Ngày xưa có những gia tộc giàu có có thể nuôi các cậu ấm cô chiêu ăn chơi nhảy múa suốt cả đời mà chẳng phải mó tay vào một việc gì cả. Nếu trong số các cô cậu đó đam mê cờ thì cứ chơi từ khi còn để chỏm cho tới lúc đầu bạc răng long.
Thế giới ngày nay đã hoàn toàn khác, kể cả có hàng nghìn lượng vàng, hàng tỷ bạc mà con cái học hành kém cỏi không biết vi tính là gì, ngoại ngữ là gì và thiếu những kiến thức cần phải được trang bị khác thì cũng sẽ bị người đời coi thường, cười chê.

Mỗi một thanh niên ngày nay phải có một mặt bằng văn hóa, mặt bằng kiến thức nhất định.

Chính vì vậy cái gọi là "mê" đối với cờ cũng phải được xem xét dưới một góc độ mới. Cờ là một thú chơi, nhưng nếu quá lạm dụng nó, coi nó như mục đích của cuộc đời, bỏ bê các mặt khác thì sẽ dẫn tới tình trạng "lợi bất cập hại". Anh là đại kiện tướng ư? Vậy anh đã tốt nghiệp lớp 12 chưa, anh đã tốt nghiệp đại học chưa? anh chơi cờ giỏi ư, nhưng anh có nghề ngỗng gì không? anh là danh thủ ư? nhưng anh có trình độ văn hóa và có trình độ giao tiếp xã hội không?

Chính Bobby Fischer là một "tấm gương tày liếp" cho các thế hệ sau. Ông chơi giỏi tới mức đoạt hẳn ngôi vô địch thế giới nhưng vẫn bị coi là "kẻ vô học" bởi chỉ đến lớp 7 ông đã bỏ trường để theo "nghiệp cờ", ông chơi cờ như điên như dại, lập nên biết bao kỳ tích, nhưng rốt cuộc thì sao: chỉ nổi lên có một lần duy nhất rồi mãi mãi chìm vào bóng tối, trở thành kẻ ẩn dật, một thời trở thành kẻ cuồng tín, một thời bị truy lùng vì vi phạm lệnh cấm vận, đành lang bạt nay đây mai đó và làm không ít những điều lập dị kỳ quặc, mặc dù bản chất ông không phải là xấu. Cũng rất may là ông đã kiếm được một số tiền đủ lớn để sống nốt phần đời còn lại, nếu không thì chưa biết cuộc đời ông rồi sẽ sẽ ra sao. Thiếu kiến thức, thiếu học hành đã khiến ông không cầm lái nổi cho cuộc đời mình và bao nhiêu hầm hố trên đời luôn rình rập trên mỗi bước đi của ông!

Hay xem các nhà vô địch khác, từ Lasker, Capablanca, Aliokhin cho tới Botvinik, Kasparov, Karpov... họ đều học hành tới nơi tới chốn với học vị rất cao trong khoa học cũng như cùng lúc gánh vác nhiều trọng trách xã hội. Họ say mê cờ nhưng là một sự say mê hài hòa với các hoạt động khác và họ đã thành công. Ở Việt Nam, cho đến nay có thể nói Hoàng Thanh Trang là một điển hình tuyệt đẹp cho thế hệ kỳ thủ mới: học giỏi, thông thạo ngoại ngữ, tin học, có ước mơ, chí hướng về nghề nghiệp hẳn hoi, thông thạo cầm kỳ thi họa, là kỳ thủ xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay. Tất cả những cái hay đó không ngăn cản nhau, ngược lại bổ sung cho nhau để làm cho con người luôn hoàn thiện.

Như vậy, say mê cờ là điều tốt, nó đem lại cho ta nhiều điều bổ ích nhưng tuyệt nhiên không phải là mê muội. Bởi mê muội tức là tự mình đi vào ngõ cụt rồi!


(St)