Kết quả 1 đến 2 của 2
Chủ đề: Cờ Tướng là thú vui tao nhã
-
03-07-2015, 05:40 PM #1
Cờ Tướng là thú vui tao nhã
Cờ tướng thật sự là thú tao nhã khi người sử dụng nó để thanh lọc tâm hồn chứ không phải chuyện thắng thua.
Khá nhiều người đã lầm khi cho rằng cờ tướng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thực ra cờ tướng ra đời từ loại cờ cổ của người Ấn Độ là Saturanga. Khi đó loại cờ này đi về phía tây và trở thành cờ vua, về phía đông trở thành cờ tướng. Tuy nhiên chính người Trung Quốc đã có công rất lớn trong việc hoàn thiện cờ tướng như ngày nay về hình hài quân cờ cũng như luật chơi.
Theo quan niệm người xưa (và có lẽ ngày nay ít nhiều còn tồn tại), người được coi là Văn võ song toàn thì phải am hiểu tận tường Cầm, kỳ, thi, hoạ. Và trong bốn tiêu chuẩn này thì cờ tướng đứng thứ hai sau Cầm, cho nên “ông ngất ngưỡng” Nguyễn Công Trứ đã viết:
Cầm kỳ thi tửu
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay
Đàn năm cây réo rắt tình tình đây
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.
Thông qua ván cờ, nhìn cách dùng quân của người chơi, chúng ta ít nhiều đoán được phần nào tính cách của họ.
Chẳng hạn: Người nóng nảy thì thích tấn công, đánh nhanh, vội vàng hấp tấp, muốn kết thúc cuộc chơi sớm nên thường sử dụng các chiến lược tấn công. Trong khi đó người kiên nhẫn thì thích thủ hơn công và hay triển khai các chiến lược phòng thủ phản công như Bình phong mã, Đơn đề mã,Phản Cung Mã, họ chịu khó tính toán, suy nghĩ liên tục, đợi khi đối phương sơ hở mới tấn công. Còn kẻ kiêu ngạo háo thắng thì bộc lộ sự hân hoan ngay khi ăn một quân hay đi một nước có lợi, lấy sự hơn người làm thích thú, luôn cho mình hơn người. Ai linh hoạt thì tính toán nhanh, thông minh xử lý ngay mọi tình huống, nghĩ ra được nhiều thế đánh hay, nước đi của họ lả lướt đẹp mắt, có nhiều sáng tạo. Phường ích kỷ hẹp hòi thì ưa hoãn, bất tài mà lại muốn thắng. Người lơ đễnh thường bỏ sót nước, sơ xuất dễ bị mất quân, dẫn đến thua cuộc, không tập trung tư duy liên tục thậm chí có khi giống như lãng trí đem Xe đi vào chân Ngựa đối phương. Và người trầm tĩnh dù thua quân vẫn từ tốn chống đỡ, tính toán cẩn thận, đánh chậm mà thắng nước, ít nói, không ồn ào, họ đi con cờ nhẹ nhàng không có tiếng động. Có lẽ thật là khổ sở cho những ai gặp phải kẻ hiếu thắng, bởi hắn luôn muốn hơn người khác, càng thua càng muốn đánh đễ gỡ, đến khi nào thắng được một vài ván mới… hả dạ!
cờ tướng góp phần cho nhiều người sống lạc quan hơn.
Cho nên cờ tướng thật sự là thú tao nhã khi người sử dụng nó để thanh lọc tâm hồn chứ không phải chuyện thắng thua:
Đàn trước gió, rượu bên hoa
Câu thơ trong tuyết, cuộc cờ dưới hoa
(Khuyết danh – Nhị độ mai)
hay:
Cờ tiên, rượu thánh ai đong
Lưu linh, Đế Thích là phường tri âm
(Nguyễn Gia Thiều).
Cũng vì thế mà cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã mong tìm bạn qua bàn cờ:
Đem cờ vua Thích vui tìm bạn/
Mượn chén ông Lưu học tỉnh say”.
Người ta còn nhớ mãi nét thanh tao của ván cờ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du:
Đôi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt,nước cờ dưới hoa
và
Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
Không chỉ có giới văn nhân, thi sĩ, vua quan, thần tiên mới hâm mộ cờ tướng mà đến nhân dân lao động chân lấm tay bùn cũng thích thú cờ tướng cho nên dân gian ta có câu ca dao đố cờ:
Hai ông mà chẳng có bà
Sinh con đẻ cháu đến ba mươi người
Mười người sinh nở tốt tươi
Bốn người đi học lại đòi làm quan
Tám người xa pháo nghênh ngang
Tám người voi ngựa rộn ràng hơn xưa.
Đó cũng là nét phác hoạ thô sơ mà hoàn mĩ về bàn cờ vậy. Trong lịch sử chơi cờ Việt Nam không thiếu các bậc nữ lưu, danh nhân nữ sĩ như Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm… đều là những tay cao thủ cờ tướng chứ không riêng gì bậc quân tử.
