Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Những Cung Đường Đèo Việt Nam
Close
Login to Your Account
Trang 1 của 3 123 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 26
  1. #1
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Những Cung Đường Đèo Việt Nam

    ]Lãng du" Thiên hạ đệ nhất hùng quan"

    < Con đèo Hải Vân được ví như dải lụa mềm mại vắt ngang dãy núi nơi bắt đầu của dãy Trường Sơn hùng vĩ bạt ngàn lau lách


    Gần 5 thế kỷ, con đèo thiên lý Hải Vân Quan đã hoàn thành sứ mệnh giao thông nối Bắc Nam.
    Sau khi hầm Hải Vân hoàn thành, Hải Vân Quan đã bắt đầu 'vai trò' mới là địa điểm du lịch lý tưởng để khám phá hai bãi biển ở hai đầu con đèo được mệnh danh là những bãi biển đẹp nhất Việt Nam và thế giới.

    Trong lịch sử triều Nguyễn, vua Minh Mạng (1791-1840) là người thích ngoạn du, cho nên dấu ấn của ông để lại nhiều nơi

    < Hàng ngày, có hàng chục chuyến tàu Bắc – Nam vượt Hải Vân gợi đến cảm giác hào hùng một thời trong bài hát 'Tầu anh qua núi' của nhạc sỹ Phan Lạc Hoa.

    Vào năm 1826 ông đã cho xây Hải Vân Quan, ông đã cho xây đá thành bậc ở những đoạn đường dốc cho dễ đi lại và ngay trên đỉnh đèo

    < Vẻ đẹp hoang sơ của biển Đà Nẵng nhìn từ lưng đèo Hải Vân
    < Làng chài Nam Ô (Đà Nẵng) đẹp như tranh vẽ
    < Trạm gác rêu phong được xây dựng từ thời vua Minh Mạng vẫn còn nguyên tấm bia đá đề chữ “Hải Vân Quan”. Còn tấm bia đá trắng ghi “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đã bị tàn phá cùng thời gian.

    Phía trên cửa trạm gác quay về hướng bắc treo một tấm biển to bằng đá cẩm thạch khắc ba chữ Hán lớn “Hải Vân Quan”, và phía quay về hướng nam là biển đá với sáu chữ Hán “Thiên hạ Đệ Nhất Hùng Quan”
    < Một chiếc lô cốt từ thời Pháp thuộc nằm hoang vu giữa bạt ngàn lau lách trên đỉnh đèo cũng gợi nên một thời chinh chiến xa ngái
    < Mừng mừng tủi tủi gặp nhau trên đỉnh đèo.
    < Hải Vân Quan được sách, báo của người nước ngoài lưu lại dấn ấn của như ký sự và thơ vịnh Hải Vân của Hoà thượng Thích Đại Sán trong tập Hải ngoại kỷ sự, hồi ký của người Pháp, người Anh đăng trên tập san Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des Amis du vieux Huế)... đã như một cẩm nang để khách du lịch đến từ Pháp, Anh đến Việt Nam khám phá Thiên hạ đệ nhất hùng quan
    < Một bãi đá gan gà nằm hoang sơ dưới chân đèo Hải Vân

    Con đèo với những lối cua khúc khuỷu đến rợi người, một bên là lau lách um tùm, một bên là tiếng sóng biển ầm ào có một sức hút kỳ lạ đối với những người ưu thích sự kỳ vĩ.

    Hình dung Hải Vân Quan như một chiếc đòn gánh thì hai đầu con đèo như hai chiếc quang gánh, gánh hai bãi biển đẹp
    < Cuộc sống sinh hoạt thường nhật của cư dân Vịnh Lăng Cô như điểm xuyến thêm vào vẻ đẹp thơ mộng đã được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới (Worldbays Club) tôn vinh.
    < Vịnh Lăng Cô đẹp quyến rũ nhìn từ lưng đèo Hải Vân.


    Tạp chí Mỹ Forbes đã bình chọn biển Đà Nẵng là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất thế giới và Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới (Worldbays Club) bình chọn cho vịnh Lăng Cô (Huế).

    Chỉ cần 1 chiếc xe gắn máy, bạn hãy lên đường để thưởng thức cảm giác Thiên hạ đệ nhất hùng quan mà vua Minh Mạng đã từng ban tặng cho Hải Vân Quan

    (THEO ViêtNamnet)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  2. #2
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Đèo Lộc Bắc nối Bảo lâm_Đạ tẻh (Lâm Đồng)



    [B]Từ ngày 19.5.2011, cung đường ĐT 725 - trong đó có đèo Lộc Bắc đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là cung đường mới đường được nâng cấp - xây mới từ QL 725 cũ với tổng chiều dài khoảng 32,4km nối từ Lộc Bắc, Bảo Lâm đến huyện Đạ Tẻh để rồi xuôi về các ngả đường miền Đông Nam Bộ.[/B]

    Tuyến đường sẽ phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ 20 từ Bảo Lộc đi về 3 huyện phía Nam Lâm Đồng.

    Công trình nâng cấp - xây mới tuyến đường ĐT 725 đèo Lộc Bắc do Công ty Quản lý Đường bộ 2 đảm trách việc thi công có chất lượng rất tốt, giúp đảm bảo an toàn giao thông một cách thông suốt cũng như phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân địa phương ngoài nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ việc vận chuyển sản phẩm alumin và vật tư của nhà máy alumin Tân Rai (huyện Bảo Lâm).
    < Trên đèo Lộc Bắc.

    Với mức đầu gần 423 tỷ đồng, Sở Giao thông vận tải, hai huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh và đơn vị thi công – Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 515, Công ty cổ phần Xây dựng và tư vấn đầu tư 18 đã tích cực triển khai thi công rút ngắn tiến độ sớm hơn 6 tháng theo hợp đồng xây dựng trong 24 tháng.

    Cung đường ĐT 725 – đoạn Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm nối với xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh có chiều dài 32,3 km, quy mô xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi với nền đường rộng 5,5 m bằng bê tông nhựa. Trên tuyến còn được xây 3 cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông dự ứng lực, mỗi cầu dài 33 m, tải trọng là HL 93.
    < Đoạn khởi đầu vào QL 725 từ Đạ Tẻh vào đèo hơi xấu một tý vì chưa được sửa.

    Đường ĐT725 mở ra cơ hội phát triển kinh tế vùng sâu. Đây là một trong những công trình quan trọng không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng đối với hai huyện nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.

    Theo những cán bộ từng chung vai đấu cật với bà con dân tộc thiểu số trong những năm kháng chiến thì con đường này ngoài việc tạo ra sự phát triển kinh tế còn mang một ý nghĩa quan trọng, đó là trả nghĩa căn cứ kháng chiến xưa.
    < Nhưng đến đèo rồi thì đường thênh thang, phẳng phiu.

    Đoạn tuyến Lộc Bắc – Mỹ Đức là một mắt xích quan trọng cho toàn tuyến ĐT 725 nối Đà Lạt đến Đạ Tẻh, chạy song song với đường quốc lộ 20 tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa, lưu thông đi lại của người dân, kết nối với 3 huyện phía Nam của tỉnh. Đồng thời là tuyến đường chiến lược kết nối Lâm Đồng với các tỉnh Đắc Nông, Bình Phước.
    < Cảnh nhìn từ trên đèo.

    Du lịch, GO! đã vượt qua đoạn đường này ngày 14.8.2011 để quan sát thực tế (Xem chi tiết trong bài "Madagoui - Đạ Tẻh: hành trình tìm thác và đèo..."). Dù phần đường nối vào Đạ Tẻh có một đoạn khá xấu do ngoài dự án, phần còn lại thì tuyệt đẹp với khá nhiều con dốc 10° quanh co giữa núi. Nhiều đoan có tầm nhìn bao quát xuống đoạn đèo đã đi qua trông thơ mộng vô cùng, mùa lạnh phủ trong sương mù đúng nghĩa vùng cao nguyên
    Ở một đoạn khác giữa đèo có hai dòng thác nhỏ thôi nhưng khá đẹp. Do đèo mới mở nên thưa vắng xe, bạn có thể dừng ven đèo để thưởng ngoạn, chụp ảnh tùy thích.

