Kết quả 21 đến 30 của 37
-
03-09-2014, 08:30 AM #21
HỨA NGÂN XUYÊN TỰ TRUYỆN – BÀI 4
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn Anh Kính Nhân đã bỏ công khó và thời gian chuyển ngữ bài viết rất hay của danh kỳ đại sư Hứa Ngân Xuyên.
HỨA NGÂN XUYÊN TỰ TRUYỆN – BÀI 4
10. Tranh thủ ở lại
Tôi là kỳ thủ cỏ trình độ cờ kém nhất trong đội lúc bấy giờ ,tôi cần phải cố gắng thật nhiều, con đường lắm chông gai phía trước đang chờ đợi tôi . Tôi nhớ nhà ,nhưng không thể đi về dưới hình thức bị sa thải .Về nhà có nghĩa là bỏ cuộc. Song thân đã bỏ ra biết bao tâm huyết để dọn đường cho tôi đi ,hễ nghĩ đến ánh mắt kỳ vọng ,trông mong của ba mẹ, nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn túng thiếu của gia đình là lòng tôi se lại. Không! Tôi không thể về nhà! Tôi đã tự thét lên trong lòng.
Sau khi quyết định ở lại tập huấn, những ý niệm mơ hồ ban đầu đã dần dần rỏ nét, tôi định huớng mục tiêu của tôi là phải trở thành một kỳ thủ ưu tú và đảo Nhị Sa này là đất lành giúp tôi thực hiện mộng tưởng . Tôi đâu biết rẳng trong lúc tôi đang rầu về tương lai của mình thì kỳ nghệ cũng đang thăng tiến từng bước một. Được huấn luyện trong môi trường ưu việt như thế, chỉ cần chịu bỏ công khó ra học tập ,nổ lực tu luyện thì chắc chắn sẽ đạt thành quả tốt .
Những lúc không đánh cờ, tôi thuờng trở về bàn mình bày cờ ra tự nghiên cứu. Trong phòng tập có cả một rừng sách cờ, sách chép lại những ván cờ trong các giải toàn quốc thì nhiều vô kể, chỉ tiếc là không lời giải , mỗi mỗi phải tự mình tìm tòi , giải mã . Tôi có quá nhiều thắc mắc trong sách, nhưng lại ít đi hỏi thầy bạn. Tính tôi không thích phô bày, sống nhiều về nội tâm , tự cảm thấy thua kém mọi người ,nên lúc nào cũng chỉ một mình vò đầu suy nghĩ. Sự thật, lúc đó tôi như nguời đứng ở ngã tư, không biết hướng đi nào mới là đúng.
Đội thể công đã có trường học trực thuộc ,tôi có thể lên lớp ngay tại chỗ và vì nhà trường chỉ có yêu cầu thấp về học vấn, nên tôi càng có nhiều thì giờ dợt cờ hơn. Quy định thời khoá biểu huấn luyện là buổi sáng 3 tiếng ,chiều 2 tiếng rưỡi, buổi tối là thời gian tự do . Đêm về trong phòng tập đèn đuốc sáng trưng ,ta sẽ thấy trong ấy có một số người ở lại chỉ để giết thời gian, đó là những người đã từng trải , có một quá trình khắc khổ trong luyện tập, bây giờ lớn tuổi rồi ,bắt đầu thấy mệt mỏi và khởi tâm rút lui. Riêng tôi sự phẳng lặng bình yên ban đêm lại là thời điểm rất tốt cho việc học tập. Vì yên tĩnh dễ tập trung nên đầu óc tỉnh táo lạ thuờng , những nan đề không giải quyết đuợc trong ngày tự nhiên đuợc mổ xẻ đâu ra đó vào lúc này. Những đêm mưa ,tôi thả hồn lượn bay trong cuộc cờ, bên tai nghe tiếng mưa lách tách trên mái nhà hòa với tiếng quân cờ “cọ quẹt” trên bàn, thật là những giây phút thư thái ,an nhàn trong lòng tôi.
Vâng , cờ tướng đã hoàn toàn hoà nhịp vào con nguời tôi, nhập tâm đến nổi những lúc đi bộ thường ngày , các nước biến cứ nhảy vọt lên từng suy nghĩ của tôi. Ban đêm lên giường , những đồ hình cờ cứ liên tục hiện lên trong óc tôi.
Nhớ trong khoảng thời gian nào đó, đội cờ vây nhận thêm một vận động viên trẻ cỡ tuổi tôi, cậu này có cách tập luyện “độc nhất vô nhị” , mỗi sáng 4 giờ là chui ra khỏi giuờng, xuống phòng bày cờ ra dợt. Bị thu hút bởi hành động lạ lùng này ,tôi cũng bắt chước đóng vai ” hiệp sĩ đi đêm”. Thật sự mà nói , 4 giờ sáng là lúc ngon giấc nhất, miễn cưỡng thức dạy dợt cờ chẳng những không mang lại lợi ích gì ,mà còn ảnh hưởng tinh thần ngày mai. Việc làm này trái với tự nhiên , không phù hợp với tâm sinh lý con người , nên sau vài lần thử không kết quả, tôi không còn tìm cầu cái luyện tập khổ hạnh này nữa. Về sau kỳ thủ nhỏ cũng bỏ cuộc và từ giả cờ luôn.
11. Lười biếng
Nói cho đúng , tôi cũng có những lúc lười biếng. Một buổi chiều đông tôi đã ngủ quên tới 3 giờ, Đội trưởng Dung đánh thức tôi, mặt Người nghiêm nghị nhưng không hề khiển trách. Tôi hồi hộp ngồi bật dậy mặc vội áo vô và chạy như bay xuống phòng tập. Sau khi Đội cờ tướng giựt giải vô địch toàn quốc , thể ủy Tỉnh thưởng cho một cái TV để giải trí cho kỳ thủ sau những giờ tập luyện khô khan. Lúc đó phim tập HK đã khá phổ biến, ban đêm sau giờ cơm là mọi nguời chui vào phòng TV và tôi cũng là một trong những khán giả trung thành ấy. Tình tiết phim tập thật lôi cuống ,nhưng đồng thời cũng là sát thủ số 1 của thời gian.
Ngoài ra xem truyện kiếm hiệp cũng làm mất nhiều thời giờ nghỉ ngơi của tôi. Anh Lương Trí Mẫn trong đội cờ vây là tay cao thủ kiếm hiệp, anh có rất nhiều truyện loại này và được anh em trong đội truyền tay nhau xem. Vai chỉnh trong truyện thường được tác giả lý tưởng hoá, mà tình tiết khúc chiết ,hấp dẫn rất được sự ưa thích của những người trẻ. Tôi thích nhất bộ “Thiên Long bát bộ”, dưới ngòi bút tài tình của Kim Dung, đã dẫn dắt đọc giả đi từ cao trào này đến cao trào khác, đọc mãi không biết chán. Quy luật trong đội là phải tắt đèn đi ngủ sau 10 giờ đêm, tôi thường chui vào mền rồi mở đèn pin xem tiếp và hậu quả là sáng hôm sau dậy trễ và bị cận thị vì kiểu đọc sách thiếu ánh sáng này.
Trong những tác phẩm hay luôn đề cao tinh thần nghĩa hiệp và nhân phẩm cao thuợng của kiếm khách , có nhiều lúc người đọc hoà nhập vào vai nhân vật chính trong truyện hồi nào không biết, rồi cùng phiêu bạt giang hồ, trừ gian diệt bạo trong cái thế giới tưởng tượng ấy. Những lý luận võ thuật trong truyện cũng có chỗ tương thông với kỳ lý, tôi cảm xúc khi đọc câu “Tâm trung hữu cấu, kỳ kiếm tất nhược”. Đạo lý đánh cờ cũng tương tự, trong lòng có tạp niệm tất ảnh hưởng đến sự phát huy kỳ nghệ. Tham chiếu bốn câu kệ nổi tiếng của Lục tổ Huệ Năng (***Chú thích***) :
Bồ đề bổn vô thọ. ( Bồ đề chẳng phải cây
Minh cảnh diệc phi đài Gương sáng chẳng do đài
Bổn lai vô nhất vật Xưa nay không một vật
Hà xứ dả trần ai ? Chỗ nào nhiễm trần ai ? )
Con người đến từ cát bụi, sống trong cát bụi ,thì làm sao có thể hoàn toàn không bị tiêm nhiễm những ô uế của bụi trần? Cảnh giới vô thuợng trong bài kệ là cảnh giới Ngài đang tìm cầu.
***(Chú thích)*** Tôi xin chép lại lai lịch của vị tổ rất nổi tiếng của Thiền tông TQ để bạn có ý niệm sơ về vị này: ” Huệ năng là Tổ thứ 6 Thiền tông TQ, sống vào đời Đường. Cha mất sớm, nhà nghèo. Sư thường đốn củi bán lấy tiền nuôi mẹ. Ngày kia đang gánh củi đến chợ, bỗng nghe vị khách tụng Kinh Kim Cang đến câu :”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” ,liền được khai ngộ……Sau Sư đến tham lễ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn,
Tổ hỏi :”Quê quán Ông ở đâu và mục đích đến đây cầu việc gì? “
Sư đáp: “Đệ tử là người xứ Lĩnh Nam,từ xa đến đây tham lễ chỉ cầu làm Phật”.
Ngũ tổ nói : “Ông là người Lĩnh Nam, là giống dân man di, đâu có thể làm Phật?”.
Sư đáp:”Người tuy có Nam Bắc, Phật tánh vốn không Nam Bắc, thân mọi rợ này tuy không giống với thân Hoà thượng , nhưng Phật tánh nào có khác?”
Tổ nghe đáp rất kinh ngạc trước căn tánh phi phàm của Sư, nên cho vào giã gạo ròng rã hơn 8 tháng. Ngày kia Tổ bảo đệ tử mỗi người phải làm 1 bài kệ, trình kiến giải mình để Tổ xét truyền y bát, bấy giờ thượng tọa Thần Tú làm kệ viết trên tường ở hành lang:
“Thân như cội Bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Ngày ngày thường lau chùi.
Chớ để nhiễm bụi trần”
Sư nghe biết người làm kệ này chưa kiến tánh, liền nhờ đồng tử viết lên tường bài kệ:
Bồ đề chẳng phải cây
Gương sáng chẳng do đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào nhiễm trầm ai?
Ngũ Tổ đọc qua biết đây chính là người có thể truyền trao đại pháp, nên nửa đêm gọi Sư vào thất , mật truyền y pháp và dặn ngay trong đêm nên đi về Nam.Sư ẩn ở vùng Hoài Tập. ( Trích từ Tự Điển Phật Học Huệ Quang )
12.Đại Sư
Điểm tương thông nhất giữa đạo Phật và đánh cờ là hạ thủ công phu ở chỗ “tâm lặng”. Phương thức tụng kinh, ngồi thiền của nhà Phật nhằm mục đích cho thân tâm an tịnh . Đánh cờ cần phải ” tâm tỉnh lặng” ” nhất tâm bất loạn”, dù cho cuộc cờ đang trong cơn phong ba bão táp , nhưng nội tâm kỳ thủ vẫn chuyên chú như một, luôn giữ trong trạng thái bình yên như mặt hồ phẳng lặng, thì tư tưởng mới thật sự tiếp cận đuợc cảnh giới tuyệt đỉnh của kỳ nghệ. Nếu nói rằng còn có người của thế giới Đại Thiên này vẫn giữ được sự chân thành và thái độ chấp chước về cờ, thì đó là Dương đại sư.
Đại Sư Dương Quang Lân
Sau vận hội Toàn Quốc, Đại sư nghỉ hưu ở nhà nhưng lòng lúc nào cũng nhớ đến đội. Cả cuộc đời của Lão nhân gia đều gắn bó với cờ, tình nghĩa khắn khít với đội như keo với sơn , cái tâm nguyện của Đại sư là trông mong đội Quảng Đông có thế hệ truyền thừa để tiếp nối sự nghiệp cờ ,nên Người không quản ngại tuổi già sức yếu, mỗi tuần đến đội hai buổi để bồi duỡng cho đám hậu sinh với cái hơi sức còn lại trong người trong cuối cuộc đời.
Khi Đại sư dợt cờ, thái độ nghiêm thúc không ai bằng, nội dung nghiên cứu cũng rất đặc biệt. Người am tường đều biết bố cục đi hậu “Bình phong mã tả mã tuần hà ” là ngón ruột của Đại sư, Người đã bỏ nhiều công trau giồi và chơi rất thuần thục, nhuần nhuyễn thế cờ này trong suốt bao nhiêu năm chinh Đông đẹp Bắc.Trong đó còn rất nhiều biến hoá tinh diệu chưa có dịp thi thố trong các ván đấu, Đại sư không cất giấu ,dùng phương thức thực tiễn nhất , từng bước một phô diễn trước mặt chúng tôi.
Cờ tàn của Đại sư cũng là một tuyệt kỹ Võ lâm. Bây giờ có người nói cờ tàn tôi lợi hại, nhưng trong mắt tôi tài nghệ Đại sư hơn hẳn tôi một trời một vực. Định thức cờ tàn là thể hiện rỏ nét nhất trình độ cao siêu của Đại sư. Định thức cờ tàn là chỉ trong giai đoạn tàn cuộc, lực lượng chiến đấu còn lại của đôi bên không nhiều, dựa vào đó người ta có thể tạm kết luận là cuộc cờ sẽ đưa đến kết quả thắng , thua hoặc hoà. Trong thực tế còn có một số kết luận vẫn mang tính hàm hồ và có biến số , mà cũng còn những kết luận cần sự khổ công chiêm nghiệm của kỳ thủ mới có thể nắm vững . Đại sư là tay tổ rất tâm đắc và có rất nhiều kết tinh trí tuệ về loại cờ tàn này . Hiện giờ chúng ta đứng trên vai của người khổng lồ, rất khó mà thấu hiểu hết được những vị tiền bối làm sao có thể khắc khổ chiêm nghiệm trong hoàn cảnh thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần và cuối cùng đã hình thành đuợc một thể hệ cờ tàn tương đối hoàn chỉnh.
Tượng DQ Lân
Ấn tượng sâu đậm nhất là ván tàn cuộc Xe Pháo Sĩ thắng Xe hai Tượng. Trong tình thế đặc định ấy , bên Xe Pháo cũng phải mất gần 40 nước cờ mới có thể làm thua. Để hình thành một đồ hình lý tưởng nào đó, bên công phải tốn nhiều công sức chỉ vì để thực hiện được một nước “chờ”, cần đi nhiều nước sau mới trở về khởi điểm ban đầu và bấy giờ cùng đồ hình đó, thay vì đến phiên bên công đi nay đổi thành bên thủ đi . Mà hễ bên thủ đi thì thế trận lập tức hiện ra khe hở.
Đại sư đã bày thế trận này cho chúng tôi vô số lần, nhưng vì nước đi nhiều, biến hoá khúc chiết, khó nhớ lắm. Không sao , Đại sư không phiền hà và sẵn sàng bày lại cho chúng tôi. Những lúc Đại sư không có mặt trong phòng tập , chúng tôi cũng bày ra những thế cờ tàn để cùng nghiên cứu, khi gặp vấn đề nan giải câu nói đầu môi của chúng tôi là :”Hãy chờ Đại sư về rồi tính!”
13.Giải Đoàn Thể Toàn Quốc Lần Thứ 1
Mùa hè năm nay, tôi giựt giải Thiếu Niên Toàn Quốc tại Thuợng Hải, Lữ Khâm và Huỳnh Ngọc Dinh cùng giành được hai giải Quán quân Cá Nhân Nam và Nữ Toàn Quốc , và Quán quân giải Đoàn Thể Nam Nữ Toàn Quốc cũng đều nằm gọn trong tay của đội Quảng Đông, quả là một năm phong thu !
Những thành tích huy hoàng này đã ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều tầng lớp xã hội bấy giờ. Lúc ấy đài truyền hình Quảng Đông đã có cuộc phỏng vấn hai anh Trang Ngọc Đình và Tôn Vĩnh Sanh trong tiết mục phỏng đàm buổi sáng. Tôi thật ngưỡng mộ khi nhìn thấy hình ảnh trẻ trung tràn đầy nhựa sống của hai anh trên TV., cứ nghĩ không biết đến khi nào mình mới được cái hân hạnh ấy.
Thật ra lúc đó cũng có một số môi giới truyền thông nhắm về tôi, nhưng đều bị đội trưởng Dung “cản giá”. Cũng năm nay chúng tôi được sự bảo trợ của hãng chế thuốc Hưng Hoa, mỗi đội viên chính thức ngoài phần lương cố định hàng tháng còn được lãnh thêm một phần tiền bồi dưỡng ngoại ngạch. Tôi còn là đội viên tập huấn, đúng ra không được hưởng chế độ đó, nhưng đội trưởng Dung biết hoàn cảnh khó khăn gia đình tôi, đặc biệt phế chuẩn cho tôi $40 mỗi tháng. Bức tranh tươi đẹp của đời tôi đang được triển khai dần. Trong cuộc thi tuyển lựa nội bộ cuối năm, bất ngờ tôi lại vươn lên đoạt hạng 2 và đại diện đội Quảng Đông dự giải Đoàn thể Toàn Quốc 1989.
Xưa nay đội Quảng Đông vẫn được công nhận là đội mạnh trong làng cờ TQ. Cuối thập niên 80 thế kỷ 20, Dương đại sư dẫn dắt đội cờ dành được huy chương vàng , rồi trong nội bộ đội đã nhanh chóng hoàn thành công việc hoán đổi măng thay tre, hình thành một đội ngũ trẻ trung tràn trề sinh lực với Lữ Khâm là chim đầu đàn và một lần nữa đoạt huy chương vàng vào năm 1988 . Là một thành viên trong tập thể quang vinh này, nội tâm tôi tràn đầy niềm tự hào và chúng tôi nắm tay nhau cùng hướng về mục tiêu “Tam Liên Quán ” mà tiến bước . Giải Toàn Quốc là một vũ đài lớn ,nơi tụ hợp các bậc anh hào tứ xứ cùng về đây phó hội. Tôi tự biết thực lực mình còn non yếu, không dám nghĩ đến những ước vọng cao xa. Tôi từng là quan sát viên theo đội đi dự giải Toàn Quốc cuối năm 1987, hội trường thi đấu được rào quanh bằng những tấm ván, chúng tôi chỉ có thể đứng xa xa mà nhìn, không thấy được những gì đang diễn ra trên bàn cờ. Cảm thấy hội trường thi đấu yên lặng nhưng lại toát ra một không khí hồi hộp .
Nơi thi đấu của chúng tôi là một viện dưỡng lão vùng ngoại ô huyện kinh thuộc An Huy. Viện dựa theo địa hình mà xây dựng, phong cảnh hữu tình. Trong quá trình thi đấu, có những ván cờ để lại tôi những ấn tượng sâu đậm . Ở vòng nhì tôi gặp Tăng Đông Bình của Tứ Xuyên, tôi mô phỏng một khai cuộc của Hồ Vinh Hoa, đó là kiệt tác của thầy đã thắng Phó Quang Minh của Bắc Kinh vào năm 1979. Nhờ ván thắng này mà Hồ Vinh Hoa đã hoàn thành cái thành tựu phi phàm của ông, khởi đầu từ thập niên 60 thế kỹ 20 , mười lần liên tiếp đoạt giải Quán quân toàn quốc !
Theo lẽ mô phỏng danh phổ của danh gia cao thủ không gì là sai cả, như học thư pháp vậy, bước đầu phải “lâm mô” ,bắt chước theo cách viết trong “tự thiệp” ( thiệp có chữ mẫu viết sẵn) của danh gia. Một người bạn là mỹ thuật gia đã nói với tôi rằng việc bắt chước chữ trong “tự thiệp” không cần phải nhiều nhưng cần “chuyên”! Có thể chọn năm, mười chữ để chuyên tâm bắt chước học hỏi, cho đến khi thuộc nằm lòng, không nhìn chữ mà vẫn viết được giống chữ trong “tự thiệp”, lúc đó giai đoạn mô phỏng thứ nhất mới được xem là hoàn tất. Vì trải qua quá trình bắt chước lâu dài, thì không biết từ hồi nào đó, trong một chừng mực nào đó, bạn đã nắm bắt được bút pháp ,kết cấu của một chữ. Biết một hiểu hai, khả năng lý giải về những chữ khác của bạn cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Tôi cho rằng học tập kỳ phổ cũng thế, phải bắt tay từ chỗ “chuyên”. Trong một danh phổ, từ khai cuộc đến trung tàn, nội dung hàm chứa không chỉ cục hạn trong những chiêu thức ta nhìn thấy đuợc trên giấy, mà còn nhiều nuớc biến nữa, cần sự tìm tòi ,chiêm nghiệm và lãnh hội riêng của người tập luyện.
Tôi đã từng xem qua ván đấu của Phó và Hồ, nhưng tại sao người lại chơi như thế, bên trong còn những nước biến nào, thì tôi còn hàm hồ chưa hiểu cặn kẻ, đến khi đụng chuyện thì mọi việc đã trễ. Bấy giờ Tăng Đông Bình chơi nước biến Tượng 7 tấn 9 thế là tôi ngây mặt ra ! Mất rất nhiều thời gian suy nghĩ để tìm đối sách,nhưng cuối cùng tôi cũng sẫy chân vào cạm bẫy của người ta—–bị thịt con ngựa !!!
Người tôi toát mồ hôi lạnh vì kinh hãi, cái thất bại trên đấu trường thật khủng khiếp, có thể mang đến cho người ta những cảm giác buốt nhói thấu tận tim can. Nhưng cũng cơn đau tận đáy lòng này lại khích phát tinh thần chiến đấu mãnh liệt và cái tác phong ngoan cuờng không chịu khuất phục truớc nghịch cảnh của tôi. Cách ứng đối của tôi thật cứng cáp, dũng mãnh. Tôi lấy công thế thủ, tấn công dồn dập tạo áp lực cho đối phương có cơ hội phạm sai lầm.Trong nhất thời Tăng Đông Bình không làm gì được tôi. Anh hơn tôi vài tuổi, được huấn luyện chính quy, cung mã thuần thục, nhưng khi lâm những trận chiển kịch liệt sinh tử thì tác phong của anh không đủ cứng cáp, ưa do dự trong những lúc “dứt điểm”, tinh thần cầu ổn, quên mất cái yếu chỉ công thủ kiêm bị trong cuộc chiến. Thế là anh ta vừa thủ vừa lui, đến khi không còn đường lui thì đầu hàng!
