Kết quả 1 đến 3 của 3
Chủ đề: Hai miền mưa nắng Hà Nội Sài Gòn
-
20-09-2011, 03:20 AM #1
Hai miền mưa nắng Hà Nội Sài Gòn
Phố Phan Huy Ích, Hà Nội.
Gia đình tôi gốc Bắc, nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở miền Đông Nam Bộ, sống ở Sài Gòn tới nay là sáu năm, giờ lại theo chồng về Hà Nội.
Vùng tôi ở toàn người Bắc di cư nên giọng nói cũng không thay đổi bao nhiêu. Lần đầu tiên tôi bắt đầu ý thức về sự khác biệt là khi có hai ông anh bà con đại bác bắn không tới từ Ninh Bình đến nhà ở vài tháng để học nhạc. Nghe giọng nói cũng quen thuộc, nhưng hơi khó chịu, vì họ nhấn âm quá nhiều.
Có thời gian nhà có một chị giúp việc là dân Châu Đốc. Tôi còn nhớ mình có ấn tượng vô cùng xấu về chữ “ghét” của chị ấy. Mỗi lần chị ấy nói chữ “ghét” nghe ghét không chịu nổi. Bởi vậy hồi đó tôi rất ghét giọng miền Nam.
Học hết phổ thông, tôi vào Sài Gòn, thấy sốc, dù thỉnh thoảng hồi nhỏ cũng hay được ba má cho lên đó chơi. Sốc vì tiếng ồn, vì khói bụi, vì bê tông cốt sắt, vì khác biệt giọng nói, vì thức ăn ngọt, vì người ở đâu ra mà nhiều thế… Còn nhớ có những buổi chiều tôi đạp xe như điên khắp thành phố mong tìm ra một chỗ nào đó không có người, để được yên tĩnh lại, nhưng đương nhiên là tìm không ra. Có chiều, không biết đi đâu đành vào công viên Thống Nhất ngay trước Dinh Độc Lập ngồi, vì ở đó khá thoáng đãng và gió mát. Ngồi được năm phút có ngay thằng cha xe ôm sà tới trước mặt nháy nháy mắt đểu cáng và hỏi: “Đi hong em?”
Sáu tháng sau, chịu không nổi, lại tìm được việc làm ở Biên Hòa, vậy là tôi chuồn về đó ở. Thành phố Biên Hòa dễ thương, bình lặng, bình thường. Không có cái gì là thái quá ở nơi này. Giá cả rẻ, không khí trong lành, người đông vừa phải, đường bờ sông rất đẹp. Chiều đi làm về tôi thường ra bờ sông, hoặc kiếm một quán café nào đó ngồi, hoặc tập tễnh chụp hình bằng cái máy digital cùi bắp. Ấn tượng về Biên Hòa là dòng sông Đồng Nai và những buổi chiều trên sông đẹp lộng lẫy.
Sau đó có một số chuyện xảy ra, tôi lại dọn về Sài Gòn, tiếp tục căng mình ra chịu đựng những áp lực vì sự khác biệt. Dần dần rồi cũng quen, cố gắng cân bằng lại cuộc sống của mình. Ba năm đầu tiên ở Sài Gòn chỉ là đấu tranh vật vã để thích nghi và tìm một công việc thích hợp nhất.
Từ những chuyến đi chơi cho tới khi về sống ở Hà Nội, tôi có rất nhiều điều để nói về thành phố này. Nó gây ra trong tôi những cảm giác lẫn lộn: yêu và ghét, kinh tởm và ngưỡng mộ, thân thuộc và xa lạ. Hà Nội nhiều cây xanh, hồ nước, khí hậu bốn mùa rõ rệt, tuy hơi khắc nghiệt so với một đứa miền Nam như tôi, nhưng bù lại có những khoảnh khắc vô cùng đẹp trong những mùa thu, đông, và xuân. Cái nóng mùa hè ở đây là nỗi ám ảnh kinh hoàng với tôi, vì nó như cái nồi áp suất, khiến mình ngạt thở, người lúc nào cũng dính dính bẩn bẩn, vừa tắm xong lại dính và bẩn như cũ. Cả trời đất không khí cũng mù mù hơi nước. Nóng không chạy đi đâu được, nóng phát rồ, chưa có nơi nào mà cái nóng làm tôi khiếp đảm như thế.
Café Nhà Thờ, Hà Nội.
Hà Nội có khu phố cổ như một cái chợ cực lớn, đi đâu cũng ăn uống, hàng quán, bán mua. Chính vì vậy nên nó vừa sôi động lạ lẫm, vừa vô cùng bẩn thỉu bê bối. Công bằng mà nói, người Hà Nội ý thức hành xử nơi công cộng kém hơn nhiều nơi khác trong nước, cụ thể là Sài Gòn. Nhưng đôi khi tôi lại nghĩ, có thể rác rến, bẩn thỉu, chung chạ… là do nhà cửa quá nhỏ, quá chật, không đủ chỗ để giải quyết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Ra khỏi khu phố cổ thấy vẫn bẩn nhưng đỡ hơn nhiều.
