Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Cà Phê Đen V - Trang 56
Close
Login to Your Account
Trang 56 của 82 Đầu tiênĐầu tiên ... 646545556575866 ... CuốiCuối
Kết quả 551 đến 560 của 814

Chủ đề: Cà Phê Đen V

  1. #551
    Ngày tham gia
    Feb 2011
    Đang ở
    Hà Nội
    Bài viết
    1,885
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bác Tý cũng lâu lắm rồi cháu không thấy lên đây kể chuyện gì, không biết bác ấy bận công tác mới ra sao rồi các bác nhỉ.
    Bác Lâm : bên Cuba vẫn khó quá bác nhỉ, họ vẫn còn lo lắng cho dân du lịch quá có phải do bất ổn an ninh không ạ ?
    Kẻ thực sự hào hoa tiêu một đồng trông vẫn thấy thích

  2. Thích saolaichan9, ChienKhuD, Thợ Điện, jayjay đã thích bài viết này
  3. #552
    Ngày tham gia
    Jun 2012
    Bài viết
    1,779
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Bác Tý đã bị bệnh nặng rồi cháu Huyền ,bình thường ông ấy hay uống rượu rắn rít bò cạp tưởng rằng để bổ nhưng thật ra nó là chất kích thích .Giống như xe cũ rồi mà cứ bắt nó đua thì sớm muộn gì cũng banh tà rông chứ công tác gì cháu .

    Ông ấy muốn khỏi bịnh phải qua nhờ ông Gió dậy cho khí công rồi thuốc men phục hồi nguyên khí mới lấy lại thăng bằng

    Bác nhiều lần van xin ông nhưng ông ấy đâu chịu nghe ,chỉ tin vào các hũ rượu của mình

    Cuba vẫn chưa dễ dàng cho khách du lịch cháu ,hôm cãi nhau ở lãnh sự quán tức quá bác lôi passport VN ra nói thì tao cũng ở quốc gia cùng thể chế sao mày làm khó hoài .Tụi nó nói thì mày về VN đi là ok nhưng đi bằng passport Mỹ thì phải chịu qui định vậy .Coi như huề tiền

    Châu Âu đi nhiều rồi ông D .Nếu nói về sự sang trọng và hào nhoáng có khi cả nước của họ chỉ bằng một bang của Mỹ .Tôi thích đi những vùng sơ khai để mình có cái mà khám phá .Kì tới tôi sắp xếp ra Bắc vì có quá nhiều chỗ mình chưa biết như Hoàng su phì ,Cao Bằng ,Lạng Sơn Yên Bái


    Có bài viết của một bác ở Mỹ vài năm post cho các bác xem chơi





    Nếu du khách tới Mỹ gặp ông biên phòng kiểm tra hộ chiếu thì câu đầu tiên là:Chào ông bà!Ông bà đến Mỹ vì lý do gì? Và câu tiếp sẽ là: Ông bà có mang đồ ăn thức uống, hạt giống hay cây trồng trong hàng hóa hay không? Nghĩa là tình trạng nhập cảnh quan trọng hàng đầu và thực phẩm và sản phẩm nông lâm ngư nghiệp đứng hàng thứ hai khi vào Mỹ.

    “Cái gì đây”?

    Có lần tôi bay từ Dili đến Darwin, cửa khẩu của Australia có hai vai li. Từ Hà Nội một người bạn gửi tặng gia đình vài lạng mộc nhĩ và nghĩ rằng giống như Mỹ, thực phẩm thuộc loại khô cong queo không phải khai.

    Nhân viên hải quan nhìn tôi chăm chú và hỏi: Ông có chắc là trong vali không có thực phẩm phải khai không? Ông biết đó, Australia có thể phạt hàng trăm ngàn đô la hay bỏ tù nếu ai vi phạm. Mình tự tin trả lời: Không, thưa ông!

    Va ly qua máy soi và tôi bị gọi để mở vali. Họ chỉ ngay gói mục nhĩ và hỏi, cái gì đây. Vốn tiếng Anh dốt, mình cố giải thích đây là loại mọc ở trên cây khô, và nó cũng phơi khô rồi, tôi không nghĩ phải khai cái này.

    Anh hải quan đi một lúc, kiểm tra loại này trên mạng và nói: Ông thật may vì loại này không phải bị phạt, nhưng không được mang vào. Ông nhớ hộ, những gì cho vào miệng là thực phẩm.

    Mồ hôi tóa ra khắp người, mình lôi chiếc va li đã lục tung, run run gói lại. Kể từ đó không bao giờ mang bất kỳ thứ gì ăn được vào hai quốc gia này.


    Hoa Kỳ và Australia được coi là hai nước an toàn thực phẩm nhất thế giới vì chế độ bảo hộ nền nông nghiệp hết sức ngặt nghèo.

    Bộ Nông nghiệp (NN – USDA) Hoa Kỳ được coi là một trong những bộ có quyền lực nhất, có chức năng quản lý nhiều lĩnh vực trong sản xuất và phân phối thực phẩm. Đó là kiểm tra hàng nội địa, hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu, đánh giá rủi ro, và giáo dục công chúng về an toàn thực phẩm.

    Nhờ có hệ thống kiểm dịch tốt nên Hoa Kỳ đã tránh được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như E. Coli xảy ra tháng 2012. Hàng năm quốc gia này cũng tránh được khoảng 25,000 trường hợp mắc bệnh do ngộ độc thực phẩm.

