Kết quả 1 đến 1 của 1
Chủ đề: Trần Đình giáo chủ
-
12-05-2011, 12:56 AM #1
Trần Đình giáo chủ
Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 5: "Trần Đình giáo chủ"
Đời đánh cờ, Trần Đình Thủy thích nhất gặp Phạm Thanh Mai - Ảnh: N.L.N
Ở làng cờ TP, có hai chuyện mà chỉ mình Trần Đình Thủy làm được; đó là hạ gục kỳ vương Lê Huệ Đông và được phong cấp Quốc tế đại sư ở tuổi trên 60. Giang hồ làng cờ bái phục gọi ông là "Trần Đình giáo chủ".
Thời oanh liệt còn đâu
Trần Đình Thủy là người Hoa gốc Triều Châu, sinh năm 1940. Mới đây, anh em chơi cờ còn "nghe nói ổng mới đi đánh giải mà". Khi đó Trần Đình Thủy đã gần 70 tuổi! Nhưng những người quan tâm đến ông nhiều hơn thì biết "ổng mới bị bệnh, không biết nặng nhẹ thế nào". Một ngày cuối tháng 12.2008, mày mò tìm tới địa chỉ được hội cờ chỉ cho, chúng tôi loay hoay mãi mà không tìm được nhà "anh Thủy đánh cờ". Hóa ra, nhà "Trần Đình giáo chủ" ở đường Xóm Chiếu, Q.4 đã được thay số mới. Vợ "giáo chủ" đon đả rước vô nhà. Bà nói: "Ổng ở đây hồi nào đến giờ".
"Giáo chủ" đang ngồi ăn cơm sáng. Một bàn cơm lớn, nhiều đồ ăn. Thân hình "giáo chủ" vững chãi như cái đình, chỉ thấy gương mặt hơi mệt mỏi. Nhìn qua, không ai biết ông đang mắc bệnh. Bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông buồn bã: "Cách đây hai tháng, ổng ngồi ngoài sân, chỉ cờ cho mấy đứa cháu. Một hồi thấy ổng kêu nhức đầu, đỡ vô nhà ngồi thì không biết gì nữa". Ông Thủy đã bị tai biến. "Nhờ chữa trị kịp thời, giờ ổng mới được như thế này". Bây giờ "giáo chủ" bị liệt nhẹ một bên, cử động rất khó, đi lại hay ngồi ở đâu vợ con cũng phải theo sau trông chừng. Mặc cho bà Dung vui hơn khi nói về sự nghiệp của ông nhưng "giáo chủ" liên tục lắc đầu, "không biết, đau đầu, không nói được". Người con trai nói: "Sư phụ (ông Thủy - PV) giờ thua rồi!".
Năm 1973, kỳ vương Lê Huệ Đông nổi tiếng Hồng Kông được mời sang Sài Gòn thi đấu và đã thắng như chẻ tre. Gặp tới Trần Đình Thủy, một "thượng tướng" trong làng cờ lúc bấy giờ, ai cũng nghĩ giỏi lắm là hai bên hòa. Vậy mà "Trần Đình giáo chủ" đã hạ đo ván kỳ vương bằng 2 ván thua trắng! Ở ngay ván đầu, Trần Đình Thủy đi tiên, chỉ sau 22 nước đã đánh cho kỳ vương tan tác thế trận, đến mức các tờ báo Hoa ngữ đã phải thán phục giật tít: Trần Đình Thủy quá quan trảm tướng. Kỳ vương Hồng Kông bỏ giáp chạy dài!". Dân làng cờ Sài Gòn vô cùng hoan hỉ. Bà Dung hồ hởi: "Chỉ mình ổng đánh thắng được vua cờ Lê Huệ Đông!”.
"Ngũ ca" nhóm Thất Đang Quách Anh Tú, một trong những kỳ thủ hiếm hoi thắng được Trần Đình Thủy khen ngợi: "Ông Thủy là người cao tuổi nhất làng cờ còn đánh giải đến giờ". Ông kể: năm 1965, tay cờ trẻ Trần Đình Thủy được "thượng tướng" Sáu Mẹo chấp một nước tiên nhưng không thắng được. Kể cả khi Sáu Mẹo không dám chấp nữa, đánh phân tiên vẫn thua Thủy dài dài, mất rất nhiều tiền độ. Chuyện này lập tức lan ra giang hồ nhanh hơn cánh chim đại bàng và Trần Đình Thủy được phong ngay lên bậc "thượng tướng". Thời đó, ông Tú có đánh với Trần Đình Thủy, dù thắng nhưng cũng phải khiếp đảm vì Thủy tấn công xuất thần. Các bậc trưởng thượng hồi đó như Ba Hiệp, Năm Sáng, Phạm Thanh Mai… chứng kiến ván đấu của "hai con cọp dữ" cũng hết lời ca ngợi. Sau lần đó, "ngũ ca" mới lấy được danh hiệu "thượng tướng" trong làng cờ độ.