    Do các taluy có mới tinh tươm chưa phủ cây cỏ nên sau những cơn mưa có thể bị sạt lở. Tuy nhiên sau khi sạt được các nhà thầu khắc phục rất nhanh để giải phóng đường
    < Nhìn từ đỉnh đèo, chỉ chụp được một phần vì máy mình không thể lấy nổi toàn cảnh
    Lúc bọn mình đi thì đèo Lộc Bắc vẫn chưa hề có tên, có sự hiện diện trên các bản đồ vệ tinh. Tuy nhiên: từ Đạ Tẻh, bạn cứ hỏi người địa phương "đường đi Lộc Bắc" là người ta sẽ chỉ ngay, hoàn toàn không khó.

    Chúc bạn có chuyến du hành tuyệt vời qua con đèo thú vị này nhé - Nhớ xem lại thắng trước sau, nhớ đổ xăng trước khi vào đèo

    (theo Điền Gia Dũng,dulichgo)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  3. #3
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Thơ Mộng Một Chuyến Đèo Le



    Từ ngã ba Hương An (Quế Sơn, Quảng Nam), theo hướng tây, qua thị trấn Đông Phú sẽ gặp đèo Le. Đèo Le nằm giữa hai xã Quế Long (Quế Sơn) và Quế Lộc (Nông Sơn), tỉnh Quảng Nam.

    Bên kia đèo Le, những cái tên Đại Bình (hay Đại Bường), Trung Phước, Hòn Kẽm Đá Dừng, Dùi, Chiêng, Tí, Sé… bao giờ cũng gợi chút phiêu bồng trong khách lãng du. Nơi đây có phong cảnh sơn thủy hữu tình với suối Mát nước trong vắt, khung cảnh hoang sơ và đặc biệt là có món gà luộc ngon nổi tiếng.

    Đèo Le đêm trăng vọng lời mẹ hát...
    Câu hát ngàn năm mãi ru lòng tôi...

    Ngay đỉnh đèo có một con suối nước trong xanh, mát lạnh. Mỗi khi ngồi nghỉ mệt tại đây khách bộ hành thường hay vốc làn nước trong xanh kia rửa mặt thấy mát lạnh vô cùng nên người ta đặt tên là suối Mát.

    Còn tên đèo Le là do ngày xưa, đường sá khó khăn, người dân hai bên muốn thăm viếng nhau phải vạch rừng, lội bộ, leo lên đến đỉnh thì mết quá... le lưỡi thở phì phò nên đèo được đặt tên là đèo Le. Điều hấp dẫn nhất khi chọn đèo Le nghỉ dưỡng chính là khung cảnh thiên nhiên nơi đây còn khá hoang sơ.

    Suối Mát nổi tiếng với nguồn nước trong lành, mát rượi nằm trên đỉnh đèo Le. Muốn sử dụng nguồn nước này, du khách không phải vất vả leo lên tận đỉnh đèo như trước đây bởi bây giờ đã có một quần thể dịch vụ du lịch gồm hồ tắm, phòng nghỉ dưỡng luôn sẵn sàng phục vụ. Sau này khi khách du lịch về nhiều con suối nhỏ ngày xưa không đủ cho khách đắm mình nên người ta đã xây 1 hồ bơi rộng giữa lưng chừng núi

    Cả hai hướng đèo Le đều có những quán ăn đề bản "Đặc sản gà tre đèo Le" nhưng quán nổi tiếng và đông khách nhất là quán ngay đỉnh. Quán được dựng sát bên cạnh con suối nước mát, bây giờ đã khang trang thoáng đãng hơn xưa nhiều với khách vào ra tấp nập

    Du khách có thể tắm nơi đầu nguồn suối Mát hoặc bơi lặn trong hồ tắm rộng, xây lưng chừng đèo với nguồn nước được dẫn từ suối về. Được vẩy vùng trong làn nước mát nơi đèo cao trong khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, bao mệt mỏi và âu lo đời thường của du khách sẽ như tan biến

    Sau khi lội bộ, tắm mát, nghỉ ngơi, du khách sẽ thưởng thức những món ăn đặc sản, trong đó độc đáo hơn cả là món gà đèo Le. Gà luộc ở đây là những chú gà ta được chăn thả quanh đồi, sau khi làm sạch, gà được bỏ vào nồi nước đang sôi để luộc chín. Vớt gà ra, người ta nhanh tay đổ gạo, đậu xanh vào nồi nước luộc để có món cháo gà thơm ngon.

    Thịt gà có thể xé nhỏ trộn với rau răm, muối tiêu, chanh..., hoặc để nguyên con cho thực khách tự tay xé nhâm nhi thưởng thức. Món cháo được múc ra sau cùng, vị thơm, ngọt của gà quyện với vị cay cay, nồng nồng của rau răm, của ớt rừng giữa một không gian mênh mông lộng gió mát mẻ, bên tai là dòng suối chảy róc rách càng làm cho bữa ăn thêm thi vị

    Nhiều du khách ở đây thắc mắc tại sao gà đèo Le lại ngon đến vậy? Không ai lý giải được nhưng nhiều người tin rằng, chính nhờ nguồn nước của suối Mát nên thịt gà mới mềm và thơm như vậy, bởi nhiều người sau khi ăn xong còn mua gà sống về nhà nhưng khi luộc vẫn không thể ngon bằng ăn tại đèo Le. Tiếng lành đồn xa, món gà luộc đèo Le đã trở thành đặc sản nơi đây. Thương hiệu gà đèo Le đã vượt qua ranh giới huyện miền núi Quế Sơn, được nhiều nhà hàng vùng xuôi và thành phố lớn tìm mua, quảng bá, lôi cuốn thực khách.

    Hãy đến với đèo Le nếu có dịp về Quảng Nam, ngoài việc thưởng thức món gà luộc "có một không hai" này các bạn sẽ có được những phút giây thư giãn giữa một không gian hoang sơ đầy thi vị của núi rừng xứ Quảng

    (theo dulichgo,tổng hợp)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  4. #4
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Tà Sì Láng..cung đường mê đắm



    Tà Sì Láng là một xã thuộc huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái, phía bắc giáp xã Bản Mù, phía Tây giáp huyện Phù yên và Bắc yên - Sơn La, phía Đông và nam giáp huyện Văn Chấn. Dân cư ở đây 100% là người H'Mông, sinh sống bằng nghề làm nương và đi rừng hái củi. Từ Văn Chấn vào Tà Sì Láng khoảng 18km nhưng cũng phải đi hết 2h mới vào được trung tâm xã.
    Với cung Hà Nội - Văn Chấn dài khoảng hơn 200km, thì việc lên Tà Sì Láng quả là một sự cố gắng và nỗ lực thực sự. Tuy vậy cung hiểm này vẫn là niềm đam mê của nhiều người đi phượt và du lịch bụi, du lịch khám phá.

    Với đặc điểm địa hình hiểm trở trên độ cao gần 2000m, bị chia cắt bởi vực sâu, núi cao, vách đá dựng đứng... nên đường vào Tà Sì Láng cực kỳ khó khăn. Trước đây chỉ có đường mòn dân sinh, nay đã được mở rộng khoảng 4-5m, nhưng sạt lở thường xuyên khiến con đường vào Tà Sì Láng hay bị ách tắc, rất nhiều đoạn chỉ đi vừa bánh xe máy. Độ dốc của con đường này cũng thật khó tưởng tượng: 15 -20%

    Hơn 10 năm trước, các cánh rừng ở Trạm Tấu, ở Tà Si Láng bạt ngàn cây gỗ pơmu. Nhưng do địa thế hiểm trở chẳng bao giờ có người qua lại, cộng với sự khó khăn của người dân nơi đây nên bọn lâm tặc thả sức triệt hạ những cây gỗ pơmu quý giá. Bây giờ thì trên các triền núi, loài thông đuôi ngựa làm cho núi rừng có một màu xanh mới, mát mắt

    Cuộc sống của người H'Mông ở Tà sì láng còn rất khó khăn, 1-2 tháng thiếu ăn lúc giáp hạt là điều vẫn xảy ra. Do độ dốc lớn nên việc canh tác khó khăn, mùa màng lúc được lúc mất, dân trí rất thấp nên đa phần trẻ em ở Tà Sì Láng thất học.