    Chính sách “test and hold – kiểm tra và giữ lại” có hiệu lực từ tháng 12-2012, bắt buộc thực phẩm phải được kiểm nghiệm bằng công nghệ xem là đã đủ an toàn hay chưa. Chính việc này đã giúp cho các công ty sản xuất không tốn tiền của để hủy thực phẩm không an toàn đã cấp cho thị trường. Từ năm 2007 tới 2009 đã có tới 44 vụ thực phẩm bị thu hồi trên toàn quốc.

    FSIS (Food Safety and Inspection Service) có hệ thống thông tin hiện đại để định vị xu hướng sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm có liên quan tới nhau. Thịt bò, thịt lợn, thịt gà đưa ra thị trường đều qua kiểm nghiệm gắt gao.

    Họ còn có hệ thống giao dịch và đối thoại với người tiêu dùng trên mạng internet. Hàng năm xử lý 2,3 triệu nhóm tin, hàng trăm ngàn email, cuộc gọi điện thoại kể cả qua chatting, tiếp xúc với hơn nửa triệu khách hàng phàn nàn về an toàn thực phẩm.

    Khoa học và công nghệ được áp dụng trong tránh ngộ độc thực phẩm, thực phẩm nhiễm độc hay không an toàn, cơ sở dữ liệu của nhiều năm được thu thập nhằm bảo vệ y tế cộng đồng. Hàng năm, nhà nước chi khoảng 70 triệu đô la cho nghiên cứu an toàn thực phẩm, giáo dục cộng đồng để tiến tới một qui trình từ farm to fork (thức ăn từ nơi chăn nuôi trồng trọt trên đồng đến bát ăn) được kiểm soát chặt chẽ.

    Đó là sự sống còn

    Hồi mới sang Mỹ vào nhà ăn, thấy các bà trong bếp lôi ra một túi rau spinach đổ vào khay làm salad mà không thấy họ rửa. Ngạc nhiên hỏi lại mới biết, rau quả bán trong các cửa hàng Mỹ như Safeway (cách an toàn), Costco, Giant Food hay Haris Teeter (chuỗi cửa hàng thực phẩm) mua về không phải rửa vì đã được làm sạch. Chỉ có cửa hàng của người châu Á mới bán rau chưa rửa và người Mỹ ít đến mua vì họ sợ… không an toàn.

    Vệ sinh tại nhà hàng bán đồ ăn cũng hết sức nghiêm ngặt. Ai muốn mở cửa hàng bán đồ ăn phải qua một đợt huấn luyện về vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và phải có chứng chỉ hành nghề, thường mất vài ba tháng mới được. Nhiều người thi đi thi lại mới đỗ dù thạo nấu ăn ở khách sạn năm sao.

    Cả ngày bán hàng xong, cửa hàng phải lau chùi sạch sẽ, đồ đạc xếp đâu vào đó, thức ăn thừa phải cho vào sọt rác, nồi niêu xoong chảo phải bóng loáng. Người kiểm tra thường đến bất chợt, có khi họ đợi ở cửa hàng từ 5 giờ sáng khi chủ chưa tới để vào cùng với chủ kiểm tra xem hôm trước có làm theo đúng nội qui hay không. Chưa kể thức ăn đôi lúc được kiểm tra qua hệ thống phân tích thực phẩm để biết có an toàn, có sạch hay không.

    Vi phạm sẽ bị phạt tiền, tước chứng chỉ như bằng lái xe. Đương nhiên khách hàng bị ngộ độc thức ăn tại cửa hàng sẽ bị kiện cho sạt nghiệp.

    Đối với xứ mình, làm vài viên barberine là ổn, nhưng người Mỹ sẽ không chấp nhận. Tham gia TPP không thể để một nền nông nghiệp mà phần đông dân chúng không biết mình có được dùng thực phẩm an toàn hay không.

    Tờ VN Economy cho hay, người nuôi cá basa của Việt Nam đang lo vì hệ thống tiêu chuẩn “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc bộ Siluriformes, trong đó có cá tra, cá basa của Việt Nam, vừa được Bộ NN Mỹ ban hành.

    Để cá tra xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam phải đưa ra một hệ thống những tiêu chuẩn được phía Mỹ xem xét là tương đương và căn cứ trên đó, các doanh nghiệp sẽ làm theo. Hiện tại, cá tra xuất khẩu qua Mỹ phải bị kiểm soát bởi FDA, tức là cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm nhập khẩu vào Mỹ.

    Nhưng sắp tới, FSIS của Mỹ sẽ kiểm tra tất cả các quy trình “tạo ra sản phẩm cá tra” từ khâu con giống… đến sản phẩm cuối cùng. Như vậy chuyện field to fork (từ trang trại đến bàn ăn) sẽ áp dụng cho cá basa Việt Nam. Muốn tồn tại với thị trường Mỹ, chẳng còn cách nào hơn là theo chuẩn của Mỹ và cũng là cầu nối vào TPP trong tương lai, tiến tới một nền nông nghiệp và thực phẩm an toàn.

    Tới đây, câu chuyện không phải là mua hàng của Việt Nam là yêu nước mà đó là sự sống còn với thực phẩm an toàn cho chính dân mình và cho thế giới.

  4. #553
    Ngày tham gia
    Mar 2012
    Đang ở
    Bình Dương
    Bài viết
    1,981
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Ở mình giờ không dám ăn trái cây & rau sống ông Thợ ơi. Toàn đồ bẩn. Vài người anh em tôi còn làm nông nên tôi rất rõ chuyện "cây ăn - cây bán, con ăn - con bán"... nói chung cái nào sạch thì để ăn, cái nào bẩn thì đem bán cho thằng khác ăn chết chơi. Đứa bạn thân đến thăm tặng mình bao gạo và mấy bó rau bảo nhà trồng không thuốc. Mà công nhận gạo tự nhiên nhìn đen đen nhưng nấu cơm ăn ngon dễ sợ, nó có được cái thơm ngọt đặc trưng mà gạo tẩy trắng ở siêu thị không có được.

