Kết quả 1 đến 2 của 2
-
01-04-2017, 08:32 PM #1
Emily Nguyễn - cô gái gốc Việt đầu tiên thi đấu ở giải vô địch Mỹ
Tại giải vô địch Mỹ đang diễn ra ở Saint Louis, có một kỳ thủ gốc Việt. Đó là WIM Emily Nguyễn (sinh 2002, bằng tuổi Anh Khôi).
Emily giành được suất dự giải này (giải đóng, tức chỉ có các kỳ thủ đủ tiêu chuẩn mới được tham dự) nhờ vô địch giải thanh niên (U20) nữ Mỹ năm 2016 khi mới có 14 tuổi, vượt qua những đối thủ hơn mình đến 250 Elo như Feng, Yip, Yu (dường như là những kỳ thủ gốc Hoa?)..., đạt 6,5 điểm /9 ván.
Emily nhận chức vô địch giải thanh niên Mỹ 2016
Emily có dịp đọ sức với những đối thủ hàng đầu của Mỹ như Krush, Zatonskih, Paikidze...
Emily có thành tích tốt trong năm qua khi Elo 1897 (tháng 1 năm 2016) lên 2206 (tháng 1 năm 2017). Hiện tại Elo của cháu là 2173.
Sau đây là bài báo viết về Emily Nguyễn trên một tờ báo tiếng Việt ở Mỹ (báo Viễn Đông), dịch lại bài báo của Austin American-Statesman để các bạn có thể hiểu thêm về cô bé này.Lần sửa cuối bởi Caruri, ngày 01-04-2017 lúc 08:41 PM.
-
Post Thanks / Like - 3 Thích, 0 Không thích
-
01-04-2017, 08:37 PM #2
Emily Nguyễn, một tài năng cờ vua chỉ mới có 14 tuổi
Con gái mà chơi cờ giỏi là một chuyện lạ. Lạ hơn nữa là cô bé này là người Mỹ gốc Việt. Bản tin của nhật báo Austin American-Statesman đăng ngày 22 tháng Ba, 2017 cho biết cô bé tài giỏi này là Emily Nguyễn. Nhờ tài của em mà cha mẹ được theo em đi đến nhiều nơi trên thế giới, theo những cuộc thi của em. Dưới đây là bản tin của bài báo nói trên viết về Emily.
Bà Trần Uyên, mẹ cô bé Emily Nguyễn, cho biết lần đầu tiên nhìn thấy bàn cờ vua ở Round Rock Public Library lúc 4 tuổi, là bé Emily đã muốn chơi ngay.
Không lâu sau đó, cha Emily là ông Nguyễn Nam, dạy bé chơi cờ vua như ông thường dạy anh trai bé là Anthony. Một năm sau, Emily tham gia vào các giải đấu.
Emily nói: “Cháu thích tính toán và cháu biết rằng mình có sức mạnh để làm những điều cháu muốn với các quân cờ. Đó là môn thể thao chiến lược.”
Giờ đây cô nữ sinh lớp chín tại Trường Trung học Westwood sắp trở thành một trong 12 phụ nữ chơi cờ vua hàng đầu của Hoa Kỳ. Cô giành chức vô địch Nữ sinh cấp Hai mùa hè năm ngoái và được xếp hạng thứ 9 trên thế giới cho bảng nữ sinh cấp Hai, là mức độ cạnh tranh nhất đối với kỳ thủ tuổi teen.
Trong tuần này, Emily sẽ có mặt tại Câu Lạc Bộ Cờ Vua và Trung Tâm Scholastic ở St. Louis (Chess Club and Scholastic Center of St. Louis), tranh tài kiện tướng với phần thưởng $100,000 Mỹ kim, trong giải U.S. Womens Championships kéo dài hai tuần. Điều đó có nghĩa là Emily sẽ cạnh tranh với thanh thiếu niên lẫn người lớn.
Emily Nguyễn, 14 tuổi, cố gắng dành ít nhất một tiếng mỗi ngày để tập đánh cờ vua. Đôi khi cô luyện tập bảy giờ một ngày để chuẩn bị trước giải đấu.
Tất nhiên, thời khóa biểu cho cờ vua phải nằm giữa giờ học chính và giờ học thêm. Ở trường, Emily thích toán và giỏi khoa học, nhưng không có khiếu với tiếng Anh và lịch sử lắm. Emily không biết mình sẽ làm gì khi lớn lên, có lẽ cô sẽ theo ngành kỹ thuật.
Emily cũng thích chơi dương cầm và bơi lội. Tuy nhiên, với cờ vua, cô không hề cảm thấy căng thẳng như khi biểu diễn dương cầm. Mặc dù tập luyện rất “nhuyễn” về Beethoven và ông là nhạc sĩ ưa thích của cô, Emily vẫn thấy cờ vua và dương cầm là hai điều khác biệt. Cô thú nhận chỉ chơi dương cầm cho vui, chứ không có động cơ để luyện tập như với cờ vua.
Bà Trần Uyên xác nhận tối nào Emily cũng thích tập đánh cờ với cha. Mỗi tối, cô đều nằn nì cha một giờ đánh cờ.
Khi Emily vượt qua tài nghệ đánh cờ của cha và anh trai 16 tuổi, cha cô vẫn là người bạn đánh cờ của con gái. Ông cũng là người đọc sách về cờ vua và thảo luận những nước cờ cùng con gái. Họ phân tích từng nước cờ khác nhau, tiên đoán đối thủ sẽ ra quân gì và đánh nước cờ nào.
Ông Nam Nguyễn nói, “Chúng tôi muốn buổi luyện tập có bầu không khí thú vị.” Giờ đây chỉ còn hai cha con tham gia vào cờ vua sau khi Anthony lên bậc trung học.
