Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Rượu - Trang 2
Close
Login to Your Account
Trang 2 của 7 Đầu tiênĐầu tiên 1234 ... CuốiCuối
Kết quả 11 đến 20 của 61

Chủ đề: Rượu

  1. #11
    Ngày tham gia
    May 2011
    Bài viết
    51
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Làm gì có điều kiện để mà nhấm nháp những loại rượu ngon chính hãng như vậy nhỉ !! trong thời buổi rượu giả tràn lan ..thôi đành uống rượu ... Ngó...của Anh Hyh post lên vậy vừa đọc bài vừa nhìn vừa tưởng tượng thấy cũng phê rồi

  2. #12
    Ngày tham gia
    May 2010
    Bài viết
    735
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bài viết hay và rất chi tiết.

    Tiện thể nhờ anh em chỉ dùm chỗ mua tequilla và các loại rượu mùi ở tpHCM để pha cocktail. Xin cảm ơn nhiều.

  3. #13
    Ngày tham gia
    Apr 2010
    Bài viết
    353
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Đôi điều về ly uống rượu:
    Ly champagne có thể chân dài hay chân ngắn đều được. Miễn là để người cầm trên tay sao cho thỏa mái.

    Còn ly uống vang, nhất định phải có chân cao.

    Lý do là: vang được dùng với bữa ăn chính. Người uống vừa uống vang, vừa dùng món ăn. Có một số món có khi phải dùng tay (cả ta lẫn Tây đều có), khi ấy, ly có cái chân cao cao sẽ giúp người uống đỡ gặp rắc rối. Nếu chân ly ngắn, có thể tay đang dính dầu ăn (ví dụ khi ăn thịt gà hoặc sườn), lại nâng ly rượu lên, dầu mỡ lại dính vào bầu ly, nhìn rất mất lịch sự và giảm cảm giác ngon miệng. Thêm nữa, vang thường dùng lạnh, cái chân ly cao giúp tránh được những hạt nước (do ngưng tụ) từ bầu ly chảy nhanh xuống chân ly gây ướt khăn trải bàn ăn (nếu chân ly ngắn, sẽ dễ bị như vậy).

    Ly snifter thì được giới uống rượu Châu Âu trước đây cổ vũ và khuyến cáo dùng cho cognac và armagnac. Chân ly Snifter thường rất ngắn. Mục đích là để khi nâng ly lên, người thưởng thức kẹp chân ly vào khe ngón tay, giữa ngón áp út và ngón giữa, sau đó cả bàn tay khum lên ôm lấy bầu ly. Theo họ, làm như thế thì hơi ấm từ lòng bàn bay sẽ lan tỏa, làm ấm bầu ly, giúp rượu ngon có thêm nhiệt độ để nhè nhẹ, nhè nhẹ tỏa hương. Qua đấy, có thể thấy rằng, người Pháp rất muốn những ai thưởng thức cognac và armagnac ngon hãy thưởng thức tao nhã, từ từ, và nhẹ nhàng. Việc lòng tay ôm lấy bầu ly lúc này không sợ làm ly bị bẩn nữa, vì đây là các dòng rượu after dinner, khi mà tay đã được rửa sạch sẽ, thơm tho.

    Em thì em không thấy có tác dụng cho lắm. Hơi ấm của lòng bàn tay thực ra không đủ để làm rượu ấm lên nhiều. Mà nếu có thể làm ấm lên được, thì tay phải ôm ly rượu thật lâu. Mà lâu quá, thì rượu lại cũng bị bay mất nhiều hương vị. Nói chung, theo em, đây là cách để giới sành chơi Pháp cổ vũ thú chơi của họ mà thôi.

    Chính vì thế, kể từ khi biết đến ly Tulip Shape, em đã dùng loại này thay cho snifter.

    Chính người Pháp bây giờ họ cũng dùng ly Tulip cho các buổi thử rượu và thưởng rượu của họ.
    Uống rượu mạnh, loại aged spirit, thường thì có 05 bước ạ:

    Appearance (Color and Tears, Legs or Ring) - Nhìn ngắm, quan sát màu sắc, chân rượu (giọt lệ, vòng nhẫn), độ sánh, độ đậm đặc của cốt rượu.

    Nosing - Ngửi khi chưa uống.

    Palate - Cảm nhận hương vị đầy đủ trong khoang miệng.

    Body - Cảm nhận cốt rượu khi uống.

    Finish - Cảm nhận hậu vị của rượu (gồm cả hương trong khoang miệng) sau khi đã uống xong.

    Hương thơm của rượu tỏa rộng ra hay không, nó phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và độ ẩm. Không khí ẩm ướt, nhiều nước như mùa nồm ở miền Bắc thì hương rượu không có cách gì để tỏa rộng được.

    Thưởng rượu mà bật quạt nhiều hoặc ngồi uống với bạn bè khi đi pic nic mà ngồi chỗ nhiều gió quá, hương nó cũng bị khuyếch tán nhanh, không phảng phất quanh chỗ ngồi.

    Thời tiết cuối thu, đầu đông của miền Bắc là lý tưởng nhất để thưởng thức hương rượu (cũng như hương của nhiều loại đồ ăn ngon, hoặc nước hoa...). Thời tiết khô vừa vừa (không phải là khô hanh), gió nhẹ, hơi lạnh (không lạnh quá) là rất phù hợp với việc thưởng rượu. Mùa này ngoài Bắc cũng có nét gì đó giống châu Âu.

    Ở miền Nam, theo kinh nghiệm của em, mùa khô vẫn hợp hơn mùa mưa.

    Nếu không có điều kiện thời tiết lý tưởng, thì phải tạo ra thời tiết gần giống như thế.