    Cái ngựa đàn của cây cổ cầm mòn rồi ông Thợ, nhiều nốt phát ra bị rè. Cái này tụi nó bán đầy nhưng không biết dùng loại nào cho tốt, toàn là nhựa tầu. Mới nhập môn nên nhờ ông tư vấn hộ.
    Bận lòng chi nắm bắt

  5. #554
    Ngày tham gia
    Jun 2012
    Bài viết
    1,779
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Nốt rè đâu phải tai ngựa ông ,nó rè vì phím ,ngựa đâu có ai đụng chạm đến mà mòn ông nên mang nó ra nguyễn thiện thuật cho tụi nó sửa là được ngay hoặc thay phím hoăc thay ngựa

  6. #555
    Ngày tham gia
    Oct 2010
    Bài viết
    1,270
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    4 ngàn đô cho một tuần hả bác Lâm ? Tụi này chảnh thật. Tui cũng đã biết là đi Cuba cũng còn khó khăn, vẫn phải đi theo đoàn, nhưng không ngờ mắc giử vậy. Chắc chừng hai năm nữa dân ba lô mới có cơ hội vào; tuy nhiên lúc đó e rằng các phòng ngủ, quán ăn, sẽ lên giá cắt cổ. Cũng như bên Myanmar, vài năm trước nghe nói nới rộng cho dân du lịch vào, năm ngoái hai vợ chồng tính đi chơi, nhưng xem thông tin thì thấy các hotel, quán ăn, được thể lên giá vùn vụt. Vợ thấy chảnh quá không thèm đi.

    Không phải an ninh gì đâu cô Huyền. Tụi nó bắt đi theo đoàn để dể bề kiểm soát và làm tiền thôi. Mình đi lang thang một mình làm gì nói gì tụi nó đâu biết, và tiền mình tiêu dùng vào tay người dân chứ đâu vào tay chính phủ.

    Cô Huyền và ông Đ có đánh con khi dạy dổ không ? Đừng nhe. Tôi mới đọc tin sáng nay, có một research theo dõi các đứa nhỏ, 160000 đứa, trong vòng 50 năm, họ kết luận là những người bị ba má đánh hồi nhỏ lớn lên có nhiều sắt xuất trạng thái tâm lý không tốt. Hồi nhỏ tôi bị đánh là thường, vì tôi học dốt lắm. Học trường danh giá Taberd mà y như năm nào má tôi cũng phải vào xin cho tôi lên lớp, đó là nhờ có quen biết (bởi vậy cho đến bây giờ cái tiếng Pháp của tôi nó chả ra cái gì). Má tôi thì nóng tánh, dạy tôi học mà hỏi câu nào vài lần tôi còn ngập ngừng là bả ra tay ngay. Sau này mẹ già có nói "lúc đó còn nhỏ, còn nóng tánh," như là một cách xin lổi với tôi. Có một thời gian, lúc tôi thường ngồi thiền, tôi đem những hình ảnh củ, những liên hệ của tôi vơí ba và me ra nhìn lại. Có một ông cha Công Giáo, ông Anthony De Mello, mà tôi có mua cuốn sách tặng ông Tý, ông ấy nói trong khi giảng: "ai đang nghe tôi vậy ? Anh chị đang nghe, hay ba má trong anh chị đang nghe ?"


    Tuần trước nghĩ vài ngày, hai vợ chồng đi Yosemite leo thác chơi. Các ông bà xem vài tấm hình. Mùa Đông rồi mưa nhiều, mựt nước các thác tại Yosemite được xem là cao nhất trong mười năm nay.



    Đứng nhìn nước lũ như vầy liên tưởng đến bài thơ của ông gì đó bên Trung Quốc nói về con sông gì đó, mà khi chưa đến thì cứ tưởng tượng tùm lum, khi đến rồi thì nó cũng chỉ nó. Bác Lâm nhớ bài này không ?




    Để chụp cái hình trên, phải đứng gần thác lắm và bị đẩm hết nước như đi trong mưa. Kết quả là máy chụp hình và cell phone của vợ hiền bị hư vì thấm nước.
    Lần sửa cuối bởi roamingwind, ngày 28-04-2016 lúc 12:20 AM.
    Anh có thể biết tôi, tạm gọi là vậy, qua ngọn gió trên đồi
    Anh sẽ không biết tôi bằng danh xưng nào khác.

    You can know me, if you will, by the wind on the hill
    You'll know me by no other name.
    (No Other Name - Peter, Paul and Mary)

  7. #556
    Ngày tham gia
    Jun 2012
    Bài viết
    1,779
    Post Thanks / Like

    Mặc định Làm thế phải tội chết.!

    Quên hết rồi ông Gió ơi


    7 tuổi mình theo mẹ về quê ngoại. Bà ngoại sống một mình ở quê. Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 cây nhưng đã là quê thật sự.

    Quê có ruộng, ao, rặng tre và một con sông đầy ắp nước xanh trong, nước chảy cuồn cuộn. Có lối đi xuống bằng gạch đỏ xây nghiêng. Mọi người hay tắm giặt ở đấy.

    Nhà bà ngoại ở cuối làng, đến đầu đoạn rẽ mình và mẹ gặp bà ở ruộng rau muống. Bà đang hái rau, bây giờ mình vẫn nhớ như in dáng bà gầy còng còng lúi húi dưới ruộng , rồi ngẩng đâu lên gọi

    - Mẹ con nhà mày về đấy à.?