Trận chiến thắng này giúp đội Quảng đông chặn ngang đà tiến dũng mãnh của đội Tứ Xuyên, cuối cùng Tứ Xuyên về nhì sau Quảng Đông. Chủ soái Tứ Xuyên là Tưởng Toàn Thắng cỏ dịp ôn lại chuyện này với tôi gần đây, vẫn còn tiếc nuối vì đã để lở mất cơ hội .
Trong giải này tôi cũng làm mất khá nhiều điểm, trong đó có những sai lầm rất thô thiển , chẳng hạn Xe Chốt Sĩ Tượng toàn để thua cho Xe hai Chốt Sĩ Tượng toàn. Kỳ thủ hiện nay đa số chú trọng khai cuộc, ít chịu nghiên cứu cờ tàn. Tôi nghĩ rằng , muốn nâng cao toàn diện sức cờ tổng hợp của mình, phải bỏ sức ra nghiên cứu tàn cuộc.
Nói chung, tôi thấy vui vẻ khi tham dư giải Thành niên Toàn Quốc lần thứ nhất này, ngoài danh dự Quán quân, hình thức chiến đấu tập thể cũng rất hay, không giống giải cá nhân cô thân tác chiến ,lúc chiến thắng không có người chung vui, thua thì ngồi buồn một mình. Thịnh hội lần nảy thu hút nhiều kỳ hữu đến từ mọi nơi. Bên HK đã đến vài người , trong đó có Ông Trần Tuấn Hồng, người này ưa đùa với tôi lắm . Ông đề nghị, mỗi ván thắng của tôi sẽ được thưởng một chai bia. Ván đầu tôi thắng , lúc ăn cơm Ông Trần giữ lời hứa đưa tôi chai bia, đó là loại alcohol tôi tiếp xúc lần đầu. Vui quá tôi làm láng. Lúc đi ra nhà hàng ,chân tôi đứng không được vững lắm, cố gắng lếch về phòng , ngã lưng xuống là ngủ liền.Win-Win: We win many times.
-
Post Thanks / Like - 14 Thích, 0 Không thích
minhpmt, HoVinhHoa, 6789, dangtrang90, song_huong, Congaco_H1R5, ducanhducanh, ahua575, phieumien, hoanghm, tramphungchau, saomai_08, 123456, trung_cadan đã thích bài viết này
-
03-09-2014, 08:31 AM #22
HỨA NGÂN XUYÊN TỰ TRUYỆN – BÀI 5
Tác giả: Quốc tế Đại Sư HỨA NGÂN XUYÊN
Dịch giả: Đại Sư TÔ TỬ HÙNG (bên trái)
14 Niềm Vui Của Sinh Hoạt Tập Thể
- Tôi đã trở thành đội viên chính thức của Quảng Đông sau giải toàn quốc và bắt đầu đuợc hưởng luơng hàng tháng. Lương lãnh lần đầu đuợc sáu mươi mấy đồng cộng thêm tiền thưởng của câu lạc bộ hơn trăm ngoài. Tôi gởi hầu hết số tiền này về nhà và chỉ dành lại một ít để tiêu vặt. Cũng có lúc tôi một mình đạp xe đến các khu chợ đêm để mua sắm áo quần, khổ một cái là thẩm mỹ quan của tôi thì tệ khỏi nói, những thứ tôi mua thuờng đã lỗi thời và không vừa người, mặc vào chẳng khác gì một ông cụ non, đến ngay thầy Thái là người nghiêm túc cũng gọi đùa tôi là “lão Hứa”! Bây giờ tôi có nhiều tiền hơn , đồng thời được phát cho bộ áo quần thể thao, bộ đồ mới toanh mặc vào ngưởi trông thật oai và cái tình gắn bó với đội càng khăng khít hơn.
- Chế độ ăn uống của vận động viên vốn đã khá ,những VĐV chính thức như tụi tôi còn được bồi dưỡng riêng một hộp “da ua” mỗi ngày, đó là món tráng miệng mà nhiều người thích. Sau mỗi bữa cơm trưa, tụi tôi tay cầm hộp da ua vừa khuấy vừa buớc ra phòng ăn , tôi cho đó cũng là một thể hiện tính ưu việt của VĐV chính quy vậy.
- Đảo Nhi Sa trồng nhiều loại cây, trong đó có những cây mang tính lịch sử lâu đời . Một loại lê màu hồng mà ta gọi là “liên vụ” là cây ăn trái mà tụi tôi thích nhất. Vào hè các nhánh sai quả với một màu đỏ ao bao trọn cả cây và hái trái là một niềm vui lớn của chúng tôi. Cầm một thanh tre đủ dài thọc mạnh vào các nhánh sai quả, trái thi nhau rơi xuống lộp bộp. Dưới cây hai người đã nắm sẵn bốn góc của cái áo mưa kéo căng ra, trái rớt xuống an toàn trên áo và chúng tôi được một bữa no “trái”.
- Lê không ngọt lắm nhưng đuợc cái nhiều nước và không chỉ kết trái một lần trong năm. Khi trái vừa chín phải hái liền kẻo để rớt xuống đất thì lãng phí lắm. Bên khoa Bảo vệ cây cối có treo bảng cấm, nhưng tụi tôi làm lơ vì không muốn phí của trời.
- Đội Thể Công ưu việt hơn các đơn vị khác ở chỗ có đầy đủ thiết bị cần thiết cho vận động viên, theo cách nói thịnh hành bấy giờ là “vận động trường ở ngay trước cửa nhà!”!
- Ngay bên cạnh ký túc xá tụi tôi là phòng tập của đội bóng bàn. Mỗi chiều sau 5 giờ, khi thời gian tập luyện của đội bóng vừa chấm dứt cũng là lúc bắt đầu buổi sinh hoạt sôi động nhất của đội cờ trong phòng tập này. Đám kỳ thủ tràn vào, mạnh ai nấy chiếm lấy bàn chơi. Loại bàn chuyên nghiệp có khác : vừa rộng, bằng phẳng và độ nhồi banh thật tốt , tha hồ cho tụi tôi thi thố tài năng trên đó và tôi cũng nhanh chóng hòa mình vào đội bóng Ping pong nghiệp dư này.
- Mặc dầu tôi từng chơi bóng bàn ở nhà, nhưng trình độ không thấm vào đâu và dĩ nhiên cũng không đủ tư cách tranh giải tại đây. Giải đấu dành Cúp lần đó diễn ra thật hào hứng, sôi nổi giữa các cây vợt nghiệp dư, cuối cùng anh Lâm Vĩ Quang bên cờ vua đã giành được cái danh dự cao quý ấy. Cú ” líp” bóng quỷ khốc thần sầu của anh thuờng khiến đối thủ không biết đường nào mà đở, anh tha hồ làm mưa làm gió trong cái giang sơn hữu hạn đó.
- Phong trào bóng bản “nóng hổi ” đuợc một thời gian rồi cũng nguôi dần khi đội bóng bàn chuyên nghiệp tăng giờ tập luyện . Mọi người chuyển qua chơi bóng đá vì thích cái bãi cỏ xanh rộng thênh thang ấy , mặc sức cho những người tối ngày ngồi trong phòng như tụi tôi chạy nhảy thoả thích.
- Cầu thủ đá bóng giỏi trong đội cờ khá nhiều, nổi bật nhất là Thang Trác Quang ,kỹ thuật lừa banh của anh thật xuất sắc. Tôi rất thích nhìn những cú lừa vừa đẹp mắt vừa hiệu quả của anh : anh nhấp bên trái bằng một động tác giả , đối phương vừa kịp lùi về thủ bên phải thì nhanh như chớp anh đã lẹ làng đưa banh qua bên kia và lướt tới trông rất chuyên nghiệp…Tôi không giỏi lừa banh, nhưng cú “shoot” banh thì tương đối chính xác. Lần đá với đội cờ vây, nhân lúc hậu vệ đối phương lơ là, tôi đột nhiên đưa chân “shoot” một cú thật bất ngờ trong một góc độ tương đối khó, banh bay vòng qua đầu thằng giữ goal ung dung lọt lưới và trận đấu cũng chấm dứt. Theo giao ước trước khi đấu, bên thua phải đãi một chầu dưa hấu, nhưng có lẽ bên ấy “tức” quá nên “xù” luôn.
- Nếu so với cầu thủ những đội khác trên sân cỏ, đội tụi tôi thuộc hạng “quần thể nhược tiểu” chân yếu tay mềm, vì thể lực họ thật dồi dào chạy không biết mệt. Trong thể thao , sức khoẻ là yếu tố quan trọng nhất trong việc phân định thắng thua, mà thể lực của đội cờ tướng thì rỏ ràng kém xa họ. Chúng tôi đã đấu với đội Ping pong mấy lần, kết quả đều thua, bực mình nhứt là bị “ăn hiếp” mà không nói được. Họ bảo banh đội đầu vô luới mới tính điểm. Chuyện thật vô lý, nếu vậy thì gọi là ” bóng đội” cho rồi chứ “đá” gì nữa ! Người ta sống bằng thể lực mà, thôi thì mình nên đặt mục tiêu vào việc rèn luyện sức khoẻ, chạy cho ra mồ hôi vậy.
- Thật ra trên sân cỏ tụi tôi cũng chơi “hết mình” lắm. Trong một buổi họp của đội Thể Công lần nọ, ban lãnh đạo đã thẳng thắn phê bình cái kiểu chơi liều mạng của tụi tôi: “Các cậu thật không biết giữ mình, nếu lỡ bị gẩy tay gẩy chân ,thì làm sao có thể đánh cờ nữa? !” Trên nguời tôi vẫn còn ghi lại những ấn ký là hậu quả va chạm kịch liệt của những trận thư hùng trên sân cỏ . Lần đó tôi đưa chân ra cản cú đá của anh bên đội cử tạ, nhưng cú ấy mạnh quá ngoài dự liệu của tôi, bị chiêu cước “Cách Sơn Đả Ngưu” mạnh bạo ấy chân trái tôi bị trật liền tại chỗ.
15.Trở Thành Đai Sư Cờ Tướng!
- Sinh hoạt tập thể trong đội thật là phong phú đa dạng nhiều màu sắc, cái bất an ,tự ti mặc cảm ban đầu dần dần biến mất , tôi đã hoàn toàn thích ứng và hoà nhịp vào cuộc sống ở đây. Tuy nhiên , nội tâm tôi vẫn chưa thể gọi là bình yên, trở thành vận động viên chính thức mới chỉ là mục tiêu buớc đầu, trong thâm tâm lúc nào cũng có tiếng gọi thúc giục tôi hướng đến một viễn ảnh xa hơn —giấc mộng Đại Sư cờ tướng !
- Sau giải đoàn thể, tôi phát hiện ra nhiều mặt còn hạn chế trong giai đoạn khai cuộc , tôi phải tiến hành phương thức học tập mang tính đối trị .Như đã nói , tính tình tôi vốn huớng nội nên rất ít khi mang những thắc mắc đi hỏi thầy bạn , hầu hết thời gian tôi một mình chui đầu vào đống sách cờ tự tìm lời giải. Biến hoá cờ tướng tuy nhiều nhưng trong phần khai cuộc , phạm vi không đi ra ngoài những bài bản lớn. Trong phổ đối cuộc, thế nào ta cũng sẽ phát hiện một số bố cục có loại hình tương cận, qua việc tiến hành xếp loại, ta thấy rõ dần manh mối con đường phát triển bố cục và một số quy luật trong đó. Tủ sách trong phòng tập luôn để sẵn nhiều card nhỏ, tôi ghi lại những bố cục cần tìm hiểu lên đó, sau đó tiến hành đối chiếu nghiên cứu. Phuơng pháp luyện tập này Tôn Vĩnh Sanh đã thực hiện từ lâu, hiệu quả thế nào không biết, nhưng tôi cứ thử xem sao.
- Trong đội vẫn luôn tổ chức thi đấu nội bộ, chúng tôi cũng đuợc dịp thao dợt thêm ở những giải đấu do Thị tổ chức. Giải Liên đội hạng A được tổ chức đều đặn hàng năm, bên cạnh cũng còn những giải khác như “Bách Kiệt Bôi”, “Quảng Dan Bôi” v.v… Các tuyển thủ trẻ ngoài Lữ Khâm và vài kỳ thủ lão làng, đều hăng hái tham dự những giải này.
- Quảng Châu là cái nôi cờ tướng toản quốc, trong đám cường hào địa phương có nhiều tay cao cờ, họ tự thành lập đội ngũ trực tiếp ghi danh tham dự giải toàn quốc và thành tích cũng khá lắm. Những anh hùng hào kiệt này đều là tay cờ trọc trời khuấy nuớc , có chiến tích lẫy lừng ở địa phương, từng trải vô số chiến dịch lớn nhỏ, kinh nghiệm chiến đấu đầy mình ,nên duới mắt họ những kỳ thủ trẻ ăn “lương chúa” như tụi tôi không đáng để tâm. Để chứng minh sự lớn mạnh và cái “tâm không phục” của mình, họ đã hạ chiến thư đòi khiêu chiến đội Tỉnh, định ngày thử tài cao thấp tại thao trường Tỉnh. Các tuyển thủ trẻ Tỉnh sau khi được tôi luyện qua cái lò luyện thép của giải toàn quốc, kỳ lực đã nhanh chóng trưởng thành. Sau một chiến dịch long trời lỡ đất, cuối cùng tụi tôi đã đẩy lui đám anh hùng dã thảo. Bị thua trận lớn, hào khí của nhóm lục lâm hảo hán có phần thuyên giảm, nhưng họ vẫn quyết tâm tiến hành cuộc chiến đường dài “Thị Tỉnh phân tranh” đến cùng .
- Sau giải Đoàn Thể Toàn Quốc, ánh mắt tôi đã nhắm vào mục tiêu mới là giải Cá Nhân toàn quốc vì đó là con đường tiến thân duy nhất để giành những danh hiệu cao quý,Theo quy định Thể Ủy nhà nước , trong giải Cá nhân nếu đuợc xếp hạng truớc 12 sẽ thành Đại Sư và Quán quân đương nhiên là Đặc cấp ĐS, đó là ước mơ của mọi kỳ thủ dự giải. Nhưng cơ hội này chỉ đến mỗi năm một lần mà mức độ gian nan đoạt giải thì khó khăn phải biết, vì ngoài những cao thủ hiện dịch còn có những nhà vô địch mà lúc bấy giờ tôi cho là cao vòi vọi, không thể nào vươn tới được.
- Tôi trải qua hai giải Cá nhân toàn quốc trên bước đường trở thành Đại Sư. Giải Cá nhân năm 1989 tại Đồng Khánh, tôi đứng 28. Ván cờ khó quên nhất lần đó là đi hậu thắng ĐCĐS Liễu Đại Hoa. Chúng tôi được đưa vào đánh trong phòng riêng của Hội trường, bên ngoài dựng một bàn cờ lớn , có nhiều khán giả xem. Điểm tích lũy của Liễu lão sư lúc bấy giờ đứng khoảng giữa, xem chừng tinh thần thi đấu của thầy không đuợc thoải mái, thêm phần muốn gấp dành điểm, nên đã ảnh hưởng đến sự phát huy bình thường.
- Giải Cá nhân năm 1990 tại Hàng Châu, ván cuối tôi đụng anh Hứa Ba của An Huy. Cờ Hứa lão luyện thâm trầm, từ khai đến trung cuộc anh vẫn nắm chắc quyền chủ động. Đang lúc cục diện của tôi càng ngày càng bất lợi, thì người bạn An Huy cùng họ cùa tôi bỗng phạm sai lầm, đi lộn thứ tư trước sau của một nước cờ đơn giản , cuộc diện nghịch chuyển, thắng lại thành thua ! Sau khi tính sổ , tôi bất ngờ nhảy vọt lên hạng 9 và trở thành Đại Sư cờ tướng trẻ tuổi nhất lúc bấy giờ.
- Về đến Quảng Châu, tôi viết thư về nhà báo tin mừng đồng thời nói lên sự tán thưởng của tôi về cái đẹp của Tây Hồ. Thư hồi của ba lúc nào cũng dài và nặng về phần nói lý. Ba không khen nhiều về sự tiến bộ của tôi ,chỉ nhắc nhở tôi nhớ chú ý tổng kết. Nhiều khi tôi cảm thấy ba hình như có chút chút bản lãnh thần cơ diệu toán ấy, lúc nào cũng tiên đoán trước được thành tích tôi sắp đoạt được và không bao giờ tỏ ra kinh ngạc về sự tiến bộ của tôi.
16 Tiến Quân Về Hướng Quán Quân
- Xưa nay, làng cờ vẫn có quan niệm Quán quân trong giải Cá Nhân toàn Quốc là đại diện cho cái vinh dự cao quý nhất của một kỳ thủ. Người ta thường ví von một cách hình tượng việc dự giải Cá Nhân như đi “Thi Trạng nguyên”, dành đuợc Quán quân cũng vinh dự như “Đỗ Trạng Nguyên” vậy. Khác với những Trạng nguyên đã đỗ không còn phải thi nữa, thì những nhà Quán quân trước đây đều rất trân trọng cái cơ hội trân quý mỗi năm một lần này , ngoại trừ trường hợp bất khả kháng, lúc nào họ cũng nhiệt tình gia nhập hàng ngũ tranh giải.
- Là một kỳ thủ chuyên nghiệp, tôi hiểu rỏ ý nghĩa thật sự của Quán quân , đôi lúc cũng thả hồn xây mộng Quán quân, nhưng tôi cũng biết mộng này rất khó thực hiện. Bao nhiêu kỳ thủ tiền bối giành cả cuộc đời cho cờ, cuối cùng cũng chỉ có thể nhìn ngôi báu Quán quân mà than thở và ra đi với niềm nuối tiếc khôn nguôi.
- Nhưng ba giỏi đưa ra những dự đoán táo bạo và tiên đoán việc tôi giựt giải Quán quân chì là chuyện nay mai. Dưới sự tiêm nhiễm ấy, mọi người trong nhà đều tràn đầy hy vọng ,trông chờ dự đoán sớm thành sự thật. Ba kể lại cho tôi nghe một chuyện, năm 1992 ông Nội bệnh nặng ,lúc lâm chung còn nắm tay ba hỏi : “Cháu Xuyên đứng hạng mấy trong giải toàn quốc lần này?”
- Tôi muốn thưa với Nội :” Con không phải thần đồng, những thành tích nho nhỏ con đạt được chẳng qua là do cơ duyên đưa đẩy mới có, muốn leo lên đỉnh cao lý tưởng ấy trong một thời gian ngắn không phải là chuyện dễ đâu nội ạ ! “
- Nhưng phải thừa nhận rằng, cái kỳ vọng ở nhà luôn là động lực chính yếu thúc đẩy tôi không ngừng nỗ lực. Khi nghĩ đến mái nhà ấm cúng nhưng nghèo khó ấy , tự nhiên lòng tôi nảy sinh một quyết định : tôi phải làm tròn cái sứ mạng đoạt giải ! Tôi không đường lui, chỉ có tiến tới và tiến tới. Hai quân giao chiến bên dũng sẽ thắng, trong một cái ý nghĩa nào đó, cái tâm thái này đã giúp cho tôi vượt qua đuợc biết bao chặng đường đầy chông gai, hiểm trở trong sinh nhai kỳ nghệ của tôi.
- Tôi mở hết tốc lực phóng tới. Giải Cá nhân 1991 ở Đại Liên, tôi vọt lên hạng 3. Trong giải đấu, tôi mấy lần sử dụng ngũ lục Pháo và bước đầu nếm được vị ngọt của bố cục hệ thống hoá. Nhờ bố cục này mà tôi đã chiến thắng hai viên đại tướng Lý Vọng Tường và Hùng Học Nguyên cùa Hồ Bắc.
- Lý Lai Quần là Quán quân trong giải này. Trước đây tôi chỉ có thể tìm hiểu phong cách kỳ nghệ ” Trăn quấn mình” của Lý qua sách vở. Lần này có cơ hội giao chiến, tôi mới thật sự cảm nhận được cái nội hàm kỳ nghệ thâm hậu của Lý. Cờ Lý hàm chứa sức mạnh sáng tạo và tính tư tưởng vô cùng dũng mãnh, với thực lực lúc đó cùa tôi, không thể tiến gần Lý trong vòng ba thước. Câu chuyện mà tôi khó quên là trên đường đi dự giải ,chúng tôi ghé Thiên Tân rồi lên tàu lớn đi về Đại Liên trình diện. Trên tàu gặp đội Hà Bắc và Lý Lai Quần cũng có mặt ở đó. Lý rất cởi mở, hoạt bát trong giao tiếp. Ảnh hưởng bởi phong cách ấy, tôi vốn ít nói mà lại tự nhiên chủ động mở lời thỉnh giáo đạo học cờ. Thầy Lý không vì tôi người trẻ non dạ, đã trả lời câu hỏi tôi một cách tận tình cặn kẽ .Win-Win: We win many times.
-
Post Thanks / Like - 13 Thích, 0 Không thích
deadman, 6789, dangtrang90, thuylinh, song_huong, Congaco_H1R5, ducanhducanh, phieumien, tramphungchau, saomai_08, redtn2002, 123456, trung_cadan đã thích bài viết này
-
03-09-2014, 08:35 AM #23
HỨA NGÂN XUYÊN TỰ TRUYỆN – BÀI 6
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn Anh Kính Nhân (Master Tô Tử Hùng) đã dành rất nhiều thời gian và công khó chuyển ngữ bài viết của Đại sư Hứa Ngân Xuyên sang Việt Ngữ. Và xin trân trọng giới thiệu cùng Bạn đọc.