    Có một số loại rượu rất phù hợp với cách thưởng thức khi vác đi pic nic, nhất là những buổi dã ngoại, leo núi, lội suối và uống với bạn bè trong không gian nhiều cỏ cây, hoa lá. Trong khung cảnh ấy, những loại rượu này tỏa hương dìu dịu và tươi mát, rất fresh và tăng thêm cảm giác vui. Có thể kể đến mấy chai này rất được: Balblair Elements (chai này Hãng khai tử nên tuyệt chủng rồi. Tiếc quá!), Old Pulteney 17yo, Balblair 1991, Glenlivet 12yo, Glenmorangie Original 10yo, hoặc chai JW Green Label cũng được.

    À, mà mùi hương rượu cũng bị ảnh hưởng bởi mùi đồ ăn. Cùng là chai rượu đó, cùng là điều kiện thời tiết đó, cùng là những người bạn cùng ngồi ăn uống với nhau, rượu được rót ra ly, nhưng nếu đồ ăn hôm ấy ngậy mùi quá (như một số món cừu, bò, cá) và có nhiều loại nước chấm tỏa mùi mạnh quá, thì khứu giác của chúng ta cũng bị phân tán, và mùi rượu tự nhiên suy giảm rất nhiều. Điều này dễ hiểu, vì mùi được cảm nhận qua cơ quan khứu giác là đưa thông tin lên não. Trong lúc não cảm nhận và 'xử lý' độ đa dạng quá mức của mùi, đặc biệt là một số mùi đồ ăn gấy kích thích khứu giác mạnh, dường như nó 'quên' bớt đi một ít mùi rượu.

    Dùng bình pha lê (crystal decanter) là một thú chơi nữa của giới thưởng rượu Châu Âu.

    Rượu ngon mua về, khui nắp và sang chai vào decanter. Decanter ít khi bán lẻ, mà đi theo bộ với snifter hoặc tumbler.

    Dùng decanter thì sang trọng.

    Tuy nhiên, theo em, có lẽ đây là thú chơi đề cao tính chất sang trọng và quý phái mà thôi, chứ nếu xét đến yếu tố thưởng rượu, em lại thấy nó không có gì đặc biệt và hay cho lắm:

    - Thứ nhất, chiếc bình decanter nặng trịch, cầm không chắc tay, một số bình được thiết kế rất khó cầm giữ khi rót rượu, nên nhiều khi khó sử dụng. Có lẽ nó hợp hơn với mấy bác trai hay tập thể hình

    - Thứ hai, chiếc nút của decanter cũng bằng pha lê. Muốn tìn được loại rất kín, thì phải mua chiếc bình rất đắt tiền. Còn nếu không, các bác phải mang ra tiệm bán đồ pha lê, nhờ người ta mang mài giúp cho nó có độ khít (nhưng không được khít đến mức lần sau muốn mở nút thì không thể mở nổi).

    Theo em, chỉ nên dùng decanter trong trường hợp sau: các bác chuẩn bị mở một bữa tiệc khá cầu kỳ và hơi sang một tí, bác chuẩn bị rượu và trước khi tiệc bắt đầu (trước khi khách đến), bác decant rượu sang decanter. Trong buổi tiệc, bác mời rượu sao cho rượu trong decanter hết sạch. Sau đó, bác rửa sạch và cất decanter đi dùng cho lần khác.
    Khi uống vang, tốt nhất là các bác cầm ly giống như cách mà người ta cầm trong cái hình sau:



    Có một cách cầm ly vang khác, em cho rằng cách đó rất điệu, đó là dòng 3 đầu ngón tay (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa) để kẹp cái đế ly vang và nâng lên.

    Cách cầm này vừa điệu, vừa có thêm chút ít tác dụng. Đó là, cầm ly kiểu này, người thưởng thức rất dễ lắc nhẹ và đều ly vang để vang nó thở, nó hít hà với không khí, vang sẽ ngon hơn. Khi lắc, các bác lắc nhẹ cổ tay, thì cái ly nó cũng lắc nhẹ theo, nhìn rất đẹp.

    Vang thì trước khi uống, cần phải cho vang thở ô-xy, vì như thế nó sẽ ngon hơn. Tuy nhiên, nếu để nó thở quá lâu, nó sẽ 'ngộp' ô-xy và sẽ mất ngon, giản sut nhiều hương vị.

    Việc cầm ly vang kiểu này chỉ phù hợp với buổi tiệc đứng, trang trọng và nghi lễ. Ví dụ các bác đến dự một số tiệc chiêu đãi của các Đại sứ quán, các bác sẽ được mời mỗi người cầm một ly rượu vang trên tay (có một số tiệc, ngay từ đầu người ta đã mời vang, chứ không nhất thiết cứ khai tiệc là phải bật champagne). Cầm ly rượu xong, các bác bắt đầu phải đứng nghe một số quan khách phát biểu lời hay, ý đẹp, vì thế các bác chưa ược uống. Đôi khi, khá mất thời gian đấy. Lúc này, các bác đứng sao cho đẹp, vừa tự nhiên, nhưng dáng đứng cũng phải sang sang (đsung là ngoại giao, mệt thật!), và là lúc lý tưởng nhất để các bác cầm ly vang bằng ba ngón tay và lắc nhẹ. Tiệc ngồi ăn, các bác không nên cầm như thế, mà chỉ nên cầm chân ly (như trong ảnh chụp trên).

    Một điều nữa, nếu các bác chưa quen hoặc chưa đủ tự tin, thì đừng nên dùng cách cầm ly bằng ba ngón tay. Rất nguy hiểm

    Có lần, một bác trai, trong buổi tiệc sang, ngó nghiêng thấy thiên hạ cầm như thế, bác cũng làm theo, nhưng bác lắc không khéo, nên ly vang nó tròng trành, rồi đổ sang áo vét của một ông Hàn Quốc bên cạnh. Lúc đấy, chắc bác ấy ước có cái lỗ nẻ mà chui xuống thôi. Ngượng lắm!
    Lần sửa cuối bởi hyh, ngày 07-07-2011 lúc 02:30 PM.

