maradona. Nhưng ở Mexico này, điều ấy sẽ không thể lặp lại: "Thậm chí Platini có đạt phong độ cao đến đâu, không ai có thể làm thay đổi ý kiến của tôi cho rằng: giải lần này là của đội tuyển Argentina và của tôi!".
Anh đến Mexico lần này với Carlos Bilardo như với một ân nhân sẵn sàng chuẩn bị cho anh cơ hội để "nhiếp chính" một nhiệm kỳ bốn năm trước mặt. Diego nói với phóng viên báo Esto của Mexico: "Với Bilardo và các bạn đồng đội, tôi sẽ dốc hết sức lực mình để đoạt kỳ được chức vô địch cho Argentina,đó là điều chắc chắn!".
(Phần 7_Một Bản Tango Hoàn Chỉnh)
Bilardo - MaradonaLần sửa cuối bởi 6789, ngày 29-04-2012 lúc 08:58 PM.
Điềm tĩnh trước gái xinh và không giật mình trước gái xấu
-
31-01-2011, 02:08 PM #16
Một Bản Tango Hoàn Chỉnh
Ở Mexico, ngay từ lúc khởi đầu vòng 1, đã có một "âm mưu" phế bỏ Maradona và lập Hugo Sanchez lên chiếc ngai vàng bỏ trống. Trong suốt một tuần lễ trước giờ nhập cuộc, báo chí Mexico đồng loạt ca tụng Hugo Sanchez, trấn áp mọi dư luận hướng về Maradona. Hai ngày trước cuộc đụng độ đầu tiên của Argentina với Nam Triều Tiên, không ít những tờ báo ngầm kích động "những nhà thái cực đạo" Nam Triều Tiên "tiêu diệt" Maradona để loại trừ hậu họa cho Hugo Sanchez. "Maradona là ngòi nổ duy nhất của đội Argentina. Nếu các cầu thủ Nam Triều Tiên biết cách làm nó tịt ngòi là họ sẽ nắm chắc đến 90% thắng lợi. Khán giả Mexico chắc chắn sẽ cổ động dữ dội cho đội Châu Á duy nhất này để cuộc tranh tài nổ ra hào hứng hơn". Trên tờ Esto đã xuất hiện những lời lẽ như thế, và chiều ngày 2-6-1986 trên sân Olimpico, theo tờ International Herald Tribune, Maradona trở thành "miếng thịt bò ngon lành" của các cầu thủ Nam Triều Tiên, đặc biệt là Kim Yong Se. Phóng viên UPI Fred Lief mỉa mai thêm là "chỉ thiếu có....dao và nĩa là đủ bộ" cho các cầu thủ Nam Triều Tiên.
Huh Jung-Moo và các hậu vệ Hàn Quốc “chăm sóc” Maradona tận tình ở Mexico 86
Ít ai biết được rằng, Maradona đã có riêng một HLV thể lực, đó là Fernando Signori (ngoài các HLV của CLB hay đội tuyển quốc gia). F.Signori nói:
- Maradona luôn luyện tập hết sức mình, có được phản xạ nhanh. Anh luyện tập thật kỹ càng để sẵn sàng chống lại mọi sức ép thô bạo. Nhiều khi anh còn biết kết hợp hài hòa giữa thể lực và tâm lý. Anh luôn cố gắng để không phạm lỗi, sai sót gì trên sân cỏ.
Chấm dứt vòng 1 ở bảng A, đội Argentina chỉ "bắn" tổng cộng được 6 phát vào lưới các đội đối phương, phần Maradona chỉ có 1, lại trở thành đề tài châm biếm của không ít tờ báo ở Mexico và ngay cả ở... Braxin. Trên tivi Mexico, phần tin thể thao tối 22-6 xuất hiện một tranh vẽ chọc cười: Maradona, 1 hình người khổng lồ đứng trên đôi chân ống sậy và quả bóng lọt khe chân quay lại nói "vĩnh biệt người hùng Napoli"!