17. VẤP NGÃ
- Mọi việc đang tiến theo chiều hướng thuận lợi, tôi cứ đinh ninh rằng với đà tiến như vậy, việc đạt đuợc thành tích đột phá là chuyện đương nhiên, ngờ đâu bị vấp ngã ngay ở giải cá nhân năm 1992, bấy giờ tôi cảm thấy không thể nào chấp nhận đuợc sự thật này. Truớc trận đấu cuối cùng , điểm tích lũy của tôi vẫn đứng vào hàng đầu , lòng tôi tràn đầy tự tin là sẽ giành được thành tích xuất sắc. Ván cuối tôi dụng Thập liên bá Hồ Vinh Hoa. Trong giai đoạn trung tàn tôi cầm Xe, Mã ba Chốt đối chọi với Xe, Pháo bốn Chốt của Hồ, chỉ ít hơn một Chốt và tình thế không tệ, cơ hội thủ huề rất cao. Nhưng Hồ đã nắm bắt lấy vẻn vẹn chút ít ưu thế , dùng Xe Pháo liên tục tổ chức những đợt tấn công chớp nhoáng từ bốn phía, không ngừng tạo áp lực cho việc phòng thủ. Tôi toàn lực chống đỡ, nhưng dẫu sao kinh nghiệm chiến trường vẫn còn non yếu cộng thêm bị áp lực về thời gian, chung quy không thể hoàn toàn đi đúng những nước cờ chính xác. Một chút sơ hở, bị Hồ ăn mất con Tượng ,thế là thành trì kiên cố bắt đầu xuất hiện một khe hở và đoàn quân Hồ đã ùn ùn kéo đến như sóng vỡ bờ, tôi dốc hết tàn lực chiến đấu đến hơi thở cuối cùng rồi mới không cam lòng chấp nhận thất bại đắng cay.
- Cuộc chiến khởi đầu từ 8 giờ sáng đến hơn 1 giờ trưa, kéo dài những 5 tiếng mấy đồng hồ, tinh thần chiến đấu ngoan cường lần này không mang lại cho tôi cái kết cuộc như ý muốn. Tôi còn nhớ rất rõ, trước giây phút băng vỡ tôi cứ ngỡ còn cơ hội thủ huề; rồi khi ván cờ kết thúc, tôi vô cùng chán nản và cúi đầu ủ rũ đi ra khỏi hội trường . Không thể nào tưởng tượng được với sự cố gắng chiến đấu hết mình lại đưa đến kết quả phũ phàng như vậy.
- Lúc ban tổ chức tiến hành việc trao giải, theo lệ tất cả kỳ thủ dự giải đều phải có mặt tại hội trường . Tôi ngồi hàng sau cùng, tinh thần ngẩn ngơ, không tâm trí nào xem người ta lãnh giải, vừa khéo Tôn Vĩnh Sanh có mang theo cái máy chơi game, tôi hỏi mượn và tắt âm thanh đi rồi ngồi bấm máy suốt thời gian còn lại.
- Sự thất bại lần này chẳng khác gì một đòn cảnh tỉnh giáng thẳng vào đầu khiến tôi chợt tỉnh thức, tôi như người hành khách bị văng ra khỏi chuyến xe lửa tốc hành đang ngon trớn mà phải thắng gấp vì gặp chướng ngại vật. Nếu không bị trắc trở này, tôi vẫn chưa thể tỉnh táo mà nhìn lại chính mình : trong lúc tôi tự cho mình đã đủ lông đủ cánh, thật ra tôi còn rất non nớt, vẫn chưa đủ sức tung cánh tự do bay lượn trong bầu trời xanh thẳm, thể hiện chí nam nhi như chim đại bàng tung cánh trong những cuộc vạn lý trường chinh . Giây phút quan trọng trong quá trình khôn lớn, nếu không bị những thất bại đau thương tận xương tận tủy này, có lẽ tôi vẫn còn lâng lâng dương dương tự đắc, tưởng mình giỏi và từ đó trở nên tầm thường . Trong giai đoạn trưởng thành , nếu được người khác kích thích bằng những đòn “đánh đánh, gõ gõ ” đúng lúc, lại là những rèn luyện bổ ích cho ta vậy.
- Con người trong lúc thất chí, cứ tuởng như trời sụp đất lở, nhưng sau một thời gian quay đầu nhìn lại, những cảm giác thất bại ban đầu đã nguôi ngoai . Cho nên sau một thời gian ngắn chìm đắm trong bể đau thương , tôi đã rút tỉa kinh nghiệm xương máu, nhanh chóng bình phục. Mục tiêu tối cao vẫn còn xa vời, cần nhiều cố gắng nổ lực hơn nữa và tôi dồn hết mọi tinh lực trong việc tập luyện hàng ngày.
- Tổng kết nguyên nhân thất bại, ngoài kỳ nghệ kinh nghiệm ra, còn một nhân tố khá quan trọng, đó là tâm lý cầu ổn. Xuyên suốt quá trình 13 ván cờ, ta có thể nhìn thấy vấn đề này trên thành tích biểu : 7 ván đầu, tôi thắng 4 hoà 3, chung vai với Triệu Quốc Vinh trong đoàn quân dẫn đầu , nhưng trong 6 ván còn lại tôi chỉ giành được 1 thua 5 hoà. Sự chênh lệch trước sau quá lớn , mặc dầu có nhân tố khách quan là lực lượng mạnh yếu của đối thủ, nhưng trong tình huống dẫn trước mà còn giữ tâm thái cầu ổn, sợ thua và thể hiện thái độ đó trên bàn cờ là thiếu tinh thần tích cực cầu tiến. Chúng ta đều biết, điểm chính yếu trong chiến đấu cờ tướng là tấn công, phải có ý thức công kích mạnh mẽ mới phát huy được tiềm năng tư duy của kỳ thủ và mới có thể gây nhiều trở ngại khó khăn cho địch thủ.
- Hãy xem ván đấu cuối đây, tôi dùng “Phản công Mã” chống với Hồ tư lệnh trên sách lược đã không được thích đáng. Ai cũng biết Hồ là thủy tổ của Phản công Mã , bất luận về lý luận, lý giải hoặc kỹ năng, kỹ xão vận dụng trận pháp này không ai bằng ông ta. Tôi đã phạm sai lầm : đánh trống qua cửa nhà sấm, truớc mặt người có chuyên môn mà không biết tự lượng sức mình . Điều thất sách nhất là trong bố cục này tôi chuyên lựa một thế biến bình ổn nhưng rõ ràng hạ phong, vô tình làm tắc nghẽn con đường tiển thủ của mình : nghĩa là tôi chỉ có từ huề đến thua mà thôi ! Thế trận này rất hợp khẩu vị, đúng sở trường của Hồ, là cơ hội để ông thực thi những kỹ năng chuyển quân, thi thố năng lực khống chế, phát huy triệt để công năng ,kinh nghiệm chiến đấu cò cưa trên trận mạc…. Tóm lại, thất bại của tôi là chuyện có thể dự kiến trước , đồng thời nói lên giữa tôi và cao thủ tuyệt đỉnh còn có một khoảng cách không nhỏ về mọi mặt.
- Sau một thời gian tập luyện mang tính đối trị, tôi thấy cường độ tinh thần chiến đấu, kỹ năng vồ, vật, đánh xáp lá cà…đều được nâng cao ; chiều rộng, chiều sâu của bố cục cũng được đào sâu, phát triển và củng cố.
- Năm 1993, đội ngũ chúng tôi mới giành lại được chức Vô địch Đồng đội tại Nam Kinh đồng thời tạo nên một huyền thoại là 4 người thi đấu tổng cộng 52 ván cờ không thua ván nào ! Lúc bấy giờ tôi trấn ngự bàn số 2 , thành tích rất khá : 6 thắng 7 hoà. Sau giải đấu, một nhà báo nào đó đã “đưa”chúng tôi lên ngôi “Dream team” và nhanh chóng được những nhà báo khác hưởng ứng. Từ đó những lời tâng bốc này của giới truyền thông không khác nào cái vòng cẩn cô trên đầu của Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không, đã trói chật các ông tướng đội Quảng Đông. Rồi giải Đồng đội của những năm sau đó, Q.Đông đều tham dự với phong thái của đội đuợc ưa thích có triển vọng đoạt giải, nhưng lần nào cũng không đủ duyên.
- Tháng 7 cùng năm, trong giải Đối kháng giữa Q.Đông và T.Hải , tôi thắng liên tiếp 4 viên đại tướng bên ấy, tự cảm thấy đã bước thêm bước gần mục tiêu trong lòng. Nhưng tôi cũng biết , còn nhiều chông gai, trắc trở đang chờ đợi tôi ở phía trước.
18. TÁI CHIẾN HỒ TƯ LỆNH
- Mặc dầu đã chuẩn bị tinh thần chiến đấu, nhưng thất bại vẫn đến với tôi. Cũng may cái vấp ngã lần này không diễn ra ở giờ phút cuối mà ở vòng 4, người đánh bại tôi chính là ĐCĐS Triệu Quốc Vinh của Hắc Long Giang. Bấy giờ Triệu mới ngoài ba mươi, đang tuổi sung sức, sự nghiệp ở đỉnh cao ; hai lần Vô Địch toàn Quốc, phong cách kỳ nghệ cương nhu tương tế, lúc tấn công hùng mạnh như mãnh long quá giang , khi phòng thủ thì vững bền như núi Thái Sơn , là một trong những cao thủ mà làng cờ công nhận khó đối phó nhất.
- Trong ván đấu này tôi chiếm ưu thế ở khai cuộc ,tiếc rằng trong giai đoạn giằng co phức tạp ở trung biến vì không phán đoán chính xác điểm tấn công của đối phương , bị một nước đi tinh diệu của Triệu, đành trơ mắt ếch nhìn con Chốt giữa qua sông hiên ngang tiến tới như chỗ không người. Từ đó giang hà nguy biến, Triệu xiết chật vòng vây, cuối cùng thành trì tôi thất thủ. Trong trận này ở giai đoạn trung cục Triệu đã đi những nước cờ tinh diệu ngoài dự liệu của tôi. Đánh cờ phải lường truớc ý địch ,nắm tiên cơ hành động trước để chế ngự địch, nếu không thì chỉ bị người ta xỏ mũi dắt đi. Ván cờ này cũng thể hiện một điểm là tôi vẫn chưa thể ngang vai ngang vế cùng các cao thủ tuyệt đỉnh.
- Thua keo này, con đường trước mắt tôi đã trở nên ảm đạm, mặc dầu còn 9 ván nữa, nhưng vì điểm tích lũy thấp và nhuệ khí bị đè bẹp , tôi tự biết mình không còn bao nhiêu cơ hội nữa. Tôi than thầm trong bụng mọi nỗ lực ,cố gắng năm nay xem như công dã tràng .
- Trong trận kế tiếp , tôi lại một lần nữa chạm trán với Hồ Vinh Hoa. Trước đây tôi từng đấu với Hồ hai ván và thua cả hai ; vết thương lòng trong giải năm ngoái vẫn còn đậm nét trong ký ức tôi, tình cảnh tôi lúc này thật đúng với câu : nhà dột lại gặp mưa thâu đêm !
- Phen này tái chiến, tôi không hề dám có một ý nghĩ lạc quan nào về kết quả cuộc chiến, nhưng chiến sự tiến triển lại hoàn toàn ngoài dự liệu của tôi. Hồ đi tiên ,ông vẫn dựng Pháo đầu. Rút tỉa kinh nghiệm đau thương hai lần trước, tôi bầy trận Bình phong mã theo đúng bài bản. Trong khai cuộc , Hồ dồn hết tâm trí để tìm nuớc biến, nhưng chẳng những không mở rộng thêm nước tiên, lại khiến thế trận rơi vào tệ đoan không vững chắc; mà cái chỗ sai lầm nhất là lúc cuộc cờ đi vào trung biến, Hồ đã đi một nước xem chừng là tranh tiên nhưng chính nước này khiến ông lâm vào cảnh bất lợi ở cờ tàn : không xe đấu với có xe. Tình hình chiến sự bây giờ khác hẳn với dự liệu lạc quan ban đầu của Hồ, nên trong thế hạ phong xem chừng ông không còn tâm chí chiến đấu ; sau một hồi giao tranh không kịch liệt lắm, ưu thế bên đen càng rỏ dần. Trước cảnh sơn hà tan nát, mặc cho một bậc đại Tôn Sư cũng không thể xoay chuyển cục diện.
- Khi phân tích ván cờ này ,ta có thể thoáng thấy tư tưởng khinh địch của Hồ. Đối với ông ta sự sơ xuất lần này chẳng qua là một lần chao đảo không đáng để tâm của một tài công ưu tú đã bao lần chế ngự phong ba bão táp, vuợt sóng trùng dương. Nhưng đối với một kiếm khách trẻ đang cần thông qua chiến thắng những đối thủ hùng mạnh để làm động lực tiến lên ,thì tác dụng và sức mạnh cổ vũ đó không thể nào lường được .
- Sau ván đấu ấy ,bổng dưng sức mạnh và tự tin của tôi tăng lên cao độ, những ván kế tiếp tôi thuận buồm xuôi gió , tiếp tục xông pha và lại phóng lên vị trí hàng đầu.
- Tình hình bấy giờ là quần hùng phân tranh, thiên hạ đại loạn. Những người đang dẫn trước hoặc vì ngã ngựa hoặc vì chần chừ không tiến , thì những kẻ đuổi sát theo nhân cơ hội vượt qua; trong hội trường không ngừng diễn ra những màn vượt lên và bị vượt. Sư huynh Trang Ngọc Đình là một truờng hợp rất đáng tiếc trong cuộc đua này, mười vòng đầu anh sánh vai cùng buớc với những người khác ở vị trí hàng đầu, nhưng ba vòng cuối anh yếu dần ,rốt cuộc chỉ được về hạng 7 và chuyện này đã tái diễn trên người anh đến ba lần!
- Chiến tranh bao giờ cũng khốc liệt và tàn nhẫn, mạnh còn yếu mất.Trong cuộc chiến đòi hỏi cao về trình độ lẫn cường độ này, mọi người đều ví như thủy thủ đang lèo lái con thuyền cỏn con nơi đầu sóng ngọn gió, nguy cơ trùng trùng; hễ một chút bất cẩn là bị sóng biển cuồn cuộn cuống mất. Cuộc chiến kéo dài nửa tháng , 13 vòng đấu chẳng khác gì cuộc đua đường trường ma-ra-tong , phải luôn giữ vững tín niệm, tâm thái bình yên, tiến buớc với tốc độ ổn định mới có thể trở thành người thắng lợi cuối cùng.
- Khi chiến cuộc đi vào vòng chung kết , tôi và sư huynh Lữ Khâm cùng chiếm cứ hàng đầu của bảng điểm, nhưng tình thế có lợi cho tôi hơn. Dựa theo quy tắc tính điểm, người cùng điểm thì phải tính điểm đối thủ để phân cao thấp, điểm đối thủ tôi cao hơn hẳn Lữ Khâm. Nếu sự việc diễn tiến bình thường và có tình trạng cùng điểm thì cơ hội tôi thắng giải rất cao. Giả sử tôi thắng ván cuối cùng ,sẽ đoạt giải vậy.
- Trong tình huống bình thường chúng tôi cho rằng, khi một kỳ thủ đã nắm chính xác tình trạng điểm tích luỹ của mình, bao gồm cả điểm đối thủ hiện giờ của các đối thủ bằng điểm và cả những biến số có thể xảy ra nếu có, thì mới có thể vạch định ra một sách lược phù hợp cho lợi ích hiện thực nhất. Tình hình thực tế lúc bấy giờ là tôi hoàn toàn không có tính điểm đối thủ; trước ngày quyết chiến có một ngày nghỉ, đầu óc tôi chỉ nghĩ đến chuyện du ngoạn đi chơi. Sáng hôm đó tôi gặp các cô cùng đội ngay trước cửa phòng tiếp tân, họ đang tính đi ra biển chơi, thế là tôi vui vẻ gia nhập vào hàng ngũ hóng mát này.
- Ven biển Thanh Đảo, ta có thể nhìn thấy một số nhà lầu mang phong cách kiến trúc Tây phương . Những toà kiến trúc này đã âm thầm nói lên những biến cố , tai vạ mà thành phố và đất nước này đã hứng chịu trong những thời điểm đau thương , khổ nạn ; đồng thời bản thân chúng lại tô vẽ thêm vẻ đẹp thanh nhã và ý vị cùa thành phố.
- Mặc dầu không biết bơi lội , nhưng tôi lại thích biển. Biển cả mênh mông, vô biên vô giới, sóng biển nhẩp nhô, thủy triều lên xuống đều mang lại cho người ta những mơ mộng thú vị, tuyệt vời. Đối mặt với biển, lòng ta tự nhiên rộng mở trong sáng, bao nhiêu phiền não cũng sẽ tan biến theo cơn gió biển. Mọi người hóng gió biển rất lâu trên cầu tàu, trong lòng ung dung tự tại, đã quên bẵng chuyện thi đấu ngày mai.Win-Win: We win many times.
-
Post Thanks / Like - 16 Thích, 0 Không thích
deadman, HoVinhHoa, 6789, dangtrang90, song_huong, Congaco_H1R5, ducanhducanh, ahua575, phieumien, hoanghm, tramphungchau, saomai_08, Napoli, 123456, truongbatoanhatinh, trung_cadan đã thích bài viết này
-
03-09-2014, 08:41 AM #24
HỨA NGÂN XUYÊN TỰ TRUYỆN – BÀI 7
19. CHIẾN DỊCH GIÀNH CHỨC VÔ ĐỊCH TOÀN QUỐC
- Sáng hôm sau, tôi đối mặt với chiến dịch hệ trọng nhất trong cuộc đời sự nghiệp cờ tướng của mình. Trước giây phút lâm trận, trong lòng không khỏi có chút hồi hộp, nhưng nói chung cũng còn nhẹ nhàng, thanh thản.Nhìn sang phía đối thủ , danh tướng Hồ Bắc Diêm Văn Thanh, phen này anh sẽ dốc toàn lực để chiến đấu vì thành bại quá ư quan trọng đối với anh ; nếu thắng, anh sẽ nhảy vọt lên hạng 3 ! Với chí huớng cao xa , kỳ phong rắn rỏi cương liệt, Văn Thanh tất sẽ ra tay với những ngón đòn hung hãn, liều lĩnh để tranh thắng và chiến dịch khốc liệt, nguy hiểm, một mất một còn này đã khai hỏa trong tình hình và bối cảnh như vậy. Hai quân đối mặt, bày binh bố trận : tôi dựng Pháo đầu, bên đen lên Mã phải và sau đó bình Pháo đường 6, hình thành thế trận Pháo đầu đối Nửa mảnh sơn hà Phản Công Mã . Vừa nhập cuộc, đôi bên đã bắt đầu ngay một màn tranh giành nước tiên kịch kiệt không ai nhượng ai. Tôi dùng nước biến đối công nổi tiếng “Ngũ Thất Pháo Khí Song Chốt ” dấy lên cao trào tấn công đợt một; sau khi Chốt 3 qua sông, Diêm Văn Thanh bổng chơi chiêu Chổt 3 bình 2, một nuớc biến ít ai xử dụng để thổi lên hiệu còi phản công đảo khách thành chủ, giành thế chủ động.
- Những thế biến thuộc thể loại này tôi còn nhớ là ván đấu duy nhất trong sách mà tôi đã thấy trong thời gian học nghệ tại Sán Đầu năm nào, tôi quên tên đấu thủ nhưng còn nhớ trong phần bình chú đã ghi : “mỗi nguời công một cánh, đôi bên kiêng nể nhau”. Đối mặt với cục diện lạ, tôi không chùn bước, dựa vào những ký ức mơ hồ và phán đoán hiện trường, mạnh dạn vỗ ngựa xông tới, triển khai cuộc chiến đối công sinh tử cùng địch thủ. Liền tiếp theo, Văn Thanh lại lần nữa tung ra một loạt đòn phản thật cứng rắn, kịch liệt : Anh bỏ mặc con Mã trái, dùng Pháo nổ đáy Tượng rồi xuất Xe trái, hình thành một thế công phối hợp chật chẽ của Xe hai Pháo ; đồng thời một đội binh hậu bị, con Chốt 7, cũng hăm he vượt hà trợ chiến , dọc theo khe hở cánh phải mà tiến quân. Tình huống bấy giờ của tôi thật khốn khó trong tiếng gió gào, nhạn khóc, thần hồn nát thần tính. Cuộc diện đã hoàn toàn đi ra ngoài tầm kiểm soát của tôi !
- Trong giây phút nguy kịch , tôi nghe có tiếng gọi vô cùng mãnh liệt từ trong tận đáy lòng : “không thể cứ để đối phương xỏ mũi mà kéo, tôi phải dành thế chủ động !” Từ lúc khơi mào cuộc chiến đến giờ, Diêm Văn Thanh hầu như không mất nhiều thời giờ, dù cho khi quyết đoán những nước đi gan dạ, liều lĩnh có ảnh hưởng đến đại cuộc, anh cũng chỉ hơi ngưng lại một chút để suy nghĩ rồi thực thi kế sách ngay trên bản cờ một cách đầy tự tin. Ta có thể thoáng thấy lòng tin của anh thể hiện qua lực độ đi cờ trên mặt bàn. Sức mạnh của tự tin đến từ sự khẳng định khả năng, thực lực của bản thân và quan trọng hơn là từ sự chuẩn bị chu đáo trước cuộc chiến. Binh pháp xưa đã nhấn mạnh về phương pháp dụng binh là “phải tranh thế chủ động và khi thực thi trên chiến thuật luôn lấy mình làm chủ”. Nếu cứ đi theo hướng vạch sẵn cùa đối thủ,thất bại chắc chắn sẽ đến với ta.
- Đầu óc tôi không ngừng làm việc, suy tính duới sự thúc giục, điều động của cái ý thức “giành thế chủ động “; làm sao để nắm thế làm chủ đây? Cục diện bây giờ cho thấy Đen đang thực thi kế sách bỏ quân lấy thế , Mã đen nằm trong tầm đạn cùa Pháo nhà, chỉ cần bấm nút là con mã sẽ tan xương nát thịt ngay. Nếu cứ nương theo suy nghĩ tầm thường, cờ Đỏ tất nhiên sẽ xơi tái con ngựa truớc rồi mới tính ; nhưng tôi lại nghĩ rằng suy tính này chắc chắn không nằm ngoài dự đoán của Văn Thanh. Thế còn cách giải quyết nào khác không ? Đôi mắt tôi bổng sáng lên khi lướt qua một nước cờ, ta không vội ăn Mã mà chỉ thay đổi thứ tự nuớc đi, tức dùng Xe bắt Pháo phải đối phương trước đã ! Về mưu lược nước cờ này hợp lý , mà phần phân tích chiến thuật cụ thể cũng khả thi. Dựa trên cơ sở đó, tôi suy nghĩ giây lát và cầm quân chơi nước Xe 8 tấn 3 !