    Mặc dù có trường ngay tại trung tâm xã nhưng để vận động được người đi học không phải chuyện dễ dàng. Trong 16 xã thuộc huyện Trạm tấu - Yên bái thì Tà sì láng và Bản Mù là 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn.

    Đây là một cung đường hiểm nhưng với những dân phượt chuyên nghiệp, Tà Sì Láng chính là một điểm đến khám phá vô cùng thú vị.

    Họ không chỉ đến một lần, coi như đã chinh phục được một nơi mới, mà vẻ đẹp cũng như sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây đã khiến cho nhiều người đến với Tà Sì Láng như một sự mời gọi khám phá cho đến kỳ̀ cùng của vùng đất. Có người đã đến đó tới lần thứ ba nhưng vẫn còn luyến tiếc vùng đất Tà Sì

    (Theo Lukhach24, ảnh Fanwavegroup)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  5. #5
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Leo Đèo Rù Rì cũ



    Đèo Rù Rì (cũ) với cái tên nghe rất ấn tượng, là con đèo cuối cùng của miền Nam để vào trung tâm thành phố Nha Trang. Đèo cũ dù chỉ dài 3km nhưng khá nguy hiểm bắt đầu từ cuối thành phố Nha Trang đi ra Ninh Hòa và là đường một chiều.

    Xung quanh đèo Rù Rì là vô vàn những bãi tha ma, rừng rậm. Trên đỉnh đèo còn có một tượng Đức mẹ Maria giơ tay ban phước cho vùng đất ngoại thành.

    Thực ra, cái tên đèo Rù Rì là cái tên nói về một loài chim, ngày xưa sống rất nhiều ở quanh những ngọn đồi và những vườn cây xung quanh khu vực đèo. Chiều tà, tắt bóng dương, đi qua con đường mòn ở chân những quả đồi này, cứ thấy rờn rợn khiến lữ khách lại nhớ về những lời đồn thổi ma quái của dân địa phương.
    < Đường ngoằn ngoèo là đèo Rù Rì cũ, đường đỏ là đèo mới - xanh là dự kiến sau này.

    Từ tháng 9 năm 2010, đèo Rù Rì đã được khởi công cải tạo nâng cấp nhưng chính yếu là phần mở rộng đoạn QL1C phần qua đèo thuộc phía bắc TP Nha Trang. Dự án thực hiện hơn 2,6km trong đó sẽ xây dựng hơn 1.1km đồng thời hạ độ dốc đường đèo Rù Rì xuống gần một nửa so với đèo cũ. Mặt đường sẽ được mở rộng 16m gồm bốn làn xe và hoàn thành trong 24 tháng. Cung đường mới này khiến giao thông ra QL thuận tiện hơn, giảm sự nguy hiểm. Còn đoạn đèo Rù Rì cũ thì hiện nay vẫn còn đó, chỉ dành cho dân địa phương và kẻ du phượt.

    Leo đèo Rù Rì cũ...

    Tạm biệt Nha Trang, TS hướng về quốc lộ 1 qua đèo Rù Rì, con đường đi mỗi lúc như một vắng thêm và mình có cảm tưởng như đường cũng nhỏ lại nữa! Điều này khiến cho người lữ hành có cảm giác là mình đang đi vào ngõ cụt vậy. Nhưng kia rồi một ngã ba: Một nũi tên chỉ rẽ trái với dòng chữ đèo Rù Rì 2 Km, đèo đây rồi!

    Con đường từ thành phố Nha Trang ra đèo Rù Rì ngày ngay rất ít người đi lại trừ một số cư dân địa phương mà thôi. Do ngày nay con đường quốc lộ 1 đã không còn đi ngang qua thành phố Nha Trang nữa và cũng không qua đèo Rù Rì nữa. Người ta đã chỉnh QL1 đến một hẻm núi gần đó đồng thời cũng đã hạ thấp độ cao của hẻm núi chỉ còn lại là một con dốc thành ra đèo Rù Rì ngày nay đã đi vào dĩ vãng của những chuyến xe đò tốc hành Bắc Nam

    Đèo Rù Rì là con đường tráng nhựa đủ cho một làn xe chạy ngược chiều có thể tránh nhau. Ts đã nhàn du tiến bước càng gần chân đèo càng hoang vắng ít người qua lại, không ai tu sữa đã bắt đầu trở thành hoang phế.

    Với những đoạn đường không còn mặt đường nữa mà thay vào đó là những vũng nước khi trời mưa. Vào chân đèo không còn nghe tiếng ồn ào của phố thị mà thay dần vào đó là tiềng của rừng cây vách đá, tiếng gió thổi... đúng với tên gọi rù rì của nó

    Vừa vào đèo là khách lữ hành đã có thể cảm nhận một cách tự nhiên âm thanh của tiếng gió thổi rì rào, rù rì, u u tịch tịch.

    Tại chân đèo thấy có ghi độ dốc của đèo chỉ là 10% nhưng thật ra chỉ cần lên đèo chừng 50 mét là bạn không thể nào có thể ngồi trên yên xe đạp được nữa cho dù bạn có đứng hẳn người lên hai bàn đạp (pi-đanh) cũng đành thôi! Vậy là một mình đẩy xe trên đèo qua những đoạn quá dốc

    TS đi vào đèo rù rì vào những năm 2000 mà cảm nhận như vào thế kỷ 19 vậy, đường đèo chỉ một mình Ts đi mà thôi. Con đường nầy ngày nay có lẽ ít người đi lại từ khi có con đường QL qua đèo mới!

    Càng lên cao, vào sâu trong lòng đèo thì không khí hoang vắng cô tịch càng đậm nét rừng và tiếng của rừng. Ánh nắng của mặt trời ban mai chưa kịp vượt qua đỉnh núi, nó chỉ xen qua những tàng cây vem theo sườn. Hơi sương ban đêm cũng còn đọng lại đây đó !trên cành cây ngọn cỏ ven đèo. Đó đây một vài loại chim cũng vừa mới thức giấc kêu riu rít, chạy nhảy tung tăng. Mình không hiểu được tiếng chim, không hiểu được những hành động của chim. Nhưng tổng thể không cần phải suy nghĩ gì, chỉ bằng trực giác là chúng ta cũng đã hiểu rằng chim đang vui và hạnh phúc trong nhưng giây phút nầy.

    Đèo Rù Rì ngày nay hầu như không còn là con đường chính trong nối liền hai miền Ninh Hòa và Nha Trang nữa. Sự giao thông gần như tất cả đã đi theo con đường QL1 mới. Thình thoảng mới có người leo đèo, có lẽ họ là những cư dân hai bên đèo và những người thích lãng du như TS này đây.

    (Dulichgo - Tổng hợp từ internet, 360plus.yahoo Sotam26)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  6. #6
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Đèo Mã Pì Lèng..



    Từ thành phố Lào Cai tới đèo Mã Pì Lèng, thuận tiện nhất là đi theo tuyến Quốc lộ 70 tới Phố Ràng (Bảo Yên) rồi rẽ trái theo Quốc lộ 279 tới địa phận huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) là gặp Quốc lộ số 2 từ Tuyên Quang đi Hà Giang ở Việt Quang. Tại ngã ba này, rẽ phải là xuôi qua Tuyên Quang về Hà Nội, còn rẽ trái sẽ tới thành phố Hà Giang, một thành phố vùng cao có những nét tương đồng với thành phố Lào Cai, tuy không có phường, xã nào có đường biên, mốc giới.

    Từ Lào Cai, cũng có thể đi lên Bắc Hà, tới Lùng Phình rẽ phải qua huyện Xín Mần của Hà Giang là tới thành phố Hà Giang, nhưng đường rất xa, khó đi, qua địa bàn 18 xã, hiểm trở và hiện chưa được sửa chữa. Từ thành phố Hà Giang đi theo đường lên Đồng Văn với quãng đường gần 150 cây số, rồi từ Đồng Văn đi tiếp 10 cây số nữa lên Mèo Vạc, sẽ gặp đèo Mã Pì Lèng.

