CHÀO TẾT THÂN THƯƠNG.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết cổ truyền, những ngày nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm đối với mọi người dân Việt Nam. Những ngày này, đồng bào cả nước luôn hướng về quê hương, nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình. Những ngày đoàn tụ của nhiều đại gia đình, những ngày xum họp, những ngày du lịch xả hơi sau một năm lao động. Tết đối với người Bắc đặc biệt quan trọng bởi đó không chỉ là những ngày gửi đến những người thân lời chúc mừng năm mới nhiều may mắn, tràn đầy hạnh phú mà còn là ngày để mọi người bày tỏ sự biết ơn đến những bậc sinh thành ra mình: cha mẹ, ông bà, tổ tiên...

Trên những con phố Hà Nôi, thấp thoáng những cây hoa mai trắng tinh, hoa đào đỏ thắm và những cây Quất trĩu nặng trái vàng ruộm của những người bán hàng rong. Trong ít ngày nữa thôi thì khắp mọi ngả đường Hà Nội sẽ biến thành những con phố rực rỡ cờ hoa. Những khuôn mặt tràn ngập niềm vui, hân hoan đón tết cùng những chợ hoa được thành lập khắp mọi nơi. Cái không khí se lạnh khiến cho mọi người như muốn gần nhau hơn. Mỗi người đều chọn cho mình cành đào đẹp nhất, đó là cây đào, cành đào có đầy đủ cả hoa, nụ và lộc. Nếu cầu kỳ và có điều kiện hơn nữa thì lựa chọn những cây đào thế hay cây mai thế. Hoặc mỗi người có thể tìm cho mình cây Quất đẹp nhất có những trái vàng lẫn trái xanh và lộc non. Ngoài Đào, Mai,Quất để chơi tết người ta còn tìm mua những đóa hoa Dơn, hoa Violet, Thược Dược... để trang hoàng bàn thờ hay phòng khách thêm trang trọng.

Các khu chợ truyền thống, các siêu thị thường đông nghẹt khách những ngày giáp tết. Gia đình nào cũng mong muốn có một cái Tết tươm tất: từ bánh trưng, thịt gà, giò lụa ... cho đến các loại bánh trái, hoa quả. Họ không chỉ chuẩn bị đầy đủ cho các thành viên trong gia đình mà còn sẵn sàng thực phẩm ngon để mời người thân, bạn bè, khách quý đến nhà thết đãi. Tết quả là những ngày hội thực sự.

Gia đình nào cũng chuẩn bị một mâm ngũ quả thật đẹp: nào phật thủ, hồng xiêm, cam, quýt, nải chuối xanh nhiều quả.( Người miền Nam ít dùng Cam, Chuối trong mâm ngũ quả). Tùy điều kiện và sở thích, mỗi gia đình sẽ lựa chọn năm loại hoa quả có màu sắc khác nhau để bày biện. Mâm ngũ quả tượng trưng cho âm dương ngũ hành, và cũng thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi dâng lên tổ tiên những sản vật thơm ngon nhất của quê hương mình. Nhiều gia đình cũng chọn hai cây mía gióng dài, đều, thân to có đầy đủ cả lá, rễ đặt hai bên bàn thờ để tổ tiên dùng làm đòn gánh gánh lộc cho con cháu dâng tặng mang về trời.

Trong dịp Tết, Ai cũng xúng xính trong những bộ đồ mới, từ các em bé đến người già. Rũ bỏ hết những toan thường nhật để tận hưởng Xuân mới, tận hưởng niềm vui và đem đến niềm vui cho người khác. Người ta mừng tuổi cho nhau những phong bao lì xì đỏ chứa những tờ tiền mới tinh tượng trưng cho mọi sự tốt lành: chúc các em bé ăn ngoan, học giỏi, nghe lời bố mẹ, thầy cô; chúc những người già mạnh khỏe; chúc nhau gặp nhiều may mắn...

Những điểm bắn pháo hoa đêm 30 tết được trải đều khắp thành phố. Những chùm pháo hoa sặc sỡ muôn màu, đủ các hình thù đẹp đẽ, thu hút những ánh mắt lấp lánh, tràn ngập yêu thương. Từ Hồ Gươm, Hồ Tây, Sân vận động QG Mỹ Đình... những điểm bắn pháo hoa quen thuộc của người Hà Nội cũng là điêểm hẹn của nhiều cặp trai gái yêu nhau, tay trong tay ấm áp... và cũng là điểm đến quen thuộc của nhiều gia đinh khi du Xuân. Sau khi xem bắn pháo hoa, nhiều người thường đi lễ chùa cầu may, xin lộc đầu năm rồi trở về nhà mình xông đất đầu năm, thắp nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên mời các cụ về xum họp với con cháu.

Những đôi trai gái đang yêu nhau, tìm hiểu nhau, xác định gắn bó với nhau sẽ coi đây là dịp để ra mắt những người thân của nhau, là dịp quý báu để tìm hiểu về văn hóa, lối sống của gia đình người yêu, chuẩn bị tinh thần cho giai đoạn sâu sắc hơn. Những cặp vợ chồng son mới cưới thường cùng nhau đi đến nhà các bậc cao niên, các bậc phụ huynh.. của hai bên nội ngoại của nhau để giới thiệu, chào hỏi, ra mắt thêm một lần nữa bởi ngày lễ thành hôn trước đó hai vợ chồng trẻ không đủ thời gian để nhớ mặt những người thân của đôi bên hai họ.

Ngày Tết con người cũng trở nên vị tha hơn với nhau, đối xử với nhau thân thiện hơn. Người ta thường xí xóa những hiểu lầm, những xích mích với nhau thông qua những cuộc gặp đầu xuân như thế này, chuyện mà ngày thường họ khó có thể ngồi nói chuyện với nhau, khó có thể làm bạn của nhau. Xuân và Tết không chỉ là mùa của cây cối nẩy lộc đâm chồi mà còn là thời khắc con người trao cho nhau sự tin cậy, cũng nhau xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, sống có trách nhiệm với cộng đồng.

Ngày tết đặc biệt với tôi không chỉ bởi những điều ý nghĩa như thế mà còn bởi khung cảnh những con đường làng, ngõ nhỏ vắng lặng, yên tĩnh khác ngày thường và bởi ngoài kia phố xá rộng thênh thang nằm im lìm tâm sự cũng tiếng lá vàng rơi xao xác.

Sáng mồng một tết, dáng người đi lại thưa thớt, vang đâu đây tiếng rao của người bán muối dạo "Ai mua muối đê - ai mua muối nào".