- Chiêu đột kích này vừa tung ra, lần đầu tiên Văn Thanh rơi vào trạng thái suy nghĩ miên man. Điều này nằm trong sự dự đoán cũng vừa khiến tôi cảm thấy bất ngờ. Tình hình chiến cuộc hiển nhiên vuợt ngoài tầm chuẩn bị và khống chế của Văn Thanh, bây giờ đôi bên đã đi vảo giai đoạn tự phát huy khả năng chiến đấu tại chỗ. Tâm tôi tạm ổn, dù sao tôi vẫn còn cơ hội. Thời gian suy nghĩ của Văn Thanh đã vượt hẳn lên, tôi cũng nhân cơ hội đó chiêm nghiệm, suy tính những phương án kế tiếp : vì thời giờ phân phối cho mỗi bên có hạn và những cục diện phức tạp thì rất hao giờ, nếu lợi dụng đuợc thời gian suy nghiệm của đối phương tức là đã tăng thêm giờ cho mình vậy.
- Dần dần những ứng phó của Văn Thanh trở nên vụng về, chậm chạp và tôi nhờ có thêm thời gian suy nghĩ, đã tìm ra nhược điểm trong đội hình đối phương, phát hiện này có đuợc cũng nhờ sự dẫn dắt của ý thức chủ động.
- Tôi không còn bận tâm về sự đánh trả của đối thủ, trong khi được quân tôi còn triển khai thế công ở cánh yếu bên phải địch. Trong cuộc chiến đối công, thông thường bên nhiều quân có cơ hội làm bàn hơn ; nên Văn Thanh đành phải lợi dụng cơ hội rút chiếu ăn lại một quân và chính sự trì hoãn này khiến thế công cờ Đen mất liên hoàn. Tôi thừa cơ thượng Tướng lên lầu 2 để tránh mũi nhọn Xe Pháo Chốt và quan trọng nhất là nhờ mượn sức Đại Tướng đã tái lập lại ưu thế hơn quân .
- Trong tình thế bất lợi nhưng Văn Thanh vẫn không nản lòng, anh tập trung lực lượng chủ lực còn lại ngoan cố chống cự, vùng vẫy lần cuối. Đúng ra tôi nên ổn định cuộc diện bằng cách thí quân làm giảm lực chiến đấu và sau đó từ từ tấn chiếm, thắng lợi tuy đến chậm nhưng an toàn. Nhưng vì quá hăng tiết tôi đã quên bẫng đi ,chỉ lo xông pha chiến đấu. Sau vài ba hiệp, tôi bổng giựt mình phát hiện lực lượng đánh trả hùng mạnh Xe Pháo Chốt của đối phương đã hợp thành vòng vây và sắp sửa khai hỏa công phá thành trì của tôi.
-Tính cảnh giác lại lần nữa phát huy cao độ, nhắc nhở tôi phải bình tĩnh và chậm bước lại, cẩn thận thẩm định chiến cuộc ,điều chỉnh tư duy rồi chế định phương án tác chiến phù hợp với tình hình mới. Đây là lần ngưng lại quan trọng thứ hai trong ván đấu này. Lần đầu đã giúp tôi xác định tư tuởng chiến lược chính xác, khai sáng một cuộc diện tốt.
- Ngọn lửa chiến đấu đang bốc cháy bừng bừng , cảm xúc mãnh liệt trong nguời cũng bùng cháy theo sự khốc liệt của chiến cuộc , đầu óc tôi bổng trở nên nhạy bén và sáng suốt lạ thuờng. Trong cục diện nguy cấp , tôi đã phát hiện một phương cách phòng thủ tinh diệu và hữu hiệu, kịp thời triệu hồi bộ đội Pháo binh, nguời đã nả đạn bắn bom vào cánh phải bên địch trước đây, về trấn thủ ngay con đường huyết mạch của mình và cũng là con đường tiến quân duy nhất của địch, thế là các thế công của bên đen bị hoá giải triệt để ; không phải chỉ thế, con Pháo đỏ yêu quý còn tiện thể khống chế cả hoạt động của quân chủ lực Xe đen đối phương. Đến đây, thắng bại đã rỏ ràng. Đoàn quân tôi đang mạnh tay công thành ở tiền tuyến và một lần nữa Pháo đỏ xông vào trận địch, hy sinh tính mạng mình để đổi lấy mạng Xe đen ! Cuộc chiến khốc liệt, gian nan cuối cùng đã đến lúc hạ màn , tôi thở phào một hơi dài nhẹ nhỏm. Tôi biết giấc mơ mong mỏi bấy lâu nay đã thành sự thật, tôi đã trở thành nhà Vô Địch cờ tướng toàn quốc trong giây phút lịch sử của đời tôi !
Để nhìn thấy sự biến chuyển tâm thái của tác giả trong từng giai đoạn của cuộc chiến, chúng tôi xin ghi lại ván đấu chung kết khốc liệt này với lời bình của chính tác giả.
Ván Chung Kết Giải Vô Địch Nam Toàn Quốc 1993 Quảng Đông Hứa Ngân Xuyên đấu với Hà Bắc Diêm Văn Thanh Pháo Đầu đối Phản Công Mã Thời gian : 24/8/1993 Địa điểm : Thanh Đảo Người bình giải : ĐCĐS Hứa Ngân Xuyên
Cuộc chiến đã đi vào vòng chung kết. Người ta đã dành nhiều sự quan tâm cho hai kỳ thủ đang dẫn đầu cuộc đấu : Lữ Khâm và tôi, một trong hai sẽ là người viết nên trang sử huy hoàng cờ tướng năm nay.
Đối với Lữ Khâm, ngôi vị Vô Địch chỉ là một cầu vồng tô vẽ thêm cho cái vầng sáng vốn đã chói loá của Anh. Nhưng đối với một thanh niên trẻ có chí nguyện về sự nghiệp cờ tướng, cần cơ hội biểu dương tên tuổi, thì đây là một cái mốc lịch sử quan trọng trong sanh nhai kỳ nghệ của chàng.
Trong vòng cuối, Dương thành Thiếu Soái Lữ Khâm đụng với “máy tính điện tử” Liễu Đại Hoa và tôi sẽ đối mặt với danh tướng Hồ Bắc Diêm Văn Thanh. Cái đuợc mất , thắng thua trong cuộc cờ này cũng sẽ là cái vui buồn , thành bại của nguời trong cuộc, vậy họ sẽ giữ tâm thái như thế nào khi đối trước chiến dịch trọng đại này?
1. P2-5. M2.3. 2. M2.3. P8-6
3. X1-2. M8.7
Lúc bấy giờ Diêm Văn Thanh đã tỏ ra có tài hoa trác việt trên lãnh vực bố cục, trong nhiều thế biến Anh đều có những kiến giải độc đáo .Tôi để ý trong giải này Văn Thanh đã nhiều lần sử dụng Phản Công Mã và giành được thành quả ưng ý.
4. C3.1. C3.1. 5. M8.9. T7.5
6. P8-7. X1-2. 7. X9-8. P2.4
8. C7.1. C3.1. 9. C3.1. ……
Đó là thế biến nổi tiếng ” Ngũ thất Pháo khi song Binh”. Bên Đỏ thông qua thủ đoạn cứng rắn phá vỡ kế hoạch phong tỏa của Pháo đen và đạt mục đích nhanh chóng khai triển quân chủ lực. Lúc đó tôi thích khai cuộc này và vui lòng đi theo những tiết tấu thanh thoát để rong ruổi trên sa trường.
9. …… C7.1
Nếu không ăn Chốt, còn nước Xe 9-8, tiếp theo là Chốt 3.1, Xe 8.9, Mã 3/2, Mã 7/8, Xe 8.1, đôi bên đều có một đạo hùng binh qua sông, hình thế kiêng nể nhau. Dựa theo một số ít tài liệu thực chiến ,người ta cho rằng bên Đỏ lợi thế hơn.
10. X2.4 ( hình 1). C3-2
Hình 1
Theo (hình 1), Đen có 3 cách đánh : P2-3 ; C3-2 ; C7.1. Lúc bấy giờ người ta chơi nhiều P2-3, thế biến này Đỏ mất Tượng nhưng quân chủ lực chiếm lợi thế địa hình.
C7.1 là nuớc biến xuất hiện sau này, diễn tiến là X2-3, M7.6, X3-7, X9-7, P7.5, P6-3, P5.4, S6.5, M3.2. Đỏ ưu hơn.
Tôi hầu như không có lĩnh hội gì về nước C3-2 ; nhiều năm về trước lúc còn học cờ tại Sán Đầu đã từng học nhẩm thế biến này ; lúc đó thầy Chương Hán Cường áp dụng phương pháp không bày cờ ra, học trò phải cố gắng tập trung ghi nhớ thuộc lòng chiêu pháp trong phổ, rồi không nhìn sách mà bày lại cả ván cờ. Phương pháp này giúp ta có sự ghi nhận sâu sắc trong ký ức và không ngờ những căn bản học cờ thuở thiếu thời lại hữu dụng vào lúc này.
11. C9.1. P6.4. 12. X2-8. X2.5
13. M9.8. P6-7. 14. M8.7. ……
Bỏ Tượng đáy mà cưỡng hành tấn Mã sẽ đưa đến đối công kịch liệt, tới đây tôi không còn ký ức nào để nương tựa nữa ; tôi không biết con đường phía trước sẽ dẫn về đâu, chỉ còn tính khí bồng bột của tuổi trẻ cùng tôi mạo hiểm trên con đường chông gai.
Nếu không tấn Mã, đổi thành T3.1, M3.2, C5.1, P2-6, cuộc thế Đỏ không lạc quan.
14. …… P7.3
Cương quyết đối công, không hề chùn buớc đó là tác phong xưa nay của Văn Thanh. Cờ Anh luôn mang tính tích cực, thích vật lộn trong cơn phong ba bão táp chứ không chịu nép mình trong eo biển bình yên. Anh từng nói với tôi :”Có cờ huề trong cờ tướng nên đã có chỗ rút lui cho kỳ thủ, chính vì vậy cái tinh thần và dũng khí tích cực cầu chiến mới đáng quý”. Vì ít hơn tôi nửa điểm lớn, nên chỉ có thắng Anh mới về 3, tình thế đã buộc Anh phải ra chiêu hung hăng ,liều lĩnh. Nước cờ thoả hiệp bây giờ là T5.3, T3.1, X9.1,C5.1, X9-2, S6.5, cờ Đỏ dành thêm được nuớc tiên M8.7, tổng thể mà nói cờ Đen ở vào thế phòng thủ.
15. S4.5. P2-3. 16. M7.5. T3.5
17. P7.5. X9-8
Văn Thanh phế Mã, quán triệt sách lược đối công, nếu đi T5/3, X83 rồi M34, Đỏ phát động thế công trước .
18. X8.3. ……..
Văn Thanh đi cờ nhanh chóng, tinh thần thoải mái đã tạo nhiều áp lực đè nặng lên tôi, thậm chí có lúc tôi thoáng qua ý tưởng bi quan là đã rơi vào cạm bẫy bố cục của đối thủ. Nhưng hạ thủ bất hoàn, bất luận sự lựa chọn phía trước đúng hay sai cũng đã thành sự thật. Chuyện quan trọng trước mắt là phải đối diện với hiện thực, trên cơ sở đó tìm cách ứng đối tích cực. Dùng Pháo đánh Mã là nằm trong dự đoán của Văn Thanh ; tôi hiểu nếu muổn giành thế chủ động ,tất phải đi nước cờ ngoài dự liệu. Trong phần đối đáp của Lý Vệ Công có nhắc đến “Trí nhân nhi bất trí ư nhân” ; thì lý luận chiến tranh và chiến thuật cờ tướng cùng mang ý nghĩa chỉ đạo giống nhau.
Riêng về tác dụng cụ thể của chiến thuật, tấn Xe trước rồi mới ăn Mã có thể giảm thiểu sự lựa chọn của Đen, khác biệt này có ảnh hưởng tương đối đến sự diễn biến của cuộc cờ.
18……… P3.2
Tấn Pháo có thể phối hợp với thế công Xe Pháo cánh trái một cách hữu hiệu , nếu đi P3/2 , P7-3, P7-9, S5.6, C7.1, P5.4, S6.5, C5.1, biến hoá sau đó khá phức tạp, xem chừng Đỏ nắm tiên.
19. P7-3. P7-9. 20. X8-7. X89
21. M3/4. X8/6. 22. M43. P3-4
23. P5-8. ……..
Dùng tấn công để giảm áp lực cánh phải, công chỗ địch phải cứu đó là trọng điểm trong kế sách ” Vây Ngụy Cứu Triệu”
23 . ……. X8.6. 24. M3/4. X8/7
25. M4.3. C7.1
Tại sao Xe Đen không ăn Pháo? Ở đây liên quan đến một vấn đề quan trọng trong cờ tướng mà ta gọi là “thế” ! Cái “thế” càng tỏ ra quan trọng hơn trong lúc đối công. Chiến đấu đôi bên sẽ xoay quanh vấn đề làm sao phá “thế ” của địch và tạo “thế ” cho mình. Nếu Xe đen ăn Pháo, P8.7, S4.5, M3.4, Xe Mã Pháo nhanh chóng tổ chức thành “thế”, Đen khó ứng phó.
26. P8.7. T5.1
Nếu đổi S4.5, X7.6, P4/8, X7/5 , P45, P3/1, X87, M3/4 , X8/6 , M4.5, X8-7 , M5/3. Đỏ hơn quân chiếm ưu.
27. X7.5. P4/7. 28. P3.1. …….. Pháo đỏ tất mất, nhưng tiến thêm một nước là tạo cơ hội cho Tướng đỏ trợ công ,nhờ vậy xác lập ưu thế.
28. ……. X8.7. 29. S5/4. X8/8
30. T5.1. X8-7. 31. T5-6. T5-6
32. X7-6. S6.5. 33. X6/3. X7.2
34. X6-4. S5.6. 35. X4-2. S4.5
36. C5.1. …….
Đợt đối công kịch liệt này tạm kết thúc với kết quả Đỏ hơn quân. Mặc dầu Đen còn Xe Pháo Chốt có một lực lượng chiến đấu nhất định, nhưng mất một quân ,thực lực chênh lệch rỏ ràng. Giây phút khó khăn đã qua, thắng lợi đang vẫy tay cùng tôi. Lúc này Lữ Khâm đã huề với Liễu Đại Hoa, thế nghĩa là nếu thắng ván này tôi sẽ đoạt giải. Khi mục tiêu càng đến gần thì lòng tôi cũng giao động theo, cái biến hóa vi tế trong nội tâm này lại hình thành lực đối nghịch với tâm thái bình tỉnh, nghiêm cẩn của tôi. Tôi hơi lơ là về thế công tiềm ẩn của cờ Đen . Đúng ra nước này tôi nên chơi P8/7, C7.1, X2/5 sẽ nắm chắc phần thắng.
36. ……. X7-6. 37. M3.5. X6.3
38. M5.7. X6-2
Xe trái của Văn Thanh chuyển qua bên phải, hình thành thế giáp công từ hai cánh của Xe Pháo Chốt. Sách lược lợi dụng ưu thế nhiều quân của Đỏ đã không còn tác dụng; vậy chỉ còn cách là ra tay tấn công ngay! Tôi không đoán biết truớc sự gian khó nguy hiểm của con đường đang tới, cũng thiếu sự lão luyện trong việc suy tính, cân nhắc lợi hại toàn cuộc . Nhưng nếu nhìn từ một góc độ nào đó, sự lão luyện lại cỏ thể thành xiềng xích trói buộc tinh thần xông pha, dũng cảm của tuổi trẻ.
39. C5.1. X2.2. 40. T6.1. X2/3
41. T7.9. C7.1. 42. C5.1. C7.1
43. S6.5. X2.3. 44. P8/7. ……
Văn Thanh đưa Chốt xuống tạo thế đánh gộng kềm, trong giây phút như ngàn cân treo sợi tóc, bộ đội Pháo binh Đỏ đã nhanh chóng rút về phòng thủ, thành đội quân cần vương và thế công Đen tan ra mây khói.
Đây là pha chiến đấu vô cùng nguy hiểm mà tôi suốt đời không quên, là kiến chứng của cảm xúc mãnh liệt tuổi trẻ và cũng là nét đẹp kịch chiến trong nghệ thuật cờ tướng.
44. ……. P9/2. 45. S5.4. T5.3
46. C5-4. S5.4. 47. T6-5 S6/5. (Hình 2)
Hình 2
48. P8.6
Tấn Pháo chiếu tướng, đã kết thúc trận chiến gian nan, khốc liệt này. Xe đen ăn Pháo hoặc xuống Sĩ, Đỏ cũng Chốt 4.1 .
Trong giây phủt lịch sử này, đã cho ra đời Vô Địch Nam thứ 9 của đại Giải cờ tướng toàn quốc của làng cờ TQ. Tôi rất vui mừng hưng phấn, đi ra hội trường với những nhịp bước nhẹ nhàng.Win-Win: We win many times.
-
Post Thanks / Like - 17 Thích, 0 Không thích
HoVinhHoa, 6789, hp007hp, dangtrang90, thuylinh, song_huong, Congaco_H1R5, ducanhducanh, ahua575, phieumien, tramphungchau, Napoli, 123456, truongbatoanhatinh,
Alent_Tab, trung_cadan, vuminh999999 đã thích bài viết này -
03-09-2014, 08:43 AM #25
HỨA NGÂN XUYÊN TỰ TRUYỆN – BÀI 8
20. VINH DỰ
- Sau khi kết thúc giải đấu, tôi sắp xếp một chuyến đi đặc biệt về quê nhà. Bấy giờ thị Sán Đầu đã chia làm ba, quê tôi huyện Huệ Lai thuộc quyền quản hạt của thị Kiết Dương. Lần về tham quan Lầu Kiết Dương gần đây, tôi mới đuợc biết lịch sử Kiết Dương còn lâu đời hơn cả Triều Châu ; sở dĩ Triều Châu nổi tiếng là nhờ có sự liên hệ đến danh nhân Hàn Dũ. Thật ra trước thời Hán Vũ Đế, vùng đất Triều Châu, Sán đầu cho đến Mai Hưng, Mân Nam hiện nay đều nằm trong phạm vi quản lý của huyện Kiết Dương.
- Tại Kiết Dương ,tôi được sự tiếp kiến của giới lãnh đạo địa phương. Sau đó đi một vòng về Sán Đầu, Triều Dương , Kiết Thạch để thăm hỏi và cám ơn những vị sư trưởng đã từng giúp đở tôi trước đây. Những nơi tôi đến, mọi người đều nồng nhiệt chào đón vị Trạng Cờ tân khoa; ngôi sao sáng lấp lánh mới mọc này đã từng học tập, sống và lớn lên trên vùng đất thân thương này. Cái vinh quang tột đỉnh đã đến như mong muốn, nhưng tôi vẫn chưa thích ứng với những ánh mắt tán duơng của mọi nguời vì tôi vẫn là một thanh niên sống nhiều về nội tâm.Tôi không giỏi bày tỏ tình cảm của mình trước mặt mọi người sự bình lặng bên ngoài đã che đậy tình cảm dao động nội tâm; tôi vẫn như hồi nào đó một khi ngồi trước bàn cờ, thì không khởi tâm vui buồn bởi sự được mất của cuộc cờ ; nhưng không có nghĩa tôi là con nguời lạnh nhạt, tôi không biết dùng lời nói hoa lệ bày tỏ lòng cảm kích, tri ơn đối với những ân nhân sư trưởng, nhưng tôi sẽ trân trọng cất kỹ mối ân tình sâu đậm đó vào trong thâm tâm mình cho đến già đến chết !
- Sau khi đoạt Giải Vô địch toàn quốc, tín tâm của tôi dào dạt dâng lên như sóng triều, trình độ cờ cũng đột nhiên được nâng cao một bậc. Kế đến, tôi đoạt hàng loạt thắng lợi: trước là anh dũng giành Cúp Vô Địch Giải Tinh Anh 8 tỉnh thị ” Vị Cực Vương Bôi” với bốn ván đấu toàn thắng ; rồi với chiến tích bất bại tôi đã đẩy lùi buớc tiến của những vị lão Quán quân, vẻ vang đoạt Giải “Ngũ Dương Bôi” thứ 14 mà chiến dịch được tôn vinh là ”Vua Trong Vua” đầy tính thuyết phục. Duới mắt mọi người, “Ngũ Dương Bôi” là Giải đấu tối quan trọng chỉ sau Giải Toàn Quốc vì những lý do: (1) Tư cách kỳ thủ thi đấu phải là người từng đoạt giải Vô Địch toàn quốc, quy định nghiêm cách này đảm bảo chất lượng cao của giải. (2) Giải tổ chức bắt đầu từ năm 1980, mỗi năm một lần liên tục không gián đoạn. (3) Tạp Chí “Tân Thể Dục” đã liên hợp “Báo Đêm Dương Thành” tổ chức giải Ngũ Dương đầu tiên. Sau này “Báo Đêm Dương Thành” trở thành đơn vị tổ chức duy nhất đã giành nhiều trang báo để làm công tác tuyên truyền mỗi khi có giải, gây làn sóng quan tâm cao độ trong mọi tầng lớp xã hội. Vì đạt thành tích trác tuyệt trong giải , nên tôi được giới truyền thông Quảng Châu bình bầu là một trong mười nhân vật thời sự bấy giờ ( năm 1993).
21. Không Cam Chịu Đuợc Sự Thất Bại
- Trong lúc những danh hiệu Vô Địch liên tục đến với tôi, thì dư luận bên ngoài cũng đánh giá rất cao về ngôi sao sáng mới mọc này, thậm chí một số báo chí lắm chuyện đã tâng bốc tôi đến chỗ là thiên hạ vô địch.
- Sự thành công to lớn và vinh quang lóa mắt đến quá nhanh, mà mới đây tôi chỉ là một kỳ thủ trẻ không sành đời, vẫn thiếu sự chuẩn bị tinh thần khi đối mặt với biến đổi thình lình này. Thấm nhuần lời dạy cổ nhân” Khiêm tốn được ích và tự mãn chiêu lấy hoạ”, tôi luôn tự nhắc nhỡ bản thân giữ tâm bình thường trước ngoại cảnh; nhưng nếu một thành công mà thiếu sự tích lũy kinh nghiệm sống , chung quy cũng khiến ta dễ khởi tâm nóng nảy. Với tâm thái như vậy, tôi đã không thể bình tâm để nhận định chín chắn những thay đổi, được mất trong thế giới vô thường này.