    Mã Pì Lèng là tên gọi theo ngôn ngữ vùng biên giới, là "sống mũi ngựa" theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức ngựa đi qua phải bạt vía, lạc hơi
    Đỉnh Mã Pì Lèng cũng là điểm phân giới ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái trong cao nguyên đá Đồng Văn, ngày nay là Công viên địa chất toàn cầu có độ cao trung bình 2.000m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 430 triệu năm, trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo sơn gây ra

    Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pì Lèng và một bên là Săm Pun - nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pì Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất" mang tầm quốc tế. Đi trên đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ. Nhìn thế thôi, mà muốn xuống đến bờ sông, muốn vẫy vùng trong nước sông Nho Quế phải mất đến hơn một ngày đường.

    Trên địa hình chia cắt dữ dội, cung đường đèo Mã Pì Lèng rất hiểm trở, có độ dài khoảng 20km vượt đỉnh Mã Pì Lèng, đây chính là cung trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối thành phố Hà Giang với Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 200km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm đường trong 11 tháng


    Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pì Lèng - với 9 khoanh uốn khúc bên vách đá dựng đứng bên vực thẳm hun hút - tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở ở vùng núi biên viễn phía Bắc, ngang ngửa với đèo Hoàng Liên Sơn phía Lào Cai - Lai Châu, tuy độ cao đỉnh đèo không bằng bên dãy Hoàng Liên. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô, nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo, hai xe ngược chiều rất khó tránh nhau.

    Cung đường Mã Pì Lèng đã trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một "Vạn Lý Trường Thành" của Việt Nam hay "Kim Tự Tháp" của người Mông cao nguyên Đồng Văn và các dân tộc anh em kết đoàn xuôi ngược. Trên đỉnh đèo được đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn xây dựng đường đèo. Đây cũng là nơi tưởng nhớ những người đã hy sinh, góp cả tính mạng mình làm nên con đường Hạnh Phúc

    Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực Mã Pì Lèng là danh lam thắng cảnh quốc gia.

    Theo đó, danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng bao gồm: đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam

    Những người hay đi du lịch dã ngoại, giới nhiếp ảnh hoặc "dân" mỹ thuật, "dân" báo chí thường tự hào khoe với nhau mỗi khi tới được con đường Hạnh Phúc, lên đỉnh Mã Pì Lèng "chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi", ngắm hình sông, thế núi vời vợi chất ngất, cảm nhận vẻ đẹp vô cùng của đất nước mình: "Trừ đèo Hoàng Liên Sơn ra, thì có lẽ tất cả các cua và đèo dốc trên khắp nẻo đường bộ trong cả nước dồn lại cũng không bằng ở cung đường Hạnh Phúc này".

    Lên đây, ngắm cảnh quan hùng vĩ, tìm hiểu thêm về những hy sinh, mồ hôi xương máu của thế hệ anh dũng làm nên kỳ tích Mã Pì Lèng, không ai không cảm động khi chứng kiến diện mạo vùng cao biên giới đổi thay, con đường nâng bước cả cao nguyên xây dựng cuộc sống hạnh phúc, thỏa nguyện những người đã ngã xuống.

    (theo báo Lào Cai
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  7. #7
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Chuyện các con đèo khắp mọi miền Việt Nam(1)

    Đây là chuyện do bác trùm phượt Hoangbquang kể về các con đèo... và được các phượt gia khác bổ xung thêm trong nhiều chuyến đi rất độc trên forum Phuot.com - Mình sẽ thêm vào loạt bài này những chuyện hay hay liên quan đến chủ đề trên
    < Đèo Phượng Hoàng

    Đèo Phượng Hoàng - (trên Quốc lộ 26 từ Ninh Hoà đi Buôn Ma Thuột)

    Đèo Phượng Hoàng hay gọi là đèo M''Drak là tên của huyện M''Drak thuộc ĐakLak nằm trên quốc lộ 26, tuyến đường huyết mạch lên Tây Nguyên.
    Nằm song song với nó một cách tương đối bên các quốc lộ 19 - 27 - 28 - 25 và 24 là các con đèo Măng Giang - An Khê - Violăc - Măng Đen - Đèo Chuối - Ngoạn Mục - đèo Pren .... mỗi con đèo một vẻ đẹp, một sự hùng vĩ và một câu chuyện mang nhiều nét giai thoại và dân dã.


    Đèo Phượng Hoàng trước đây là một ổ Fulro (quân phỉ người Tây Nguyên) ... Những năm 1976 đến năm 1982 có lúc ở đèo Phượng Hoàng có cả một tiểu đoàn lính tinh nhuệ thuộc CSCĐ (Bộ Nội Vụ trước đây) ngày đêm tiểu phỉ.....

    Năm 1979, dân các tỉnh phía Bắc được động viên vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới ở các huyện K''rong A Na, K''rong Pack, M;Drak... thuộc tỉnh ĐakLak... Khi đi qua đèo Phượng Hoàng đều có xe của quân đội đi kèm và bảo vệ, thỉnh thoảng trên đèo lại xảy ra vụ Fulro bắn cháy xe, cướp hàng hoặc trấn xe giữa chừng để lột hết của cải, đồ ăn của hành khách hoặc lái xe....
    Đèo Phượng Hoàng dốc không cao và đường cũng không ngoằn nghèo lắm, nhưng khá nhiều tai nạn xảy ra trên đèo những năm trước, giờ đường mở rộng nên ít tai nạn....

    Đèo Phượng Hoàng có khá nhiều giai thoại và những câu chuyện về dân cư sống quanh vùng đó, con đèo cũng để lại trong tôi một vài kỷ niệm khá sâu sắc về nó.

    Những năm 1982 - 1983 ở ngay đầu con đèo Phượng Hoàng là Thị trấn M''Drăk có cái tên khác là Thị trấn Khánh Dương (Khánh Dương là tên thị trấn này thời chế độ cũ) có một Trạm kiểm soát liên ngành gồm Công An - Kiểm Lâm - Thuế Vụ chuyên bắt những người buôn Gỗ, Trầm hương, Cafe, Gạo, Đậu .... nói chung là thời đó gọi là "ngăn sông cấm chợ". Tại đây mỗi lần đi qua có nhiều câu chuyện hỉ nộ ái ố .. thôi thì đủ cả...

    Trên những chuyến xe đò từ Buôn Ma Thuột về Nha Trang hoặc đi Sài Gòn ngày ấy, những người phụ nữ buôn nông sản bao giờ người cũng to bành... chỉ vì họ phải bó những túi cafe hạt vào người để mang qua trạm. Chưa hết, những người này còn gửi hành khách trên xe mỗi người một túi cafe hạt đã bỏ sẵn vào bịch nilon, mỗi túi khoảng 2kg cho phù hợp với quy định là mỗi người chỉ được mang theo hành lý không quá 2 kg cafe. Nông sản trồng tại Buôn Ma Thuột được quy định là phải bán lại cho các Cty nhà nước thu mua, họ thu mua hết với giá rẻ. Nếu đem bán ra ngoài mà bên Thuế túm được coi như bị tịch thu, và thế là mới xảy ra chuyện buôn lậu nông sản do chính dân mình trồng ra, trên chính mảnh đất quê hương mình.

    Khi xe tới trạm Khánh Dương, tất cả hành khách phải xuống hết và cán bộ Thuế, Kiểm lâm, CA sẽ lên xe, dùng các cây xăm bằng sắt chọc vào từng bao bì, lục túi xách, xăm gầm xe để tìm hàng lậu. Vô phúc hôm nào các anh ấy vớ được một hai chị buôn Cafe hoặc Tiêu thì thôi rồi đó... Giằng co, xô dẩy, khóc lóc xin xỏ ai oán vô cùng....

    Tôi đã từng chứng kiến những cảnh đó và từng được một người đàn ông nhờ mang hộ một túi du lịch.... Lúc đó cũng chẳng biết là cái túi ấy đựng gì, chỉ biết ông ta nhờ khoác vào vai và đi bộ qua Trạm. Sang tới bên kia Trạm, lên xe rồi, ông ấy rút xoẹt trong túi ra 3 tờ "Vịnh Hạ Long" giúi vào tay tôi và khen: Chú mày được đấy.... Lúc đó chẳng biết trong túi có gì nhưng giờ thì tôi đoán là hàng quý lắm. Có lẽ là Trầm Hương ?! Chứ Cafe hoặc Tiêu thì chỉ có mấy bà sồn sồn hay buôn bán thứ đó và cũng chỉ cám ơn "suông" thôi.