    Ở quê chơi mấy ngày hè, ở quê nhiều cây nên có nhiều bóng mát. Nhất là rặng tre góc nhà toả bóng kín cả sân. Nhà gỗ mái gianh, nền đất nện rất mát. Buổi chiều ăn cơm ngoài hiên cũng bằng đất nện khô nứt toác.

    Con chó nhà bà lại gần mâm cơm, cái con chó đen gầy nhẳng. Mình với cái chổi sể đập cho một nhát. Nó bị bất ngờ ẳng một tiếng vùng ra, rõ là ăn vạ, nó chả đau tí nào. Bà bảo.

    - Đừng đánh nó phải tội.

    Mình ngơ ngác , không hiểu phải tội là gì. Lúc đó cũng chẳng hỏi bà, chỉ biết như thế là không nên làm.

    Lớn một tí, lúc tầm 10 tuổi phải nấu cơm cho cả nhà. Mẹ dạy cách nấu cơm, mẹ bảo.

    - Người ta vất vả lắm mới làm được hạt gạo, mình có để ăn là may, nếu không nấu ngon mà khê hay nhão không ăn được. Phải tội lắm con ạ, của trời cho để nuôi con người.


    Chị Hà ở cùng ngõ bán cháo lòng, một hôm mình thấy anh chồng chị làm lòng thế nào như không sạch. Anh ấy vội đi đánh chẵn. Chị Hà mắng.

    - Chỉ ham rúc vào hội thôi, làm thế người ta ăn đau bụng phải tội chết.

    Cái câu phải tội cứ như luôn ở miệng người lớn, làm cái gì cũng phải tôi chết, phải tội chết.


    Một hôm mình hỏi bố.

    - Bố ơi ! sao trẻ con làm gì sai, người lớn cứ nói phải tội chết, phải tội là gì hả bố. Như ông Lư bán bánh mỳ sốt vang, người ta bảo ông cho phẩm đỏ vào à. Ông bảo ông chỉ cho gấc thôi, cho phẩm đỏ phải tội chết.

    Bố bảo.

    - Mình làm gì ác cho người khác là phải tội con ạ, cho phẩm đỏ là hoá học. Người ta ăn vào bị đau bụng, ốm. Thế là mình phải tội. Nếu phải tội như thế, sẽ bị trừng phạt. Con người lúc nào cũng có hai vị thần ngự ở hai vai, mình làm gì ác họ đều thấy hết.

    Năm tháng qua đi, lớn rồi làm đủ nghề, vì ham tiền có lúc làm nghề chả ra gì. Đôi lúc nghe văng vẳng câu - phải tội đấy. Thế là bỏ nghề. Làm thợ cửa hoa, cửa sắt cùng mấy anh em. Có ai định làm ẩu không sơn chống gỉ, chỉ định phun luôn lớp sơn màu lên. Cũng phải ngăn lại, bắt phải sơn chống gỉ rồi hôm sau khô mới sơn màu. Mất thêm cả ngày công, nhưng nói anh em mình làm thế phải tội. Vài hôm sắt gỉ, người ta oán mình.

    Thế mới biết cái câu - phải tội đấy - ám ảnh. Mà tội phạm kiểu ấy chẳng có pháp luật nào xử, chẳng pháp luật nào biết mà vẫn sợ.

    Bây giờ dường như người lớn chẳng nói với trẻ con câu ấy, nhiều lần mình để ý chỉ thấy quát mắng trẻ con nghịch. Hoặc đứa trẻ đánh con chó, con mèo cùng lắm ngăn nó lại. Không ai nói câu - phải tội đấy. Chắc tại câu ấy quê mùa, lạc hậu và lẩm cẩm, dở hơi.

    Nhưng mà từ khi không có câu dở hơi, lẩm cẩm quê mùa ấy. Mọi thứ có vẻ khác, rau ngấm thuốc sâu, thuốc kích thích, thịt lợn ăn chất tạo nạc, cá trắng cho ăn hoá chất thành cá đỏ, con moi ( ruốc ) nhuộm thành màu khác. Đủ các thứ hoá chất người ta cho vào thức ăn để bán cho nhau. Mỗi năm có đến 200 ngàn người ung thư, 75 ngàn người chết vì ung thư.

    Mình đi chùa, chỉ thấy nhà sư ở chùa to nói về cúng dàng, cúng càng nhiều càng được lộc. Rồi giải hạn, rồi cầu tài lộc. Rồi thuyết giảng những điều cao siêu huyễn hoặc đâu đâu cho đám con buôn , cờ bạc, cầm đồ nghe. Chẳng thấy nhà sư nào thuyết giảng về việc làm ăn gian dối, pha chất nọ kia để trục lợi sẽ bị phải tội đày chín tầng địa ngục, vào vạc dầu, con cháu bị vạ lây.

    Chảng hạn lúc này, gặp ai đang pha hoá chất tẩy rửa thực phẩm ôi thiu để chúng hết mùi rồi bán cho khách. Mình có nói làm thế phải tội, chắc họ cười cho là mình dở hơi. Có thể họ bảo mày điên à, tao làm thế này là đóng '' luật '' các cửa rồi. Sao mà bị tội được.

    Thế đấy, giờ không còn quỷ thần hai vai chứng giám tội lỗi để ghi lại rồi trừng phạt. Giờ chỉ có các cấp chính quyền, họ là những con người cụ thể. Nhưng quyền của họ còn hơn thần thánh, họ bắt là được, tha là xong. Đôi khi họ bận nhiều việc, nên không thể biết hết những ai làm gian dối, hại người. Mà chính quyền cũng gian dối kiểu chính quyền bảo sao người dân không gian dối kiểu của họ.