  4. #14
    Ngày tham gia
    Jul 2009
    Đang ở
    hai phong
    Bài viết
    3,152
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Cảm ơn bài viết rất chi tiết của bạn. Hay lắm đó. Chủ Nhật này CLB HP sẽ tổ chức giải cờ rượu. Mỗi nước đi các kỳ thủ phải uống 1 ngum rượu như nhau. Bên nào say trước sẽ thua. Mong anh em cổ vũ nhé hihihi
    Trời cho bao năm để rong chơi...?
    Đến khi gặp người, chân rã rời...!

  5. #15
    Ngày tham gia
    Apr 2010
    Bài viết
    353
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Rượu Martell và Dewar's
    1) Nhãn hiệu và Sở hữu

    Làm cognac ở Pháp, hiện nay vẫn có đến vài trăm Nhà, lớn có, nhỏ có, siêu nhỏ cũng có.

    Thực ra, từ khi mới ra đời, những lò nấu rượu cognac, armagnac, calvados, single malt, rum..., rồi những nhà blended whisky đều là các công ty gia đình, quy mô nhỏ và theo truyền thống cha truyền con nối.

    Trải qua thời gian, nhiều nhà trở lên lớn mạnh hơn và thôn tính dần những nhà nhỏ hơn, tuy rằng những nhà nhỏ cũng có bí quyết đặc biệt để nấu ra loại rượu rất ngon, nhưng lại không đủ tiềm lực tài chính và đủ tham vọng thị trường.

    Thêm một bước nữa, thấy ngành rượu béo bở và khả năng trường tồn rất cao, các "đại gia" (những người có thể chưa từng làm rượu, và cũng chưa chắc đã sành rượu) bắt đầu nhảy vào dùng tiền để thôn tính.

    Dù vậy, sau khi mua lại các Nhà nấu rượu quy mô nhỏ, những người chủ sau này vẫn thường chú tâm vun đắp cho nhãn hiệu gốc, chứ không nhập lại hay xóa bỏ đi (kiểu như việc Compaq thôn tính Digital, và rồi sau đó thì HP lại thôn tính Compaq, khiến cho 2 nhãn hiệu này gần như biến mất hẳn trên thị trường).

    Đó là hệ quả của một tập hợp các yếu tố: vừa là quy định của luật, vừa là best practice của ngành rượu, vừa là văn hóa, vừa là sở thích của những người làm rượu.

    Nhiều nhãn hiệu, sau khi được chủ khác mua lại, đã được họ đẩy lên mạnh mẽ hơn, phát triển kỳ diệu hơn, trong đó có Martell và Dewar's.

    Martell từ xưa đến nay vẫn luôn là một trong khoảng mười nhãn cognac đình đám nhất. Hiện nay, Nhà Martell thuộc sở hữu của tập đoàn Pernod-Ricard, sở hwux vẫn thuộc người Pháp, tập đoàn đồ uống hùng mạnh thứ nhì thế giới, sau Diageo của UK.

    Pernod và Ricard trước đây là hai công ty riêng biệt, đúng ra là hai công ty cạnh tranh nhau kịch liệt. Họ là hai nhà nấu rượu mùi anise (rượu mùi có hương liệu tự nhiên chiết xuất từ hoa hồi và quế). Họ tuy không nói ra, nhưng hỏi những người am tường về rượu từ thời Pháp, được biết rằng nguyên liệu mà hai Công ty này chế rượu anise cũng được người Pháp khai thác rất nhiều tại Việt Nam thời thuộc địa, đó là những vùng trồng quế và hồi sát biên giới Việt - Trung.

    Rượu anise đóng chai với nồng độ rất cao, thường khoảng 45% alcohol, và có cốt rất 'nóng trong người' (do là rượu quế, hồi), nên gần như không uống neat được. Người VN sợ nóng, nhưng người xứ lạnh châu Âu lại rất thích vị nồng ấm và kích thích ấy. Họ chế ra rất nhiều đồ uống mix-drink hấp dẫn từ rượu anise. Sản lượng tiêu thụ khắp thế giới luôn rất cao. Tài chính dồi dào. Sau giai đoạn cạnh tranh kịch liệt, hai Nhà hợp lại với nhau với tiềm lực tài chính hùng mạnh hơn, sau đó đi thâu tóm hàng loạt nhãn rượu đình đám khác.

    Chivas và Ballantine's là hai nhãn rượu Premium Blended Scotch Whisky có thời kỳ dài cạnh tranh nhau kịch liệt, vì cùng đẳng cấp, cùng segment, cùng đối tượng khách hàng. Nhưng rồi, sau khi được Tập đoàn Pernod Ricard mua lại, cả hai bây giờ đang sống dưới một mái nhà chung, do Chivas 'lãnh đạo' mảng Scotch Whisky.

    Cũng giống như Tập đoàn Diageo, nếu nhìn vào Danh mục các nhãn rượu được sở hữu bởi Tập đoàn Pernod-Ricard, nhiều nhà làm rượu khác phải phát thèm. Trong số 15 strategic brands của Tập đoàn, Cognac thì có Martell, Single Malt thì có Glenlivet, Blended Whisky thì có Chivas và Ballantine's, Irish Whiskey thì có Jameson, Vodka thì có Absolut, rượu Anise thì có Pernod và Ricard, Rum thì có Havana Club và Malibu, Gin thì có Beefeeter (ngon hơn nhiều so với Gordon's Gin của nhà Diageo), Rượu mùi thì có Kahlúa (mùi coffee), Champagne thì có hai nhãn cực kỳ sang trọng là Perrier-Jouet và Mumm, vang thì có Jacob's Creek (nhãn rất nổi của Úc) và Montana (dòng vang trắng đình đám của NZ). Ấy là chưa kể tới nhiều dòng Single Malt hảo hạng khác của họ như Strathisla, Aberlour...

