Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Tung vó ngựa hồng 3
Close
Login to Your Account
Kết quả 1 đến 4 của 4
  1. #1
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Đang ở
    huế
    Bài viết
    284
    Post Thanks / Like

    Smile Tung vó ngựa hồng 3

    Tung vó Ngựa hồng (3)
    HẠ MÃ: KẺ THỨC THỜI MỚI LÀ TUẤN KIỆT
    Như đã nhận định, số phận của Mã Đông phương khá là hẩm hiu, vì không thể và không có quyền chọn lựa ngay cho mình một phong cách hiên ngang vốn có của người kỵ sĩ, như là:
    Oai phong tuấn mã đi trong sa trường dấn thân
    Bờm ngựa tung bay trong cơn gió sớm
    đuôi cong vung lên trong chiều khói lan
    (Rong Khúc 8 - Phạm Duy)
    mà đành phải nhẫn nhục chờ đợi cơ hội, chờ được sự phân định trách nhiệm rạch ròi rồi mới có thể xuất chinh đặng. Muốn phi nhanh nước đại ư? Chưa phải là lúc này. Muốn cáp Mã bàn hà ư? Chưa tới kỳ hạn thuận lợi. Sự nhẫn nại của kỵ binh Mã tưởng như khó có thể chịu đựng nổi, vì đối phương cứ chèn ép mãi. Mã đã bị đè quá lâu rồi, cùng sự bưng bít, sự giam hãm của đối phương dành cho Mã, rồi là sự hăm dọa tiêu diệt, sự khích bác sỉ nhục đến cùng cực. Có thể nói kỵ binh Mã gần "bứt sô" tới nơi, và dường như Mã đang lập nguyện rằng thà là bị chết vinh còn hơn là chịu cảnh sống nhục như thế này v.v
    Rồi thốt nhiên nghe như có tiếng chiến Mã uất ức hí vang, thân ngựa quay cuồng lồng lộn như muốn giật đứt giây cương, tung vó câu nhảy chồm lên không, bờm ngựa lúc lắc rũ rượi như muốn vất bỏ dây đai che ngang đôi mắt, tiếng móng gõ lộp cộp nóng nảy. Người kỵ sĩ như muốn phá tung xiềng xích để vượt thoát ra đi, như muốn "quay lưng đưa chân đá vỡ yên cương để thong dong lên đường thoát thân" (Rong Khúc 8). Mã như đánh mất sự tự chủ, đánh mất sự kiên định vững bền những tưởng vẫn còn giữ được trong bất kỳ tình huống nào. Phải chăng đã đến lúc cho Mã vượt thoát thăng hoa, ngang tàng đường hoàng tiến vào trận địa, dấn bước dõng dạc vào sâu trong tuyến phòng ngự của đối phương? Phải chăng thời giờ đã điểm, cơ hội đã đến, phút vinh quang oai trấn uy hùng của kỵ binh Mã đã tới nơi rồi?
    Thế nhưng chỉ trong khoảnh khắc, tựa như có một cú gò dây cương làm Mã thảng thốt nghẹn ngào, ắng lặng. Rồi như có ngay một hàm thiếc để bịt vào miệng, tiếng hí liền câm bặt. Xót xa hơn, lại thêm một lằn roi răn đe tàn bạo quất ngang thân mình rướm máu. Mã như bị khuất phục, bờm ngựa rũ rượi xác xơ, đầu cúi gầm xuống, tủi nhục với dây đai che bưng bít hai bên đôi mắt vẫn còn. Và Mã chợt hiểu ra rằng thời cơ thế là vẫn chưa đến, vẫn chưa phải là lúc mà Mã có thể rũ sạch khỏi mọi ràng buộc vướng víu bên mình để vượt thoát thăng hoa. Và, thật đáng kinh ngạc làm sao, khi trong sự tận cùng của lòng kiên tâm, với một ý chí càng được trui rèn thêm lên, kỵ binh Mã vẫn tiếp tục, tiếp tục nhẫn nhục, và chờ đợi, chờ đợi nữa.