Maradona nổi quạu, nhưng hề gì, tất cả còn trên sổ tay của Bilardo. Dù ai sút vào lưới đối phương - Valdano, Ruggeri, Burruchaga hay ai khác - thì tất cả 5 bàn thắng đều do chính Maradona đặt bóng cho họ, sự nhịp nhàng êm ái của một bản tango. Và bởi tango là một vũ điệu có nguồn gốc từ Argentina nên người ta đã ví đội Argentina ở vòng như "bản tango chưa hoàn chỉnh". Dầu sao thì Maradona cũng phải mau miệng nói đôi lời: " Đừng nên lấy kết quả ở vòng đầu để đánh giá khả năng sau cùng của một đội bóng". Con đường danh vọng thật không êm ả chút nào.
Tối ngày 24-6-1986, sinh hoạt trong "trại" Argentina hết sức thoải mái. Burruchaga đọc oang oang tất cả những bài báo ca ngợi bàn thắng kì diệu của Maradona vào lưới đội tuyển Anh và đọc luôn những điều người ta nghi ngờ về bàn thắng thứ nhất của Maradona trước thủ thành Shilton - Sau này trong một cuộc trả lời phỏng vấn anh đã gọi bàn thắng thứ nhất được ghi bởi "bàn tay của Chúa" - Maradona không dự bầu không khí vui vẻ này. Bilardo vừa nói với anh là một cuộc đối đầu giữa Maradona và Platini vào ngày 29-6-1986 rất có thể sẽ trở thành sự thật. Lúc đầu Maradona mỉm cười:
- À, thế thì tôi sẽ trở thành người hạnh phúc nhất ngày hôm ấy!
Tuy nhiên sau đó anh tư lự, lộ vẻ căng thẳng. Có lẽ anh đã kịp suy nghĩ lại: Platini, một ngôi sao dày dạn kinh nghiệm, chẳng phải là chuyện đùa đâu. Ở Ý, cách đây cũng chẳng xa lắm, Napoli đụng với Juventus, Maradona và Platini hai người ở hai phía. Juventus hai lần chọc thủng lưới Napoli, trong đó chính Platini một lần làm chuyện ấy. Bàn thắng gây ấn tượng mạnh cho Maradona. Anh nói với Bilardo một câu khá tàn nhẫn đối với Platini, nhưng chỉ để tự trấn an mình:
- Nhưng, tôi tin một cách chắc chắn rằng Beckenbauer sẽ "săn sóc" hộ tôi anh chàng Pháp ấy!
Báo Mexico "moi" mẩu chuyện trên từ một người phục vụ trong CLB Americana, cho xuất hiện cùng ngày Maradona đích thân ghi hai bàn đẹp như mơ vào lưới đội tuyển Bỉ. Ngày 29-6-1986, tất cả những gì Beckenbauer dự tính cho Matthaus, Briegel, Rummenigge, Voeller... thì Bilardo cũng dự tính cho Brown, Valdano, Burruchaga, Maradona... Trước trận đấu ít hôm, Maradona lại cảm thấy đội CHLB Đức còn khó chơi hơn cả đội Pháp, là một đội mà anh không muốn gặp trước đây. Ngày 27-6-1986, Maradona tâm sự với phóng viên hãng tin DPA (CHLB Đức) thật lòng chứ không phải vị nể:
- Tôi đã dự đoán là đội CHLB Đức sẽ gặp chúng tôi, nhưng đó thật không phải đội bóng tôi muốn gặp trong trận chung kết. Đội đó đã phải vượt bao nhiêu trở ngại mới vào đến chung kết. Đó là điều làm cho tôi lo ngại nhất. Nhưng chỉ lo ngại cho đến chừng nào chúng tôi chưa ra sân. Chúng tôi muốn đoạt cúp, tôi sẽ bị kèm chặt. Đó không phải vấn đề chỉ Beckenbauer mới phải giải quyết, có lẽ tôi sẽ phải đương đầu với Peter Briegel hoặc đôi ba người nữa. Nhưng tôi sẽ biết đá theo cách của tôi để giành cho được chức vô địch, chắc chắn như vậy. Chủ nhật tới tôi sẽ là người hạnh phúc nhất trên hành tinh này.
