Giải Vô địch Cờ tướng thế giới lần thứ 17: Song Vương liên thủ - Đường Đan lỡ hẹn - Việt Nam mãnh tướng - Tái xuất giang hồ!

(Nguyễn Anh Linh dịch từ bài viết của Tượng Kỳ Vương Tử)


Là giải đấu chính quy lớn nhất diễn ra trong tháng 10, giải VĐTG do Liên đoàn Cờ tướng Thế giới tổ chức tại Malaysia được đông đảo kỳ hữu gần xa đặc biệt quan tâm. Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1990, cho đến nay giải đấu đã bước sang kỳ thứ 17. Trong số 16 kỳ tổ chức trước đó, "Dương Thành đại soái" Lữ Khâm đã 5 lần vô địch, giữ kỷ lục của giải đấu. Xếp thứ 2 là Hứa Ngân Xuyên với 3 lần vô địch, tiếp theo đó là Vương Thiên Nhất 2 lần, Triệu Quốc Vinh, Từ Thiên Hồng, Triệu Hâm Hâm, Tưởng Xuyên, Trịnh Duy Đồng, Từ Siêu mỗi người vô địch 1 lần.

Ở bảng nữ, có 12 vị kỳ hậu gồm: Trương Tâm Hoan, Hồ Minh, Hoàng Ngọc Doanh, Lâm Dã, Kim Hải Anh, Vương Lâm Na, Cao Ý Bình, Quách Lệ Bình, Ngũ Hà, Vưu Dĩnh Khâm, Đường Đan và Giả Đan.
Đúng như tên gọi của mình, giải Vô địch Cờ tướng thế giới là giải đấu có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất, quy mô lớn nhất, có số lượng kỳ thủ tham dự đông nhất của bộ môn Cờ tướng. Giải năm nay do Liên đoàn Cờ tướng Thế giới chủ trì, Tổng Liên đoàn Cờ tướng Đông Malaysia phụ trách, kết hợp Hiệp hội Cờ tướng tỉnh Samarahan và TP Kuching đồng tổ chức.

Giải sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ 24-28/10 tại TP Kuching, thủ phủ bang Sarawak của Malaysia. Thời gian thi đấu hàng ngày từ 9h sáng, buổi chiều từ 14h30. Thể thức thi đấu được áp dụng là hệ Thuỵ Sĩ 8 ván, mỗi ván 60p tích luỹ 30s, chọn ra 2 người có thành tích cao nhất vào đánh chung kết. Trận CK sẽ diễn ra vào 9h sáng ngày 28/10, sau đó ngày 29 sẽ đánh thêm giải cờ nhanh 7 ván, thời gian 10p + 5s, tối cùng ngày sẽ tiến hành tổng kết và trao giải. Trong thời gian diễn ra giải, Liên đoàn Cờ tướng thế giới cũng sẽ tổ chức một số buổi họp với các Liên đoàn Cờ thành viên.
Các nội dung thi đấu bao gồm: Cá nhân nam, Đồng đội nam, Cá nhân nữ; U16 cá nhân nam, U16 cá nhân nữ; U12 cá nhân nam, U12 cá nhân nữ. Cơ cấu tổng giải thưởng lên đến 50 vạn NDT (khoảng 1.7 tỉ VNĐ), cao nhất từ trước đến nay của lịch sử giải, trong đó cờ tiêu chuẩn 35 vạn, cờ nhanh 15 vạn.

Căn cứ điều lệ tuyển chọn đội tuyển quốc gia TQ tham dự giải thế giới, bảng nam sẽ cử 2 quán quân ở giải cá nhân toàn quốc trong 2 năm gần nhất, theo đó "Ngoại tinh lai khách" Vương Thiên Nhất - nhân vật số 1 kỳ đàn, 9 năm liền đứng đầu bảng hệ số ELO - và Tân khoa trạng nguyên, Cát Lâm bá chủ Vương Khuếch sẽ là 2 kỳ thủ đại diện cho TQ. Đội hình dự bị gồm có "Thục Sơn thiếu hiệp" Trịnh Duy Đồng - top 2 ELO toàn quốc, và Mạnh Thần - cao thủ chuyên hạ các ĐCĐS, lần lượt sẽ thay thế 2 kỳ thủ họ Vương trong trường hợp 2 người này không thể tham gia thi đấu.