- Trong giải Toàn Quốc năm 1994 tại Sâm Châu, tôi tham dự với tư cách nhà Vô Địch năm rồi, cuối cùng chỉ được hạng 4; thành tích không tệ, nhưng lúc đó chỉ có ngôi Quán Quân mới lọt vào mắt tôi. Như một nhà leo núi từng chinh phục những đỉnh cao chót vót, tôi không còn để tâm quyến luyến đến những chóp núi thấp hơn. Vì thế không giành được chức Vô địch, tôi xem đó là một lần thất bại.
- Tôi đã thu thập nhiều dữ kiện cần thiết mà tự cho là rất đầy đủ, bao gồm phần phân tích đặc điểm kỹ thuật của những đối thủ có thể gặp đồng thời lập ra những chiến lược chiến thuật tương ứng cho giải đấu. Nhưng tôi đã quên mất một điều quan trọng nhất là phải giữ trạng thái tâm như thế nào khi đối trước cuộc chiến. Tâm thái luôn là yếu tố quan trọng chi phối sự biểu hiện, phát huy của một kỳ thủ ; lúc bấy giờ tôi hiển nhiên còn chưa lý giải tốt về điểm này. Tôi chỉ biết nóng lòng quét sạch mọi chướng ngại trên con đường đi tới, mà không hiểu rằng có những lúc không nhất thiết phải cưỡng hành vượt qua, chỉ cần lách nhẹ sang một bên, tốc độ có thể hơi chậm lại nhưng không hề ảnh hưởng bước tiến và người dũng sĩ vẫn đến đích đúng hẹn.
- Tâm thái chưa chín muồi của tôi đương nhiên sẽ nhận lấy sự trừng phạt thích đáng của hiện thực. Cuộc đua đi đến giai đoạn giữa, tôi đối đầu với tay cờ trẻ dự đại Giải Toàn Quốc lần đầu, đó là Lý Tuyết Tùng cùa Hồ Bắc. Tôi ráng cầu biến để tranh thắng, nhưng vì thiếu sự hậu thuẫn mang tính linh hoạt và châm đối của chiến thuật cụ thể, thiếu cơ sở quy luật khách quan và lý tính dựa theo tình thế mà hành động, thế nên dục vọng cầu thắng mãnh liệt trong lòng đã trở thành giông tố vùi dập chiếc bè xuống đáy đại duơng. Dòng nước là phương tiện chuyên chở thuyền bè nhưng cũng có thể lật bè; truy cầu thắng lợi là động lực thúc đẩy bước tiến của đấu thủ, nhưng nếu sự đuổi theo mù quán không biết tiết chế và thiếu nhận thức chín chắn về quy luật biến thiên của sự vật, tất nhiên trở thành vũ khí sắc bén tự làm tổn thương chính mình.
- Giờ đây, đối mặt với tiểu tướng vô danh Hồ Bắc, lòng tôi chỉ nghĩ đến thắng lợi; thế là bất chấp kỳ hình hao tổn, cục diện bất lợi mà cứ ra sức quật lộn cùng địch thủ và ngây ngô chờ mong sự sai sót của đối thủ. Chàng chiến tướng trẻ mới ra lò này thật sự tài giỏi, không hề nao núng trước nhà Vô địch mới; chàng phản cung mã thuần thục và trầm tĩnh, với cuộc diện hơi ưu nhưng cũng không ham công, chủ động nhắn gởi tín hiệu hoà bình cho đối thủ; rồi không hoang mang khi bị từ chối và nhắm vào khe hở do sự luồn lách vô lý của đối phương mà vỗ ngựa tiến quân, thận trọng từng bước, cuối cùng chém gục vị tướng nóng lòng bảo vệ ngai vàng bên địch.
- Một ván cờ thua đã đủ làm vỡ mộng Quán quân của tôi; chán nản vì thất bại và đau khổ vì lý tưởng tan tành. Với những thắng lợi huy hoàng trước đây tôi đã chủ quan cho rằng việc gặt hái thêm thành tích tốt là chuyện đương nhiên. Tôi đã đặt vị trí cá nhân lên một chỗ cao không thích hợp và khi bị té nhào thì mới thấm thía cái đau. Thất bại là sự trừng phạt mạnh mẽ nhất giành cho những ai không ước đoán chính xác chỗ đứng của mình.
22. Sự Tiến Bộ Của Cờ Chớp
- Trong năm 1994 cũng có những chuyện vui, tôi đại diện cho đội tuyển nhà dự giải Đồng Đội Á Châu tổ chức tại Ma cao vào cuối năm và đoạt giải Vô Địch đồng đội; nếu cộng thêm thành tích giải Á Châu năm 1992, tỷ lệ điểm thắng tích lũy hai lần của tôi vượt trên 70%, theo quy định của Liên Đoàn Cờ Tướng Á Chậu tôi đạt danh hiệu Đặc Cấp Quốc Tế Đại Sư.
- Tôi cũng giành được sự đột phá trong cờ chớp. Lần chạm trán với Lữ Khâm trong trận chung kết của giải “Cúp Địa Ốc Gia Phong” tổ chức lần đầu vào mùa hè tại Thượng Hải, chúng tôi đánh huề trong ván cờ chậm,phải thông qua cờ chớp để phân thắng bại. Trong cờ chớp điểm đáng chú ý là sự phản ứng nhanh nhẹn của kỳ thủ; làng cờ bấy giờ đều công nhận Lữ Khâm là tuyển thủ mạnh nhất; hàng năm sau giải “Ngũ Dương” là giải Cờ Chớp trên truyền hình và Quán quân hầu như đều nằm gọn trong tay Lữ Khâm. Vì thế hễ thấy Lữ có mặt trong giải cờ chớp thì người ta thường cá cuộc là Anh sẽ thắng. Nhưng lần này sự biểu hiện của tôi khá ổn định ; mặc dầu cờ chớp của tôi chưa thật sự nhanh, nhưng ưu điểm của tôi là tạo đuợc sự cân đối giữa tốc độ và chất lượng, nghĩa là đi cờ tuy chậm hơn nhưng lại “chuẩn” hơn. Nhưng vì chưa “chớp” thật sự, nên dưới quy chế tính giờ bao trọn, tôi thuờng bị thua thiệt trong giai đoạn tranh giành thời gian về cuối.
- Trong ván đấu này tôi cũng bị chậm mất nửa nhịp; so về tốc độ tôi thua tuyệt Lữ Khâm, cho nên sách lược đối địch của tôi là cố gắng đi cờ vừa nhanh vừa bảo đảm tính chính xác của nuớc đi. Trong trận so tài nhanh như chớp giữa “tốc độ” và “cân đối “, tôi nắm bắt sơ hở đi cờ nhanh quá của Lữ Khâm, đã chiến thắng địch thủ lợi hại số 1, vẻ vang giành cúp Vô địch. Trong giải cờ chớp lần II của năm kế tiếp đã xảy ra một chuyện khá thú vị, số là tôi và Lữ Khâm lại lần nữa gặp nhau trên đỉnh cao quyết chiến; vẫn 10′ cờ chớp cho mỗi bên, hai bên huề; nên phải đánh thêm 5′ cờ siêu chớp để phân cao thấp. Ván cờ này rất căng, quyền chủ động mấy lần đổi tay vẫn chưa thể phá vỡ cục diện bế tắc; đến giai đoạn cuối đôi bên đều sắp hết giờ, tôi chỉ nương vào trực giác mà ra tay như gió, cuộc cờ khốc liệt vẫn tiếp diễn; bỗng có người phát hiện hai chiếc cờ đỏ nhỏ trên mặt đồng hồ đôi bên đều đã rớt xuống hồi nào không biết, nghĩa là hai bên đều hết giờ! Thế thì ai đã hết giờ trước ? Ban trọng tài không thể làm quyết định được vì mọi người đều bị lôi cuốn vào cuộc chiến căng thẳng và quên cả nhiệm vụ của mình. Cũng may bấy giờ là cuộc đấu trực tiếp truyền hình, ống kính quay hình nhắm thẳng vào bàn cờ từ đầu đến cuối. Nên sau khi xem lại phim quay, thấy chiếc cờ đỏ nhỏ của Lữ Khâm đã rớt xuống trước tôi 2 giây, nghĩa là Lữ Sư huynh hết giờ trước và tôi may mắn giựt giải.
- Sau này, tôi và Lữ Khâm cũng có nhiều lần thử lửa trong các giải cờ chớp khác, nói chung dưới quy chế bao trọn giờ Lữ Khâm chiếm ưu thế ,nhưng tôi không hề thua thiệt trong cờ chớp không bao trọn giờ.
23. Bệnh Hoạn
Nhìn lại suốt đoạn đường đã đi , thật khế hợp với quy luật : “sự vật phát triển theo dạng hình sóng”; trong cơn gian nan không buông xuôi, phải kiên trì chờ thời thì mới có dịp hồi sinh; lúc thành công rực rỡ mà thiếu tinh thần tự chế, tất sớm muộn gì cũng rơi xuống vực sâu của thất bại.
Từ cuối 1994 đến đầu năm 1995, tôi giành liên tiếp hai giải Vô Địch “Cao Khoa” và “Ngũ Dương ” thứ 15; thành viên dự giải đều là những vị vô địch toàn quốc, nên muốn giựt giải thì khó khăn phải biết . Thắng lợi trọng đại trong hai giải này đã đánh dấu cuộc đời thi đấu của tôi lại hướng đến một đỉnh cao mới.
Trong hàng loạt chiến dịch kế tiếp, tôi vẫn giữ vững khí thế tiến quân hùng mạnh; trong lúc những tin chiến thắng liên tục báo về thì một tai hoạ cũng đang âm thầm, lặng lẽ đến gần tôi. Vì chinh chiến liên miên, tinh thần tôi trường kỳ nằm trong trạng thái khẩn trương, sức khỏe cũng tiêu hao nhiều; sự mệt mỏi cả thân lẫn tâm không được nghỉ ngơi, điều dưỡng thích đáng đã khiến nguời tôi sa sút đi và bắt đầu ho. Bác sĩ trong đơn vị phòng bệnh chẳng giúp đuợc gì, chỉ khám qua loa và cho thuốc uống theo bệnh ho thông thường.
Rồi trong thời gian dự giải Danh thủ Á Châu ở Mã Lai, tôi đã đi đến nhà thuơng điều trị gấp vào ban đêm. Bác Sĩ trực nói tiếng Anh bù lu bù loa với người địa phương đi cùng tôi để thông dịch, nhưng họ cũng chưa kịp thời tìm ra căn nguyên bệnh . Những ngày ấy thật khổ sở và mệt mỏi, tôi phải vừa đánh cờ vừa …ho ! Vậy mà tôi cũng giựt đuợc Cúp Vô Địch lần đó. Khi trở về Quảng Châu tôi vẫn không chăm lo bồi dưỡng sức khoẻ; lúc đó tôi đã được nhận ghi danh học ở khoa Hán Văn 95 thuộc trường Đại Học Trung Sơn, tôi rất trân trọng cơ hội quý hiếm này, nên vừa đấu giải về thì đi học ngay ; thường thì nửa ngày dự lớp, nửa ngày kia luyện cờ. Và tôi đã mua một xe gắn máy để làm phương tiện đi chuyển giữa trường học và đảo Nhị Sa. Một hôm tôi ho dữ dội, khi phát hiện trong đờm có máu tôi mới ý thức đuợc sự nghiêm trọng của căn bệnh. Tôi liền gọi điện cho người bạn có hiểu biết về y học để tìm hiểu bệnh trạng, anh ta bảo phải nhập viện ngay. Anh tên là La Quế Đường, tài xế của một cơ quan nhà nước, người rất nhiệt tình và thích giúp đỡ kẻ khác; anh lái chiếc xe Van đưa tôi vào thẳng khu trị liệu khẩn cấp. Những bác sĩ trong bệnh viện lớn rất giàu kinh nghiệm trong nghề, sau khi tìm hiểu sơ lược bệnh tình, trong tâm họ đã biết bệnh gì rồi, nhưng còn chờ kiểm nghiệm của máy móc y khoa tiên tiến. Sau khi chụp hình tia X, quả nhiên không sai là bệnh phổi. Tiếp đến tôi đã chuyển qua bệnh viện chuyên chữa phổi và tiến hành liệu trình trong ba tháng.
Mẹ vừa hay tin, đã vội vàng đến và đóng trại ngay trong bệnh viện để cùng tôi chung sức chiến đấu với con ma bệnh. Tôi tuởng rằng mình đã trưởng thành, hoàn toàn có thể sống tự lập trong xã hội, Không ngờ một khi hữu sự thì cũng không thể xa rời sự chiếu cố của mẹ cha.Trong thời gian trị bệnh, mẹ lúc nào cũng sống trong trạng thái âu lo, ngoài những lúc bận bịu lo cơm nuớc ,thỉnh thoảng mẹ còn cầu nguyện cho tôi sớm khỏi bệnh . Mẹ là mẹ hiền cũng là một Phật tử thuần thành, mẹ tự tin rằng cả cuộc đời mình không làm gì sai và sống luơng thiện , nên mẹ thường khấn với Phật rằng:” nhất thiết khổ nạn xa rời con của con và nếu cần có người đứng ra để nhận lãnh cái bất hạnh ấy , con là người chịu thế cho”.
Trong thời gian nằm viện ,tôi đã bỏ lỡ cơ hội tham dự giải “Ngũ Dương “, nhưng mọi người không hề lãng quên nhà Vô địch đang lên này. Trong quá trình thi đấu căng thẳng , các nhà Quán quân dự giải cùng lãnh đạo viện Cổ đã tranh thủ thời gian đi thăm bệnh, tôi rất cảm động và ấm lòng.Win-Win: We win many times.
-
Post Thanks / Like - 19 Thích, 0 Không thích
deadman, HoVinhHoa, 6789, hp007hp, dangtrang90, thuylinh, song_huong, Congaco_H1R5, ducanhducanh, ahua575, hoanghm, phieumien, tramphungchau, saomai_08, 123456, truongbatoanhatinh,
Alent_Tab, langtugiangho, trung_cadan đã thích bài viết này -
03-09-2014, 08:49 AM #26
HỨA NGÂN XUYÊN TỰ TRUYỆN – BÀI 9
Bạn thân mến,
Loạt bài ‘HỨA NGÂN XUYÊN TỰ TRUYỆN” đã gần kết thúc. Chúng tôi tin rằng Bạn đã thưởng thức một đoản văn hồi ký rất hào hứng. Dưới ngòi bút sống động, đơn thuần của Đặc cấp Đại sư cùng với tài nghệ dịch thuật tuyệt luân của Đại sư Tô Tử Hùng, đã cống hiến cho người đọc những trang tự thuật đầy màu sắc, lôi cuốn và nhiều điều học hỏi hữu ích.
Chúng ta rất cảm ơn hai vị đã giành nhiều thời gian và công khó trong việc truyền bá kinh nghiệm và sự huyền diệu của bộ môn thể thao trí tuệ mà nhiều người ưa chuộng.
HỘI CỜ TƯỚNG THÂN HỮU ÚC CHÂU.
24. Thời Gian Nằm Viện
Tuy rời xa chiến trường, nhưng những ván cờ tôi đánh trong khi nằm viện còn nhiều hơn tổng số ván lúc tập luyện và thi đấu chính thức.
Chủ nhiệm La là người rất giỏi trong chuyên môn, cũng là một tay mê cờ thứ thiệt, chỉ sau vài ngày nhập viện thì bệnh tình tôi đã được khống chế tốt. Sau khi sắp xếp kế hoạch trị liệu đâu ra đấy, anh bắt đầu lui tới thuờng xuyên phòng bệnh của tôi, mục đích chỉ để đánh cờ. Rất chuyên nghiệp và tự tin trong nghề, nhưng Anh lại tỏ ra khiêm cung khi đối mặt với những biến hóa vi diệu trong nghệ thuật cờ tướng; khi vào bàn, anh không để tôi kịp phản ứng thì đã lấy mất cặp ngựa tôi ra khỏi bàn mà ta quen gọi là nhượng Song Mã, anh đại chiến với tôi trên dưới mấy chục ván song mã cuộc. Dưới sự khơi động của chủ nhiệm La , không biết từ lúc nào trong khu bệnh đã dấy lên một phong trào cờ tướng . Một số bác sĩ chung khu, cũng ngứa nghề và háo hức muốn đến thử lửa, hễ rảnh rỗi giờ nào là chui vào phòng tôi… Trong khu bệnh còn có một cô y tá trẻ, trình độ cờ chỉ thuộc hạng thuờng thuờng bậc trung, nhưng cô này lại cả gan bắt nhà Vô địch cờ tướng dợt cờ cho cô và khác với những ông bác sĩ vui tính không sợ bị lây bệnh thì cô lúc nào cũng đeo khẩu trang khi đánh cờ . Mãi một thời gian sau tôi mới có dịp nhìn thấy cái bản lai diện mục của cô, đó là một cô bé mặt tròn ,nước da ngâm đen. Cô tặng tôi quyển “Thép đã tôi thế đấy”, một cuốn sách mang tính khích lệ ý chí mẫu mực; cô bé có tấm lòng tốt này muốn giúp tôi thông qua việc đọc sách mà rèn luyện cho tinh thần thêm vững mạnh để đủ tự tin khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống sắp tới.
Lúc tôi sắp rời viện, các bác sĩ còn sắp xếp riêng một cuộc xa luân chiến 1 chọi 20 ; đối thủ của tôi là các vị lương y, bạn bè, thân thích của họ và đằng sau của mỗi bàn cờ đều có hai ba vị ” quân sư” bất đắc dĩ . Câu “nguời quân tử xem cờ không đuợc nói ” xem chừng không thể áp dụng ở đây đuợc , vì “quân tử không nói là quân tử dại , bàn đi tính lại mới là quân tử khôn”, nên mọi nguời đều hăng say góp ý, một số khác còn xắn tay áo lên sẵn sàng nhập cuộc thế, không khí thật sôi nổi.
Trong hơn nửa năm sau ngày xuất viện, tôi xa hẳn chiến tuyến đồng thời xin phép trường nghỉ học một năm để dưỡng sức. Qua cơn bệnh lần này, tôi mới thật sự thấm hiểu ý nghĩa câu sức khỏe là vàng, sức khỏe là quý hơn cả.. Thời gian nằm viện đuợc dịp chứng kiến những hình ảnh về cái chết, lần đầu tiên thấy người bệnh bị đẩy ra khỏi phòng, những kẻ bất hạnh đã đi sang thế giới khác, đã gây cho tôi nhiều cảm xúc mãnh liệt. Tâm trạng tôi thật nặng nề truớc cảnh thuơng tâm đó; nhiều khi tự hỏi:” Cái sinh mạng tạm bợ trong thế giới phù du này lại mỏng manh đến thế sao?” Vì thế dù muốn dù không, ta cũng phải để tâm chăm lo tốt sức khỏe mình, phải đảm bảo có một thân thể khỏe mạnh mới có đuợc tinh thần minh mẫn sáng suốt để tiếp tục lao mình vào cuộc sống. Mẹ thường nói:” Thà làm thằng ăn mày mạnh khoẻ hơn là ông vua bệnh hoạn !”. Câu nói đầy triết lý nhân sinh, nhưng người ta thường phải trả cái giá đắc đúng ra có thể tránh được , trước khi thấm nhuần ý nghĩa sâu sắc của nó.
Hoàn cảnh đặc biệt của tôi đã đuợc báo cáo lên đội Thể Công và tôi xin đuợc một phòng riêng để có chỗ nghỉ ngơi, dưỡng bệnh yên tĩnh. Mẹ không yên tâm, đã ở lại với tôi thêm một thời gian. Cơm nước trong đội Thể Công vốn tốt , mẹ vẫn thấy chưa đủ và mỗi ngày mẹ đi bộ 20′ đến chợ mua những thức ăn bổ dưỡng về nấu riêng cho tôi. Vì không phải lao tâm lao lực thi đấu, không bôn ba tới lui trường học, đuợc nghỉ ngơi đầy đủ và nhờ sự chăm sóc chu đáo của mẹ, thân tâm tôi đã hồi phục nhanh chóng. Tôi bắt đầu lại một số bài tập luyện, tự lên kế hoạch cho huớng tới và mục tiêu nhắm về giải toàn quốc. Để chuẩn bị hành trang cho đại Giải này, tôi từ khước mọi thỉnh mời của các giải cờ khác, bế môn luyện kiếm, chuyên tâm dưỡng khí.
25. Đoạt Giải Vô Địch Lần 2
Mùa thu tháng 10 là ngày khai mạc giải Cá nhân Toàn Quốc 1996; tính ra tôi đã xa chiến trường gần một năm. Đối với một kỳ thủ có chí hướng cao xa, không ngừng cố gắng leo lên đỉnh cao của kỳ nghệ thì đấu trường là một vũ đài quan trọng để chàng thực hiện lý tưởng. Nếu xa đất dụng võ, nội tâm người chiến sĩ sẽ mất điểm tựa và mất cả hướng đi trong cuộc sống. Giờ đây trong lòng tôi hơn bao giờ hết muốn bày tỏ trước mặt mọi người những gì ưu tú nhất của mình. Đồ Long đao nằm chờ trong vỏ quá lâu rồi, đã đến lúc thanh bảo đao trở lại giang hồ :” Đồ Long tái xuất, hiệu lệnh thiên hạ !”
Giải Toàn Quốc lần này tổ chức tại Ninh Ba ; quy chế thi đấu đã tái thực hành đấu riêng hai đội A và B, vì sự điều chỉnh đấu thủ nên đội A chỉ đấu 11 vòng , đội B vẫn đấu 13 ván. Số kỳ thủ trong B thì nhiều mà danh ngạch thăng lên đội A thì có giới hạn, nên cuộc thi tranh thắng diễn ra vô cùng khốc liệt và đầy máu me.
Đấu thủ bên đội A tuy có ít hơn, nhưng lực lượng chiến đấu nòng cốt không hề thuyên giảm, mức độ khó khăn chỉ có hơn chứ không kém. Lữ Khâm và Triệu Quốc Vinh là hai cao thủ được mọi người cho rằng có cơ hội đoạt giải cao nhất lần này; còn tôi vì xa chiến trường lâu ngày liệu còn giữ được phong độ trước ngày bệnh không, mọi người giữ thái độ trông chờ và chính tôi cũng không dám khẳng định điều đó.Tôi đã kiên trì tập luyện trong thời gian dưỡng sức, nhưng không có cơ hội thực chiến nhiều và thực chiến là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý; nếu thiếu sự thao dợt có chất lượng thì cái cảm nhận bén nhậy của cờ sẽ bị thuyên giảm: như hai võ sĩ ngang sức đấu với nhau,hễ một bên hơi sơ xuất là mất tiên cơ ngay và có thể mất mạng như chơi. Nhưng tinh thần chiến đấu bấy giờ của tôi đang ở đỉnh cao, như một chiến tướng từng quen xông pha trận mạc bį ép sống nhàn rỗi ở nhà, bỗng được lệnh triệu hồi tác chiến, nên vừa nghe hiệu còi tiến quân chàng đã vội vàng vỗ ngựa xông tới, quyết chí lập công nơi sa trường. Tình cảm mãnh liệt, tinh thần chiến đấu dạt dào trong người, trong một mức độ nào đó đã bù đắp cho những thiếu sót của thực chiến và đã giúp tôi vượt qua những giây phút khốn khó nhất.