Emily cũng có một huấn luyện viên online người địa phương, ông Michael Feinstein. Mỗi tuần Emily gặp ông Feinstein hai hoặc ba lần. Ông Feinstein hướng dẫn Emily suốt bảy năm qua.
Ông nói, “Emily có thiên bẩm tuyệt vời. Hồi còn lớp hai hoặc lớp ba, Emily rất chăm chú vào bàn cờ. Tập trung, kiên nhẫn, sắc bén. Đó là tính cách của một kiện tướng. Tôi dạy một số kỳ thủ trẻ, nhưng Emily là người trưởng thành về mọi mặt.”
Theo huấn luyện viên Feinstein, cờ vua là môn đấu trí. Thần kinh ai mạnh hơn, người đó chiến thắng. Emily có thần kinh rất mạnh, do đó cô luôn tìm thấy sơ hở – dù nhỏ nhất – của đối thủ. Gần đây, ông thi đấu với Emily và lần nào cũng thua. Ông thú nhận nhiều lần bị “chiếu bí” hồi nào không biết. Emily luôn biết cách tìm kiếm cơ hội.
Một trong những điều quan trọng nhất mà cha mẹ và huấn luyện viên dạy Emily là không bị cuốn vào kết quả. Người thắng giải đấu không được xác định bởi tiến trình loại bỏ. Thay vào đó, giải đấu chỉ tính số điểm ghi được.
Emily nói, “Kỳ thủ nên giải quyết từng trận theo cách khác nhau, như bước vào một giải đấu mới. Nên quên trận cũ và tập trung vào trận mới.”
Nhưng khi cô còn nhỏ, điều đó không phải dễ dàng. Cô nhớ giải vô địch thế giới năm 2010 ở Hy Lạp, hoàn toàn thất vọng khi mắc sai lầm ở vòng hai và thua. “Tôi bắt đầu khóc rất nhiều, sau này tôi mới hiểu khóc chỉ là sự lãng phí.”
Giờ đây, nếu Emily muốn khóc, cô sẽ đợi cho tới khi về phòng riêng. Cô từng nhìn thấy những cảnh tương tự, nhiều đối thủ khóc bù lu bù loa tại phòng thi đấu. Cô tự dặn lòng là không bao giờ làm như vậy.
Khi đấu với đối thủ trẻ hơn, Emily không bao giờ khinh địch. Nếu thua một người nhỏ tuổi hơn, cô vẫn giữ trí tuệ mạnh mẽ. Nhưng cô nhận thấy nhiều kỳ thủ lớn tuổi không có tinh thần thượng võ, nếu thua người nhỏ tuổi, họ thường cáu kỉnh thậm chí ném cả quân cờ.
Một trận đấu có thể kéo dài một hoặc hai giờ là thường. Đôi khi, có trận đấu kéo dài dường như bất tận. Có lần đối thủ và cô, mỗi người còn một quân vua và một quân mã. Do đó, cả hai chấp nhận hòa.
Khi một ván cờ kéo dài quá lâu, Emily không ngồi yên một chỗ, cô thường đi loanh quanh và tập thở khi chưa tới lượt mình. Mặc dù vậy, cô vẫn thấy mệt bã người.
Mỗi khi không thi đấu, Emily thường nghĩ tới ván cờ tiếp theo và đối thủ tiếp theo. Cô cũng viết ra từng nước cờ của từng trận đấu. Sau đó, cô đưa bàn cờ vào máy computer, xem lại trận đấu đó và suy nghĩ xem có nước cờ khác hay hơn không.
Quân cờ mà Emily thích nhất là con mã. Ngoài vấn đề quân cờ có hình con ngựa, đặc tính của nó cũng khác thường. Nó có thể vượt qua những quân cờ khác, miễn sao trước mặt nó là khoảng cách của chữ L. Đó là một quân cờ mạnh mẽ.
Nước cờ ưa thích của Emily? Đó là nước cờ “chiếu bí.”
Môn cờ vua đưa Emily và gia đình tới bảy quốc gia và bốn lục địa, bao gồm toàn bộ Bắc Mỹ. Cô thích Brazil, Slovenia và Hy Lạp. Cô sẽ đi Ý vào tháng 10 tới.
Sau giải đấu ở St. Louis, cô sẽ về nhà rồi tiếp tục đi Nashville, tham gia thi đấu giải quốc gia cùng với các học sinh của trường. Khi Emily còn học lớp 6 và anh trai còn học lớp 8, trường Canyon Vista của cô đoạt giải vô địch quốc gia.
Mỗi khi đi thi đấu, Emily thường mang theo bộ cờ vua của riêng cô. Bàn cờ chỉ là tấm nhựa mỏng cuộn lại được, cùng với quân cờ bằng nhựa rất lớn. Cô thích bàn cờ nhựa này vì dễ mang lên xe hơi hoặc phi cơ. Đó là bàn cờ du lịch nên càng nhẹ càng tốt.
Lời khuyên của Emily là nên học những nước cờ trước. Sau đó, ghi danh thi đấu ở các giải địa phương trước khi lên cao hơn, giải tiểu bang, giải toàn quốc và giải quốc tế.
Khi được hỏi về lá bùa may mắn, Emily mỉm cười trả lời, “Đó là hộp kẹo bạc hà Altoid. Cha tôi và tôi khởi đầu truyền thống đó. Trước mỗi giải đấu, cha và tôi đều ngậm một viên kẹo bạc hà để lấy hên.”
-
Post Thanks / Like - 5 Thích, 0 Không thích
Emily Nguyễn - cô gái gốc Việt đầu tiên thi đấu ở giải vô địch Mỹ
Đánh dấu