    Đó là ý nghiã của khái niệm hạ Mã, tức kỵ binh Mã phải chấp nhận sự nhân nhượng thoái bộ, lùi về, với một thái độ nhún nhường, khiêm cung, cùng với sự tự chủ cao độ, hiếm có. Hạ Mã, đó cũng là thái độ của một kẻ sĩ đã am tường lẽ biến hóa của Trời Đất, của thời cuộc thăng trầm, chứ có phải chấp nhận thua cuộc đâu?
    Còn Trời còn Đất còn non nước
    Có lẽ ta đâu mãi thế này?
    (Nguyễn Công Trứ)
    Đó chính là hình ảnh của một kẻ sĩ rất thức thời và hết sức khôn ngoan vậy
    MỘT MÌNH MỘT NGỰA : ĐẸP ĐỜI - XẤU CỜ
    Hình ảnh hào hùng nhất của Mã là khi một mình một ngựa tiến sang phòng tuyến của đối phương. Khi tam hoặc thất lộ Chốt đã khai thông rồi, và khi Mã đã hội đủ những yếu tố, điều kiện cần thiết cho việc xuất chinh, thì phương án cáp Mã bàn hà sẽ được đấu thủ thực hiện. Những gian nan của cuộc đời đang chờ đợi người kỵ sĩ ở phiá trước. Có rất nhiều cảm xúc được bày tỏ trong các kỳ thi cổ xưa, kể về một thân chiến mã dặm trường thiên lý, tuyết rơi phủ lối làm nặng nề vó câu, gập ghềnh gian nan trên đường đến nơi trấn nhậm:
    Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại?
    Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền
    (Bản dịch của Bùi Khánh Đản:
    Mây ngang Tần Lĩnh nhà đâu tá?
    Tuyết ủng Lam Quan ngựa khó qua)
    Đó là hai câu thơ trích trong bài Đường thi của quan Hình bộ Thị lang Hàn Dũ đời Đường Hiến Tông (806 - 820) khi bị biếm chức làm Thứ sử Triều Châu phải đi ngựa từ kinh đô Trường An 8 ngàn dặm đến nơi sở nhậm; trên đỉnh núi Tần Lĩnh, khóc than vì nỗi lao đao của đường công danh sự nghiệp, trong khi ngựa lạc lối trên cửa ải Lam Quan; làm cho ta cảm thấy rất bùi ngùi, thương cảm.
    Một khi đấu thủ thực hiện phương án nhảy Mã lên hà, thường đã phải trải qua những cảm xúc khó tả, vì chiến Mã không phải là một quân cờ thí, ngược lại rất được bảo trọng. Nhưng biết bao mối nguy nan không thể lường trước được ở phía trước, làm trách nhiệm càng đè nặng thêm lên vai người kỵ sĩ. Trong muôn ngàn trường hợp, thì cáp Mã bàn hà luôn là nước đi đầu tiên của quân chủ lực để thực hiện phương án tấn công. Không bao giờ kỵ binh Mã được đưa lên hà để làm nhiệm vụ phòng thủ. Trong cuộc cờ, khi quyết định tấn công, không như những quân binh chủng Pháo binh hoặc chiến Xa có lối di chuyển rất mau chóng, nhặm lẹ, mang tính áp đảo đối phương bằng đường ngang lối dọc, tung hoành bên trái bên phải; thì kỵ binh Mã với lối di chuyển nước kiệu chậm rãi từ tốn được điều động khoan thai tiến lên. Khi chưa vội vã phải phi nước đại thì Mã đã có đủ thời gian cần thiết để nhận định tình hình, để nhìn thấy rất, lắm, quá những cảnh tượng chướng tai gai mắt phơi bày ở trước mặt, như đang chờ đợi Mã ra tay chiêu an, phủ dụ. Một kẻ khiêu khích (Tốt đen) đang chờn vờn trêu ngươi trước mặt ư ? Mã bèn không nói không rằng, dùng đại đao hạ sát ngay. Một khẩu đại Pháo đang chuẩn bị nạp đạn bắn giết loạn xạ ư ? Khỏi cần nghe lời phải trái, Mã lập tức hạ thủ liền tay khi đối phương chưa kịp khai hỏa. Chiến Xa nọ của địch thủ đang chuẩn bị càn quét phòng tuyến quân nhà ư, khỏi cần cân nhắc e dè, Mã ra tay tế độ giùm cho hồn về chín suối luôn. Nghiã là Mã đã chuyển từ phi nước kiệu sang phi nước đại, và giương cao cờ chính nghĩa, thẳng tay tiễu trừ giặc phỉ. Mã đã len lỏi qua truông, lội suối, băng rừng, vượt ngàn, tung hoành giữa phòng tuyến địch, lập nên đầu danh trạng, làm nên những chiến công hiển hách, những kỳ tích phi thường. Phòng tuyến đối phương như lắm phen nghiêng ngả, sóng xô bão dậy, bởi tiếng vó câu dồn dập, tiếng ngựa hí vang lừng, tiếng gươm giáo va chạm nghe loảng xoảng, và tiếng hò reo đắc thắng của người kỵ sĩ. Chiến Mã đã quần thảo bền bỉ giữa vòng vây thù địch, sức ngựa trào tuôn dai dẳng, như liên miên bất tận, ẩn chứa nội lực sung mãn.
