Warning: Illegal string offset 'name' in [path]/includes/functions.php on line 6845
Tiêu Phong ,Đoàn Dự
Close
Login to Your Account
Kết quả 1 đến 5 của 5
  1. #1
    Ngày tham gia
    Jul 2010
    Đang ở
    Xứ Thâm Trầm
    Bài viết
    662
    Post Thanks / Like

    Mặc định Tiêu Phong ,Đoàn Dự

    Bài viết sau của nhà thơ Bùi Giáng ,người mà nhà văn Nguyễn huy Thiệp gọi là Bùi Lão Đại Điên ,nhà thơ điên nổi tiếng nhất trong thi ca Việt Nam .Thơ ông rất lạ nhiều câu óng ả như thêu hoa dệt gấm ,nhiều câu lại tối thui đọc chẳng hiểu gì cả Hỏi thì ông ỡm ờ trả lời -Đừng quan tâm , ông làm cho chuồn chuồn , châu chấu đó mà -Thật chẳng biết sao !
    Đoạn trích sau đây nằm trong tập khảo luận văn học Sương Bình Nguyên của ông ,trong đó ông đề cập đến các khuôn mặt lớn trong văn học từ Shakespeare
    cho tới Whitman ,Heidegger ,Nguyễn Du và..... Kim Dung

    Viết về ai cũng bằng cái giọng tà tà giỡn cợt đọc rất vui ,ngôn ngữ trong tay ông dập dình uốn khúc lúc cheo leo bờ vực , khi thăm thẳm hang sâu .Tư tưởng lại nghiêng xuống một độ sâu hun hút chơi vơi .Có nhiều cái ngọt như mía rút hay chắt ra được ,lại có nhiều cái ngọt như xoài hồn xác là một phải cắn phập vào mới thích .Bạn đọc thử coi