Trong giải này tôi đã hai lần rơi vào tình huống cực kỳ nguy khốn. Lần đầu là khi đối mặt với Văn Thanh. Khai cuộc không lâu thì Anh đã giành được quyền chủ động và từng buớc khuếch đại ưu thế; nhưng cũng vào phút giây phá thành, Anh lại do dự thiếu quyết đoán để lở mất cơ hội làm bàn, cuối cùng hai bên chiến hoà.
Tôi cứ cảm thấy rằng khi đối trận với tôi, tư tuởng của Văn Thanh vẫn còn vuớng mắc một cái gì đó, chưa thể hoàn toàn phóng thích chính mình. Vào thập niên 90 thế kỷ 20 trước , Văn Thanh là cao thủ có sức xung kích rất mạnh dù đối trận với bất cứ cao thủ tuyệt đỉnh nào, Anh cũng không nao núng và sẵn sàng cùng địch thủ triển khai những cuộc chiến kịch liệt, sinh tử.Thể hệ bố cục của Anh hoàn thiện và kiến giải cá nhân rất sâu sắc, tôi tự cho là không bằng. Nếu phải đánh giá về nhược điểm của Anh, tôi nghĩ rằng nguyên nhân tâm lý là chính; trong những trận đánh xáp lá cà tâm trạng Anh thuờng dễ bị dao động và đã tác động mạnh đến sự phát huy ổn định và chính xác của Anh.
Đấu thủ thứ hai đã gây cho tôi nhiều nhức nhối, khó chịu là Đào công tử, Đào Hán Minh, danh tướng của Cát Lâm; lúc đó chúng tôi cùng dẫn đầu với chiến tích 4 thắng 1 hoà. Trong giai đoạn khai cuộc tôi đã chơi nước biến mới; phải nói rằng tinh thần sáng chế nuớc mới trong giải đấu lần đó rất mãnh liệt và tôi đã nếm đuợc vị ngọt khi thắng Đại Sư Lý Trí Bình trong ván trước đó. Thật vậy, sức sát thương của nước biến được nghiên cứu kỷ càng thật kinh khủng và khi đưa vào thực chiến địch thủ rất khó tìm được phương án đối phó chính xác trong một thời gian hữu hạn. Nhưng ngược lại, nếu nước biến thiếu sự nghiên cứu chu toàn thì sẽ phải hứng chịu sự chống trả mãnh liệt như bão tố của những kỳ thủ dày dạn kinh nghiệm chiến trường . Và Đào Hán Minh chính là một thợ săn nhà nghề trong trường hợp này. Với tư cách của một kỳ thủ nghiệp dư “Lục lâm hảo hán”, anh đã giành chức Vô Địch Cá Nhân năm 1994, trở thành ngôi sao sáng của một đội quân đột khởi của làng cờ; sau được tôi luyện thêm qua những giải đấu có chất lượng cao, nên bất luận về trình độ lẫn kinh nghiệm thi đấu của anh đều thuộc hạng tối thượng thừa.
Đối mặt với chiêu thức mới Hán Minh hơi đổi sắc, nhưng dựa vào khứu giác nhậy bén vốn có, anh đã phát hiện ngay cái sơ hở trong nước biến này và lập tức tung đòn phản kích. Sau vài hiệp giao chiến, Anh chợt phóng ra đòn “Mã 3 tấn 1″, một nước cờ vô cùng quỷ quyệt, đột phá được khe hở trong trận địa kiên cố của Đỏ. Ngạn cờ có câu : “Mã phùng biên tất tử”, nhưng trong biên thuỳ tuyệt địa này vó ngựa Đen đã giẫm đạp ra một chân trời mới, thể hiện cái bản lãnh chụp bắt chiến cơ rất tài tình của Anh trong cục diện tranh tối tranh sáng này. Lúc tôi định thần lại để thẩm định cuộc diện, mới thấy nguy cơ một khi phòng tuyến bị chọc thủng thì chỉ có nước thua.. Đào Hán Minh đuợc thế cứ lấn tới, sau khi khai triển hàng loạt đòn cay nghiệt dồn tôi vào thế bị động, anh chuyển hướng mũi dùi tấn công bằng cách giản hoá cuộc thế và thừa cơ tấn Chốt 7 sang sông, chú Chốt của đội quân tiên phong hãm thành ! Đạo quân tiền tuyến phối hợp tiên phong, đại Pháo và chiến Mã đã gây nhiều trắc trở cho việc phòng ngự của tôi , Soái phủ nhà đã có lúc bị quấy rối đến mức lăn chiêng đổ đèn, gà bay tung, chó chạy cùng.
Tôi ý thức rằng nếu muốn chuyển đổi tình thế trong nhất thời là chuyện không thể được, việc trước mắt là phải tổ chức lại hệ thống phòng thủ ngoan cường nhất để giảm sức công phá của địch. Nhưng xu thế phát triển của cuộc chiến không vì ý chí của con người mà thay đổi, dưới quy luật khách quan này quân Đỏ bị đẩy lùi liên tục; nhưng tôi đâu chịu thối nhượng dễ dàng, bằng mọi giá tôi kiên trì chiến đấu gìn giữ từng tấc đất trên cương thổ mình. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, mỗi chiến hào đều in hằn vết tích máu đỗ thịt rơi của chiến sĩ đôi bên. Để giải tỏa cục diện nguy nan, tôi phải cắn răng nặn óc suy nghĩ, không ngừng so sánh, cân nhấc để tìm chiến thuật có tính phản kháng mạnh nhất ; đã mấy lần tôi bị dồn sát bờ vực hết giờ mới tìm ra phương án đối địch hữu hiệu nhất.
Đoàn quân viễn chinh của Hán Minh đang tiến vững từng buớc trên đường thắng lợi, Anh biết địch thủ lớn mạnh cũng gài sẵn những cạm bẫy trên đường tiến quân, có điều Anh không dự liệu đúng mức về sự chống trả ngoan cường của địch thủ.Nhưng nói chung cuộc diện vẫn còn nằm trong tầm khống chế cùa Anh và cuộc cờ đã đi theo huớng “thắng thế cờ tàn” như mong muốn.
Tuy nhiên, thắng thế không có nghĩa là thắng lợi, chúng chỉ cách nhau gang tấc, nhưng lại khác nhau một trời một vực. Cuộc chiến đẫm máu kéo dài đã gần 5 giờ đồng hồ và Hán Minh hơi mảy may nóng lòng, anh không còn chờ lực lượng bố trí của bộ đội hãm thành hoàn tất thì đã ra lệnh cưỡng hành tiến quân tấn công Soái phủ địch ngay. Trong cuộc đấu trí đấu dũng cao độ dai dẳng như thế, ai lại chẳng muốn sớm kết thúc cuộc chiến để rút quân về triều? Trong thực tế, lực lượng Pháo Mã hai Chốt đang hình thành thế bao vây, chỉ cần kiên nhẫn bố trí thêm vài nước cờ thì thế trận công thành không còn sơ hở và tôi chỉ còn nuớc bó tay chịu trận thôi.
Bộ binh tiên phong hai cánh của Hán Minh lặng lẽ tiến mạnh, nhanh chóng ép sát Soái phủ; trong khi Pháo Mã chưa kịp đi chuyển đến những vị trí tốt nhất để yểm trợ thì hai đạo hùng binh đã gặp phải phục kích của Mã Pháo địch đành phải xông xuống chiến tuyến dưới cùng bên Đỏ.
Chốt bên cờ Tướng đi xuống đường đáy sẽ thành Chốt già, lực lượng chiến đấu hạ xuống mức thấp tận cùng trong khi Chốt bên Vua sẽ biến thành Hậu, một binh chủng lợi hại nhất bên cờ Vua. Căn cứ vào sự khác biệt về vận mệnh của lính hai bên, nguời ta còn dẫn ra những chuyên đề nói về sự dị biệt hai nền văn hoá Đông Tây.
Cho nên sau khi hai con Chốt “Tiền” của Hán Minh bị ép xuống đáy, thì cơ hội cầu thắng cũng tan biến theo; mặc dầu Anh còn cố bố trí thêm một vài cạm bẫy nhưng cũng chẳng nên tích sự gì nữa.
Những ván cờ mà tôi bị lâm vào thế bị động và phải chống trả gian nan từ đầu đến cuối như vậy rất hiếm trong sanh nhai kỳ chiến của tôi. Áp lực đè nén của tình thế bất lợi không làm tôi nhụt chí, tôi không hề có ý nghĩ buông xuôi tiêu cực, ngay cả khi nguy nan nhất tôi vẫn giữ vững tâm thái chiến đấu ngoan cường. Dù xao lãng chiến trận lâu ngày, nhưng ý chí truy cầu nghệ thuật cờ và tình cảm cuồng nhiệt trong chiến đấu của tôi lại trội hơn trước. Theo tôi, Hán Minh để ván cờ thắng thành huề phần nhiều là bị ảnh hưởng bởi ý chí chiến đấu ngoan cường của địch thủ. Trong quá trình đánh cờ luôn diễn ra cảnh địch mạnh thì ta yếu và ngược lại, đây là cái quan hệ chuyển hoá hỗ tượng tất có. Cho nên bất cứ lúc nào chúng ta cũng phải giữ vững ý chí khi đối mặt với hiện thực, kiên trì dù cho tình trạng có tệ hại đến mức độ nào đi nữa, thì mới có dịp nhìn thấy ánh bình minh.
Cũng có lúc ta đã dốc toàn lực chiến đấu mà vẫn có thể nhận lãnh sự đau thuơng của thất bại, nhưng nếu không kiên trì thì chỉ có thất bại mà thôi. Khi đã nhận định đúng hướng đi thì phải kiên trì đi đến cùng , đó là bài học kinh nghiệm và đạo lý của kỳ chiến gởi đến cho ta.
Chiến dịch này là ranh phân biệt huớng đi của hai tuyển thủ trong đoạn đường còn lại, Hán Minh để lỡ mất cơ hội tốt chiến thắng cuờng địch, nhuệ khí thuyên giảm và xa dần hàng ngũ giành chức Quán quân; còn tôi sau cơn thử thách chết sống trong gang tấc này, ý chỉ chiến đấu càng cao, linh cảm sáng tạo không ngừng phát huy và đã diễn dịch nên nhiều thiên anh hùng ca tuyệt vời. Trong hai ván đấu với Trương Cường của Bắc Kinh và Lưu Đện Trung của Hà Bắc, việc nắm bắt chiến lược và vận dụng chiến thuật của tôi đều thuộc hạng thượng thừa; chiến thắng hai danh tướng đất Bắc là cơ sở một lần nữa giúp tôi bước lên Đài Danh Vọng. Sau bao nhiêu năm chinh chiến, tôi thấy hễ mỗi lần giành được những thắng lợi trọng đại thì bên cạnh luôn có những khó khăn, bất trắc bám sát theo Tôi hết sức tin và tâm đắc với một đoạn văn ghi trong “Báo Nhiệm An Thư” của Tư Mã Thiên: ” Vua Văn Vương bị câu lưu nên có dịp diễn Chu Dịch; Khổng Tử bị nạn mới nói Xuân Thu; Khuất Nguyên bị lưu đày và làm nên tập thơ nổi tiếng Li Tao; Tả Khưu Minh bị mù làm ra sách Quốc Ngữ; Tôn tử cụt chân rồi mới luận binh pháp; Lữ Bất Vi dời đô về đất Thục truyền ngôi cho Lữ Lãm…ba trăm bài thi ca đều là những tác phẩm để đời của những vị tiên hiền, thật đáng để ta suy gẫm noi gương. Khó khăn khổ ách là cái lò lửa tam muội thử độ thuần của vàng , những thử thách càng lớn mà ta vượt qua đuợc thì thành tựu của ta càng cao.
Hứa Ngân Xuyên VS Đào Hán Minh Thời gian : 25/10/1996 Địa điểm : Ninh Ba Ngũ Thất Pháo VS Bình Phong Mã Tuần Hà Pháo
Sau khi đánh bại Lý Trí Bình, chiến tích tôi là 4 thắng 1 hoà cùng điểm với Đào Hán Minh, vô địch Cá Nhân năm 1994. Chúng tôi gặp nhau ở vòng 6. Trong ván này tôi lại thử nước biến mới trong giai đoạn bố cục, nhưng thực chiến cho thấy phương án này chưa đuợc hoàn chỉnh, nên vừa giao tranh thì tôi đã rơi vào thế bị động chống đỡ khổ sở, suốt quá trình thi đấu thật kinh hồn lạc vía, tôi mấy lần thoát chết trong đường tơ kẻ tóc.
1 P25 M8.7
2 M2.3 X98
3 X12 M2.3
4 M8.9 C7.1
5 P87 X12
6 X98 P2.2
Thế Pháo tuần hà đòi hỏi sự quân bình hai cánh, có thể hô ứng với Mã bên trái. Xa Đỏ buộc phải qua sông để tránh nước M7.8 , Nếu chơi X2.4, M7.8 X26, M8.7 các quân Đen phối hợp tốt, Đỏ khó khai triển nước tiên.
7 X2.6 M7.6
8 X8.4 T3.5
9 X84 …….
Đến đây hình thành thế trận Ngũ Thất Pháo VS Bình Phong Mã Tuần Hà Pháo. Đỏ thuờng chơi C9.1 với đội hình chật chẽ đối địch; cũng có khi chơi P7.4 nhưng khó lèo lái cuộc thế, diễn biến như sau: C7.1, X24 ; M6.7 lúc này Pháo Đỏ không thể bình7 vì chưa tấn nước C9.1 ,Xe trái mất căn, nên chỉ còn nước Xe ăn Chốt, thì M7.5, T3.5, X2.3, P7/2, P8.6, quân Đen thoáng cờ, cục diện lạc quan.
Đỏ còn có thể chơi X24 và tiếp theo M6.7, X42, M7/6, C9.1 cách tấn công này hơi lạ, chủ động đưa Chốt cho Mã Đen ăn, dụng ý thông đường Mã phải. Ngoài ra còn có cách chơi X24, M6.7, X42, M7/6 rồi mới X84, nhưng kết quả trong thực chiến không khả quan, diễn biến như sau: C3.1, X2/3, P8.2, C7.1, X8.3, nếu Đỏ qua Chốt thì Đen C7.1 phản kích, Đỏ không lạc quan.
Bây giờ tôi cắt bỏ hai nước đi quá độ X24 và X42, cách đánh này chưa từng xuất hiện trong đại giải, không ngờ Hán Minh rất cơ mẫn đã tìm ra ngay sơ hở của tôi.
9……… C3.1
10 X2/5 …….
Thối Xa là động tác liên quán với nước Xa húc Mã trước đó, chủ yếu tiếp tục cột chật Xe Pháo trái của Đen để chuẩn bị cho nước C7.1 phát động thế công.
10…….. P86
Hán Minh lanh tay lẹ mắt, một nước bình Pháo đơn giản đã giành được thế chủ động.
11 X2.8 P6.3
12 X2/5 M6.4
Ngựa sắt vượt sông để đổi quân, nước cờ hay. Thoáng nhìn sau khi đổi quân Pháo, vị trí Mã Đen không tốt, nhưng lại chính nhờ thiết kỵ thâm nhập trận địa địch này mà làm nên sự nghiệp và đây cũng là nước cờ tôi đã sơ ý. Hán Minh đã phát hiện sơ hở trong một thời gian ngắn, cho thấy khứu giác của Anh thật bén nhậy.
13 X24 ……..
Nếu đổi P76, thì M4.5, T3.5, M3.4, hai Mã Đỏ không thoáng, hiển nhiệm bất lợi.
13 ……. M4.3
14 C9.1 ……..
Không thể chơi X48, vì C3.1 ! X87, P23 ẩn náu nước M3/1 đạp Xe, Đen ưu. Lúc này, nước đi ổn định là P56 sớm điều chỉnh đội hình, hoặc là C7.1 khai phá cục diện. Trong thực chiến tôi đi Chốt biên, nhìn bề ngoài không gì bất ổn, nhưng tạo cơ hội cho Đen tấn công. Nguyên nhân chính đưa đến sai lầm này là do ý thức đi tiên quá mạnh, không nghĩ đến thua cờ, nên đã chểnh mảng tính sót những thủ đoạn tấn công của đối phương. Có một thời gian những ván cờ tôi thua đều là ván đi tiên là lý do như vậy.
14 …….. P2.2
Tấn Pháo dòm ngó Chốt giữa, thấy kẻ hở là châm kim chích vào, nội lực thâm hậu, cuộc thế Đỏ đã khó khăn rồi.
15 P56 Tiền M.1
(hình 1)
Như hình (1) Mã Đen nhảy vào biên thuỳ, nuớc đi tinh xảo ngụy bí khó lường. Chiêu này vừa tung ra, tôi đã kêu khổ trong lòng, đại sự hỏng rồi !
Đến nước này tôi chỉ còn cách phấn chấn tinh thần, ra sức chống đỡ. Cuộc cờ chẳng khác cuộc đời có lúc lên lúc xuống, khi được khi mất và một kỳ thủ giỏi mấy cũng có lúc sa cơ thất thế trong cuộc cờ. Đứng truớc nghịch cảnh ta phải xử lý như thế nào? Chán ngán thất vọng, nản chí ngã lòng hay là bình tĩnh ứng đối, tận lực cầu sanh? Đây là ván cờ thử thách vô cùng nghiêm khắc đối với tôi.
16 T3.5 P2.3
17 X48 ……
Thế công cánh phải cờ Đen hùng hổ đầy hăm dọa, tôi chẳng còn cách nào hơn đành đổi Xe để kéo dài chiến tuyến, vì nếu để Đen X2.7 cuộc chiến sẽ kết thúc sớm. Còn nếu đi M9.8 thì sao? Hình như cản đuợc đường tấn công Xe đen, nhưng Đen đi X2.4, Mã đỏ không đường tiến mà còn sẽ bị công kích của nước C3.1, cục diện khó xoay trở.
17 …….. X2.5
18 M9.8 C3.1
Được thế cứ lấn tới, đưa Chốt sang sông, nước đi hung hãn dị thường. Đỏ không dám ăn Chốt ( vì M1/2 được con), cũng không thể T5.7 ( vì M1.3 phục nước M3/2 cũng được con), chỉ còn trơ mắt ếch nhìn đạo quân tiên phong nghênh ngang xông vào.
19 M8/9 C34
20 P6/1 P2/2
21 M3/2 M3.2
Quân chủ lực Đỏ tháo chạy rút về toàn bộ, đại quân Đen dốc toàn lực đến hãm thành, đúng là ” Mây đen đè nặng thành trì chuyển rung !”. Bấy giờ tôi đã nghe tiếng bước chân thất bại đang đến gần. Nhưng dù chỉ còn một tia hy vọng, tôi vẫn kiên trì chiến đấu tiếp.
22 P61 M2.3
23 M2.4 M3.1
24 T7.9 M1/3
Nước cờ này không được tinh tế, nên đi P2.2, chờ Đỏ T9/7 rồi mới M1/2, ở vị trí này Mã tiến có thể tấn công Soái, lui thì về vai Tượng bắt Chốt; Chốt 5 và 9 của Đỏ sẽ khó giữ gìn. Nếu Đỏ về Tượng giữa, Đen thối Mã xong có thêm thủ đoạn M3/2.
25 T9/7 P2.2
26 C3.1 …….
Tôi không chơi P1.5 vì sợ Đen M3/2, S4.5 ( Đỏ P12, M2.1, P2/5, M1/3 Đỏ càng bất lợi), M2.1, P19, M1.3, T54, M3/5, Đỏ khuyết Tượng. Nhưng xem tiếp , Đỏ đi P98 hai Chốt Đen bị diệt, Đen muốn thắng cũng không dễ.
26 …… C7.1
27 T5.3 C5.1
28 M4.6 P2/4
Cờ Đen chỉ hơn một Chốt qua sông, nhưng Chốt nầy chiếm vị trí quá tốt, nhìn chằm chằm chỉ chờ dịp nuốt con Chốt giữa Đỏ, ngoài ra Chốt 9 đỏ cũng nằm trong tình thế rất nguy hiểm; một khi ba Chốt vây thành, Đỏ không còn cách chống đỡ.
Nước lùi Pháo đánh Tượng rất tinh xão và giảo quyệt, nếu Đỏ thối Tượng giữa sẽ tự chận đường Mã, về Tượng biên sẽ cản đường Pháo, còn nếu bỏ Tượng đi M6.4, thì P27, M4.5, P71, P1.5, P1.4, mất Tượng rồi cũng khó mà cố thủ.
29 P1.1 M3.1
Mã Đen lại lần nữa nhảy vào biên, đây vốn là hiểm địa, nhưng Hán Minh dụng Mã như thần, khiến người khâm phục.
30 T7.9 P27
31 P15 S6.5
32 P5.3 P71
33 M6/8 …….
Tôi dứt khoát bỏ Tượng để tiêu diệt Chốt giữa để giảm áp lực và thừa cơ vây chật Mã đen, Đen tuy hơn một Chốt một Tượng, nhưng muốn cầu thắng không phải dễ. Nhưng mà trong lúc cuộc diện có cơ hội chuyển biến tốt hơn, Hán Minh lại tung ra một chiêu thâm trầm khiến tôi rơi vào khốn khó.
33 …….. P12
34 P52 P2.1
(Hình 2)
Nước đi cay cú vô cùng! Hán Minh rất thiện nghệ trong những chiến thuật tinh xão này. Nước cờ này lần nữa phá vỡ hy vọng cầu hoà cùa tôi. Trong (hình 2) nếu tôi chơi P2/4, thì P29, P29, P9.3, T5.1 (S4.5, P9/1, P9.5, P92 Đỏ mất Chốt giữa, thua chắc chắn), P9/1, M8.9, P91, M9/7, P1.1, Đỏ ăn Chốt mất Sĩ cũng thua.