Và ngày 29-6-1986, trên sân Azteca, Maradona đã thực hiện được trọn vẹn ước mơ của anh. Không làm "nhà độc tấu vĩ đại" được bởi sự quấy rối ồn ào của Matthaus và Briegel theo lệnh của "sếp" Beckenbauer, Maradona trở thành "nhà kiến thiết vĩ đại". Đội Argentina ghi 3 bàn thắng trong đó có 2 bàn chính anh dọn cỗ cho Valdano và Burruchaga nhập tiệc. Bàn thắng của Burruchaga nâng tỷ số 3-2 chấm dứt mọi nỗ lực của đội Đức.
Pháo hoa nổ rực trời Mexico, tổng thống Mexico, Miguel de la Madrid và tổng thống Argentina Raul Alfonsin đã lần lượt bắt tay chúc mừng "nhà vua" mới lên ngôi lúc 26 tuổi, ngài Maradona. Điện mừng của các nguyên thủ quốc gia các nước Châu Mỹ tới tấp bay đến Argentina, nơi dân chúng quá đỗi tự hào về đứa con vinh quang của mình đã hát lên:
"Maradona,1 bài thơ đã làm thế giới sửng sốt.
Thế giới quỳ gối trước ông vua mới bóng đá!"
Nhưng,cũng lúc này, dường như có một người vẫn chưa thần phục: Platini. Anh nói: "Maradona quả là một cầu thủ xuất sắc nhất Mexico 86". Và mọi người hiểu "của Mexico 86" có nghĩa chưa phải "của thế giới, mọi nơi và mọi lúc".
Về sau, các "sử quan" của thế giới bóng đá có lẽ sẽ cần thêm một đôi dòng bình phẩm: " Maradona quả là nhân vật lỗi lạc. Điều đó không thể chối cãi. Năm 1986, lễ đăng quang dành cho anh hoàn toàn xứng đáng. Song đó cũng là năm mở ra thời điểm hết sức thuận lợi cho anh. Một lớp già sắp sửa ra đi: Platini, Rummenigge, Littbarski, Zico, Socrates, Bossis, Blokhin, Falcao... trong lúc lớp trẻ chưa kịp lớn lên: Burruchaga, Belanov, Rats, Papin, Stopyra, Bergomi, Casagrande, Careca... Lớp đương độ sung sức như Maradona chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Anh xuất hiện ở Mexico 86 vừa đúng lúc để hưởng trọn cơ may của thời điểm thuận lợi đó và bước lên ngôi tột đỉnh vinh quang. Menotti như vậy đáng được "nhà vua" xem là ân nhân đáng kính, người biết rõ Argentina 78 chưa phải là thời đại của Maradona, đã không cho anh đến ngai vàng quá sớm để chuốc lấy thất vọng đắng cay và tủi thẹn?
Bàn ấn định tỷ số của Burruchaga trong trận chung kết World Cup 86
(Phần kết_ Trở Về Buenos Aires và Sau Đó...)Lần sửa cuối bởi 6789, ngày 01-05-2012 lúc 03:07 PM.
Điềm tĩnh trước gái xinh và không giật mình trước gái xấu
-
09-03-2011, 01:07 AM #17
Trở về Buenos Aires và sau đó...
Thật không có gì so sánh được với lễ trao vương miện cho một cầu thủ. Sau chiến thắng của Argentina trước CHLB Đức với tỷ số 3-2 trong giải World Cup tuần rồi, gần một triệu dân chúng đã tràn ra các đường phố ở thủ đô Buenos Aires ngợi ca tên tuổi của ngôi sao chói lọi nhất: Diego Maradona, 26 tuổi, chàng tiền vệ có cặp đùi sắt, từng được coi là "một đối tượng đáng thèm muốn nhất của môn bóng đá".
Mang khúc khải hoàn về Buenos Aires - Nơi mà suốt tuần qua đã có 5 người chết và hàng chục người bị thương vì những cuộc liên hoan cuồng nhiệt của dân chúng - Maradona đến trước mặt tổng thống Raul Alfonsin trao cúp vàng và nói: "Thưa tổng thống, cúp vàng này cũng là của ngài!".