    Bùi Giáng

    Tại sao Tiêu Phong chết

    Hiểu theo lối lai rai ta có thể căn cứ theo lời thốt cuối cùng của Tiêu Phong và tưởng đó là nguyên do thật sự của cái chết kia:
    - Tâu Bệ Hạ, Tiêu Phong này là con dân nước Liêu, mà ngày nay phải ra mặt đương đầu bức bách vua nước Liêu, thì Tiêu Phong này còn mặt mũi nào sống ở giữa trời đất!
    Chàng nói dứt câu, thì rút gươm tự đâm vào thân thể, và từ từ ngã xuống.
    Tới lúc bấy giờ, ta mới hay rằng chàng chết. Nhưng thật ra chàng đã chết từ trước kia. Chàng đã chết từ cái lúc lỡ lầm giết mất A Châu.
    Cùng với cái chết của A Châu, mọi nỗi hư huyễn tồn sinh trong tấn tuồng vô thường vũ trụ nhân gian bỗng mở rộng huếch hoác ra những hang hố đen ngòm. Cái chết của A Châu là chỗ quy tụ hết mọi cắc cớ tồn sinh.
    Chỗ tập trung tinh thể của mọi thứ thảm họa hỗn độn về tấp lên đầu lên cổ con người ta. Mọi niềm tin tưởng chật hẹp thi đua nhau rụng rơi lả tả. Một thứ ánh sáng âm u về chiếu khắp mặt cuộc sống từ bấy tới nay của người anh hùng kia.
    Ban sơ chàng tưởng mình là người Hán, chàng coi người Liêu là thù địch dã man, chàng được non nước người Hán ưu đãi, chàng làm Bang Chúa Cái Bang, rồi bất thình lình chàng bị trục xuất, chàng khám phá ra mình thuộc nòi giống chủng tộc Liêu, mình mang mối thù không đội trời chung đối với người Hán, thù nhà, nợ nước. Chàng chạy khắp chốn tìm kiếm thủ phạm đã sát hại cha mẹ chàng, chàng bị đẩy ùa vào những trận chém giết thảm khốc, chàng giết lầm kẻ vô can vô tội, chàng bị kẻ vô can ráo riết vây đánh, bao trận lưu huyết vô nghĩa đã xảy ra...
    Nếu chàng có một tâm hồn hiền triết chút ít, ắt những cuộc hội ngộ dây dưa oan uổng kia đã đủ khiến chàng dừng bước và tự nêu trở lại với mình cái vấn đề thị phi rối rắm giữa dâu biển đa đoan, cùng bao nhiêu thảm họa oan uổng mà mọi kiếp người phải nai lưng ra gánh vác.
    Nhưng chàng vốn bản chất anh hùng sôi nổi hơi là hiền triết đăm chiêu. Chàng vẫn lao đầu tới.
    Chàng vấp đầu vào bao nhiêu vách tường diêu mang phi lý căm căm. Chàng vẫn đeo đuổi tới cùng. Giết lầm kẻ này một phen, chàng vẫn tiếp tục giết lầm kẻ kia một phen. Mà không phải là hoàn toàn vô lý. Oan nghiệt gia đình chàng quá thê thảm. Bước đi trong cõi hỗn độn, chàng vẫn có cái lý của mình. Cho tới lúc cái lý do thống thiết của chàng vấp phải cái chết của A Châu, thì mọi bóng ma quái gỡ bắt đầu vây ám. Cõi hỗn độn thị hiện nguyên hình trong tấn tuồng huyễn hoặc. Linh hồn chàng âm thầm biến chuyển.
    Nhưng chưa tới mức tuyệt đối buộc chàng dừng lại, chấm dứt mọi hành động.
    Dường như trong cơn tuyệt vọng đoạn trường, chàng vẫn phải bám vào lý do phục thù để sống. Chàng không thể cạo đầu sạch sẽ để đi tu.
    Cho tới lúc?
    Cho tới lúc chàng khám phá ra rằng phụ thân chàng chưa chết. Tiêu Viễn Sơn còn sống. Và Tiêu Viễn Sơn lại chính là kẻ đã cố tình gieo rắc bao nhiêu ngộ hội hỗn mang trên con đường chàng đi.
    Tiêu Viễn Sơn vẫn có cái lý chính đáng của Tiêu Viễn Sơn. Tiêu Phong cũng chẳng thể nào từ bỏ phụ thân. Nhưng bỗng nhiên Tiêu Phong biến thành vật hy sinh trong mê cung tồn hoạt. Từ đó hai cha con nắm tay nhau bước cái bước cay đắng dị thường trong giai đoạn cuối.
    Tiêu Phong vẫn dường như còn giữ đủ phong độ kẻ anh hùng. Nhưng thật ra trong linh hồn chàng đã thấy mở ra bao nhiêu khoảng trống vắng hãi hùng.
    Đoạn cuối Thiên Long Bát Bộ đã âm thầm cho thấy những cơn lặng lẽ hoang liêu của Tiêu Phong trong những cuộc cùng bạn hữu hội diện.
    Chàng đã âm thầm thể hội tấn tuồng hư huyễn nhân gian. Nhưng người anh hùng vẫn không thể nào đi tu. Cũng chẳng thể nào biến thể hóa thân làm một thằng thi sỹ bồ bịch của mây bay gió cuốn phận mỏng cánh chuồn chuồn chịu chơi phiêu bồng với châu chấu.