    Kià, còn đó những kỳ thư từ ngàn xưa để lại đã minh họa những chiến công của người kỵ sĩ đơn độc. Nào là Quan Vân Trường đơn đao phó hội, Quan Vân Trường quá ngũ quan trảm lục tướng. Nào là Triệu Vân đoạt Á Đẩu, Triệu Vân cứu chúa. Lại còn Vó ngựa thần kỳ, Ngựa thần cứu chủ, Vó câu muôn dăm... ôi thôi là đủ mọi thành tích tài tình của một-mình-một-ngựa quần nát phòng tuyến của đối phương.
    Thật không ngòi bút nào tả cho hết hình ảnh quá đẹp cùng với sự oai phong uy dũng của người kỵ sĩ. Kìa, là một thân chiến Mã đang nhảy nhót vần vũ giữa chốn chiến trường hung hiểm với 4 phía thù địch giăng mắc dày đặc. Hào hùng quá! Nọ, là một kiếp ngựa hồng đã gieo rắc kinh hoàng khắp chốn khi thoắt hiện thoắt ẩn giữa phòng tuyến địch, chỉ thấy loang loáng thanh đại đao giữa vòng vây của địch thù. Hình ảnh đẹp tuyệt vời và giàu cảm xúc biết bao!
    Nhưng có thể hình ảnh càng đẹp trong cuộc đời bao nhiêu thì càng xấu trong cuộc cờ bấy nhiêu. (Hay có lẽ chỉ đẹp ở trong cờ thế?). Ở trong cuộc đời, người hiệp sĩ hành hiệp đơn độc như không cần ai giúp sức, và không chờ được tuyên dương khen ngợi. Còn ở cuộc cờ? Người kỵ sĩ đơn thương độc mã dấn bước thăng trầm vào cuộc đời, đành là hình ảnh đẹp, nhưng trong cuộc cờ thì rõ là một thái độ có tính liều lĩnh, tự sát. Khi không được sự yểm trợ của hậu phương, của quân nhà, thì càng tiến sâu vào phòng tuyến của đối phương bao nhiêu, Mã càng phải chịu sự hiểm nguy tăng dần lên bấy nhiêu. Có thể Mã sẽ triệt hạ được một vài chuớng ngại trên nẻo đường rong ruổi, nhưng đằng khác, Mã không thể tự mình giải thoát được những mối quan hệ dây dưa rối rắm, những mối ràng buộc nguy hiểm, làm quẩn chân Mã, làm chậm bước ruổi rong, và biết đâu, làm tắt nghẽn cả đường đi lối về của Mã, để tự thân người kỵ sĩ bỗng chốc cảm thấy như khó khăn trong xoay xở, nhìn quanh bốn phiá tù túng, đường đời thoắt chốc trở nên như quanh co kẹt lối. Có phải chăng ngựa đã vào đường hẹp không sao quay đầu lại được? Bước nhảy của quân Kỵ, đôi khi như có đi mà không có về, là bởi nước cản làm trở ngại, (Mã Đông phương - Mã Tây phương). Và thế là, bởi sự ràng buộc, bởi sự kìm kẹp của đối phương, Mã bèn bị giảm đi uy lực, mất đi tác dụng công phá, để phải kéo lê kiếp sống thừa, tính mạng chỉ còn tính được từng giây từng phút, tránh sao khỏi thảm cảnh bị đối phương đem làm vật tế cờ, và rồi sau đó địch thủ với thế hơn quân sẽ triển khai phản tiên rất dữ tợn. Người kỵ sĩ đành đoạn chịu thác oan không lời trăn trối ở bên phòng tuyến địch. Than ôi, tình cảnh kể đáng thương tâm làm sao chịu thấu?