    Có thể nói, người Pháp rất cầu kỳ trong việc làm rượu (từ nguyên liệu, đến chưng cất, ủ chín, rồi đóng chai, làm hộp và đưa ra thị trường). Có nhiều nhãn nổi tiếng, nhưng trước đây thường chỉ đựng trong vỏ chai và hộp đơn giản, mộc mạc, rẻ tiền (với triết lý: tôi bán thứ chất lỏng bên trong, chứ không bán cái vỏ chai và cái hộp), về tay mấy Công ty Pháp, họ biến thành những sản phẩm long lanh, hấp dẫn, mà chất lượng rượu bên trong không hề suy giảm, thậm chí còn tăng lên. Cả Martell, Chivas, Ballantine's và Glenlivet đều nằm trong số đó.

    Martell Cordon Bleu giá tuy rẻ hơn Martell XO một chút, nhưng những người sành rượu (connoisseur) thường chuộng dòng này hơn Martell XO, cho dù cả hai đều thuộc về những chai hảo hạng.

    Cordon Bleu thì đúng là vẫn trung thành với phương châm 'tôi bán thứ rượu ngon bên trong chứ tôi không bán cái vỏ chai'. Vì thế, trải qua biết bao năm rồi, cái dáng chai Cordon Bleu hầu như vẫn thế, rất đơn giản và đep một cách chân phương. Trong khi đó, như nhiều Nhà khác, Martell đã thay vỏ chai và vỏ hộp cho dòng XO khá nhiều lần. Và cái chai XO Martell bây giờ thì đẹp thật, nhìn rất mẫn cảm và sang trọng.

    Hương vị của Cordon Blue khác xa Martell XO vì họ lựa vùng nho khác nhau để làm ra hai dòng này. Nho để làm rượu Cordon Bleu chủ yếu là nho của vùng Borderies, vùng đất nhỏ bé nhất thuộc đại vùng Cognac. Do thổ nhưỡng và khí hậu, rượu cognac chưng cất từ nho Borderies dậy hương hơn so với hai vùng đất nổi tiếng khác là Grande Champagne và Petit Champagne.

    Rượu cognac Borderies thơm ngào ngạt hương hoa violet và iris. Mùi hương ngọt ngào, dịu dàng, đa tình mà lại e ấp.

    Với các sản phẩm rượu này, họ sẽ ghi là "Product of France" hoặc "Produce of France", "Product of Scotland"...

    Martell mà chuyển sang sản xuất tại Mỹ, sẽ không còn là cognac nữa, khí đó nó chỉ được gọi là American Brandy.

    Luật của Pháp rất chặt chẽ, quy định rằng: đã là cognac thì phải được sản xuất tại vùng Cognac của nước Pháp (vùng này nằm bên bờ Đại Tây Dương, phía bắc vùng Vang Bordeaux), phải được sử dụng trái nho được trồng tại vùng cognac để lên men và đem chưng cất 02 lần trong nồi đồng hình củ hành (double still in pot still), phải được ủ trong thùng gỗ sồi Limousin (rừng sồi miền Trung nước Pháp) tại cellar hoặc warehouse thuộc vùng Cognac trong thời gian tối thiểu 03 năm.

    Không đời nào Nhà Martell lại đi làm cái việc là chuyển sang sx bên Mỹ, thậm chí ngay cả khi Luật pháp và Chính phủ Pháp cho phép.

    Trải qua lịch sử, quyền sở hữu các Nhà làm rượu được sang tay nhiều Nhà, nhiều Công ty, tập đoàn khác nhau, nhưng đối với một số dòng rượu cao cấp như Cognac, Armagnac, Calvados, Single Malt, Rum..., thì việc nó được sản xuất ở đâu từ xưa đến nay, nó vẫn phải được duy trì tại đó.

    Trừ việc đóng chai có thể đem ra nước ngoài thực hiện, tất cả các công đoạn khác trong việc sx cognac phải được thực hiện tại vùng Cognac của nước Pháp.

    Công ty rượu ISC VN cũng có licence để đóng chai rượu cognac Prunier và Hardy tại VN. Khi xuất khẩu cognac ra nước ngoài để đóng chai, Nhà làm cognac xk không được phép xuất nguyên thùng gỗ sồi đang chứa rượu cognac, mà họ phải chiết rượu sang tank bằng inox hoặc các túi giấy hợp kim (chuyên dùng để chứa đồ uống, thực phẩm khi vận chuyển). Những chai rượu Prunier và Hardy được đóng chai tại VN vẫn đề nhãn là "Produce of France".
    Lần sửa cuối bởi hyh, ngày 07-07-2011 lúc 06:14 PM.

  6. #16
    Ngày tham gia
    Apr 2010
    Bài viết
    353
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Đồ ăn với rượu là một đề tài muôn thuở.

    Chắc các bác đã đọc nhiều hoặc nghe nói nhiều về đồ ăn với vang. Câu chuyện này đến nay đã phổ biến, đến mức nhiều người có thể trả lời giống nhau, rằng vang trắng thì dùng với món thịt trắng như thịt gà và các món cá, rằng vang đỏ thì dùng với thịt đỏ như bò, cừu, dê, lợn... Công thức chung thì là như thế đấy ạ, nhưng đi sâu vào chuyện này, nó cũng phức tạp lắm. Bởi vậy, người ta nói "ẩm thực" là cầu kỳ mà, chỉ "ăn uống" mới đơn giản.

    Sành rượu mạnh đã khó, sành rượu vang còn khó hơn. Có những người đến già rồi mới sành vang, sau bao nhiêu năm đã đi khắp thiên hạ để nếm và ngửi đến mươi nghìn loại. Sành vang, nó khó ở chỗ, để phân biệt mùi vị vang, đòi hỏi độ tinh tế cao hơn, loại A và loại B nó khác nhau ít lắm, độ chênh lệch về mùi và vị rất khó nhận biết. Trong khi đó, sản phẩm vang thì đa dạng. Cùng một nhà làm vang, thường đã có khoảng 20 sản phẩm (cả trắng, đỏ và rose) cùng lúc. Đã vậy, cũng nhà đó, mỗi mùa nho, mỗi năm lại khác nhau. Có nghĩa là nếu nhà đó có 20 sản phẩm đưa ra thị trường, thì trong 03 năm, họ đưa ra 60 sản phẩm khác nhau. Mfa nhà làm vang thì nhiều hơn nhà làm rượu mạnh gấp nhiều lần. Cả thế giới thì cũng phải đến vài ngàn nhà làm vang.