    Sống đã anh hùng thì chết cũng anh hùng. Cái chết cái sống của Tiêu Phong là cái chốn quy hợp dị thường của mọi lảo đảo thị phi. Cuộc đời Tiêu Phong là cuộc đời kẻ anh hùng - hiểu theo nghĩa: một tại thể bát ngát đứng ra làm trụ sở cho sa mạc về mở cuộc tranh chấp và hội đàm với tồn lưu.
    Chàng sống và chàng chết để làm nảy ra những tia sáng âm u huyền bí thiết cốt nào đó, đủ sức biến cõi thế vô thường thành cõi bờ cho những trận ba la mật về sau.
    Cũng chính vì vậy nên bên cạnh thảm kịch Tiêu Phong, còn một thảm kịch Du Thản Chi, A Tử... Một tiếng nói cốt yếu liên can tới Du Thản Chi, ông Kim Dung đã để cho Tiêu Phong thốt ra. Tiếng nói đó không cứu vãn được gì cho Du Thản Chi. Nhưng nó vãn hồi được rất nhiều cho những tình yêu ngang trái.
    A Tử móc hai con mắt quăng trả lại cho Du Thản Chi, nàng ôm xác Tiêu Phong chạy lao mình xuống hố. Nghĩa là: triệt để mù lòa chạy vào sa mạc của tình yêu.
    Hư Trúc cũng yêu đương vị công chúa trong hầm tối. Đoàn Dự cũng mù quáng chạy theo tà áo của Vương Ngọc Yến. Hai người bạn thiết này của Tiêu Phong sẽ thành tựu cái mộng yêu đương mà Tiêu Phong đã để cho sẩy mất. Cuốn truyện thảm khốc của Kim Dung giữ được một thế quân bình rộng rãi.
    Có kẻ sống để thành tựu tình yêu. Có kẻ chết để thành tựu tình yêu. Cái thứ tình yêu kinh khủng của bọn kia, quả thật là một thứ gì hy hữu. Nó chạy tràn khắp chốn, từ nhân vật chính tới nhân vật phụ, nó băng qua những máu, những lửa, những chém giết hỗn độn, những ngộ hội khổng lồ, nó lao mình vào tận cõi chết, nó chịu chơi một cách gay cấn, nó đem sinh mệnh con người ra đánh trận một còn một mất.
    Cho Tiêu Phong chết, là một cách giúp chàng chuộc lại tình yêu của A Châu, và đồng thời làm rạng rỡ ý nghĩa những cuộc tình yêu khác và những cuộc từ khước khác do tình yêu đòi hỏi. Sách Kim Dung, sách Ngọa Long Sinh, Shakespeare... là những cuốn truyện dị thường, chúng thiết lập một cái gì không tuổi không tên trên căn cơ sa mạc. Một cái gì không tuổi không tên? Ta gọi nó là tình yêu? Nhưng tình yêu là gì? Nó chạy tràn khắp bình diện, nó biến thể thiên hình vạn trạng trong những mệnh đề phụ không lời, trông nó nhiều phen mù quáng chọi lại lòng từ bi, mà thật ra lại đi sát cõi bờ bác ái? Mọi lời bàn giải của chúng ta từ đó cứ như đứng trước một tai hại nguy hiểm khôn hàn: Thốt bất cứ một lời nào đều như mặc nhiên gây ngộ hội trong âm thanh ù lỳ của một tiếng. Làm sao đem cái gáo cái cây sáo, mà đo cái tầm nước đầy vơi của sông biển? Làm sao đem cái ngôn ngữ luận lý mạch lạc thông thường mà độ cho được những lớp lớp mây bay trong không khí? Mà không khí là gì? Là cái vô dạng vô thể vô hình, nó không có mạch lạc ràng buộc, và vì thế nó chứa chan nguồn sống. Nó giúp chim cất cánh bay đã đành, mà cũng chính nó giúp cho con cá lội. Và đôi phen cũng ru cho con beo con gấu ngủ yên một giấc ở trong rừng.
    Cõi vô ngôn trong những kiệt tác xưa nay vốn chứa chất nhiều bình diện phải được khai mở. Khai mở bằng cách nào? Bằng thể hội một cách tịch nhiên. Lưu ý tới những thứ tạm gọi là mệnh đề phụ: một nhà sư bí mật nào bỗng nhiên hiện ra nơi Tàng Kinh Các? Một cô gái Áo Vàng nào bỗng đâu hai lần đi về từ cõi "Chung Nam Sơn hậu” tham dự vào cuộc tranh chấp thị phi? Và ngâm câu:
    "Chung Nam Sơn hậu? Hoạt tử nhân mộ. Thần điêu hiệp lữ. Tuyệt tích giang hồ..."
    Từ cái cõi tuyệt tích giang hồ kia, cô gái áo vàng lại trở về. Và chỉ một mình cô giải quyết được một sự tình đang sắp đi vào chỗ bế tắc. Tại sao như thế? Cũng chỉ có một mình cô thốt nửa câu cốt yếu về Trương Vô Kỵ ..
    Nhà sư bí mật trong Thiên Long Bát Bộ cũng thế, xét trên quan điểm từ bi nhà Phật, thì bao nhiêu hành động của Tiêu Phong phải bị lên án. Nhưng nhà sư phi phàm kia đã đột ngột hiện ra trong một trường hợp nào đó, và không tiếc lời xưng tụng Tiêu Phong?
    Thế là nghĩa lý gì?
    Chỉ thử nêu câu hỏi ra và để yên nó mở ra như thế. Mảnh đất đai Luận Lý Học tùm lum gai góc ngày nay, không cho phép ta đáp bất cứ một lời gì.