    Trên đèo Phượng Hoàng lúc đó, đường quốc lộ 26 được làm rất mịn, mặc dù từ hồi chiến tranh chưa sửa sang gì. Đường không rộng như bây giờ và cây cối thì um tùm lắm.... Trên cái khúc đường vừa rồi tôi chụp lại và post lên (Màu vàng vàng, đường quanh co có chiếc xe ô tô đang đi) khi ấy là rừng xen lẫn cây gỗ to, cây Lồ Ô và Le le mọc khá dày.... Tôi nhớ tại khúc cua đó cuối năm 1982 đã xảy ra một vụ 3 chiếc xe ô tô Zil 130 biển TH (Tổng cục Hậu cần - BQP) chở đạn lên Tổng kho Mai Hắc Đế (Kho dự trữ quân khí đề phòng chiến tranh Tây Nam) đã đâm vào nhau ... Chiếc xe chở mấy trăm thùng đạn văng xuống ven đồi, thùng vỡ vãi ra cả hàng trăm, hàng ngàn băng đạn AK, đạn B40 vàng choé....

    Chuyện Fulro luẩn quất trên rừng ven đèo Phượng Hoàng, trên Sông Hinh - Phú Yên, trên rừng M''Drăk đang đêm đột kích các làng của người Kinh đốt phá, cướp bóc, bắn giết xảy ra khá nhiều. Fulro chui lủi trong rừng từ đèo Phượng Hoàng, xuyên sang rừng Khánh Vĩnh thuộc Nha Trang và chạy qua Đơn Dương Lâm Đồng ... suốt một dải rừng già Nam Trung Bộ. Có làng của người Ê Đê 100% là đi Fulro... ban ngày vẫn đi làm nương rẫy, hiền lành và ngơ ngác, những ban đêm họ "biến" ngay thành những kẻ cướp phá, giết chóc, hãm hiếp những bản làng người Kinh, lấy đi lương thực, đồ ăn, thú vật nuôi để mang lên tiếp tế cho Fulro đang đóng trong rừng. Quân đội, Du kích, CSCĐ và chính quyền ra sức truy quét, ra sức tuyên truyền chính sách và vận động đầu thú, đầu hàng mãi đến những năm 1985 - 1986 mới tạm thời gọi là hết. Đến lúc bắt được ông bạn "Phó thủ tướng" chính quyền Đề Ga tên như Nga ngố : Nicolai và đưa đi học tập cải tạo tại trại Nam Hà thì Fulro ở khu vực đèo Phượng Hoàng mới gọi là hết hẳn.

    Chuỵện về đèo Phượng Hoàng thì nhiều, những câu chuyện lan man và nhuốm màu sắc rừng rú hoang dã, thêu dệt. Ví dụ như chuyện Hổ vồ người đi trên đèo những năm 63 - 64 thế kỷ trước, chuyện Ma lai của người Ê Đê rồi chuyện chiếc xe con chở theo 3 bộ xương Hổ, năm chiếc sừng tê giác, 3 bộ da Hổ và 1 con Hổ con bị thương chạy trốn kiểm lâm, bắn nhau, đuổi theo như trong phim hành động đến tận cuối con đèo hồi năm 1994....
    Chuyện này tôi nghe anh Trạm trưởng Kiểm lâm hạt M'Drăk kể cho nghe:

    Tháng 3 năm 1994, Trạm nhận được tin mật báo từ trên Buôn Ma Thuột báo về rằng: Có một nhóm buôn lậu đồ quý hiếm đi trên 1 chiếc xe Lancruise 7 chỗ biển 52 màu trắng đang chở theo 3 bộ xương Hổ, 3 bộ da Hổ và 5 chiếc sừng tê giác cùng với 1 con Hổ con bị thương.... nhóm buôn đồ quý hiếm này đã mua được tại Buôn Juê mãi tận Easup gần biên giới Cambodia và đang trên đường về Sài Gòn (lúc đó đường QL 14 về SG vẫn còn đang làm chưa xong, đi lại rất vất vả). Sẽ qua Khánh Dương lúc 21h.

    Gần tối, trạm Kiểm lâm cùng với CA huyện đi mấy chiếc xe máy và một chiếc xe ô tô con mật phục tại đầu con đèo Phượng Hoàng. Khoảng 21h30' thoáng thấy có ánh đèn pha và khi tới gần, qua ánh đèn rọi thẳng, phát hiện chiếc xe Lancruise biển 52 đang chạy tới... Phát tín hiệu dừng kiểm tra, chiếc xe ngoan ngoãn dừng lại. Kiểm tra đồ đạc và giấy tờ 2 người đàn ông đi trên xe đều không thấy gì khả nghi, nhưng chừng 10' sau, một chiếc xe Lancruise khác bật đèn gầm mờ ảo, trờ tới, phóng vụt qua chốt. Lập tức gần nửa cán bộ KL và CA phóng xe đuổi theo.

    Chiếc xe Lancruis phóng vùn vụt, vào cua gấp như trong phim hành động, có lúc rê bánh đi sát vực nhưng nó không thèm giảm tốc độ. Mấy ông CB Kiểm lâm và CA huyện phi xe máy đuổi theo gần kịp liền rút súng ngắn bắn cảnh cáo mấy phát... Không ngờ trên xe Lancruise cũng nổ súng bắn trả làm 1 CB Kiểm lâm té ngã bị thương nặng... Liên tiếp ngắm bắn mấy phát nữa mục đích cho xẹp lốp chiếc xe nhưng không thành....Đến gần cuối con đèo Phượng Hoàng, thêm chiếc xe UZ của CA bị bắn vỡ kính và chiếc Lancruise kia chạy thoát xuống đèo.... Gọi điện báo CA Ninh Hoà chặn đầu nhưng chắc không kịp nên khi xuống tới Dục Mỹ, thấy chiếc xe Lancruise kia nằm đâm đầu vào ruộng mía, trên xe trống trơn...

    Vụ đó giữ được chiếc Lancruse thứ nhất nhưng qua xét hỏi không có bằng chứng gì nên đành thả ra....
    Nghe xong câu chuyện này, tôi cứ ngẩn ngơ tự hỏi: Chuyện có thật à ?

    (theo Hoangbquang và nhiều người khác)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  8. #8
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Chuyện các con đèo khắp mọi miền Việt Nam(2)

    Câu chuyện tuyết rơi trên Đèo Mây (Ô Quy Hồ).
    Năm 1986, lần đầu tiên tôi được lên Phong Thổ theo một đoàn làm Phim truyện. Khi đó xe ca chở đoàn làm fim đi trước, bọn tôi sinh viên năm 2 đi sau và đi bằng xe khách. Lần lên thứ nhất không có gì để nói nhưng lần quay lại thứ 2 thì chúng tôi gặp tuyết rơi


    Xe đi từ Phố Lu lên tới Sa Pa trong cái lạnh giá cắt da cắt thịt. Cửa sổ không kính nên càng rét hơn. Chúng tôi áo sùm sụp co cụm và ôm lấy nhau cho đỡ rét.

    Tại ngã ba Sa Pa bây giờ, hồi ấy vẫn là ngã ba nhưng làm gì có nhiều hàng quán và sầm uất như bây giờ. Nếu nói chính xác thì chỗ ấy có khoảng 4 căn nhà và có 2 nhà chuyên nung vôi, lò vôi xây to tổ bố ngay cạnh đường. Hoa đào, mận nở trắng đồi núi. Sa Pa năm ấy có tuyết rơi. Tuyết rơi phủ kín mái nhà lợp gỗ. Tuyết rơi dày đến nỗi ngập cả đường


    Tôi còn nhớ lúc xe chúng tôi lên gần tới đỉnh đèo Mây, bác tài xế còn bắt 3 chú lơ xe xuống gạt tuyết, xúc tuyết cho xe đi. Đoạn đường có hơn chục km từ Sa Pa lên đỉnh đèo mà đi mất gần 2 h đồng hồ vì đường quá lồi lõm, tuyết rơi dày đặc.