Maradona được ca tụng như là một truyền thuyết quen thuộc. Con người ấy một thời từng là cậu bé ranh ma ngoài đường một khu phố tối tăm ở Buenos Aires, hiện mỗi năm lĩnh 1 triệu 160 ngàn đô-la nhờ chơi cho đội Napoli, đã giúp đem lại thắng lợi cho đội Argentina trong trận chung kết mà bản thân anh không ghi một bàn thắng nào. Anh đóng vai trò then chốt suốt trận đấu bằng những đường chuyền chéo góc chính xác và biết cách vô hiệu hóa hoặc đánh lừa những cái bóng phòng ngự đeo đuổi bên mình. "Maradona chính là cúp vàng thế giới!" HLV Carlos Bilardo đã nói như vậy.
Trên đây là một phần bài báo đăng đăng trên tờ Time số ra ngày 14-6-1986 dưới tiêu đề: "Ôi Maradona! Ôi ngày Diego" do 2 phóng viên J.D.Reed và Lee Griggs tường thuật. Nói "ngày Diego" là vì chuyện ấy sẽ xảy ra vào đầu tháng 8 này tại một thành phố mà dân chúng ở đó cũng đang coi Maradona như là đứa con cùng quê hương của họ. Thành phố Napoli quyết định dành nguyên một ngày đón mừng sự trở lại của Maradona, và đặt tên là "ngày Diego"(Diego Day), gồm nhiều hình thức vui chơi, tiệc tùng mà Maradona sẽ luôn được mời với tư cách là khách danh dự. Ngoài ra, đội bóng Napoli cũng đang tính toán tăng lương cho Maradona.
Nhưng trước khi trở lại Italia, Maradona còn phải hoàn tất một nhiệm vụ mang ý nghĩa tượng trưng hơn là thực chất: Thủ quân đội tuyển châu Mỹ. Vừa kết thúc giải thế giới Mexico 1986, FIFA đã quyết định chọn ra hai đội tuyển tiêu biểu, bao gồm những cầu thủ xuất sắc nhất của các đội tuyển vừa dự World Cup lần thứ 13, để tổ chức một trận đấu làm từ thiện vào ngày 27-7-1986 trên sân Rose Bowl, thành phố Pasadena (bang Califonia), Mỹ.
FIFA hy vọng sẽ thu được khoảng 4 triệu đô la về quảng cáo, bán bản quyền truyền hình và tất cả số tiền đó sẽ dùng để trợ giúp các nạn nhân ở Mêxico hồi cuối năm 1985 và các trẻ em nghèo trên thế giới, thông qua cơ quan UNICEF (Quỹ nhi đồng liên hiệp quốc). Hai đội tuyển tiêu biểu trên là: Đội tuyển châu Mỹ và đội tuyển "phần còn lại của thế giới". Danh thủ Maradona được chọn là thủ quân của đội tuyển châu Mỹ và thủ quân của đội còn lại là danh thủ M.Platini (Pháp). Đội tuyển châu Mỹ được đặt dưới sự chỉ đạo của hai HLV C.Bilardo (Argentina) và B.Milutinovic (Mexico). Đội tuyển của thế giới được dẫn dắt bởi hai HLV F.Beckenbauer (CHLB Đức) và cựu danh thủ Hà Lan J.Cruyff (Hà Lan). Danh thủ Maradona, thủ quân của đội đương kim vô địch thế giới, nay là thủ quân đội tuyển châu Mỹ nói: "Tôi đã sống qua thời thơ ấu thiếu thốn đủ thứ... Giờ đây tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giúp cho các trẻ em nghèo trên thế giới dù là bằng hành động bóng đá của tôi, làm cho các em được vui tươi."