    Tại sao Đoàn Dự sống

    Đoàn Dự sống vì chàng bản chất lai rai chịu chơi. Với chàng, chỉ có yêu đương là tất cả. Ngoài ra, chàng từ khước hết. Chàng từ khước võ công cái thế, chàng từ khước phú quý vinh quang. Con cái đế vương vua chúa, mà giũ áo ra đi lang thang góc biển, kết bồ bịch với hảo hán giang hồ. Nơi chàng, tuyệt nhiên không thấy dấu vết của con người ỷ vào giai cấp, kiêu hãnh vì tài hoa. Hồn nhiên sống theo sở thích, hồn nhiên xen vào những cuộc tranh chấp giang hồ, đem lời hơn lẽ thiệt ra khuyên giải mọi người, chả cần biết là họ có thèm nghe mình nói hay không. Chàng hồn nhiên tin rằng ai ai cũng tốt cả. Ai ai cũng sẵn sàng nghe chuyện đạo nghĩa. Nhiều phen chàng lâm vào tình cảnh lố bịch mà vẫn chịu chơi. Chàng lố bịch một cách thơ mộng. Bị người ta sỉ vả, đày đọa khốn đốn, cũng chẳng bao giờ thấy chàng oán hận. Chính vì cốt cách của chàng như thế, nên sự hiện diện của chàng nhiều phen đã đem lại bình ổn cho những cuộc xung đột sắp đi tới chỗ điêu đứng bất khả vãn hồi.
    Võ công của chàng cũng thơ mộng chịu chơi. Siêu tuyệt mà vẫn có chỗ lai rai. Lúc thi thố thần diệu tuyệt luân. Lúc đánh ra không ăn nhằm đâu vào đâu cả. Lúc xuất quỷ nhập thần. Lúc ù ù cạc cạc đờ đờ đẫn đẫn như linh hồn thằng bé ngơ ngác ngây ngô.
    Chỉ có bước Lăng Ba Vi Bộ dùng để tránh đòn là luôn luôn thi thố được.. ấy có nghĩa rằng môn võ công ấy không dùng để tấn công sát hại ai, vì thế nó luôn luôn hợp với bản chất Đoàn Dự. Đoàn Dự lúc nào cũng vận dụng nó được. Môn Lăng Ba Vi Bộ từ đó cũng là một thứ gì huyền diệu bí nhiệm như ngôn ngữ Dịch Kinh. Một thứ gì thuộc cái thời uyên nguyên thượng cổ.
    Một thứ gì không còn ngấn tích lưu tồn trong xã hội ngày nay. Vì thế nên bà chúa cung Linh Thứu, một lần nhìn thấy chàng thi triển môn võ công ấy, bà đã mơ màng đăm chiêu tự hỏi: - kẻ ấy là ai? Kẻ ấy là ai? Mà học được môn Lăng Ba Vi Bộ? Một môn võ công từ lâu đã thất truyền? Kẻ ấy là ai?
    Kim Dung đã để cho Bà Chúa kia nêu đi nêu lại một dấu hỏi ngậm ngùi. Kim Dung đã để cho Tiêu Phong kết nghĩa anh em với Đoàn Dự ngay từ lúc sơ ngộ, ấy cũng là thuận theo lẽ đồng thanh đồng khí.
    Hai con người trông khác nhau một trời một vực kia lại giống nhau vô ngần trong tinh thể hào hoa quảng đại. Chỉ có khác một điều: hoàn cảnh Tiêu Phong bi đát đã xô chàng đi vào những lối đi thê thảm, không cho phép chàng được thong dong thành tựu tinh thể bao dong quảng đại của mình. Tinh thể xin phó thác cho hai người bạn thiết: Đoàn Dự và Hư Trúc.
    Để cho ba kẻ, kết nghĩa anh em, Kim Dung đã xây dựng tác phẩm trong một mối tư lường sâu xa về tồn thể uyên nguyên. Và cũng vì duyên do đó, nên cuối cùng Vương Ngọc Yến đã đáp lại tình yêu của Đoàn Dự, Vương Ngọc Yến lấy Đoàn Dự, có nghĩa là: Vương Ngọc Yến đã lên đường tìm về miền cõi chân chính của tinh thể mình vậy.