35 C5.1 P28
36 C5.1 C4.1
Mã Đen bị kềm chật, nhưng hoàn cảnh Mã đỏ cũng không khá hơn, một khi Chốt Đen bên phải qua trợ chiến, Đỏ vô phương chống đỡ.
37 C54 ………
Bình Chốt đề phòng Đen T5.7 cản đường Pháo để Chốt biên qua sông tham chiến, nhưng bình Chốt cũng hẹp đường Pháo đi, tốt hơn chơi P24.
37 ……. C9.1
38 S4.5 T7.9
39 S5.6 …….
Nước kế Đen sẽ giương Tượng lên phá tan phòng tuyến Pháo Chốt Đỏ, thế Chốt biên vượt hà không còn bị cản trở, tôi không còn cách nào hơn nên cố ý để lộ kẻ hở để Đen được thêm một lựa chọn tấn công , may ra ít nhiều nhiễu loạn đến sự phán đoán của đối phương .
39 ……. P8.2
Quả nhiên Hán Minh thay đổi phuơng châm đã định; nước này dường như lão luyện nhưng thật ra không bằng T9.7 theo kế hoạch đã định, Đỏ nếu C4.1, thì T7/9 sẽ mong chiến thắng.
40 P2/1 P8/2
Tôi rút Pháo chủ động bỏ đường khống chế Chốt biên Đen ngoài dự liệu Hán Minh, duới áp lực thời gian anh quyết định quơ vài chiêu cho đủ số nước đi rồi mới tỉnh đường tấn công. Nước này nếu đổi C1.1, thì M8.9 Mã Đỏ nhắm hướng ngọa tầu mà tiến Đen cũng Kiên nễ.
41 P29 P8.2
42 P92 S5.6
Chống Sĩ lão luyện, dưới tình tình quá nhiều nhân tố chưa xác định rỏ, trước khi tấn công nên xử lý tốt hậu phương mình, đây thật ra là một hình thức tấn công không âm thanh.
43 M8.9 …….
Cố thủ không xong ,tôi đành đổi chiến thuật, phải thoáng đường Mã để phối hợp với Pháo Binh tiền tuyến , lấy công thế thủ gây trở ngại cho địch.
43 ……… S4.5
Trước lợi ích Hán Minh không bị lây động, thái độ này đáng cho ta học hỏi. Trên thực tế, Đen chỉ cần ổn định thế trận, rồi tìm cách đưa Chốt biên vào dinh địch, thắng lợi chỉ là chuyện sớm muộn sẽ đến.
Nếu Chốt Đen ăn Sĩ, M9.7, C4.1, M7/5, C43, P29, Mã Đen bị Pháo Đỏ đổi mất, Chốt đối đầu cũng khó giữ bình yên, cờ Đen khó thắng.
44 S6/5 P8/1
45 M9.7 M1/3
46 T9/7 M3/4
47 M7.6 T54
48 P25 P8/3
49 S5.4 ……..
Thối Pháo để phòng hờ đỏ P5.1 , nếu tôi tấn Pháo mời đổi, thì M4/6, P52, M6/4, P2/4, M4.6, P21, M6.7, P1.4, M7.8, C1.1, M8/7, sẽ thành thế cờ tàn Mã hai Chốt thắng Pháo khuyết Tượng.
49 ……. C45
50 P52 T9.7
51 C4.1 M4.2
52 P2/3 P8/3
53 S6.5 P89
54 M6/7 C56
55 P21 P9.5
56 P1.4 ……
Đổi xong Chốt biên, Đen vẫn thắng thế,; vấn đề bây giờ là Đen làm sao đưa Chốt biên vào chiến đấu, vì đôi bên đổi thêm một Chốt nữa, Đen khó thắng. Còn nếu đổi Mã đổi Pháo cũng huề. Phải nắm vững khái niệm cờ tàn, hiểu rỏ các thế thắng, thua, huề thì trong khi đấu mới biết đường tiến lui, lúc nào cần đổi quân, khi nào phải bảo tồn lực lượng chiến đấu. Giá trị của cùng một binh chủng sẽ thay đổi tuỳ vị trí chúng đứng trong bàn cờ; kỳ thủ là tướng chỉ huy, quân cờ là lính và có bản lãnh riêng ; ngay cả lính quèn cũng có sở trường của chúng. Mạnh Thường Quân, một trong bốn Công Tử thời chiến quốc , lần nọ đi sứ nhà Tần gặp nạn, nhờ hai Môn Khách hèn mọn bắt chước tiếng gà gáy chó tru mà cứu thoát hiểm. Chốt biên Đen chính là hai môn khách đã lập công đó. Và “Đánh cờ” đã dạy cho ta bài học biết “Quý trọng”,quý trọng những người quanh ta. Thành công ngoài sự cố gắng cùa ta, còn cần nhiều sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
56 …… P9/1
57 M7.8 C1.1
Mã đỏ vì phải canh giữ đường Pháo đen bình 6, đành luẩn quẩn tới lui, Chốt Đen nhân cơ mà tiến, thắng lợi không ngừng vẫy tay cùng Hán Minh.
58 P12 P98
59 P21 P89
60 P12 P98
61 P21 C1.1
62 P1/4 C12
63 P14 C67
64 S5/6
(Hình 3)
Hai Chốt ép xuống thành thế bao vây, tôi hầu như đã ngửi đuợc hơi thở của thất bại. Tôi như một tướng lãnh dẫn đầu đội quân thủ thành chiến đấu cực khổ với đám quân địch nhiều gấp mấy lần. Buông xuôi thì dễ, nhưng kiên trì rất khó; tôi chiến đấu vì có tín niệm vững vàng, cố gắng hết sức mình trong hoàn cảnh khó khăn nhất, dù biết thua nhưng cũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đây chính là Tinh Thần của Cờ Tướng. Văn Thiên Tường, tướng nhà Tống, đã kiên trì chiến đấu đến chết dù biết không lay chuyển đuợc thế cuộc, ta gọi đó là “Trung thành”. Kỳ thủ phải trung thành với mỗi nước cờ mình đi, quân cờ trong bàn phải trung thành với cái sứ mạng trên vai, đó là tinh thần hạch tâm của cờ tướng .
Không khí thi đấu trong ván này thật bi tráng, đã mấy lần tôi sắp hết giờ mới tìm được sách kế đối địch ngoan cường nhất. Nước xuống Sĩ là để hoá giải cái uy hiếp đen Chốt 7.1 đồng thời rộng đường Pháo giữ thế kềm chế.
64 ……. M2.4
65 P46 T45
66 S5/4 …….
Vì thời gian eo hẹp không dám suy nghĩ sâu hơn, thật ra có thể cân nhấc nước M8.7 chiếu tướng ăn Tượng, M4/5 bắt hai quân, M5/6, tuy tình thế vẫn khó khăn, nhưng ăn dược Tượng Đen ít nhiều gây cho địch sự kiên nễ.
66 …….. M4/5
67 C45 P8/4
68 M8/6 C2.1
69 P6.3 P86
70 M6.8 C23
71 P69 P69
Cần tránh nước đổi quân P9.4 của Đỏ.
72 P9.4 P9.2
73 M8.7 T56
74 T54 C7.1
75 P9/3 T5.3
76 T7.5 C3.1
77 P9/2 M5.3
78 T5.7 C3.1
79 M7/6 T65
Vào Tướng không được quyết đoán, có thể trực tiếp P9/2 tiếp ứng Chốt 7 ở tiền tuyến, nếu Mã Đỏ ăn Sĩ, thì đen bình Pháo chiếu tướng, Đỏ thoái Mã, đen P63 đánh Tượng, Đỏ mất Tượng phòng tuyến tan vỡ.
80 P9.2 …….
Vì lực lượng vật chất yếu ,tử thủ thì chỉ có đường chết, nên tung chiêu hỏa mù hy vọng nhiễu loạn cái nhìn của địch.
80 …… T7/5
81 S5.6 C34
Sách lược đen là trong khi phòng hờ động tịnh Pháo Mã Chốt Đỏ ,đồng thời điều động hai Chốt cùng sự yễm trợ của Pháo Mã bao vây Dinh Đỏ. Bây giờ hai Chốt tiến cùng lúc từ hai cánh, ép gần Soái phủ,thắng lợi đã kề sát bên tay. Nhưng trong cuộc chiến dai đẳng, kỳ thủ rất khó chuyên chú trong suốt thời gian dài đằng đẵng nên hễ hơi thiếu tập trung thì sơ hở liền xuất hiện. Quân Hán Minh vây thành đã lâu, trong giai đoạn cuối lòng Anh đã khởi lên một tia nóng nảy; nước cờ nóng lòng phá thành này đã để tôi có dịp thủ huề, nên đi M3/1 cản Pháo và yễm trợ Chốt đen thì thắng lợi sẽ đến.
82 P9/3 C7.1
83 P9/1 C4.1
Một nước lỡ lầm hối cải không còn kịp., giờ nếu đen đi P9.6, thì P93, P94, P3.2 hậu phương đen có sự kiêng dè lại vừa phải lo yễm trợ bước tiến Chốt, cơ hội thắng cờ mỏng manh. Còn nếu chơi C7.1, Đỏ T4.1, P9/2, P9/1 đổi quân Chốt, Đen cũng không đủ điều kiện thủ thắng. Chốt Đen không lối thoát đành ăn Sĩ xông xuống tuyến cùng.
84 S6/5 M3.4
85 M6/5 P9.4
( Hình 4)
86 M5/6 ……..
Hán Minh chơi nước tấn Pháo rất “gian ác”! Như ( hình 4) , nếu tôi nóng lòng cầu hoà sẽ dễ lọt vào cạm bẫy, nếu lỡ đi M5/4, thì C76, T4.1, M4/5, T7/5, P95, S5.6 (S5/6, P51, T4/1, M5.3 đỏ mất quân), P5/4, T4/1 cờ Đỏ vẫn còn nguy hiểm.
86 ……… P9/6
87 C54 T3/1
Hán Minh về Tượng một nước chờ làm như vô kế khả thi, nhưng trong ấy ngầm chứa sát cơ, nếu tôi lỡ đi M6/8, M4/5, M8/6, ( T7/5, M5.3 Đỏ chạy Pháo, Mã Đen ăn Sĩ thắng), C7.1, T45, tấn Pháo chiếu tướng ăn con thắng.
88 M6.4 C78
89 M4/6 P9.7
90 M6.5 …….
Hán Minh tấn Pháo ngầm có cạm bẫy, Đỏ không thể M6/8 vì Pháo đánh Sĩ thắng.
90 ……. M4/5
91 P92 P95
92 M5/3 M5/3
93 P2/1 ( Hoà cờ)
Hai Chốt Đen đều hy sinh tại sa trường, cuộc chiến kịch liệt cũng kết thúc. Hán Minh vô cùng nuối tiếc với kết quả như vậy, nếu Anh thắng ván này thì phi ngựa dẫn đầu trực chỉ ngôi báu Vô Địch toàn Quốc lầ 2 mà tiến tới.
Xem lại toàn cuộc, cái sai lầm minh hiển nhất của Đen là nước 84, C34, một nước lỡ lầm xem như không đáng kể đã thay đổi trực tiếp kết quả cuộc chiến. Biển cờ mênh mông bát ngát khiến người cảm thán vô vàn.
Ván Hứa Ngân Xuyên VS Đào Hán Minh
Người dịch: Tô Tử HùngLần sửa cuối bởi chan_doi2810, ngày 03-09-2014 lúc 02:10 PM.
Win-Win: We win many times.
-
Post Thanks / Like - 15 Thích, 0 Không thích
HoVinhHoa, 6789, thuylinh, caoboi_ht87, song_huong, Congaco_H1R5, ducanhducanh, ahua575, phieumien, tramphungchau, saomai_08, 123456, truongbatoanhatinh,
Alent_Tab, trung_cadan đã thích bài viết này -
03-09-2014, 08:51 AM #27
HỨA NGÂN XUYÊN TỰ TRUYỆN – BÀI CUỐI
26.Sinh Hoạt Trong Trường Đại Học.
Khi tôi trở về từ giải cờ toàn quốc thì niên học mới của trường Đại học đã bắt đầu rồi. Là sinh viên năm đầu của lớp 96 thuộc hệ Trung Văn, tôi sớm lao mình vào cuộc sống bận rộn vừa học vừa tập luyện. Tôi giành hầu hết thời giờ trong ngày học để theo kịp các bạn trong lớp. Trong khoảng thời gian học thi tôi xin phép nghỉ Đội cờ và ở nội trú toàn thời.
Ký túc xá của chúng tôi nằm trên lầu 8, mỗi phòng ở 8 nguời, gồm bốn giường ngủ chia ra ngăn trên ngăn dưới và mỗi người có một bàn học riêng được gom lại ở giữa phòng. Các bạn sinh viên đến từ mọi miền trong nước; sự có mặt của một vị đại sư cờ tướng khiến mọi người tỏ ra hiếu kỳ và tôi được đón nhận với sự niềm nở và thân thiện. Ban đêm đến giờ nghỉ, mọi người chui vô mùng nhưng chưa ngủ liền, thường thì hai ba đứa bắt đầu đấu láo, tán dóc và chẳng mấy chốc mọi người cùng hưởng ứng tham dự vào cuộc tán đía những chuyện trên trời dưới đất , tào lao thiên đế. Căn phòng tràn đầy tiếng nói tiếng cười vui vẻ của đám thanh niên đến từ năm hồ bốn bể …mãi đến khi đề tài cạn kiệt, mọi người đã mệt mỏi mới chịu đi vào giấc ngủ. Đây là “món ăn khuya” tất có của chúng tôi mỗi đêm trước giờ ngủ.
Về mặt học hành tôi nhờ có khiếu về môn văn học nên thành tích không đến nỗi thua các bạn xa quá. Thái độ thầy cô nói chung là khoan dung và khích lệ đối với người sinh viên đến từ Sở hà Hán giới. Theo quy định sinh viên năm thứ nhất phải nộp đủ 100 bài viết. Giáo Sư Trần Vĩ Trạm là chuyên gia uy tín trong ngành cổ Văn tự và cũng thích đánh cờ, thầy chủ động nhận lãnh trách nhiệm chỉ đạo việc viết văn cho tôi. Mỗi lần sau giờ hoàn tất bài học ở nhà thầy, hai thầy trò thường bày cờ ra để cùng đấu trí đấu dũng. Thầy Thi Ái Đông, người phụ trách thường vụ trong ngày, là một thanh niên tài trí mẫn tiệp; lần nọ tôi đưa Anh xem bài viết về thầy Trần Vĩ Trạm và đuợc Anh chỉ ra ngay những chỗ không thoả đáng, tôi nghe mà khâm phục và rút tỉa được nhiều kinh nghiệm quý báu. Sau khi sửa chữa và bài viết đã được đăng trên tạp chí thanh niên “Thời Đại Vàng Kim” trong tỉnh.
Trong trường luôn có những giờ biện luận của các môn học và Trung Văn là chính, vì thế thầy cô thường tổ chức những buổi tranh luận nho nhỏ trong lớp. Tôi đến dự thính vài lần và được nhiều điều bổ ích, nhưng vì tính tôi vốn hướng nội nên vẫn chưa quen việc nói trước mọi người. Lần nọ trong giờ Văn học sử, thầy Đổng Thượng Đức yêu cầu sinh viên phát biểu cái nhìn về truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, tôi thật hổ thẹn về sự nhút nhát của mình khi được thầy gọi tên mà không dám đứng lên trả lời.
Có một điều mà tôi vẫn cứ tiếc nuối là trong những năm Đại học, tôi đã để mất nhiều giờ dự lớp vì phải lo tập luyện và thi đấu. Hầu như môn học nào tôi cũng gặp cùng trở ngại là thiếu sự liên tục và hệ thống hoá trong việc học tập. May nhờ thầy cô khoan dung, bạn học giúp đỡ nên tôi mới có thể thuận lợi tốt nghiệp.
Mặc dầu học hành trong tình trạng đứt quãng, nhưng kết quả việc học mang cho tôi thật nhiều điều bổ ích. Tôi đã có dịp học hỏi và tiếp thu được nhiều tri thức chuyên môn, đuợc bồi duỡng thêm kiến thức ngoài đời, những sự hiểu biết này đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao tố dưỡng tổng hợp con người. Để giành đuợc thành tích tốt, các vận động viên chuyên nghiệp lúc nào cũng phải tập trung toàn lực làm tốt công việc tập luyện và việc làm này chiếm hầu hết thời gian trong ngày. Lúc đó sức khoẻ tôi vừa mới bình phục không kham nổi việc tập luyện và học hành tốt cùng lúc đuợc. Vì thế trong thời gian đó, thành tích thi đấu của tôi không ổn định lắm, có giây phút huy hoàng như giựt giải Vô địch Thế giới và cũng có nhiều thất bại, tôi thật lúng túng khi để thua ba ván liền trong giải Toàn Quốc 1997, tạo kỷ lục thua cờ liên tục cao nhất trong đời tôi.
Vì bận học mà kệ trưng bày trong nhà tôi có thể bớt đi vài cái cúp vàng, nhưng tôi không hề hối tiếc về sự lựa chọn của mình. Tuổi trẻ là thời điểm tốt nhất để học hành, nếu để lỡ mất cơ hội vàng son thì sau này có hối tiếc cũng không kịp. Đời nguời hữu hạn, ta tích cực chu toàn những công việc trong khả năng mình, không thể đòi hỏi khắc khe phải làm tốt mọi mặt.
27.Đoạt Giải Vô Địch Lần Thứ 3
Tháng 11 năm 1997, tôi và Sư huynh Lữ Khâm cùng đại diện đội TQ dự giải Thế Giới lần 5, chiến dịch giành Cúp Vô địch chủ yếu diễn ra giữa hai tuyển thủ TQ. Nhờ kỳ phong sắc bén và xuất chiêu hung bạo, Lữ Khâm chiếm nhiều ưu thế khi đấu với những kỳ thủ có thực lực kém hơn trên đấu trường quốc tế. Trong 9 ván đấu, Anh đánh huề với tôi và thắng trọn 8 ván còn lại ! Tôi dốc toàn lực thi đấu lại gặp phải sự cản đuờng của Lý Cẩm Hoan ở vòng 8, tôi như một lực sĩ chạy tốc lực 100 m bị “khựng” nhẹ trong giai đoạn nước rút, đã để đối thủ về đích trước! Ván cờ huề này đã làm tôi mất cơ hội đoạt giải, cuối cùng tôi chỉ giành được Á Quân cá nhân và Vô Địch toàn đội.
Sau giải đấu, có ký giả hỏi về cảm nghĩ trong giải đấu này, tôi trả lời thẳng thắn rằng: “Dưới mắt tôi , Á Quân không có ký lô nào hết !”
Vì tuổi trẻ bồng bột, lúc bấy giờ tôi chỉ biết đặt nặng đoạt giải là mục tiêu duy nhất, đó là động lực thúc đẩy tôi tiến mạnh nhưng đồng thời cũng làm mất đi cái ” Tâm bình thường “. Nhiều năm về sau khi nhìn lại, mới nhận ra rằng mỗi giải đấu trước đây chẳng qua là chỗ tạm nghỉ chân của cuộc hành trình lâu dài trong một đại chiến dịch cuộc đời; việc thắng thua được mất trong quá trình ấy chỉ mang cho ta cái vui buồn tạm thời, sự gột rửa của tuổi đời và kinh nghiệm tích luỹ trong cuộc sống đã khiến tất cả trở nên không còn đáng quan tâm nữa. Nhưng điều quan trọng là tôi đã từng sống và chiến đấu trong môn nghệ thuật trí tuệ mà tôi yêu thích này.
Năm 1998 tôi trở lại đấu trường với khí thế hùng mạnh, tóm gọn cùng lúc hai giải Vô Địch nặng ký là “Ngũ Dương Bôi” và “Ngân Lệ Bôi” vào túi và thừa thắng xông lên, tôi giựt luôn Cúp Vô Địch giải cá nhân Toàn Quốc lần 3 năm 1998.
Ở đây, tôi lần nữa phải nhắc đến Diêm Văn Thanh, một đại cao thủ nội lực thâm hậu, ngoại công thuợng thừa. Anh không phải là địch thủ mạnh nhất của tôi và chúng tôi không giao tiếp nhiều, nhưng Anh vẫn là nguời mà tôi rất quý mến.
Trong giải này Văn Thanh có cơ hội tuyệt hảo để giựt cúp Vô địch, Anh đánh rất xuất sắc: khai cuộc mới lạ, độc đáo và giàu chỉ tiến thủ, hỏa hầu trung tàn điêu luyện. Anh đã hạ liên tục nhiều địch thủ lợi hại, một mình một ngựa dẫn đầu với chiến tích oai hùng 5 thắng 5 hoà trong 10 ván đầu. Những người theo sau gần nhất đều thua Anh 1điểm lớn ( cách tính điểm bấy giờ là thắng 1 điểm, hoà 0.5 điểm và thua 0 điểm ). Và cuộc chiến chỉ còn một vòng cuối, Anh chỉ cần cầm huề là có thể nghênh ngang bước lên đài danh vọng. Và tôi là người đã cản trở bước tiến Anh tại cửa ải cuối cùng. Đây là ván đấu suốt đời khó quên của đôi bên, nó đưa bên thắng lợi lên đỉnh cao vinh quang đồng thời mang sự nuối tiếc ân hận cho phía thất bại . Trong bảng điểm cho thấy tôi thua Văn Thanh 1 điểm lớn, nhưng điểm nhỏ ( điểm đối thủ ) của tôi rất cao, nghĩa là nếu thắng Văn Thanh, nhờ ưu thế điểm nhỏ là tôi sẽ giành chức Vô Địch.
Chiến dịch sanh tử đã mở màn. Truớc trận đấu tôi đã có phương châm tác chiến rỏ ràng. Vì bố cục của Văn Thanh quá ư hoàn chỉnh nên tôi cố ý tránh những khai cuộc bài bản, chơi những nuớc biến phức tạp; nên ngay giai đoạn khai cuộc tôi đã tận lực cầu biến, bố trí nghi binh để tìm chiến cơ. Văn Thanh cẩn thận từng nước ứng đối, tuy không gì sai sót nhưng mỗi nuớc đi đã làm Anh mất nhiều giờ và tạo thành căn nguyên khủng hoảng thời gian về sau. Đi vào trung biến, cuộc diện vô cùng phức tạp, khó bề phân định tình thế ưu liệt. Vì thời gian eo hẹp, Văn Thanh không còn nhiều thì giờ suy nghĩ để phán đoán chính xác tình hình bên địch,nên chỉ sau vài nước sơ không rỏ ràng lắm thì cục diện Anh đi vào vực thẳm vô phương cứu chữa.