Người Hà Nội thì sâu sắc, ý tứ, nhưng khó lường, khó đoán, nghĩ một đằng nhiều khi nói một nẻo, chửi thề vô tội vạ, nói chuyện lớn tiếng, hay tấn công trước chứ không bao giờ để mình ở vào thế bị động trong mọi trường hợp (bởi vậy tôi toàn bị chặt chém lè cổ, đi xe ôm thì lúc đầu đòi thế này lúc sau đòi gấp ba, không trả thì chửi và có lần còn xém bị đánh). Nhưng cũng vì vậy họ chủ động được cuộc sống, công ăn việc làm, và thường chiến thắng dân những nơi khác, bằng cách nào thì chắc cũng không quan trọng lắm vì mỗi người một kiểu sống.
Con gái Hà Nội da rất đẹp, mũi cao, nên phần đông trông xinh xắn (dù thỉnh thoảng lại văng vài câu chửi thề). Dân Hà Nội thích và thích hợp với chữ quý tộc, trong khi dân Sài Gòn thích và thích hợp với chữ sành điệu. Tổng thể Hà Nội (cũ) giống như một cái làng khổng lồ, dù là thành phố, là thủ đô, nhưng nếp sống làng xã vẫn còn ăn sâu vào đời sống con người.
Người Hà Nội và dân miền Bắc nói chung bệnh sĩ hơi cao, thường thích quyền lực, mà đã có chức quyền thì của cải kiếm dễ như không. Họ cũng hay giữ kẽ, khách sáo, lễ nghi. Họ thường tính xa, ăn chắc mặc bền, cẩn thận hơn người miền Nam. Họ khá bảo thủ, hơi tự mãn, không sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Ví dụ như đồ ăn, dù khoảng cách ba miền đã nhạt nhòa rất nhiều, nhưng ở Hà Nội rất ít quán bán món ăn của những vùng miền khác. Riêng đồ ăn Hà Nội, nếu không có quá nhiều bột ngọt như hiện nay, thì phải nói là tuyệt vời.
Có một điều hơi tế nhị, tôi nhận thấy dân Hà Nội rất hay kể chuyện tục, cả khi họ nói đùa, ý tứ thể nào cũng liên hệ tới chuyện tình dục, hoặc là các bộ phận trên cơ thể nam nữ. Đây là do sở thích, thói quen, hay ức chế ?
Nói chung tôi yêu Hà Nội nhưng hơi sợ dân Hà Nội, không phải kiểu sợ hãi mà chỉ vì không muốn phải đối phó với họ. Mình đối phó thì cũng được thôi nhưng bản tính vốn lười va chạm nên tránh được là tránh. Tuy nhiên tôi đã có vài người bạn rất tốt ở đây, những người mà mình nghĩ là có thể giữ quan hệ lâu dài được, họ không gây cho mình cảm giác nguy hiểm và lúc nào cũng phải suy đoán.(st) và...tiếp“Long thành có bốn yêu tinh
Con yêu hồ Giám, yêu đình Đồng xuân
Yêu nằm giữa phố Hàng Cân
Con yêu gốc liễu trong sân chùa Tàu
-
20-09-2011, 03:24 AM #2
Và Sài Gòn… Khi đã bắt đầu ổn định được cuộc sống ở đây, khi đã đi rất nhiều nơi khác, tôi mới nhận thấy mình đã yêu và gắn bó với Sài Gòn đến thế nào. Yêu như thể nó là mình, như thể nó là cái phòng của mình, quờ tay ra là lấy được cuốn sách, thò chân là bật được quạt, nhắm mắt đi cũng không vấp đồ. Sài Gòn đa dạng, muôn mặt, dễ đoán, dễ nhớ. Đường Sài Gòn thẳng băng, dễ định hướng, không vòng vèo như đường Hà Nội. Sài Gòn là thành phố không ngủ, 24/24 ăn uống chơi bời nhảy nhót. Thời tiết ổn định mặc dù mưa nắng thất thường, hay có thể nói thất thường một cách ổn định. Nóng cũng rất nóng nhưng vào bóng râm là dịu, và quanh năm đều mát mẻ vào chiều tối.