    Bùi Giáng
    Lần sửa cuối bởi Fansifan, ngày 30-09-2010 lúc 08:03 AM.
    Nhất thiết hữu vi Pháp
    Như mộng huyễn bào ảnh
    Như thiểm diệc như điện
    Ưng tác như thị quán

  2. #2
    Ngày tham gia
    Mar 2010
    Bài viết
    333
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi nhachoaloiviet Xem bài viết
    Chai mặt hay còn gọi là vô sỉ. Mình không thể theo bạn anhvu79 ơi. hihi
    Đẹp trai hơn, không biết thế nào cho phải. Lệnh Hồ công tử chắc mịn màng hơn Kiều bang chủ. Cả hai đều là hảo hán,nhưng Kiều đại ca đậm chất anh hùng, khí phách uy vệ hơn nhiều. Tài lãnh đạo cao cường,quang minh chính đại,ân oán rạch ròi...không có điểm nào chê nổi.
    Nhưng có lẽ nhachoa đẹp chai hơn cả... hahaah
    Chẳng biết ai nói câu này nhưng em thấy nó hay quá "Người không vì mình trời tru đất diệt" Tiêu Phong anh hùng, tài năng nhưng không giải quyết được mâu thuẫn sắc tộc --> chọn cái chết thể hiện sự bất lực. Thể hiện sự khiếm khuyết của anh trong việc giải quyết tình huống. Đây chính là khiếm khuyết có thể coi là duy nhất của Kiều bang chủ và cũng chính là điểm mạnh nhất của VTB đó anh
    Ta bỏ giang sơn tìm người đẹp
    Ai ngờ người đẹp thích giang sơn

  3. #3
    Ngày tham gia
    Jul 2009
    Đang ở
    hai phong
    Bài viết
    3,152
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Nói ông bất lực cũng không hoàn toàn đúng,vì thời chiến Vn có những nhà cao tăng châm xăng tự thiêu phản đối chiến tranh. Họ chọn cái chết để giải tỏa phần nào mâu thuẫn...chả lẽ như vậy cũng là bất lực sao?
    Trong cổ học tinh hoa có mẩu chuyện mình không nhớ tên nhưng có một người làm quan,một hôm bắt được thằng trộm ,nhìn ra thì đó chính là cha đẻ mình. Bắt cha thì phạm tội bất hiếu,thả cha thì phạm tội vị thân ....cuối cùng ông thả cha rồi tự sát để trọn đường trung hiếu.
    Kiều Phong đã chết từ khi A Châu chết rồi bạn à. Ông sống cố gắng để giải quyết nốt mâu thuẫn quốc gia và thù gia đình. Nên châm chước cho cái chết của ông
    Trời cho bao năm để rong chơi...?
    Đến khi gặp người, chân rã rời...!

  4. #4
    Ngày tham gia
    Mar 2011
    Bài viết
    119
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Trích dẫn Gửi bởi anhvu79 Xem bài viết
    Tiêu Phong anh hùng, tài năng nhưng không giải quyết được mâu thuẫn sắc tộc --> chọn cái chết thể hiện sự bất lực.
    Có thật cái chết của Kiều Phong là thể hiện sự bất lực của Kiều đại ca vì không giải quyết được mâu thuẫn sắc tộc không các bác ở đây trả lời dùm nhok với

  5. #5
    Ngày tham gia
    Jun 2009
    Bài viết
    42,908
    Post Thanks / Like

    Mặc định

    Vi Tiểu Bảo là chuẩn nhất , vô cùng chai mặt , he he !!!
    CÓ CHỖ ĐỨNG , CỨNG CHỖ ĐÓ

    Đăng Ký tham gia Học cờ trực tuyến - Học cờ online - Cơ hội nâng cao kỳ nghệ cùng kiện tướng quốc gia Vũ Hữu Cường , Bình luận viên kiêm nhà tổ chức Phạm Thanh Trung :


    CHAT ZALO : 0935356789



    Website học cờ trực tuyến : http://hocco.vn/



Tiêu Phong ,Đoàn Dự

Đánh dấu

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
.::Thăng Long Kỳ Đạo::.
  • Liên hệ quảng cáo: trung_cadan@yahoo.com - DĐ: 098 989 66 68