Giàu 2 con mắt, khó đôi bàn tay!


Ai sinh ra cũng đều phải trải qua Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Nhưng để được sống là điều không hề đơn giản và để sống thế nào cho tốt là vấn đề hết sức khó khăn.

Tôi vừa sinh ra đã không có cả 2 tay do bị nhiễm chất độc màu Da Cam từ bố (bố đi bộ đội đánh Mỹ ở chiến trường Miền Nam rồi bị nhiễm chất độc Da Cam). Lúc tôi sinh ra không hề cất tiếng khóc chào đời cũng không cười (bố kể lại), có lẽ tôi biết trước được chuyện gì sẽ đến với tôi. Cuộc đời tôi đã trải qua biết bao nhiêu là cay đắng, tủi nhục. Kể từ khi tôi ra đời thì gia đình tôi ngày nào cũng bị dân làng, hàng xóm chửi mắng là ăn ở thất đức nên mới sinh ra tôi như vậy. Bố mẹ tôi rất đau khổ nhưng lại không nói được gì đành im lặng nuốt nước mắt mà chịu đựng. Gia đình tôi phải sống trong cảnh nghèo đói, không đủ ăn, bố thì ốm đau nằm liệt giường lại thêm tôi như vậy nữa. Anh chị tôi còn nhỏ chưa biết làm gì nên mọi việc trong nhà đều do một mình mẹ tôi gánh vác. Cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.




Mẹ tôi từ sáng sớm đến tối mịt phải cặm cụi lam lũ ngoài ruộng đồng, tối về lại phải chăm sóc cho bố và mấy đứa con. Gia đình tôi chỉ biết ăn khoai, sắn để sống qua ngày. Nếu may mắn thì được ai đó có lòng hảo tâm cho bát cơm, bát cháo. Cứ như vậy gia đình tôi chỉ biết dựa vào nhau mà sống cho qua ngày mà không biết cuộc đời sẽ đi về đâu.

Mãi cho đến khi tôi lên 6 tuổi, tôi mới biết nói, biết đi nhưng chưa một lần hé môi cười và lúc này tôi lại khóc nhiều hơn. Có lẽ tôi hiểu biết về cuộc đời sớm hơn các bạn khác. Khi các bạn bình thường khác tay trong tay, vai đeo khăn quàng đỏ tung tăng vui đùa cắp sách đến trường thì tôi chỉ ngồi một góc nhà thui thủi một mình nhìn các bạn đi học. Cứ ngày này qua ngày khác nhìn các bạn đi học, tôi chợt nhìn lại mình và phát hiện ra một điều: tôi không có 2 tay như các bạn nên tôi không được đi học như các bạn.

Rồi một ngày tôi xin bố mẹ đưa đi học nhưng bố mẹ không cho, tôi khóc lóc van nài mãi, bố mẹ thấy tôi có tính ham học nên cũng phải chiều theo. Hôm sau bố dẫn tôi đến trường xin học. Cô giáo thấy thương nên cũng cho vào lớp. Kể từ đó bạn bè thường cười đùa, trêu chọc tôi là thằng này thằng kia. Tôi thấy xấu hổ và tủi nhục vì bản thân. Sau 2 ngày đi học, tôi không biết viết, chỉ biết ngồi nghe một cách chăm chú. Đến ngày thứ 3, cô giáo đành phải trả tôi về nhà và nói với bố mẹ tôi là tôi không học được, anh chị nên cho cháu ở nhà. Tôi rất buồn nhưng không biết làm gì. Một lần nữa tôi lại xin bố mẹ cho đi học nhưng bố mẹ không cho. Hàng ngày tôi đành trốn bố mẹ lén ra lớp đứng ngoài cửa sổ xem các bạn học bài. Ngày này qua ngày khác, bất kể nắng hay mưa tôi vẫn đến lớp thường xuyên. Một ngày mưa to không thấy tôi về nhà, bố mẹ lo lắng đi tìm kiếm và thấy tôi vẫn đứng ngoài cửa sổ xem các bạn học bài, người tôi ướt sũng, trời rét run mà tôi không hay biết gì. Bố nhìn tôi thương xót và nói: “Thôi con ạ! Con về với bố, bố sẽ dạy con học và tập viết”. Hôm sau, tôi không còn đến trường nữa, ngày nào 2 bố con cũng cặm cụi tập viết. Quá trình tập viết của tôi hết sức khó khăn, vất vả. Các bạn bình thường viết tay đã khó, với tôi viết chữ bằng chân còn khó khăn hơn. Tôi cặp phấn vào chân viết mà không thể cặp nỗi, chân thì cứng đơ, phấn thì rơi ra hoặc nát bấy. Qua nhiều lần như vậy thì tôi cũng đã cầm được phấn nhưng khi viết thì chữ ngoạch ngoạc không ra chữ.

