Link gốc của bài viết
http://vietbao.vn/Van-hoa/Thuy-Hu-Ta.../75162866/105/
...............
Cách đây không lâu, khi giáo sư Đại Học Quốc gia Australia, Bill Jenner đưa ra nghi ngờ của mình về giá trị tinh thần của tiểu thuyết “Thuỷ Hử”, ngay lập tức đã gây ra những cuộc tranh luận rôm rả từ phía độc giả.

Không ít người tỏ ra hồ nghi lập luận của học giả này, bởi từ bao đời nay, Thuỷ hử đã trở thành 1 trong “Lục tài tử thư” của Trung Quốc (do Kim Thánh Thán, một nhà phê bình văn học có tiếng đời Minh-Thanh xếp hạng và được nhiều người công nhận). Gồm: Ly Tao của Khuất Nguyên, Nam Hoa kinh của Trang tử, Sử ký của Tư Mã Thiên, thơ Đỗ Phủ, Thuỷ Hử của Thi Nại Am và Tây Sương ký của Vương Thực Phủ.

Nghi ngờ giá trị tinh thần của Thủy hử

Cái gọi là các anh hùng hảo hán trong sách ra tay choảng nhau thường gây ra tổn thương cho bản thân và người nhà, chỉ vì để chứng tỏ võ công của mình mà họ sử dụng bạo lực, làm hại kẻ khác. Xét về ý nghĩa ấy thì Thủy hử là một bộ tiểu thuyết bệnh hoạn. Trong đó việc tuyên truyền ca ngợi quan niệm bạo lực và nghĩa khí anh em kiểu lưu manh thì không có chút ý nghĩa xây dựng nào cả.

(GS Bill Jenner - ĐHQG Australia, người nhiều năm nghiên cứu văn học cổ điển TQ, từng dịch Tây Du Ký ra tiếng Anh).

Người ta cũng không ngớt lời ca ngợi tính cách anh hùng, nghĩa khí hảo hán của các nhân vật trong đó. Tại Việt Nam, Thủy hử cũng là niềm say mê của nhiều thế hệ độc giả.

Gần đây, dịch giả Trần Đình Hiến, một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Trung Quốc, trong cuộc hội thảo về tiểu thuyết Tô tem Sói, cũng bày tỏ thái độ phản đối của ông đối với Thủy hử và thậm chí, cả Tam quốc chí.

Trao đổi với VTC News, ông nói:

- Hồi còn trẻ, tôi mê mải đọc Thuỷ hử, thậm chí nhớ từng chương, từng đoạn, từng nhân vật một. Bản lĩnh anh hùng, dám đứng tách ra khỏi thể chế phong kiến, dám làm dám chịu, có thù phải trả, có oán phải báo… vừa đọc vừa cảm giác trong người cũng nóng dần lên, quả thật sức hấp dẫn của Thuỷ hử là không cần phải bàn, nó lý giải tại sao bao nhiêu năm nay người ta đọc, tìm hiểu, và dựng thành phim không biết bao nhiêu lần. Nhưng đến giờ thì tôi đồng tình với nhận xét của giáo sư Bill Jenner.
Thuy Hu Tam Quoc deu co van de
Dịch giả Trần Đình Hiến phát biểu tại buổi hội thảo về Tôtem sói.

- Ông nghi ngờ như thế nào?

- Không chỉ nghi ngờ, tôi còn cho rằng cần phải đặt Thủy hử lên bàn mổ, để chỉ tận tay từng dấu hiệu bệnh tật của nó. Bill Jenner đã đưa ra những mặt hạn chế từ nhân vật, bối cảnh thời đại, mục đích, ý nghĩa câu chuyện… và tôi đồ rằng không một ai có thể lật lại được lập luận của ông. Tuy nhiên là một người nước ngoài, ông mới chỉ “bắt bệnh” mà chưa chỉ ra được căn nguyên gây bệnh.

- Chẳng lẽ không có nổi một ý nghĩa nào cho cả thiên truyện?

- Có chứ, Thủy hử mang ý nghĩa chống bất công rõ nét. Nhưng không có bất cứ một tiêu chí chung nào được đặt ra cho chữ “chống bất công”. Các nhân vật gắn với nhau theo kiểu giang hồ đúng nghĩa, chỉ có 2 điều khẳng định chất hảo hán trong họ là: không được bán rẻ bạn bè và không háo sắc. Họ có thể cướp của giết người, cướp pháp trường, chiếm cứ một vùng lập ấp thảo… nhưng không thể bội phản chữ tín với nhau.