Đeo đuổi "nghiệp cờ", cuối đời về với vợ...
Bà Dung kể: "Trước khi lấy tôi, lúc 23 tuổi, ổng đã đánh cờ. Có giải là đi miết, chẳng mấy khi ở nhà". Dù vậy nhưng vợ chồng "giáo chủ" cũng kịp có tới 10 mặt con, cháu nội - ngoại giờ cũng trên chục đứa, nói như bà Dung thì "mùâng một Tết về thăm đầy nhà". Bà kể: "Tính ổng hồi nào đến giờ có cờ là đi, chẳng điện báo gì cho vợ con hay". Và bà Dung thì "biết tính ổng vậy, cũng chẳng khi nào tôi đi kiếm". Có lần, "giáo chủ" xuất ngoại đi đánh giải, đi từ buổi trưa mà mãi mấy ngày sau, nghe hội cờ báo bà Dung mới biết ổng đi Trung Quốc, khoảng hai ba chục ngày mới về. Bà kể, đời "giáo chủ" đi xa nhiều lắm, từ Vũng Tàu - Bà Rịa (nơi ông đầu quân đánh giải) tới Trung Quốc, Macau, Indonesia, Singapore…
Trong nhà Trần Đình Thủy giờ còn lưu giữ rất nhiều cúp, huy chương ghi dấu những chiến tích vang dội. Hỏi bà Dung "ông có mang tiền thưởng về cho vợ con làm này làm nọ không", bà bảo: "Tính ổng đi xa không bao giờ mua quà cáp. Có thắng thì ổng cho ít tiền, còn lại ổng giữ riêng ăn xài chơi. Chuyện gia đình tôi lo hết". Bà Dung chỉ nhớ có một lần ông Thủy thắng giải, hai vợ chồng mới lấy tiền mang vô bệnh viện làm từ thiện". Còn lại thì "bạn bè ổng đến cũng nhiều lắm, ở chật nhà, đến để dợt cờ, rồi rủ nhau đi tỉnh đánh độ". Bà khoe: "Trần Quới cũng là đệ tử ổng!".
Có lần bà Dung nhớ thế này: Sau giải phóng, có "ông tướng làm lớn lắm", ngoài Bắc tìm đến nhà. Thấy ông Thủy lập tức họ "bắt cóc" lên xe hơi chở đi đâu không biết. Chỉ một ngày một đêm sau, khi "giáo chủ" về được đến nhà, bà mới rõ chuyện. Hóa ra ông cán bộ nào đó vì quá hâm mộ ông Thủy nên cho xe đến nhà, rước đến biệt thự riêng ở đường Nguyễn Thông để đàm đạo, dợt cờ thâu đêm suốt sáng. Lần đó, vợ con "giáo chủ" sợ hết hồn. Tôi nhờ bà Dung phiên dịch hỏi ông Thủy: "Anh ơi, đời cờ anh thích nhất đánh với ai?". Chẳng biết sao mà lúc đó ông Thủy nói được thành tiếng rõ, nói rất nhanh: "Phạm Thanh Mai!". Ông Phạm Thanh Mai là một bậc "thượng tướng" làng cờ, xét ra thì Trần Đình Thủy là hàng hậu bối.
"Lão ngũ" Quách Anh Tú kể, hồi xưa ông Thủy bán thịt heo ở Q.4, ổng là người rất thích cờ và đánh độ. Đi đâu, ổng cũng có các ông chủ đi theo để "ra tiền" cho đánh độ lớn. Cũng chính vì có nhiều tiền, "giáo chủ" mới dễ "cáp độ" được với nhiều cao thủ, qua đó trình độ cờ được lên cao. Lần ông Tú thắng ông Thủy ở sòng cờ trên đường Công Lý, thực ra là tình cờ. Bởi trước đó, ông Thủy chở ông chủ mình tới đây để tìm người "cáp độ" là Sáu Mẹo. Không có Sáu Mẹo, chủ ông Thủy mới kêu tìm tay khác, đánh cho ổng xem. Quách Anh Tú được giới thiệu, hai người đánh phân tiên và ông Thủy thua. Giờ nhớ lại, thấy ông Tú vẫn vui: "Sau giải phóng, tôi về Sài Gòn, gặp lại ổng rủ: Ông thầy ăn em 2 bàn, giờ cho em gỡ lại, lấy danh dự. Tôi hồi đó không có tiền, nói đánh chơi mấy chục thì được. Ông Thủy không chịu, đòi đánh lớn. Tôi không theo…".
Tác giả: Nguyễn Lê Nguyên
Nguồn: Thanh Niên OnlinePhùng Minh Tuấn
Trần Đình giáo chủ
Đánh dấu