    Vang là một thế giới bao la như thế, nên để ghép vang với đồ ăn, nếu ghép chi tiết, có lẽ phải viết cỡ vài cuốn sách dày.

    Em thì em thấy, ngoài công thức chung nêu trên, một số loại vang đỏ cũng rất thích hợp với đồ ăn hơi có vị tanh như cá, tôm, sò. Chẳng hạn như một số chai vang úc, Nam Phi, Chi Lê làm hoàn toàn (hoặc phần lớn) từ giống nho Syrah (Shiraz).

    Trong điều kiện chưa thể ghép chi tiết được, các bác cứ áp dụng công thức chung nêu trên.

    Còn rượu mạnh, cũng có nhiều cái khá hay nếu tìm hiểu để ghép với đồ ăn.
    Trong các loại rượu mạnh, nếu ghép với đồ ăn, dễ nhất và phổ biến nhất là vodka, sau đó đến whisky.

    Cognac, Armagnac, Calvados, Tequila, kể cả Rum nữa, theo em, không nên đem ghép với đồ ăn, trừ khi bị ghép một cách rất cưỡng ép.

    Cognac, armagnac và calvados

    Nhớ mấy năm trước, bác Tổng Giám đốc Hennessy sang VN, sau khi khen VN, khen người VN nức mũi, bác ấy cũng nhấn mạnh, đại ý là VN có nhiều món ăn rất ngon, hương vị rất cân bằng và hấp dẫn và rất hợp nếu uống cùng với cognac Hennessy. Chắc ngoài ý khen (em cũng nghĩ là vẫn có), chắc các bác cũng hiểu bác TGĐ nghĩ gì trong đầu.

    Ngoài các dòng rượu cognac rất ngon để uống neat (after dinner) như VSOP, XO, Extra, Super-Premium Extra Old, hoặc đặc biệt nữa thì có các Vintage và Family Reserve, Cognac còn có dòng rượu trẻ VS được Mỹ và Châu Âu ưa chuộng. Dòng VS này chuyên dùng để pha các mix-drink, long-drink, cocktail... Người Châu Âu và Mỹ ưa dùng các độ uống pha, nên ngoài việc họ tới bar để uống, họ còn mua về nhà để tự pha uống hoặc mời bạn bè. VS lại rẻ (rẻ nhất trong các hạng cognac kể trên), nên nó bán rất chạy. Dòng VS này thì hầu như không bán được ở VN là mấy. Người VN mình nghèo, nên toàn xài XO, hoặc kém lắm thì cũng phải là VSOP

    Tương tự, Armagnac và Calvados, cho dù bây giờ người Pháp đang khen nức nở việc các dòng rượu này rất hợp nếu uống trong các bữa ăn khắp năm châu, em thì em vẫn nghĩ rằng nó luôn là dòng uống để tửong thức after dinner.

    Vì vậy, chuyện cognac, armagnac và mấy dòng em đã kể tên, không bàn sâu về việc ghép với đồ ăn nữa.

    Tuy vậy, em cũng đã thử ghép thành công với một số món. Ví dụ như cognac VSOP có thể ghép với bánh tránh, nem cuốn VN, phở cuốn HN, thịt bao chỉ cháy cạnh.

    Cognac cũng có thể được dùng để rẩy mấy giọt lên các món xào bò, nầm dê nướng, bò lúc lắc trước khi bê đĩa ra bàn ăn.

    Vodka

  7. #17
    Ngày tham gia
    Apr 2010
    Bài viết
    353
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trước khi em quay lại chủ đề đồ ăn (các món ăn chính) nên ghép với vodka và whisky (hoặc cũng có thể là cognac hạng VSOP) như thế nào, em có thể nêu ra một ý như thế này.

    Khi ghép rượu với đồ ăn, người ta quan tâm đến 3 khía cạnh:

    1) Cần có loại nào để làm nẩy mùi loại nào lên?

    2) Cần dùng loại nào để át bớt mùi vị của loại nào đi?

    3) Cần dùng loại nào để đi song hành với loại nào mà xét thấy là phù hợp nhất?

    Chữ "loại nào" ở cả hai vế, đôi khi là rượu, và đôi khi là đồ ăn.

    Các bác hãy thử trải nghiệm và tự đưa ra câu trả lời. Em nghĩ, khi đó, các bác cũng chả cần đến chuyên gia nữa đâu. Chuyện này nó cũng giống như là tại sao thịt chó lại ăn với lá mơ, tại sao thịt chó lại ăn với mắm tôm đánh chanh, tại sao nấu chuối xanh với ốc lại ngon.

    Cá nhân em nghĩ, với đồ ăn Việt, xin mời mấy ông Tây dẹp ra để người Việt chúng tôi tự cảm, tự ghép và đưa ra công thứuc chung. Chứ họ ở tận châu Âu, họ ghép với các món Âu thì được, nếu họ ghép với món Á, chưa chắc đã tinh tế. Đành rằng, có thể họ hơn chúng ta ở độ cảm nhận sâu theo những nguyên tắc nhất định, và dựa vào các nguyên tắc đó, họ sẽ ghép rượu của họ với các đồ ăn khác nhau (kể cả các đồ ăn họ chưa từng biết tới trước đó), nhưng em nghĩ, nếu để ý hơn một chút, các bác sẽ ghép được tốt hơn đấy. Chẳng qua các bác chưa thử mà thôi.