Có thể nói việc khai cuộc thế cờ rất có ý nghĩa trong việc quyết định đến chiến thắng của người chơi. Điều này thật sự sáng tỏ vào đầu thế kỷ XX, khi hầu hết các danh thủ đều khẳng định khai cuộc có tầm quan trọng đặc biệt. Những ai chơi cờ theo ngẫu hứng trong khai cuộc đều không thể chống cự lại những người có học tập, nghiên cứu. Chính từ thực tiễn thi đấu các danh thủ đã rút ra kết luận đó. Nhưng rồi lại có những quan điểm lệch lạc khác khi có một số người lại đề cao quá mức giai đoạn này. Cho nên đã có lúc nổi lên những cuộc tranh lụân xung quanh nhận định, đánh giá lại vị trí và tầm quan trọng của khai cuộc. Và họ thấy rằng cả ba giai đoạn khai - trung - tàn cuộc đều có ý nghĩa và tầm quan trọng nhất định, và các giai đoạn đều có mối quan hệt khăng khít với nhau. Nếu khai cuộc tốt thì có trung cuộc thuận lợi để dẫn đến tàn cuộc thắng lợi. Tuy nhiên trong khai cuộc có khá nhiều cạm bẫy mà người chơi dễ sơ ý mắc phải khi đã Hạ thủ bất hoàn, do đó cần phải nghiên cứu kĩ nó để tránh thất bại không đáng vì .
Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công
(Hồ Chí Minh).
Vì thế nên người Trung Quốc có những quy định khắt khe trong chơi cờ như Chiếu bất quá tam, vì đánh người là hành vi xấu nên đánh tướng đến ba lần thì càng không ra thể thống gì nữa, đánh cờ nếu đã chiếu tướng đến ba lần mà không bắt được tướng thì phải biết xấu hổ và hãy thôi chiếu. Số ba trong cờ tướng còn có ý nghĩa triết lý là: Trời có ba cái quý: Nhật - Nguyệt - Tinh (Mặt trời, Mặt trăng, và Sao). Người có ba cái quý Thiên - Địa - Nhân (Trời, Đất, Người) bao trùm hết cả muôn loài vạn vật. Nếu ba cái quý ấy mà hết thì tất bị hư hoại. Cho nên nếu một quân cờ chiếu tướng đến ba lần mà không bắt được tướng là coi như đã hết thế rồi, nếu tiếp tục nữa là trái với đạo lý. Quân xe không chiếu hậu vì xe tượng trưng cho người Quân tử mà bậc quân tử thì không bao giờ đánh sau lưng người khác hoặc là ví kẻ cùng đường cho nên quân xe không chiếu hậu. Dân gian còn truyền tai nhau câu chuyện của Quan Công qua bốn câu thơ:
Tào Man thua chạy đến Hoa Dung
Khéo đâu đường hẻm gặp Quan Công
Chỉ vì tình nghĩa còn ghi tạc
Nên để rồng ra thoát xuống sông.
Xung quanh bàn cờ tướng có khá nhiều giai thoại hấp dẫn như Thua cờ mất Hoa Sơn giữa hai kỳ thủ là Triệu Khuông Dẫn và Hy di Đạo sỹ Trần Đoàn; câu chuyện cao thủ trứ danh Chu Tấn Trinh đánh cờ với vị sư trụ trì ngôi chùa cổ ở Trung Quốc. Nước ta cũng có Chuyện ở Bích Mai Trang với ván cờ giữ chủ ngôi biệt thự này với một nữ kỳ thủ trẻ. Ván cờ giữa Cao Bá Quát và vua Tự Đức hay câu chuyện đánh cờ của Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu…
Là môn giải trí mang tính trí tuệ và đượm vẻ tao nhã, không những rèn luyện trí óc cho người chơi cờ mà còn dạy người chơi cờ cách đối nhân xử thế, dạy cho họ biết Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí – Tín. Ngày xuân, ván cờ càng thêm thanh tao:
Trải Hạ Thu Đông,gặp tiết Xuân về càng phấn chấn
So Cầm Thi Họa,thêm bàn Cờ nữa mới thanh cao.
Tiểu liệt, Đại liệt giao tranh kịch liệt
Bình xa, Hoành xa chiến lược cao xa./.
__Sưu Tầm___Sống trên đời cũng giống như bị hiếp dâm
Không chống cự được thì hãy cố gắng mà tận hưởng.
-
Post Thanks / Like - 13 Thích, 0 Không thích
-
04-07-2015, 01:54 AM #2
Mình đề nghị anh em chơi Cờ phải ăn mặc lịch sự, áo trong quần, phong độ tao nhã được không, ai ủng hộ like cho mình nhé. Xin cám ơn !
Like cho mình không phải do mình thích mà là ủng hộ phong cách lịch sự khi chơi cờ, chống lại hiện tượng tùy tiện, cẩu thả tạo lên hình ảnh xấu trong Cờ Tướng như mấy bác xe ôm, mấy ông Cừu Vạn chơi cờ ngoài đầu đường xó chợ, vẽ một cái bàn cờ ngay dưới đất mà chơi, cãi nhau, nói bậy, khiến cho nhiều người dân có quan niệm mặc định xấu về người chơi Cờ !
-
Post Thanks / Like - 2 Thích, 1 Không thíchdoioikhoi, thainguyenkydao1 đã thích bài viết nàyatm không thích bài viết này
Cờ Tướng là thú vui tao nhã
Đánh dấu