UNICEF nhân dịp này - trùng hợp với 40 năm thành lập cơ quan này - đã trả lời cảm ơn tất cả các danh thủ quốc tế tham gia trận đấu từ thiện này và cũng mời D.Maradona làm đại sứ lưu động "danh dự" của UNICEF. Lúc này các nguồn tin tốt đẹp tiếp tục loan đi. Maradona đã đạt được số điểm kỉ lục là 2.564, do 920 nhà báo tham dự cùng bầu chọn, trong cuộc thăm dò do báo "France Football" tổ chức với sự hợp tác của hãng thể thao Adidas. Như vậy Maradona đã nhận được giải thưởng Quả Bóng Vàng do Adidas tặng cho cầu thủ xuất sắc nhất Mexico 86. Quả Bóng Bạc được trao cho thủ môn H.Schumacher (CHLB Đức), chỉ đạt được 344 điểm. Quả Bóng Đồng được trao cho tiền đạo P.Elkjaer Larsen (Đan Mạch) đạt 236 điểm. Ngoài ra Maradona còn được trao tặng "chiếc giầy bạc" với 5 bàn thắng, ngang bằng với cầu thủ Careca (Braxin), Butragueno (Tây Ban Nha). Trong khi "chiếc giầy vàng" lọt vào chân tiền đạo G.Lineker (Anh) với 6 bàn thắng. Các tờ báo thể thao uy tín đều đồng loạt chọn D.Maradona vào đội hình tiêu biểu của bóng đá thế giới. Ở Mêxico người ta đang nói về D.Maradona và H.Sanchez, cầu thủ nổi tiếng của Mêxico, sẽ trở thành những nhân vật chính trong bộ phim sắp được dàn dựng. Thời kì "hậu Mêxico", ngoài các sự kiện rầm rộ trên, còn cả một loạt những lời khen ngợi, bình phẩm, ca tụng khi chừng mực khi quá lố xuất hiện trên hầu hết các báo thể thao lớn của thế giới. Khó mà liệt kê hết tất cả những lời khi thành thật, khi bốc đồng, khi ngầm chứa ít nhiều hậu ý xa xôi. Xin trích dẫn dưới đây một vài lời được xem là thành thật khi người ta nói về Maradona.
- Tiền đạo kiêm thủ quân của đội CHLB Đức K.H.Rummenigger: "Tôi chẳng nghi ngờ gì nữa, Maradona chắc chắn là cầu thủ xuất sắc nhất suốt World Cup lần này".
- Nhà báo Norman Ched, tờ Washington Post: "....Mundial 13 chính là Mundial của Maradona. Lối đá của anh rất mạnh bạo và sáng tạo. Anh đã giành giật bóng trong các cuộc đấu tay đôi như thể trái bóng là tài sản riêng của anh và chính vì vậy anh đã phải luôn luôn gánh chịu những miếng đòn trừng phạt của các đối thủ..."
- HLV C.Bilardo, đội Argentina: " Maradona luôn luôn là một nghệ sĩ, anh là một cầu thủ đầy tài năng giống như một số ít các cầu thủ khác của thế giới".
- P.Rossi (Italia): "Platini là một cầu thủ gây ấn tượng rất mạnh, có thể làm được mọi điều trên sân cỏ. Laudrup(Đan Mạch), một tiền đạo xuất sắc. Francescoli (Uruguay) cầu thủ có kỹ thuật điêu luyện, chơi đầu rất tuyệt. Rummenigger (CHLB Đức) có thể lực tốt, kỹ thuật cao rất hiếm gặp trong bóng đá. Riêng Maradona là một thiên tài bóng đá, không ai có thể so sánh được với anh trong thời điểm hiện tại"
- J.Valdano (Argentina): "Platina là người nhạc trưởng trứ danh, còn Maradona là người độc tấu trứ danh nhất".
- Chủ tịch FIFA, Joao Havelange (người Braxin): "Maradona là thiên tài mới của bóng đá thế giới, Maradona đã gánh vác hầu hết trách nhiệm trong việc đưa đội tuyển Argentina tới chức vô địch bóng đá thế giới". Trả lời câu hỏi phải chăng Maradona có thể thay thế được "vua bóng đá" Pele, ông Havelange nói: "Tôi tin rằng mỗi người đều có thời của mình và có một phẩm giá riêng. Một điều không thể chối cãi được rằng Pele là thiên tài của thời ông ta, và bây giờ chúng ta lại được chứng kiến sự ra đời của một thiên tài mới, đó là Maradona".