Ở bảng nữ, Cửu quán vương, nhân vật số 1 kỳ đàn "Siêu cấp Đường Đan" vì lý do cá nhân không thể tham dự, do đó nữ đệ tử của "Đông Phương điện não" Liễu Đại Hoa là Tạ Văn Tĩnh, đứng thứ hai giải tuyển chọn, sẽ được đôn lên thi đấu cùng người đứng thứ nhất là kỳ hậu Trần Hạnh Lâm. Giải năm nay đội tuyển TQ sẽ không cử VĐV tham dự các nội dung trẻ U16 và U12.

Một điều đáng lưu ý là giải năm nay có sự trở lại của cựu Á quân thế giới, kỳ thủ nhiều năm liền được gọi là "Hải ngoại đệ nhất nhân" Nguyễn Thành Bảo, người đã vắng bóng trên kỳ đàn 10 năm nay. Nguyễn Thành Bảo kỳ lực thâm hậu, sát khí uy mãnh, sau nhiều năm giao chiến với đội tuyển TQ đã từng chiến thắng 5 vị quán quân TQ là Lữ Khâm, Triệu Quốc Vinh, Vu Ấu Hoa, Tưởng Xuyên và Hồng Trí, chưa kể khá nhiều Đặc cấp đại sư, Đại sư và danh tướng giang hồ khác. Lần này tái xuất giang hồ, anh được coi là đối thủ lớn nhất của đội tuyển TQ. Ngoài ra còn có mãnh tướng Lại Lý Huynh - Á quân Hàn Tín bôi, Quán quân Dương Quan Lân bôi và Bảo Bảo bôi ((bảng dành cho kỳ thủ ngoài TQ), nhiều lần vô địch VN, từng 2 lần tham gia Giáp cấp liên tái - sẽ cùng với Nguyễn Thành Bảo trở thành bộ đôi song sát đáng gờm của đội VN.

Đội hình chủ nhà Malaysia tham dự giải lần này cũng rất hùng hậu, nổi bật nhất phải kể đến là "Mãnh hổ liên thành" Lê Đức Chí, 1 trong "Tứ giá mã xa" của giới cờ giang hồ TQ, do phu nhân của anh là người Malaysia, nay lần đầu khoác áo đội tuyển Malaysia thi đấu giải thế giới. Ngoài ra còn có nhà vô địch Malaysia Thẩm Nghị Hào, Yuki Sasaki, Anwar, và Brian; cùng các nữ kỳ thủ Lý Văn Nghi và Lâm Ân Kỳ.

Ở bảng nam, còn có sự góp mặt của các đội Đông Malaysia: Trịnh Nghĩa Lâm, Diệp Nãi Truyền; Philippines: Trang Hoằng Minh, Hồng Gia Xuyên; Singapore: Ngô Tông Hàn, Lưu Ức Hào; Brunei: Trang Lực Minh, Lưu Quế Hoa; Phần Lan: Wardolf; Hồng Kông: Phùng Gia Tuấn, Trịnh Ngạn Long; Đài Bắc: Triệu Dịch Phàm, Cát Chấn Y; Nhật Bản: Kazuharu Shoshi, Kiru Honfu; Thái Lan: Đơn Văn Kiệt, Quách Trạch Huy, Quách Bảo Vinh; Hoa Kỳ: Lý Minh Kiên, Lê Quang Nhật, Sam Sloan; Ấn Độ: PO DJUN FUNG, GREGORIO NARENDRA, IWAN SETIAWAN; Nga: Gesumov v.v..
Ở bảng nữ có sự góp mặt của các đội Hoa Kỳ: Ân Mỹ Nhàn; Việt Nam: Nguyễn Hoàng Yến, Lê Thị Kim Loan; Phần Lan: Hứa Hiểu Phi; Hồng Kông: Lâm Gia Hân; Ấn Độ: HANA APRILIANA, NI KADEK SUGIANINGSIH; Đông Malaysia: Chiêm Mẫn Châu, Hồng Thiên Huệ; Nga: Geneva; Singapore: Ngô Lan Hương, Trần Minh Phương; Thái Lan: Tố Lệ Đạt, Vương Tú Ngọc; Đài Bắc: Bành Nhu An, Lý Mạnh Nho, v.v..
Nhìn tổng thể, bảng nam có 34 kỳ thủ, bảng nữ 20 kỳ thủ, bảng thiếu niên 56 kỳ thủ, tất cả là 110 kỳ thủ đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giải lần này thiếu vắng sự góp mặt của đội tuyển Đức do dịch COVID-19, là một điều hết sức đáng tiếc.

Xin chúc các thành viên đội tuyển quốc gia "sải cánh tung bay, lập công báo quốc", phát huy hết khả năng của mình, chiến thắng khải hoàn, mang vinh quang về cho Tổ quốc!