    Lúc xe xuống tới lưng chừng đèo (phía bên Lai Châu), tuyết đã hết, nhưng nước do tuyết tan chảy tràn trề mặt đường, đang vào cua, ông tài xế la lên: Bỏ mẹ tôi...

    Chiếc xe cứ lao vùn vụt, trôi đi rồi chả hiểu sao nó quay ngang và đít xe va vào thành ta luy làm cái rầm. Sáu bảy người ngồi phía sau sợ xanh mặt..... Kính hậu của chiếc xe IFA W50 nhãn hiệu Ba Đình vỡ nát.. Hú vía cái thần hồn !!!


    Trên con đèo Mây, có những khúc cua rất "kinh hoàng", đặc biệt đi vào ban đêm. Tôi đã từng lái xe đi đêm trên con đèo này không ít hơn 4 lần và đã từng suýt lộn cổ cả người lẫn xe xuống vực bởi ... sương mù, ngủ gật và tránh xe tải.

    Mặt đường đèo phía Lai Châu bao giờ cũng rộng rãi, tráng nhựa phẳng phiu hơn mặt đường phía Lào Cai. Thế nhưng điều tai quái ở chỗ phần lớn những vụ tai nạn giao thông đều xảy ra phía đường đèo ở địa phận Lai Châu. Bên đoạn đèo này, con đường uốn lượn quanh co theo triền núi dốc của dãy Hoàng Liên. Thế núi ở đây giống như 4 dãy núi chập lại thành hình chữ X và đỉnh đèo là cái chỗ giao nhau của chữ X và con đường phía Lào Cai men theo cái chân chữ X phía dưới bên tay phải bạn, còn đường Lai Châu là theo cái chân chữ X bên phải phía trên . Sa Pa nằm ở gần giữa cái thung lũng là khoảng trống phái dưới giữa hai chân chữ X , Bình Lư nằm ở gần giữa khoảng trống chữ X phía trên

    Chính vì đường chạy theo thung lũng men dần lên nên bạn để ý sẽ thấy rằng mây, sương mù trôi từ phía đỉnh đèo trôi xuống rồi tan dần khi qua Sa Pa... Còn bên phía Lai Châu, mây mù dồn ứ lại bởi cái chỗ giao nhau chữ X cao tới 1945m nên đường bên này rất nhiều sương mù, có thời gian sương mù cả ngày lẫn đêm bao phủ, tầm nhìn rất hạn chế.

    Con đèo Mây lại rất dài... Ngày trước nó được gọi tới mấy cái tên: Đèo Mây, đèo Ô Quy Hồ, đèo Sa Pa, đèo Hoàng Liên ... Giờ bên phía chân đèo thuộc địa phận Lai Châu, nó được gắn biển: Đèo Hoàng Liên. Nhưng bên Lào Cai không rõ có biển đề tên đèo không? Hình như không có thì đúng hơn

    Đèo Mây dài, đường gồ ghề, cua gắt và rất nhiều chỗ đường được làm không hợp lý nên cực kỳ dễ xảy ra tai nạn. Tôi lấy một ví dụ nhỏ:
    Có một đoạn đường cua rất gắt, lẽ thông thường người ta phải làm đường nghiêng khoảng mấy độ gì đó để khi xe vào cua, ôm cua không bị trọng lực dồn đẩy xe mất lái... Thế mà người ta vô tư làm đường phẳng phiu đến không ngờ.. Khi vào cua, nếu không cẩn thận và giảm tốc tối đa có thể bạn sẽ ngã bất thình lình mà không biết tại sao mình lại ngã... Còn nếu bạn lái xe ô tô thì sẽ thấy chiếc xe của mình tự nhiên tròng chành và hơi chao đi một tý....

    Đỉnh đèo Mây năm 1986 có một trạm Nha Khí tượng Thuỷ văn. Pháo TQ bắn sang làm sập tan nát... Giờ cái nền đó hình như vẫn còn thì phải..

    Cua dốc của đèo phía bên Lào Cai, chỗ bị sạt lở mất hẳn nền đường năm 2003 giờ đã được xây dựng lại và ta luy bằng xi măng rất hoành tráng...

    Đứng ở đỉnh đèo, những hôm trời trong xanh, thời tiết thật đẹp bạn có thể trông rõ đỉnh Fanxipang, đỉnh 2900 m tròn ủng rất hoang dại và kỳ dị cùng với dãy Hoàng Liên xanh rì trập trùng chạy dài về phía bình nguyên Than Uyên, Tam Đường, Sa Pa...

    Đèo Mây có độ dài ít đèo nào sánh kịp. Nó vắt từ Cốc San Lào Cai sang đến ngã ba Bình Lư Lai Châu và chỉ có 2 vệt lên xuống. Đỉnh đèo là nơi chia ranh giới địa phận hai tỉnh.

    Con đường đèo đoạn gần đến Sa Pa (chỗ xã Trung Trải bây giờ) hai bên đường những cây Sa Mu cổ thụ, vỏ xù xì nâu sậm, thân thẳng tắp cao vút mọc chen nhau... Sa Mu cứ chen nhau mọc như thế lên tới tận Ô Quy Hồ... Giờ cái cây con cũng chỉ còn một ít... !!

    Tôi còn nhớ những buổi sáng sớm, sương mù dày đặc. Đèo Mây chìm trong một màu trắng đục nhưng lẫn trong màn sương mờ, thấp thoáng bóng những cô gái H''mong váy áo sặc sỡ, những chàng thanh niên H''mong quần áo chàm dắt ngựa đi chợ Sa Pa, tiếng vó ngựa lốp cốp trên đường sỏi đá và tiếng lục lạc kêu leng cheng, tiếng chào hỏi nhau í ới và lẫn đâu đó tiếng kêu ré đùa vui của bầy trẻ đi học ....

    Những năm trước đây, đường đèo Mây bé tý và lổn nhổn đá sỏi. Ở đoạn giữa Ô Quy Hồ và Sa Pa có một xóm nhỏ dân kinh tế mới từ Thái Bình lên những năm 1960.... Đoạn này có một mỏ đá, và có một con đường mòn (giờ là tỉnh lộ) đi lên Mống Xoa, Lũng Pô và xuôi về Bát Xát. Đường nhỏ và ngược dốc nên rất khó nhận biết đó là ngã ba

    Bản Ô Quy Hồ những năm trước đây có một quán ăn nổi tiếng với những lữ khách đường xa, đó là quán ăn Miền Tây. Cửa quán có hai cây đào rừng cổ thụ, tuyết trắng rơi phủ lên những bông hoa đào khiến màu hồng phai nhạt và chỉ còn thấp thoáng... Bên trên quán là vườn cải nở hoa vàng rực rỡ mỗi mùa đông về....

    ... Có câu chuyện về đèo Mây có lẽ rất nhiều người biết và đã từng đọc qua.. Đó là câu chuyện con Hổ thành tinh lần theo dấu vết gia đình một ông quan từ Dốc Xây Tam Điệp lên mãi Ô Quy Hồ mới ăn thịt cả nhà... Nghe chuyện này cũng kinh khiếp ! Nhưng nó chỉ là chuyện xưa xửa xừa xưa, và ít nhiều nhuốm màu "huyền thoại"...

    Có cái điều thực tế hơn, cũng khá "rùng rợn" mà mỗi lần đi qua bất cứ một con đèo nào ai cũng nhìn thấy, đó là những am thờ....Những chiếc am thờ lẻ loi, hoang lạnh đứng "chồm chỗm" bên vệ đường mang đầy sự "thần bí" đến cho con đèo... Mỗi một am thờ là một câu chuyện đau thương về sự chết chóc tai nạn giao thông..

    Trên đèo Mây, cách đỉnh đèo khoảng 4 km có khúc cua đã "ăn thịt" hơn 20 mạng người. Sương mù và đường trơn đã khiến một chiếc xe khách lao thẳng xuống vực, bẹp dí..... Đêm đi qua đó, đèn sáng trong chiếc xe, bên cạnh bàn thờ khói hương đo đỏ nghi ngút cùng với hình nhân trắng toát xếp thành dãy ven thành ta luy ... khiến bất cứ tay lái xe cứng đến thế nào cũng chợt bủn rủn và lạnh sống lưng !!!