Đi xa hơn nữa, một số không ít người còn cảm thấy giới hạn sự ca tụng của họ vào Maradona thôi là không đủ thỏa mãn. Họ đã nói đến một Maradona thứ... nhì trên sân cỏ thế giới. Đó chính là Hugo Maradona, 16 tuổi, em trai út của Diego Maradona. Và, chuyện kể về Hugo tóm tắt như sau: Maradona em trước đây đá cho đội bóng thiếu niên Chacaritas (Buenos Aires) và đã được chọn vào đội tuyển thiếu niên Argentina đi dự cúp Kodak, dành cho các đội U16 thế giới lần thứ nhất, do FIFA tổ chức tại Trung Quốc từ ngày 31-7 đến ngày 11-8-1985. Maradona đã đáp máy bay từ Naples sang tận Thiên Tân để xem và ủng hộ đội bóng của Maradona em, nhưng chẳng may đội này đã bị đội tuyển thiếu niên Úc loại với tỷ số 0-1. Nhận xét về lối đá của em trai mình, Maradona nói: "Hugo chơi tốt và đảm bảo hoàn hảo vai trò trụ cột của nó trong đội hình, mặc dù không ghi được bàn thắng". Sau giải này, Maradona đã đưa em sang Italia ở với mình, vừa học hành vừa tập luyện ở đội tuyển thiếu niên Italia. Các chuyên gia bóng đá Italia nhận xét Maradona em có kỹ thuật sút bóng, lừa bóng không kém gì Maradona anh và đã có 1 số CLB Italia ghé mắt đến Maradona em, khi họ không "săn" nổi Maradona anh. Trong khi đó CLB Argentinos Juniors, đội bóng trước đây của Maradona anh, đã lên tiếng sẵn sàng kí hợp đồng nhiều năm với Maradona em, với lời hứa sẽ cho Hugo đá cho đội khi... trưởng thành. Diego muốn rằng, Hugo sẽ luyện tập thêm cho cứng cáp hơn trước khi tung hoành trên các sân cỏ quốc tế.
Thế đấy, về Maradona, "hậu Mêxico" có lẽ còn kéo dài bằng vô số chuyện kể, trong đó không ít xuất phát từ những nhà tư bản có thế lực trên thị trường mua bán cầu thủ thế giới. Maradona, trong những ngày vinh quang cũng có lúc chợt thấy mình đã và đang nếm trải thứ hạnh phúc đắng cay, một nạn nhân bất đắc dĩ. Đến đây xin được tạm chia tay trên đỉnh vinh quang của Maradona trong World Cup 1986, những "sóng gió" sau này tiếp theo của cuộc đời anh chúng ta sẽ còn gặp lại trong topic khác. Mê Xi Cô 1986 đã khép lại, đánh dấu sự ra đời của một thiên tài bóng đá thế giới mãi mãi lưu danh: Anh là Diego Armando Maradona!!!
Hết... (st).
Lần sửa cuối bởi 6789, ngày 01-05-2012 lúc 03:14 PM.
Điềm tĩnh trước gái xinh và không giật mình trước gái xấu
-
10-03-2011, 09:29 AM #18
Trận chung kết World Cup 1986
Điềm tĩnh trước gái xinh và không giật mình trước gái xấu
-
10-03-2011, 10:18 AM #19Bàn thắng có tên gọi "bàn tay của Chúa"
Cú vào bóng từ phía sau của Goicoechea
Đậm chất nghệ sĩ...
Sút phạt thần sầu luôn...
...Và bàn thắng đẹp nhất mọi thời đại
Lần sửa cuối bởi 6789, ngày 01-05-2012 lúc 03:22 PM.
Điềm tĩnh trước gái xinh và không giật mình trước gái xấu
-
14-03-2011, 11:30 AM #20
@ 6789: theo như trí nhớ của tở năm 86: có zico đâu....cái tên được nhắc đến khá nhiều giấy mực năm đó không thua kém gì platini, socratet, hay maradona là hugo sanches tiền đạo đội real và nước chủ nhà Mexico.
... Mắt em đưa lúng liếng
Trói tôi bằng..vu vơ...
Cậu Bé Vàng...MARADONA
Đánh dấu