Vì thương con, nhiều lúc bố tôi thấy nản và khuyên tôi bỏ học nhưng tôi vẫn quyết tâm tập viết. Cứ như vậy suốt ngày tôi quên ăn, quên ngủ để tập viết. Tôi mãi viết đến nỗi phấn ăn lở loét hết cả 2 ngón chân cặp phấn. Mẹ thấy tôi ham học quá nên bảo tôi nghỉ một lát để mẹ tra thuốc cho nhưng tôi không chịu. Thế là không còn cách nào khác, mẹ đợi đến tối tôi ngủ say rồi mẹ mới lén tra thuốc cho tôi. Sáng hôm sau tôi tập viết thì phấn lại ăn lở loét cả 2 ngón chân, đêm nào mẹ cũng lén tra thuốc như vậy đến khi tôi chuyển sang viết bút chì thì ngón chân mới thôi lở loét. Được một thời gian, tôi chuyến sang viết bút bi thì giấy lại rách nát không thể viết nỗi và phải mất gần 3 năm tôi mới viết được chữ thành thạo. Đến năm 9 tuổi tôi bắt đầu vào học lớp 1, vẫn cô giáo ngày xưa. Cô giáo thấy tôi và cũng muốn một lần nữa trả tôi về nhưng tôi đã nói với cô: “Cô cho em viết thử rồi cô đuổi em về cũng được”. Tôi bắt đầu viết những chữ đầu tiên đến khi tôi viết hết câu thì cô giáo, các bạn và phụ huynh học sinh đều ngạc nhiên đến lạ thường. Cô giáo quyết định cho tôi vào học. Trong suốt quá trình đi học tôi đều bị các bạn trêu chọc nhiều hơn. Nhiều lúc tôi cảm thấy xấu hổ, nản chí và muốn bỏ học nhưng bố mẹ động viên tôi rất nhiều, tôi thường suy nghĩ về gia đình, về cuộc đời mình sau này và tôi càng quyết tâm học hơn. Mấy năm học cấp 1 tôi đều học và viết chữ đẹp hơn các bạn. Cô giáo yêu quý tôi hơn, các bạn cảm thấy khâm phục và ít trêu chọc hơn. Năm lớp 3 tôi được trường cử đi thi “Vở sạch chữ đẹp” và tôi đạt giải đặc biệt. Tôi được đài Truyền hình và báo chí biết đến. Càng ngày tôi càng được nhiều người biết đến rồi các nhà hảo tâm, các tổ chức, đoàn thể đến thăm nhà và trao học bổng. Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình tôi cũng đỡ vất vả hơn.

Suốt 12 năm học tôi đều đạt học sinh giỏi các cấp. Nhờ có những học bổng mà việc học của tôi đã không bị gián đoạn. Tôi tiếp tục thực hiện ước mơ vào ĐH của mình và ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Vào được ĐH là việc không hề đơn giản và để tiếp tục học ĐH thì càng khó hơn nhiều. Thu nhập của gia đình tôi chỉ phụ thuộc vào 4 sào ruộng thường xuyên bị mất mùa. Lúc này việc học của tôi càng trở nên khó khăn hơn.



Lá lành đùm lá rách!

Trong lúc khó khăn này thì tôi nhận được học bổng của quỹ “Thắp Sáng Niềm Tin”. Quỹ học bổng “Thắp Sáng Niềm Tin” chính là chiếc là rành luôn bao bọc, che chở cho những chiếc là rách kém may mắn hơn mình, những chiếc lá rách chính là tôi và các bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi.

Gia đình tôi rất hạnh phúc và biết ơn quỹ “Thắp Sáng Niềm Tin” rất nhiều. Quỹ đã phần nào giúp tôi trang trải cho việc sinh hoạt và học tập. Nếu không có Quỹ thì tôi không biết làm sao để có tiền để sinh hoạt và tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình trong suốt 5 năm học ĐH. Không những tôi vinh dự được nhân học bổng của Quỹ mà tôi còn được làm một thành viên của Đại gia đình “Thắp Sáng Niềm Tin”. Ở đây, mọi người luôn xem nhau như anh em, như người thân trong gia đình. Mọi người luôn yêu thương, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẽ kinh nghiệm học tập và cùng hỗ trợ nhau học tốt hơn.

Từ khi được tham gia vào Đại gia đình “Thắp Sáng Niềm Tin”, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc, tôi thấy mình yêu đời hơn, lạc quan hơn, mạnh mẽ và tự tin hơn, tôi không còn cảm thấy tự ti và mặc cảm về bản thân mình. Gia đình “Thắp sáng niềm tin” là nơi các bạn sinh viên giao lưu, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, sinh viên vào đây không những được vui chơi, giải trí mà còn được thể hiện tài năng của mình. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi được làm ca sĩ đứng hát trước biết bao nhiêu, cảm giác đó thật là vui. Quỹ luôn tìm hiểu và phát huy những tài năng của các bạn sinh viên, tạo điều kiện cho các bạn được thể hiện tài năng của mình. Ngoài ra, Quỹ còn tổ chức cho các bạn được đến các Mái ấm tình thương, các Trại mồ côi và các Trung tâm khuyết tật để thăm hỏi, động viên và trao quà cho các em nhỏ, các bạn khuyết tật. Qua những lần đi thăm hỏi như vậy, tôi càng cảm thấy hạnh phúc hơn, đồng cảm hơn với những cảnh ngộ bất hạnh và kém may mắn hơn mình. Các bạn sinh viên biết yêu thương mọi người hơn, yêu quý những người xung quanh mình hơn và yêu thương chính bản thân mình.

Đại gia đình “Thắp Sáng Niềm Tin” như là gia đình thứ hai của tôi vậy, tôi sẽ luôn yêu quý, trân trọng và sẽ không bao giờ quên Đại gia đình “Thắp sáng niềm tin” đã cho tôi những tình cảm quý báu và một tấm lòng bao dung.



Tôi yêu các bạn rất nhiều!



Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Để gió… cuốn đi!



(Nguyễn Minh Phú - Sinh viên trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG Tp HCM)