    Rồi những câu chuyện ở đèo Ô Quy Hồ, những đêm sương mù, mưa phùn gió lạnh, đang đêm tiếng gõ cửa và những tiếng thở dài não nuột ai oán cứ dồn dập cửa lán của mấy bác kiểm lâm nghe cũng ...ghê rợn

    (theo Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  9. #9
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định Chuyện các con đèo khắp mọi miền Việt Nam(3)

    Chuyện về đèo Pha Đin

    Đèo Pha Đin, con đèo dài và nguy hiểm vào loại đứng đầu trong số các con đèo nguy hiểm phía Tây Bắc. Năm 2001 tôi đi qua nó khi nó còn chưa được mở rộng và làm lại như bây giờ.
    Tôi đi qua nó cũng đã không dưới 4 lần, có lần đi xe khách, có lần đi xe tải và 2 lần qua nó bằng xe du lịch... chưa lần nào đi qua nó bằng xe máy. Nó đã để lại cho tôi một kỷ niệm thật kinh hoàng và có lẽ suốt cuộc đời ám ảnh không nguôi về cái sự may mắn ngẫu nhiên, may mắn đến không ngờ.....

    Lần ấy chính là lần tôi leo Fanxipan lần thứ 2 , trong tuyết phủ trắng xoá núi rừng Hoàng Liên, phủ trắng những mái nhà lợp gỗ ở bản Sín Chải....chúng tôi đã may mắn khi tìm lại được một thành viên người CH Séc trong đoàn leo Fanxipan bị ngã núi, bị thương và đưa về Sa Pa an toàn. Tạm biệt Sa Pa khi trời đã trong, tuyết tan và mây trắng la đà trên đỉnh các ngọn núi xanh rì của dãy Hoàng Liên xa vời vợi, chúng tôi lên Dào San, lên Ma Lu Thàng rồi Lai Châu, Điện Biên


    Đêm, trời lất phất mưa trở lại sau khi đã đổ cơn giông và những con mưa to lúc chiều. Đường QL279 quanh co, gập gềnh ổ gà tới tận ngã ba khi nhập vào đường QL 6 tại ngã ba Tuần Giáo. Đêm đã khuya, tối đen mù mịt và không khí lạnh giá..

    Chiếc xe tôi đi vào lần đó là chiếc M. Jolie đời 2001 (2.0). Xe được kiểm tra rất kỹ trước khi đi nên tôi không bao giờ nghĩ rằng chiếc xe lại giở chứng khi đang trên đường như lần ấy....

    Cách đèo Pha Đin chừng 5 km, tôi dừng xe và bật ghế ngửa ra để chợp mắt một lúc... Hình như lúc đó tôi quá buồn ngủ và bị ấn tượng khi buổi chiều ở Tây Trang ngồi nghe mấy bác Biên Phòng kể chuyện đám ma người H''mong ở Lào nên ám ảnh ... Khoảng 15'' chợp mắt tôi nghe thấy loáng thoáng tiếng gõ cửa sổ xe "cộc cộc" mấy tiếng. Bật dậy ngó ra chả thấy gì, chỉ thấy ánh đèn pha xe tải loang loáng đằng sau. Chừng mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa, nhưng lần này tiếng gõ to hơn và tôi suýt sặc.. Sởn da gà khi nhìn thấy một khuôn mặt phụ nữ ở ngay cửa xe.....
    Định thần, tôi kêu lên một tiếng và bật cửa... Ngó ra chả thấy gì. Chiếc xe tải Hyundai nặng nề chạy ào qua bắn toé mấy giọt nước lên mặt khiến tôi tỉnh ngủ hẳn. Vội vã mở máy xe và chạy.....

    Đèo Pha Đin dốc cao và vô khối những dốc cua tay áo, những đoạn đường cheo leo vực sâu mà không hề có ta luy hay vách ngăn. Miếu thờ bên đường nhan nhản... Những miếu thờ ảm đạm hoang phế ấy đa phần được xây nên để thờ những oan hồn bị tai nạn giao thông (Về những miếu thờ này, nếu ai để ý sẽ thấy rất nhiều trên các con đèo miền Trung, Tây Nguyên và có cả một seri những câu chuyện tai nạn kinh hoàng, những tục lệ thờ phụng của cánh lái xe đường dài).


    Lên tới đỉnh đèo Pha Đin, trời mù mịt sương, mưa nặng hạt hơn... Con đường lổn nhổn đá và ổ gà... quanh co men sườn núi. Tôi bỗng nghe tiếng máy xe nổ gắt lên, xe đang chạy bỗng chậm hẳn lại, ì ra mặc dù tôi đạp ga sâu hơn.... Cách một cái cua ngắn khoảng 200 m, nó bỗng ào một cái và tăng tốc...

    Chiếc xe khi ấy máy nổ rất to, tốc độ thì ngược lại, trong khi tôi ấn cái chân ga sâu đến như thế ... và rồi bất ngờ nó "oà" một cái và tăng tốc... Tôi nhả chân ga, nhưng máy vẫn nổ to, gào lên và vẫn chạy nhanh, có lẽ ở khoảng 70km/h....Con đường thì nhỏ, cua gắt, ổ gà lồi lõm mà vực sâu.....
    Thật sự lúc đó tôi mất bình tĩnh khi thấy tự dưng chiếc xe chạy như bị "ma đuổi" mà càng ấn "phanh" càng chạy nhanh hơn... Tôi cố lái xe sát lề ta luy bên phải để tránh vực và còi liên tục... Nhưng chỉ cố lèo lái được qua 2 cái cua .....

    Tôi nhớ lúc đó sương mù quá dày, đèn pha xe không đủ tầm nhìn và rất may đoạn đường ấy không trơn ... Chỉ có điều cua quá gắt mà xe chạy nhanh, "phanh" không nổi. Giờ thì chỉ nhớ được có thế... Đến một khúc cua một bên là vách đồi, một bên là vực, không có ta luy xi măng hay rào chắn bằng sắt như các con đèo khác, tôi thoáng nhìn đằng trước xe hình như có hai bóng người đang đứng, tóc đen... Lúc này chiếc xe chạy nhanh đến mức tôi không thể ôm cua nổi, nó lao qua cái lạch nước ven bờ vực và hướng thẳng xuống .... đáy vực.
    Thật bất ngờ, chân phải của tôi nghiêng qua một bên và đạp một cái, chiếc xe giảm tốc độ ngay. Nhưng theo quán tính nó vẫn còn đà chạy.


    Tôi hét lên khi xe tôi xẹt sát qua hai cái bóng người tóc đen xoã kia, chiếc xe nhảy chồm chồm qua đám đất, qua bụi cây, chúng tôi nảy tưng lên và đêm bỗng đen kịt trước mắt tôi.... tôi chỉ kịp nghĩ nhanh trong đầu: Thôi toi rồi... Mẹ ơi !

    Tất cả diễn ra chừng có 30 giây. Trấn tĩnh lại, tôi thấy xe của mình rung rinh, rung rinh....máy xe đã tắt hẳn, đèn pha tắt. Chiếc xe hơi bềnh bồng và đằng trước vẫn tối đen như mực...
    Ngực đau nhói vì dập vào vô lăng, tôi gượng mở cửa xe, sờ chân mãi vẫn không thấy đất. Lần mò trong túi quần tìm cái bật lửa và tôi tá hoả khi nhận ra đầu chiếc xe của tôi bị kẹp giữa hai thân cây bên bờ vực... Nó đang oằn xuống vì sức nặng của chiếc xe...

    Tờ mờ sáng, sau khi được sự giúp đỡ cứu hộ của hai chiếc xe tải Hyundai cho mượn cáp và kéo vào vệ đường. Tôi nhận ra đêm qua tôi đã đứng trước ngưỡng cửa nhà thần chết. Một nửa chiếc xe của tôi đã lao qua mép vực nhưng bị kẹp lại giữa hai cái thân cây nên nó không rơi và bẹp dúm dó .... Ngay bên cạnh mép vực là hai tấm bảng gắn trên cột xi măng ghi độ cao và biển báo hiệu tốc độ, nó xỉn màu và cũ đen. Nó chính là hai bóng người tóc xoã đêm qua tôi đã nhìn thấy.... Đúng là nhìn Gà hoá Cuốc !!!