Tôi không hiểu Anh đã chuẩn bị cho cuộc chiến quan trọng này như thế nào trước ngày quyết chiến. Thật thế, yếu tố tâm lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát huy của kỳ thủ trong đấu trường, nhưng đó không phải là nhân tố quyết định duy nhất. Kỳ chiến phức tạp và mang nhiều biến số, sự thật cho thấy dù chúng ta cố gắng nhiều để tìm những nước đi chính xác, nhưng trong thực tế chúng ta vẫn cứ phạm sai lầm, không ai dám đảm bảo rằng không hề phạm tí ti lỗi lầm trong một ván cờ. Nói cách khác, thi đấu cờ tướng chính là cuộc thi xem ai ít phạm sai lầm nhất ! Vì thế, ta nên có cái nhìn khoan dung, rộng lượng hơn cho những nguời thất bại. Mặc dầu Văn Thanh không đoạt giải như ý nguyện, nhưng đã để lại những điểm son trong chiến dịch cá nhân, lịch sử sẽ đánh giá công chính, công minh đúng với vai trò và sự cống hiến của nguời dũng sĩ can truờng có cá tính tươi sáng trong làng cờ tướng này. Văn Thanh nổi bật hơn tôi nhiều trong giải Toàn Quốc này. Trong 9 ván đầu tôi chỉ thắng 2 huề 7 và từ vòng 5 đến 9 tôi đã huề 5 ván liền. Tôi bước đi từng bước khó khăn trong hàng ngũ cao thủ tuyệt đỉnh, tuy không thậm tệ như tình cảnh “Nghìn buồm nhanh lướt qua cạnh thuyền chìm”, nhưng đối với một kỳ thủ chí hướng cao xa thì tôi đã rơi vào trạng thái tầm thường, vô tích sự; tuy nhiên dưới cái bề ngoài xem như tầm thường ấy, tôi vẫn không buông bỏ cái lý tưởng trong lòng. Ánh nến lòng tuy u ám nhưng chưa bao giờ tắt, cơ may chưa đến thì tạm ẩn nấp nhẫn nại chờ thời. Đạo lý quan trọng nhất cờ tướng gởi đến ta là : ” Mọi sự vật không thể đi ngược với quy luật phát triển khách quan”.
Trong khi hòa liên tục, thì tôi thắng đuợc ván cờ ở vòng 10, nhưng sự việc lại thay đổi bất ngờ, chỉ nhờ một ván thắng đã cho tôi có dịp tranh giành ngôi báu, đó là một sự may mắn ! Vâng, sự may mắn là món quà quý báu hiến tặng của Thượng Đế ! Tôi tin rằng những người luôn giữ thái độ tích cực hướng thượng sẽ càng được sự chiếu cố của thần may mắn hơn.
28.Thăm Viếng Nước Ngoài
Sau giải toàn quốc tôi theo phái đoàn cờ tướng Trung Quốc đến viếng thăm Úc Châu, cùng đi có nữ kiện tướng Kim Hải Anh, cô vừa đoạt giải Vô Địch toàn quốc nữ; ngoài hai nhà Vô địch mới ra lò còn có ngôi sao Bắc đẩu danh tiếng lẫy lừng của làng cờ là Hồ tư lệnh và cô Lý Tuyết, người tinh thông Anh ngữ, tháp tùng để bảo giá hộ hàng cho nhóm kỳ thủ mù tịt tiếng Anh này.
Sydney là nơi nhiều người Hoa trú ngụ, cơ sở phát triển cờ tướng cũng tốt. Tại đây, chúng tôi bất ngờ gặp đuợc nhà viết truyện kiếm hiệp danh tiếng Lương Vũ Sanh. Thời gian cải cách TQ mới bắt đầu, truyện kiếm hiệp của ông Lương đã dẫn truớc đi vào vùng đất liền, dấy lên làn sóng mê truyện võ hiệp lâu ngày không ngớt. Ông là người mê cờ, nhiều năm trước đã viết những bài bình luận cờ tướng khá chuyên nghiệp. Tôi nghĩ ông Lương sinh sống ở hải ngoại nhiều năm chắc không nắm rỏ tình hình làng cờ trong nước, ngờ đâu vừa gặp mặt ông đã dí dỏm gọi đùa tôi là ” Thiếu niên Khương Thái Công “, đó là một biệt danh đặt bởi một ký giả ở Thượng Hải năm 1994. Nguyên đây là biệt hiệu của tay cờ vây thiên tài Lý Xương Cảo của Hàn Quốc, nhưng vì tôi và Lý có nhiều điểm giống nhau, nên ký giả nọ lấy đó gán cho tôi, sau này dần lan rộng trong làng cờ.
Tôi rất xúc động khi gặp ông Lương. Tôi mê kiếm hiệp mà ông cũng thích cờ, nếu có dịp chuyện trò với ông thì thật là một chuyện thú vị biết bao. Nhưng vì hành trình đã sắp xếp, không có thời gian nán lại, thật đáng tiếc vô cùng.
Đoàn chúng tôi bắt đầu hướng về thành phố Melbourne, suốt cuộc hành trình tràn đầy câu ca, tiếng cười. Đến nơi, chúng tôi được sự đón tiếp của hội trưởng hiệp hội cờ tướng Melbourne gốc nguời Quảng Châu, tiếng Quan thoại của ông ta mang nặng khẩu âm Quảng Đông tiêu biểu.
Sau khi hoàn tất nhiệm vụ giao lưu văn hoá, ông Hội trưởng nhiệt tình đảm nhận vai trò hướng dẫn tham quan cho chúng tôi . Theo sự giới thiệu của ông, thời tiết Melbourne thay đổi bất thường lắm, có lúc trong ngày có bốn “Quý “( mùa) ( nguyên văn hai chữ"四贵” nghĩa là bốn cái “quý”, quý đây là quý hiếm,quý giá… chứ không phải"四季” là bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông LND ), sau đó chuẩn bị đưa chúng tôi đi tham quan đài Tưởng Niệm “Quan” nhân ( nguyên văn hai chữ"关人"quan nhân , là giam nhốt , cầm tù người ta… chứ không phải"军人"nghĩa là quân nhân LND ).
Nghe xong tôi nhịn không được suýt phì cười, những người khác tý nữa là ngất xỉu. Hồ tư lệnh còn chơi “ác”, thêm mắm thêm muối bắt chước nhái lại câu chuyện khiến mọi người ôm bụng cười mãi không thôi.
Lần viếng thăm thăm nước Pháp thì thú vị vô cùng và cũng là lần đầu tiên tôi nếm mùi đánh cờ thâu đêm suốt sáng . Theo chương trình sắp xếp, Lữ Khâm và tôi sẽ tiến hành 4 ván đấu biểu diễn ở Hội Quán Triều Châu tại Ba Lê, nên máy bay vừa hạ cánh chúng tôi đã vội vã đi về hội Quán và bắt đầu nhập cuộc ngay, bấy giờ là rạng sáng nếu tính theo giờ Bắc Kinh. Sức khỏe đôi bên chênh lệch thấy rỏ trong suốt cuộc đấu , cặp mắt tinh anh của Lữ Khâm lúc nào cũng nhấp nhánh không tỏ vẻ một tỉ ti mệt mỏi, tôi vì lý do thể lực nên không thể tập trung cao độ vào cuộc chiến, cuối cùng đã phải ngã gục duới các “tàn chi quái chiêu” hung hãn của Sư huynh trong ván đầu. Thua ván này, tôi mất cơ hội tranh thắng.
Trong thời gian đó chúng tôi đã đánh nhiều trận Xa luân chiến cùng các kỳ thủ địa phương. Xa luân chiến còn gọi là Đánh nhiều mặt, lợi cho việc đáp ứng yêu cầu cùng lúc cho nhiều người .
Kỳ thủ cờ tướng nước Pháp lâu nay vẫn xưng hùng ở Âu Châu, ngoài những cao thủ người Hoa, còn nhiều tay cờ giỏi đến từ Việt Nam. Họ đều phải làm việc để mưu sinh, không có nhiều thời giờ để đánh cờ; vì thiếu cơ hội rèn luyện trong các giải cờ có chất lượng, cho nên khi trình độ lên đến một mức độ nào đó thì dừng lại. Tôi nghĩ rằng nếu có kế hoạch mời đội TQ đến tổ chức những lớp bồi huấn định kỳ thì trình độ cờ tướng Pháp sẽ bước thêm những bước dài. Thế mới thấy kỳ thủ chuyên nghiệp TQ quá may mắn , chỉ một lòng một dạ nghiên cứu cờ tướng mà không phải bận tâm sinh kế.
Ba Lê là thủ phủ nghệ thuật thế giới, chúng tôi được dịp đi tham quan những kiến trúc nổi tiếng như tháp Eiffel, Khải hoàn môn (Arc De Triomphe), Viện Bảo tàng Louvre, Cung điện Versailles, Notre Dame v.v…
Là một cường quốc truyền thống trong khối Âu Châu, Pháp đã để bại trận quá dễ dàng trong thế chiến 2 , điều này khiến tôi nghĩ đến thời nhà Tống cũng trong thời kỳ phát triển rực rỡ về nghệ thuật, lại bị các nước láng giềng háo chiến ăn hiếp. Nặng về nghệ thuật văn hóa thì sẽ yếu về quân sự, đó là quy luật xưa nay?
Lúc đó đội bóng đá nước Pháp còn chưa nổi tiếng cho mãi đến khi Pháp gặp Ba Tây trong trận chung kết giải thế giới năm 1998, bấy giờ nhiều người vẫn còn mù quáng cho rằng đội Ba Tây có lợi thế chiến thắng hơn. Và dù cho sau này người ta có nhiều cái nhìn khác nhau về kết quả trận đấu, nhưng điều không chối cãi đuợc là lúc bấy giờ trình độ kỹ thuật bóng đá Pháp đã đạt đỉnh cao thế giới rồi. Túc cầu Pháp vẫn tiếp nhận sự huân đúc của nghệ thuật, văn hoá trên đất nuớc lãng mạn này ,đồng thời đã ấp ủ cho ra đời Zidane, một thiên tài bóng đá, cũng là đứa con cưng của nước Pháp. Ngôi sao Zidane xứng đáng được tôn xưng là nghệ thuật đại sư trong làng bóng, vì mãi đến nay vẫn chưa ai sánh bằng ông về sự lý giải cũng như nắm bắt hiện tượng, bản chất của bóng đá. Lối chơi của ông thiên nhiều về khống chế và ít tấn công, cái lý niệm hoặc phong cách chơi này đã ảnh hưởng trực tiếp đến ước muốn phá lưới của Ông. Banh lọt lưới không nhiều, nhưng âu cũng là một cách diễn dịch khác của nghệ thuật bóng đá vậy. Người ta rất kính trọng ông. Zidane là ngôi sao bóng đá tôi tôn sùng nhất.
29. Trở Thành Nhà Vô Địch Thế Giới
Tháng 10 năm 1999 tại Thượng Hải, tôi đã tròn giấc mộng Vô Địch cá nhân thế giới. Thượng Hải là nơi đất lành chim đậu. Năm 1988 tôi đoạt ngôi báu Vô địch Thiếu niên và mười một năm sau cũng tại đây, tôi lần nữa đăng quang giải Thế giới . Thượng Hải quả là vùng đất may mắn của tôi.
Tiêu điểm giựt giải lần này nằm trong ba nguời là tôi, Văn Thanh và Ngô Quế Lâm, kỳ vương Đài Loan. Ngô là thuợng khách của giải thế giới, Ông luôn là kỳ thủ đại diện của Đài Loan. Xét về thực lực lúc đó, ngoài những kỳ thủ nội địa thì Ngô Quế Lâm đứng đầu.
Ngô dày dạn kinh nghiệm chiến trường, chiến luợc chiến thuật rõ ràng, khi đụng đấu thủ TQ thì “dĩ hoà vi quí”, gặp tuyển thủ nước ngoài thì “đánh hoài không nghỉ” tận lực tranh thắng, còn tôi thì không có sách lược phân minh như thế. Và chúng tôi đụng nhau ở vòng 4, Ngô lấy hai chữ “bình ổn” làm phương châm cho cuộc chiến.Trong giai đoạn khai cuộc tôi không giành được ưu thế gì cả ,chỉ còn cách cẩn thận đối phó, địch đi sao ta đi vậy; hai bên đã nhanh chóng đổi cặp xe đi vào tàn cuộc, tôi cầm Mã Pháo Chốt đối chọi với Mã Pháo Sĩ Tượng toàn của Ngô. Lúc đó mọi người nghĩ rằng trận đấu sắp kết thúc, nhưng nguời trong cuộc lại biểu hiện sự kiên nhẫn vô cùng và ý chí quyết chiến cao độ. Tôi nhờ có ưu thế hơn một Chốt nên dốc toàn lực để tìm đuờng thắng. Sau vài hiệp qua lại, tôi đã chụp được sơ hở đối phương và từ từ hình thành một thế tấn công có lợi. Ngô Quế Lâm sau một nước sơ, lập tức tập trung lực lượng lại, thu nhỏ phòng tuyến để tạo thế phòng ngự kiên cường nhất.
Cuộc diện phát triển theo huớng có lợi cho tôi, chú Chốt đỏ tiến vững từng buớc dưới sự phối hợp và yễm trợ hữu hiệu của Pháo Mã , lực lượng tiên phong đã chiếm cứ vị trí yết hầu của địch, đồng thời cặpTượng đen, hai thủ vệ đắc lực, đã bị diệt trừ! Trong thế nguy khốn, Ngô không nản lòng, ông bình tĩnh thẩm định lại cuộc thế, rồi dùng hai thị vệ cuối cùng, cặp Sĩ, kềm chật Chốt tôi ở vị trí Tượng đen . Từ đó, chàng dũng sĩ tí hon của tôi chỉ còn đứng nhìn Tướng đen trong gang tất, nhưng vô phương bắt trói Tướng địch được.
Trong tàn cuộc, mặc dầu quân lính thưa thớt, nhưng không thể vì thế mà xem nhẹ tác dụng của từng nước đi. Này nhé, một nước phi Mã không đáng để mắt tới, lại thường hàm chứa một kế hoạch tấn công chết người; một nước rút Pháo bình thường , cũng có thể là dấu hiệu chuyển hướng tấn công…Nhưng tất cả mọi nước đi mang tính nguy hiểm đều không thoát khỏi ánh mắt anh minh của Ngô Quế Lâm, ông đã thành công hoá giải tất cả những đợt tấn công của tôi. Cuộc đọ sức dài đằng đẵng không kết quả, cuối cùng đôi bên đồng ý ký hiệp nghị hòa bình.
Ván cờ bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 4 giờ mấy buổi chiều, cuộc đấu trí đấu dũng hơn 8 tiếng không giờ nghỉ trưa, nhưng đôi bên vẫn giữ tinh thần chiến đấu chí cao độ trong suốt cuộc chiến. Đó là ván đấu dài nhất trong đời tôi.
Đấu cờ tuy thuộc dạng đọ sức về trí tuệ, nhưng mức độ kịch liệt không thua bất cứ môn đấu thể lực nào, vì thế người ta còn gọi cờ tướng là “Cuộc chiến thầm lặng không âm thanh”, vì ngoài việc đòi hỏi kiến thức chuyên môn về kỳ chiến, còn yêu cầu người trong cuộc phải có phẩm cách, ý chí kiên cường và sức khỏe sung mãn.
Cờ tướng còn là cuộc chiến của chiến sĩ cô độc, không nghe tiếng hò reo,gào thét, phất cờ, cổ võ trợ uy, hồ hởi phấn khởi của khán giả. Ngọn lửa chiến đấu bừng bừng bốc cháy trong bàn cờ đối nghịch rõ nét với sự im lìm thin thít của hội trường thi đấu. Nhưng trong ván cờ “Marathon” này, chúng tôi không thấy cô đơn vì có hai mỹ nhân bên cạnh đi cùng chúng tôi ,suốt cuộc đấu, đó là hai người đẹp cô Cao Ý Bình và cô Văn Tịnh.
Lúc đó cô Cao ý Bình và Ngô Quế Lâm đã kết nghĩa vợ chồng, cùng viết nên khúc nhạc duyên tình tốt đẹp của eo biển hai bờ. Còn cô Văn Tịnh và tôi đang chìm đắm trong bể yêu đương. Cô nguyên là kỳ thủ chuyên nghiệp, đã cùng tôi đi khắp nơi chinh chiến trong những giải cá nhân, toàn đội; rồi dần dần tôi phát hiện tâm tư cô không còn để trong ván cờ của mình nữa. Khách quan mà nói, nếu không vì bận tâm chiếu cố tôi, cô có năng lực tiến bước xa hơn trong nghiệp cờ. Trong giải thế giới lần này, cô cùng đi với nhiệm vụ chính là để cổ võ tinh thần chiến đấu cho tôi. Cô đứng cạnh theo dõi suốt trận đấu và còn hồi hộp hơn cả người trong cuộc. Đến giờ trưa, ban tổ chức tạm cung ứng một ít bánh trái lót lòng, hai đấu thủ chỉ ăn sơ cho bổ sung thể lực. Nhưng cô Văn Tịnh không tâm tư nào để ăn uống, cặp mắt long lanh chăm chú nhìn bàn cờ như sợ sơ ý thì cuộc diện sẽ đi theo hướng phát triển cô không muốn.Sau trận đấu, cô đã rơi mắt khi nhìn thấy khuôn mặt bơ phờ mệt mỏi của tôi. Là một kỳ thủ, cô biết rất rõ nỗi vui buồn, sung sướng cũng như gian nan của kỳ chiến. Cô tiếc cho sự nỗ lực của tôi không mang lại kết quả như ý muốn và lo lắng cho đoạn đường chiến đấu sắp đến của tôi. Tôi không biết, nếu thiếu sự ủng hộ tinh thần của cô, liệu tôi còn giữ được trạng thái thi đấu cao độ sau trận ác chiến vừa rồi không?
Bây giờ, Văn Tịnh đã là vợ tôi, cô không còn thuờng xuyên đi cùng tôi trong những tháng ngày chinh chiến Bắc Nam đuợc nữa. Nhưng tôi hiểu, dù ở đâu, bất cứ lúc nào cô vẫn luôn âm thầm ủng hộ tôi. Tôi chiến đấu đơn độc nhưng không thấy cô đơn lạnh lẽo.
Đối với một kỳ thủ, mỗi trận ác chiến đều là cơ hội tôi luyện cho tinh thần và ý chí thêm vững mạnh. Con đường trước mặt tuy gập ghềnh khó đi, nhưng tôi đã đầy đủ tự tin và sẵn sàng đối mặt với mọi thách thách.
Đồ long bảo đao của tôi càng trở nên sắc bén sau trận kịch chiến, tôi thắng liên tiếp những ván sau và cuối cùng làm tròn giấc mộng Quán quân Cá nhân Thế Giới.
Vô địch giải Thế giới là danh dự cao quý nhất của kỳ thủ, nhưng sự nghiệp cờ không dừng lại ở đó, nên ngày nào còn sống với cờ thì ngày đó còn phải t leo tiếp lên những đỉnh cao nghệ thuật vậy.Win-Win: We win many times.
-
Post Thanks / Like - 23 Thích, 0 Không thích
tinhlahan702, deadman, dangtrang90, HoVinhHoa, 6789, hp007hp, hoanghm, song_huong, Congaco_H1R5, ahua575, phieumien, tramphungchau, LêMinhKhuê, dinhhoang_208, Napoli, saomai_08, redtn2002, 123456, truongbatoanhatinh,
Alent_Tab, langtugiangho, vuminh999999, trung_cadan đã thích bài viết này -
03-09-2014, 02:13 PM #28
Ván đấu của Hứa Ngân Xuyên VS Đào Hán Minh: công nhận con ngựa của Đào công tử ghê quá chui thẳng vô góc kẹt nằm ngoài dự tính của HNX
Win-Win: We win many times.
-
Post Thanks / Like - 8 Thích, 0 Không thích
6789, song_huong, ducanhducanh, phieumien,
Alent_Tab, tramphungchau, 123456, trung_cadan đã thích bài viết này -
03-09-2014, 09:25 PM #29
Bài dịch quá hay của bác Tô Tử Hùng , riêng phần cuối nói về Văn Tịnh lão Hứa hồi ức khô khan quá , phải ướt át lên chứ lỵ !!!
CÓ CHỖ ĐỨNG , CỨNG CHỖ ĐÓ
Đăng Ký tham gia Học cờ trực tuyến - Học cờ online - Cơ hội nâng cao kỳ nghệ cùng kiện tướng quốc gia Vũ Hữu Cường , Bình luận viên kiêm nhà tổ chức Phạm Thanh Trung :
CHAT ZALO : 0935356789
Website học cờ trực tuyến : http://hocco.vn/
Link hướng dẫn : http://thanglongkydao.com/threads/10...993#post582993
-
Post Thanks / Like - 11 Thích, 0 Không thích
tramphungchau, hp007hp, song_huong, ducanhducanh, truongbatoanhatinh, ahua575, phieumien,
Alent_Tab, LêMinhKhuê, chan_doi2810, 123456 đã thích bài viết này -
04-09-2014, 12:41 AM #30
Đào Hán Minh trung tàn chơi ghê gớm thật, toàn nước đi đối thủ không ngờ tới, giải vừa rồi 2014 đánh ăn cả Hồng Trí 2 ván cơ tiêu chuẩn và cờ nhanh đủ biết thế nào. ván đánh với Hứa Ngân Xuyên quá hay- cái nước thúc tốt và nước tiến pháo trong giai đoạn tàn cuộc hay quá- Hứa Ngân Xuyên đi mã thối 9 - không dám ăn tốt vì bị mã thối bắt đôi cây rồi kiên cường chống đỡ mới hòa được
-
Post Thanks / Like - 6 Thích, 0 Không thích
hp007hp, tramphungchau, ducanhducanh, truongbatoanhatinh, chan_doi2810, trung_cadan đã thích bài viết này
Hứa Ngân Xuyên tự truyện - dịch giả : Danh thủ Tô Tử Hùng !!!
Đánh dấu