    Cả một xã hội dối gian điên đảo, lừa nhau đủ mọi thứ, pha cho nhau đủ mọi thứ để tống vào miệng nhau. Mày cho tao ăn rau độc tao cho mày ăn thịt độc , thằng kia bán rượu pha thuốc sâu thằng này bán trà cũng phân bón tăng độ đậm.

    Không có thần thánh, không có pháp luật, không có tình thương. Ai làm gì gian dối cũng được miễn là lo lót cho quan chức và không để người tiêu dùng thấy là ổn.

    Bỗng dưng thèm nghe ai nói - làm thế phải tội chết.

    Thèm đến ứa nuớc mắt, có khi mình dở hơi và lẩm cầm thật rồi.

  8. #557
    Ngày tham gia
    Jun 2012
    Bài viết
    1,779
    Post Thanks / Like

    Mặc định Sài Gòn giải phóng tôi

    Nguyễn Quang Lập

    30-4-2016

    Mãi tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến mỗi kì chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.

    Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi. Sau ngày 30 tháng 4 cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết”, giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “triệu phú số một Sài Gòn”. Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản”. Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời kì diệu.

    Dù chưa được vào Sài Gòn nhưng tôi đã thấy Sài Gòn qua ba vật phẩm lạ lùng, đó là bút bi, mì tôm và cassette của thằng Minh cùng lớp, ba nó là nhà thơ Viễn Phương ở Sài Gòn gửi ra cho nó. Chúng tôi xúm lại quanh thằng Minh xem nó thao tác viết bút bi, hồi đó gọi là bút nguyên tử. Nó bấm đít bút cái tách, đầu bút nhô ra, và nó viết. Nét mực đều tăm tắp, không cần chấm mực không cần bơm mực, cứ thế là viết. Chúng tôi ai nấy há hốc mồm không thể tin nổi Sài Gòn lại có thể sản xuất được cái bút tài tình thế kia.

    Tối hôm đó thằng Minh bóc gói mì tôm bỏ vào bát. Tưởng đó là lương khô chúng tôi không chú ý lắm. Khi thằng Minh đổ nước sôi vào bát, một mùi thơm rất lạ bốc lên, hết thảy chúng tôi đều nuốt nước bọt, đứa nào đứa nấy bỗng đói cồn cào. Thằng Minh túc tắc ăn, chúng tôi vừa nuốt nước bọt vừa cãi nhau. Không đứa nào tin Sài Gòn lại có thể sản xuất được đồ ăn cao cấp thế kia. Có đứa còn bảo đồ ăn đổ nước sôi vào là ăn được ngay, thơm ngon thế kia, chỉ giành cho các nhà du hành vũ trụ, người thường không bao giờ có.

    Thằng Minh khoe cái cassette ba nó gửi cho nó để nó học ngoại ngữ. Tới đây thì tôi bị sốc, không ngờ nhà nó giàu thế. Với tôi cassette là tài sản lớn, chỉ những người giàu mới có. Năm 1973 quê tôi lần đầu xuất hiện một cái cassette của một người du học Đông Đức trở về. Cả làng chạy đến xem máy ghi âm mà ai cũng đinh ninh đó là công cụ hoạt động tình báo, người thường không thể có. Suốt mấy ngày liền, dân làng tôi say sưa nói vào máy ghi âm rồi bật máy nghe tiếng của mình. Tôi cũng được nói vào máy ghi âm và thật vọng vô cùng không ngờ tiếng của tôi lại tệ đến thế. Một ngày tôi thấy tài sản lớn ấy trong tay một sinh viên, không còn tin vào mắt mình nữa. Thằng Minh nói, rẻ không à. Thứ này chỉ ghi âm, không có radio, giá hơn chục đồng thôi, bán đầy chợ Bến Thành. Không ai tin thằng Minh cả. Tôi bỉu môi nói với nó, cứt! Rứa Sài Gòn là tây à? Thằng Minh tủm tỉm cười không nói gì, nó mở cassette, lần đầu tiên chúng tôi được nghe nhạc Sài Gòn, tất cả chết lặng trước giọng ca của Khánh Ly trong Sơn ca 7. Kết thúc Sơn ca 7 thằng Hoan bỗng thở hắt một tiếng thật to và kêu lên, đúng là tây thật bay ơi!

    Sài Gòn là tây, điều đó hấp dẫn tôi đến nỗi đêm nào tôi cũng mơ tới Sài Gon. Kì nghỉ hè năm sau, tháng 8 năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn. Ba tôi vẫn bắt tôi không được đi đâu, “ở nhà học hành cho tử tế”, nhưng tôi đủ lớn để bác bỏ sự ngăn cấm của ông. Hơn nữa cô họ tôi rất yêu tôi, đã cho người ra Hà Nội đón tôi vào. Xe chạy ba ngày ba đêm tôi được gặp Sài Gòn.

    Tôi sẽ không kể những gì lần đầu tôi thấy trong biệt thự của ông bác tôi, từ máy điều hòa, tủ lạnh, ti vi tới xe máy, ô tô, cầu thang máy và bà giúp việc tuổi năm mươi một mực lễ phép gọi tôi bằng cậu. Ngay mấy cục đá lạnh cần lúc nào có ngay lúc đó cũng đã làm tôi thán phục lắm rồi. Thán phục chứ không ngạc nhiên, vì đó là nhà của ông triệu phú. Xin kể những gì buổi sáng đầu tiên tôi thực sự gặp gỡ Sài Gòn.

    Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy giành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy. Quay lại thấy nụ cười bà chủ, nụ cười khá giả tạo. Cả tiếng dạ cũng giả tạo nhưng với tôi là trên cả tuyệt vời. Từ bé cho đến giờ tôi toàn thấy những bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh của các mậu dịch viên, luôn coi khách hàng như những kẻ làm phiền họ. Lâu ngày rồi chính khách hàng cũng tự thấy mình có lỗi và chịu ơn các mậu dịch viên. Nghe một tiếng dạ, thấy một nụ cười của các mậu dịch viên dù là giả tạo cũng là điều không tưởng, thậm chí là phi lí.

    Tôi mua ba chục cái bút bi về làm quà cho bạn bè. Bà chủ lấy dây chun bó bút bi và cho vào túi nilon, chăm chút cẩn thận cứ như bà đang gói hàng cho bà chứ không phải cho tôi. Không một mậu dịch viên nào, cả những bà hàng xén quê tôi, phục vụ khách hàng được như thế, cái túi nilon gói hàng càng không thể có. Ai đòi hỏi khách hàng dây chun buộc hàng và túi nilon đựng hàng sẽ bắt gặp cái nhìn khinh bỉ, vì đó là đòi hỏi của một kẻ không hâm hấp cũng ngu đần. Giờ đây bà chủ tạp hóa Sài Gòn làm điều đó hồn hậu như một niềm vui của chính bà, khiến tôi sửng sốt.

    Cách đó chưa đầy một tuần, ở Hà Nội tôi đi sắp hàng mua thịt cho anh cả. Cô mậu dịch viên hất hàm hỏi tôi, hết thịt, có đổi thịt sang sườn không? Dù thấy cả một rổ thịt tươi dưới chân cô mậu dịch viên tôi vẫn đáp, dạ có! Tranh cãi với các mậu dịch viên là điều dại dột nhất trần đời. Cô mậu dịch viên ném miếng sườn heo cho tôi. Cô ném mạnh quá, miếng sườn văng vào tôi. Tất nhiên tôi không hề tức giận, tôi cảm ơn cô đã bán sườn cho tôi và vui mừng đã chụp được miếng sườn, không để nó rơi xuống đất. Kể vậy để biết vì sao bà chủ tạp hóa Sài Gòn đã làm tôi sửng sốt.

    Rời quầy tạp hóa tôi tìm tới một quán cà phê vườn. Uống cà phê để biết, cũng là để ra dáng ta đây dân Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi chỉ quen chè chén, không dám uống cà phê vì nó rất đắt. Tôi ngồi vắt chân chữ ngũ nhâm nhi cốc cà phê đen đá pha sẵn, hút điếu thuốc Captain, tự thấy mình lên hẳn mấy chân kính. Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng. Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên. Tôi thêm một lần sửng sốt.

    Một giờ sau tôi quay về nhà ông bác, phát hiện sau nhà là một con hẻm đầy sách. Con hẻm ngắn, rộng rãi. Tôi không nhớ nó có tên đường hay không, chỉ nhớ rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng sum sê, hai vỉa hè đầy sách. Suốt buổi sáng hôm đó tôi tha thẩn ở đây. Quá nhiều sách hay, tôi không biết nên bỏ cuốn gì mua cuốn gì. Muốn mua hết phải chất đầy vài xe tải. Giữa hai vỉa hè mênh mông sách đó, có cả những cuốn sách Mác – Lê. Cuốn Tư Bản Luận của Châu Tâm Luân và Hành trình trí thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung cùng nhiều sách khác. Thoạt đầu tôi tưởng sách từ Hà Nội chuyển vào, sau mới biết sách của Sài Gòn xuất bản từ những năm sáu mươi. Tôi hỏi ông chủ bán sách, ở đây người ta cũng cho in sách Mác – Lê à? Ông chủ quán vui vẻ nói, dạ chú. Sinh viên trong này học cả Mác – Lê. Tôi ngẩn ngơ cười không biết nói gì hơn.

    Chuyện quá nhỏ, với nhiều người là không đáng kể, với tôi lúc đó thật khác thường, nếu không muốn nói thật lớn lao. Tôi không cắt nghĩa được đó là gì trong buổi sáng hôm ấy. Tôi còn ở lại Sài Gòn thêm 30 buổi sáng nữa, vẫn không cắt nghĩa được đó là gì. Nhưng khi quay ra Hà Nội tôi bỗng sống khác đi, nghĩ khác đi, đọc khác đi, nói khác đi. Bạn bè tôi ngày đó gọi tôi là thằng hâm, thằng lập dị. Tôi thì rất vui vì biết mình đã được giải phóng.

  9. #558
    Ngày tham gia
    Jun 2012
    Bài viết
    1,779
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Đọc cười đau bụng

    Lại nhớ cái mùa thu năm nao bị gái kê mông kiễng bẹn nói lời ly biệt bởi thói ăn nói chớt nhả giả cầy nên lòng đau đớn lắm. Tại bởi cái bản tính tôi chả nghiêm túc cái con mẹ gì trong khi gái họ cần những sự đường hoàng và chắc chắn thâm sâu. Phẫn chí nên có phọt được ra mấy dòng thơ, đại loại như vầy:

    Gói mùa thu vào lá
    Em chia tôi phần hai
    Nửa mùa thu còn lại
    In lên bóng trang đài.

    Nửa em không ở lại
    Em bỏ tôi ra đi
    Nguyên mùa thu còn đó
    Tôi vỡ trái tim phai.

    Tim thu không màu máu
    Cũng chẳng vàng cúc thơm
    Tim thu như tim thai
    Đập tình phai vỡ ối.

    Sau lời đau bối rối
    Là chúng ta li tan
    Chút nồng nàn sót lại
    Heo may buồn sương mai.