    Hình ảnh một quân Kỵ đơn thương độc mã tả xung hữu đột trong phòng tuyến địch thù, có thể lập được khá nhiều công trạng, nhưng đó chỉ thật là trường hợp thật là hãn hữu. Và nếu hình ảnh đó thật là đẹp, trong cuộc cờ hay trong cuộc đời (!) thì rõ ràng vẫn là hình ảnh rất dễ phai mờ, không thể trường cửu, không thể bền lâu. Nói đúng ra đó là một tình huống tối kỵ và không nên để diễn biến dây dưa quá lâu ở trong cuộc cờ. Có thể chăng là chỉ một phút giây lóe sáng nào đó của người kỵ sĩ, để chỉ thể hiện một lòng phấn chấn, một tài nghệ phi thường, một phách khí hiên ngang nhưng với sự tự chủ cao độ, để cho người đời cảm nhận, và chỉ nên thế mà thôi. Vì chính ở cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tính cách của người anh hùng đã được bộc lộ. Và thế là đã đủ. Người kỵ sĩ chắc chắn không để bả vinh hoa, mồi danh vọng làm mờ mịt lý trí, mà phải biết tự chủ, chế ngự bản ngã, chớ vội khoa trương, đến nỗi vô tình phô bày sở đoản cho đối phương khai thác và chế ngự. Nói cách khác, hình ảnh một mình một ngựa vẫn là hình ảnh đẹp, giàu chất thơ, nhưng chỉ nên có trong ý tưởng mà thôi. Còn thì đó là tình huống không nên để xảy ra trong kỳ cuộc. Thấu hiểu được điều đó thì các kỳ thủ mới được xem là người trí.
    MÃ NGỌA TÀO: TRẢ NỢ TANG BỒNG
    Thoạt nghe ba chữ Mã Ngọa Tào, mấy ai dám hiểu đó là một thế trận sôi động, thần sầu quỷ khốc, hung hiểm và kỳ lạ vào bậc nhất của nghệ thuật Tượng Kỳ, như nhà văn quá cố Nguyễn Tuân đã viết trong tập truyện ngắn Vang Bóng Một Thời bất hủ xuất bản cách đây dễ đến nửa thế kỷ. Câu nói được đặt vào cửa miệng của một danh tướng (giặc) Cờ Đen đã gác đao rửa kiếm quy ẩn, sau khi đã chơi xong vài ván cờ tưởng (cờ mù) với cậu Chiêu, là một nho sinh nghèo nhưng khí khái: "Để tới vụ xuân sang năm tôi sẽ rủ cậu lên Hưng Hóa đấu cờ với một người bạn gái trạc tuổi cậu. Cô ta có cái nước Mã Ngọa Tào lạ lắm" (Vang Bóng Một Thời - Nguyễn Tuân). Nhà văn quá cố Nguyễn Tuân, ngoài tài nghệ văn chương phi thường, còn là một cao thủ cờ tướng, như sách tiểu sử kể lại. Trong nhiều tác phẩm của ông, hay nhắc đến thú chơi cờ mà chính tác giả cũng là một đấu thủ rất ngoan cường (Hồi ký Một Chuyến Đi, Chiếc Lư Đồng Mắt Cua).