Sài Gòn chẳng có danh lam thắng cảnh gì, chỉ ngồn ngộn mua sắm và tiêu pha. Người ta đến đây để kiếm tiền và tiêu tiền. Rất nhiều cơ hội nhưng cũng rất dễ bị đá ra đường. Sài Gòn đặc biệt ồn ào, đặc biệt đông đúc, và đặc biệt nhiều quán café. Quán café ở khắp mọi nơi, mọi hình thức, mọi kiểu cách, dành cho mọi đối tượng. Đây là thành phố của dịch vụ. Dịch vụ tốt hơn nhiều so với Hà Nội. Sài Gòn không có món ăn nào là đặc sản, nhưng món ăn đặc sản miền nào cũng có, muốn ăn gì có đó, quan trọng là có tiền hay không mà thôi.
Người Sài Gòn ít quanh co, ít lớn tiếng, ít đáo để, ít khéo léo, ít ghê gớm. Nhưng nếu có ghê gớm thì thực ra cũng không ghê gớm gì mấy, có che đậy thì cũng chả che đậy được ai. Dân Sài Gòn cởi mở, dễ gần, dễ tiếp nhận cái mới nhưng không giỏi chọn lọc, thành ra hơi dễ dãi, ít xét nét, săm soi, so sánh, bởi vậy nhiều khi thành lãnh đạm; tính khí hào sảng, cao hứng là cỡ nào cũng chơi tới bến, không cần biết hậu quả, bởi vậy lúc thì quá lúc thì quắt, nói chung là không ổn định. Dân Sài Gòn thích đua đòi, thích xài tiền, và là vua thời gian, lãng phí thời gian kinh khủng vào chuyện ăn uống nhậu nhẹt, chơi bời. Do thời tiết nóng nực nên dân Sài Gòn thích uống bia. Và miền Nam nói chung có “văn hóa ăn nhậu” trong khi miền Bắc là “văn hóa uống rượu.”
“Ở Sài Gòn, một mét vuông là ba thằng ăn trộm,” câu này rất hữu ích cho những người mới đến. Sểnh ra một cái là mất túi, hững hờ một tí là mất xe. Có chuyện rất buồn cười, nhà bác tôi bé xíu, buổi trưa bác rủ bạn bè đến nhậu, sợ mất xe nên dồn hết vào nhà nhưng không đủ, thành ra còn một xe thò đuôi ra đường hẻm. Các bác ngồi nhậu ngay đó mà thằng nào tháo mất cái bánh xe lúc nào không ai biết. Còn tôi bị giựt mất điện thoại hai lần, trộm viếng nhà ba bốn lần, có lần mình đang ngồi sờ sờ đó mà nó còn dám chui vào, bị giựt giỏ hai ba lần cùng với một lần giựt dây chuyền, nhưng mấy lần này mình né hoặc giành lại được. Sài Gòn cũng rất nhiều ăn xin và người bán vé số, với mọi hình thức, mọi lúc mọi nơi. Ở Hà Nội thì rất ít mấy vụ trộm cướp xin xỏ vé viếc này.
Sài Gòn cũng nhiều sự rởm đời, nhiều kẻ rởm đời, nhưng dân Sài Gòn được/bị cái là thấy mà như không thấy, nói chung không ảnh hưởng gì tới mình thì cứ tránh đi là hơn. Sài Gòn tuy nóng nhưng hay có gió nhờ gần biển, không khí thoáng đãng chứ không đặc quánh như Hà Nội, dù khói bụi ở đây nhiều hơn. Thích nhất là tới mùa thầu dầu, gió thổi qua một cái là từng đàn từng đàn từ trên cây bay xuống như chuồn chuồn, trông thì đẹp chỉ phải cái tội rác đường. Mà đường phố Sài Gòn luôn sạch sẽ hơn Hà Nội, từ đường lớn đến ngõ hẻm.
Sài Gòn có đầy kỷ niệm với tôi, đầy bạn bè, đầy những chỗ thân quen. Đi đâu thì đi, làm gì thì làm, lúc nào tôi cũng mong về lại đây. Đời sống ở đây rất bất ổn nhưng là sự bất ổn một cách bình ổn! Mình biết là kiểu gì mình cũng có thể sống được ở cái xứ đất lành chim đậu này.(st)“Long thành có bốn yêu tinh
Con yêu hồ Giám, yêu đình Đồng xuân
Yêu nằm giữa phố Hàng Cân
Con yêu gốc liễu trong sân chùa Tàu
-
20-09-2011, 01:09 PM #3
Một cái nhìn rất đa chiều và chính xác về Hà Nội và Tp.HCM. ở đâu cũng có hai mặt. Ở Tp.HCM Themgaidep cho rằng có 2 thứ đáng sợ: Cướp giật và (trong, trước) sự lãnh cảm của người dân. Đúng như 2 cái sợ của Tác giả bài viết trên.
"Không có phụ nữ xấu, chỉ có người không biết rằng mình rất xấu mà thôi!"
Hai miền mưa nắng Hà Nội Sài Gòn
Đánh dấu