    Một mùa thu chưa phai...

    Chỉ là cơn cớ vậy thôi chứ ai ngờ đâu thơ lại có chức năng " tiễn trước rước sau" đến thế. Bằng chứng là có một gái mật thư khen ngợi hết lời, rằng thơ hay và rất gợi, nhất là quả " tình phai vỡ ối". Tôi hân hoan lắm nên cũng nhiệt thành đáp trả. Tôi nói rất nhiều về thơ, về tình yêu và lòng trắc ẩn cho gái nghe. Và gái chỉ duy nhất một động thái là nói những lời yêu thương bất diệt. Chúng tôi cứ như một đôi tình nhân chính hiệu, xoắn xuýt lấy nhau trên mạng ảo bao la. Rồi đến một ngày tình cảm đó không thể đầy vơi thêm được nữa, tôi đề nghị với gái một cuộc ọp-lai. Các bạn biết gái trả lời thế nào không? Nguyên văn nhé " chị 60 tuổi rồi, liệu em có thích?" Giời ạ, tình yêu sụp đổ một đống từ bẹn xuống mắt cá chân. Tôi bẻ phím đóng máy chốt cửa bật điều hòa nằm khóc mất ba ngày. Thương thay!

    Cứ mỗi độ thu sang
    Hoa cúc lại nở vàng
    Ngoài vườn hương thơm ngát
    Ong bướm bay rộn ràng..
    .

  10. #559
    Ngày tham gia
    Feb 2011
    Đang ở
    Hà Nội
    Bài viết
    1,885
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Đọc bài của bác Lâm làm cháu nhớ một bộ phim kiểu như này, bà mẹ nói chuyện trên mạng làm quen bạn cho con gái, chuyện qua lại rồi cũng đến ngày gặp mặt ( bà ấy giấu ko cho chàng trai biết ) . Anh chàng sau vài ngày đến chỗ cô gái ở để tìm hiểu nhưng không hợp được với cô con gái mà lại thích cách sống và nói chuyện của bà mẹ, cuối cùng lại yêu bà mẹ chứ không thể đến với cô con gái vì không hợp.

    Tình yêu không phân biệt tuổi tác và cháu vẫn nhớ câu chuyện bác kể cháu nghe, vẫn thi thoảng hình dung đến khung cảnh một người cầm đàn và một người tự nhiên cất tiếng hát dẫn đến một mối tình....
    Kẻ thực sự hào hoa tiêu một đồng trông vẫn thấy thích

  11. Thích LêMinhKhuê, ChienKhuD, trung_cadan, Thợ Điện, toan2324, jayjay đã thích bài viết này
  12. #560
    Ngày tham gia
    Jun 2012
    Bài viết
    1,779
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Huyền sắp về VN chơi chưa ? Cẩn thận ăn uống tí nhé ,hôm bác chở ông bạn ra phi trường về VN ông ấy mang theo mấy chục kí thịt rồi đồ hộp đủ thứ gửi phòng lạnh .Bác thấy cũng kì kì về VN là để được ăn ,không được ăn thì về làm gì .Ông ấy hiểu ý ấn vào mặt bác bài này ,đọc xong bác thấy buồn buồn vì bác là người thích sống ở VN nhất ,đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng ,mua nhà rồi làm hộ khẩu từ vài năm trước .Hoá ra người tính cũng chẳng bằng trời tính ,bán nhà thì tiếc mà về ở cũng ngần ngại

    Bao giờ bác cháu mình lại được cùng ngồi ăn bún bò uống bia chuyện trò ,đời sống vô thường quá

    Tôi có khá nhiều bạn bè hiện đang sinh sống tại Úc, trước đây, khi còn làm việc, cứ ao ước đến ngày về hưu, con cái khôn lớn, có gia đình và có việc làm ổn định cả, sẽ về Việt Nam an hưởng tuổi già. Bức tranh người ta vẽ ra rất đẹp: với số tiền hưu trí tại Úc, người ta có thể dễ dàng có một cuộc sống rất phong lưu ở Việt Nam. Có thể thuê người ở. Có thể đi đây đi đó. Có thể ăn hết món lạ này đến món lạ khác. Thế nhưng, đến ngày họ thực sự về hưu, sau vài chuyến thăm viếng Việt Nam, người ta lại đổi ý. Theo họ, Việt Nam chỉ là nơi để đi du lịch chứ không phải là nơi có thể sống được lâu dài. Người ta đưa ra hai lý do chính: Một là nhớ con cháu tại Úc; hai là, Việt Nam hoàn toàn không an toàn.

    Tôi cũng có khá nhiều bạn bè ở hướng ngược lại: Họ sống tại Việt Nam, phần lớn đều khá thành đạt, có chức có quyền và có tiền. Họ cho con cái du học ngoại quốc. Học xong, các cháu có việc làm đàng hoàng, sau đó, bảo lãnh cho cha mẹ từ Việt Nam, sau khi về hưu, ra ngoại quốc sinh sống. Họ bỏ lại sau lưng cuộc sống rất dư dả và cũng rất vui vẻ trên quê hương để sang sống ở một quốc gia xa lạ về cả ngôn ngữ lẫn văn hoá; và vì sự xa lạ ấy, cũng khá buồn rầu. Hỏi tại sao, họ cũng nêu lên hai nguyên nhân: Một là muốn gần gũi con cháu; và hai là, ở ngoại quốc, dù buồn, vẫn an toàn hơn hẳn Việt Nam.

    Bỏ qua việc sống gần con cháu, cả hai nhóm người ấy đều có nhận thức giống nhau: Việt Nam, dù là quê hương người ta rất yêu mến, không còn là một nơi an toàn để sống.