    Nhưng đối với nước Mã Ngọa Tào thì người phàm có thể chỉ hiểu nôm na là một nước nhảy Mã thế nào đó mà thôi, hay là một cách dùng chữ đầy sáng tạo của nhà văn, vốn có rất nhiều từ ngữ sáng tạo thật sự đã được đưa vào giáo trình giảng dạy cho học sinh ở bậc trung học; chứ không ai dám nghĩ khác hơn. Nước nhảy Mã thế nào đó (!) có thể phỏng đoán là trước hết tiên thủ đi Mã 2 tấn 3, rồi sau đó sẽ có lúc Mã 3 thoái 2, trở về chuồng cũ (!) chăng? Hay là từ vị trí bình phong, Mã sẽ thoái về ngọa tâm, án ngữ trước mặt Tướng? Không phải, vì đó gọi là nước phế Mã hãm Xa chứ làm gì còn mang tên là Mã Ngọa Tào? Vả lại, Mã nhập cung - Tướng khốn cùng chứ làm sao mà gọi là ngọa tào? Hay là Mã sẽ thoái về hiền hoà khép nép bên cạnh Đại Tướng Quân, dưới chân Sĩ trái hoặc Sĩ phải? Ở 2 vị trí tù túng này không thấy tiền đồ sáng sủa chi dành cho Mã, thì làm sao gọi là ngọa tào cho được? Lại càng không thể là Mã quỳ (Mã 2 tấn 4, hoặc Mã 8 tấn 6 từ vị trí khai cuộc) hoặc là chuyển giác Mã (từ vị trí Mã quỳ, Mã nhảy tiếp tấn 4 hoặc 6 xuyên qua cung Tướng). Vậy đó mà không ít hồ nghi, băn khoăn, tự hỏi dành cho độc giả dù đã từng đọc Nguyễn Tuân, đã từng biết chơi cờ Tướng (và kỳ nghệ cũng kha khá?!), nhưng vẫn không biết Mã Ngọa Tào là nước cờ ra làm sao!
    Diễn biến của Mã Ngọa Tào mà nhà văn Nguyễn Tuân đã nhắc đến cách đây gần 50 năm trong tác phẩm bất hủ Vang Bóng Một Thời được tóm lược như sau:
    Trong phần trước ta có nhắc đến hình ảnh hào hùng của người kỵ sĩ đơn thương độc mã tả xung hữu đột trong phòng tuyến địch. Thì với nước Mã Ngọa Tào, diễn biến cũng xảy ra tương tự, nhưng ở trong trường hợp này thì Mã không hề đơn độc, mà lại được sự "hiệp đồng tác chiến" của một chiến Xa đã được điều động từ trước lên án ngữ ở hàng ngang gần cuối tuyến phòng ngự đối phương (Xe 8 tấn 8). Thế rồi từ Bình phong Mã tấn chốt 7, bị Xe đối phương đè không thể bàn hà đặng, bên hậu thủ bèn Pháo 9 thối 1 và sau đó bình 7 đả Xe. Chiến Xa đối phương liền né sang bên một bộ (Xe 3 bình 4), bắt buộc phải tự tháo khăn bịt mắt Mã nọ. Lập tức hậu thủ bèn Mã tấn 8 bàn hà, rồi Chốt 7 tấn 1 tiến sang hà để làm thông thoáng thêm thất lộ Chốt, (để Mã đả xe đối phương, Xe này lại bình 3 như cũ) rõ là đường hoạn lộ đã hanh thông, và sau đó thì bên hậu thủ thực hiện luôn những nước nhảy Mã liên tiếp rất dũng mãnh, cao siêu: Mã tấn 6 kỵ hà (Mã tiếp tục đả Xe, và Xe này tức khí tấn 2 ăn Pháo luôn). Mã tấn 4, và Mã tấn 3 chiếu Tướng (phương án tối ưu, nước đi chính xác). Đối phương hoá giải nước chiếu xong rồi thì luôn mồm than khóc kêu la bởi sự thiệt hại quá lớn lao, làm đau lòng khôn tả, vì nước tiếp theo là bị Mã 3 tấn 1 ăn tươi ngay chiến Xe cánh tả chưa kịp triển khai, chưa kịp xuất chiến. Nghiã là bị Mã đối phương xuất phát từ rất xa, tưởng như vô hại, nhưng không ngờ kỵ binh Mã phi nhanh quá và khi đại chiến Xa nọ chưa kịp định thần thì đã thấy lưỡi đại đao loang loáng vần vũ ở trước mặt. Và thế là thủ cấp của Xe nọ không thể giữ được, bèn rơi rụng, thác thảm.