    Vậy nên, có câu đó của ngày hôm nay ạ:

    Theo cảm nhận và trí nhớ của các bác, mùi vị những món ăn Việt nào có thể ghép được với những loại rượu mạnh nào (vodka lúa mỳ, vodka lúa mạch, vodka nho, vodka khoai tây, vodka mạch đen, vodka tổng hợp, single malt, blended whisky, cognac...)?

    Các bác hãy thử trả lời mà không tra cứu hay hỏi bà xã hoặc ban gái nhé.

  8. #18
    Ngày tham gia
    Apr 2010
    Bài viết
    353
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Rượu, bạn bè, bóng đá, sự chia sẻ và lòng yêu nước

    Chiều hôm qua, cuối giờ, khá bận. Đã định về nhà sớm một hôm, nhưng lại có một ông anh gọi điện thoại nói muốn ngồi anh em với nhau chút, vừa ăn cơm tối, vừa xem bóng đá. Cũng nể ông anh vì lâu lâu chưa gặp, nên đồng ý ra ngay. Thêm nữa, cũng thấy thinh thích khi được ngồi xem bóng đá ngoài quán, với rất nhiều người xung quanh, chứ xem ở nhà thì cũng không có không khí lắm.

    Ra đến nơi, mới thấy quán ấy là một nơi không thật phù hợp để uống rượu ngon và thưởng thức đồ ăn. Nghĩa là chỗ ấy chỉ có thể đến để ăn cho xong bữa hoặc đến để ngồi với nhau mà chuyện ăn uống không quan trọng gì. Không sao cả!

    Ông anh, rốt cuộc lại là người đến sau.

    ***

    Hớn hở gọi mấy món nhậu, ông anh kêu mấy bé phục vụ mang cho chai Vodka Hà Nội nhỏ và hai cái ly. Vẫn như ở bất kỳ đâu bán rượu Vodka Hà Nội, hai cái ly con con, bé xíu, nhìn cũng hay hay, nhưng mấy bé phục vụ lười rửa hay sao mà thấy nó lem nhem quá.

    Thấy mình cứ nhìn nhìn chai rượu rồi lại hai cái ly, ông anh cười cười:

    - Hôm nay cứ thế cho nó dân dã nhé! (...) uống được rượu này không?

    - Em uống được chứ, nhưng chỉ một chút nhấm nháp cho vui thôi. Anh uống được bao nhiêu cứ uống.

    Chợt nhớ ra, trong cốp xe có để một chai whisky ngon, mua từ hồi Tết Âm lịch, mới để trên xe dự định mang tặng sinh nhật một ông khách quen vào Thứ Sáu tuầnn nàyi, liền bảo:

    - Em có một chai khá ngon, hay là uống whisky nhé?

    Ông anh đương nhiên là đồng ý. Lão cũng rất thích whisky, nhưng giảng mãi bao lâu nay, giờ vẫn thấy uống whisky như uống vodka.

    Chạy ra xe lấy chai whisky, tiện thể mang luôn mấy cái ly lúc nào cũng để sẵn. Ly có chân (snifter, tulip shape) thì ngại mang vì sợ nó xô lệch, dễ vỡ và bất tiện, nên để sẵn mấy chiếc tumbler. Mấy chiếc tumbler này thuộc loại rất đẹp của hãng Glenmorangie, là hàng crystal, thường dùng cho các tasting events của Nhà Glenmorangie hoặc bán kèm chai Original 10yo hàng Gift Box vào các dịp Tết.

    - Chai gì đấy?

    - Catto's 25 năm anh ạ.

    - Sang thế? 25 năm cơ à? Giá mấy triệu?

    - Cũng lạ. Em mua hồi Tết vừa rồi, giá 2 triệu 6. Không hiểu sao hàng 25 năm mà lại có giá đấy. Quay lại cái shop em mua hồi Tết định kiếm thêm vài chai nữa thì thấy hết sạch hàng rồi.

    - Chai đẹp thế? Pha lê à? Đây là rượu đơn à? Ngon không?

    - Không ạ. Đây là hàng Blended. Em chưa từng thử qua. Hôm nay, uống với bác là uống lần đầu đấy.

    Chai Catto's 25yo này quả là lạ. Nhìn thoáng qua giống một chai bằng pha lê, nhưng thực ra giá ấy thì làm sao mà có pha lê được, đây chỉ là chai thủy tinh thôi. Chai này thì phải gọi là decanter chứ không gọi là bottle được. Cũng giống như mấy chai Single Malt cao cấp được làm theo dạng decanter, chai này có hai nút. Chiếc nút đóng theo chai thì là nút bấc, nắp gỗ, nhìn cũng khá bắt mắt. Bên trong hộp còn có 1 chiếc nút bằng thủy tinh, to to, dầy dầy, nằng nặng, vuông vuông.

    Mở rượu, ngửi một chút hương đầu tiên trên cổ chai, rồi đưa ông anh ngửi một chút theo cách tương tự. Ông anh chà chà, được đấy!

    Bỏ cái nút bấc sang bên cạnh, nhấc cái nắp thủy tinh đặt lên. Oa, đẹp quá, thiết kế rất ổn. Mấy bác bàn bên cũng tò mò quay sang nhìn, vừa nhìn mình, vừa nhìn chai rượu. Thỉnh thoảng lại liếc xéo một cái. Vui ghê!

    ***

    Trận đấu bắt đầu. Mọi người bắt đầu ồ, à. Thỉnh thoảng có bác đứng bật lên như muốn đá bóng. Ý bác ấy là cầu thủ A phải đá thế này, cầu thủ B cần phải đá thế kia chăng. Vui phết!

    Ông anh đòi chạm cốc và uống luôn.

    - Này bác, thưởng thức rượu ngon, bác nhớ em nói với bác cần thế nào không?

    - À, à, nhớ chứ - xoay xoay ly rượu lên trên, ông anh bảo - Màu này thì gọi là hổ phách à? Thơm đấy, thơm phết, hơi giống Chivas 25 tuổi nhỉ?

    - Màu này theo em thì có thể gọi là hổ phách và vàng hơi đậm (amber, dark gold). Anh nhận xét thế thì chuẩn rồi.