    Trước hết là thiếu an toàn về chính trị. Ở bình diện quốc gia,Việt Nam lúc nào cũng ẩn chứa đầy những nguy cơ bất ổn.Bất ổn trong quan hệ với Trung Quốc: Không ai dám chắc những mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không bùng nổ thành chiến tranh. Đã đành Việt Nam lúc nào cũng nhân nhượng Trung Quốc. Nhưng sự nhân nhượng nào cũng có giới hạn. Mà Trung Quốc thì rõ ràng không muốn dừng lại ở bất cứ giới hạn nào cho đến lúc hoàn toàn trở thành bá chủ trên Biển Đông.

    Thứ hai là thiếu an toàn về giao thông. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn xe cộ. Mười ngàn: tức mỗi ngày trung bình gần 30 nạn nhân. Đó là người chết. Con số những người bị thương tật chắc chắn sẽ nhiều hơn hẳn. Bởi vậy, ở Việt Nam, nhiều người nói, cứ mỗi lần bước ra khỏi cửa nhà là thấy phập phồng. Con đường nào cũng đầy bất trắc. Đi đúng luật và lái xe cẩn thận cũng có thể bị những chiếc xe “điên” bị mất tay lái cán chết. Ngay cả đi bộ cũng không an tâm. Mỗi lần băng qua đường là một lần đối diện với rủi ro.

    Nhưng quan trọng nhất là mất an toàn thực phẩm. Báo chí đã nói rất nhiều về thực phẩm bẩn ở Việt Nam. Hầu như tất cả đều bẩn. Hầu như bất cứ loại gia súc nào cũng được cho ăn các hoá chất độc hại để tạo nạc và tăng trọng. Tệ hại hơn, người ta còn đem bán cả thịt thối rữa, sau khi tẩm ướp bằng các loại hoá chất để bay mùi và săn thịt. Ngày trước, đã có nhiều người giả thịt trâu thành thịt bò. Bây giờ, “tài” hơn, người ta còn biến cả thịt heo thành thịt bò. Thịt giả như vậy cũng được đi. Nhưng vấn đề là để làm giả như thế, người ta lại sử dụng các loại hoá chất độc hại để nhuộm màu thịt. Ăn chúng, người ta ăn cả các chất có thể gây ung thư.

    Thịt đã thế, rau trái cũng thế. Cũng đầy hoá chất. Hoá chất trong phân bón và trong các loại thuốc trừ sâu. Hoá chất còn được dùng để ướp trái cây cho chúng bắt mắt hơn. Ngay cả nước dừa cũng không an toàn. Để trái dừa có màu tươi như mới, người ta lại nhúng chúng vào hoá chất. Lại hoá chất.

    Trước, người ta tưởng ăn cá tôm và các loại hải sản là an toàn. Nhưng không phải. Tôm cá và hải sản nuôi trong các hồ nhân tạo cũng nhiễm đầy các chất cấm. Còn tôm cá và hải sản được đánh từ sông và biển? Từ đầu tháng 4 vừa rồi, chúng lại cũng bị nhiễm độc. Hàng trăm tấn cá bị chết, tấp trắng các bờ biển từ Hà Tĩnh vào đến Huế, kéo dài cả hơn 200 cây số. Chính quyền còn ú ớ trong việc xác định nguyên nhân cá chết nhưng có một điều chắc chắn: chúng bị nhiễm độc các loại hoá chất do con người thải ra. Thành ra tôm cá đánh bắt từ biển khơi cũng không còn an toàn nữa.

    Thịt: độc. Tôm cá: độc. Rau, trái và củ: độc. Cả không khí người ta thở, đặc biệt tại hai thành phố lớn, Hà Nội và Sài Gòn, cũng nhiễm đầy chất chì và thuỷ ngân: độc. Cả nước bị nhiễm đầy chất độc. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tỉ lệ người Việt Nam mắc bệnh ung thư rất cao. Càng ngày càng cao.

    Lâu nay, nói đến những khó khăn mà Việt Nam đang đối diện, chúng ta hay nghĩ đến các yếu tố chính trị và địa chính trị, đến vấn đề dân chủ và nhân quyền, đến chuyện các đại công ty phá sản và nợ công chồng chất. Nhưng ngay cả về phương diện xã hội, liên quan đến chuyện ăn uống và hít thở hàng ngày, Việt Nam cũng đối diện với bao nhiêu nguy hiểm.

    Tôi cứ tự hỏi: Trong một khí quyển như thế, làm sao người Việt Nam có thể sống được và tương lai sẽ đi về đâu?

    Tự dưng lại nhớ đến bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của Trần Thị Lam, một cô giáo dạy Văn ở Hà Tĩnh, viết sau biến cố hàng trăm tấn cả bị chết ở miền Trung. Bài thơ đăng trên facebook của cô, sau, công an địa phương buộc cô phải gỡ xuống. Lời thơ đơn giản, thật thà, nhưng thể hiện được những trăn trở của cả hàng triệu người Việt Nam hiện nay.

    Đất nước mình ngộ quá phải không anh
    Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
    Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
    Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…

    Đất nước mình lạ quá phải không anh
    Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
    Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
    Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…

    Đất nước mình buồn quá phải không anh
    Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
    Rừng đã hết và biển thì đang chết
    Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…

    Đất nước mình thương quá phải không anh
    Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
    Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
    Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…

    Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
    Anh không biết em làm sao biết được
    Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
    Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…

Cà Phê Đen V
Trang 56 của 82 Đầu tiênĐầu tiên ... 646545556575866 ... CuốiCuối

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68