    Năm nước phi Mã thần tốc suốt dọc đường chéo bàn cờ từ trái sang phải của hậu thủ, để kết thúc với sứ mệnh cuối cùng đã đạt được là vung cao đại đao lên chém bay đầu chiến Xa đối phương ở góc phiá phải của bàn cờ, rồi tạm nghỉ chân ngựa ở đó (có thể hoàn toàn không còn tham chiến nữa), sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên tin cẩn giao phó - thì đó chính là diễn biến của nước "Mã Ngọa Tào lạ lắm" (theo Nguyễn Tuân) mà có lẽ có rất ít các kỳ thủ lưu tâm tới, hoặc nói đúng hơn là không để ý tới, để nghiên cứu, nghiền ngẫm, tìm hiểu cho thật tường tận. Chắc chắn nếu đã có lần xem tới thế trận này, hẳn không kỳ hữu nào không lấy đó làm điều kỳ dị, và chí ít cũng phải xem lại vài lần cho rõ ràng hơn.
    Nhưng đó không chỉ là một thế trận hay ho, kỳ bí, mà kỳ thật, Mã Ngọa Tào còn ẩn chứa cả một ý nghiã, một nhận thức, một suy tưởng triết lý về cuộc đời, về "cõi người ta", rất sâu sắc. Phải chăng Mã Ngọa Tào, chính là sự trả công xứng đáng mà cuộc đời đã dành cho người kỵ sĩ, sau khi công đã thành, danh đã toại ở cuối quãng đường hành hiệp? Mã đã dấn thân hiên ngang vào giữa lòng cuộc đời, không từ nan mọi gian khổ, hết lòng hết sức xả thân liều mình không kể đến hiểm nghèo nguy khó và kể cả đến tính mạng, và đã thành đạt, hoặc gọi chính xác hơn là cũng thỏa được chí nam nhi vẫy vùng ngang dọc, chọc trời khuấy nước, tung hoành bốn bể.v.v. Có thể cuộc cờ vẫn chưa kết thúc, dòng đời vẫn tiếp diễn. Nhưng chiến công của Mã thì không thể bị người đời lãng quên. Người chiến binh sau khi đã trả xong món nợ tang bồng hồ thỉ, trả xong món nợ núi sông, đã an nhiên tự tại chọn thái độ lui về rửa tay gác kiếm quy ẩn, rũ sạch bụi trần danh lợi, để tiêu dao ngày tháng với cỏ nội hoa ngàn, trời trăng mây nước? Mã Ngọa Tào, chính là hình ảnh của người kỵ sĩ, đã hoàn toàn cố ý bỏ quên chuyện đời, không màng chi đến những cái gọi là quyền lực danh vọng vênh vang bề thế, (vốn chỉ là những khái niệm có tính cách phù phiếm, hào nhoáng, tô vẽ bên ngoài của kiếp nhân sinh phù du), và càng không còn một chút vương vấn bận lòng chi về chiến công đó - một chiến công lẫy lừng mà muôn đời sau người đời vẫn còn nhắc nhở.
    Và không biết nhà văn quá cố Nguyễn Tuân trong suốt kỳ nghiệp của mình có lắm phen chịu khổ sở vì phải đương đầu với nước Mã Ngọa Tào kỳ lạ này hay không? Hoặc chỉ nên xem đó như là một nỗi ám ảnh hay là ước nguyện của ông, (mà cũng có thể là của mỗi người trong tất cả chúng ta) về hình tượng của một kẻ sĩ Đông Phương được trở về tìm gặp lại chính mình sau gần cả một đời ruổi rong mê mải, lùng sục, tìm kiếm?

  2. #2
    Ngày tham gia
    Sep 2009
    Đang ở
    Vĩnh Long
    Bài viết
    64
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bài đọc được đấy nhưng sao phảng phất vẻ u buồn. Chắc đây là 1 nữ sĩ hay đa sầu đa cảm rồi

  3. #3
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Bài viết
    245
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    đọc xong, nhức mắt luôn....
    Hồi trước anh đẹp trai lắm... bây giờ đỡ nhiều rồi.
    http://namdesign.vn
    Email:hoangnam_nguyen18@namdesign.vn

  4. #4
    Ngày tham gia
    Jan 2010
    Bài viết
    3
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    cảm động quá

Tung vó ngựa hồng 3

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68