    - Hương thơm hoa quả nhỉ. Anh chỉ biết thế thôi. (...) cho ý kiến xem thế nào?

    - Vâng, đúng! Thơm thơm hoa quả, vừa có hương vị hoa quả tươi như táo, lê, nho, vừa có chút hương hoa quả khô và mứt như quả chà là, táo tàu và mứt gừng, đương nhiên là rất nhiều hương mật ong, vani. Rượu này theo phong cách Speyside anh ạ. Anh nhận xét giống mùi Chivas 25 năm là đúng đấy. Chivas 25 năm có vẻ hương tươi trẻ và nồng nàn hơn. Loại này đậm đà và sâu hơn một chút.

    Chạm cốc và uống một ngụm nhỏ. Mấy anh bàn bên cứ nhìn nhìn mình! Lạ hả? Có gì mà lạ chứ?

    Trong khoang miệng, cảm giác ban đầu là rượu khá dịu ngọt (khá nhiều hương vị mật ong và vani), sau đó, hai bên vòm miệng hơi tê tê vì cảm giác spicy, nồng ấm (hương vị của mấy loại hoa quả khô và quế đây mà). Đẩy hương lên một chút, thấy có hương vị là lạ, giống như ăn một đồ ăn có thêm tí nước cốt dừa. Có một chút gì đó mùi của blue cheese và mùi kẹo bơ thơm nhẹ.

    Đồ ăn thì mình gọi một đĩa cải xoong cho có vị giòn và thơm hanh hanh, hợp với vị rượu có nhiều hương mật ong và vani. Rượu này thì không nên dùng với những đồ ăn có quá nhiều dầu. Ông anh gọi thêm một đĩa thịt chân giò luộc, một ít bò xào cần tỏi và một đĩa gà rang muối. Quá nhiều cho hai người! Hỏi ông anh xem có thêm ai nữa không, ông anh bảo là tụi bạn giờ yên chỗ hết rồi, tụi nó ngại di chuyển.

    Uhm, gà rang muối, không ngậy và nhiều vị gà như hấp hoặc luộc. Mùi thịt gà thơm nhẹ hơn, có thêm mùi thơm gia vị (gừng, chanh, xả?). Được! Thấy ghép với rượu này cũng khá ổn.

    Em phục vụ quay sang ông anh hỏi: anh ơi, nhà em hôm nay có món dạ dày ngon lắm. Á à, có vẻ như ông anh là khách quen ở đây. Ông anh quay sang mình nhìn nhìn. "Anh ơi, thế đủ rồi anh ạ". Nghĩ bụng, nhiều protein quá, mà có thể không dùng chai này với món đấy được. Món đấy uống với rượu có nhiều vị khói cay nồng như chai Black thì hợp hơn.

    ***

    Vào... vào... vào rồi...

    Ông anh hét toáng lên cùng với mấy cậu phục vụ. Rất nhiều người trong quán cũng đứng bật dậy. Bàn thắng đẹp quá! Chưa kịp nhìn ra là ai. Hỏi ông anh, ông anh bảo chưa nhìn rõ, mải nói chuyện quá. Quay sang ông bên cạnh hỏi mấy bác đang chúc nhau lia lịa chai vodka Hà Nội to bổ chảng (chai 75). Một ông bảo, Thành Lương chứ ai. Thằng Thành Lương giỏi thế. Một lúc sau, mới biết là Vũ Phong.

    Không khí rôm rả hẳn. Mấy bàn bên, bàn thì vodka, bàn thì bia hơi Hà Nội, chạm leng keng liên tục. Ông anh cũng rót liên tục, vừa cham vừa uống. Thời gian chạm là 1/5, thời gian ngửi cũng 1/5, còn thời gian uống là 3/5. Ông anh bảo "uống đi chứ!". Không, em chỉ thế thôi, vài ly thế này thôi, chứ uống nhiều say chết. Ông anh tiếp "rượu ngon thế này mà không uống thì phí à!". Nói vậy thôi, chứ ông anh rót và chạm liên tục. Một người cứ chạm và ngửi và nhâm nhi. Một người cứ chạm, ngửi tí chút và uống liên tục.

    Cái chai hết khoảng 1/4. Nhanh phết! Ông anh cứ nhìn nhìn cái chai. Thấy thế, bèn cười bảo: em tặng anh đấy. Anh uống được bao nhiêu thì uống, còn lại cầm về uống sau cũng được, cứ gì phải uống hết ở đây làm gì cho mệt. Rượu nó uống người thì chít. Ông anh hà hà, cỡ anh thì chai này hôm nay hết ngay, thật đấy! Vâng, kệ bác!

    - Lát nữa còn bao nhiêu, bác cứ cầm cả chai. Em chỉ xin lại một ít để thỉnh thoảng ngửi thôi.

    - Lấy bằng cách nào?

    - Lát nữa, em xin cái vỏ chai vodka nhỏ, lấy một ít thôi mà.

    - À, mà uống xong anh đừng vứt vỏ chai đi nhé. Anh nên dùng để đựng rượu khác, mấy vại táo mèo của anh chẳng hạn.

    - Ừ, đương nhiên rồi. Chai này quá đẹp! Để anh uống hết, hôm nào kiếm chai Jôn đen, đổ vào đây mời mấy thằng bạn cho nó oách. Đố chúng nó biết được. Chúng nó lại chả bảo: rượu 25 năm ngon thế! Ha ha!

    ***

    Trận đấu càng về cuối càng căng. Ông anh cứ vừa uống vừa thấp thỏm. Mình cũng bưng bát lên lại bỏ xuống vì lòng thấy không yên. Lo quá!

    Đồ ăn bị thừa rất nhiều.

    Mấy em phục vụ xuýt xoa, la hét, rồi tum năm, tụm bao để xem, quên cả phục vụ. Mà cuối trận, chẳng ai buồn gọi thêm gì nữa.