    Chiếc xe của tôi, khi đưa về Sơn La kiểm tra, mấy "ông" chuyên gia xe cộ khẳng định xe tôi bị kẹt chân ga và trong lúc tôi quýnh quáng đã ấn nhầm chân ly hợp hoặc chân ga mà cứ tưởng chân phanh vì lúc kiểm tra, chân phanh vẫn bình thường...


    Tôi cho rằng, tôi đã quá buồn ngủ và mệt mỏi sau 1 tuần lang thang Tây Bắc, lại thêm ấn tượng bởi câu chuyện đám ma H''mong nên bị ảo giác chuyên ma mồ, và trong lúc sợ hãi vì chiếc xe bị kẹt chân ga đã ấn nhầm con bà nó chân ga mà cứ tưởng là chân phanh....
    Tôi gặp may và chắc là cao số nên mới thoát chết cái "quả" đó trên con đèo Pha Đin sương mù mịt cao ngất ngư phía Tây đất nước....

    Vừa rồi, trở lại đèo Pha Đin sau mấy năm không đi, vẫn con đường cheo leo và gập gềnh nhưng giờ thì càng gập gềnh và bụi bặm mù mịt.... Trong cái đêm trăng sáng mờ mờ ảo ảo, núi rừng trầm mặc và say giấc khuya, chập chờn đâu đó những con đom đóm sáng leo lét và tiếng xe rì rầm leo dốc phía cuối đèo... Phía trước là cái cần cẩu giơ càng lên cao với hai sợi dây "thòng lọng" thít chặt lấy cái thân xác "vật vã" của chú Hyundai 4 chân nặng 45 ton đang giơ 12 cái chân lên trời sau cú ngã ngửa ở lưng chừng độ cao gần 1000 m so với mực nước biển...

    Pha Đin ! Cái tên ấy đã trở nên thân quen với những kẻ lữ hành, với những "gã" lái xe đường dài bụi bặm và ngang ngạnh... Quá quen với những Phượt thủ.... Ấn tượng về nó hẳn không dễ phai nếu đã một lần đi qua....
    Chuyến đi trong đêm, với chiếc Ford Ranger nặng nề vì chở theo gần 1 tấn sách và 4 kẻ lãng du đi đến nơi ngã ba biên giới, cực Tây của nước Việt... Chiếc xe chòng chành và gầm gừ leo dốc... Dốc Cun, Thung Khe mờ ảo trong sương, con đường như ngắn lại và hẹp hẳn đi vì tầm nhìn chẳng quá 5m với ánh đèn tôi tối của chiếc xe bán tải đời 2003



    Các con đèo nho nhỏ khác trên đường lữ hành lên A Pa Chải đều không mang lại cảm giác mạnh để nhớ, nhưng cũng chẳng dễ dàng để vượt qua.... Nhưng khi trở về, lại vượt Pha Đin trong đêm và đêm ấy, vẫn trăng sáng vằng vặc, vẫn bụi mù mịt, vẫn lổn nhổn đất đá nhưng có thêm một hình ảnh thật không dễ để chứng kiến: đó là cảnh chiếc xe tải 45 ton giơ 12 cái chân lên trời trong cái tư thế chỉ cần động nhẹ là lăn ào ào xuống cái vực sâu hút phía dưới....

    Rồi lại Thung Khe, Dốc Cun... lại mờ ảo sương nhưng với sự mệt mỏi và buồn ngủ đến mức đã suýt chút nữa thì đâm nát cái cột cây số sơn đỏ ven đường và "lừ lừ" đấu đầu với một gã "khổng lồ" Container 40''''.... May mà tỉnh ngủ kịp....
    Giờ vẫn giữ nguyên cái cảm giác thót tim khi chiếc xe lao sượt qua "thần chết".... Và có lẽ vì vậy mà ấn tượng về con đèo Pha Đin lại càng thêm ấn tượng.

    (theo Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

  10. #10
    Ngày tham gia
    Nov 2010
    Bài viết
    1,032
    Post Thanks / Like

    Mặc định chuyên nhỏ về đèo Pha Đin



    Đèo Pha Đin, ấy là tên một đoạn đèo ở vùng Tây Bắc trên quốc lộ 6 nối giữa huyện Thuận Châu - Sơn La và huyện Tuần Giáo - Lai Châu.

    Tôi công tác ở đây những năm 1994-1998. Đèo Pha Đin là một địa danh không lạ với những cư dân của Tỉnh Điện Biên hay các chiến sĩ bộ đội thuộc quân khu hai - Bộ quốc Phòng. Nhưng với nhiều người Đèo Pha Đin là tên gọi, hay địa danh xa xôi lắm...
    Hôm trước có một cậu sĩ quan hỏi tôi: "Pha Đin giờ thế nào?". Thực ra từ năm 1998 đến giờ tôi không đi lên mạn ấy. Và như thế... Tôi lại nhớ đến đèo Pha Đin, nhớ các địa danh Pá khôm, Lai bay, Chiềng Pha, Quài tở, Tỏa Tình...

    Nhớ những ruộng lúa nương và bản Mèo ngay giữa đèo, bỗng nhớ đến hạt giao thông vườn đào… nơi vào những ngày mờ sương mùa đông. Nếu có giặt giũ thì không thể phơi khô quần áo. Nói đến Đèo Pha Đin… tôi lại nhớ đến hai người phụ nữ tôi đã gặp ở nơi đó


    Hai cuộc đời, hai số phận… buồn thiu...

    1/ Năm 1994 trên đường từ thôn Mòn, huyện Thuận Châu đi Tuần Giáo, người ta thấy ở địa phận bản Chiềng Pha bên phía tay trái có một ngôi nhà nhỏ lợp tranh vách đất, có một cái giếng nước và vườn chè xung quanh. Trong nhà có một người phụ nữ người kinh, lấy chồng là người thái,v ợ chồng em sinh được ba người con.

    Từ khi công nhân làm công trường ở đây, em xin làm một chân xúc đá, cát với giá một công lao động ngày ấy là 12000đ/ngày. Cứ sáng đến tối. Chuyện cũng chẳng có gì mà kể nếu không có mấy đứa công nhân người kinh xa vợ lâu ngày đến tán…

    Cứ một lần "đi đò" mấy đứa công nhân ấy hứa trả em số tiền bằng một ngày công lao động. Em gật đầu. Cứ thế... Chồng và con em không biết. Có người ngoài cuộc biết chuyện nhưng bất lực không làm được gì cả... Ông chỉ biết đau..


    2/ Phía trên đèo Pha Đin cũng thời điểm ấy. Người ta thấy một người phụ nữ thường tha thẩn ở công trường xây dựng. Người phụ nữ này nhận lại phần việc đào đất của đội thi công. Em vào bản xa Quài Tở, Tỏa Tình thuê nhân công người dân tộc để đào đất với số tiền ít hơn số tiền em nhận.

    Em tên D., nguyên là cấp dưỡng nấu cơm cho đội công nhân năm 1992 ở Thọ Xuân - Thanh Hóa. Qua manh mối của bạn bè, em lên tận đèo Pha Đin tìm việc, em không chồng không con. Những năm ấy đội công nhân thuê hai gian nhà của hạt giao thông vườn đào.
    Mấy đứa công nhân kể, những hôm rét… Em đi làm về muộn, em chui vào giữa những đứa công nhân đang đắp chăn ngủ để tìm hơi ấm... Còn gì gì nữa thì không thấy mấy đứa công nhân kể lại.
    Vì thế từ lâu tôi đã quên địa danh Pha Đin nơi năm 1954, bố tôi trong đoàn quân của Đại Đoàn 351 lên Điện Biên và sau đó trở về tiếp quản thủ đô. Sau đó 40 năm kể từ năm 1954, vào năm 1994 tôi làm công trình đưa điện lưới quốc gia lên Tây Bắc.

    Đèo Pha Đin với nhiều người thật hùng vĩ và sâu lắng. Nhưng khi tôi nghĩ về Đèo Pha Đin tôi lại tự hỏi mình: "Hai người phụ nữ kia giờ ở đâu? Cuộc sống thế nào?"

    (theo Xahoimang)
    Hạnh phúc không phải là đích đến mà là trên từng chặng đường đi..

Những Cung Đường Đèo Việt Nam
Trang 1 của 3 123 CuốiCuối

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68