Toàn bộ nhân vật của truyện đều cố gắng tránh xa đàn bà, để giữ gìn chất anh hùng của họ. Điển hình nhất là Tống Giang lấy vợ và ngủ riêng ngay đêm tân hôn, vậy thì tránh sao được việc vợ họ bám víu vào người khác để được sống bình thường!? Lý Quỳ bị đẩy đến mức cao nhất cho “mã nhân vật” này, ghét đàn bà, yêu Tống Giang đến mức trong mơ cũng không dám làm đại ca giận, nhưng sẵn sàng vác búa đến đập vỡ đầu Tống Giang, chỉ vì nghe phong thanh sự tằng tịu của ông với Lý Sư Sư.

Trong cả thảy 108 nhân vật của Thủy hử , chỉ duy nhất một người có vợ thì cục mịch, ngây độn, tướng ngũ đoản, xấu xí, bất tài nhất. Đây chính là điểm mấu chốt khẳng định sự “có vấn đề” của các nhân vật trong truyện, phải gọi họ là robot thì chính xác hơn là những con người.

Thuy Hu Tam Quoc deu co van de

"Thế thiên hành đạo" nhưng lại... có vấn đề?

- Vậy họ đại diện cho điều gì?

- Cho những kẻ giang hồ, có nghĩa khí đấy nhưng là nghĩa khí giang hồ, chẳng phải vì chính nghĩa, vì bất công hay vì dân nghèo gì hết, chỉ vì cái dòng máu ấy thôi.

- Ở trên ông nói giáo sư Bill Jenner mới chỉ "bắt bệnh"?

- Nghĩa là chưa nhìn sâu xa hơn vào nguyên nhân sản sinh ra những nhân vật robot đó, nó bắt nguồn từ một nền văn hóa “có vấn đề”, mà chính xác hơn là từ khi đạo Khổng được nhà Hán đưa vào để cai trị quốc gia. Những “tam cương”, “ngũ thường”… gò chết con người vào luân lý xã hội, chỉ còn bổn phận là tồn tại.
Thuy Hu Tam Quoc deu co van de
"Tam quốc chí" cũng có vấn đề?

Duyệt lại “đệ nhất thư” Tam Quốc chí, càng thấy bất ổn. Họ chỉ là những mảng tính cách được đẩy đến cực hạn: nhân từ như Lưu Bị, trung thành như Quan Công, giảo quyệt như Tào Tháo… cũng lánh xa phụ nữ.

Lưu Bị lấy vợ chỉ vì mục đích chính trị, Khổng Minh gọi vợ mình là “xú”, và nếu ai tinh ý sẽ nhận ra chỉ có Triệu Tử Long được xem là anh hùng trọn vẹn, chết già trên giường, vì cả đời không sờ vào đàn bà.

Thực sự, tác phẩm này đã tạo dựng nên những mẫu người điển hình cho xã hội phong kiến noi theo, thích môtíp nào thì hành xử như thế.

- Còn “Đông Chu Liệt Quốc”?

- Bộ này lại phải liệt vào một dòng khác, những nhân vật “có vấn đề” cũng xuất hiện, nhưng bối cảnh lịch sử của nó lại hẹp hơn, sự kiện vụn lẻ chứ không xuyên suốt và trên diện rộng như Tam Quốc chí.

Điều đáng nói ở Tam Quốc chí là những nhân vật ấy lại đại diện cho giai tầng trên của xã hội, và còn gì nguy hiểm bằng nếu như bất cứ một người Trung Quốc nào cũng lánh xa vợ mình để được làm đại trượng phu. Không cần phải bàn thì ai cũng biết là con người phải có “nhân tình, nhân tính, nhân dục”, bây giờ gạt bỏ mọi bản năng tự nhiên, bỏ chữ “con” đi, thì liệu chữ “người” còn tồn tại được không.

- Xin cảm ơn ông!


Lương Nguyên (thực hiện)
Việt Báo (Theo_VTC News)
..............................................
Không biết có topic nào tương tự không, nhưng em ngại tìm nên lập cái mới