    Mải nói chuyện và uống, hai anh em cũng chẳng biết cầu thủ Trọng Hoàng bị đuổi lúc nào. Đến cuối trận mới thấy mấy cậu BLV nói lại. Mà lúc cuối, cậu ấy nói nghe bực mình quá: gì mà "cơ hội của Sing", "liệu Sing có tận dụng được để lật ngược hay không"... Nghe cứ như BLV của Sing ấy, rất gở!

    Bàn bên cạnh, 6 bác đã "đánh" hết 2 chai vodka nhỏ và 1 chai to. Một cái vỏ để đứng, hai cái thì quay cu lơ trên bàn. Các bác biêng biêng hết cả.

    ***

    Trận đấu kết thúc. Mọi người xung quanh hò hét ầm ĩ. Không khí rất phấn khích.

    Lúc TV quay cảnh mấy cầu thủ và mấy bác làm bóng đá lao vào sân ôm nhau rồi khóc, lòng cũng thấy nghèn nghẹn. Chợt một cô bé phục vụ gọi mấy cậu choai choai bảo: Ơ, nhìn cái Thanh kìa, xem nó khóc hay chưa kìa! Quay lại nhìn, thấy cô bé phục vụ, người nhỏ xíu, hiền lành, chất phác đang rấn nước mắt, đôi mắt đỏ hoe, đứng nép vào cột.

    Chợt thấy lòng mình vừa ấm áp, vừa rưng rưng... Thấy cuộc đời thật ý nghĩa. Cô bé khóc vì hạnh phúc. Có lẽ cô bé ấy chả hiểu gì lắm về bóng đá, chả hiểu gì lắm về việc sau chiến thắng này thì đội tuyển có thi đấu nữa không hay đã thắng hết các trận đấu rồi. Cô bé khóc vì thấy đội VN chiến thắng, vì thấy các cầu thủ đã có một chiến thắng sau một trận đấu vất vả - sự vất vả và nhọc nhằn có thể nhận thấy thông qua cái không khí căng thẳng và náo nhiệt của quán. Niềm vui và hạnh phúc bé nhỏ và thật giản dị. Muốn chạy lại ôm lấy cô bé một cái, nhưng lại không làm được! Mà cũng chả cần phải làm thế làm gì! Hãy để cô bé cảm nhận, hạnh phúc và niềm vui theo cách riêng của bé. Đấy cũng là một cách để chia sẻ niềm vui.

    Niềm vui khi được chia sẻ với bạn bè, với mọi người, với cuộc đời cũng là một niềm vui lớn! Trong cuộc đời, có nhiều thứ để chia sẻ và có nhiều cách để chia sẻ khác nhau.

    Thấy yêu đất nước và con người VN mình hơn trong những dịp như vậy. Có thể cô bé kia cũng chẳng hiểu cặn kẽ yêu nước là gì, như thế nào và theo cách nào. Nhưng cảm giác rõ ràng là trong những giọt nước mắt hạnh phúc của cô bé đó cả những giọt nước mắt dành cho con người VN và đất nước này, theo cách riêng của cô bé. Chắc chắn rằng cô bé sẽ có một đêm thao thức và niềm vui sẽ còn lâng lâng.

    ***

    Nhấc chai rượu lên ngắm nghía. Còn hơn một nửa. "Anh uống giỏi thật đấy ". Ông anh cười khật khật. Bỏ cái nút thủy tinh ra, nắp cái nút bấc lại, nhét vào hộp. Đặt cái nút thủy tinh vào lại chỗ cũ, nhìn ông anh: "Anh đừng vứt cái nút bấc đi nhé. Nếu để trong hộp, thì dùng nút bấc đấy".

    Chia tay ông anh. Ông anh xách chai rượu ra xe, vẻ mặt rất mãn nguyện và phấn chấn. Chắc chắn rằng đối với ông anh, tối nay sẽ là một buổi tối rất đáng nhớ.

    ****

    Trên đường về, dọc đường Kim Mã, thấy rất nhiều thanh niên lao nhanh ra đường, xe máy phóng vùn vụt, cờ đỏ bay phần phật. Thỉnh thoảng, gặp chỗ ngã tư, cánh thanh niên tụm lại, phất cờ và hò reo ầm ĩ: "Việt Nam vô địch! Việt Nam vô địch". Họ đang rất vui và phấn khích.

    Cho dù với bất kỳ cách nào, vẫn nghĩ rằng, trong lòng những thanh niên ấy đang hừng hực men say chiến thắng và lòng yêu nước. Họ yêu nước theo cách riêng của tuổi trẻ, lứa tuổi đang nhiều năng lượng và có phần bồng bột, dễ phấn khích và dễ bị kích thích!

    Các em hãy cứ vui đi! Cuộc đời vất vả lắm, nên mỗi khi có dịp gì để tận hưởng niềm vui và chia sẻ niềm vui với người khác, hãy cứ làm! Có điều, hãy vui và tận hưởng với trái tim nóng và cái đầu lạnh nhé! Đừng làm gì quá đáng đấy! Hãy cứ vui đi!

    Đêm 08/12/2010

    Hoài Hương.

  9. #19
    Ngày tham gia
    Sep 2011
    Đang ở
    United Kingdom
    Bài viết
    1
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Về cờ và rượu em gửi các bác cái này:


    Còn rượu ngon thì mời các bác xem: Shop rượu xách tay - thegioiwhisky

    Cảm ơn các bác!
    Whisky nội địa Anh quốc! www.thegioiwhisky.com/shop-ruou-xach-tay

  10. #20
    Ngày tham gia
    May 2010
    Bài viết
    499
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Hay quá, cám ơn rất nhiều!
    Đừng tự hào vì nước mình nghèo mà mình vẫn giỏi ,mà hãy hỏi vì sao mình giỏi mà nước mình vẫn nghèo .

Rượu
Trang 2 của 7 Đầu tiênĐầu tiên 1234 ... CuốiCuối

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68